Cho dù những lời đồn tiếp tục vẽ nên chiều hướng đáng sợ của cuộc thanh trừng đẫm máu, vợ chồng Đại sứ Dodd vẫn không muốn hủy lễ ăn mừng ngày 04 tháng 07 của Đại sứ quán, một bữa tiệc với ba trăm khách mời. Việc tổ chức tiệc còn nhằm một lí do khác: biểu tượng cho một nước Mỹ tự do và mang lại quãng thời gian thư giãn, sau sự kinh hoàng ngoài kia. Đây sẽ là dịp chính thức đầu tiên để người Mỹ và người Đức gặp gỡ nhau trực tiếp, kể từ ngày nghỉ cuối tuần. Các bạn bè của Martha cũng được mời, bao gồm Mildred Fish Harnack cùng chồng, Arvid, còn Boris hình như không tham dự. Một vị khách, Bella Fromm, tả lại rằng “bầu trời sấm chớp” tỏa khắp bàn tiệc. “Các nhà ngoại giao có vẻ bồn chồn,” cô viết. “Những người Đức đang bị kích động.”
Vợ chồng Dodd đứng trước cửa phòng khiêu vũ chào đón từng vị khách. Martha thấy bề ngoài cha cô đang cư xử như ông luôn làm thế, khéo che giấu nỗi chán chường bên trong bằng những câu nói hóm hỉnh, những lời châm biếm mỉa mai. Ông mang sắc mặt của kẻ đa nghi thích thú, bề ngoài trông lúc nào cũng như sắp cười.
Mẹ cô diện chiếc váy dài màu xanh dương và trắng, chào đón khách khứa với phong thái bình lặng vốn có - tất cả sự duyên dáng miền Nam, với mái tóc bạc và trọng âm dễ nghe. Nhưng Martha phát hiện thấy hai má bà đỏ bừng, mắt bà ánh lên màu đen đẹp đến choáng ngợp, đặc biệt là vào những dịp này.
Trên các bàn tiệc, khắp phòng khiêu vũ và trong vườn được trang trí các bó hoa ba màu đỏ, xanh dương và trắng cùng các lá cờ Mỹ cỡ nhỏ. Một ban nhạc lặng lẽ chơi các ca khúc Mỹ. Trời ấm áp nhưng nhiều mây. Các vị khách dạo quanh nhà và vườn. Nhìn chung, ngôi nhà chìm trong cảnh thanh bình và không thực, tương phản mạnh mẽ với cảnh đẫm máu suốt hai mươi tư giờ qua. Anh em Martha hẳn cũng nhận ra sự khác biệt quá rõ nét này, nên họ quyết định chào đón các vị khách Đức trẻ tuổi hơn bằng câu hỏi, “Vẫn còn sống à?”
“Chúng tôi nghĩ rằng mình đang châm biếm, cho bọn Đức thấm thía cơn tức giận của chúng tôi,” cô viết. “Tất nhiên nhiều người rất khó chịu. Mấy tên Quốc xã vô cùng tức giận.”
Khách khứa mang theo tin tức mới mẻ. Thi thoảng một phóng viên hoặc nhân viên Đại sứ quán lại kéo Dodd ra một bên để nói chuyện. Một chủ đề chắc chắn được nói tới, là luật mới được nội các Hitler ban hành hôm kia, hợp pháp hóa tất cả các vụ giết người, biện minh là những hành động được thực thi nhằm “bảo vệ quốc gia khẩn cấp”. Các vị khách trông nhợt nhạt và run rẩy, lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra cho bạn bè họ khắp thành phố.
Fritz, lão quản gia, chuyển lời cho Martha rằng một vị khách đang đợi cô dưới nhà.. “Cậu bé nhà Papen,” Fritz nói. Chàng Papen nhỏ tuổi - con trai Phó Thủ tướng, Franz Jr. Martha đang đợi cậu ta và bảo mẹ rằng nếu cậu ta xuất hiện, bà sẽ phải tránh đi. Cô vỗ nhẹ cánh tay mẹ và rời khỏi khu tiếp tân.
Franz cao ráo, tóc vàng và mảnh mai, gương mặt được chạm khắc sắc nét, với “một vẻ đẹp tinh khiết - như con cáo lông vàng,” Martha nhớ lại. Cậu ta cũng rất phong nhã. Cô viết, khiêu vũ với cậu ta “cứ như sống cùng âm nhạc vậy”.
Franz nắm cánh tay cô, nhanh nhẹn kéo cô ra khỏi nhà. Họ băng qua đường vào công viên Tiergarten, đi dạo một lúc, xem có ai theo dõi không. Thấy không có ai, họ bước đến một quán cà phê ngoài trời, chọn một bàn rồi gọi đồ uống.
Nỗi khiếp đảm của vài ngày qua còn vương trên mặt Franz và trong thái độ của cậu. Khiếu hài hước, dí dỏm thường thấy cũng biến mất vì lo âu.
Cho dù biết ơn sự xuất hiện của Đại sứ Dodd bên ngoài nhà mình, Franz hiểu rằng thứ đã thực sự cứu mạng cha cậu là quan hệ của ông ta với Tổng thống Hindenburg. Tuy nhiên, ngay cả sự gần gũi ấy cũng không ngăn cản được SS khủng bố Papen và gia đình ông ta, như Franz lúc này thổ lộ. Hôm thứ Bảy, lính SS có vũ trang đã chiếm các vị trí trong căn hộ của gia đình cậu và tại lối vào con phố. Chúng nói với ngài Phó Thủ tướng rằng hai trong số các nhân viên của ông ta đã bị bắn chết, và cảnh báo rằng kết cục tương tự đang chờ đợi ông ta. Chúng nói rằng mệnh lệnh sẽ đến vào bất kì lúc nào. Cả gia đình cậu trải qua một kì nghỉ cuối tuần cô độc và kinh hoàng.
Franz và Martha nói chuyện một lúc lâu nữa, sau đó cậu hộ tống cô ra khỏi công viên. Cô quay về bữa tiệc một mình.
Một buổi chiều muộn trong tuần đó, bà Cerruti, phu nhân Đại sứ Italia, vô tình nhìn ra từ cửa sổ nhà riêng của bà, đối diện nhà Röhm bên kia đường. Vào lúc ấy, một chiếc xe to tấp vào lề bên đó. Hai người đàn ông xuống xe, đi vào nhà, rồi bước ra, tay xách theo các bộ vest và quần áo khác của Röhm. Xe còn quay lại vài lần nữa.
Nhìn cảnh này, các sự kiện của tuần trước hiện ra rõ mồn một trong tâm trí bà. “Hình ảnh những bộ quần áo bị cướp khỏi tay chủ nhân của chúng, khiến tôi buồn nôn,” bà nhớ lại trong hồi kí. “Rõ ràng là ‘quần áo của người đã khuất’, khiến tôi phải quay mặt đi.”
Bà trải qua “cơn căng thẳng thần kinh định kì”. Bà chạy lên gác và thề ngay lập tức rời khỏi Berlin. Ngay hôm sau, bà đi Venice.
Gia đình Dodd biết rằng Wilhelm Regendanz, chủ nhà băng giàu có từng chủ trì bữa tối định mệnh dành cho Đại úy Röhm và Đại sứ Pháp François-Poncet tại nhà riêng ở Dahlem, đã cố gắng thoát khỏi Berlin vào ngày thanh trừng và an toàn đến London. Tuy nhiên, bây giờ ông ta sợ rằng có thể không bao giờ về nước được nữa. Tồi tệ hơn, vợ ông ta vẫn đang ở Berlin. Đứa con trai đã trưởng thành của ông ta, Alex, người cũng có mặt trong bữa tối hôm ấy, đã bị Gestapo bắt giữ. Ngày 03 tháng 07, Regendanz gửi thư cho bà Dodd hỏi rằng liệu bà có thể đến Dahlem xem vợ con ông ta thế nào, và gửi đến vợ ông ta “những lời chúc chân thành nhất của tôi”. Ông ta viết, “Có vẻ như bây giờ tôi trở thành nghi phạm rồi, vì quá nhiều nhà ngoại giao đã từng đến nhà tôi, và vì tôi cũng là bạn của Tướng von Schleicher.”
Bà Dodd và Martha lái xe đến Dahlem gặp bà Regendanz. Một cô hầu gái gặp họ ngoài cửa, mắt đỏ hoe. Không lâu sau đích thân bà Regendanz bước ra, trông đen sạm và gầy đi, đôi mắt trũng sâu, vẻ căng thẳng thay thế thái độ cầu kì, kiểu cách thường ngày. Bà ta quen biết Martha và Mattie, nên lúng túng khi thấy hai người đến nhà mình. Bà dẫn họ vào nhà. Nói chuyện một hồi, hai mẹ con thuật lại thông điệp của chồng bà ta. Hai tay ôm mặt, bà vợ khóc nức nở.
Bà ta kể lại nhà mình bị lục soát ra sao, hộ chiếu của bà ta bị tịch thu như thế nào. “Khi bà ấy nói về con trai mình,” Martha viết, “vẻ tự tin của bà ấy sụp đổ, bà ấy trở nên hoang tưởng vì sợ hãi.” Bà ta không biết Alex đang ở đâu, hay liệu nó còn sống hay đã chết.
Bà ta van xin mẹ con Martha hãy tìm Alex và đến thăm nó, mang thuốc lá cho nó, làm bất kì điều gì để bọn bắt giữ hiểu rằng thằng bé được Đại sứ quán Mỹ để mắt đến. Gia đình Dodd hứa sẽ cố gắng. Bà Dodd và bà Regendanz đồng ý rằng từ nay trở đi bà Regendanz sẽ dùng biệt danh, Carrie, trong bất kì liên hệ nào với gia đình Dodd hoặc Đại sứ quán.
Qua vài ngày tiếp theo, gia đình Dodd nói chuyện với những người bạn có ảnh hưởng, các nhà ngoại giao và các quan chức Chính phủ thân thiện về tình hình này. Sự can thiệp của họ có giúp được hay không chẳng ai biết được, nhưng Alex được thả tự do sau một tháng bị giam. Cậu rời khỏi Đức ngay lập tức, trên chuyến tàu đêm, đến ở với cha cậu tại London.
Nhờ các mối liên hệ, bà Regendanz cũng xoay được một hộ chiếu mới và sự bảo đảm có thể rời khỏi Đức theo đường hàng không. Ngay khi gia đình đoàn tụ ở London, bà ta gửi một tấm bưu thiếp cho bà Dodd, “Đã đến nơi an toàn bình yên. Gửi đến bà lòng biết ơn sâu sắc nhất. Yêu thương. Carrie.”
Tại Washington, trưởng phòng các vấn đề Tây Âu Jay Pierrepont Moffat nhận thấy các du khách người Mỹ gửi hàng loạt câu hỏi, liên quan đến chuyện liệu du lịch đến Đức còn an toàn không. “Chúng tôi trả lời họ,” ông ta viết, “rằng trong tất cả rắc rối đến thời điểm này, không thấy người nước ngoài nào bị quấy nhiễu, và chúng tôi thấy chẳng cần phải lo việc kinh doanh của mình có bị ảnh hưởng không, hay phải làm gì để tránh rắc rối.”
Mẹ Moffatt từng sống sót qua cuộc thanh trừng bình an vô sự, sau này ông ta viết trong nhật kí, bà thừa nhận chuyện đó “hết sức hấp dẫn”.
Nhà em gái ông ta nằm trong quận Tiergarten, nơi “lính chặn hết các ngả, họ phải đi đường vòng để ra, vào.” Tuy nhiên, mẹ, con gái và cháu gái ông ta vẫn lên đường bằng ô tô, có tài xế, trong chuyến đi vòng quanh nước Đức đã lên kế hoạch từ trước.
Vấn đề Bộ Ngoại giao quan tâm là khoản tiền khổng lồ Đức chưa trả các chủ nợ Mỹ. Có sự tương đồng lạ lùng. Tại Đức, có máu, có lục phủ ngũ tạng và tiếng súng, thì ở Bộ Ngoại giao có sơ mi trắng, những bút chì đỏ của Hull và cơn giận dữ ngày càng tăng với Dodd, vì không thể thúc ép Đức thanh toán nợ nần. Trong bức điện tín gửi từ Berlin hôm thứ Sáu, ngày 06 tháng 07, Dodd báo cáo ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Neurath về vấn đề trái phiếu, rằng Neurath đã hứa sẽ làm những gì có thể, nhằm bảo đảm thanh toán lãi suất, nhưng “việc này sẽ cực kì khó khăn”. Khi Dodd hỏi Neurath có thể bảo đảm ít nhất đối xử với Mỹ như với các chủ nợ khác hay không, Neurath “chỉ bày tỏ hi vọng có thể làm được”.
Bức điện tín khiến Ngoại trưởng Hull và các bậc bô lão trong câu lạc bộ Pretty Good tức điên người. “Với màn thể hiện của mình,” Moffatt viết trong nhật kí, Dodd đã “quá yếu ớt, để mặc von Neurath cứ thế phủi tay. Ngài Ngoại trưởng biết rằng [Dodd] có quan tâm tới các lợi ích tài chính của chúng ta, nhưng ngay cả như thế, bức điện tín của Dodd khiến tôi chán ngấy.”
Hull giận dữ yêu cầu Moffatt soạn câu trả lời gay gắt dành cho Dodd, ép ông “không chỉ nắm lấy, mà còn phải biết tạo cơ hội đòi lại công bằng cho các khiếu nại của chúng ta”.
Kết quả là bức điện tín được gửi vào hồi 16 giờ, thứ Bảy, ngày 07 tháng 07, kí tên Ngoại trưởng Hull, hỏi rằng Dodd liệu có khả năng đàm phán với Đức chuyện trả nợ trái phiếu cho Mỹ hay không, “cùng với thái độ cực kì mạnh mẽ, xét trên quan điểm về logic, công bằng và tác động của nó lên gần 60.000 người nắm giữ trái phiếu vô tội ở đất nước này...”
Moffat viết, “Đó là bức điện tín khá cứng rắn, một câu trong đó ngài Ngoại trưởng đã sửa đi, với bản tính vô cùng tốt bụng của mình, nhằm xoa dịu cảm xúc của Dodd.” Moffatt lưu ý, “những kẻ bất kính” ở Bộ Ngoại giao đã bắt đầu gọi Dodd là “Đại sứ Bù nhìn.”
Trong một cuộc họp khác về tình hình trái phiếu cuối tuần đó, Hull tiếp tục bày tỏ bất mãn với Dodd. Moffatt viết, “Ngài Ngoại trưởng nhắc đi nhắc lại rằng trong khi Dodd là một người rất tốt về nhiều mặt, nhưng chắc chắn ngài có thành kiến đặc biệt với tính cách của Dodd.”
Hôm đó, Moffatt tham dự một bữa tiệc ngoài vườn tại nhà người bạn giàu có - nhà có bể bơi - “gần như toàn thể Bộ Ngoại giao” đều được mời. Có các trận đấu tennis mang tính biểu diễn và các cuộc bơi thi. Tuy nhiên, Moffatt bỏ về sớm, ông ta không muốn bỏ lỡ chuyến đi xuôi dòng Potomac bằng du thuyền “trang bị nội thất sang trọng đủ sức thỏa mãn bất kì linh hồn nào ưa hưởng lạc.”
Tại Berlin, Dodd vẫn bình thản. Ông cho rằng chẳng ích gì khi đòi bằng được khoản tiền đầy đủ, vì đơn giản nước Đức không có nhiều tiền, và còn nhiều vấn đề quan trọng hơn cần phải quan tâm. Trong một lá thư gửi Ngoại trưởng Hull vài tuần sau đó, ông viết, “Người dân chúng ta đành chịu mất tiền thôi.”
Sáng sớm thứ Sáu, 06 tháng 07, Martha đến phòng ngủ của cha chào tạm biệt ông. Cô biết ông không cho phép cô sang Nga, nhưng khi hai cha con ôm hôn, dường như ông khá thoải mái. Ông dặn dò cô phải cẩn thận, nhưng hi vọng cô sẽ có “một chuyến đi thú vị”.
Mẹ và anh trai tiễn cô đến sân bay Tempelhof. Dodd vẫn ở lại trong thành phố, hẳn nhiên ông nhận thức được báo chí Quốc xã có thể cố gắng lợi dụng sự có mặt của ông ở sân bay, vẫy tay chào từ biệt con gái mình bay sang Liên bang Xô Viết đáng ghét.
Martha đi trên cầu thang thép dẫn lên máy bay Junker ba động cơ, nó sẽ đưa cô tới chặng đầu tiên của cuộc hành trình. Một nhà nhiếp ảnh đã chụp tấm ảnh cô vui vẻ, hoạt bát trên đầu cầu thang, chiếc mũ đội lệch ngang tàng. Cô mặc áo khoác không tay ngoài áo blouse chấm bi và khăn quàng cổ hợp tông. Thật khó tin, xét đến chuyện trời nóng, cô vẫn mang theo chiếc áo khoác dài vắt trên cánh tay, cùng đôi găng tay trắng.
Sau này, cô cho rằng không biết chuyến đi có khiến báo chí hứng thú không, hay sẽ tạo ra cái gì đó như một vụ bê bối ngoại giao. Tuy nhiên, điều này có vẻ cực kì khó tin. Sau một năm, cô đã hiểu rõ những kẻ có âm mưu ngầm như Rudolf Diels và Putzi Hanfstaengl, cô sẽ không thể không nhận ra rằng ở nước Đức của Hitler, dù chỉ một hành động nhỏ nhất cũng bị phóng đại thành một quyền lực mang tính biểu tượng.
Trên phương diện cá nhân, chuyến đi của cô đánh dấu sự thật rằng các cảm tình còn sót lại trong cô đối với những con người lạ lùng, cao quý của cuộc cách mạng Quốc xã đã không còn. Và cho dù cô có nhận ra hay không, chuyến đi này được các phóng viên ảnh ghi lại, được các quan chức Đại sứ quán và những kẻ theo dõi ở Gestapo để ý, nhưng nó chính là sự thừa nhận công khai rằng ảo tưởng cuối cùng của cô đã tan vỡ.
Cô viết, “Những máu me và nỗi kinh hoàng tôi đã thấy đủ để ám ảnh tôi suốt quãng đời còn lại.”
Cha cô cũng trải qua khoảnh khắc biến đổi tương tự. Trong suốt năm đầu tiên tại Đức, Dodd không ngừng choáng váng trước sự lãnh đạm lạ lùng đối với cảnh tàn bạo diễn ra khắp đất nước này - việc quần chúng và cả những thành phần khiêm nhường trong Chính phủ này sẵn sàng chấp nhận từng mức độ đàn áp, từng hành động bạo lực mới, mà không hề phản đối. Cứ như thể ông bước vào một khu rừng tối trong truyện cổ tích, nơi tất cả các quy định về đúng sai đều đảo ngược. Ông viết thư cho bạn mình, Roper, “Tôi không thể hình dung nổi sự bùng phát bạo lực chống người Do Thái, khi ai ai cũng phải khổ sở, bằng cách này hay cách khác do thương mại sụt giảm. Cũng như không ai tưởng tượng nổi màn khủng bố kinh hoàng ngày 30 tháng 06 lại có thể được phép xảy ra ở thời hiện đại.”
Dodd tiếp tục hi vọng rằng các vụ giết người sẽ khiến quần chúng Đức phẫn nộ đến mức chế độ này sẽ sụp đổ, nhưng rồi nhiều ngày trôi qua, ông chẳng thấy cơn phẫn nộ ấy đâu cả. Ngay đến quân đội cũng bất động, dù cho hai vị tướng của họ bị sát hại. Tổng thống Hindenburg gửi Hitler một bức điện tín tán dương. “Từ những báo cáo trước mặt tôi đây, tôi được biết rằng bằng hành động quyết tâm và sự can thiệp trực tiếp quả cảm của ngài, âm mưu phản quốc đã bị bóp chết từ trong trứng nước. Ngài đã cứu nước Đức khỏi mối nguy nghiêm trọng. Vì điều này, tôi xin bày tỏ đến ngài những lời cảm ơn tận đáy lòng.” Trong bức điện tín khác, Hindenburg cảm ơn Göring vì “đã hành động mạnh mẽ, nghiền nát thành công âm mưu phản nghịch”.
Dodd biết Göring đã đích thân chỉ đạo trên bảy mươi lăm vụ hành hình. Ông rất mừng khi Göring, cũng như Röhm trước đó, đã xin lỗi không thể tham dự bữa tiệc gia đình Dodd tổ chức tối thứ Sáu, ngày 06 tháng 07. Dodd viết, “Thật nhẹ nhõm khi hắn không xuất hiện. Tôi chẳng biết phải làm gì nếu hắn đến thật.”
Đối với Dodd, trở thành nhà ngoại giao là tình cờ, chứ không phải lựa chọn của ông, toàn bộ chuyện này khiến ông cực kì khiếp đảm. Ông là một học giả và nhà dân chủ ủng hộ chủ nghĩa Jefferson, một chủ trang trại đam mê nghiên cứu lịch sử và yêu mến nước Đức ngày xưa, nơi ông đã từng theo học hồi trẻ. Giờ đây, con số những vụ giết người chính thức đang tăng lên kinh hoàng. Các bạn bè, người quen của Dodd, những người đã từng tham dự bữa tối và tiệc trà tại nhà ông đều bị bắn chết. Dodd chưa hề sẵn sàng để đón nhận chuyện này. Tất cả đã rõ ràng, ông tự hỏi rằng liệu ông có đạt được điều gì khi làm đại sứ hay không. Nếu câu trả lời là không, vậy thì ở lại Berlin còn ý nghĩa gì nữa, nhất là khi tình yêu lớn của đời ông, cuốn Miền Nam ngày xưa đang mỏi mòn chờ ông trên bàn?
Trong ông, hi vọng chỉ còn le lói. Trong nhật kí ngày 08 tháng 07, một tuần sau khi cuộc thanh trừng bắt đầu và ngay trước ngày kỉ niệm một năm đến Berlin, ông viết, “Nhiệm vụ của tôi ở đây là nỗ lực vì hòa bình và xây đắp những quan hệ tốt đẹp hơn. Tôi chẳng biết nên thực hiện điều ấy ra làm sao, chừng nào Hitler, Göring và Goebbels còn là những kẻ điều hành đất nước này. Tôi chưa từng nghe hay chưa từng biết về ba kẻ cầm quyền nào thiếu tư cách đến thế. Tôi có nên từ chức không?”
Ông đã thề không bao giờ mời Hitler, Göring hoặc Goebbels đến Đại sứ quán hay đến nhà mình, và kiên quyết thêm rằng “tôi sẽ không thèm nghe diễn văn của Thủ tướng, không thèm hỏi han Thủ tướng nữa, ngoại trừ vì công việc. Tôi cảm thấy ghê sợ phải gặp gỡ con người đó.”