Công viên Tiergarten sau khi bị Nga tấn công, đằng sau là Tòa nhà Quốc hội Đức
Martha và Alfred Stern sống trong một căn hộ trên đường Central Park West, Thành phố New York và sở hữu một dinh thự tại Ridgefield, Connecticut. Năm 1939, cô xuất bản một hồi kí mang tựa đề Góc nhìn Đại sứ quán. Cuốn sách nhanh chóng bị cấm xuất bản tại Đức, không có gì ngạc nhiên, nếu xét đến những đánh giá của Martha về các lãnh tụ hàng đầu chế độ - chẳng hạn, “Nếu có bất cứ logic hoặc tính khách quan nào trong các luật tiệt trùng của Quốc xã, Tiến sĩ Goebbels hẳn đã được tiệt trùng từ lâu rồi.” Năm 1941, cô cùng Bill Jr. xuất bản nhật kí của cha họ. Hai chị em cũng hi vọng cho ra mắt bộ sưu tập các lá thư của Dodd dài bằng một cuốn sách, đề nghị Messersmith cho phép họ sử dụng vài lá thư ông đã gửi cho Dodd từ Vienna. Messersmith từ chối. Khi Martha nói rằng đằng nào cô cũng xuất bản, vốn chưa bao giờ yêu quý cô, ông ta cứng rắn. “Tôi bảo cô ta rằng nếu dám xuất bản các lá thư của tôi, cho dù là thông qua nhà xuất bản, hay bất kì phương thức nào khác, tôi sẽ tung hết những gì tôi biết về cô ta lên mặt báo, cả những chương đặc biệt trong cuộc đời cô ta. Đảm bảo bài báo của tôi sẽ còn thú vị hơn bất cứ cái gì được nói đến trong cuốn sách của cô ta.” Ông nói thêm, “Và thế là xong.”
Đây là những tháng năm rất hấp dẫn. Cuộc chiến Dodd báo trước đã bùng nổ và Đồng minh giành chiến thắng. Năm 1945, rốt cuộc Martha cũng đạt được điều cô hằng mơ đã lâu: xuất bản một cuốn tiểu thuyết. Có tựa đề Gieo Gió, cuốn sách rõ ràng được dựa trên cuộc đời một trong số những người tình trước kia của cô, Ernsst Udet. Tác phẩm mô tả làm sao chủ nghĩa Quốc xã quyến rũ, sau đó hạ nhục một phi công Thế Chiến I ưu tú, tận tâm. Cũng năm đó, cô cùng chồng nhận nuôi một bé sơ sinh, đặt tên là Robert.
Cuối cùng, Martha cũng sở hữu được một chốn gặp gỡ dành cho văn nghệ sĩ của riêng cô, thi thoảng thu hút được các nhân vật như Paul Robeson118, Lillian Hellman119, Margaret Bourke-White120 và Isamu Noguchi121. Chủ đề thảo luận tươi sáng, hấp dẫn gợi Martha nhớ đến những buổi chiều thú vị ở nhà người bạn, Mildred Fish Harnack - cho dù giờ đây hồi kí về Mildred đã bị viền đen. Tin tức Martha nhận được về bạn cũ bất ngờ biến cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ tại Berlin quyện trong điềm gở. Cô nhớ lại họ đã lựa chọn cái bàn khuất trong một nhà hàng kín đáo như thế nào, và Mildred đã mô tả “tính hiệu quả ngày càng cao” của mạng lưới ngầm vợ chồng cô ta thiết lập ra sao. Mildred không còn là một phụ nữ thích thổ lộ tâm tình tự nhiên như xưa, nhưng đến cuối bữa trưa, cô ta vẫn tặng Martha một nụ hôn.
118 Paul Leroy Robeson (1898 - 1976): ca sĩ, diễn viên, nhà hoạt động vì nhân quyền người Mỹ.
119 Lillian Florence Hellman (1905 - 1984): nhà viết kịch nổi tiếng người Mỹ
120 Margaret Bourke-White (1904 - 1971): nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Mỹ
121 Isamu Noguchi (1904 - 1988): kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Nhật
Tuy nhiên, giờ đây Martha biết rằng vài năm sau cuộc gặp ấy, Mildred bị Gestapo bắt, cùng Arvid và vài người khác trong mạng lưới của họ. Arvid bị xét xử và tuyên án tử hình, anh ta bị treo cổ tại Nhà tù Plötzensee ở Berlin, ngày 22 tháng 12 năm 1942. Tên đao phủ dùng một sợi dây thừng ngắn để bảo đảm cuộc hành hình diễn ra thật lâu. Mildred bị ép phải chứng kiến. Tại phiên tòa của chính mình, cô nhận bản án sáu năm tù. Đích thân Hitler ra lệnh xét xử lại. Lần này là án tử hình. Ngày 16 tháng 02 năm 1943, vào hồi 18 giờ, cô bị chặt đầu. Những lời cuối cùng của cô là, “Và tôi đã yêu nước Đức đến thế.”
Sau khi rời Berlin, có thời gian Martha tiếp tục ngấm ngầm qua lại với tình báo Xô Viết. Mật danh của cô là “Liza”, cho dù cái tên này có vẻ được dùng trên sân khấu nhiều hơn là mật danh của điệp viên trong hồ sơ. Sự nghiệp tình báo của cô dường như chủ yếu chỉ dừng lại ở bàn bạc và khả năng, cho dù triển vọng tham gia rõ rệt hơn chắc chắn khiến các quan chức tình báo Xô Viết hứng thú.
Một bức điện tín bí mật từ Moscow sang New York tháng Một năm 1942 gọi Martha là “một phụ nữ có giáo dục và thông minh, có năng khiếu”, nhưng lưu ý rằng “cần phải không ngừng kiểm soát hành vi của cô ta”. Một mật vụ Xô Viết đúng đắn chẳng ấn tượng gì với điều đó. “Cô ta tự xem mình như một người Cộng sản và tuyên bố chấp nhận cương lĩnh của Đảng.”
Nhờ những nỗ lực của Martha, chồng cô cũng tự ứng tuyển vào KGB - mật danh của anh là “Louis”. Martha và Stern cùng công khai tuyên bố quan tâm đến chủ nghĩa Cộng sản và các chiến dịch của cánh tả. Năm 1953, họ thu hút sự chú ý của Ủy ban Nghị viện về Các Hoạt động Chống Mỹ, chủ tịch hồi đó là Đại diện Martin Dies, người đã gửi cho hai vợ chồng các trát hầu tòa yêu cầu chứng thực. Hai người bay sang Mexico, nhưng khi sức ép của Chính quyền Liên bang tăng lên, họ tiếp tục hành trình, cuối cùng định cư tại Prague, nơi họ sống trong một biệt thự ba tầng, mười hai phòng, với người hầu kẻ hạ. Họ mua chiếc Mercedes đen mới coong.
Ban đầu, ý tưởng trở thành kẻ đào tẩu quốc tế hấp dẫn Martha vì cô luôn xem mình như người đàn bà nguy hiểm, nhưng tháng năm qua đi, sự mệt mỏi xâm chiếm cô. Trong những năm lưu đày đầu tiên của hai vợ chồng, con trai họ bắt đầu cho thấy những dấu hiệu bất ổn tâm lí nghiêm trọng, thằng bé được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Martha bị “ám ảnh” - theo cách nói của chồng - khi cho rằng tình hình náo động trên máy bay và những chuyến đi sau đó là nguyên nhân khiến Robert mắc bệnh.
Martha và Stern nhận thấy Prague là chốn xa lạ với thứ ngôn ngữ khó hiểu. “Thành thật mà nói, bảo rằng chúng tôi thích ở đây là nói dối,” cô viết thư cho một người bạn “Tất nhiên chúng tôi muốn về nhà, nhưng nhà chưa chào đón chúng tôi... Đây là cuộc sống với những hạn chế đáng kể về tri thức và sáng tạo (ngoài ra chúng tôi không nói được ngôn ngữ bản xứ, một vật cản lớn) và cảm thấy bị cô lập, thường xuyên cảm thấy cô đơn.” Cô dành thời gian sửa sang nhà cửa và làm vườn. “những cây ăn quả, cây tử đinh hương, các loại rau, các loài hoa, chim chóc, côn trùng... mãi bốn năm mới có một con rắn!”
Vào lúc này, Martha biết một người yêu cũ của cô, Rudolf Diels, đã chết, và chết theo cách hoàn toàn không tin nổi đối với một kẻ thành thạo thuật sống còn như hắn. Sau hai năm ở Cologne, hắn trở thành ủy viên địa phương vùng Hannover, để rồi bị sa thải vì cho thấy quá nhiều đắn đo về đạo đức. Hắn nhận việc làm giám đốc vận chuyển nội địa cho một công ty dân sự, nhưng sau đó bị bắt trong cuộc bố ráp quy mô lớn sau ngày 20 tháng 07 năm 1944, nhằm ám sát Hitler. Sau này, hắn làm quan chức cấp cao trong chính quyền Tây Đức. Vận may của hắn chấm dứt vào ngày 18 tháng 11 năm 1957, trong một chuyến đi săn. Khi hắn đang lấy khẩu súng trường ra khỏi xe, súng bị cướp cò.
Cô nối lại các tình bạn cũ bằng thư từ. Cô cùng Max Delbrück trao nhau những lá thư sinh động. Cô gọi anh ta là “Max, tình yêu của em”, anh ta gọi cô là “Martha vô cùng yêu dấu của anh.” Họ trêu chọc nhau về những rắc rối sức khỏe ngày càng tăng của mình. “Anh ổn, ổn, rất ổn.” anh ta nói, “ngoại trừ một chút bệnh tim và một tí đa u tủy thôi mà.” Anh ta thề liệu pháp hóa trị khiến tóc anh ta mọc lại.
Những người khác thì không được thành công như đánh giá trước kia của Martha. Hoàng tử Louis Ferdinand thì “rất tệ”, còn Putzi Hanfstaengl là “thằng hề thực sự”.
Nhưng một tình yêu lớn giờ đây tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết. Martha bắt đầu viết thư cho Bassett, anh chồng cũ - người đầu tiên trong số ba tình yêu lớn của cô - và chẳng bao lâu sau họ thư đi thư lại như thể quay về những năm hai mươi tuổi, phân tích chuyện tình đã qua của hai người, nhằm cố gắng tìm hiểu lí do vì sao họ mất nhau. Bassett thừa nhận anh đã hủy hết tất cả những lá thư tình cô từng viết cho anh, vì nhận ra “ngay cả thời gian có qua đi, anh vẫn không thể chịu đựng nổi khi đọc chúng, nói gì đến chuyện muốn bất kì ai khác chia sẻ chúng sau khi anh qua đời.”
Nhưng Martha vẫn giữ lại hết những lá thư của anh. “Ôi, những lá thư tình!” Cô viết.
“Có một điều em chắc chắn,” cô viết cho anh trong lá thư tháng Mười một năm 1971, khi sáu mươi ba tuổi. “Giá như chúng ta ở bên nhau, hẳn chúng ta sẽ có một cuộc sống nồng nàn, phong phú và sinh động cùng nhau... Em tự hỏi liệu anh vẫn còn cảm thấy hạnh phúc với người phụ nữ, trước kia cũng như bây giờ, toàn làm trái quy tắc như em không, ngay cả cho dù chúng ta sẽ không mắc phải những biến chứng xảy đến với em sau này. Mặc dù vậy, em vẫn vui với nỗi u sầu, sống hữu ích với vẻ đẹp và cú sốc! Em đã yêu anh, yêu Alfred và một người khác, giờ vẫn vậy. Kẻ lập dị là thế đó, vẫn hoạt bát, sống động, người anh đã từng yêu và từng cưới!”
Năm 1979, một tòa án liên bang xóa hết tất cả tội danh của cô và Stern, mặc dù miễn cưỡng, lấy lí do thiếu bằng chứng và các nhân chứng đã chết. Họ mong ngóng ngày được trở về Mỹ, và đã cân nhắc chuyện đó, nhưng rồi họ nhận ra vẫn còn một vật cản khác. Suốt bao năm tháng bị lưu đày, họ vẫn chưa thanh toán hết các khoản thuế tại Mỹ. Món nợ chất chồng giờ đây cao đến mức không trả nổi.
Họ cân nhắc chuyển đến nơi khác - có thể là Anh hoặc Thụy Sĩ - nhưng lại xuất hiện chướng ngại khác, vật cản lớn nhất trong tất cả: tuổi già.
Giờ đây thời gian và bệnh tật đã ảnh hưởng nặng nề lên thế giới hồi ức của Martha. Bill Jr. qua đời tháng Mười năm 1952 vì ung thư, bỏ lại một vợ hai con trai. Cậu mất sáu năm kể từ khi rời Berlin làm hết việc này đến việc khác, cuối cùng làm thư kí trong cửa hàng sách Macy tại San Francisco. Suốt quãng thời gian đó, những sự đồng cảm với cánh tả khiến cậu lâm vào thế đối đầu với Ủy ban của Dies. Chúng tuyên bố cậu không “thích hợp” để làm việc cho bất kì cơ quan liên bang nào, vào lúc này cậu đang làm việc cho Ủy ban Thông tin Liên lạc Liên bang. Cái chết của cậu biến Martha thành người duy nhất trong gia đình còn sống. “Bill là một cậu chàng cừ nhất, một người tốt bụng và ấm áp, đã phải chịu đựng quá nhiều thất vọng và đau khổ - có thể còn nhiều hơn những gì anh ấy có thể chịu đựng,” Martha viết trong lá thư gửi vợ đầu của Bill, Audrey. “Em nhớ anh ấy khủng khiếp, cảm thấy trống rỗng và cô độc khi anh ấy không còn.”
Quentin Reynolds mất ngày 17 tháng 03 năm 1965, không thọ lắm, mới sáu mươi hai tuổi. Putzi Hanfstaengl, người có vóc dáng cơ thể có vẻ giúp anh ta không thể bị tổn thương, qua đời ngày 06 tháng 11 năm 1975, tại Munich, thọ tám mươi tám tuổi. Sigrid Schultz, Con Rồng Chicago, mất ngày 14 tháng 05 năm 1980, ở tuổi tám mươi bảy. Và Max Delbrück, được xem là người rậm tóc, đã từ trần vào tháng Ba năm 1981, cuối cùng vẻ hồ hởi, cởi mở của ông ta cũng chấm dứt. Ông ta thọ bảy mươi tư tuổi.
Sự tiều tụy nghiêm trọng này mang sắc u ám, làm dấy lên những câu hỏi mạnh mẽ. Tháng Ba năm 1984, khi Martha đã bảy mươi lăm tuổi, còn Stern tám mươi sáu, cô đã hỏi một người bạn, “Cậu nghĩ xem nếu được lựa chọn, chúng ta sẽ chết ở đâu? Chết ở đây hay ở nước ngoài? Bỏ mặc người sống sót ở đây cùng những hồi ức đau đớn liệu có dễ dàng hơn không? Hay vứt bỏ tất cả, một mình tìm đến một nơi mới mẻ, hoặc tốt hơn là cùng nhau đi, để rồi cảm thấy mất mát, u buồn bởi những giấc mơ dang dở và thiếu vắng bạn bè trong môi trường mới, nhưng vẫn dành ra vài năm xây dựng được ngôi nhà mới ở nước ngoài?”
Martha là người sống sót. Stern qua đời năm 1986. Cô vẫn ở lại Prague, cho dù như cô viết thư cho bạn bè, “Với mình, chẳng còn nơi nào cô độc như nơi này nữa.”
Cô mất năm 1990 ở tuổi tám mươi hai, không hẳn là một nữ anh hùng nhưng chắc chắn là một phụ nữ có nguyên tắc, người không bao giờ chịu từ bỏ niềm tin giúp Xô Viết chống Quốc xã là điều đúng đắn nên làm, vào thời điểm hầu như cả thế giới không chịu làm gì cả. Cô chết nhưng vẫn khiêu vũ ngoài rìa nguy hiểm - một kẻ lập dị lưu đày, nhiều hứa hẹn, thích ve vãn, tán tỉnh và được nhớ đến - sau khi Berlin đã quen với vai trò của cô như một bà nội trợ, họ không thể một lần nữa nhìn nhận bản thân cô như một nữ anh hùng vĩ đại và tỏa sáng rực rỡ.
Bassett, chàng trai thủy chung già cỗi, tiếp tục sống lâu hơn Martha sáu năm nữa. Rời xa cây ngô đồng kì diệu ở Larchmont, anh dọn đến một căn hộ ở khu Upper East Side của Manhattan, nơi anh ra đi thanh thản ở tuổi 102.