Nhưng có lẽ cũng như mọi người dân Berlin, Dodd muốn nghe những gì Hitler nói về cuộc thanh trừng. Chính phủ tuyên bố Hitler sẽ phát biểu vào tối thứ Sáu, ngày 13 tháng 07, trong một bài diễn văn trước các nghị sĩ Quốc hội, tại phòng hội nghị tạm thời, gần nhà hát opera Kroll. Dodd quyết định không đến tham dự mà chỉ nghe đài. Viễn cảnh gặp gỡ và lắng nghe trực tiếp Hitler biện minh vụ thảm sát hàng loạt, cùng hàng trăm kẻ nịnh hót, bợ đỡ không ngừng chĩa thẳng cánh tay lên chào quá sức chịu đựng đối với ông.
Chiều thứ Sáu hôm đó, ông cùng François-Poncet thu xếp gặp gỡ trong công viên Tiergarten, như họ đã làm trong quá khứ, nhằm tránh bị nghe lén. Dodd muốn biết François-Poncet có tham dự buổi đọc diễn văn không, nhưng ông e sợ nếu mình đến thăm Đại sứ quán Pháp, những mật vụ Gestapo sẽ theo dõi ông và biết ông đang có âm mưu kêu gọi các cường quốc lớn tẩy chay buổi diễn văn. Đầu tuần, Dodd đã ghé thăm Hiệp sĩ Eric Phipps ở Đại sứ quán Anh và biết rằng Phipps cũng tham dự. Hai chuyến thăm đến các đại sứ quán lớn trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý.
Hôm đó trời mát mẻ và đầy nắng, chính vì thế công viên đông nghẹt người, hầu hết đều đi bộ, chỉ có vài người cưỡi ngựa, di chuyển chậm rãi trong bóng râm. Thi thoảng lại có tiếng cười, tiếng chó sủa phá tan bầu không khí, và những chùm khói xì gà bay lên như những bóng ma, chậm rãi tan đi trong tĩnh lặng. Hai ngài đại sứ dành một giờ dạo bộ.
Khi sắp chia tay nhau, François-Poncet lên tiếng trước, “Tôi sẽ không tham dự buổi đọc diễn văn.” Sau đó, ông ta chia sẻ nhận xét mà Dodd chưa từng nghe từ một nhà ngoại giao hiện đại, ở một trong những thủ đô lớn của châu Âu. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bị bắn chết trên các con phố ở Berlin,” ông ta nói. “Chính vì thế, vợ tôi vẫn ở lại Paris. Những người Đức căm ghét chúng tôi và bộ máy lãnh đạo của họ thì điên rồ.”
Hồi tám giờ tối hôm đó, trong thư viện ở số nhà Tiergartenstrasse 27a, Dodd bật đài nghe Hitler đứng trên bục đọc diễn văn trước Quốc hội. Mười hai nghị sĩ không có mặt, vì đã bị giết trong cuộc thanh trừng.
Nhà hát opera chỉ cách nơi Dodd đang lắng nghe hai mươi phút đi bộ qua công viên Tiergarten. Phía công viên gần nhà ông, tất cả thật thanh bình và tĩnh lặng, mùi hương buổi tối quyện với mùi hương của những đóa hoa đêm. Thậm chí qua radio, Dodd cũng có thể nghe thấy những tiếng xô ghế, tiếng khán thính giả chào Hitler.
“Thưa các nghị sĩ,” Hitler nói. “Những con người của Quốc hội Đức!”
Hitler thuật lại chi tiết các sự kiện hắn mô tả là âm mưu lật đổ Chính phủ của Đại úy Röhm, với sự trợ giúp của một nhà ngoại giao nước ngoài, chưa xác định được danh tính. Hắn nói, trong việc ra lệnh thanh trừng, hắn chỉ hành động vì những lợi ích tốt nhất của nước Đức, để cứu quốc gia này không chìm vào hỗn loạn.
“Chỉ có đàn áp tàn bạo và đẫm máu mới bóp chết cuộc nổi dậy trong trứng nước.” Hắn nói đích thân hắn đã chỉ đạo cuộc tấn công tại Munich, trong khi Göring, với “nắm đấm thép” cũng làm điều tương tự ở Berlin. “Nếu ai đó hỏi tại sao chúng ta không cần tòa án chính quy, ta sẽ trả lời: vào lúc đó ta phải chịu trách nhiệm trước dân tộc Đức, bởi thế cho nên, trong vòng hai mươi tư giờ đó, bản thân ta chính là Tòa án Công lí Tối cao của Nhân dân Đức.”
Dodd nghe thấy tiếng khán giả ầm ĩ đứng bật dậy, reo hò, tung hô vạn tuế.
Hitler nói tiếp, “Ta đã ra lệnh bắn chết các chỉ huy vi phạm. Ta cũng hạ lệnh phải thiêu đốt những vết loét là hậu quả của chất độc cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể chúng ta, cho đến khi cháy vào lớp thịt sống. Giết chết ngay lập tức bất kì kẻ phản loạn nào chống cự khi bị bắt. Toàn dân cần biết rằng sự tồn tại của chúng phải bị triệt tiêu, và rằng bất kì kẻ nào ra tay chống lại Nhà nước đều phải chết.”
Hắn kể ra “nhà ngoại giao nước ngoài” đã gặp gỡ Röhm, cùng nhiều kẻ khác được cho là bày mưu, và tuyên bố sau đó của nhà ngoại giao rằng cuộc gặp gỡ này “hoàn toàn vô thưởng vô phạt”. Đây là ám chỉ rõ ràng đến bữa tối François-Poncet đã tham dự vào tháng Năm, tại nhà của Wilhelm Regendanz.
“Tuy nhiên, khi ba kẻ có khả năng phản nghịch họp nhau tại Đức với một chính khách nước ngoài, một cuộc gặp gỡ mà bản thân chúng xem là vì ‘công việc’, khi chúng đuổi hết người hầu cận ra ngoài, ra các nghiêm lệnh không được thông báo cho ta về cuộc họp ấy, chúng xứng đáng bị ta bắn chết - ngay cả khi trong suốt quá trình thảo luận bí mật này, chúng chỉ nói về thời tiết, những đồng xu cũ rích và những chuyện tương tự.”
Hitler thừa nhận cái giá của cuộc thanh trừng này “rất cao”, rồi hắn lòe bịp khán giả tổng số người bị giết là bảy mươi bảy người.
Hắn cố gắng làm mềm đi con số này, khi tuyên bố hai trong số các nạn nhân đã tự sát - điều đáng nực cười - đó là trong tổng số này có bao gồm ba tên SS bị bắn chết do “ngược đãi tù nhân”.
Kết thúc bài diễn văn, hắn nói, “Trước lịch sử, ta sẵn sàng chịu trách nhiệm về hai mươi tư giờ quyết định cay đắng nhất trong cuộc đời ta, trong thời gian đó, định mệnh một lần nữa đã dạy ta phải kiên định với ý nghĩ về điều đáng trân trọng nhất chúng ta có trong tay - người dân Đức và Đế chế Đức.”
Cả hội trường vang lên tiếng hoan hô như sấm dậy, bao người cùng hòa giọng hát bài “Horst Wessel Lied”. Giá mà Dodd có mặt ở đây, hẳn ông đã thấy hai cô gái mặc đồng phục của Liên đoàn Thanh nữ Đức, chi nhánh toàn nữ của Đoàn Thanh niên Hitler, lên tặng hắn những bó hoa tươi thắm. Hẳn ông sẽ thấy Göring mạnh mẽ bước lên bục nắm tay Hitler, theo sau là các quan chức chen nhau, cúi đầu chúc mừng hắn. Göring và Hitler đứng cạnh nhau cùng tạo dáng cho các phóng viên ảnh gần đó tha hồ chụp. Fred Birchall của tờ Times chứng kiến chuyện này. “Chúng đứng đối diện nhau trên bục gần một phút, tay nắm chặt tay, nhìn thẳng vào mắt nhau, trong khi ánh đèn flash chớp lên tục.”
Dodd tắt đài. Phía công viên gần nhà ông đêm nay mát mẻ và quạnh quẽ. Hôm sau, thứ Bảy ngày 14 tháng 07, ông gửi bức điện tín mã hóa cho Thứ trưởng Hull: “KHÔNG GÌ GHÊ TỞM HƠN VIỆC PHẢI CHỨNG KIẾN ĐẤT NƯỚC CỦA GOETHE VÀ BEETHOVEN PHẢI QUAY VỀ CHỦ NGHĨA MỌI RỢ CỦA NƯỚC ANH THỜI STUART110 VÀ NƯỚC PHÁP THỜI BOURBON111...”
110 Stuart (1603 - 1714): một vương triều của nước Anh. Đây là giai đoạn đen tối của Anh quốc, khi nội chiến và xung đột tôn giáo ngập tràn.
111 Bourbon (1272 - 1848): một vương triều lâu đời ở nước Pháp.
Cuối chiều hôm đó, ông dành hai giờ lặng lẽ với cuốn Miền Nam ngày xưa, để bản thân mình lạc trôi vào kỉ nguyên khác, kỉ nguyên thấm đẫm phong cách hiệp sĩ.
Putzi Hanfstaengl, sau khi được Ngoại trưởng Neurath đảm bảo về sự an toàn, đã dong buồm về nhà. Về đến văn phòng, anh ta bàng hoàng trước vẻ ủ rũ, ngây ngây của tất cả mọi người xung quanh. Anh ta viết, họ hành xử “như thể bị chuốc thuốc mê”.
Cuộc thanh trừng của Hitler sau này nổi tiếng với cái tên “Đêm Dao Dài”, vào thời đó được xem là một trong những chương quan trọng nhất trên con đường thăng tiến của hắn, phân cảnh đầu tiên trong bi kịch vĩ đại của chính sách xoa dịu. Tuy nhiên, ban đầu không ai nhận ra tầm quan trọng của nó. Không một chính phủ nào triệu hồi đại sứ về, hoặc gửi thư từ lên án, quần chúng không ai đứng lên phản đối.
Phản ứng đúng đắn nhất của một quan chức nhà nước tại Mỹ là của Tướng Hugh Johnson, người đứng đầu Ủy ban Phục hồi Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ. Giờ đây, ông ta khét tiếng với những bài diễn văn có thái độ không đúng mực về đủ các chủ đề. (Khi một vụ đình công lớn diễn ra tại San Francisco vào tháng Bảy, do một phu khuân vác tại bến tàu là dân nhập cư Australia khởi xướng, Johnson đã kêu gọi trục xuất toàn bộ dân nhập cư.) “Vài ngày trước, tại Đức, đã diễn ra các sự kiện khiến cả thể giới bị sốc,” Johnson nói trong bình luận công khai. “Chúng ảnh hưởng đến mọi người ra sao tôi không biết, nhưng chúng khiến tôi muốn bệnh - không phải ẩn dụ, mà là bệnh nặng thật sự. Cái ý tưởng rằng người trưởng thành, biết chịu trách nhiệm có thể bị lôi ra khỏi nhà mình, bắt đứng dựa vào tường, quay lưng về phía những họng súng và bị bắn chết không ngôn từ nào diễn tả nổi.”
Văn phòng ngoại giao Đức phản đối. Đáp lại, Ngoại trưởng Hull cho rằng Johnson “phát biểu với tư cách cá nhân, không đại diện cho Bộ Ngoại giao hoặc Chính phủ”.
Phản ứng thưa thớt một phần do nhiều người Đức và sắc dân khác trên thế giới đã chọn cách tin vào tuyên bố của Hitler, rằng hắn đã đàn áp cuộc bạo loạn sắp xảy ra hứa hẹn sẽ còn đổ máu hơn nữa. Tuy nhiên, sớm có bằng chứng cho rằng, thực ra bản tường thuật của Hitler không đúng sự thật. Ban đầu, Dodd có vẻ muốn tin thực sự có chuyện như thế, nhưng ông nhanh chóng nghi ngờ. Một sự thật có vẻ rõ ràng nhất để bác bỏ kịch bản chính thức: khi trùm SA ở Berlin, Karl Ernst, bị bắt giữ, gã vừa định lên đường hưởng tuần trăng mật trên biển, không hề giống hành động của một kẻ được cho là có âm mưu lật đổ Chính phủ, vào đúng dịp cuối tuần đó. Hitler có tin vào chuyện của Ernst từ đầu hay không vẫn chưa rõ. Chắc chắn Göring, Goebbels và Himmler đã làm tất cả những gì có thể nhằm khiến hắn tin là thế. Hiệp sĩ Eric Phipps của Anh ban đầu chấp nhận câu chuyện chính thức, nhưng phải mất sáu tuần, ông mới nhận ra nó không tồn tại. Khi Phipps gặp Hitler mặt đối mặt vài tháng sau đó, những suy nghĩ của ông vụt quay về cuộc thanh trừng. “Điều đó chẳng khiến hắn thêm hấp dẫn hay quyến rũ,” Phipps viết trong nhật kí. “Trong khi tôi nói, hắn nhìn xoáy vào mắt tôi như hổ đói. Từ ấn tượng rõ nét ấy, tôi hiểu rằng nếu như tôi mang quốc tịch khác và vị thế khác, hẳn tôi đã biến thành một phần bữa tối của hắn.”
Với đánh giá này, ông ta đã gần hiểu rõ thông điệp thật sự của vụ thanh trừng Röhm, vốn khiến cả thế giới khó hiểu. Những vụ thảm sát được giải thích bằng những từ ngữ lẽ ra không thể bị làm ngơ về việc Hitler sẵn sàng đi xa đến đâu để bảo toàn quyền lực. Thế nhưng những kẻ ngoài cuộc lại chọn cách hiểu bạo lực chỉ đơn thuần là giải quyết ân oán nội bộ - “một kiểu bạo lực băng nhóm đẫm máu gợi nhớ vụ thảm sát ngày Valentine của Al Capone112,” như sử gia Ian Kershaw khẳng định. “Họ vẫn nghĩ rằng trong ngoại giao, họ có thể đối phó với Hitler như một chính khách có trách nhiệm. Nhiều năm tiếp theo, họ thấm thía bài học cay đắng, rằng Hitler đang vận dụng chính sách ngoại giao ấy cũng chính là kẻ đã hành xử với sự tàn bạo dã man, bất cần đạo lí ở quê nhà, ngày 30 tháng 06 năm 1934.” Rudolf Diels, trong hồi kí của mình, nhận thức được rằng ban đầu hắn cũng hiểu nhầm. “Tôi... không hề biết rằng giờ khắc ánh chớp lóe lên cũng là điềm báo một cơn bão tố, cơn bão bạo lực sẽ xé nát những nền móng đã thối rữa của các hệ thống ở châu Âu và thiêu đốt cả thế giới trên ngọn lửa hung tàn - bởi vì đây mới thực sự là ý nghĩa của ngày 30 tháng 06 năm 1934.”
112 Alphonse Gabriel Capone (1899 - 1947): trùm tội phạm khét tiếng người Mỹ.
Không ngạc nhiên, báo giới bị kiểm soát tung Hitler lên mây vì hành động quyết đoán của hắn, và trong dân chúng, hắn nổi tiếng bần bật. Quá mệt mỏi vì những vụ xâm nhập của Sư đoàn Bão tố vào cuộc đời mình, nên đối với người Đức, cuộc thanh trừng như món quà của Chúa. Một thông tin tình báo từ các nhà Dân chủ Xã hội lưu vong cho rằng nhiều người Đức “đang ca tụng Hitler vì sự quyết tâm tàn nhẫn” và nhiều người trong tầng lớp lao động “cũng sẵn sàng tôn sùng Hitler như thánh, không cần phán xét”.
Dodd tiếp tục hi vọng chất xúc tác nào đó sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ này, và tin tưởng cái chết sắp đến của Hindenburg - người Dodd gọi là “linh hồn cao quý duy nhất” của nước Đức - có thể mang lại chất xúc tác ấy, nhưng một lần nữa ông lại thất vọng. Ngày 02 tháng 08, ba tuần sau bài diễn văn của Hitler, Hindenburg qua đời tại dinh thự ở quê ông. Hitler hành động rất nhanh. Ngày chưa kịp trôi hết, hắn tự tuyên bố gánh vác trách nhiệm của cả Tổng thống lẫn Thủ tướng, nhờ đó cuối cùng hắn đã nắm được quyền lực tuyệt đối tại Đức. Cho rằng chức vụ “Tổng thống” thấp kém chỉ gắn liền với mỗi Hindenburg, người đã giữ nó quá lâu, Hitler tuyên bố từ nay trở đi, chức vụ chính thức của hắn là “Quốc trưởng kiêm Thủ tướng Đế chế”.
Trong mật thư gửi Ngoại trưởng Hull, Dodd cảnh báo sự xuất hiện của “một chế độ thậm chí còn kinh khủng hơn chế độ chúng ta từng chịu đựng, kể từ ngày 30 tháng 06.”
Nước Đức chấp nhận sự thay đổi mà không phản kháng, trước sự thất vọng của Viktor Klemperer, nhà ngữ văn Do Thái. Ông ta cũng hi vọng cuộc thanh trừng đẫm máu cuối cùng cũng khiến quân đội can thiệp và lật đổ Hitler. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Và bây giờ, là sự sỉ nhục mới mẻ này. “Người dân hầu như không để ý đến cuộc đảo chính gọn ghẽ này,” ông ta viết trong nhật kí. “Tất cả diễn ra trong im lặng, bị chìm lấp trong những lời ca tụng Hindenburg. Tôi dám thề rằng hàng triệu triệu người sẽ chẳng biết chuyện quái lạ nào vừa diễn ra.”
Tờ báo Munich Münchner Neueste Nachrichten tuôn trào cảm xúc, “Hôm nay Hitler là Toàn thể nước Đức”, rõ ràng họ chọn cách làm ngơ thực tế mới tháng trước, nhà phê bình âm nhạc lịch thiệp của họ vừa bị bắn nhầm.
Cuối tuần ấy trời đổ mưa, một cơn mưa rào kéo dài suốt ba ngày làm cả thành phố ướt sũng. Với lực lượng SA đã sạch bóng, đồng phục nâu của chúng tạm thời cất tủ, toàn dân khóc thương cái chết của Hindenburg. Cảm giác hòa bình hiếm hoi lan tràn khắp nước Đức, cho Dodd vài giây phút suy nghĩ về một chủ đề, tuy mỉa mai nhưng gần gũi với một phần trong ông, hình ảnh một chủ trang trại ở Virginia.
Trong nhật kí ngày Chủ nhật, 05 tháng 08 năm 1934, Dodd nhận xét về một đức tính của người Đức ông đã quan sát vào những ngày ở Leipzig, và vẫn tồn tại ngay cả dưới thời Hitler: đó là tình yêu động vật, đặc biệt là ngựa và chó.
“Vào lúc mà gần như mỗi người Đức đều sợ nói chuyện với bất kì ai, ngoại trừ với những người bạn thân thiết nhất, thì những con chó và con ngựa đều hạnh phúc, đến mức người ta có cảm tưởng rằng chúng muốn nói chuyện,” ông viết. “Một phụ nữ có thể tố cáo người hàng xóm vì tội không trung thành và khiến anh ta gặp nguy hiểm, thậm chí có thể chết, lại dắt theo con chó to, trông hiền lành của bà ta vào công viên Tiergarten đi dạo. Bà ta nói chuyện với nó, cưng nựng nó khi ngồi trên ghế đá và con chó thì đang phóng uế.”
Dodd để ý, tại Đức chẳng ai lạm dụng chó, kết quả lũ chó rất dạn người, lúc nào cũng béo múp và rõ ràng được chăm sóc tốt. “Hình như chỉ có lũ ngựa mới được chăm sóc tốt như thế, chứ không phải trẻ con hay thanh niên,” ông viết. “Trên đường đến văn phòng, tôi luôn dừng lại nói mấy lời với một cặp ngựa tuyệt đẹp, khi chúng đang đợi chất hàng xuống xe. Trông chúng sạch sẽ, béo tốt và hạnh phúc, đến mức người ta tưởng chúng sắp nói đến nơi.” Ông gọi đây là “hạnh phúc của ngựa” và để ý các hiện tượng tương tự tại Nurem- berg và Dresden. Ông biết một phần sự hạnh phúc này là nhờ luật pháp Đức, cấm tiệt các hành vi tàn bạo với động vật, kẻ nào vi phạm sẽ bị tống giam, và ở đây Dodd có nhận xét mỉa mai sâu sắc nhất. “Khi mà hàng trăm con người có thể bị giết chết mà không qua xét xử, hoặc không cần bất kì bằng chứng kết tội nào, và khi con người theo đúng nghĩa đen run rẩy vì sợ hãi, súc vật lại được hưởng những quyền được ban phát cho chúng, những quyền lợi mà đàn ông và phụ nữ không dám nghĩ mình được hưởng.”
Ông nói thêm, “Người ta có thể dễ dàng ước mình là ngựa!”