Chiều tháng sau khi Hitler đăng quang, cảm giác bất lực của Dodd ngày càng sâu sắc, thêm vào đó là nỗi mong mỏi được quay về trang trại của mình, trên sườn núi thoai thoải của dãy núi Appalachian, làm bạn với những cây táo đỏ sum suê và những đàn bò lười nhác. Ông viết, “Tôi cảm thấy nhục nhã, khi bắt tay những kẻ sát nhân nổi tiếng và được tung hô.” Ông là một trong số không nhiều người trong Chính phủ Mỹ dám lên tiếng cảnh báo những tham vọng thật sự của Hitler và sự nguy hiểm trong quan điểm trung lập của Mỹ. Trong lá thư ngày 30 tháng 08 năm 1934, ông nói với Ngoại trưởng Hull, “Với tình hình nước Đức đoàn kết như chưa từng có, 1.500.000 nam giới đang được cung cấp vũ khí và huấn luyện rầm rộ, mỗi ngày chúng được nhồi sọ rằng cả châu Âu phải thuộc về chúng.” Ông nói thêm, “Tôi nghĩ chúng ta phải từ bỏ ngay cái gọi là trung lập.” Ông viết thư cho Tham mưu Trưởng Quân đội, Douglas MacArthur, “Theo nhận định của tôi, giới chức trách Đức đang chuẩn bị cho cuộc chiến lớn tranh giành lục địa. Có rất nhiều bằng chứng. Chỉ là vấn đề thời gian.”
Tổng thống Roosevelt đồng tình với quan điểm của Dodd, nhưng hình như hầu hết dân Mỹ có thiên hướng muốn tránh xa các xung đột ở châu Âu hơn bao giờ hết. Chuyện này Dodd lấy làm lạ. Ông viết thư cho Tổng thống Roosevelt tháng Tư năm 1935, “Nếu Woodrow Wilsonn sống dậy dưới hầm mộ Thánh đường, tôi e ông ấy chẳng bao giờ yên nghỉ được. Có lẽ ngài phải làm gì đó, nhưng theo dõi các báo cáo về thái độ của Quốc hội, tôi cực kì nghi ngờ. Vẫn còn quá nhiều người... cho rằng trung lập tuyệt đối là nấc thang lên thiên đường.”
Bản thân Dodd không chấp nhận thái độ ông gọi là “chẳng dám làm gì chỉ ngồi nhìn.”
Lương tâm dằn vặt khiến Dodd không tích cực hợp tác với Đệ tam Đế chế của Hitler. Về phía mình, chế độ nhận ra ông đã biến thành một đối thủ đáng gờm, nên chúng buộc phải loại ông khỏi hoạt động ngoại giao.
Phát hoảng với thái độ của Dodd, Phillips viết trong nhật kí, “Đời thuở nhà ai có Đại sứ không thèm nói chuyện với Chính phủ?”
Nước Đức tiếp tục tiến đến chiến tranh và tăng cường ngược đãi người Do Thái, thông qua các bộ luật mới tước quyền công dân của người Do Thái, không cần biết gia đình họ đã sống tại Đức bao lâu, hoặc họ đã chiến đấu quả cảm đến thế nào vì nước Đức trong Thế Chiến I. Giờ đây trên đường đi bộ qua công viên Tiergarten, Dodd đã thấy vài chiếc ghế dài sơn màu vàng cho thấy chúng dành cho người Do Thái. Số còn lại, dĩ nhiên đẹp đẽ hơn, được dành cho người Aryan.
Dodd đã chứng kiến trong bất lực, khi quân Đức xâm chiếm Rhineland ngày 07 tháng 03 năm 1936, mà không gặp phải kháng cự nào. Ông thấy Berlin chuyển mình chào đón Thế vận hội Olympics khi Quốc xã chỉnh trang thành phố, loại bỏ những biểu ngữ bài Do Thái, chỉ nhằm mục đích tăng cường ngược đãi sau khi người hâm mộ về nước. Ông thấy hình tượng Hitler ở Đức như một vị thánh. Những người đàn bà gào khóc khi hắn đi qua gần họ, những kẻ săn đồ lưu niệm đào lên các miếng đất hắn giẫm chân lên. Tại buổi mít tinh của Đảng tháng Chín năm 1936 ở Nuremberg, mà Dodd không tham dự, khán thính giả gần như cuồng loạn vì Hitler. “Mọi người tìm thấy ta... trong hàng triệu người đó là điều kì diệu của thời đại chúng ta!” Hắn hét lên. “Và ta tìm thấy mọi người, đó là may mắn của nước Đức!”
Ngày 19 tháng 09, năm 1936, trong lá thư đóng dấu “Riêng tư và Tuyệt mật”, Dodd bày tỏ với Ngoại trưởng Hull nỗi giận dữ, khi chẳng thấy ai can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra. “Với các đội quân đang tăng lên cả về quy mô lẫn sự thiện chiến mỗi ngày, với hàng ngàn máy bay luôn sẵn sàng ném bom và rải khí độc xuống các thành phố lớn vào bất kì lúc nào, và tất cả các quốc gia khác, lớn cũng như bé, đều đang ầm ầm trang bị vũ khí hơn hẳn trước kia, không còn nơi nào an toàn hết,” ông viết. “Lại lặp lại những sai lầm ngớ ngẩn của năm 1917115, và đặc biệt là trong mười hai tháng qua - các dân tộc ủng hộ nền dân chủ chẳng buồn làm gì cả, không có hình phạt nào về kinh tế hay đạo đức để chặn đứng quá trình này!” Ý định từ chức trở nên lí tưởng đối với Dodd. Ông viết thư cho Martha, “Con không được nói chuyện này cho bất kì ai, nhưng cha không biết làm thế nào để tiếp tục hít thở bầu không khí này quá mùa xuân sang năm. Cha không thể phụng sự đất nước mình nữa, lúc nào cũng ngồi yên chẳng làm gì là sức ép quá nặng đối với cha.”
115 1917: một năm trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc.
Trong khi đó, những đối thủ của ông trong Bộ Ngoại giao xúc tiến chiến dịch hòng loại bỏ ông. Kẻ từ lâu phản đối ông, Summer Welles, kế nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ ngoại giao thay thế William Phillips, người sẽ làm đại sứ tại Italia vào tháng Tám năm 1936. Trước mắt là đối thủ mới vừa xuất hiện, William C. Bullitt, thêm một người được Tổng thống Roosevelt lựa chọn cẩn thận (dù cho, ông ta tốt nghiệp Đại học Yale), sau khi thôi làm đại sứ tại Nga, ông ta quay về làm đại sứ Mỹ tại Paris. Trong lá thư gửi Tổng thống Roosevelt ngày 07 tháng Mười hai năm 1936, Bullitt viết, “Dodd có rất nhiều đức tính đáng quý và thân thiện, tuy nhiên ông ta hoàn toàn chẳng được trang bị gì cho công việc hiện tại. Ông ta quá căm ghét Quốc xã nên không thể làm được gì cho họ, hoặc nhận được bất kì cái gì của họ. Chúng ta cần một người ít nhất có thể thân thiện với Quốc xã và nói chuẩn tiếng Đức ở Berlin.”
Việc Dodd kiên quyết từ chối tham dự các buổi mít tinh của Đảng Quốc xã tiếp tục khiến các kẻ thù của ông bực bội. “Cá nhân tôi chẳng hiểu tại sao ông ta lại nhạy cảm quá như thế,” Moffatt viết trong nhật kí. “Tại sao ông ta lại nghĩ là tồi tệ khi nghe người Đức công kích hình thức chính phủ của chúng ta, khi tại Phòng Quốc hội, chính ông ta đã lựa chọn công kích khán giả Đức về hình thức chính phủ chuyên quyền của họ?”
Một khuôn mẫu rò rỉ tiếp tục diễn ra, càng tăng thêm sức ép cách chức Dodd. Tháng Mười hai năm 1936, phóng viên phụ trách chuyên mục Drew Pearson, tác giả đầu tiên cùng với Robert S. Allen đứng chuyên mục trên tờ United Features Syndicate, có tên là “Vòng quay ngựa gỗ Washington”, mở cuộc tấn công nặng nề nhằm vào Dodd, “công kích tôi mạnh mẽ như thể tôi đã thất bại toàn tập ở đây và giả vờ rằng Tổng thống cũng có ý kiến tương tự,” Dodd viết ngày 13 tháng 12. “Đây là tin tức không hay ho gì đối với tôi.”
Đòn tấn công của Pearson gây tổn thương sâu sắc cho Dodd. Ông đã dành quãng thời gian tươi đẹp nhất trong bốn năm cố gắng hoàn thành ủy thác của Tổng thống Roosevelt, để trở thành hình mẫu về các giá trị Mỹ, và ông tin rằng mình đã làm tốt như bất cứ ai có thể làm ở vị trí này, xét đến tính chất lạ lùng, vô lí và bạo tàn của chính quyền Hitler. Ông lo sợ rằng nếu ông từ chức bây giờ, với đám mây đen lơ lửng trên đầu, ông hẳn sẽ để lại ấn tượng rằng mình bị ép phải làm thế. “Tình thế của tôi rất khó khăn, nhưng dưới sự chỉ trích này, tôi không thể từ chức vào mùa xuân sang năm, như tôi đã định,” ông viết trong nhật kí. “Từ chức ở đây trong những hoàn cảnh này, tôi sẽ lâm vào tình thế phòng vệ và tích cực giả dối tại quê nhà.” Ông thừa nhận việc mình từ chức “sẽ ngay lập tức bị xem là thừa nhận thất bại”.
Ông quyết định hoãn lại việc từ chức, cho dù ông biết rằng đã đến lúc bước xuống. Trong khi đó, ông đề nghị về Mỹ nghỉ phép lần thứ hai, để dành thời gian nghỉ ngơi thêm tại trang trại và gặp gỡ Tổng thống Roosevelt. Ngày 24 tháng 07 năm 1937, Dodd cùng vợ lái xe đường dài đến Hamburg, nơi Dodd lên tàu City of Baltimore, bắt đầu chuyến hải hành chậm xuôi dòng Elbe ra biển vào hồi 19 giờ.
Tiễn Dodd lên tàu, trái tim vợ ông tan nát. Tối hôm sau, Chủ nhật, bà viết thư cho Dodd để ông có thể nhận được, ngay sau khi đến nơi. “Anh yêu của em, em đã nghĩ đến anh trên suốt chặng đường về Berlin, em cảm thấy rất buồn và cô đơn, đặc biệt khi nhìn anh đi xa mãi, trong em chỉ cảm thấy u sầu và đau khổ.”
Bà nài nỉ ông phải thư giãn, cố gắng trị dứt điểm “những cơn đau thần kinh” dai dẳng đã làm khổ ông hai tháng qua. “Xin anh, nếu không phải vì anh thì hãy vì chúng ta, em xin anh hãy biết chăm sóc tốt cho bản thân, đừng lao lực quá làm gì,” Bà nói nếu ông biết quý trọng sức khỏe, ông hẳn sẽ vẫn còn đủ thời gian đạt được những gì ông hằng mong muốn - và có lẽ ý bà muốn nói đến việc hoàn thành cuốn Miền Nam ngày xưa.
Bà lo rằng tất cả những căng thẳng và phiền muộn này, thời gian bốn năm tại Berlin, một phần là lỗi của bà. “Có lẽ em đã quá kì vọng ở anh, nhưng điều này không có nghĩa là em yêu anh ít hơn chút nào,” bà viết. “Em không thể kiềm chế được - những gì em trông đợi ở anh. Vì sinh ra em đã như thế.”
Bà nói nhưng giờ thì tất cả đã kết thúc. “Anh hãy quyết định điều gì tốt nhất cho mình và điều gì anh mong muốn nhất. Em sẽ vẫn toại nguyện.”
Thư của bà chuyển tông u sầu. Bà mô tả chuyến đi về Berlin đêm đó. “Chúng ta đã có quãng thời gian vui vẻ, mặc dù đã vượt qua và nhìn thấy nhiều xe tải quân đội - chở theo những công cụ của cái chết và sự hủy diệt. Cả người em vẫn còn đang run rẩy khi em nhìn thấy chúng và nhiều hình ảnh về thảm họa sắp xảy đến. Liệu có cách khả dĩ nào ngăn chặn những người lính, những quốc gia không hủy hoại lẫn nhau không hả anh? Thật khủng khiếp!”
Đây là thời điểm bốn năm rưỡi, trước khi Mỹ tham gia Thế Chiến II.
Dodd cần phải được nghỉ ngơi. Sức khỏe của ông thực sự bắt đầu đi xuống. Kể từ khi tới Berlin, ông đã trải qua các chứng đau dạ dày và nhức đầu, nhưng càng về sau chúng càng nặng hơn. Những cơn đau đầu của ông đôi khi kéo dài mấy tuần liền. Ông viết, cơn đau “lan khắp các dây thần kinh giữa dạ dày, hai vai và não bộ cho đến khi không ngủ nổi”. Các triệu chứng ngày càng tồi tệ, đến mức vào một trong các kì nghỉ phép trước, ông phải đến gặp chuyên gia, Bác sĩ Thomas R. Brown, Trưởng Khoa Bệnh Tiêu hóa tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore (vị bác sĩ này, tại hội nghị chuyên đề bác sĩ chuyên khoa dạ dày - ruột năm 1934, đã cực kì lạnh lùng khi tuyên bố rằng “chúng ta không được phép quên sự cần thiết phải nghiên cứu phân ở mọi góc độ”). Khi biết rằng Dodd đang bận viết cuốn sử thi vĩ đại về phương Nam, xem việc hoàn thành nó là mục tiêu lớn của đời ông, bác sĩ Brown đã nhẹ nhàng gợi ý ông nên thôi việc ở Berlin. Ông ta nói, “Ở tuổi sáu mươi lăm, người ta phải biết cân nhắc, quyết định cái gì là quan trọng, và đặt ra các kế hoạch hoàn thành một công việc lớn lao, nếu có thể.”
Vào mùa hè năm 1937, Dodd thông báo những cơn nhức đầu liên tục tương tự và các đợt đau dạ dày, có lần từng khiến ông không ăn uống được gì suốt ba mươi tiếng.
Điều gì đó nghiêm trọng hơn sức ép công việc có thể là gốc rễ những rắc rối sức khỏe của ông, cho dù căng thẳng nhất định là một yếu tố góp phần vào đó. George Messersmith, người cuối cùng đã chuyển từ Vienna sang Washington làm Trợ lí Ngoại trưởng, đã viết trong hồi kí không được xuất bản rằng ông ta tin Dodd đã trải qua chứng suy sụp trí tuệ hữu cơ. Những lá thư của Dodd dông dài, lan man và chữ viết tay của ông xấu đến độ nhiều người trong Bộ Ngoại giao phải mang đến cho Messersmith nhờ “giải mã” giùm. Dodd tăng cường áp dụng lối viết chữ thường vì ngày càng mất niềm tin vào các nhân viên tốc kí. “Chắc chắn đã có chuyện xảy ra với Dodd,” Messersmith viết. “Ông ta đang mắc phải một chứng suy thoái nào đó.”
Messersmith tin rằng, nguyên nhân của tất cả chuyện này là do Dodd không thể điều chỉnh hành vi của chế độ Hitler. Hành vi bạo lực, sự chuẩn bị cho chiến tranh đến ám ảnh, đối xử tàn tệ với người Do Thái - tất cả khiến Dodd “trầm cảm nghiêm trọng”, Messersmith viết. Dodd không thể hiểu nổi làm sao những chuyện này lại đang xảy ra ở nước Đức ông từng biết, từng yêu thương, khi còn là học giả trẻ tuổi tại Leipzig.
Messersmith viết: “Tôi nghĩ ông ta quá kinh hoàng trước mọi thứ đang diễn ra tại Đức cùng những nguy hiểm nó gây ra cho thế giới, đến nỗi ông ta không còn khả năng suy nghĩ và phán xét logic nữa.”
Sau một tuần ở trang trại, Dodd cảm thấy đỡ hơn nhiều. Ông tới Washington và đến thứ Tư, ngày 11 tháng 08, ông gặp gỡ Tổng thống Roosevelt. Trong cuộc trò chuyện dài cả tiếng đồng hồ, Roos- evelt nói rằng ông ta muốn Dodd ở lại Berlin thêm vài tháng. Ông ta thúc giục Dodd thuyết trình càng nhiều càng tốt khi đang ở Mỹ và “nói sự thật về mọi thứ”, một hiệu lệnh khiến Dodd chắc chắn rằng Tổng thống vẫn tin tưởng ở ông.
Nhưng trong khi Dodd đang ở Mỹ, câu lạc bộ Pretty Good đã thiết kế màn lăng mạ khác thường. Một trong số các nhân viên mới tuyển của Đại sứ quán, Prentiss Gilbert, đại diện cho Quyền Đại sứ - đại diện lâm thời - được Bộ Ngoại giao khuyên nên tham dự cuộc mít tinh của Đảng Quốc xã sắp diễn ra tại Nuremberg. Gilbert làm theo. Anh ta đáp chuyến tàu đặc biệt dành cho các nhà ngoại giao đến Nuremberg, và được đón chào bằng mười bảy máy bay quân sự đang xếp thành hình dấu thập ngoặc.
Dodd cảm nhận được bàn tay của Thứ trưởng Summer Welles. “Từ lâu, tôi đã tin rằng Welles chống lại tôi và mọi khuyến cáo của tôi,” Dodd viết trong nhật kí. Một trong số vài đồng minh của Dodd trong Bộ Ngoại giao, R. Walton Moore, Trợ lí Ngoại trưởng, đã chia sẻ sự khó chịu của Dodd đối với Welles và khẳng định những nỗi sợ hãi của ông. “Tôi không hề nghi ngờ rằng ngài đã đúng, khi cho rằng có thế lực đang thao túng phần lớn hành động của Bộ Ngoại giao, kể từ tháng Năm năm ngoái.”
Dodd giận dữ. Ông tin rằng không tham dự các cuộc họp này là một trong vài cách có thể cho thấy những cảm xúc thật của ông, cũng như của nước Mỹ đối với chế độ Hitler. Ông gửi lời phản đối sắc sảo - và ông nghĩ - là tuyệt mật đến Ngoại trưởng Hull. Và Dodd vô cùng kinh ngạc, khi ngay cả lá thư này cũng bị lộ cho báo chí. Sáng ngày 04 tháng 09 năm 1937, ông thấy một bài viết về chủ đề này trên tờ New York Herald Tribune, có trích cả một đoạn dài từ lá thư, cùng một bức điện tín sau đó.
Lá thư của Dodd làm chính quyền Hitler điên tiết. Tân Đại sứ Đức tại Mỹ, Hans-Heinrich Dieckhoff, nói với Ngoại trưởng Hull rằng, trong khi ông ta không đưa ra đề nghị chính thức cách chức Dodd, nhưng ông ta “mong muốn nêu rõ Chính phủ Đức không cảm thấy ông ấy là nhà ngoại giao được nước sở tại chấp thuận.”
Ngày 19 tháng 10 năm 1937, Dodd gặp Tổng thống Roosevelt lần thứ hai, lần này là tại nhà riêng của Tổng thống ở Hyde Park - “một chốn tuyệt vời,” Dodd viết. Ông đi cùng con trai. “Tổng thống bày tỏ nỗi lo âu của ông ấy về vấn đề quốc tế,” Dodd viết trong nhật kí.
Họ thảo luận về xung đột Trung Quốc - Nhật Bản, thời điểm ấy đang bùng nổ mạnh mẽ, và những triển vọng từ hội nghị hòa bình quan trọng sắp diễn ra tại Brussels, nhằm mục đích chấm dứt nó. “Có một vấn đề khiến ông ấy lo ngại,” Dodd viết. “Rằng liệu Mỹ, Anh, Pháp và Nga có thực sự hợp tác không?”
Hai người lại nói chuyện về Berlin. Dodd đề nghị Tổng thống Roosevelt tiếp tục để ông làm đại sứ ít nhất đến ngày 01 tháng Ba năm 1938, “một phần vì tôi không muốn những kẻ cực đoan ở Đức cho rằng những khiếu nại của chúng... lại quá hiệu quả đến thế.” Ông có ấn tượng rằng Tổng thống Roosevelt đồng ý.
Dodd thúc giục Tổng thống lựa chọn giáo sư lịch sử cùng hội, James T. Shotwell của trường Đại học Columbia, làm người thay thế mình. Tổng thống Roosevelt có vẻ sẵn sàng cân nhắc ý kiến này. Khi cuộc nói chuyện gần kết thúc, Tổng thống Roosevelt mời Dodd cùng ăn trưa. Mẹ Tổng thống cùng các thành viên khác trong đại gia đình Delano cùng ngồi ăn. Dodd gọi đây là “một dịp rất thú vị”.
Khi ông chuẩn bị ra về, Tổng thống Roosevelt nói, “Gửi thư riêng cho tôi về các sự kiện ở châu Âu. Tôi đọc chữ viết tay của ngài rất tốt.”
Trong nhật kí, Dodd viết thêm, “Tôi đã hứa sẽ gửi thư tuyệt mật cho ông ấy, nhưng sao làm được mà không bị gián điệp xem?”
Dodd quay về Berlin. Ông viết vào nhật kí ngày thứ Sáu, 29 tháng 10, ngày ông đến Berlin, tuy ngắn nhưng gây ấn tượng mạnh, “Lại ở Berlin. Tôi còn biết làm gì?”
Ông không nhận thức được Tổng thống Roosevelt đã nhượng bộ trước sức ép từ cả Bộ Ngoại giao lẫn văn phòng ngoại giao Đức, chấp thuận buộc Dodd phải rời khỏi Berlin trước cuối năm. Sáng ngày 23 tháng 11 năm 1937, Dodd giật mình khi nhận được bức điện tín gọn lỏn từ Hull, đóng dấu “Tuyệt Mật” nêu rõ: “Tổng thống rất tiếc vì những sự bất tiện có thể gây ra cho ngài, ông ấy mong muốn tôi đề nghị ngài nên thu xếp rời Berlin nếu có thể, vào ngày 15 tháng 12. Trong bất kì trường hợp nào, đừng chần chừ quá Giáng sinh, vì dễ nảy sinh những tình thế phức tạp ngài hẳn cũng biết và sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa.”
Dodd phản đối, nhưng Hull và Tổng thống Roosevelt vẫn kiên định. Dodd đành đặt chỗ cho bản thân và vợ trên tàu SS Washington, khởi hành ngày 29 tháng 12 năm 1937.
Martha ra khơi từ hai tuần trước, nhưng trước đấy cô và Boris đã gặp nhau tại Berlin chào từ biệt. Cô viết, để có mặt vào ngày hôm ấy, anh đã tự ý bỏ vị trí tại Warsaw mà không xin phép. Một quãng thời gian giải lao đầy lãng mạn và nước mắt, ít nhất đối với cô. Một lần nữa, cô thổ lộ mong muốn kết hôn với anh.
Đây là lần cuối cùng họ gặp nhau. Từ Nga, Boris viết thư cho cô ngày 29 tháng 04 năm 1938, “Cho đến giờ, anh đã sống với hồi ức về lần cuối chúng mình bên nhau ở Berlin. Thật tiếc vì đó là hai đêm dài duy nhất. Anh muốn kéo dài khoảng thời gian ấy đến hết cuộc đời chúng ta. Em yêu, em đã rất tốt và ân cần với anh. Anh sẽ không bao giờ quên điều ấy... Chuyến đi băng qua đại dương của em thế nào? Có dịp chúng mình sẽ cùng nhau vượt đại dương, cùng nhau ngắm những con sóng bất diệt và cảm nhận một tình yêu vĩnh hằng. Anh yêu em. Anh cảm thấy em, anh mơ về em và chúng ta. Đừng quên anh. Anh của em, Boris.”
Quay về Mỹ, đúng với bản chất của mình nhưng trái ý muốn của Boris, Martha cặp kè và nhanh chóng yêu người mới, Alfred Stern, một anh chàng New York nhạy cảm với thiên hướng tả khuynh. Anh ta hơn cô mười tuổi, cao một mét bảy mươi bảy, đẹp trai và giàu có, vừa nhận được một khoản kếch xù từ cuộc li hôn trước đó, với người thừa kế chính thức đế chế Sears Roebuck. Hai người đính hôn và gần như chỉ trong chớp mắt họ kết hôn, ngày 16 tháng 06 năm 1938, cho dù các bản tin cho thấy có lễ kỉ niệm thứ hai sau đó, tại trang trại ở Round Hill, Virginia. Cô mặc váy nhung đen thêu mấy bông hồng đỏ. Nhiều năm sau, cô viết rằng Stern là mối tình thứ ba và là cuối cùng của cuộc đời mình.
Cô kể cho Boris về đám cưới trong lá thư ngày 09 tháng 07 năm 1938. “Anh biết đấy, anh yêu, rằng đối với em, anh có ý nghĩa hơn bất kì ai trong cuộc đời em. Anh cũng biết rằng, nếu anh cần, em sẽ sẵn sàng có mặt khi anh gọi tên em.” Cô nói thêm. “Em mong đợi ngày gặp lại anh ở nước Nga trong tương lai.”
Vào lúc lá thư này đến Nga, Boris đã chết, bị hành hình, một trong vô số mật vụ NKVD trở thành nạn nhân do chứng hoang tưởng của Stalin. Sau này, Martha biết rằng Boris bị buộc tội hợp tác với Quốc xã. Cô xem lời buộc tội này là “ngớ ngẩn”. Về sau, cô luôn tự hỏi phải chăng số phận của anh đã được định đoạt, vì mối quan hệ của cô với anh, đặc biệt là cuộc hẹn hò trái phép lần cuối cùng của hai người tại Berlin.
Martha không bao giờ biết được rằng lá thư cuối cùng của Bo- ris, trong đó anh viết rằng mình mơ về cô, là thư giả Boris viết theo chỉ đạo của NKVD, ngay trước khi bị hành hình, nhằm mục đích bảo đảm rằng cái chết của anh không hủy hoại tình cảm tốt đẹp của cô dành cho lí tưởng của đất nước Xô Viết.