Boris đã đúng. Martha ôm đồm quá nhiều thứ trong hành trình của mình, hệ quả là cô thấy chuyến đi chẳng mang lại cho cô được gì. Các chuyến du lịch khiến cô cáu kỉnh và ưa chỉ trích, về Boris và nước Nga, khi cô choáng váng nhận ra đó là xứ sở mệt mỏi, buồn tẻ và xám xịt. Boris thất vọng. “Anh rất buồn khi nghe nói rằng em chẳng thích gì tại Nga,” anh viết cho cô ngày 11 tháng 07 năm 1934. “Con mắt em nhìn nước Nga phải khác với cách em nhìn nước Mỹ. Em không nên hời hợt thế (chỉ căn cứ vào quần áo xấu và thức ăn không hợp khẩu vị). Anh xin em, tiểu thư ạ, hãy nhìn vào ‘bên trong’, sâu sắc chút nữa đi.”
Thật không công bằng, Martha bực mình ở chỗ Boris không ở bên cô trong các chuyến đi này, cho dù ngay sau khi cô lên đường, anh cũng sang Nga, đầu tiên là đến Moscow và sau đó là khu nghỉ dưỡng trong vùng Caucasus vào kì nghỉ. Trong lá thư ngày 05 tháng 08 từ khu nghỉ dưỡng, Boris nhắc nhở cô, “Chính em bảo chúng ta không cần ở bên nhau tại Nga.” Tuy nhiên, anh thừa nhận đã xuất hiện những vật cản khác, cho dù anh còn mơ hồ về bản chất thật sự của những rào cản đó. “Trong kì nghỉ này, anh không thể ở bên em được, vì nhiều lí do. Lí do quan trọng nhất: Anh phải ở lại Moscow. Quãng thời gian anh ở lại đây cũng chẳng vui vẻ gì, số phận của anh vẫn chưa rõ ràng.”
Anh thừa nhận đọc thư cô làm anh tổn thương. “Em không nên gửi anh những lá thư với lời lẽ như vậy. Anh không đáng bị thế. Ở Moscow, anh rất buồn khi đọc thư em, đến mức anh cảm thấy em quá xa xôi, anh không thể nào với tới. Nhưng sau lá thư giận dữ của em, anh còn hơn cả buồn. Tại sao em lại làm thế hả Martha? Đã xảy ra chuyện gì vậy? Em không thể thiếu anh trong hai tháng à?”
Hệt như lúc dùng những người tình làm tổn thương chồng cũ, B a s sett, cô cho Boris biết có thể mình sẽ nối lại tình cũ với Armand Berard ở Đại sứ quán Pháp. “Ngay lập tức lấy Armand đe dọa anh à?” Boris viết. “Anh không thể ra lệnh hoặc gợi ý bất kì điều gì cho em. Nhưng đừng làm mấy trò ngốc nghếch này nữa. Cứ bình tĩnh và đừng phá hủy hết những gì tốt đẹp chúng mình từng có với nhau.”
Trong hành trình, thi thoảng các gián điệp của NVKD Xô Viết tiếp cận Martha, tìm cách chọn cô làm nguồn cấp tin ngầm. Có lẽ Boris không được phép can thiệp, cho dù anh cũng góp phần tuyển dụng cô, căn cứ theo các ghi chép của tình báo Xô Viết được chuyên gia hàng đầu về lịch sử của KGB (và cũng là một cựu điệp viên KGB) Alexander Vassiliev giải mật gửi cho các học giả. Các cấp trên của Boris cảm thấy anh không đủ khả năng chính thức hóa vai trò của Martha. Họ thuyên chuyển anh quay về Moscow, và sau đó sang đại sứ quán tại Bucharest113, nơi anh không hề ưa thích.
113 Bucharest: thủ đô của Romania.
Trong khi đó, Martha đã quay về Berlin. Cô yêu Boris, nhưng hai người vẫn xa cách nhau. Cô hẹn hò những người khác, bao gồm cả Armand Berard. Mùa thu năm 1936, Boris lại được thuyên chuyển, lần này là đến Warsaw114. NKVD chỉ định một mật vụ khác, Đồng chí Bukhartsev, tiếp tục cố gắng tuyển mộ Martha. Trong báo cáo về tiến trình này, các hồ sơ NKVD nêu rõ: “Toàn thể gia đình Dodd căm ghét Đảng Quốc xã, Martha có những mối liên hệ thú vị, sử dụng chúng để thu thập thông tin cho cha. Cô ta giữ quan hệ mật thiết với một số người quen.”
114 Warsaw: thủ đô của Ba Lan.
Bất chấp xa cách liên tục, những giằng xé tình cảm và chuyện Martha qua lại đều đặn với Armand cùng những người tình khác, nhưng chuyện tình của cô với Boris vẫn ngày càng nồng đượm. Đến nỗi vào ngày 14 tháng 03 năm 1937, trong lần thứ hai sang Moscow, cô chính thức đệ đơn lên Stalin xin được phép kết hôn. Stalin có xem hay trả lời đề nghị này không thì không rõ, nhưng NKVD giữ thái độ nước đôi về chuyện này. Cho dù các cấp trên của Boris thừa nhận họ không phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng đôi khi họ dường như có ý muốn loại bỏ Boris, nhằm tập trung kĩ hơn vào Martha. Có lúc, cơ quan ép họ phải xa nhau trong sáu tháng, “vì lợi ích công việc”.
Boris còn miễn cưỡng hơn cả Martha. Trong bản tóm tắt khó chịu gửi các cấp trên tại Moscow, ngày 21 tháng 03 năm 1937, Boris phàn nàn, “Tôi không hiểu tại sao mọi người lại quá soi mói đám cưới của chúng tôi như vậy. Tôi đã đề nghị mọi người nói rõ với cô ấy nói chung chuyện này là không thể, và dù sao đi nữa, trong vài năm tới cũng sẽ không xảy ra. Mọi người đã nói về chuyện này bằng giọng điệu quá lạc quan, và quy định thời gian trì hoãn chỉ là sáu tháng hay một năm.” Nhưng rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Anh hỏi. “Sáu tháng sẽ trôi qua rất nhanh, và ai biết được đấy? Cô ấy có thể đẩy tôi hoặc mọi người vào tình thế không thể trốn tránh. Nếu thực sự phải hứa hẹn thì chi bằng nói thẳng ra cho cô ấy hiểu có phải tốt hơn nhiều rồi không?”
Cũng trong bản tóm tắt này, anh gọi Martha là “Juliet số 2”. Chuyên gia KGB Vasiliev và Allen Weinstein, trong tác phẩm Khu rừng ma ám của họ, tin rằng cách gọi đó ám chỉ có người phụ nữ khác trong cuộc đời anh, “Juliet số 1”.
Martha và Boris đã hẹn hò tại Warsaw tháng Mười một năm 1937, sau đó Boris gửi báo cáo về Moscow. Cuộc gặp gỡ “diễn ra suôn sẻ,” anh viết. “Tâm trạng cô ấy rất vui vẻ.” Cô ấy vẫn giữ nguyên ý định kết hôn, và “sẽ chờ đến hết thời hạn sáu tháng, bất chấp cha mẹ cô ấy cảnh báo mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu.”
Nhưng một lần nữa, Boris tiết lộ mình không quan tâm đến chuyện thực sự kết hôn với cô. Anh thận trọng, “Tôi nghĩ rằng không nên giấu giếm cô ấy tình hình thực tế. Vì nếu chúng ta lừa dối cô ấy, có thể vì quá cay đắng mà cô ấy mất lòng tin vào chúng ta.”