Một tuần trước khi lên tàu về nước, Dodd đọc bài diễn văn từ biệt tại bữa tiệc trưa của Phòng Thương mại Mỹ ở Berlin, nơi vừa mới bốn năm trước, lần đầu tiên ông chọc Quốc xã tức điên với những ám chỉ về các chế độ độc tài xa xưa. Ông nói, thế giới “phải đối mặt với thực tế đáng buồn, trong một kỉ nguyên mà hợp tác quốc tế lẽ ra phải trở thành mục tiêu quan trọng nhất, các quốc gia giờ đây chia rẽ hơn bao giờ hết.” Rằng vẫn chưa ai thèm rút kinh nghiệm từ những bài học của Thế Chiến I. Ông ca ngợi người Đức “về cơ bản là dân chủ và đối xử tử tế với nhau.” Ông nói thêm, “Tôi nghi ngờ bất kì Đại sứ nào ở châu Âu thật sự thực thi nghiêm túc bổn phận của họ, hay chỉ muốn kiếm tiền.”
Ngay sau khi về Mỹ, giọng ông mang sắc thái khác. Ngày 13 tháng 01 năm 1938, tại một bữa tối tổ chức vinh danh ông tại khách sạn Waldorf-Astoria, New York, Dodd tuyên bố, “Nhân loại đang gặp phải nguy hiểm to lớn, nhưng các chính quyền dân chủ chẳng biết phải làm gì. Nếu họ chẳng chịu làm gì, nền văn minh phương Tây, các tôn giáo, sự tự do kinh tế và tự do cá nhân, tất cả sẽ phải đối mặt với nguy hiểm.” Ngay lập tức, Đức lên tiếng phản đối các nhận xét của Dodd, đáp lại Ngoại trưởng Hull cho rằng Dodd giờ đây là một công dân bình thường, có thể nói bất kì điều gì mình muốn. Tuy nhiên, ban đầu các quan chức trong Bộ Ngoại giao đã tranh luận có nên gửi lời xin lỗi bằng một tuyên bố, với những dòng như “Chúng tôi rất tiếc vì bất kì điều gì gây phản ứng không tốt ở nước ngoài.” Không ai khác ngoài Jay Pierrepont Moffat là người bác bỏ ý tưởng này, ông ta viết trong nhật kí, “Ngang với việc không thích và không ủng hộ ngài Dodd, cá nhân tôi mạnh mẽ cho rằng chẳng cần phải xin lỗi hộ ngài ấy làm gì.”
Với bài diễn văn này, Dodd bắt đầu một chiến dịch đề cao cảnh giác về Hitler và các kế hoạch của hắn, phản đối xu hướng ủng hộ chính sách cô lập đang ngày càng tăng tại Mỹ, sau này ông được đặt tên là Cassandra116 của các nhà ngoại giao Mỹ. Ông thành lập Hội đồng Mỹ Phản đối Thông tin Tuyên truyền của Quốc xã, làm thành viên Hội Những Người bạn Mỹ của Nền Dân chủ Tây Ban Nha. Trong bài diễn văn tại Rochester, New York, ngày 21 tháng 02 năm 1938, trước một giáo đoàn Do Thái, Dodd cảnh cáo một khi Áo bị Hitler khống chế - một sự kiện có vẻ sắp xảy ra - Đức sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng quyền lực của mình ở bất kì đâu, rằng Romania, Ba Lan và Tiệp Khắc đang lâm nguy. Hơn nữa, ông dự đoán Hilter sẽ tự do theo đuổi các tham vọng của hắn, mà không gặp phải sự kháng cự có vũ trang từ các nền dân chủ châu Âu khác, vì họ sẽ chọn cách nhượng bộ để né chiến tranh. “Nước Anh,” ông nói, “đang cực kì phẫn nộ nhưng cũng vô cùng khao khát hòa bình.”Gia đình Dodd phân tán, Bill làm công tác giảng dạy, còn Martha sang Chicago và sau đó là New York. Dodd cùng Mattie lui về trang trại ở Round Hill, Virginia, nhưng thi thoảng hai ông bà vẫn đến Washington. Ngày 26 tháng 02 năm 1938, ngay sau khi tiễn Dodd tại sân ga Washington để bắt đầu chuyến đi giảng dạy liên miên, Mattie viết thư cho Martha tại Chicago, “Mẹ rất mong tất cả chúng ta sẽ ở gần nhau hơn để có thể thảo luận mọi chuyện, và dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Cuộc sống của chúng ta đang trôi tuột đi quá nhanh. Cha con thường xuyên nói đến chuyện con ở cùng cha mẹ, và thật vui biết bao nếu ba cha con cùng ở gần nhau. Mẹ thực sự mong ước cha con trẻ hơn và mạnh mẽ hơn. Ông ấy rất ốm yếu, tinh thần ông ấy cũng kém rồi.”
116 Cassandra là con gái của vua Priam và nữ hoàng Hecuba của thành Troy trong thần thoại Hy Lạp. Thần Apollo si mê nàng và trao cho nàng một món quà là quyền năng thấy được tương lai. Trong một dị bản khác, nàng được những con rắn trong đền thờ thần Apollo liếm (hoặc thì thầm) vào tai nên có thể nghe thấy tương lai. Khi Cassandra từ chối tình cảm của Apollo, nàng ta bị nguyền rủa rằng “nàng và con cháu của nàng sẽ thấy được tương lai nhưng không một ai tin vào điều đó.’’ Từ đó “Lời tiên tri Cassandra” là lời cảnh báo về một sự cố hoặc một điều không may, dù chính xác nhưng không ai tin.
Bà rất quan tâm đến các sự kiện tại châu Âu. Trong lá thư khác gửi Martha ngay sau đó, bà viết, “Dường như bây giờ thế giới này loạn rồi. Mẹ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cái thằng điên ấy lại được phép tự tung tự tác lâu như vậy mà không bị kiềm chế, đúng là quá tệ hại. Chúng ta không sớm thì muộn có thể tham chiến, lạy Chúa đừng để điều đó xảy ra.”
Bà Dodd không chia sẻ tình yêu sâu sắc với trang trại Round Hill của chồng. Nơi ấy thật tuyệt vào những ngày hè và trong các kì nghỉ, nhưng không phải là nơi cư trú lâu dài. Bà hi vọng họ có thể tìm được một căn hộ ổn định tại Washington, mỗi năm bà có thể sống ở đó vài tháng, dù ông ở bên cạnh hay không. Trong khi chờ đợi, bà xắn tay áo chỉnh trang trang trại cho dễ sống hơn. Bà mua các tấm rèm bằng lụa vàng, một chiếc tủ lạnh General Electric và một cái bếp mới. Vì mùa xuân đã đến gần, bà ngày càng cảm thấy không vui vì cả hai mục tiêu, tìm kiếm một chỗ ở tạm tại Washington và sửa sang ngôi nhà ở trang trại đều dở dang. Bà viết thư cho Martha, “Cho đến giờ, mẹ chưa làm xong bất cứ cái gì mẹ muốn trong nhà, nhưng khoảng 8 đến 10 người [đang] làm việc trên các hàng rào đá, trang trí các cánh đồng của cha con, dọn đá, chuyên chở vân vân… Mẹ cảm thấy mình muốn ‘bỏ cuộc’ và tung hê tất cả.”
Ngày 23 tháng 05 năm 1938, trong lá thư khác gửi con gái, bà viết, “Mẹ ước gì chúng ta có nhà riêng - ở Washington thay vì ở Chicago. Hẳn sẽ thú vị lắm.”
Năm ngày sau, bà Dodd qua đời. Sáng ngày 28 tháng 05 năm 1938, bà không thể cùng Dodd ăn bữa sáng, như thói quen của bà. Hai vợ chồng ngủ ở hai phòng riêng. Ông đến hỏi thăm bà. “Đó là cú sốc lớn nhất tôi từng trải qua,” ông viết. Bà mất vì suy tim trên giường ngủ, không một dấu hiệu cảnh báo trước. “Bà ấy chỉ mới sáu mươi hai, còn tôi sáu mươi tám,” Dodd viết trong nhật kí. “Nhưng bà ấy nằm đó, im lìm như đá, chẳng còn làm được gì để giúp bà ấy, tôi kinh sợ và đau buồn đến mức không biết mình nên làm gì nữa.”
Martha cho rằng “cuộc sống căng thẳng và kinh hoàng” tại Berlin là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Ngày tang lễ, Martha găm những bông hồng lên bộ váy mẹ cô mặc khi chôn cất, trên tóc cô cũng cài những bông hồng. Bây giờ, mới là lần thứ hai, Martha trông thấy mắt cha cô đẫm lệ.
Trang trại ở Round Hill bất chợt không còn là chốn nghỉ ngơi yên bình nữa mà chỉ toàn đau khổ. Nỗi buồn và sự cô độc của Dodd ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe vốn đã yếu ớt của ông, nhưng ông vẫn gắng gượng, tiếp tục đi giảng dạy khắp đất nước, ở Texas, Kansas, Wisconsin, Illinois, Maryland và Ohio. Ông ra rả nhắc đi nhắc lại những chủ đề giống nhau - rằng Hitler và chủ nghĩa Phát xít đặt cả thế giới trước mối nguy lớn, rằng một cuộc chiến tranh châu Âu là không thể tránh khỏi, và rằng một khi chiến tranh nổ ra thì Mỹ sẽ thấy mình không thể cứ mãi đứng ngoài. Một bài giảng thu hút sự chú ý của bảy ngàn khán thính giả. Trong bài diễn văn ngày 10 tháng 06 năm 1938, tại câu lạc bộ Harvard, Boston - một nơi của những đặc quyền - Dodd nói về sự căm thù người Do Thái của Hitler và cảnh báo ý định thực sự của hắn muốn “giết hết người Do Thái”.
Năm tháng sau, ngày 09 và 10 tháng 11, Đêm Thủy Tinh đã đến, cuộc tàn sát người Do Thái của Quốc xã làm rung chuyển nước Đức, cuối cùng đã buộc Tổng thống Roosevelt phải lên án công khai. Trước các phóng viên, ông phát biểu, “không thể tin nổi một chuyện như thế có thể xảy ra, trong nền văn minh của thế kỷ Hai mươi.”
Ngày 30 tháng 11, Sigrid Schultz viết thư cho Dodd từ Berlin. “Tôi có linh cảm rằng ngài đã có rất nhiều cơ hội để nói hoặc nghĩ cái câu ‘Tôi đã bảo mà?’. Mọi chuyện diễn ra đúng như vậy chẳng phải là sự an ủi lớn lao gì khi thế giới dường như bị chia rẽ, giữa một bên là những kẻ cố ý phá hoại tàn bạo, và một bên là những người tử tế không thể đương đầu với chúng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tàn phá và cướp bóc diễn ra, vậy nhưng đôi khi ngài phải tự hỏi liệu những gì ngài thấy có thực sự đúng - bầu không khí ghê rợn vẫn quanh quất đâu đây, thậm chí còn khủng khiếp hơn cuộc đàn áp ngày 30 tháng 06.”
Một sự kiện lạ lùng làm Dodd sao nhãng. Ngày 05 tháng 12 năm 1938, khi đang lái xe đến buổi nói chuyện tại McKinney, Virginia, xe của ông đâm phải một bé gái da đen bốn tuổi tên là Gloria Grimes. Cú đâm gây cho cô bé chấn thương nặng, bao gồm cả sang chấn ngoài. Dodd không dừng xe lại. “Đó không phải là lỗi của tôi,” sau này ông giải thích với một phóng viên. “Con nhóc ấy chạy vào đường đi của xe tôi, cách nó chín mét. Tôi đã đạp phanh, tránh rồi lái tiếp vì tôi nghĩ con bé đã né được.” Mọi chuyện càng tồi tệ vì ông tỏ ra hơi vô tâm, trong lá thư gửi cho mẹ cô bé, ông viết thêm, “Ngoài ra, tôi không muốn báo chí khắp đất nước đăng tải về tai nạn này. Bà biết báo chí thích phóng đại những chuyện kiểu này ra sao rồi đấy.”
Ông bị truy tố, nhưng vào ngày bắt đầu phiên xử, 02 tháng 03 năm 1939, ông nhận tội. Bạn của ông, Thẩm phán Moore và Martha, ngồi bên cạnh ông. Tòa tuyên phạt ông 250 USD nhưng không giạm giữ, vì lí do sức khỏe yếu và thực tế ông đã chịu 1.100 USD chi phí y tế cho cô bé. Hiện nay theo báo cáo, cô bé đã gần bình phục. Ông bị tước bằng lái và mất quyền bầu cử, một mất mát đặc biệt đau đớn đối với một người từng có niềm tin nhiệt thành vào nền dân chủ.
Bị hủy hoại bởi tai nạn này, vỡ mộng nhờ trải nghiệm làm đại sứ và bị mài mòn dần vì sức khỏe kiệt quệ, Dodd rút về trang trại. Sức khỏe của ông ngày càng tệ hại. Ông được chẩn đoán mắc hội chứng thần kinh tên là liệt hành não, một chứng tê liệt tiến triển chậm các cơ cổ họng. Tháng Bảy năm 1939, ông được chuyển vào bệnh viện Mount Sinai tại New York làm tiểu phẫu bụng, nhưng trước khi tiến hành phẫu thuật, ông bị viêm cuống phổi, một biến chứng thường gặp của chứng liệt hành não. Ông ốm nặng. Khi đang hấp hối, những kẻ Quốc xã chế nhạo ông từ xa.
Một bài viết đăng trên trang nhất tờ báo của Goebbels, Der Angriff, cho rằng Dodd đang nằm trong “phòng mạch Do Thái”. Tiêu đề bài viết là dòng chữ: “Kết cục của Dodd, kẻ kích động chống Đức.”
Tác giả tung ra đòn tấn công hiểm ác tầm thường đặc trưng của tờ Der Angriff. “Lão già 70 tuổi là một trong những nhà ngoại giao lạ lùng nhất từng tồn tại, giờ đây lão quay về sống giữa những kẻ mình từng phục vụ suốt 20 năm - nhà hoạt động chính trị kích động người Do Thái gây chiến.” Bài viết gọi Dodd là “kẻ thấp hèn, khô khan, lúc nào cũng sợ và thích ra vẻ mô phạm... sự kiện ngoại giao hay xã hội nào mà có mặt lão, người ta đều phát ngấy.”
Bài viết lưu ý về chiến dịch của Dodd nhằm cảnh báo các tham vọng của Hitler. “Sau khi về Mỹ, Dodd thể hiện mình như một kẻ vô trách nhiệm và không biết xấu hổ bậc nhất đối với Đế chế Đức. Các vị quan chức của Đế chế ấy với lòng vị tha vô bờ bến, suốt bốn năm đã nhắm mắt bỏ qua các vụ bê bối, những lời nói và hành động hớ hênh về chính trị của chính lão và gia đình lão.”
Dodd xuất viện, lui về trang trại, nơi ông tiếp tục nuôi hi vọng mình sẽ có thời gian viết nốt các tập còn lại của Miền Nam ngày xưa. Thống đốc bang Virginia đã khôi phục quyền bầu cử cho ông, giải thích rằng vào thời điểm gây tai nạn, Dodd “đang ốm và không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.”
Tháng Chín năm 1939, các đội quân của Hitler xâm lược Ba Lan và khơi mào chiến tranh tại châu Âu. Ngày 18 tháng 09, Dodd viết thư cho Roosevelt nói rằng chúng ta đã có thể tránh được cuộc chiến này nếu “các nền dân chủ tại châu Âu” cùng hành động chặn đứng Hitler, như ông đã luôn luôn thúc giục. “Nếu tất cả cùng hợp tác,” Dodd viết, “hẳn họ đã thành công rồi. Giờ thì đã quá muộn.”
Vào mùa thu, Dodd nằm bẹp trên giường, chỉ giao tiếp được bằng một tập giấy và bút chì. Tình cảnh này kéo dài thêm vài tháng nữa, cho đến đầu tháng Hai năm 1940, khi ông trải qua một đợt viêm phổi nữa. Ngày 09 tháng 02 năm 1940, ông qua đời trên giường vào hồi 15 giờ 10 phút, với Martha và Bill Jr bên cạnh. Công trình của cả đời ông - cuốn Miền Nam ngày xưa - vẫn chưa xong. Hai ngày sau đó, ông được an táng tại trang trại, Carl Sandburg làm người hộ tang danh dự.
Năm năm sau, trong cuộc tấn công cuối cùng vào Berlin, một chuồng ngựa ở góc phía tây công viên Tiergarten trúng đạn pháo Nga. Phố Kurfürstendamm gần đó, từng có thời là một trong những con phố giải trí và mua sắm hàng đầu Berlin, giờ đây chỉ còn cảnh tượng kinh hoàng - bầy ngựa, những sinh vật hạnh phúc nhất của Đức Quốc xã, bị đạn pháo xé nát, máu thịt văng đầy trên phố, bờm và đuôi cháy rừng rực.
Các đồng hương của Dodd phán xét sự nghiệp đại sứ của ông ra sao, dường như phụ thuộc phần lớn vào việc họ đứng về phe nào.
Với những người ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, ông là kẻ khiêu khích vô bổ. Với các đối thủ trong Bộ Ngoại giao, ông là một chính khách phi đảng phái lúc nào cũng chỉ biết than phiền, không đáp ứng các tiêu chuẩn của câu lạc bộ Pretty Good. Trong lá thư gửi Bill Jr, Tổng thống Roosevelt tỏ ra lấp lửng đến phát bực. “Hiểu được niềm đam mê của ông ấy đối với sự thật lịch sử, và khả năng hiếm có giúp chúng ta thấy được những ý nghĩa của lịch sử, sự ra đi của ông ấy đúng là tổn thất thực sự của quốc gia.”
Với những ai quen biết Dodd tại Berlin và đã chứng kiến ngay từ đầu sự đàn áp, khủng bố của chính quyền Hitler, ông luôn là một anh hùng. Sigrid Schultz gọi Dodd là “ngài đại sứ tốt nhất chúng ta có tại Đức”, người luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ những lí tưởng Mỹ, thậm chí ngay cả khi Chính phủ nước mình phản đối. Cô viết, “Washington đã không dành cho ông ấy sự ủng hộ mà một đại sứ tại Đức Quốc xã đáng được hưởng, một phần vì có quá nhiều người trong Bộ Ngoại giao yêu say đắm người Đức, và vì quá nhiều doanh nhân có sức ảnh hưởng của đất nước chúng ta tin rằng mình ‘có thể làm ăn với Hitler ’.” Rabbi Wise viết trong hồi kí, Những tháng năm thách thức, “Hiểu rõ những ngụ ý chính trị cũng như đạo đức của chủ nghĩa Hitler, Dodd đã đi trước Bộ Ngoại giao bao nhiêu năm. Và hình phạt cho sự hiểu biết ấy là bị cách chức, chỉ vì ông là con người đúng đắn và quả cảm duy nhất trong các đại sứ, người không tham dự lễ kỉ niệm Nuremberg hàng năm, một dịp để ca ngợi Hitler.”
Vào lúc cuối đời, Messersmith cũng phải khen ngợi Dodd có tầm nhìn xa. “Tôi thường nghĩ không nhiều người nhận thức được chuyện gì đang diễn ra tại Đức thấu đáo hơn ông ấy, và chắc chắn có rất ít người hiểu rõ hơn ông ấy những ảnh hưởng của việc đó đối với phần còn lại của châu Âu, với chúng ta và với cả thế giới.”
Lời ca ngợi cao quý nhất là của Thomas Wolfe, người từng có chuyện tình ngắn ngủi với Martha, trong thời gian thăm Đức mùa xuân năm 1935. Anh ta viết thư cho biên tập viên của mình, Maxwell Perkins, rằng Đại sứ Dodd đã giúp gợi lên trong anh ta “lòng tự hào và niềm tin mới mẻ vào nước Mỹ, niềm tin rằng bằng cách nào đó, tương lai tuyệt đẹp vẫn đang chờ đón chúng ta”. Rằng ngôi nhà của Dodd trên phố Tiergartenstrasse 27a, “đã trở thành nơi ẩn náu an toàn và tự do cho những người có quan điểm khác nhau. Ở nơi ấy, những ai sống và bước đi trong nỗi kinh hoàng có thể thở mạnh không chút sợ hãi và nói thẳng những gì mình nghĩ. Tôi biết đó là sự thật, và hơn thế nữa, trái tim chúng ta reo vui khi biết rằng, bằng cái vẻ lãnh đạm, khô khan, chất phác ấy, ngài Đại sứ đã quan sát được tất cả sự phô trương, hào nhoáng, màu mè và tiếng bước chân hành quân nặng nề.”
Người kế nhiệm Dodd là Hugh Wilson, một nhà ngoại giao theo phong cách cũ mà Dodd từ lâu đã xỉ vả, mắng nhiếc. Thực ra, chính Wilson là người đầu tiên mô tả ngoại giao là “một câu lạc bộ rất vui”. Câu châm ngôn của Wilson ban đầu do Talleyrand117 đưa ra, không hẳn mang tính kích động: “Hơn hết, không quá hăng hái.” Là đại sứ, Wilson cố gắng nhấn mạnh các viễn cảnh tích cực của Đức Quốc xã và tiếp tục chiến dịch nhân nhượng một phía. Ông ta hứa hẹn với Tân Ngoại trưởng Đức, Joachim von Ribbentrop, rằng nếu chiến tranh xảy ra tại châu Âu, ông ta sẽ làm tất cả những gì có thể giúp Mỹ tránh xa cuộc chiến. Wilson buộc tội giới báo chí Mỹ “bị lũ Do Thái kiểm soát”, đang hát “bài ca căm ghét những nỗ lực được tiến hành ở đây nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Ông ta tán dương Hitler như “người dẫn dắt nhân dân thoát khỏi hố sâu tuyệt vọng về đạo đức và kinh tế, đến với sự thịnh vượng rõ nét và đầy tự hào mà họ đang được hưởng.” Ông ta đặc biệt ngưỡng mộ chương trình “Sức khỏe từ niềm vui” của Quốc xã, theo đó tất cả công nhân Đức được tận hưởng những kì nghỉ và nhiều hình thức giải trí khác miễn phí. Wilson nhìn nhận đây như một phương thức mạnh mẽ giúp Đức chống lại những cuộc xâm nhập của Cộng sản và đàn áp các đòi hỏi tăng lương của công nhân - họ tất nhiên sẽ hoang phí khoản tiền đó “vào những trò vô bổ”. Ông ta xem đây là cách tiếp cận “sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới”.
117 Charles Maurice de Talleyrand - Périgord (1754 - 1838): Thủ tướng đầu tiên của Pháp, sau này là Đại sứ Pháp tại Anh quốc.
William Bullitt, trong lá thư gửi từ Paris ngày 07 tháng 12 năm 1937, ca ngợi Tổng thống Roosevelt vì đã lựa chọn Wilson, nêu rõ, “Tôi nghĩ rằng những cơ hội hòa bình tại châu Âu sẽ tăng lên nếu Hugh được bổ nhiệm đến Berlin và xin chân thành cảm ơn ngài.”
Tất nhiên, đến cuối cùng, phương pháp tiếp cận của cả Dodd lẫn Wilson đều chẳng còn quan trọng nữa. Vì Hitler đã thâu tóm hết quyền lực của hắn và làm khiếp đảm dân chúng, chỉ có hành động phản đối của Mỹ mới có thể tạo nên chút tác động, có thể là “can thiệp bằng vũ lực” theo gợi ý của George Messersmith, tháng Chín năm 1933. Tuy nhiên, một hành động như vậy hẳn sẽ không thể tưởng tượng nổi về mặt chính trị, khi Mỹ đang không ngừng ôm mộng rằng, có thể họ không bị cuốn vào những xung đột ở châu Âu. Người bạn của Dodd, Claude Bowers, đại sứ tại Tây Ban Nha và sau này là Chi Lê, viết, “Nhưng rồi lịch sử sẽ ghi nhận rằng, trong khoảng thời gian tên bạo chúa đang tập hợp lực lượng, nhằm xóa sổ nền tự do và dân chủ khắp năm châu, khi chính sách ‘nhượng bộ’ sai lầm đã trang bị các kho vũ khí cho chính quyền chuyên chế, khi mà nhiều giới xã hội, chính trị cao cấp, vẫn xem chủ nghĩa Phát xít chỉ là sự phản đối dân chủ nhất thời, thì ông ấy vẫn mạnh mẽ ủng hộ phong cách sống dân chủ của chúng ta, chiến đấu cho cái thiện và giữ vững niềm tin. Kể cả sau khi chết, ngọn cờ của ông ấy vẫn mãi tung bay.”
Vì tờ Der Angriff của Goebbels tấn công Dodd, ngay cả khi ông đang nằm bẹp trên giường bệnh, thực sự người ta phải tự hỏi: liệu ông có thực sự vô dụng như các kẻ thù của ông đã tin? Đến cuối cùng, Dodd đã chứng tỏ mình đúng như Tổng thống Roosevelt mong muốn, một ngọn đèn hiệu cô độc tỏa ánh sáng tự do và hi vọng của nước Mỹ, ở xứ sở bị bóng tối bao trùm.