I. BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA TÔN GIÁO TRÊN THẾ GIỚI
Thế kỷ XX và hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, lịch sử nhân loại đã trải qua những biến động vô cùng to lớn, sâu sắc trên nhiều mặt của đời sống xã hội và đời sống tôn giáo. Thảm họa hủy diệt của hai cuộc chiến tranh thế giới làm cho nhân loại phải băn khoăn về số phận của mình. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai (1945), thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh, cục diện chính trị hình thành hai phe: xã hội chủ nghĩa (do Liên Xô đứng đầu) và tư bản chủ nghĩa (do Mỹ đứng đầu); đối đầu, đấu tranh với nhau, nhưng trong thế thủ nghi kỵ, dè trừng, cảnh giác lẫn nhau. Cục diện ấy tạo nên trạng thái chính trị, xã hội cân bằng, ổn định tương đối, ít có biến động.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (1991), thế đối đầu Xô - Mỹ tan rã, cục diện chính trị thế giới rơi vào trạng thái đa cực với những diễn biến phức tạp. Một số nơi rơi vào khoảng trống quyền lực chính trị, tạo điều kiện các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan trỗi dậy gây nên tình trạng bất ổn, xung đột tôn giáo, xung đột dân tộc gắn với chủ nghĩa ly khai, giải lãnh thổ làm thay đổi bản đồ thế giới. Trong 45 năm (1945-1990), bình quân mỗi năm thế giới chỉ có 4 cuộc chiến tranh, nhưng 10 năm (1991-2000), bình quân mỗi năm có tới 25 cuộc chiến tranh; 100 cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang (trên 90% liên quan trực tiếp đến vấn đề tôn giáo và dân tộc)(2). Hai thập niên đầu thế kỷ XXI, xảy ra hàng trăm cuộc chiến tranh xung đột, khủng bố liên quan đến tôn giáo.
(2) Trịnh Quốc Tuấn, Các khuynh hướng của chủ nghĩa dân tộc trong thế giới đương đại, Thông tin chuyên đề Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 1/2003, tr.3-4.
Toàn cầu hóa trong lĩnh vực tôn giáo đã trở thành một hiện thực của xã hội hậu hiện đại. Toàn cầu hoá trước hết từ kinh tế, kéo theo toàn cầu hoá các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Nó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đem lại sự tăng trưởng cao, làm biến đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra sự chuyển biến xã hội, phân công lại lao động quốc tế kéo theo các dòng người di cư cùng nền văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của họ diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa. Toàn cầu hóa cũng làm gia tăng nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc, đe dọa chủ quyền và độc lập của các quốc gia, nhất là các quốc gia nhỏ yếu thế. Nó cũng gia tăng nguy cơ bị “đồng hóa”, cưỡng bức về văn hóa làm mất bản sắc của mình từ phía các quốc gia, dân tộc lớn... nên các quốc gia dân tộc nhỏ yếu thường tìm đến với tôn giáo xem đó như một vũ khí tự vệ để củng cố nội lực chống sự đồng hóa bảo vệ bản sắc dân tộc. Về tôn giáo, toàn cầu hóa tạo ra các dòng truyền giáo mới, làm cho các luồng tôn giáo đa chiều hơn, xóa nhòa biên giới lãnh thổ quốc gia, tạo nên tính đa dạng tôn giáo và làm cho sự giao lưu tiếp biến văn hóa tôn giáo thuận lợi hơn.
Hiện đại hóa và hiện đại hóa tôn giáo xuất phát ở châu Âu từ thế kỷ XV-XVI, đã lan rộng ra toàn thế giới và ngày nay càng trở nên sâu sắc hơn. Hiện đại hóa tác động mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc đến mọi mặt đời sống chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Hiện đại hoá trên phương diện tôn giáo là sự thay đổi quan niệm thần học, sự giải thích các tín điều mang tính lý tính, khoa học “hiện đại” hơn và sự thích ứng tích cực của tôn giáo vào tiến trình hiện đại hóa xã hội. Các tôn giáo cải tiến thiết chế gọn nhẹ, năng động hơn, giảm thiểu sự rườm rà về nghi lễ, sự khắt khe trong luật lệ, đơn giản hóa, nghệ thuật hóa, thậm chí là giải trí hóa cách thức hành đạo, đề cao lý tính, ủng hộ khoa học, sử dụng thành quả của khoa học, công nghệ, phương tiện hiện đại vào hoạt động truyền đạo và sống đạo.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong lĩnh vực tôn giáo. Sự phát triển khoa học công nghệ dẫn đến cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số, Internet vạn vật, không gian mạng thực - ảo, trí tuệ nhân tạo, tương tác thực tại ảo, sự kết nối đường truyền Internet, các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Twitter, Google plus,… phủ sóng toàn cầu, giúp con người kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi, làm cho thế giới càng trở nên phẳng và ảo hơn, còn có thể làm cho con người kết nối với “thần thánh”, với “thiên đường”. Người ta có thể trò chuyện cùng nhau, nhìn thấy nhau, tương tác với nhau nhờ các thiết bị điện tử được nối mạng như: Tivi, máy tính, Iphone, Ipad, điện thoại thông minh (smastphone) chỉ trong vòng “1 nốt nhạc” mà không cần gặp trực tiếp. Thực tế “ảo”, không gian “ảo” đã giúp cho làm việc trực tuyến đã trở thành hiện thực trong đời sống xã hội và đời sống tôn giáo. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cung cấp các phương tiện, tạo ra môi trường truyền giáo, sống đạo mới, đại dịch Covid-19 với yêu cầu giãn cách xã hội mới đã làm thay căn bản đời sống tôn giáo trong xã hội hậu hiện đại.
Sự phát triển kinh tế thị trường cạnh tranh tự do, dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc, khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, giữa các tầng lớp trong một quốc gia càng nới rộng, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 2020, thế giới có 1,3 tỷ người nghèo đa chiều, trong đó 736 triệu người, chiếm 9,81% dân số thế giới sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực. Đại dịch Covid-19 làm tăng thêm 115 triệu người đói nghèo năm 2020, ước tính tăng lên 150 triệu người vào năm 2021(3). Ở các nước đang và chậm phát triển, tình trạng nghèo đói, lạc hậu thường đi liền với bất công, bất bình đẳng xã hội. Nghèo đói, bất bình đẳng và mặt trái của cơ chế thị trường là điều kiện thuận lợi cho tôn giáo phát triển trong thế giới hiện đại.
(3) Nguyên Hạnh, "Nhìn lại 2020: Toàn thế giới nghèo đi vì đại dịch Covid-19", Báo Tuổi trẻ Online, ngày 19/12/2020.
Chiến tranh lạnh kết thúc, thế đối đầu Xô-Mỹ tan rã, sự cân bằng tương đối của cục diện chính trị thế giới bị phá vỡ, tạo ra khoảng trống quyền lực ở nhiều khu vực, tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy gắn với chủ nghĩa ly khai giải lãnh thổ bùng nổ làm đảo lộn bản đồ chính trị thế giới. Kéo theo đó là các cuộc chiến tranh khu vực, xung đột dân tộc và các cuộc khủng bố diễn ra ở nhiều nơi đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây nên làn sóng di tản ồ ạt với quy mô lớn (riêng năm 2019 toàn thế giới đã có 270 triệu người di cư)(4). Tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, hậu quả của biến cố “Mùa xuân Ả rập” (17/12/2010), đã đẩy 15 triệu người phải di cư, 1,3 triệu người chết và bị thương(5)… Sự biến động của tình hình chính trị thế giới là nguyên nhân làm cho tôn giáo có điều kiện phát triển.
(4) Khánh Linh (Theo UN, IOM, AFP), IOM, "270 triệu người di cư quốc tế, hơn một nửa ở châu Âu và Bắc Mỹ", Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 28/11/2019.
(5) Nguyễn Minh, Ngọc Hưng, Văn Duyên, Văn Hiếu, Ngọc Thạch, “Mùa xuân Arab” - 10 năm nhìn lại", Báo Quân đội Nhân dân Online, ngày 19/12/2020.
Sự khủng hoảng niềm tin vào mô hình xã hội tương lai, sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, kéo theo sự suy giảm niềm tin của quần chúng vào mô hình xã hội tương lai. Nguy cơ và ám ảnh nỗi lo sợ trước nhiều vấn nạn vẫn còn hiện hữu: chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học, hóa học hủy diệt hàng loạt chưa bị thủ tiêu; các tổ chức tội phạm quốc tế; chủ nghĩa khủng bố quốc tế; sản xuất và buôn bán ma tuý; các loại tội phạm khác đe dọa đang xâm phạm đến quyền sống của con người như buôn bán phụ nữ, trẻ em; nạn mại dâm, bắt cóc người, nhập cư trái phép-thực tế là buôn bán nô lệ kiểu mới. Sự huỷ hoại các nền văn hoá bản địa, gia tăng nghèo đói; sự suy thoái đạo đức, lối sống; sự bất an của cá thể và tan vỡ kết cấu gia đình; sự mất cân bằng tâm lý, bất an và thất vọng... đang đẩy nhiều người vào bế tắc, bất lực, tìm đến với tôn giáo để được cứu vớt, che chở.
Thảm họa thiên tai, môi trường do sự phát triển quá nóng của kinh tế, xã hội không được kiểm soát, gây ra những hậu quả nặng nề. Nạn phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi phá vỡ sự cân bằng sinh thái nên tình trạng suy thoái môi trường, ô nhiễm không khí, tầng ôzôn bị thủng, trái đất nóng dần lên, sóng thần, bão lũ đe dọa nghiêm trọng “ngôi nhà chung” của nhân loại. Cùng với đó là những căn bệnh hiểm nghèo chưa tìm được phương thuốc cứu chữa như: đại dịch AIDS, SARS. Đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, gây tác động mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tính đến ngày 15/3/2022, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện, lây lan ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm cho 470 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có 6,05 triệu người tử vong(6), gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, làm đảo lộn xã hội, tạo nên trạng thái xã hội mới ở hầu hết các quốc gia, khu vực trên thế giới, khiến con người cảm thấy sự mong manh, phù du của phận người. Tác động của đại dịch Covid-19 càng làm cho tình trạng đói nghèo và sự bất an tinh thần, xã hội thêm trầm trọng, làm cho sự đồn đoán, tiên tri về “ngày tận thế” có dịp phát triển; các hiện tượng tôn giáo mới có cơ hội nảy nở.
(6) Theo Our World in data và Ju CSSE Covid-19 data, ngày 15/3/2022.
Các tôn giáo truyền thống đang có sự điều chỉnh lại chiến lược của mình để thích ứng với xã hội hiện đại. Các tôn giáo chủ động sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, điện tử, Internet, mạng xã hội để đẩy mạnh hoạt động truyền giáo, phát triển đạo, sinh hoạt tôn giáo, cùng với đó là nhu cầu đời sống tâm linh, tôn giáo đang trở lại, thậm chí có nơi trỗi dậy làm cho thế giới càng trở nên “tôn giáo hơn” và “sùng đạo hơn”(7) trong một xã hội hiện đại thế tục hóa.
(7) Gina A. Zurlo, Todd M. Johnson, Peter F. Crossing: World Christianity and Mission 2020: Ongoing Shift to the Global South. First Published October 16, 2019 Research Article: https://doi.org.
II. SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA TÔN GIÁO TRÊN THẾ GIỚI
1. Sự chuyển biến niềm tin và dân số tôn giáo trên thế giới
Trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, tình hình và đời sống tôn giáo trên thế giới có sự chuyển biến, thay đổi trái ngược nhau. Trong nửa đầu thế kỷ XX, tinh thần mộ đạo của nhân loại cao, sinh hoạt tôn giáo diễn ra sôi động ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia chịu ảnh hưởng của Kitô giáo (trừ Liên Xô). Nhưng từ giữa thập niên 40 đến thập niên 60 của thế kỷ XX, xu hướng tôn giáo giảm, tình trạng khô đạo, nhạt đạo diễn ra ở nhiều nơi do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự thắng thế của chủ nghĩa vô thần, trào lưu thế tục hóa diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu. Sự suy giảm của tôn giáo diễn ra ngay cả ở những quốc gia vốn được xem là trung tâm của tôn giáo châu Âu, như Pháp, Italia, Đức... Nó diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, từ sự suy giảm đức tin, đến thực hành niềm tin tôn giáo (đi lễ nhà thờ, cầu nguyện, rước lễ, thờ cúng, việc giữ gìn các giới luật); và sự sa sút phẩm hạnh của giới chức sắc; số lượng tín đồ, giáo sĩ, tu sĩ giảm khá nhanh cùng với sự phát triển của phong trào thế tục hóa. Trước tình trạng đó, có người đã tuyên bố rằng: “Sự lụi tàn của tôn giáo chỉ còn là vấn đề của thời gian”(8). Tác giả Peter Berger viết: “Vào thế kỷ XXI, các tín đồ tôn giáo có thể chỉ còn tìm thấy trong các giáo phái nhỏ, họ túm tụm sống với nhau để kháng cự lại một nền văn hóa thế tục có tính toàn cầu”(9).
(8) Dẫn theo Nguyễn Xuân Nghĩa, "Tôn giáo trong thời hiện đại: thế tục hóa hay phi thế tục hóa?", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2/2003, tr.22.
(9) Dẫn theo Nguyễn Xuân Nghĩa, Tôn giáo trong thời hiện đại: thế tục hóa hay phi thế tục hóa?", Tlđd, tr.22.
Từ thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, tôn giáo phục hồi, phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, Peter Berger đã phải cải chính lại lời nhận định của mình: “ý tưởng cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới tục hóa là sai lầm. Thế giới ngày nay, với một vài ngoại lệ, vẫn mang tính tôn giáo dữ dội như trong quá khứ”(10). Các tác giả cuốn “Các xu thế lớn năm 2000”, dự báo: “Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba không thể nhầm lẫn về sự hồi sinh của nhiều giáo phái trên thế giới”(11). Tác giả cuốn: “Sự đảo lộn của thế giới địa-chính trị thế kỷ XX”, nhận định: “Thời gian cuối thế kỷ này được đánh dấu bằng việc khẳng định một sự phục hồi tôn giáo... phong trào này bắt đầu từ những năm 70”(12). Ông André Malraux dự báo: “Thế kỷ XXI là tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả” và xác quyết: “vấn đề cốt yếu của cuối thế kỷ (XX), sẽ là vấn đề tôn giáo, nhưng dưới một hình thức khác với hình thức mà chúng ta biết” và “Trách nhiệm của thế kỷ XXI phải là tái du nhập thần linh vào đời sống con người”(13).
(10) Dẫn theo Nguyễn Xuân Nghĩa, Tôn giáo trong thời hiện đại: thế tục hóa hay phi thế tục hóa?", Tlđd, tr.22.
(11) J. Nasbit và P. Aburdence, Các xu thế lớn năm 2000, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.242.
(12) M. Tuarenơ, Sự đảo lộn của thế giới địa - chính trị thế kỷ XX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.133.
(13) Nguyễn Thái Hợp, "Tôn giáo đối diện với toàn cầu hóa", Báo Công giáo và Dân tộc, số 144, tháng 12/2006, tr.42.
Dân số tôn giáo là vấn đề quan trọng, song cũng rất khó khăn để xác định số liệu tín đồ của các tôn giáo. Khó khăn là ở chỗ việc xác định tiêu chí tôn giáo chưa có sự thống nhất và điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí và thời gian thế nào cho những cuộc khảo sát trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay một số tổ chức nghiên cứu tôn giáo toàn cầu có uy tín, như: Trung tâm Nghiên cứu Pew, Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, Facbook, đã có những nghiên cứu, thống kê cung cấp số liệu tôn giáo ở hầu hết các quốc gia, khu vực, cập nhật, khá toàn diện một bức tranh về số lượng tín đồ, chức sắc, sự phân bố tôn giáo trên thế giới.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, trong 120 năm (1900-2020), đời sống tôn giáo của nhân loại có nhiều chuyển biến, thay đổi. Xu hướng thế tục diễn ra khá nhanh, tỷ lệ người có tôn giáo giảm từ 99,8% dân số thế giới (1900), xuống còn 80,82% (1970)(14). Nhu cầu tôn giáo phục hồi, gia tăng trở lại khoảng 4% trong 30 năm cuối thế kỷ XX(15). Đến năm 2020, dân số thế giới có 7,83 tỷ người, trong đó có 6,64 tỷ người có tôn giáo, chiếm 84,78% dân số(16). Dự báo đến năm 2050, số người có tôn giáo trên thế giới sẽ tăng lên 86,8%, người không tôn giáo giảm xuống còn 13,2%(17).
(14) Center for the study of Global Christianity, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900-2050, https://gordonconwell.edu>sites> 2021/01> Status, truy cập ngày 22/10/2021.
(15) Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2004, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr.81.
(16) Religionby Country 2021 - World Population Review, worldpopulationreview. com religion, truy cập ngày 20/5/2021, truy cập ngày 22/10/2021
(17) Pew Research Center, The Future of World Religions: Population Growth Projections - Religious Composition by Country, 2010-2050, https://www.pewforum.org/2015/04/02/religious-projection.
Bảng thống kê dân số tôn giáo thế giới từ năm 1900-2050
Đơn vị tính: 1.000 người
Nguồn: Centrer for the study of Global Christrianity at Gordon-conwell theological seminary, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1990-2050, https:// gordonconwell.edu >sites> 2021/01 > Status; Todd M. Johnson and Gina A. Zurlo. eds, World Christian Database (Leiden/Boston: Bill.accessed July 2020).www.worldchristriadatabase.org; Sách Niên giám Thống kê Tòa Thánh - Annuarium Statisticum Ecclesiae”, hàng năm; Religion by Country 2021 - World Population Review, worldpopulationreview.com > religion, truy cập ngày 20/5/2021; Giáo hội Công giáo Việt Nam, niên giám 2004, 2016, Nxb Tôn giáo.
Trong hơn một thế kỷ, Kitô giáo và Islam giáo là hai tôn giáo có tỉ lệ tín đồ chiếm đa số, trên 1/2 trong tổng số những người theo tôn giáo trên thế giới và vẫn giữ được sự phát triển. Theo Trung tâm Kitô giáo toàn cầu, năm 1900, số người theo đạo Kitô và người Islam giáo chỉ chiếm 33% dân số thế giới dân số. Đến năm 2018, dân số của hai tôn giáo này chiếm 57% dân số thế giới và dự báo chiếm 64% vào năm 2050(18).
(18) Todd M. Johnson, Gina A. Zurlo, Albert W. Hickman and Peter F. Crossing, Christianity 2018: More African Christians and, Counting Martyrs, https:// journals.sagepub.com > doi > abs, truy cập 22/10/2021.
Các tôn giáo lớn vẫn duy trì sự phát triển, song, tỷ lệ người theo đạo đang có sự thay đổi trong cơ cấu dân số thế giới. Kitô giáo vẫn là tôn giáo có số lượng tín đồ nhiều nhất, nhưng đang giảm trong cơ cấu dân số, trong khi Islam giáo lại phát triển nhanh, chiếm tỷ lệ cao trong dân số thế giới. Những người vô thần, người không tôn giáo hay bất khả tri cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu dân số thế giới. Tính đến năm 2020, Kitô giáo 2,533 tỷ người, chiếm 32,32% dân số thế giới; Islam giáo 1,926 tỷ người, chiếm 24,56% dân số toàn cầu; Ấn Độ giáo 1,085 tỷ người, chiếm 13,81% dân số toàn cầu; Phật giáo 507 triệu người, chiếm 6,45% dân số toàn cầu; tôn giáo truyền thống (Trung Quốc, Nhật Bản, châu Phi, châu Mỹ) 429 triệu người, chiếm 5,46% dân số thế giới và các tôn giáo khác 61 triệu người(19), gồm: Do Thái giáo 14,96 triệu tín đồ, đạo Shik 22,46 triệu tín đồ và các tôn giáo nhóm nhỏ khác.
(19) ReligionbyCountry2021-WorldPopulationReview, worldpopulationreview. com > religion, truy cập ngày 20/5/2021.
Tôn giáo dường như đang “trở lại” với đời sống xã hội, nhưng ở một dạng thức khác, với sự chuyển biến, thay đổi rất đa dạng, nhiều chiều. Trong khi xu hướng mộ đạo gia tăng đời sống tâm linh tôn giáo, lại có hiện tượng một bộ phận người tin mà không theo đạo hoặc có người theo đạo mà không tin; một bộ phận không xác định niềm tin tôn giáo cụ thể theo kiểu “tâm linh không tôn giáo”; một bộ phận đa niềm tin hay liên niềm tin tôn giáo. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một bộ phận từ bỏ tôn giáo, vô thần hay bất khả tri. Số người vô thần, bất khả tri, không tôn giáo chiếm một tỉ lệ đáng kể và đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2020, có 1,193 tỷ người không tôn giáo (vô thần, bất khả tri), chiếm 15,22% dân số trên thế giới(20). Có người cho rằng, tôn giáo đang khủng hoảng, suy tàn; có ý kiến thừa nhận tôn giáo ở Tây Âu suy giảm, còn ở các khu vực khác đang phát triển. Đời sống tôn giáo ở một số nơi có biểu hiện suy giảm, song nhìn chung, tôn giáo đang phục hồi ở nhiều nơi trên thế giới với hình thức biểu hiện rất khác nhau, số người có tôn giáo tăng nhanh. Thế giới đang trở nên “tôn giáo” hơn, “sùng đạo” hơn và đa dạng tôn giáo hơn, nhất là ở cấp độ quốc gia, đại đa số các quốc gia trên thế giới không còn duy trì chế độ độc tôn tôn giáo. Trước đây, nhiều quốc gia thường lấy một tôn giáo (Islam giáo, Công giáo, Tin lành, Chính Thống giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo) làm quốc đạo, hay chính đạo, nhưng ngày nay tình trạng đó cơ bản đã thay đổi. Một số quốc gia vẫn theo cơ chế quốc đạo hay lấy một tôn giáo làm chính đạo, song vẫn thừa nhận quyền tự do của các tôn giáo khác. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đến năm 2050, dân số thế giới đạt trên 9,3 tỷ người, số người có tôn giáo sẽ tăng lên 86,8%, Kitô giáo 31,4%; thứ đến là Islam giáo 29,7%; Ấn Độ giáo 14,9% dân số toàn cầu, vươn lên vị trí thứ 3, vượt những người vô thần hoặc người không theo tôn giáo. Số người không tôn giáo (vô thần, bất khả tri), sẽ giảm xuống còn 13,2% do tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ chết cao(21).
(20) “Religious Composition by Country, 2010-2050”. Pew Research Center. 2 April 2015. Archived from the original on 15 June 2020. Retrieved 5 May 2020.
(21) Pew Research Center, The Future of World Religions: Population Growth Projections- Religious Composition by Country, 2010-2050, https://www.pewforum.org/2015/04/02/religious-projection-tablevà Christianity by Coutry (2021), From Wikipedia.
Châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những địa bàn có xu hướng thế tục hóa mạnh nhất, trong khi Trung Đông - Bắc Phi và Mỹ - Latinh là nơi sùng đạo nhất thế giới. Tôn giáo đang dịch chuyển về phía Nam toàn cầu (Nam - Bắc), khu vực Mỹ - Latinh, châu Phi hạ Sahara ngày càng trở nên “mộ đạo hơn”, “tôn giáo hơn” với sự phát triển của Kitô giáo, Islam giáo. Trong bối cảnh của toàn cầu hóa, di dân và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển biến của tôn giáo không chỉ diễn ra trên phương diện đời sống đức tin, mà cả các địa bàn phân bố của tôn giáo trên thế giới cũng có nhiều chuyển biến, thay đổi.
2. Sự chuyển biến về địa bàn phân bố tôn giáo trên thế giới
Địa - tôn giáo hay sự phân bố là vấn đề quan trọng khi nghiên cứu tôn giáo trên thế giới hay ở từng quốc gia. Sự phân tôn giáo theo địa lý châu lục và các vùng địa lý châu lục như sau:
Bảng thống kê dân số các tôn giáo theo châu lục năm 2020
Đơn vị tính: 1.000 người
Nguồn: Centrer for the study of Global Christrianity at Gordon-conwell theological seminary, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1990-2050, https:// gordonconwell.edu > sites > 2021/01 > Status; Todd M. Johnson and Gina A. Zurlo. eds, World Christian Database (Leiden/Boston: Bill.accessed July 2020).www.worldchristriadatabase.org; Religion by Country 2021 - World Population Review, worldpopulationreview.com > religion, truy cập ngày 20/5/2021; Niên giám Tòa Thánh năm 2021, công bố ngày 25/3/2021, Đài Vatican New, ngày 19/6/2021.
Tính đến ngày 31/12/2020, thống kê ở 234 quốc gia và vùng lãnh thổ, dân số trên thế giới có hơn 7,83 tỷ người, trong đó có hơn 6,6 tỷ tín đồ các tôn giáo, chiếm 84,81% dân số thế giới.
Châu Á là lục địa rộng lớn và đông dân nhất, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm 5 khu vực: Tây Á (18 nước), Nam Á (9 nước), Trung Á (5 nước), Đông Nam Á (11 nước) và Đông Bắc Á (8 nước). Dân số châu Á hơn 4,6 tỷ người, chiếm 59,22% dân số thế giới. Châu Á là quê hương sinh ra hầu hết các tôn giáo trên thế giới, cũng là châu lục có đa dạng tôn giáo nhất trên thế giới, nơi có nhiều tôn giáo nhất, điển hình về sự tương phản trong đời sống tôn giáo. Một số tôn giáo tập trung chủ yếu ở châu Á, như Hindu giáo (99,1%), Phật giáo (98,33%), Islam giáo (65,5%), đạo Sikhs (91,83%), tôn giáo truyền thống (88,67%). Châu Á là nơi có tỷ lệ người không theo tôn giáo nhiều nhất, chiếm 19,29% dân số châu lục. Mặc dù đạo Kitô ra đời ở châu Á, Chúa Giêsu là người châu Á, song, trớ trêu thay, dường như người châu Á có vẻ ngoảnh mặt lại với Chúa, có rất ít người theo đạo, chỉ có 11,4% dân số Kitô ở châu Á và đạo Kitô chỉ chiếm 6% dân số châu Á. Phật giáo ra đời ở Nam Á, nhưng rất ít người Nam Á theo đạo (chỉ có 1,53% dân số theo đạo và chiếm 5,9% dân số Phật giáo trên thế giới), trong khi Phật giáo lại phát triển mạnh ở các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Tính đa dạng tôn giáo ở châu Á chủ yếu tập trung ở hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, trong khi mức độ đa dạng tôn giáo thấp nhất là ở các nước Tây Á, Trung Á và Nam Á với sự hiện diện chủ yếu của Islam giáo và Hindu giáo. Khu vực Tây Á, Trung và Nam Á là địa bàn mộ đạo nhất trên thế giới, trong khi Đông Bắc Á là nơi có tỷ lệ người không tôn giáo cao nhất trên thế giới.
Châu Âu có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ, phân thành 4 khu vực: Tây Âu (9 nước), Nam Âu (17 nước), Đông Âu (10 nước), Bắc Âu (12 nước). Năm 2020, dân số châu Âu có 747,36 triệu người, chiếm 9,6% dân số thế giới. Châu Âu là khu vực có mức độ đa dạng tôn giáo thấp nhất thế giới, chủ yếu theo Kitô giáo, chiếm 77,88% dân số, số người không tôn giáo khá cao 19,85% dân số. Chỉ có 2,33% dân số châu Âu thuộc các tôn giáo Islam giáo, Phật giáo, Hindu giáo, Do Thái giáo… Kitô giáo ở châu Âu phân bố thành 3 khu vực khá rõ, các nước Tây Âu và Nam Âu theo Công giáo Rôma, các nước Đông Âu theo Chính Thống giáo, còn các nước Bắc Âu theo Tin lành (Kháng cách).
Châu Phi có 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, phân thành 5 vùng: Bắc Phi (7 nước), Đông Phi (19 nước), Nam Phi (5 nước), Trung Phi (9 nước), Tây Phi (17 nước). Năm 2020, dân số châu Phi có 1,34 tỷ người, chiếm 17,25% dân số trên thế giới. Châu Phi là lục địa mộ đạo nhất thế giới, với 97,48% dân số theo tôn giáo. Mức độ đa dạng tôn giáo ở châu Phi rất thấp, chủ yếu là Kiô giáo (chiếm 45,39% dân số) và Islam giáo (chiếm 45,23% dân số), chỉ có 6,86% dân số theo các tôn giáo khác và 2,52% dân số không theo tôn giáo nào. Dự báo hai tôn giáo này tiếp tục phát triển ở châu Phi, nhất là Kitô giáo.
Châu Mỹ có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm 4 khu vực: Bắc Mỹ (4 nước), Caribê (28 nước), Trung Mỹ (8 nước), Nam Mỹ (14 nước). Dân số châu Mỹ có 1,03 tỷ người, chiếm 13,35% dân số trên thế giới. Châu Mỹ là khu vực mộ đạo thứ hai trên thế giới với 88,09% dân số theo tôn giáo, nhưng cũng là châu lục mức độ đa dạng tôn giáo thấp, như châu Âu. Tôn giáo ở châu Mỹ chủ yếu là đạo Kitô, chiếm 89,89% dân số; Khu vực Bắc Mỹ chủ yếu là đạo Tin lành (Kháng cách), vùng Caribe và Mỹ-Latinh ảnh hưởng của Công giáo Rôma.
Châu Đại Dương có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, là nơi có tỷ lệ người không có tôn giáo cao nhất trên thế giới với 21,12% dân số và là khu vực có số người theo Kitô giáo nhiều nhất, chiếm 64,52% dân số.
Toàn cầu hóa đang tác động không nhỏ đến tôn giáo, làm chuyển biến địa bàn phân bố tôn giáo trên thế giới. Kitô giáo đang dịch chuyển sang châu Mỹ và châu Phi. Các tôn giáo như Phật giáo, Islam giáo, Do Thái giáo đã xâm nhập vào các nước phương Tây chủ yếu bằng di dân tự do. Cùng với những thay đổi về địa bàn phân bố, đời sống tôn giáo cũng có nhiều chuyển biến, song, diễn biến tình hình và sự gia tăng của mỗi tôn giáo có khác nhau.
3. Sự chuyển biến của các tôn giáo truyền thống
3.1. Kitô giáo
Kitô giáo là tên gọi chung cho các tôn giáo thờ Chúa Cứu thế (Christ), trung tâm là Chúa Giêsu Kitô (Jesus Christ), gồm: Công giáo (Catholism), Chính Thống giáo (Orthordoxism), Tin lành hay Kháng cách (Protestantism), cả Anh giáo (Anglicalism) và các nhóm tôn giáo cải cách khác; các giáo hội Công giáo Phương Đông (Eastern Catholic Churches). Kitô giáo có nguồn gốc từ đạo Do Thái, ra đời vào đầu công nguyên tại Palextine, thuộc đế chế La Mã. Đạo Kitô ra đời, về kinh tế, chính trị, xã hội là của chế độ chiếm hữu nô lệ La Mã; văn hóa, tư tưởng, triết học của người Hy Lạp; thần học của Do Thái giáo; tôn giáo, tín ngưỡng của phương Đông được tích hợp lại. Người sáng lập ra đạo Kitô là Chúa Giêsu - người Do Thái, được người Kitô giáo tôn phong là Chúa Cứu thế (Jesus Christ), Ngôi hai Thiên Chúa trong quan niệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Một - Chúa Cha, Ngôi Hai - Chúa Con, Ngôi Ba - Chúa Thánh Thần (Thánh Linh) đồng bản thể “Tam vị nhất thể”.
Đạo Kitô ra đời ban đầu với tư cách là tôn giáo của những người nô lệ, người nghèo bị chính quyền La Mã coi là tà đạo và bị đàn áp. Về sau, do thay đổi quan điểm thần học và ủng hộ chính quyền đương thời nên được đế chế La Mã thừa nhận (năm 313). Từ đó, Kitô giáo phát triển trở thành tôn giáo chính có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh, văn hóa châu Âu trong suốt hơn hai ngàn năm qua. Vào thời trung đại, đạo Kitô phát triển gắn với quá trình phong kiến hóa châu Âu, những mâu thuẫn trong nội bộ đã dẫn đến sự chia rẽ thành nhiều nhánh, phái khác nhau. Năm 1054, Giáo hội Kitô xảy ra cuộc đại phân liệt, chia thành hai phái độc lập: Công giáo và Chính Thống giáo. Châu Âu Kitô giáo chia thành hai: các nước ở phía đông châu Âu ảnh hưởng của Chính Thống giáo, các nước phía tây ảnh hưởng của Công giáo Rôma.
Đầu thế kỷ XVI, cuộc cải cách trong Giáo hội Công giáo Rôma đã đưa tới sự ra đời của đạo Tin lành (Kháng cách). Châu Âu một lần nữa bị chia thành hai: các nước Tây Âu, Nam Âu theo Công giáo; các nước Bắc Âu và Trung Âu theo Tin lành. Vào thời cận đại, Kitô giáo dựa vào chủ nghĩa tư bản phương Tây, tiến hành công cuộc truyền giáo, phát triển đạo với quy mô lớn ra ngoài châu Âu. Đến thế kỷ XIX, Kitô giáo đã phát triển ra hầu hết các quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới. Ngày nay, Kitô giáo trở thành một tín ngưỡng phổ biến mang tính toàn cầu, có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dù phân chia thành nhiều hệ phái, tổ chức, nhưng Kitô giáo có điểm chung là giáo lý dựa vào nền tảng Kinh thánh, gồm hai bộ Cựu ước và Tân ước. Giáo lý Kitô giáo dựa vào thần học Do Thái giáo về một Thiên Chúa duy nhất, toàn năng, tạo dựng muôn loài, nhưng là một Thiên Chúa Ba ngôi: Chúa Cha (Ngôi Một), Chúa Con (Ngôi Hai), Chúa Thánh Thần hay Thánh Linh (Ngôi Ba). Ba Ngôi có ba chức năng khác nhau: Chúa Cha: tạo dựng, Chúa Con: cứu chuộc; Chúa Thánh thần (Thánh linh): thánh hóa. Ba Ngôi cùng một bản thể “Tam vị nhất thể” (bản tính), Thiên Chúa (thần thánh), cùng được tôn vinh như nhau, cùng đẳng cấp như nhau không ngôi nào hơn ngôi nào và cùng có quyền phép như nhau: “đồng vinh, đồng đẳng và đồng quyền”); tin vũ trụ, muôn vật hữu hình và vô hình đều do Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển; con người do Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa; con người có phần hồn và phần xác; con người sa ngã dẫn đến tội tổ tông truyền; tin có ngôi hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô xuống trần chịu nạn, chịu chết chuộc tội cho nhân loại; tin có thiên thần và ma quỷ (satan), có thiên đường và địa ngục (hỏa ngục); tin có ngày tận thế, sự phục sinh và phán xét cuối cùng.
Theo Trung tâm Pew, sau 100 năm (1910-2010), đạo Kitô có sự chuyển biến, thay đổi đáng kể. Dân số Kitô giáo đã tăng gấp hơn 3,6 lần, từ trên 600 triệu, lên trên 2,186 tỷ. Tuy nhiên, do dân số thế giới tăng hơn 3,83 lần, từ 1,8 tỷ, lên 6,9 tỷ, nên dân số Kitô giáo chiếm tỷ lệ thấp hơn trong dân số thế giới (32%) so với năm 1910 (35%).
Bảng thống kê số lượng tín đồ Kitô giáo từ năm 1900-2050
Đơn vị tính: 1.000 người
Nguồn: Gina A. Zurlo, Todd M. Johnson and Peter F. Crossing. “World Christian Encyclopedia3rd Edition (Edinburgh Press, 2019); World Christianity and Mission 2021: Questions about the Future, International Bulletin of Mission Research, January 2021; Niên giám Tòa thánh năm 2000, 2020, 2021.
Từ thế kỷ XVI, cùng với quá trình truyền giáo ra ngoài châu Âu, Kitô giáo đã vượt qua Islam giáo, trở thành tôn giáo có địa bàn phân bố rộng lớn nhất trên thế giới. Trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Kitô giáo vẫn là tôn giáo phổ biến nhất, có số lượng tín đồ lớn nhất trên thế giới, nhưng đang có sự chuyển biến, thay đổi giữa các khu vực châu lục. Châu Âu và châu Mỹ vẫn là nơi tập trung đa số người theo đạo Kitô trên thế giới (63%), song tỷ lệ đó đã thấp hơn nhiều so với năm 1910 (93%). Tỷ lệ người châu Âu theo Kitô giáo đã giảm từ 95% (1910) xuống còn 76% (2010), ở Mỹ người theo đạo Kitô giảm từ 96% xuống còn 86%. Kitô giáo đang phát triển mạnh mẽ ở châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dân số Kitô giáo ở châu Phi tăng 9 lần; ở châu Á - Thái Bình Dương tăng 2 lần. Joseph Liu nhận xét: “Kitô giáo ngày nay - không giống như một thế kỷ trước - thực sự là một đức tin toàn cầu”(22). Từ giữa thế kỷ XX, tín đồ Kitô giáo ở châu Âu giảm xuống thứ hai sau châu Mỹ. Châu Mỹ là khu vực có số lượng lớn nhất (38% dân số Kitô giáo trên thế giới) và tỷ lệ người theo đạo Kitô cao nhất (90% dân số). Kitô giáo đang gia tăng ở các nước châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, với trên 800 triệu Kitô hữu(23).
(22) Joseph Liu, Global Christianity - A Report on the Size and Distribution of the World’s Christian Population, Pew Research Centre, https://www.pewforum.org >, ngày 19/12/2011.
(23) Joseph Liu, Global Christianity > A Report on the Size and Distribution of the World’s Christian Population, Pew Research Centre, https://www.pewforum.org >, ngày 19/12/2011.
Địa bàn phân bố Kitô giáo theo các châu lục đã thay đổi, giảm mạnh ở địa bàn gốc, lan tỏa khắp thế giới. Trong 100 năm (1910- 2010), số lượng tín đồ Kitô giáo ở châu Âu trong dân số Kitô giáo thế giới, giảm 40%; châu Mỹ tăng 11%; châu Phi tăng 21,6%(24). Theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, năm 2020, dân số Kitô giáo có 2,53 tỷ người, trong đó châu Mỹ 36,93%, châu Phi 27,06%, châu Âu 23,40%; châu Á 11,79% và châu Đại Dương 1,08% dân số Kitô giáo toàn cầu(25).
(24) Joseph Liu, Global Christianity > A Report on the Size and Distribution of the World’s Christian Population, Pew Research Centre, https://www.pewforum. org >, ngày 19/12/2011.
(25) Zurlo, Gina A., Todd M. Johnson, and Peter F. Crossing. “World Christianity and Mission 2020: Ongoing Shift to the Global South” International Bulletin of Mission Research 44, no. 1 (January 2020): 8>19. https://doi.org.
Bảng thống kê dân số Kitô giáo theo châu lục năm 2020
Đơn vị tính: 1.000 người
Nguồn: Christianity by country > Wikipedia, https://en.wikipedia.org > wiki > Christianity_by_country. Truy cập ngày 15/10/2021
Theo khảo sát ở 232 quốc gia và vùng lãnh thổ của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2010, có 158 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 68,10%), người Kitô giáo chiếm đa số; 71 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 31,90%), người Kitô giáo chiếm thiểu số trong dân số. Trên 90% người Kitô giáo sống ở các nước mà người theo đạo Kitô chiếm đa số; gần một phần hai (48%) dân số Kitô giáo sống ở 10 quốc gia (Hoa Kỳ 247 triệu tín đồ; Brazil 176 triệu; Mêhicô 108 triệu; Nga 105 triệu; Philippines 87 triệu; Nigiêria 80 triệu, Trung Quốc 67 triệu; Cộng hòa Dân chủ Cônggô 63 triệu; Đức 58 triệu tín đồ và Êthiopia 52 tín đồ)(26); có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ người Kitô giáo chiếm tỷ lệ trên 90% dân số, trong đó có 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ cao nhất, song chủ yếu là các quốc gia, vùng lãnh thổ dân số ít. Kitô giáo đã lan rộng ra khỏi nguồn gốc lịch sử của nó. Kitô giáo ra đời ở Trung Đông, nhưng ngày nay khu vực này tỷ lệ người theo Kitô giáo thấp nhất (4% dân số trong khu vực); số lượng Kitô hữu ít nhất (khoảng 13 triệu người), so với bất kỳ khu vực địa lý lớn nào. Indonesia, một quốc gia đa số theo đạo Islam, nhưng lại là nơi có dân số Kitô hữu nhiều hơn tất cả 20 quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi cộng lại. Nigeria có số lượng người theo đạo Tin lành hơn gấp đôi so với Đức, nơi khai sinh ra cuộc Cải cách Tin lành. Brazil có số người Công giáo nhiều gấp hơn 2 lần tín đồ Công giáo ở Ý.
(26) Xem Joseph Liu, Global Christianity - A Report on the Size and Distribution of the World’s Christian Population, Pew Research Centre, https://www.pewforum.org ›, ngày 19/12/2011.
Kitô giáo là tôn giáo có sự đa dạng nhất về trào lưu, xu hướng thần học, hệ phái tổ chức, thành phần tín đồ và địa bàn phân bố. Có thể phân Kitô giáo thành 4 nhóm: Công giáo (Công giáo Rôma, các giáo hội Công giáo phương Đông và các nhóm Công giáo độc lập khác); Chính thống giáo (Chính Thống giáo phương Đông và Chính Thống giáo độc lập); Tin lành (Kháng cách), (Tin lành lịch sử, Tin lành độc lập) và nhóm các Kitô giáo độc lập khác. Trong đó, Công giáo 53,10%; Tin lành 34,27%, Chính Thống giáo 11,23%; Kitô giáo khác 1,67% dân số Kitô giáo trên thế giới(27).
(27) Zurlo, Gina A., Todd M. Johnson, and Peter F. Crossing. “World Christianity and Mission 2020: Ongoing Shift to the Global South” International Bulletin of Mission Research 44, no. 1 (January 2020): 8>19. https://doi.org.
Công giáo, gồm Công giáo Rôma và Công giáo phương Đông, một số nhóm Công giáo độc lập nhỏ khác.
Công giáo Rôma. Công giáo Rôma được truyền thừa Kitô giáo ngay từ thời kỳ đầu, là hệ phái có lịch sử lâu đời và lớn nhất của Kitô giáo. Phát triển trên nền tảng của đế chế La Mã đã bị tan rã trong điều kiện các nước châu Âu bước vào thời kỳ phong kiến hóa do những người “man tộc” từ bên ngoài tràn vào thực hiện, Công giáo sớm đi theo xu hướng tập quyền, xây dựng một giáo hội thống nhất toàn đạo trên phạm vị toàn thế giới. Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ (476), chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã, Giáo hội trở thành lực lượng quản lý xã hội cả thế quyền và thần quyền. Bởi vậy, khi vào xâm chiếm đế quốc La Ma, giới quý tộc người “man di” ngoại tộc đã dựa vào giáo hội, giáo sĩ như một sức mạnh tinh thần(28). Đổi lại, giáo hội dựa vào thế lực của quý tộc để phát triển đạo, mở rộng nước Chúa vào người “man di”; củng cố địa vị độc tôn của mình, xây dựng giáo hội thành một nhà nước thần quyền - Nhà nước Tòa thánh (năm 756). Giáo hội Công giáo trở thành một thế lực tôn giáo - chính trị lớn nhất ở châu Âu, nắm cả thần quyền và thế quyền, chi phối mọi hoạt động của xã hội, đưa châu Âu phong kiến vào thời kỳ “đêm trường Trung cổ”. Giáo hội tổ chức các cuộc thập tự chinh nhằm chiếm lại vùng đất thánh bị người Islam giáo chiếm giữ và lập tòa án dị giáo để trừng phạt những kẻ “bội giáo”, ly khai bảo vệ thành trì độc tôn giáo giáo hội.
(28) Bùi Đức Sinh, Lịch sử giáo hội Công giáo, Chân Lý Sài Gòn, 1972, nhà in Veritas Edition Calgary-Canada, 1999, quyển I, tr.226, 282-284.
Đầu thế kỷ VII, Islam giáo ra đời đã thu nạp nhiều tín đồ Kitô giáo ở khu vực Tiểu Á, Trung Á, Bắc Phi, thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Công giáo ở châu Âu, chặn đứng con đường mở rộng Nước Chúa sang cách nước châu Á, châu Phi. Sự ly khai của Chính Thống giáo và các giáo hội Công giáo phương Đông ở Đông Âu, Tây Á, làm cho Công giáo Rô Ma bị thu hẹp vào khu vực Tây Âu, Bắc Âu và Nam Âu.
Sang thời cận đại, phong trào cải cách tôn giáo thế kỷ XVI, đạo Tin lành ra đời đã kéo theo các quốc gia Trung và Bắc Âu rời bỏ giáo hội đi theo phong trào Kháng cách, làm cho phạm vi ảnh hưởng của Công giáo ở châu Âu một lần nữa bị thu hẹp chỉ còn các nước ở Tây Âu và Nam Âu. Các cuộc cách mạng tư sản và trào lưu tư tưởng khai sáng đề cao lý trí đã giáng thêm một đòn chí mạng vào nền tảng tư tưởng và tiềm lực, cơ sở kinh tế, chính trị của Giáo hội Công giáo. Trong bối cảnh ấy, một mặt giáo hội triệu tập công đồng Trento (1545-1563), khẳng định lại các tín lý, siết chặt kỷ cương giáo hội, ban hành luật lệ mới, chấn chỉnh hàng giáo sĩ, củng cố giáo hội chống lại thần học Tin lành và phong trào lý tính hóa. Mặt khác, giáo hội đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, phát triển đạo ra “vùng đất ngoại”, ngoài châu Âu. Quá trình ấy diễn ra song hành với quá trình thực dân hóa, các nước tư bản phương Tây tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa với các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ dẫn đến sự liên minh giữa Giáo hội Công giáo với chủ nghĩa thực dân để lại hệ lụy “Thập giá” đi cùng với “lưỡi gươm”. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Công giáo đã lan tỏa khắp các châu lục, trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới. Năm 1880, Công giáo có 217 triệu người(29), tăng lên 256 triệu người (1900), cao hơn nhiều so với Islam giáo (200 triệu), Ấn Độ giáo (203 triệu), Phật giáo (127 triệu người)(30).
(29) Đỗ Quang Hưng, "Toàn cầu hóa tôn giáo: Khái niệm, biểu hiện và mẫy vấn đề đặt ra", Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2/2006, tr.11.
(30) Gina A. Zurlo, Todd M. Johnson and Peter F. Crossing. “World Christian Encyclopedia3rd Edition (Edinburgh Press, 2019); World Christianity and Mission 2021: Questions about the Future, International Bulletin of Mission Research, January 2021.
Giáo hội Công giáo Roma là người đại diện trung thành nhất để xây dựng, phát triển và bảo vệ giáo lý Kitô giáo. Giáo hội đã tổ chức biên dịch, san định Kinh thánh với bản Vulgata (thông dụng), khẳng định giáo lý Kitô giáo dựa trên nền tảng Thánh kinh, thánh truyền và giáo huấn của Giáo hội. Kinh thánh có 73 quyển gồm hai phần: Cựu ước (46 quyển) và Tân ước (27 quyển). Giáo lý Kitô giáo kế thừa thần học Do Thái giáo về một Thiên Chúa duy nhất, toàn năng, sáng tạo, nhưng nhấn mạnh đến tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần), đồng bản thể (tam vị nhất thể), xem đó là tín điều trung tâm của giáo lý Kitô giáo mà giáo hội có quyền thay mặt Thiên Chúa giữ gìn, bảo vệ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc ly giáo, chia rẽ Kitô giáo thành nhiều hệ phái khác nhau. Giáo hội cho rằng, hội thánh (giáo hội), do Chúa Giêsu lập ra để lưu tồn sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian. Giáo hội có bốn đặc tính: duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền, do giáo hoàng đứng đầu, có 7 phép bí tích để con người được hưởng hồng ân của Thiên Chúa. Giáo lý Công giáo có các tín điều như: Đức Maria mẹ của Chúa Cứu thế (Giêsu Kitô) và là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ hồn xác lên trời; tín điều bất khả ngộ của ngôi vị giáo hoàng.
Công giáo có một hệ thống giáo luật chặt chẽ, nghi lễ rõ ràng, kỷ luật nghiêm ngặt, có chế tài cụ thể, được quy định trong Bộ Giáo luật năm 1983, thực hiện thống nhất trên toàn thế giới. Trong đời sống đạo, tín đồ Công giáo thực hiện Mười điều răn của Chúa (1/ Chỉ thờ một Thiên Chúa; 2/ Không kêu tên Thiên Chúa một cách bất xứng; 3/ Thánh hóa ngày của Chúa (Chủ nhật); 4/ Thảo kính cha mẹ; 5/ Không giết người; 6/ Không ngoại tình; 7/ Không trộm cắp; 8/ Không làm chứng gian; 9/ Không ham muốn vợ (chồng) người khác; 10/ Không ham muốn của cải người khác), quy lại thành hai điều: mến Chúa và yêu người; 05 điều răn của Hội thánh (1/ Nghỉ làm việc và tham dự thánh lễ ngày Chủ nhật; 2/ Xưng tội mỗi năm ít là một lần; 3/ Rước lễ (rước Mình Thánh Chúa), mỗi năm ít nhất là một lần; 4/ Giữ chay và kiêng thịt những ngày thống hối do Hội thánh ấn định; 5/ Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu của Giáo hội); 7 phép bí tích (rửa tội, thêm sức, giải tội, thánh thể, hôn phối, xức dầu và truyền chức). Họ còn đọc kinh, cầu nguyện hàng ngày, tham gia thánh lễ ngày lễ trọng (Giáng sinh, Phục sinh, Thăng thiên, Hiện xuống, Đức Mẹ hồn xác lên trời, lễ các thánh), theo mùa (mùa Vọng, mùa Chay (40 ngày trước lễ Phục sinh), mùa Phục sinh (50 ngày), mùa thường niên).
Công giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới có hệ thống tổ chức giáo hội thống nhất trên phạm vi toàn cầu với 3 cấp hành chính đạo: Tòa Thánh Vatican, giáo hội địa phương (giáo phận), giáo hội cơ sở (giáo xứ). Ngoài ra, còn có các tổ chức mang tính liên kết (hiệp thông), như tổng giám mục, hội đồng giám mục quốc gia, khu vực.
Giáo hội Công giáo có đội ngũ giáo sĩ (ba chức thánh: phó tế, linh mục, giám mục) với hàng giáo phẩm có thứ bậc theo phẩm trật rõ ràng, giữ luật độc thân và hệ thống tổ chức tu trì (dòng tu) với đội ngũ tu sĩ nam nữ đông đảo tuân giữ các lời khuyên Phúc âm dâng hiến trọn đời, phục vụ cho giáo hội, tha nhân trong các lĩnh vực chuyên biệt.
Vào thời kỳ hiện đại, Giáo hội Công giáo có nhiều chuyển biến, từ lên án, chống lại khoa học, sự tiến bộ của nhân loại, Giáo hội thay đổi để thích ứng với thời đại. Sự chuyển biến, thay đổi lớn nhất của Công giáo trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, là về quan điểm thần học và đường hướng hành đạo của Giáo hội Công giáo Rôma. Sự chuyển biến ấy được đánh dấu bởi sự ra đời của Học thuyết xã hội Công giáo, đặc biệt là đường hướng canh tân, đổi mới, thích nghi do Công đồng chung Vatican II (1962-1965) đề ra. Tư tưởng bao trùm của Công đồng Vatican II là canh tân và thích nghi, như một luồng sinh khí mới thổi vào đời sống Giáo hội, làm chuyển biến, thay đổi tươi mới bộ mặt vốn đã già nua của Giáo hội Công giáo. Nó đưa đến những cách nhìn, quan niệm mới của Giáo hội về bản thân mình và về xã hội, với sự ra đời của bộ giáo luật mới (1983), cuốn giáo lý mới của Hội thánh (1992), làm thay đổi lối sống đạo trên phạm vi toàn cầu.
Về dân số học, Giáo hội Công giáo là tổ chức tôn giáo duy nhất có tổ chức theo dõi, kiểm soát tình hình giáo hội, thống kê số liệu tín đồ, giáo sĩ, tu sĩ, tổ chức giáo hội và các tổ chức xã hội của Công giáo trên phạm vi toàn thế giới. Trong 100 năm (1900- 2000), dân số Công giáo đã tăng gấp 4 lần, trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, dân số Công giáo tăng 1,27 lần. Dân số Công giáo từ chiếm 16,43% trong dân số thế giới vào năm 1900, tăng lên 17,79% năm 1970. Tuy dân số Công giáo có xu hướng giảm trong cơ cấu dân số Kitô giáo, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Năm 1900, Công giáo chiếm 16,43% dân số thế giới và 47,73% người Kitô giáo; năm 1970, chiếm 17,79% dân số thế giới và 53,56% người Kitô giáo; năm 2019, chiếm 17,73% dân số thế giới và chiếm 52,84% người Kitô giáo trên thế giới(31).
(31) Niên giám Tòa Thánh năm 1990, 2010, 2015, 2020 và Joseph Liu, The Size and Distribution of the World’s Christian Population, Pew Research Centre, https://www.pewforum.org > ngày 19/12/2011; Đỗ Quang Hưng, Toàn cầu hóa tôn giáo: khái niệm, biểu hiện và vấn đề đặt ra, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2/2006.
Trong 1950 năm ra đời và phát triển, Công giáo tập trung chủ yếu ở châu Âu. Từ giữa thế kỷ XX, địa bàn phân bố người Công giáo có sự thay đổi giữa các khu vực trên thế giới. Năm 1880, 70% người Công giáo ở châu Âu, 24% ở châu Mỹ, 4,2% ở châu Á, 1,1% ở châu Phi. Năm 1950, tín đồ Công giáo ở châu Âu chiếm 51% dân số Công giáo thế giới, đến năm 2018, châu Âu chỉ còn 21,50%. Tín đồ Công giáo ở châu Âu hiện có trên 287 triệu người, chiếm 38,44% dân số, tập trung ở các nước Tây Âu và Nam Âu, như Pháp (48 triệu), Italia (58 triệu), Tây Ban Nha (43 triệu), Ba Lan (37 triệu), Đức (24 triệu). Công giáo ở châu Mỹ có sự gia tăng nhanh trong hơn 100 năm, từ 24% (1880), lên 42% (1950), và 48,29% (2018), chiếm gần 1/2 dân số Công giáo thế giới. Công giáo ở châu Mỹ hiện có 647 triệu tín đồ, chiếm 62,39% dân số, một số nước có nhiều người Công giáo như Brazil (170 triệu), Mê-hi-cô (113 triệu), Hoa Kỳ (76 triệu). Châu Phi là địa bàn Công giáo có sự phát triển nhanh nhất vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tín đồ Công giáo chỉ chiếm 1,1% (1880), tăng lên 18,30% (2018), vượt xa châu Á. Tín đồ Công giáo ở châu Phi hiện có trên 244 triệu người, chiếm 18,17% dân số, tập trung ở các nước Đông Phi, Trung Phi và Tây Phi. Công giáo ở châu Á phát triển rất chậm, trong hơn 100 năm, chỉ tăng 6,87% trong dân số Công giáo thế giới. Dân số Công giáo ở châu Á hiện có trên 155 triệu tín đồ, chiếm 3,36% dân số, tập trung ở các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, riêng Philippines có 86 triệu tín đồ. Hiện nay, 48,12% người Công giáo ở châu Mỹ, 21,35% ở châu Âu, 18,17% ở châu Phi, 11,55% ở châu Á và 0,79% ở châu Đại Dương(32). Công giáo đang có sự chuyển biến, giảm so với dân số thế giới và tăng giảm không đều giữa các quốc gia khu vực trên thế giới.
(32) Niên giám Tòa Thánh năm 1996, 2013, 2015, 2019, 2020; Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Nxb Hiện tại, Sài Gòn, 1972, tr.518, 523.
Năm 2020, dân số Công giáo trên thế giới có 1,345 tỷ người, chiếm 17,15% dân số trên thế giới, có mặt tại 234 quốc gia và vùng lãnh thổ(33). Trong đó, có 65% người Công giáo sinh sống tại 15 quốc gia, như Brazil 170 triệu tín đồ; Mê-hi-cô 113 triệu; Philippines có 86 triệu; Hoa Kỳ 76 triệu; Italia 58 triệu; Pháp có 48 triệu; Cộng hòa dân chủ Công-gô 45 triệu; Colombia 45 triệu; Tây Ban Nha 43 triệu; Argentina 39 triệu; Ba Lan 37 triệu; Ni-giê-ria có 29 triệu; Peru 27 triệu; Venezuela 26 triệu; Đức 24 triệu tín đồ Công giáo(34).
(33) Niên giám Tòa Thánh năm 2021 và Niên giám Thống kê năm 2019, Đài Vatican Chương trình Việt Ngữ Vatican New, ngày 19/6/2021.
(34) Highest Catholic Population 2021 - World Population Review https:// worldpopulationreview.com >higher và Gina A. Zurlo, Todd M. Johnson and Peter F. Crossing. “World Christianity and Mission 2021: Questions about the Future, International Bulletin of Mission Research, January 2021.
Sự chuyển biến của Công giáo còn thể hiện ở những thay đổi về tổ chức giáo hội, đội ngũ nhân sự (giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh), khá mạnh từ sau Công đồng Vatican II (1962-1965). Năm 1989, Giáo triều Rôma được cải tổ lại, tổ chức giáo hội địa phương và đội ngũ nhân sự gia tăng. Từ năm 2000 đến nay, Giáo hội Công giáo luôn duy trì từ 218 đến 222 ngàn giáo xứ, hơn 2.210 giáo phận, trên 600 tổng giáo phận. Ngoài ra, còn có 1.119 giáo phận và các đơn vị tương đương, trên 143 ngàn giáo điểm, giáo hạt truyền giáo do Bộ Truyền giáo quản lý ở khắp nơi trên thế giới. Đội ngũ giáo sĩ cao cấp (hồng y, tổng giám mục, giám mục) gia tăng do chính sách địa phương hóa của Tòa Thánh được đẩy mạnh, giáo hội tăng cường phong giáo phẩm của hàng ngũ giáo sĩ bản địa, thiết lập hàng giáo phẩm các quốc gia thuộc các nước Á, Phi, Mỹ - Latinh. Năm 1970, có 9 thượng phụ, 128 hồng y, 393 tổng giám mục và 2.080 giám mục, tăng gấp gần 2 lần lên 5.364 người (thượng phụ, hồng y, tổng giám mục), năm 2019.
Đội ngũ linh mục có xu hướng giảm mạnh trong những thập niên gần đây, nhất là ở châu Âu, châu Mỹ. Số linh mục ở châu Á tăng lên nhanh. Biến động lớn nhất là tu sĩ, giảm mạnh vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhất là nữ tu ở các nước Âu - Mỹ. Thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới và giai đoạn 1950 - 1970, đời sống tu trì Công giáo phát triển mạnh mẽ. Năm 1970, thời điểm đỉnh cao của đời sống tu trì Công giáo, với trên 1,2 triệu người, đến nay chỉ còn hơn 692 ngàn tu sĩ(35). Sau 50 năm, số nữ tu đã giảm 40,65%, từ 1,06 triệu nữ tu vào năm 1970, xuống còn 630 ngàn nữ tu vào năm 2019(36), châu Âu giảm mạnh nhất, rồi đến châu Mỹ. Ngược lại, số nữ tu ở châu Á, châu Phi lại tăng(37). Số lượng chủng sinh, phó tế vĩnh viễn, giáo lý viên, thừa sai giáo dân, tu hội đời có sự gia tăng đáng kể. Điều đó cho thấy, Giáo hội ngày càng quan tâm và đề cao vai trò của giáo dân tham gia công tác mục vụ.
(35) Thống kê Giáo hội Công giáo năm 2020, Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, 18/10/2020.
(36) Niên giám Tòa Thánh năm 2021 và Niên giám Thống kê năm 2019, Đài Vatican Chương trình Việt Ngữ Vatican New, ngày 19/6/2021.
(37) Thống kê Giáo hội Công giáo năm 2020, Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, 18/10/2020.
Công giáo là một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ lớn trên thế giới, có mặt ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn nữa, Công giáo còn là tôn giáo duy nhất trên thế giới có hệ thống tổ chức giáo hội với cơ cấu chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn cầu, được điều hành bởi một đội ngũ giáo sĩ có phẩm trật thứ bậc trên dưới, có “chủ chăn” cụ thể, kỷ luật nghiêm minh, giáo luật nghiêm ngặt, có chế tài chủ thể và một chủ thuyết xã hội (học thuyết xã hội Công giáo) rõ ràng. Giáo triều Rôma (Roman curia) - nhà nước Tòa Thánh Vatican là một định chế tôn giáo - chính trị có vai trò, ảnh hưởng, tác động đến nhiều mặt của đời sống chính trị, xã hội của thế giới hiện đại.
Các Giáo hội Công giáo phương Đông (Eastern Catholic Churches), còn gọi là các Giáo hội Công giáo theo nghi thức phương Đông. Đây là các giáo hội địa phương, có nguồn gốc từ các giáo hội cổ, như Alexandria, Antiochene, Armenia, Constantinople, Chaldean, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, Ai Cập, Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư,... có nhiều điểm tương đồng với Chính Thống giáo. Các giáo hội này ly khai với giáo hội Đông và Tây sau các Công đồng chung Êphêsô (431), hoặc Công đồng Calcedonia (451) liên quan đến tín điều bản tính của Chúa Giêsu Kitô - Ngôi hai Thiên Chúa. Các giáo hội “nhất tính thuyết” ở Armenia, Syria, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Ấn Độ phủ nhận giáo huấn của Công đồng Calcedonia (451) vì thế tách biệt khỏi giáo hội. Sau cuộc đại phân liệt lần thứ nhất (1054), các giáo hội này vẫn không hiệp thống với Công giáo Rôma hay Chính Thống giáo. Tòa Thánh nhiều lần có chủ trương hiệp nhất, như tại Công đồng Lyon II (1274), Công đồng Ferrara Florence (1438-1439), nhưng không có kết quả. Tòa Thánh gửi các đại diện đến làm việc chung với các giáo hội ly khai nên một số giáo hội đã hiệp thông với Giáo hội Rôma.
Trong sinh hoạt tôn giáo, các giáo hội Công giáo phương Đông cử hành thánh lễ bằng ngôn ngữ địa phương, rửa tội bằng hình thức dìm mình xuống nước, cho phép phong chức linh mục và phó tế cho những người đàn ông đã có gia đình (không cho phép kết hôn sau khi thụ phong), các giám mục phải giữ luật độc thân. Các Giáo hội phương Đông đều phân biệt giữa giáo sĩ “tu viện” và “không tu viện”. Các tu sĩ không nhất thiết phải sống trong tu viện, nhưng phải dành một phần thời gian nhất định tu tập trong tu viện và phải tuyên khấn khiết tịnh. Các giám mục thường được lựa chọn từ các giáo sĩ tu viện. Đa số các linh mục và phó tế “tu viện” giữ luật độc thân, còn các linh mục quản xứ đều kết hôn, có gia đình trước khi họ xuất gia tu hành.
Theo thống kê của Tòa Thánh năm 2019, có 20 giáo hội Công giáo phương Đông (tòa Thượng phụ hoặc tòa tổng giám mục niên trưởng), do các thượng phụ giáo chủ (tương đương với chức tổng giám mục Công giáo) đứng đầu, với 17,77 triệu tín đồ, phân bố ở các nước Đông Âu (Ukraine, Romania, Slovakia), Đông Phi (Ethiopia, Eritrean), Bắc Phi - Trung Đông (Ai Cập, Iraq, Liban, Syria) và Ấn Độ. Các giáo hội này thuộc 5 truyền thống phụng tự lâu đời nhất của Kitô giáo, như truyền thống nghi lễ Byzantine, Alexandria, Antiochia, Armenia và nghi lễ Chaidea(38).
(38) Theo Congregation for the Eastern Churches, The Catholic East, Valore Italiano, 2019, tr.XV và Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hội công giáo Việt Nam niên giám 2016, Nxb Tôn giáo 2016, tr.106-111.
Các giáo hội Công giáo phương Đông hiệp thông với Giáo hội Công giáo Rôma, thừa nhận giáo hoàng là người kế vị thánh tông đồ Phêrô cai quản giáo hội toàn cầu. Tuy vậy, các giáo hội này vẫn độc lập, giữ các nghi thức phụng tự, luật lệ, phong tục, lòng sùng kính truyền thống, có quan điểm thần học riêng. Công đồng chung Vatican II ban hành một sắc lệnh riêng về Các giáo hội Công giáo Phương Đông, xem đó như một di sản truyền thống của Giáo hội. Theo đó, các giáo hội Công giáo phương Đông theo 4 chế độ quản trị: Tòa Thượng Phụ giáo chủ, tổng giám mục niên trưởng, tổng giám mục chính tòa và các giáo hội theo quy chế riêng.
Chính Thống giáo gồm các giáo hội Kitô giáo phương Đông theo truyền thống phụng tự Byzantine, ly khai sau Công đồng Êphêxô (431), hoặc Công đồng Calcedonia (451), nhất là nhóm các giáo hội Chính Thống phương Đông đã tuyệt thông với Giáo hội Công giáo Rôma năm 1054. Chính Thống giáo gồm hai nhóm: Chính Thống giáo phương Đông (Eastern Orthodoxy), ở các nước Đông Âu, Nga, Hy Lạp và Chính thống phương Đông độc lập (Oriental Orthodoxy), ở Ethiopia, Ai Cập, Ấn Độ, Armenia, Eritrea, Đức,…
Sự phân chia đế quốc La Mã thành hai miền Đông và Tây (năm 292), tạo nên sự khác biệt về chính trị, văn hóa, phong tục tập quán hai miền đã tác động đến Kitô giáo, hình thành hai trường phái thần học, phụng tự Đông và Tây có nhiều điểm khác nhau. Phương Đông từ miền Macedonia, bán đảo Hy Lạp, đến Ai Cập và Tiểu Á, trung tâm ở Constantinople ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, gọi là Giáo hội Hy Lạp. Phương Tây từ Italia, đến Tây và Bắc Âu, trung tâm ở La Mã, ảnh hưởng của văn hóa Latinh, gọi là Giáo hội Latinh.
Năm 988, nước Nga gia nhập Kitô giáo, châu Âu hoàn tất quá trình Kitô giáo hóa, nhưng cũng dần bị chia rẽ thành hai giáo hội. Năm 1054, giáo hội Đông và giáo hội Tây phạt vạ tuyệt thông, cắt đứt quan hệ với nhau. Giáo hội phương Đông tự nhận mình là Chính Thống giáo “Orthodoxy” (đúng đắn, chính thống, chân chính, chân truyền, tinh tuyền Kitô giáo của Chúa Giêsu Kitô). Sự phân liệt này, ngoài những bất đồng trong quan điểm thần học về Ngôi Ba (Chúa Thánh thần hay Chúa Thánh linh), nguyên nhân sâu xa là do những khác biệt về chính trị, xã hội, văn hoá giữa phương Đông và phương Tây.
Các giáo hội Chính Thống giáo phương Đông coi Chúa Giêsu là đầu của giáo hội (hội thánh) và hội thánh là chi thể của Ngài. Họ tin rằng, thẩm quyền và ân điển của Thiên Chúa được truyền trực tiếp xuống các giám mục và các giáo sĩ của hội thánh qua việc đặt tay (một nghi thức được khởi xướng từ thời các tông đồ). Sự tiếp nối lịch sử liên tục (tông truyền) này là yếu tố căn bản của giáo hội. Mỗi giám mục cai quản giáo phận của mình, nhiệm vụ chính của họ là duy trì, giữ gìn các truyền thống và quy tắc của giáo hội không bị vi phạm. Các giám mục có quyền ngang nhau và không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tổ chức hành chính, các giám mục và giáo phận được tổ chức thành các nhóm tự quản, trong đó các giám mục họp ít nhất hai lần mỗi năm để bàn về các vấn đề tín lý, phụng tự chung. Khi xuất hiện các giáo thuyết “dị giáo”, sẽ triệu tập đại hội (công đồng) gồm tất cả các giám mục tham dự. Từ thế kỷ IV (325), đến thế kỷ VIII (787) có 7 công đồng đầu tiên được xem là quan trọng nhất. Các công đồng này được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, chỉ có giám mục có quyền bỏ phiếu, còn các tu sĩ, linh mục, quý tộc, quan lại triều đình không có quyền bầu cử. Trước cuộc đại ly giáo năm 1054, giám mục La Mã (Giáo hoàng) là chủ tọa công đồng, được gọi là “Người đứng đầu giữa những người bình đẳng”. Giám mục thành Constantinople (Constantinople được xem là Rôma mới) giữ vị trí thứ hai. Sau khi tách khỏi Rôma, vị trí chủ tọa công đồng của các Giáo hội Chính Thống phương Đông được dành cho Thượng phụ tòa Constantinopolis với danh hiệu “Người đứng đầu giữa những người bình đẳng”, thể hiện sự bình đẳng của chức vụ này trong phương diện hành chính và tâm linh. Thượng phụ tòa Constantinopolis không được xem là đầu của hội thánh hoặc giáo chủ. Thiết chế này phủ nhận ngôi vị giáo hoàng là người đứng đầu của giáo hội theo thiết chế tập quyền của Công giáo Rôma. Ngoài Constantinoples (Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ), Chính Thống giáo có 3 tòa thượng phụ cổ truyền được tôn phong là Alexandria (Ai Cập), Antioch (Thổ Nhĩ Kỳ), Giê-ru-sa-lem, sau này có thêm tòa Thượng phụ Mátxcơva (Nga).
Giáo lý Chính Thống giáo cơ bản dựa trên giáo lý của đạo Kitô thể hiện trong Kinh thánh, gồm hai bộ Cựu ước (46 quyển) và Tân ước (27 quyển), như Công giáo. Tuy nhiên, so với Công giáo, giáo lý của Chính Thống giáo có một số điểm khác biệt. Họ chỉ thừa nhận các xác quyết của 7 công đồng chung đầu tiên, cùng Kinh thánh và các công đồng địa phương khác trong các thế kỷ sau là chuẩn mực của tín lý đức tin. Về tín lý, Giáo hội phương Đông giải thích: “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha, và qua Chúa Con mà ra”, còn Giáo hội phương Tây lại cho rằng: “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra”. Như vậy, họ chỉ thừa nhận Chúa Thánh thần có nguồn gốc từ Ngôi một (Chúa Cha), không phải “và Chúa Con”, mà là “qua” Chúa Con mà thôi. Giáo hội Chính Thống phương Đông cũng phủ nhận tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và Đức Mẹ cả hồn xác lên trời, mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Họ cũng phủ nhận ngôi vị Giáo hoàng đứng đầu giáo hội toàn cầu, phủ nhận tín điều bất khả ngộ của ngôi vị giáo hoàng. Nhiều hình thức phụng vụ truyền thống đầu tiên của Chính Thống giáo vẫn được duy trì. Các biểu tượng, hình ảnh linh thiêng thường được thắp sáng bởi những ngọn nến, tô điểm cho các nhà thờ cũng như tư gia của các tín đồ. Chính Thống giáo coi trọng đời sống tu trì. Các giáo hội Chính thống có hội đồng đại kết giải quyết các vấn đề liên quan đến đức tin.
Trong quá trình lịch sử phát triển của mình, Chính Thống giáo phương Đông thường bị Islam giáo và Giáo hội Công giáo tấn công. Năm 1055, quân Islam giáo đánh thành Constantinople và năm 1076, họ chiếm Giê-ru-sa-lem. Năm 1204, quân Thập tự chinh và Giáo hội Công giáo chiếm Constantinople, lập nên Giáo hội Latinh đầu tiên ở phương Đông tồn tại 56 năm (1204-1261). Năm 1254 - 1257, quân Islam giáo chiếm Ai Cập. Vì thế, Chính Thống giáo chủ yếu phát triển về các quốc gia Đông Âu. Năm 1448, Tòa Thượng phụ Mátxcơva được thiết lập, Giáo hội Chính Thống Nga trở thành Giáo hội độc lập. Sau khi thành Constantinople bị quân Islam giáo chiếm đóng, đế chế Byzantine tan rã (1453), Tòa thượng phụ Nga trở thành Tòa Thượng phụ chính của Chính Thống giáo phương Đông. Sau biến cố năm 1054, Giáo hội Công giáo đã nhiều lần kêu gọi hiệp nhất giữa hai giáo hội, nhưng không thành. Trên tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican II, ngày 7/12/1965, giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras I tuyên bố bỏ vạ tuyệt thông giữa Rôma và Constantinop. Tuy nhiên, sự hiệp nhất giữa hai giáo hội vẫn còn gặp nhiều trở ngại do những bất đồng về quan điểm thần học, quyền bính.
Trong thế kỷ XX, hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Chính Thống giáo có sự chuyển biến, thay đổi theo xu hướng, dù số lượng tuyệt đối vẫn gia tăng, nhưng lại giảm tỷ lệ trong cơ cấu dân số Kitô giáo và dân số thế giới. Trong 100 năm (1900 - 2000), số người theo Chính Thống giáo trên thế giới tăng gấp hơn hai lần, từ 115,48 triệu tín đồ, lên 257,74 triệu người. Riêng ở Nga, Chính Thống giáo có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo Thượng phụ Alexi, trước năm 1990 nước Nga chỉ có 6.800 giáo xứ, 29 tu viện. Đến năm 2007, Chính Thống giáo ở Nga tăng lên 27.300 giáo xứ và 716 tu viện(39). Tín đồ Chính Thống giáo tăng nhanh trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, đạt 284,64 triệu tín đồ vào năm 2020(40), tăng lên 26,9 triệu, bình quân mỗi năm tăng 1,34 triệu tín đồ, gấp hơn 4 lần so với 70 năm đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, tín đồ Chính Thống giáo giảm từ 7,17% dân số Kitô giáo năm 1900, xuống còn 3,62% vào năm 2020. Trong cơ cấu dân số thế giới, tín đồ Chính Thống giáo đã giảm từ 20,81% dân số thế giới năm 1900, xuống còn 11,18% năm 2020. Trong khi đó, tín đồ Công giáo từ 47% năm 1910 đã tăng lên 52% năm 2020, tín đồ Tin lành từ 32% lên 38% dân số Kitô giáo(41). Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, Chính Thống giáo sẽ có 312 triệu tín đồ, chiếm khoảng 3% dân số thế giới vào năm 2050(42).
(39) Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.235.
(40) Eastern orthodoxy by country và Oriental Orthodoxy By Country - Oriental Orthodoxy In Oceania, https://wikicatia.org> oriental-orthodoxy, Thư viện điện tử> JSTOR (4/2019).
(41) Pew Research Centre, Orthodox Christianity in the 21 st Century, www.pewforum.org>2017/11/08>orth.
(42) Zurlo, Gina A., Todd M. Johnson, and Peter F. Crossing. “World Christianity and Mission 2020: Ongoing Shift to the Global South”. First Published October 16, 2019 Research Article: https://doi.org.
Đầu thế kỷ XX, cả ba nhánh lớn của Kitô giáo (Chính thống, Công giáo và Tin Lành) đều tập trung ở châu Âu. Đến nay, Công giáo và Tin lành đã mở rộng ra rất lớn bên ngoài lục địa, còn Chính Thống giáo vẫn tập trung chủ yếu ở châu Âu. Năm 2020, 70% người Chính Thống giáo ở châu Âu, trong khi đó, chỉ có 21,35% người công giáo, 11,49% người tin lành ở châu lục này. Các giáo hội Chính Thống giáo phương Đông có số lượng tín đồ nhiều nhất, với 213 triệu tín đồ, chiếm 75% tổng số tín đồ Chính Thống giáo trên thế giới, có mặt tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu ở các nước Đông Âu, như Nga, Ukraina, Hy Lạp, Moldova, Bungari. Chính Thống giáo phương Đông có 39 giáo hội (Tòa Thượng phụ), 743 giám mục, 54.382 linh mục, 12.946 tu sĩ, 2.256 tu viện, 61.939 giáo xứ(43).
Chính thống giáo cổ có 12 giáo hội, trên 73 triệu tín đồ, chủ yếu ở châu Phi (Ethiopia, Ai Cập), Nam Á (Ấn Độ). Một số giáo hội Chính Thống cổ đã hiệp thông với Giáo hội Công giáo Rôma. Ngày 10/5/1973, Giáo hoàng Phalo VI và Thượng phụ Coptic Shenouda III ký thỏa thuận. Ngày 23/6/1984, giáo hoàng Gioan Phaolo II và Thượng phụ Syria Ignatius Zakka II ký thỏa thuận thừa nhận cùng tuyên xưng một đức tin như màu nhiệm Ngôi lời Nhập thể(44).
(43) Theo List of Christian denominations by number of members ...https:// en.wikipedia.org > wiki > List_of... và Eastern orthodoxy by country, wikicatia, truy cập 30/6/2021.
(44) Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2016, Nxb Tôn giáo, 2016, tr.113.
Chính Thống giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội ở các nước Đông Âu, Hy Lạp và Ethiopia. Các nhóm Kitô giáo này đang phát triển khá mạnh vào các nước ở châu Phi, châu Á, châu Úc, Nam Mỹ, nhất là Bắc Mỹ.
Đạo Tin lành, còn gọi là Kháng cách (Protestantism: thệ phản), bao gồm các giáo hội ra đời trong phong trào cải cách tôn giáo vào thế kỷ XVI, trong đó, có Anh giáo và các hệ phái Kitô giáo có nguồn gốc từ phong trào cải cách xuất hiện vào thế kỷ XIX-XX. Phong trào cải cách tôn giáo xuất hiện trong lòng Giáo hội Công giáo ở châu Âu vào đầu thế kỷ XVI, gắn với sự ra đời của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, được thúc đẩy bởi phong trào văn hóa Phục hưng do các giáo sĩ Công giáo khởi sướng và lãnh đạo đã đưa đến một tôn giáo mới: đạo Tin lành. Phong trào cải cách tôn giáo do Mattin Luther (1483-1546), khởi xướng ở Đức năm 1517, đã thu hút được sự tham gia của nhiều giáo sĩ, nhà thần học như Thomas Munzer (1889-1525), lan sang Thụy Sĩ với Ulrich Zwingli (1484-1531), ở Pháp với đại diện Jean Calvin (1509-1964), ở Anh với vua Henri VIII (1491-1547), tạo thành một phong trào rộng lớn ở châu Âu.
Trong thế kỷ XVII, khi đã xác lập được vị trí ở châu Âu, đạo Tin lành phát triển sang Bắc Mỹ, với các phong trào Tin lành cải cách và phong trào Báptít, Trưởng lão. Trong thế kỷ XVIII, phong trào Giám lý do John Wesley (1703-1791) khởi xướng nhằm phục hưng tư tưởng cải cách. Sang thế kỷ XIX, phong trào thức tỉnh tôn giáo ở Mỹ đưa tới sự ra đời của một số hệ phái mới, tách biệt với gia đình Tin lành chính thống, như Nhân chứng Giêhôva, Mặc môn (Giáo hội các thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô), Cơ đốc Phục lâm, Ngũ tuần nhất vị... Trong thế kỷ XX, phong trào Ân tứ và phong trào Ngũ tuần phát triển mạnh mẽ làm cho sự phân rẽ của đạo Tin lành (Kháng cách) càng sâu sắc hơn. Tại Mỹ xuất hiện nhiều nhóm “thức tỉnh tâm linh” mới, đề cao vai trò của Đức Thánh Linh trong cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo. Từ giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, đạo Tin lành phát triển nhanh với vai trò của Mỹ và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Hàn Quốc xuất hiện một số hệ phái mới, khác biệt với Tin lành chính thống, như: Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ, Tân Thiên địa, Ân điển Cứu rỗi. Ở Việt Nam, xuất hiện hiện tượng Dương Văn Mình - một biến thể của Kitô giáo trong cộng đồng người Mông Trắng ở các tỉnh miền núi phía Bắc(45).
(45) Nguyễn Phú Lợi, “Hiện tượng Dương Văn Mình, một hướng tiếp cận”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6/2019.
Đạo Tin lành là một tôn giáo cải cách tách ra từ giáo hội Công giáo nên giáo lý đạo cơ bản giống Công giáo, chỉ có một số khác biệt nhỏ, nhất là có sự cải tổ về nghi lễ, cách thức hành đạo, tổ chức giáo hội. Giáo lý của đạo Tin lành dựa vào Kinh Thánh, coi Kinh thánh là chuẩn mực căn bản, duy nhất của giáo lý đức tin và thực hành niềm tin tôn giáo. Ngoài Kinh thánh, đạo Tin lành không thừa nhận bất cứ một văn bản nào khác làm nền tảng cho giáo lý đức tin. Kinh thánh của đạo Tin lành có 66 quyển, gồm hai phần: Cựu ước (39 quyển) và Tân ước (27 quyển). Đạo Tin lành chỉ thừa nhận 39 trong 46 quyển của bộ Kinh thánh Cựu ước, 7 quyển bị coi là thứ kinh hay ngụy kinh. Tất cả tín đồ và giáo sĩ của đạo Tin lành đều sử dụng và thực hành theo Kinh Thánh. Đối với đạo Tin lành, Kinh Thánh có vị trí rất quan trọng, giữ vai trò như một giáo sĩ trên cả hai phương diện mục vụ và truyền giáo.
Giáo lý đạo Tin lành cơ bản giống Công giáo, bao gồm hệ thống tín điều thờ một Thiên Chúa độc nhất, tin theo thuyết Thiên Chúa ba Ngôi (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Thánh Linh), đồng bản thể, toàn năng, sáng tạo ra muôn vật. Tuy nhiên, trong giáo lý của đạo Tin lành có một số chi tiết được cải sửa so với Công giáo, như đạo Tin lành tin có sự hoài thai Chúa Giêsu một cách màu nhiệm của bà Maria, nhưng cho rằng, bà không phải là mẹ của Thiên Chúa và chỉ đồng trinh đến khi sinh Chúa Giêsu, sau đó không còn đồng trinh nữa. Do vậy, đạo Tin lành chỉ kính trọng chứ không sùng bái, thờ lạy bà Maria. Đạo Tin lành tin có Thiên sứ, có các thánh tông đồ, các thánh tử đạo và các thánh khác, nhưng chỉ kính trọng, noi gương, chứ không tôn sùng, thờ lạy các thánh, không tin có luyện ngục, không thờ ảnh tượng, không hành hương về nơi thánh để được hưởng ân sủng. Đạo Tin lành có nhiều tổ chức, hệ phái, mỗi tổ chức, hệ phái theo các trường phái với những xu hướng thần học khác nhau, cho nên mặc dù vẫn giữ được những điều tuyên tín chung, song mỗi tổ chức, hệ phái lại có những tín điều riêng tạo nên tính đa dạng của tôn giáo này.
Đạo Tin lành chỉ thừa nhận và thực hiện 2 trong 7 phép bí tích của đạo Công giáo, nhưng có quan niệm và cách thức thể hiện khác. Đó là phép rửa tội, gọi là lễ Báp-têm và phép Thánh thể, gọi là lễ Tiệc thánh. Lễ Báp-têm chỉ thực hiện cho người đến tuổi khôn (12-13 tuổi), bằng hình thức dìm xuống nước theo quan niệm thay cũ đổi mới, chứ không phải rửa tội tổ tông theo quan niệm của Công giáo. Đạo Tin lành phủ nhận thuyết biến thể, xem bánh và rượu lễ chỉ là vật chất bình thường, không phải là mình và máu Chúa, Tiệc thánh để kỷ niệm bữa tiệc ly của Chúa, cả giáo sĩ và tín đồ cùng ăn bánh và uống rượu. Ngoài ra, đạo Tin lành còn có lễ hôn phối, lễ Dâng con trẻ cho Thiên Chúa và một số lễ nghi khác. Đạo Tin lành giữ và thực hiện Mười điều răn của Thiên Chúa, nhưng xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa (không qua hàng giáo sĩ), công khai sám hối, nói lễ ý nguyện của mình. Trong sinh hoạt tôn giáo, họ đọc trực tiếp vào Kinh Thánh, chủ yếu cầu nguyện và hát thánh ca. Đạo Tin lành chủ yếu dùng hai bài kinh là Kinh Tin kính của các Tông đồ và Kinh lạy Cha. Tin lành không đặt tên thánh cho người được rửa tội, không lần hạt trong cầu nguyện. Nhà thờ Tin lành đơn giản, kiến trúc hiện đại, chỉ có cây thập giá biểu tượng cho Chúa Giêsu chịu nạn.
Tổ chức giáo hội, đạo Tin lành không lập tổ chức giáo hội chung cho toàn đạo, mà xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với nhiều hình thức khác nhau theo từng hệ phái, hoặc từng quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức giáo hội, các hệ phái Tin lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội quốc gia các hệ phái giao quyền tự lập, tự trị, tự dưỡng cho hội thánh cơ sở. Tham gia lãnh đạo giáo hội có cả tín đồ thông qua bầu cử dân chủ và hoạt động theo nhiệm kỳ đại hội đồng các cấp (chi hội gọi là Hội đồng, cấp trên gọi là Đại hội đồng). Ngoài hoạt động theo hình thức hội đồng và đại hội đồng, các hệ phái, tổ chức còn duy trì sinh hoạt bồi linh (linh tu), dành cho các chức vụ trong hàng giáo phẩm để nâng cao trình độ thần học. Đạo Tin lành không duy trì hình thức tổ chức tu trì, mà duy trì hình thức tổ chức (liên hệ phái) truyền giáo.
Đạo Tin lành đang có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng tín đồ, chức sắc cũng như tổ chức hệ phái. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, số người theo đạo Tin lành ngày càng tăng nhanh, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số Kitô giáo và dân số thế giới. Số người theo đạo Tin lành tăng từ 143 triệu, chiếm 8,8% dân số thế giới năm 1900, lên 355 triệu người, chiếm 10% dân số thế giới năm 1970, lên 589 triệu người, chiếm 9,6% dân số thế giới năm 2000. Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI (2000-2020), tín đồ đạo Tin lành đã tăng 1,4% trong dân số thế giới, đạt 868 triệu người, chiếm 11% dân số thế giới vào năm 2020, đứng thứ tư sau Islam giáo, Công giáo, Ấn Độ giáo. Dân số Tin lành tăng khá nhanh trong cơ cấu dân số Kitô giáo, nhất là từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Dân số đạo Tin lành từ 25,6% trong dân số Kitô giáo năm 1900, đã tăng lên 29% năm 1970, tăng lên 34,35% năm 2020(46). Địa bàn phân bố của đạo Tin lành đang có sự thay đổi, số lượng tín đồ có chiều hướng giảm ở các địa bàn truyền thống như Bắc Mỹ, Bắc Âu, nhưng lại phát triển mạnh ở Mỹ-Latinh, Tây Âu, châu Á, đặc biệt là châu Phi.
(46) Centrer for the Study of Global Christianity, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050, https://gordonconwell.edu > sites > 2021/01 > Status.
Đạo Tin lành đa suy giảm ở những địa bàn truyền thống của nó là châu Âu và Bắc Mỹ. Một nghiên cứu cho thấy, năm 1900, trên 94% dân số Tin lành sống ở châu Âu và Bắc Mỹ, đến năm 2010, chỉ còn 25%(47). Năm 2010, 87% người theo đạo Tin lành ở bên ngoài châu Âu; 20% ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ người trưởng thành theo đạo Tin lành ở Hoa Kỳ đang giảm, từ 51% năm 2007 xuống 47% năm 2014(48). Trong khi đó, Tin lành lại phát triển mạnh ở châu Phi và Nam Mỹ. Năm 1900, số người theo đạo Tin lành châu Phi chỉ chiếm 1,6% tổng số tín đồ Tin lành, đến năm 2020, đã có gần 41% dân số Tin lành ở châu Phi.
(47) DR. Toddm. Johnson, Protestants Around the World, Gordon-Conwell Theological… https://www.gordonconwell.edu> blog, ngày 22/7/2020.
(48) Neha Sahgal, 500 years after the Reformation, 5 facts about Protestants, https://www.pewresearch.org> ngày 27/10/2017.
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đạo Tin lành phát triển mạnh mẽ. Các hệ phái Tin lành Phúc âm (Evangelical), Tin lành Ngũ Tuần (Pentecostal) phát triển nhanh ở châu Mỹ-Latinh, vùng hạ Sahara của châu Phi, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Âu, đặc biệt tại Rumani. Tin lành Phúc âm là hệ phái năng động nhất ở Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ, Australia. Đạo Tin lành phát triển nhanh ở Nam Mỹ, nhất là Brazil, quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới. Ước tính hệ phái Tin lành Phúc âm có khoảng 50 triệu tín đồ ở Mỹ - Latinh, vài chục triệu tín đồ tại châu Phi, cả thế giới có khoảng 200 triệu tín đồ. Hệ phái Tin lành Ngũ Tuần có trên 500 triệu tín đồ, được xem là tôn giáo “của người nghèo”, phát triển mạnh trong xã hội hiện đại(49). Đạo Tin lành đã trở thành một tôn giáo toàn cầu, có mặt ở 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên 80% quốc gia trên thế giới. Trong đó, gần 70% dân số Tin lành trên thế giới sống ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, 10 quốc gia có số lượng nhiều nhất: Hoa Kỳ 167 triệu, Nigiênia 75 triệu, Brazil 43 triệu, Trung Quốc 40 triệu, Nam Phi 37 triệu, Vương quốc Anh 36 triệu, Cộng hòa Dân chủ Công-gô 32 triệu, Ethiopia 27 triệu, Đức 22 triệu, Kenya 19 triệu tín đồ(50). Năm 2013, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới số tín đồ đạo Tin lành chiếm trên 50% dân số(51).
(49) Nguyễn Xuân Nghĩa, "Tôn giáo thế kỷ XXI: các cuộc tranh luận và kịch bản có thể xảy ra", Tlđd, tr.6.
(50) Gina A. Zurlo, Todd M. Johnson, and Peter F. Crossing. “World Christianity and Mission 2020: Ongoing Shift to the Global South.” First Published October 16, 2019 Research Article: https://doi.org.
(51) Xem Percent Protestant by country, around the world ...https://www.theglobaleconomy.com > pr...
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, số tín đồ đạo Tin lành trên thế giới hiện có trên 868 triệu tín đồ, phân bố như sau: 41,49% ở châu Phi, 32,14% ở châu Mỹ, 12,66% ở châu Âu, 11,88% ở châu Á và 1,83% ở châu Đại Dương. Ở mỗi châu lục, sự phân bố Tin lành cũng có sự khác nhau. Tại châu Âu, mặc dù là quê hương của đạo Tin lành, song những người theo đạo Tin lành đang rời bỏ châu Âu. Đạo Tin lành ở châu Âu hiện có trên 110 triệu tín đồ, chiếm 14,71% dân số châu lục, tập trung chủ yếu ở các nước Bắc Âu 59%, Tây Âu 31%, Đông Âu 7% và Nam Âu 3%. Tại châu Mỹ, tín đồ Tin lành trên 278 triệu người, chiếm 26,78% dân số châu lục, chủ yếu ở Bắc Mỹ 57%, Nam Mỹ 28,5%, Trung Mỹ 10,81%, vùng Caribe 3,38%. Tại châu Phi hiện có trên 360 triệu tín đồ, chiếm 26,85% dân số châu lục, trong đó, các nước Đông Phi 36%, Tây Phi 34%, Trung Phi 16%, Nam Phi 14%, khu vực Bắc Phi chỉ chiếm 1,24% tín đồ Tin lành trong châu lục. Tại châu Á, Tin lành có 103 triệu người, chiếm 2,23% dân số châu lục, tập trung ở các nước Đông Bắc Á 53%, Đông Nam Á 32%, Nam Á, chủ yếu là Ấn Độ 13%, các nước Tây Á, Trung Á chỉ có rất ít tín đồ Tin lành. Tin lành là tôn giáo có nhiều hệ phái, tổ chức và là tôn giáo mang tính hiện đại, có luật lệ, nghi lễ, cách thức hành đạo đơn giản, cơ cấu tổ chức giáo hội gọn nhẹ, lối sống đạo đề cao lý trí trong đức tin, sự tự do cá nhân, tinh thần dân chủ nên nó có nhiều điểm phù hợp với xã hội hiện đại. Vì vậy, Tin lành là tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, xã hội ở Hoa Kỳ, một số nước Bắc Âu, Nam Phi, Hàn Quốc và các quốc gia đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các hệ phái, tổ chức Kitô giáo khác, gồm các tổ chức, hệ phái Kitô giáo hoạt động độc lập, không hiệp thông hay liên kết với các giáo hội trên. Từ nửa sau thế kỷ XX, Giáo hội Công giáo xuất hiện hiện tượng ly khai của một số nhóm nhỏ. Giáo hội Công giáo Trung Quốc bị tách khỏi giáo hội toàn cầu, ít nhất trên phương diện thiết chế tổ chức. Sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949), phong trào “tam tự” (tự quản, tự dưỡng, tự truyền), hình thành các tổ chức tôn giáo yêu nước, Trung Quốc cắt quan hệ với Tòa Thánh Vatican, xóa bỏ chế độ Giáo hoàng bổ nhiệm hàng giáo sĩ cao cấp (hồng y, tổng giám mục, giám mục), theo quy định của giáo luật, thiết lập hàng giáo phẩm quốc gia tự trị, để bổ nhiệm chức vụ giám mục người Trung Quốc. Từ đó, Giáo hội Công giáo Trung Quốc độc lập, tách khỏi giáo quyền Rôma. Cho đến nay, hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc có 5 triệu tín đồ(52).
(52) “Chinese Newspaper Attacks Pope’s Christmas Criticism/Culture/ News/WantChinaTimes.com”, Wantchinatimes.com. Archived from the original on 22 December 2014.
Tổ chức ly khai Huynh đoàn Thánh Piô X do tổng giám mục người Pháp là Marcel Lefebvre (1905-1994), lập năm 1970, thu hút nhiều giáo sĩ (giám mục, linh mục), giáo dân Công giáo tham gia, chống lại tinh thần cải cách của Công đồng Vatican II (1962-1965). Năm 1988, Tổng giám mục Lefebvre tự tấn phong 4 giám mục nên bị Tòa Thánh phạt vạ tuyệt thông khai trừ khỏi Giáo hội. Tòa Thánh đã tìm nhiều cách để hòa giải, đưa Huynh đoàn trở về hiệp nhất với Giáo hội, nhưng bất thành, huynh đoàn vẫn chưa hiệp thông với giáo hội. Số tín đồ từ 200 ngàn người (năm 2000), hơn 400 linh mục, 10 giám mục, đến năm 2013, đã lên tới 1 triệu tín đồ, hàng trăm linh mục, giám mục trên thế giới, trụ sở tại Thuỵ Sỹ(53). Ngoài ra, còn một số tổ chức Công giáo độc lập, không liên kết (hiệp thông) với Giáo hội Công giáo Rôma cũng như các giáo hội Công giáo phương Đông khác, có trên 13 triệu tín đồ ở Philippine, Brazin, Mêhicô, Mỹ, Ba Lan(54). Có một số nhóm Kitô giáo độc lập khác, như nhóm tôn giáo cũ, ngoại giáo (Pagan giáo) ở Nga; các nhóm Kitô giáo ảnh hưởng tín ngưỡng bản địa ở châu Phi, châu Mỹ,…
(53) “Society of St. Pius X (SSPX) Criticizes Pope Francis”. The Huffington Post. 18 April 2013. Archived from the original on 26 October 2014.
(54) Xem List of Christian denominations by number of members ... https:// en.wikipedia.org > wiki > List_of..., truy cập ngày 30/6/2021.
3.2. Islam giáo
Islam giáo (quen gọi là Hồi giáo), do nhà tiên tri Muhammad (570-632) sáng lập vào đầu thế kỷ VII trên bán đảo Ả Rập. Islam giáo ra đời trong điều kiện xã hội Ả Rập đang chuyển từ chế độ thị tộc bộ lạc sang xã hội có giai cấp và nhà nước, nhưng lại đứng trước yêu cầu hình thành nhà nước phong kiến thần quyền vững mạnh để chống lại sự xâm lược từ bên ngoài và giành lại con đường buôn bán Đông - Tây qua bán đảo Ả Rập đã bị mất bởi người Ba Tư. Về tư tưởng, tôn giáo, Islam giáo ra đời dựa trên cơ sở giáo lý của đạo Do Thái, Kitô giáo và tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Ả Rập. Ra đời trên bán đảo Ả Rập, mặc dù nội bộ sớm bị chia rẽ thành hai dòng Sunni và Shia (Shi’ite) sau khi nhà tiên tri Muhammad qua đời, song Islam giáo đã nhanh chóng lan rộng ra các vùng Tây Á, Bắc Phi, Địa Trung Hải, Trung Á, Nam Á, Đông Á, bằng con đường truyền giáo phát triển đạo, đôi khi gắn với các cuộc chiến tranh xâm lược. Từ thế kỷ X, Islam giáo truyền sang các nước Đông Nam Á bằng con đường hòa bình do các thương nhân và các nhà truyền giáo thực hiện. Trong 10 thế kỷ (từ cuối thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XVIII), Islam giáo trở thành tôn giáo - nhà nước rộng lớn, hùng mạnh nhất thế giới thời cổ trung đại và đầu thời cận đại.
Giáo lý Islam giáo kế thừa giáo lý Do Thái giáo, Kitô giáo và tín ngưỡng Hanij bản địa của người Ả Rập thể hiện trong Kinh Qur’an (Cô ran), gồm hệ thống các tín điều, tin một Thượng đế (Allah) duy nhất, quyền năng, sáng tạo ra thế giới, con người; tin con người có phần xác và phần hồn, con người bị sa ngã và tội lỗi của con người; tin Muhammad là thiên sứ anh minh nhất và là sứ giả cuối cùng của Thượng đế, có sứ mạng rao truyền giáo huấn của Thượng đế cho con người; tin kinh Qur’an là những lời của Thượng đế cho loài người mà nhà tiên tri Muhammad đã nhận được qua Thiên thần Giêrien trong vòng 22 năm (từ năm 610 đến năm 632). Người Muslim (tín đồ Islam giáo) tin vào tính thánh thiêng, vĩnh cửu của Kinh Qur’an, coi đó là quyển sách đúng chân lý nhất; họ tin có thiên thần và ma quỷ, thiên đường và địa ngục; tin sự bất tử của linh hồn; tin có ngày tận thế, sự phục sinh và phán xét cuối cùng.
Luật lệ, lễ nghi của Islam giáo dựa vào Kinh Qur’an, sách Hadith và luật Shari’ah tập trung vào năm điều sống đạo (5 cốt đạo): biểu lộ đức tin, cầu nguyện mỗi ngày (mỗi ngày 5 lần: bình minh, trưa, xế trưa, hoàng hôn, tối), bố thí, giữ chay tịnh tháng Ramadan và hành hương thánh địa Mecca. Ngoài ra, còn có tục đọc kinh Qur’an, cắt bao quy đầu (cắt bì), cưới xin, tang lễ, phụ nữ và gia đình. Luật quy định những điều kiêng kỵ, như không ăn thịt lợn, máu động vật, không ăn thịt động súc vật không rõ nguồn gốc, không ăn thịt gia súc, gia cầm khi giết mổ chưa tụng Allah, không uống rượu hay những đồ có cồn. Luật quy định những điều được phép gọi là Halal, những điều không được phép gọi là Haram. Luật Islam giáo quy định nhiều điều, chi tiết, trở thành những tiêu chuẩn pháp lý trong đời sống xã hội, chi phối mọi hoạt động của tín đồ. Ở các quốc gia lấy Islam giáo làm quốc đạo, luật Islam giáo được áp dụng ở những mức độ khác nhau, nhưng có vai trò quan trọng như pháp luật nhà nước. Ở một số quốc gia Islam giáo, luật Islam giáo được sử dụng cùng với luật dân sự, luật hình sự, thậm chí luật Islam giáo được xem như luật chung của nhà nước.
Sau khi nhà tiên tri Muhammad qua đời (năm 632), do mâu thuẫn nội bộ, bất đồng quan điểm về người kế vị nhà Tiên tri, Islam giáo bị chia rẽ hình thành các hệ phái: Sunni và Shia. Những người theo dòng Shia cho rằng, chỉ có những người thuộc dòng nhà tiên tri Muhammad hoặc con cháu của Ali (cháu và là con rể của nhà Tiên tri) và Fatima (vợ Ali), mới là người có quyền kế vị nhà Tiên tri cai quản quốc gia Islam giáo. Dòng Sunni (truyền thống) chủ trương theo chế độ Calipha (người đại diện của nhà tiên tri Muhammad), đứng đầu nhà nước Islam giáo không nhất thiết phải là người thuộc dòng dõi nhà Tiên trị hay Ali. Những bất đồng này trở thành mâu thuẫn, xung đột giữa hai dòng Sunni và Shia kéo dài suốt 14 thế kỷ qua, chưa có hồi kết thúc. Ngoài ra, Islam giáo còn có một số hệ phái độc lập khác như hệ phái Kharijites (có sớm nhất trong lịch sử), Alevism, Alawites và phái Athmadiyya.
Islam giáo ra đời trên bán đảo Ả Rập, sau đó phát triển ra toàn vùng Tây Á, Bắc Phi, Địa Trung Hải, Trung Á, Ấn Độ, Tân Cương (Trung Quốc) và Đông Nam Á. Sự ra đời và phát triển của Islam giáo gắn liền với các quốc gia Islam giáo mà ở đó chính trị và tôn giáo (Islam giáo) hòa quyện vào nhau không tách rời. Người đứng đầu quốc gia đồng thời là người đứng đầu thế giới Islam giáo. Tình trạng này xuất hiện ngay từ khi Islam giáo xuất hiện và trở thành một truyền thống của các quốc gia Islam giáo. Từ giữa thế kỷ X, quốc gia Islam giáo bắt đầu bị chia rẽ hình thành các nhà nước Islam giáo theo các dòng Islam giáo khác nhau. Từ thế kỷ XVI-XVIII, hình thành 3 vương quốc Islam giáo: Ottoman (1259-1923), theo dòng Sunni ở vùng Trung Cận Đông, Bắc Phi (Ai Cập); Fasavid (1501-1732) theo dòng Shia ở Ba Tư và Mogul (1520-1858) theo dòng Sunni ở Ấn Độ và Nam Á.
Năm 1798, Napoleon chiếm Ai Cập mở đầu cho việc chinh phục thế giới Islam giáo, chấm dứt 10 thế kỷ hoàng kim của Islam giáo. Trong cuộc đụng độ với chủ nghĩa đế quốc và văn minh phương Tây, Islam giáo giữ vai trò tích cực với tư cách là ngọn cờ chống xâm lược trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và nảy sinh quá trình dân tộc hóa, thế tục hóa, hình thành nên các nhà nước, quốc gia dân tộc Islam giáo theo các thể chế khác nhau. Quá trình này gắn với sự sụp đổ, tan rã của các đế quốc Faravid (1735), Mogul (1856), Ottoman (1923) và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ thế kỷ XIX cho đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Islam giáo lần lượt giành độc lập, Islam giáo được coi là động lực cho sự phát triển của đất nước theo những khuynh hướng chính trị khác nhau. Đồng thời cũng xuất hiện chủ nghĩa Islam giáo trong xã hội hiện đại. Mâu thuẫn giữa Islam giáo với Mỹ và các nước phương Tây tạo điều kiện cho sự phục hồi chủ nghĩa Islam giáo gắn với sự ra đời, hoạt động của chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa Islam giáo gắn liền với chủ nghĩa khủng bố do chính Mỹ xây dựng. Lực lượng khủng bố do Mỹ xây dựng từ khi Liên Xô giúp giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini tiến hành cuộc “cách mạng Islam giáo” ở Iran (1979) và đưa quân vào Ápganistan (1984), để chống Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ quay sang chống Islam giáo, chính lực lượng khủng bố do họ huấn luyện đã quay lại chống Mỹ, trong đó có tổ chức Al Qaeda do Osama Bin Laden cầm đầu.
Đầu thế kỷ XXI, các phần tử vũ trang Islam giáo tiến hành một loạt cuộc khủng bố, điển hình như vụ tấn công tòa tháp đôi ở New York, Mỹ (11/9/2001), vụ bắt cóc con tin ở nhà hát Mátxcơva, Nga (2002), vụ đánh bom khách sạn quốc tế ở Bali, In-đô-nê-xia (2003). Sự ra đời của Nhà nước Islam giáo IS (2014-2019) càng làm cho chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế trở nên phức tạp hơn. Nhiều vụ khủng bố đã diễn ra ở châu Âu, như vụ xảy ra ở Paris (Pháp) năm 2015, ở Brúc-xen (Bỉ) năm 2016. Tuy phần lớn các phần tử khủng bố là người Islam, song không được đồng nhất Islam giáo với chủ nghĩa khủng bố. Islam giáo vẫn là một tôn giáo lớn đã có nhiều đóng góp cho nền văn hóa, văn minh nhân loại - hình thành nên nền văn minh lớn của loài người.
Ngày nay, vấn đề thống nhất Islam giáo vẫn là mối quan tâm của nhiều người Islam giáo. Song, do những yếu tố về tôn giáo, dân tộc, chính trị, văn hóa, xã hội... vẫn còn là trở ngại lớn cho xu hướng này. Hơn nữa, sự bất đồng giữa những người theo dòng Sunni và dòng Shia vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Islam giáo hiện có một số tổ chức chính trị - tôn giáo quốc tế, nhưng các tổ chức này không phải là tổ chức giáo hội của thế giới Islam giáo, mà chỉ là những tổ chức có tính liên kết, hợp tác của những người Muslim hay các quốc gia Islam giáo vì những mục đích khác nhau. Một số tổ chức lập ra nhằm thống nhất, củng cố, phát triển và duy trì các giá trị chung của Islam giáo trong thế giới hiện đại. Mỗi tổ chức theo đuổi những khuynh hướng chính trị, quân sự khác nhau, một số tổ chức bị các nước phương Tây liệt vào tổ chức khủng bố, như Habola, Taliban, Al-Qaeda, Boko Haram, đặt biệt là tổ chức nhà nước Islam giáo tự xưng IS (2014-2019).
Về dân số học Islam giáo, theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, trong 120 năm (1900-2020), Islam giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất, đặc biệt trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Năm 1900, dân số Islam giáo có 200 triệu người, chiếm 12,36% dân số thế giới, bằng 75% dân số Công giáo cùng thời điểm. Trong 70 năm dân số Islam giáo đã tăng gấp ba lần, với 571 triệu người, chiếm 15,42% dân số thế giới vào năm 1970, gần bằng tín đồ Công giáo cùng thời điểm (17,79% dân số thế giới). Trong 30 năm cuối thế kỷ XX, dân số Islam giáo tăng hơn gấp hai lần và vượt dân số Công giáo, đạt 1,29 tỷ người, chiếm 21% dân số thế giới vào năm 2000, trong khi Công giáo chỉ chiếm 17,13% dân số thế giới. Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, dân số Islam giáo tiếp tục đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt xa dân số Công giáo.
Năm 2010, dân số Islam giáo trên thế giới có 1,5 tỷ người, chiếm 21,6% dân số thế giới(55). Năm 2020, dân số Islam giáo có 1,926 tỷ người, chiếm 24,51% dân số thế giới, tăng 5,2% so với năm 2000(56). Tín đồ Islam giáo phát triển chủ yếu do gia tăng dân số tự nhiên. Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2015 cho thấy, bình quân mỗi phụ nữ Islam giáo sinh 3,1 con, cao nhất trên thế giới và hơn nhiều mức sinh lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ. Tỷ lệ sinh cao, song tỷ lệ chết của người Islam giáo rất thấp, trong khi tỷ lệ sinh của người Kitô giáo cũng khá cao (2,7 con/phụ nữ), nhưng tỷ lệ chết của người Kitô giáo còn cao hơn tỷ lệ sinh. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Islam giáo sẽ tăng lên 2,761 tỷ người, chiếm 29,7% dân số thế giới vào năm 2050(57).
(55) Brian J. Grim, PhD and Phillip Connor, PhD, Changing religion, changing economies: Future global religious and economic growth, October 21, 2015, Religious Freedom & Business Foundation, http.// religiuosfeedomandbusiniss.org.
(56) Muslim Population By Country 2021 - World Population Review, https:// worldpopulationreview.com > muslim và Centrer for the Study of Global Christianity, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050, https://gordonconwell.edu > sites > 2021/01 > Status.
(57) Pew Research Centrer, The Future of World Religions: Population Growth Projections, 2010-2050, Why Muslims Are Rising Fastest and the Unaffiliated Are Shrinking as a Share of the World’s Population, Numbers, facts and trends shaping the world, for release April 2, 2015, p.10.
Tín đồ Islam giáo thuộc nhiều hệ phái khác nhau. Ngoài hai hệ phái lớn là Sunni và Shia, còn có một số hệ phái nhỏ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có khoảng 84% người Islam giáo theo dòng Sunni, 13,84% theo dòng Shia và hơn 2% theo các hệ phái Islam giáo khác(58). Số người Islam giáo theo dòng Sunni có khoảng 1,63 tỷ người. Islam giáo dòng Shia có ở khoảng 266,6 triệu người, ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là ở Trung Đông (chiếm 36% dân số khu vực), 15 nước có nhiều người Shia: Iran 75,4 triệu, Ấn Độ 47,4 triệu, Pakistan 44,5 triệu, Iraq 22,5 triệu, Thổ Nhĩ Kỳ 21,7 triệu, Yemen 11,5 triệu, Bangladesk 11,8 triệu, Azerbaijan 7,5 triệu, Nigieria 6,5 triệu, Ả Rập Xê Út 4,7 triệu, Afghanistan 4,2 triệu, Syria 4,1 triệu, Tanzania 3 triệu, Công hòa dân chủ Công-gô 2,5 triệu, Ai Cập 2,2 triệu tín đồ(59). Các hệ phái khác như phái Kharijites, Alawite, Alevism, Druze, Athmadiyya có gần 40 triệu tín đồ(60).
(58) World Shia Muslims Population - Homehttps://shianumbers.com, truy cập ngày 30/6/2021
(59) Shia Muslims Population - World Shia Muslims Population, http:// shianumbers.com > shia-muslims-p, truy cập ngày 15/7/2021
(60) Xem Ahmadiyya - Wikipedia, https://en.wikipedia.org > wiki > Ahmadi, truy cập ngày 15/7/2021; Khan, Adil Hussain (2015). From Sufism to Ahmadiyya: A Muslim minority Movement in South Asia. Indiana University Press. p.2. ISBN 978-0253015297; “Ahmadiyyah”. Collins English Dictionary. HarperCollins. Retrieved 30 June 2019 và “Ahmadiyya Muslim Community: An overview”. Al Islam. Archived from the original on 16 March 2015.
Người Muslim hiện nay có tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Á chiếm 65,44%, châu Phi 31,42% dân số Islam giáo trên thế giới; chỉ có 2,74% người Islam giáo ở châu Âu, 0,34% ở châu Mỹ và 0,05% ở châu Đại Dương. Islam giáo không chỉ phát triển ở các địa bàn truyền thống, như Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á mà còn phát triển ở các khu vực Tây Phi, Đông Phi và Tây Âu.
Châu Á là nơi tập trung người Muslim nhiều nhất, với 1,26 tỷ người, tập trung ở 4 khu vực: Tây Á, Nam Á, Đông Nam Á và Trung Á. Tây Á là quê hương của Islam giáo, đồng thời cũng là nơi tín đồ tập trung có mật độ cao nhất, 245 triệu người, chiếm 19% dân số Islam giáo ở châu Á, 12,75% dân số thế giới, 87% dân số trong khu vực; có 4/18 nước trong khu vực (Armenia, Gruzia, Israel và Síp), người Islam giáo chiếm dưới 50% dân số, trong khi có 14 quốc gia Islam giáo (chiếm trên 1/2 dân số), 11 quốc gia người Islam giáo từ 2/3 dân số trở lên. Nam Á là khu vực có số lượng tín đồ Islam giáo nhiều nhất, trên 660 triệu, chiếm 53% dân số Islam giáo châu Á, 34,26% dân số Islam giáo trên thế giới, 34% dân số trong khu vực, có 4/9 nước thuộc quốc gia Islam giáo có trên 90% dân số là người Muslam. Đông Nam Á là khu vực có số lượng tín đồ nhiều thứ hai ở châu Á, trên 266 triệu người, chiếm 21% dân số Islam giáo ở châu lục, 13,81% dân số Islam giáo trên thế giới, 39,70% dân số. Islam giáo ở Đông Nam Á tập trung chủ yếu ở Indonesia và Malaysia. Indonesia hiện có trên 230 triệu người, chiếm 86,46% Islam giáo trong khu vực, 11,94% dân số Islam giáo, là quốc gia có số người Islam giáo nhiều nhất trên thế giới. Ở Trung Á người Islam giáo có 64 triệu, nhưng chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số với 85% dân số khu vực, chỉ sau Bắc Phi và Trung Đông. Khu vực Đông Bắc Á có 29 triệu người Islam giáo, chủ yếu ở Trung Quốc.
Châu Phi là khu vực có số lượng tín đồ Islam giáo trên 606 triệu người, đứng thứ hai trên thế giới. Bắc Phi là địa bàn truyền thống của Islam giáo, trên 233 triệu người, chiếm 38,48% dân số Islam giáo ở châu Phi, 12,09% tín đồ Islam giáo trên thế giới, 94% dân số trong khu vực, trở thành địa bàn có mật độ người Islam giáo cao nhất trên thế giới, vượt cả khu vực Trung Đông vốn là cái nôi của Islam giáo. Tây Phi là khu vực mới vươn lên trở thành trung tâm Islam giáo thứ hai của châu Phi và thế giới, hiện có trên 232 triệu người, chiếm 38,33% tín đồ Islam giáo ở châu Phi, 12,04% tín đồ Islam giáo trên thế giới, 51,54% dân số trong khu vực. Có 9 trên 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên 50% thuộc các nước Islam giáo (trên 50% dân số là người Islam giáo). Đông Phi là trung tâm thứ ba của Islam giáo châu Phi, trên 108 triệu người, chiếm 17% tín đồ Islam giáo ở châu Phi. Trung Phi có 31 triệu và Nam Phi số lượng Islam giáo rất ít, hơn một triệu người.
Châu Âu là trung tâm của Kitô giáo, nên mặc dù hiện diện ở châu Âu từ rất sớm (đầu thế kỷ VIII), song Islam giáo chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn ở châu lục này. Hiện nay, châu Âu 53 triệu người Muslim, gần 1/2 ở Nga (25 triệu), còn lại là ở khu vực tây và Đông Âu, như Pháp 6 triệu, Đức 5 triệu, Anh 4 triệu, Italia 3 triệu, Bosnia và Herzegovina 1,9 triệu (51% dân số), Albania 1,7 triệu (60% dân số); Tây Ban Nha 1,2 triệu người Islam giáo. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, Islam giáo phát triển mạnh vào Tây Âu cùng với dòng người nhập cư từ Trung Đông tới và sự gia tăng dân số tự nhiên. Từ sau biến cố “Mùa xuân Ả Rập” (2011), đến năm 2020, có hàng chục triệu người thuộc các quốc gia Islam giáo di cư vào châu Âu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong 6 năm (2010-2016), trên 6,3 triệu người Muslim nhập cư vào châu Âu, đưa số người Islam giáo ở các nước thuộc Liên minh châu Âu từ 19,5 triệu năm 2010, lên 25,8 triệu năm 2016, tăng 3,8%, chiếm 4,9% tổng dân số. Theo Pew, “Ngay cả khi tất cả các cuộc di cư vào châu Âu phải dừng lại ngay lập tức và vĩnh viễn - một kịch bản “không di cư” - thì dân số Islam giáo ở châu Âu vẫn sẽ tăng từ mức hiện tại là 4,9% lên 7,4% vào năm 2050. Điều này là do người Islam giáo trẻ hơn (trung bình 13 tuổi) và có mức sinh cao hơn (trung bình mỗi phụ nữ thêm một con) so với những người châu Âu khác”(61). Ở châu Mỹ, số người Muslim chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, hơn 6,6 triệu tín đồ, chủ yếu ở Hoa Kỳ (3,450 triệu người). Châu Đại Dương tín đồ Islam giáo có trên 700 ngàn người, sống tập trung chủ yếu ở Australia.
(61) Muslim Population Growth in Europe | Pew Research Center, https://www. pewforum.org > 2017/11/29.
Islam giáo dù có mặt hầu hết các quốc gia, khu vực trên thế giới, song lại khá tập trung trong các khu vực cụ thể, như Tây Á (trung tâm là các nước Trung Đông), Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á; Bắc Phi, Tây Phi và Đông Phi. Tính tập trung của Islam giáo còn thấy rõ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn rất nhiều so với Công giáo, Tin lành hay Phật giáo. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong số 223 quốc gia và vùng lãnh thổ có người Muslim, có 50 quốc gia, chiếm 22,42% được coi là quốc gia Islam giáo (có 50% dân số trở lên). Tính tập trung của Islam giáo còn thể hiện rõ ở chỗ, trong 50 quốc gia Islam giáo, có 20 quốc gia có từ 50 đến 90% dân số, có 30 quốc gia chiếm trên 90% dân số.
Số người Muslim ở 8 quốc gia vùng lõi (Trung Đông) có 200 triệu người, thấp hơn tín đồ Islam giáo ở Ấn Độ (202 triệu), Pakistan (215 triệu) và Indonesia (231 triệu). Các quốc gia vùng lõi Islam giáo gồm có Ả Rập Xê út 31,8 triệu, Yemen 29,5 triệu, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất 7,5 triệu, Oman 4,4 triệu, Kuwait 3,17 triệu, Bahrain 1,2 triệu, Iran 82,5 triệu, I-rắc 40 triệu tín đồ. Gần 80% người Muslim trên thế giới sống ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, 20% còn lại ở 203 quốc gia và vùng lãnh thổ: Indonesia 231 triệu, Pakistan 215 triệu, Ấn Độ 202 triệu, Bangladesh 165 triệu, Nigeria 111 triệu, Ai Cập 103 triệu, Iran 84,5 triệu, Thổ Nhĩ Kỳ 84,6 triệu, Algeria 43 triệu, Sudan 42 triệu, Afghanistan 39 triệu I-rắc 39 triệu, Ethiopia 39 triệu, Maroc 36 triệu, Ả Rập Xêút 32 triệu, Uzbekistan 30 triệu, Trung Quốc 25 triệu, Nga 25 triệu, Niger 21 triệu và Tanzania 20 triệu tín đồ(62). Trên 250 triệu tín đồ Islam giáo sinh sống ở các quốc gia mà Islam giáo chỉ là thiểu số như Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Sau khi Liên Xô tan rã, Islam giáo được khôi phục, phát triển mạnh ở Nga và các nước Trung Á, đồng thời đang phát triển sang các nước Âu-Mỹ. Địa bàn của Islam giáo đang có sự di chuyển từ vùng Trung Cận Đông sang khu vực châu Á và châu Phi. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi phát sinh Islam giáo, tỷ lệ người theo đạo cao, nhưng chỉ chiếm 20% người Islam giáo trên thế giới. Phần lớn người Muslim trên toàn cầu (65%) sống ở các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, như Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Indonesia là quốc gia có nhiều người Muslim nhất thế giới hiện nay, nhưng người Muslam ở Ấn Độ (dù đạo Hindu vẫn chiếm đa số), sẽ vượt lên, dự đoán đạt 300 triệu vào năm 2050. Dân số Islam giáo ở châu Âu cũng đang tăng lên, dự đoán 10% tổng số người châu Âu sẽ theo đạo Islam vào năm 2050(63).
(62) Islamic world, countries with a traditional Islamic population ... https://www.nationsonline.org> oneworld, truy cập ngày 18/7/2021.
(63) Michael Lipka, Muslims and Islam: Key findings in the U.S. and around the..., https://www.pewresearch.org› ... › Islam, ngày 9/8/2017.
Islam giáo là một trong những tôn giáo có vai trò, ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực của thế giới hiện đại. Islam giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất trên thế giới, là một tôn giáo có sự gắn bó mật thiết với đời sống chính trị ở nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ, nhưng lại bị chia rẽ theo các hệ phái, phe nhóm bởi các khuynh hướng chính trị, xã hội, tôn giáo, dân tộc khác nhau.
3.3. Đạo Hindu
Đạo Hindu (Ấn Độ giáo), là tôn giáo truyền thống của Ấn Độ, được cải cách từ đạo Bàlamôn vào thế kỷ VII, nên còn gọi là tân Bàlamôn giáo - một tôn giáo cổ xưa, phổ biến nhất ở Ấn Độ cổ đại và các nước trong khu vực. Ấn Độ giáo phát triển mạnh mẽ và trở thành tôn giáo truyền thống của người Ấn Độ trong suốt từ thời trung đại đến nay. Đầu thế kỷ VIII, quân Islam giáo xâm chiếm Ấn Độ, Ấn Độ giáo bị đàn áp. Từ thế kỷ XVI, sự ra đời của vương quốc Islam giáo Mogul (1526) và sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây kéo theo sự xâm nhập của đạo Kitô càng làm cho Ấn Độ giáo suy giảm, phân hóa thành nhiều hệ phái, như giáo phái Shiva (Advaita Vedanta), giáo phái Vishnu và một số giáo phái nhỏ khác… Phái Vishnu (Vaishnava), tôn sùng thần Vishnu như đấng sáng tạo, đồng nhất với Tam vị nhất thể (thần sáng tạo, thần bảo tồn và thần phá hủy để sáng tạo). Thần Vishnu còn là hiện thân cho nữ tính và khả năng sinh sản, có nhiều hóa thân với vai trò giữ đạo đức và văn minh của nhân loại. Hình tượng hóa thân của thần Vishnu là nữ thần may mắn Lakshmi hoặc cưỡi chim thần Garuda. Đối lập với thần Vishnu là thần Chết (Yama) và lũ ác quỹ. Phái Shiva tôn sùng thần Shiva như Thượng đế tối cao, là hiện thân của Đấng sáng tạo, cân bằng và hủy diệt (Tam vị nhất thể). Thần được tôn sùng như sự vô hạn, siêu việt, bất biến và vô tướng vô hình. Tín đồ còn thờ cúng thần dưới hình thức Shiva linga-yoni,…
Đạo Hindu chú trọng thuyết luân hồi, cho rằng sau khi chết, linh hồn sẽ đầu thai nhiều lần. Mỗi lần đầu thai con người sẽ sung sướng hơn hay khổ cực hơn kiếp trước tuỳ thuộc vào những việc làm thiện, ác của kiếp trước tạo nên quả báo (Karma). Kinh thánh của đạo Hindu, ngoài Vệ đà và Upanisát (Áo nghĩa thư), còn có Mahabharata, Bhagavad Gita, Ramayana và Purana. Mahabharata, Bhagavad Gita, Ramayana là những tập trường ca, còn Purana là tập truyện cổ nói về sự sáng tạo, sự biến đổi và sự huỷ diệt của thế giới. Đạo Hindu duy trì và coi trọng chế độ đẳng cấp. Ngoài 4 đẳng cấp đã có, còn xuất hiện nhiều đẳng cấp nhỏ gọi là jati (tiện dân). Họ là những tầng lớp bị gạt ra bên lề xã hội. Đạo Hindu còn duy trì nhiều tục lệ, như tảo hôn, vợ góa phải hoả táng theo chồng.
Ấn Độ giáo là tôn giáo không có người sáng lập, nhưng có nhiều trường phái tư tưởng; không có tổ chức giáo hội chung, cơ quan quản lý. Hinđu giáo là một phức hợp tôn giáo đa thần, đa tín ngưỡng, đa niềm tin dung hợp với phong tục, tập quán, lối sống truyền thống của người Ấn Độ, cũng giống như Islam giáo không đơn thuần chỉ là một tôn giáo, mà còn là phong tục, tập quán, văn hóa. Những người theo đạo Hindu có thể chọn là đa thần, độc thần, phiếm thần, nhất nguyên, bất khả tri, nhân văn hoặc vô thần. Cuốn sách Người Hindu: Niềm tin và thực hành tôn giáo của họ, viết: “một người không cần phải tôn giáo theo nghĩa tối thiểu được mô tả để được người Hindu chấp nhận là người Hindu, hoặc mô tả bản thân một cách hoàn toàn hợp lệ là người Hindu. Một người có thể là đa thần hoặc độc thần, nhất nguyên hay phiếm thần, thậm chí là người theo thuyết bất khả tri, nhân văn hoặc vô thần, và vẫn được coi là người theo đạo Hindu”(64). Còn Mohandas Karamchand Gandhi cho rằng, “một người đàn ông có thể không tin vào Chúa mà vẫn gọi mình là người theo đạo Hindu”(65).
(64) Hindus: Their Religious Beliefs and Practices, 2nd Edition, Routledge, ISBN 978-0-415-45677-7, page 8;
(65) MK Gandhi, The Essence of Hinduism, Editor: VB Kher, Navajivan Publishing, see page 3;
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, trong 120 năm (1900-2020), tín đồ Ấn Độ giáo phát triển không nhanh như Islam giáo, Công giáo hay đạo Tin lành. Đầu thế kỷ XX, tín đồ Hindu giáo có 200 triệu người, chiếm 12,53% dân số thế giới; đến năm 2000, tăng gấp gần hai lần, lên 822 triệu người, chiếm 13,38% dân số thế giới. Tín đồ Hindu tăng thêm 263 triệu người, lên 1,11 tỷ người, chiếm 14,22% dân số trên thế giới vào năm 2020, sau Islam giáo, Công giáo. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tín đồ Ấn Độ giáo sẽ có 1,38 tỷ người, chiếm 14,83% dân số thế giới vào năm 2050(66). Hiện nay, 99,37% tín đồ đạo Hindu ở châu Á, 2 triệu người ở châu Âu, 2 triệu ở châu Phi, 2,8 triệu ở châu Mỹ. Đạo Hindu có ở 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng Ấn Độ 1,053 tỷ người, chiếm 94% tín đồ Hinđu trên thế giới và 75,93% dân số. Nepan 23,5 triệu người (80% dân số); Baladhedes 14,3 triệu (8,64% dân số), Indonesia 10 triệu(67), Malaysia 2 triệu, Hoa Kỳ 2,3 triệu, Sri Lanka 2,6 triệu(68). Ấn Độ giáo đang phát triển nhanh sang các nước Âu, Mỹ cùng với dòng người di cư, xuất hiện phong trào Tân Ấn Độ giáo - một thứ Ấn Độ giáo đã được canh tân cho phù hợp với xã hội hiện đại. Ấn Độ giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Ấn Độ và Nepan.
(66) Pew Research Centrer, Religious Composition by country, 2010-2050, http://www.pewf0rum.org2015/4/2/religiousprojection-table
(67) July-December, 2010 International Religious ... - Refworld, https://www.refworld.org > docid, ngày 13/9/2011
(68) Hindu Countries 2021 - World Population Review, https://worldpopulationreview.com > hindu, truy cập ngày 15/7/2021.
3.4. Phật giáo
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, xét về mặt xã hội, là một trào lưu triết học - tôn giáo chống lại chế độ đẳng cấp Várna và Bàlamôn giáo. Xã hội Ấn Độ cổ đại dựa trên chế độ đẳng cấp Varna bất bình đẳng với bốn đẳng cấp: tăng lữ, tu sĩ: Brahman (Bàlamôn); vua quan, quý tộc: Ksatrya (Sátđếlỵ hay Sátđếlợi); bình dân, người lao động tự do, thương nhân, thợ thủ công: Vaysia (Vệ xá); nô lệ, tù binh: Sundra (Thủ đà la), trong đó, đẳng cấp Bàlamôn có đặc quyền, đặc lợi, đứng trên tất cả, thống trị xã hội, đẳng cấp Thủ đà la chiếm đa số nhưng làm nô lệ cho ba đẳng cấp trên. Chế độ đẳng cấp Varna được bảo vệ bởi đạo Bàlamôn và luật Manu (bộ luật sớm nhất của Ấn Độ). Xét về mặt tư tưởng, tôn giáo, Phật giáo ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các trào lưu tôn giáo, triết học của Ấn Độ cổ đại (đạo Bàlamôn, các học thuyết Số phận (Samkhya), Du già (Yoga), Chính lý (Nyaya), Thắng luận (Vaisesika), Giải thoát (Vệđànta), Tế tự học (Mimansa).
Người sáng lập ra Phật giáo là thái tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama), con vua Tịnh Phạm (Shuddhodana), bộ tộc Thích ca (Sakya), trị vì nước Ca Tỳ La Vệ (Kalilavaxtu) ở vùng trung lưu sông Hằng. Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, nhung lụa nơi hoàng cung để xuất gia tu hành, cuối cùng ông đã giác ngộ, tuyên bố đã tìm ra chân lý, con đường giải thoát, thấu hiểu được bản chất của sự tồn tại, nguồn gốc của sự khổ đau phiền não của con người và con đường cứu vớt sự khổ đau, đạt đến sự giải thoát. Từ đó, ông được tôn hiệu là Thích Ca Màu Ni (Shakya Muni), bậc thánh của dòng họ Thích Ca, gọi là người giác ngộ, Phật hay Bút Đa (Buddha), phiên âm qua chữ Hán Việt là Phật Đà quen gọi là Bụt, tức người đã giác ngộ, hiểu được chân lý của sự giải thoát.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca thu nạp tín đồ, lập tăng đoàn và thực hiện chương trình giáo hóa chúng sinh, còn gọi là thời kỳ chuyển hóa pháp luân. Sau 49 năm đi thuyết pháp trong nhiều vùng ở Ấn Độ cổ đại, trải qua 5 thời kỳ gọi là Ngũ thời Phật pháp, giáo pháp của ông đã lan tỏa ra nhiều vùng ở Ấn Độ cổ đại. Những lời thuyết pháp Đức Phật không được ghi lại thành kinh sách ngay, mà phải trải qua 4 lần đại hội để tập hợp, chỉnh lý. Đầu thế kỷ thứ II sau Công nguyên, hoàn thiện bộ tam tạng kinh điển (kinh, luật, luận), Phật giáo phân thành hai hệ phái Đại thừa và Tiểu thừa (Nguyên thủy hay Nam tông). Từ thế kỷ thứ III, dưới vương triều Gúpta (240-550), Bàlamôn giáo được đề cao, Phật giáo bắt đầu suy giảm. Đến giữa thế kỷ thứ VII, Bàlamôn được cải cách thành Hindu giáo và sự xâm lược của Islam giáo vào Ấn Độ, Phật giáo càng suy vi ở Ấn Độ vào thế kỷ XIV, đến thế kỷ XIX, mới được khôi phục lại. Mặc dù suy vi ở Ấn Độ, nhưng Phật giáo lại phát triển mạnh ở các nước châu Á.
Từ thời đức Phật còn tại thế, Phật giáo đã phát triển ra nhiều khu vực của Ấn Độ cổ đại, nhất là vùng Bắc Ấn và Nêpan (quê hương của Đức Phật Thích ca). Phật giáo phát triển mạnh nhất ở Ấn Độ dưới thời vua Asoka (A Dục) vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Phật giáo trở thành quốc đạo và vua A Dục lập 9 giáo đoàn cử ra nước ngoài truyền giáo, như Tân Cương, Trung Quốc; Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Khi truyền ra bên ngoài Ấn Độ, Phật giáo phân thành hai phái Đại Thừa và Nguyên thủy (Theravada), hình thành hai khu vực Phật giáo: Phật giáo Nguyên thủy thành công ở các nước phía Nam gọi là Phật giáo Nam Truyền hay Phật giáo Nam tông. Phật giáo Đại Thừa thành công ở các nước phía Bắc gọi là Phật giáo Bắc tông hay Bắc truyền. Phật giáo Nam tông ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Phật giáo Bắc tông ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Phật giáo dù chia thành nhiều hệ phái, nhiều con đường tu tập (tam thừa: đại thừa, tiểu thừa, kim cương thừa), song giáo lý Phật giáo đều quy về một mối (nhất thừa) theo nguyên lý về sự giải thoát mà đức Phật Thích ca đã nói “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nguyên lý (phật pháp) ấy là bất biến, chỉ có phương tiện (duyên), cách thức, hình thức thể hiện, con đường mới biến đổi (tùy duyên), khác nhau mà thôi. Giáo lý Phật giáo chứa đựng trong kinh sách (Tam tạng kinh điển: Kinh - Luật - Luận), bàn về thế giới quan và nhân sinh quan, thể hiện qua các lý thuyết chính của Phật giáo như vô thường, duyên khởi (nhân duyên), sắc không, vô ngã, luân hồi, nhân quả, nghiệp báo, thập nhị nhân duyên, tứ diệu đế, giải thoát, niết bàn,... Giáo lý Phật giáo cho rằng, thế giới là thế giới vật chất, không ngừng chuyển động và biến đổi, không có khởi đầu, không có kết thúc. Sự biến đổi của thế giới, sự sinh diệt của vạn pháp (hiện tượng, sự vật), không phải phép màu của đấng siêu nhiên tạo ra, mà là tự nó (tự kỷ nhân quả), luôn sinh diệt, mất còn nhưng bản thể bất biến, không sinh không diệt. Vạn pháp trong vũ trụ không đứng yên mà luôn luôn chuyển động, biến đổi (vô thường), theo quy luật (chu trình) đối với sự vật (pháp vô tình) là thành-trụ-hoại-không; đối với sinh vật (các pháp hữu tình), là sinh-trụ-dị-diệt; đối với con người đó là sinh- lão-bệnh-tử. Sự vật, hiện tượng mà con người nhận biết qua hình tượng, thân sắc chỉ là giả tạm, không có thực tướng, nói cách khác, đối với con người, thế giới khách quan là hư ảnh, không có thực.
Giáo lý Phật giáo cho rằng, con người không phải do Thượng đế hay Đấng thiêng liêng nào sinh ra, mà con người cũng là một pháp trong thế giới vạn pháp. Con người được tạo thành bởi 5 pháp đặc biệt (ngũ uẩn): sắc, thụ, tưởng, hành, thức hợp lại mà thành, tan ra là mất, nên cái ta (ngã) cũng là giả tướng, không có thật theo thuyết “vô ngã”. Thuyết tứ diệu đế của Phật giáo cho rằng, cuộc đời con người là khổ vì mang thân “ngũ uẩn”, “thập kết sử”, “thập nhị nhân duyên”, trong đó có ba điều quan trọng là tham lam, giận dữ, si mê (tam độc), suy cho cùng là do vô minh (không hiểu biết). Do vô minh nên có hoạt động tạo nghiệp, có hoạt động tạo nghiệp nên con người phải chịu kiếp luân hồi đau khổ mãi mãi trong vòng sinh tử. Con người ở kiếp này là kết quả của con người ở kiếp trước, là hiện thân của con người ở kiếp sau. Ai tu hành thoát được những ràng buộc trần thế, thoát được tham, sân, si, có trí tuệ để diệt trừ vô minh sẽ được giải thoát không còn luân hồi sinh tử và đến được (cảnh giới) Niết bàn. Muốn vậy phải thực hành bát chính đạo, thập thiện, đặc biệt phải thực hiện tam học: giới (giữ giới), định (kiên định), tuệ (trí tuệ bừng sáng) mới giải thoát, đạt tới cõi Niết bàn (chân như).
Trong quá trình phát triển, Phật giáo chia thành Bắc tông, Nam tông, rồi từ hai phái Bắc tông, Nam tông lại phân thành nhiều sơn môn, tông phái và tiếp thu những yếu tố của văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán ở nơi Phật giáo truyền đến nên giữa các tông phái, các địa phương, khu vực có sự khác nhau nhất định về nghi lễ và sự thờ phụng. Một số phái như Mật tông (chân ngôn tông) thần thánh hóa cả Phật lẫn người xuất gia tu hành và thực hiện các nghi lễ mang tính ma thuật, thần bí.
Do đặc điểm của phương thức hành đạo, cùng với quá trình phát triển, Phật giáo chia thành nhiều sơn môn, hệ phái. Sau khi Đức Phật Thích Ca tạ thế, do những bất đồng về nghi lễ, nội bộ Phật giáo chia thành hai phái: Thượng tọa bộ và đại chúng bộ. Thượng tọa Trưởng lão bộ chủ trương giữ nguyên tam tạng kinh điển nguyên thủy như thời Đức Phật còn tại thế còn phái Đại chúng bộ theo xu hướng cải cách. Phái Phật giáo đại chúng bộ chủ yếu truyền lên phương Bắc ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, ở các quốc gia Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Bắc Việt Nam; phái Phật giáo Thượng tọa bộ chủ yếu truyền xuống phương Nam ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, ở các quốc gia như Sri Lanka, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nam Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á hải đạo.
Đối với các xã hội phương Đông, Phật giáo trở thành tôn giáo truyền thống có lịch sử lâu đời và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội. Từ đầu thời cận đại, nhất là vào thế kỷ XIX, đa số các nước châu Á bị chủ nghĩa thực dân xâm lược, nô dịch, mất chủ quyền và trở thành các nước thuộc địa nửa phong kiến ở những mức độ khác nhau. Cũng như các tôn giáo truyền thống phương Đông, Phật giáo đứng trước cơ hội và thách thức nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo từ Sri Lanka lan sang Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Phong trào chấn hưng đã đưa đến những nét mới cho Phật giáo trên các phương diện: truyền giáo, phát triển đạo; hình thành tổ chức chung cho các sơn môn, hệ phái, các vùng miền hay quốc gia và quốc tế; đào tạo tăng tài theo lối hiện đại (lập trường, lớp); đổi mới nghi lễ, hình thức sinh hoạt tôn giáo và nhập thế tham gia hoạt động xã hội. Nhờ phong trào này, các trường đào tạo, các tạp chí, các hội tập hợp thanh niên Phật tử ra đời và các tổ chức thống nhất Phật giáo ở từng quốc gia cũng như trên thế giới bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.
Trước thế kỷ XX, tổ chức Phật giáo gồm các sơn môn, tổ đình (theo hệ phái: Bắc tông, Nam tông; theo tông phái: Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, v.v..). Từ đầu thế kỷ XX, các tổ chức Phật giáo được thành lập ở nhiều quốc gia, như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào, Việt Nam. Năm 1950, Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới được thành lập ở Colombo, Sri Lanka. Đây là một hiệp hội của Phật giáo của các quốc gia và vùng lãnh thổ, chứ không phải là tổ chức giáo hội tối cao lãnh đạo Phật giáo trên toàn thế giới. Năm 1970, tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình được thành lập gồm các nước Mông Cổ, Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam, mục đích đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh, chống chạy đua vũ trang,… Tuy nhiên, tổ chức này đã tan rã sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ.
Trong sinh hoạt tôn giáo, nổi bật là đại lễ Vasak (lễ tam hợp kỷ niệm ngày Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn) được Liên hợp quốc thừa nhận (1999) và tổ chức hàng năm để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật. Đến năm 2021, đã qua 20 kỳ đại hội, Việt Nam đăng cai tổ chức 3 kỳ, tại Hà Nội 2008; tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình (2014) và tại chùa Tam Chúc, Hà Nam (2019).
Về dân số học Phật giáo, theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, trong 120 năm (1900-2020), dân số Phật giáo đã tăng trên 3 lần, nhưng còn thấp so với dân số thế giới và các tôn giáo khác. Năm 1900, dân số Phật giáo có 127 triệu tín đồ, chiếm 7,83% dân số thế giới. Tín đồ Phật giáo tăng lên gần gấp 2 lần, với 235 triệu tín đồ vào năm 1970, nhưng chỉ chiếm 6,34% dân số trên thế giới. Đến năm 2000, tín đồ Phật giáo có 470 triệu người(69), chiếm 7,36% dân số thế giới, tăng gần gấp 2 lần so với năm 1970. Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, dân số Phật giáo gia tăng không đáng kể. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2010 dân số Phật giáo có 487,76 triệu người, chiếm 7,07% dân số trên thế giới. Đến năm 2020, dân số Phật giáo trên 507 triệu người(70), chiếm 6,79% dân số thế giới, đứng thứ 5 sau Islam giáo, Công giáo, Ấn Độ giáo và đạo Tin lành(71). Dân số Phật giáo có xu hướng giảm, vì tuổi bình quân của tín đồ Phật giáo cao nhất (36 tuổi), trong khi tỷ lệ sinh đẻ thấp nên dự kiến đến năm 2050 giảm còn khoảng 486 triệu người, chiếm 5% dân số thế giới(72).
(69) Centrer for the Study of Global Christianity, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050, https://gordonconwell.edu > sites > 2021/01 > Stat.
(70) Buddhist Countries 2021 - World Population Review, https:// worldpopulationreview.com > country-ranking, truy cập ngày 30/6/2021.
(71) Buddhism by country, From Wikipedia và Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050, https://gordonconwell.edu > sites >2021/01> Stat.
(72) Pew Research Centrer, The Future of World Religions: Population Growth Projections, 2010-2050, Why Muslims Are Rising Fastest and the Unaffiliated Are Shrinking as a Share of the World’s Population, Numbers, facts and trends shaping the world, for release April 2, 2015, p.10.
Phật giáo trên thế giới hiện nay có 3 hệ phái: Phật giáo Bắc tông (Phật giáo Đại thừa), chủ yếu ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên; Phật giáo Nam tông (Phật giáo nguyên thủy Theravada) ở các nước Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Nam Bộ Việt Nam và Mật tông Tây Tạng (Kim Cương thừa) ở Tây Tạng (Trung Quốc), Nga, Mông Cổ. Theo tác giả Peter Harvey, năm 2013, Phật giáo trên thế giới có 528,2 triệu tín đồ, trong đó Phật giáo phương Đông (Đại thừa hay Bắc tông) có 360 triệu tín đồ; Phật giáo phương Nam (Nam Tông hay Phật giáo nguyên thủy Theravada) có 150 triệu tín đồ; và Phật giáo phương Bắc (Kim Cương Thừa hay Phật giáo Tây Tạng) có 18,2 triệu tín đồ; bảy triệu tín đồ Phật giáo đến từ các nước bên ngoài châu Á(73).
(73) Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
Phật giáo hiện có tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 99% tín đồ Phật giáo sống ở các nước châu Á, tập trung ở 2 khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, 10 quốc gia chiếm 94,5% dân số Phật giáo trên thế giới: Trung Quốc 244 triệu tín đồ, Thái Lan 64,4 triệu, Myanmar 48,4 triệu, Nhật Bản 45,8 triệu, Việt Nam 15,6 triệu, Sri Lanka 14,5 triệu, Campuchia 13,7 triệu, Ấn Độ 11 triệu, Hàn Quốc 11 triệu, Malaysia 5,6 triệu tín đồ(74). Trung Quốc có số lượng tín đồ nhiều nhất trên thế giới, chiếm hơn 1/2 tín đồ Phật giáo, 18% dân số nước này, trong khi đó chỉ có 1% người Ấn Độ, 10% người Nepal theo Phật giáo(75). Các nước có số lượng tín đồ Phật giáo chiếm tỷ lệ cao trong dân số như, Thái Lan, Myanmar, Bhutan, Sri Lanka, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam. Ở một số quốc gia châu Á, Phật giáo vẫn được xem là quốc đạo như Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Nêpan. Phật giáo đang phát triển sang các nước phương Tây, như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc. Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tư tưởng triết học, tu luyện Yoga, phép dưỡng sinh, thiền định của Phật giáo đang ảnh hưởng nhất định đến xã hội phương Tây hiện đại.
(74) Xem Buddhist Countries 2021 - World Population Review, https:// worldpopulationreview.com > country-ranking, truy cập ngày 30/6/2021.
(75) Kelsey Jostarr, 5 facts about Buddhists around the world, Pew Research Center, 5/4/2019, www.pewresearch.org >
3.5. Các tôn giáo khác
Đạo Do Thái là tôn giáo độc thần có sớm nhất trong lịch sử nhân loại qua giao ước giữa ông Abraham với Thiên Chúa (Êlôhim). Theo đó, người Do Thái thờ một Thiên Chúa Elohim duy nhất, đổi lại Thiên Chúa chọn người Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa, sẽ ban phúc cho họ. Theo Kinh thánh, khoảng năm 1250 trước công nguyên, Moses cải cách lại tôn giáo của người Do Thái, lập Mười điều răn của Thiên Chúa, đổi Thiên Chúa Êlôhim thành Thiên Chúa Jehova, cấm thờ ngẫu tượng, lập hàng tư tế và truyền lập đền thờ Thiên Chúa. Vào thế kỷ X-IX trước công nguyên, dưới thời vua Đavid và vua Solomon, đạo Do Thái được củng cố trở thành nền tảng tư tưởng, xã hội của nhà nước Do Thái thống nhất. Sau khi vua Salomon qua đời (năm 930 TCN)), do mâu thuẫn nội bộ, quốc gia Do Thái bị chia rẽ, rồi lần lượt bị các quốc gia khác xâm lược. Sau cuộc lưu đày tại Babilon (587-538), đạo Do Thái trở thành nền tảng tư tưởng, tôn giáo để tập hợp, đoàn kết người Do Thái và củng cố tinh thần dân tộc của người Do Thái. Sau biến cố năm 70 bị người La Mã phá hủy đền thờ, quốc gia tan rã, đạo Do Thái theo người Do Thái lưu vong di cư khắp nơi trên thế giới.
Giáo lý Do Thái giáo chứa đựng trong kinh thánh Torah (cả thành văn và truyền khẩu). Kinh Torah (Ngũ kinh trong Kinh thánh: Sáng thế ký, Xuất hành, Lêvi, dân số và Đệ nhị luật), là bộ sách viết về Thiên Chúa, về sự tạo dựng vũ trụ, vạn vật và con người của Thiên Chúa; về sự sa ngã của con người dẫn đến tội lỗi; về các vua của dân Do Thái; về đời sống tín ngưỡng; các nghi lễ thờ phụng Thiên Chúa của dân Do Thái; về Thập giới (Mười điều răn) và về nhà tiên tri Moses... Giáo lý Do Thái giáo bao gồm hệ thống tín điều, niềm tin tôn vào một Thiên Chúa duy nhất; tin vào giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ của người Do Thái; tin vào Thiên Chúa (Êlohim, Jehova) duy nhất, vô hình, sáng tạo nên vũ trụ, muôn vật, con người, biết tất cả và điều khiển tất cả; tin Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho người tốt lành, trừng phạt những kẻ xấu, kẻ bội tín, bất trung; tin Moses là tiên tri vĩ đại nhất trong các tiên tri; tin Kinh Torah cả thành văn và truyền khẩu đều là Thánh kinh - Lời của Thiên Chúa đã mạc khải (linh ứng) cho Moses truyền lại cho người Do Thái; tin rằng Chúa Cứu thế (Đấng Mêsia) sẽ đến để cứu giúp người Do Thái và nhân loại; tin con người sẽ sống lại (phục sinh). Tư tưởng thần học nhất thần giáo về một Thiên Chúa cứu thế và giao ước của đạo Do Thái là sự khởi đầu cho dòng tôn giáo về sự cứu rỗi, có truyền thống độc thần, tin vào Chúa Cứu thế như Kitô giáo, Islam giáo. Nó cũng giống như Bàlamôn giáo là khởi nguồn của dòng tôn giáo về sự giải thoát, như Phật giáo, Giana giáo, Ấn Độ giáo vậy.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, trong 120 năm (1900-2020), dân số Do Thái giáo phát triển rất chậm. Đầu thế kỷ XX, dân số Do Thái giáo có 11,7 triệu người, tăng lên tới 17 triệu người (năm 1939), nhưng sau các vụ phát xít Đức thảm sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai, dân số đạo Do Thái có 13,9 triệu người (năm 1970), giảm xuống còn 12,8 triệu (năm 2000). Đến năm 2020, dân số Do Thái giáo chỉ có 14,96 triệu người, do tỷ lệ sinh thấp. Theo dự báo, dân số đạo Do Thái sẽ đạt 17 triệu người, chiếm 0,17% dân số vào năm 2050(76). Tín đồ Do Thái giáo hiện có ở 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm 25 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, với 7,28 triệu người, 85%; ở Israel với 6,2 triệu, chiếm 40% dân số Do Thái giáo trên thế giới; Hoa Kỳ với 5,7 triệu người, chiếm 36% dân số Do Thái giáo.
(76) Centrer for the Study of Global Christianity, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050, https://gordonconwell.edu sites > 2021/01 > Stat và Pew Research Centrer, Religious Composition by country, 2010-2050, http://www.pewf0rum.org2015/4/2/religiousprojection-table.
Đạo Sikh ra đời tại Penjan (Ấn Độ) vào thế kỷ XVI, trong phong trào đấu tranh chống chế độ phong kiến và sự suy tàn của đế quốc Mugol. Người sáng lập ra đạo Sikh là Nanac Đép (Nanak Dev) (1469-1538). Ông chủ trương bình đẳng trước thượng đế, xóa bỏ chế độ đẳng cấp, hòa giải giữa Ấn Độ giáo và Islam giáo. Năm 1761, những người theo đạo Sikh thành lập quốc gia độc lập tại Penjap. Giáo lý của Sikh dựa trên tư tưởng giáo lý của đạo Hindu và Islam giáo, tin vào một vị thần tối cao duy nhất, chống lại việc thờ các tượng thần (ngẫu tượng). Họ phản đối sự cuồng tín của đạo Hindu và Islam giáo, không hành hương đến các con sông như đạo Hindu. Kinh thánh của đạo Sikh là bộ Gran Sahep, gồm tác phẩm của 10 giáo sĩ đạo Sikh cùng kinh của đạo Hindu và Islam giáo. Từ thế kỷ thứ XVII, giáo sĩ Gôbin Xinh quy định 5 đặc điểm của tín đồ đạo Sikh là: không cắt tóc, không cạo râu, luôn mang theo lược chải đầu bằng gỗ hoặc bằng ngà; mặc quần ngắn; đeo vòng tay bằng sắt và mang kiếm ngắn hoặc dao găm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, đầu thế kỷ XX, đạo Sikh có gần 3 triệu tín đồ, chiếm 0,18% dân số thế giới. Đến năm 1970, dân số đạo Sikh tăng lên 10,6 triệu người, đạt 20 triệu người vào năm 2000. Đến năm 2020, dân số đạo Sikh gần 23 triệu người, chiếm 0,28% dân số thế giới. Theo dự báo, dân số đạo Sikh sẽ đạt 34,7 triệu người, chiếm 0,35% dân số thế giới vào năm 2050(77).
(77) Centrer for the Study of Global Christianity, Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050, https://gordonconwell.edu > sites >2021/01 > Stat.
Ngoài các tôn giáo trên, còn có các tôn giáo khác, tôn giáo truyền thống như đạo Baha’i, Đạo giáo của Trung Quốc, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tôn giáo bản địa châu Phi, châu Mỹ cũng đang có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
4. Hiện tượng tôn giáo mới
Sự chuyển biến rõ nét nhất của đời sống tôn giáo trong thế giới hiện đại là sự ra đời và phát triển các hiện tượng tôn giáo mới. Trào lưu tôn giáo mới xuất hiện trên thế giới trong hai giai đoạn trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai với tính chất, đặc điểm khác nhau. Các nhà nghiên cứu gọi các tôn giáo xuất hiện trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai là tôn giáo hay tôn giáo mới (so với tôn giáo truyền thống có lịch sử lâu đời: Phật giáo, Kitô giáo, Islam, Do Thái giáo, Hồi giáo, Hindu giáo,…), bởi nó hội đủ các yếu tố cấu thành của một tôn giáo (có giáo chủ, giáo lý, giáo lễ, tổ chức) rõ nét và hoạt động ổn định; còn các loại tôn giáo xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay là hiện tượng tôn giáo mới, bởi các yếu tố cấu thành của một tôn giáo có nhưng mờ nhạt, chưa định hình rõ nét và thiếu tính ổn định “sớm nở, tối tàn”.
Từ đầu thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XX, trong phong trào “thức tỉnh tôn giáo” ở Mỹ đã xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới tách khỏi đạo Tin lành truyền thống, khởi đầu là phong trào Ngũ Tuần. Các tôn giáo mới cũng xuất hiện ở nhiều nước như Iran, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam theo hướng giản lược hay tích hợp giáo lý. Các tôn giáo ra đời trong giai đoạn này vẫn theo quy luật phát triển nội tại của tôn giáo, ở phương Tây cơ bản dựa vào Kitô giáo, như các hệ phái như Ngũ tuần, Cơ đốc Phục lâm, Chứng nhân Giêhôva, Mormon tách ra từ đạo Tin lành, nhưng không tuân thủ những nguyên tắc đức tin của Tin lành truyền thống; đạo Baha’i từ Islam giáo và Kitô giáo, có xu hướng tổng hợp tất cả các tôn giáo. Ở phương Đông, các tôn giáo mới ra đời lại dựa trên cơ sở tôn giáo chủ lưu hoặc có xu hướng tích hợp, dung nạp giáo lý, lễ nghi của nhiều tôn giáo khác. Ở Nhật Bản, giáo phái Soka Gakkai (Sáng giá hội học) dựa trên cơ sở Phật giáo và Thần đạo. Ở Trung Quốc, Nhất quán đạo dựa trên cơ sở Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Kitô giáo, Islam giáo. Ở Việt Nam, đạo Bửu sơn Kỳ hương, Tứ ân Hiếu nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà lơn, Phật giáo Hòa Hảo, dựa trên cơ sở Phật giáo, tín ngưỡng truyền thống; đạo Cao Đài là sự dung hợp giữa Nho, Phật, Đạo với Minh sư đạo, Thông linh học và Kitô giáo. Học giả Nguyễn Duy Hinh đã chỉ ra 3 đặc điểm của các tôn giáo mới xuất hiện trước chiến tranh thế giới thứ hai, một là, đề cao một Giáo tổ, người sáng lập ra tôn giáo mới đó là linh lang, là “Thần linh phụ thể”; hai là, giáo lý hỗn dung nhiều tín ngưỡng, nhưng đơn giản; ba là, chú trọng lợi ích hiện thế và các vấn đề xã hội, không đuổi theo thế giới bên kia sau cái chết, mà nhấn mạnh giá trị hiện thế, chủ trương thực hiện “Thiên đường trần gian” (Thiên đường trên mặt đất)(78). Các học giả phương Tây sử dụng các thuật ngữ như “giáo phái”, “bộ phái”, “nhóm phái”, “tôn giáo bên lề” hoặc “nhóm tôn giáo thiểu số”; còn ở phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga thường dùng các thuận ngữ: “tôn giáo phi truyền thống”, “tôn giáo đương đại”, “tôn giáo dung hợp”, “tôn giáo mới” để chỉ các tôn giáo mới xuất hiện ở giai đoạn này.
(78) Nguyễn Duy Hinh, Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.470-471.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhất là từ thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện có tính chất “bùng nổ”, một số hiện tượng đã có từ giai đoạn trước, bị lụi tàn rồi được khôi phục lại. Các hiện tượng tôn giáo mới này mang tính chất, đặc trưng và biểu hiện hoàn toàn khác, dường như vượt ra ngoài quy luật phát triển nội tại của tôn giáo thường thấy. Hình thức biểu hiện, tính chất và phương thức hoạt động của chúng có nhiều điểm khác biệt dẫn đến tình trạng nhiều người lúng túng, không xác định được nó là gì cả. Họ thường dùng các thuật ngữ, như “tôn giáo lạ”, “nhóm tôn giáo nguy hiểm” “phong trào Thời đại mới”, “tôn giáo bồng bềnh”, “phong trào tôn giáo mới”, “tôn giáo mới”, “hiện tượng tôn giáo mới”, “tôn giáo hỗn tạp”, “tà giáo”, “đạo lạ”, “tạp giáo”,... để chỉ các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trong giai đoạn này(79).
(79) Nguyễn Phú Lợi, “Nhận diện hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 6 (7), 2015, tr.23-24.
Thời điểm xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới trong xã hội hiện đại, các nhà nghiên cứu coi phong trào Thời đại mới (New Age), xuất hiện ở Mỹ năm 1967-1968 rồi truyền bá qua châu Âu vào những năm 1970 là sự khởi đầu cho hiện tượng tôn giáo mới(80). Từ Mỹ, hiện tượng tôn giáo mới như “nấm mọc sau mưa”, phát triển ồ ạt sang hàng loạt các nước, như Pháp, Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, trở thành một phong trào mang tính quốc tế, thu hút hàng triệu người tham gia. Năm 1970, trên thế giới có trên 76,43 triệu người tin theo hiện tượng tôn giáo mới, riêng ở Mỹ có 1.700 hiện tượng tôn giáo mới, 1,4 triệu tín đồ (1993)(81). Hiện tượng tôn giáo mới hết sức đa dạng và “phát triển rất mạnh, tràn lan khắp thế giới, đến mức có người gọi đó là “cơn sốt các giáo phái”, nhất là ở Mỹ. Trong đó có các giáo phái lớn, như Ngôi đền Nhân dân (do Jim John thành lập năm 1955 ở bang California); Giáo phái Đavid (1955), Phong trào Thời đại mới, Sứ mệnh ánh sáng thần thánh, Giáo hội thống nhất, Phong trào sứ mệnh hòa bình của Chúa Cha thiêng liêng, Giáo hội phái khoa học, Những đứa con của Chúa, Phong trào tôn giáo vật thể lạ... Ở châu Âu có Ngôi đền Mặt trời (lập năm 1984), ở Thụy Sỹ, Pháp. Ở Đông Âu, hiện tượng tôn giáo phát triển mạnh mẽ sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đông Đức là nước đầu tiên ở Đông Âu tiếp nhận hiện tượng tôn giáo mới, gọi là “Guru đang đến”, ý chỉ sự thay thế lãnh đạo cộng sản; ở Nga, Ukraina có Anh em những người da trắng (1990). Tại Mỹ - Latinh, năm 1990 có 200 giáo phái đang hoạt động(82). Ở Đài Loan có Thanh Hải Vô thượng sư do Đặng Thị Trinh (người Quảng Ngãi) sáng lập. Ở Hàn Quốc có nhiều hiện tượng tôn giáo mới, nổi bật nhất giáo phái Moon do Sun Myung Moon sáng lập. Năm 1999, ở Philippines có hàng trăm tổ chức tôn giáo mới. Ở Trung Quốc có Hô hám phái (1962), Toàn phạm vi giáo hội (năm 1984), Linh Linh phái (1983), Môn đồ hội (1989), Pháp luân công (1982), Toàn năng Thần giáo và hàng trăm hiện tượng tôn giáo mới. Tại Việt Nam, từ năm 1980 đến năm 2001, xuất hiện 60 tên gọi của trên 50 hiện tượng tôn giáo mới(83).
(80) Đỗ Quang Hưng, “Hiện tượng tôn giáo mới” mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 5/2001, tr.5.
(81) Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb Tôn giáo Hà Nội 2009, tr.364.
(82) Võ Minh Tuấn, Những hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam, trong sách: Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Sđd, tr.440.
(83) Đỗ Quang Hưng, “Hiện tượng tôn giáo mới-Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tlđd, tr.5.
Năm 2000, trên thế giới có trên 20.000 tổ chức tôn giáo mới, số tín đồ hơn 130 triệu người(84); riêng Mỹ có tới 3.000 giáo phái; châu Âu có 13.000 giáo phái, ở Pháp hơn 300, ở Đức trên 500, ở Anh có từ 900 đến 2.000 giáo phái nhỏ(85); ở Nga trên 10 ngàn giáo phái; ở Nhật Bản hơn 1.000 giáo phái khác nhau(86). Đặc điểm chung của các hiện tượng tôn giáo mới thường mang tính toàn cầu kể từ khi xuất hiện. Ví như giáo phái Người ngoài địa cầu Elôhim, xuất hiện tại Pháp năm 1974, nhanh chóng phát triển sang các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Hy Lạp, Triều Tiên, Canada, đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, số người theo giáo phái này đã lên tới 20.000 người. Một số hiện tượng có chi nhánh ở nhiều nước, được chỉ đạo sát sao, người theo tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa. Hiện tượng tôn giáo mới không chỉ thu hút tín đồ của các tôn giáo khác mà còn lôi kéo được nhiều thành phần xã hội, kể cả tầng lớp trung lưu, thượng lưu, giới trí thức, văn nghệ sỹ tham gia.
(84) Trác Tân Bình, “Toàn cầu hóa với tôn giáo đương đại”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 8/2010, tr.10.
(85) Eileen Barker, "Tổng quan về bức tranh giáo phái ở Anh quốc", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9/2007, tr.61
(86) Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.207-208.
Từ đầu thế kỷ XXI, hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới có xu hướng chững lại, suy giảm, không còn phát triển sôi động, ồn ào như các thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Ở các nước phương Tây, các hiện tượng tôn giáo mới đã lắng xuống, mất dần ảnh hưởng và tan rã. Số người tin theo hiện tượng tôn giáo mới từ 76 triệu người vào năm 1970, tăng lên tới 108 triệu, chiếm 2,20% dân số thế giới vào năm 1986 và đạt đến đỉnh cao với 138 triệu vào năm 2000(87). Nhưng nó đã giảm mạnh, xuống còn 65 triệu người, chiếm 0,84% dân số thế giới vào năm 2020(88). Nhiều hiện tượng đã tan rã, biến mất sau một thời gian ngắn xuất hiện, cũng có một số thay đổi để thích ứng với xã hội hiện đại như phong trào Thời đại mới (New Age) hay trào lưu sinh hoạt tôn giáo tập thể mang tính biểu diễn nghệ thuật, giải trí kiểu Megachurch (đại giáo đoàn) của các hệ phái Tin lành (Khánh cách) ở các nước phương Tây và Hàn Quốc hiện nay. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu, số người theo hiện tượng tôn giáo mới sẽ giảm xuống còn khoảng 61 triệu người vào năm 2050(89).
(87) M. Clevenot (chủ biên), World Christian Encyclopedia, Paris, 1987, dân theo Đặng Nghiêm Vạn: Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.149.
(88) Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050 https://www.gordonconwell.edu > sites > 2020/12.
(89) Status of Global Christianity, 2021, in the Context of 1900 - 2050 https://www.gordonconwell.edu > sites > 2020/12, ngày truy cập 22/10/2021.
Lý giải về nguyên nhân ra đời của hiện tượng tôn giáo mới, học giả Đặng Nghiêm Vạn cho rằng: “Xuất hiện trong đời sống tôn giáo, con đẻ của thời kỳ bắt đầu của sự chuyển tiếp sang xã hội hậu công nghiệp mang tính toàn cầu hóa, là sự ra đời của những hiện tượng tôn giáo mới, những giáo phái, những phong trào tôn giáo mới, những tôn giáo bồng bềnh mà tên gọi chưa xác định rõ… Nó trở thành một phong trào mang tính toàn cầu rộ lên vào những thập kỷ 70, đúng vào thời kỳ khủng hoảng của cả ý thức hệ tư bản chủ nghĩa,... đúng vào lúc báo hiệu sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu”(90). Hiện tượng tôn giáo mới ra đời vào thời kỳ các tôn giáo thể chế truyền thống suy giảm do tổ chức gò bó, khắt khe, nội dung cứng nhắc, nghi thức rườm rà, thiết chế lỗi thời không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Hiện tượng tôn giáo mới có ưu thế là sự đơn giản, gọn nhẹ theo kiểu “tôn giáo xách tay”, “tôn giáo bỏ túi”, tổ chức, lễ nghi đơn giản, lối sống đạo linh hoạt vừa mang tính nghệ thuật, giải trí, khiến cho nó thích hợp với lối sống hiện đại, ưu tiên sự gọn nhẹ, tiện dụng và tính di động.
(90) Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.206.
Nguồn gốc hình thành của hiện tượng tôn giáo mới rất đa dạng. Một số xuất phát từ tôn giáo truyền thống (Kitô giáo, Phật giáo, Islam giáo), nhưng đã cải sửa giáo lý, cách thức hành đạo theo ý riêng, hay chỉ lựa chọn một điểm nào đó trong giáo lý, theo kiểu cái “ô tâm linh”, giống như Long Hoa Di Lặc. Một số lựa vào một tôn giáo có sẵn hoặc dựa vào tín ngưỡng truyền thống, nhưng vay mượn, pha trộn yếu tố của các tôn giáo khác. Một số hiện tượng là sự tổng hợp, pha tạp giữa giáo thuyết của tôn giáo Đông Tây với yếu tố thần bí, ma thuật và khoa học hiện đại, như phong trào Thời đại mới (New age). Một số hiện tượng tôn giáo mới hình thành từ những hoạt động như rèn luyện thân thể, tu dưỡng bản thân, muốn hưởng lạc dưới trần gian (sống trác táng, loạn luân, phản ứng lại phong tục, luật pháp, đạo đức). Một số hiện tượng theo hướng ép xác, luyện yoga, dưỡng sinh, thiền định, kiêng cữ, tìm đến sự giác ngộ tự thân, giao tiếp với thế giới bên kia hay ngoài hành tinh. Một số khác lại dùng khoa học để lý giải một vấn đề siêu hình; phong trào thần giao cách cảm, thấu thị, thông linh học, chữa bệnh không dùng thuốc, dẫn đến mê tín, phủ nhận y học hiện đại, khoa học chân chính, tầm thường hóa hoặc lắp ghép những triết lý cao siêu, có hiện tượng hoạt động chính trị bị các thế lực bên ngoài hậu thuẫn, lợi dụng như Pháp Luân công ở Trung Quốc.
Tính chất, biểu hiện của các hiện tượng tôn giáo mới rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ, phức tạp. Có giáo phái được hình thành với hàng triệu, chục triệu tín đồ, không chỉ trong phạm vi một quốc gia. Phong trào Thời đại mới (New Age) xuất hiện ở Mỹ đã nhanh chóng lan rộng trong các nước theo Kitô giáo. Giáo phái Soka Gakkai ở Nhật Bản, có trên 10 triệu tín đồ, tài sản hàng triệu đô la, chi nhánh ở khắp thế giới, là lực lượng trong chính trường Nhật Bản. Giáo phái Moon do Sun Myung Moon ở Hàn Quốc, dựa trên đạo Tin lành với trên 8 triệu tín đồ. Thanh Hải vô thượng sư, Hội thánh của Đức Chúa trời, Tân Thiên địa, truyền bá ra nhiều nơi trên thế giới với hàng triệu tín đồ,… Một số hiện tượng tôn giáo mới cực đoan, vin vào yếu tố thường thấy trong các tôn giáo tuyên truyền về ngày tận thế, thực hành lối sống cực đoan, phủ nhận trần gian, chống lại xã hội, muốn xóa bỏ thế giới hiện hữu, sống khép kín, trác táng, loạn luân, kỳ quặc, “sống gấp” hoặc gây ra vụ tự tử tập thể làm hàng trăm người chết. Điển hình như vụ giáo phái “Ngôi đền nhân dân” của Jim Jone gây ra vụ tự sát tập thể ở Guyana, năm 1978, khiến 918 người chết (có 1/3 là trẻ em); giáo phái do David Khoresh lập gây vụ tự sát tập thể làm 30 chết năm 1993 ở bang Texas (Mỹ); giáo phái “Đền mặt trời” ở bang California gây ra vụ tự sát tập thể làm 39 người đều có trình độ đại học trở lên chết; giáo phái Aum Shinrikyo (Chân lý Tối thượng) ở Nhật Bản, do giáo chủ Aym Shinri Kyo do Shoko Ashara gây ra vụ đầu độc chất độc Surin tại 5 ga tàu điện ngầm ở thủ đô Tokio Nhật Bản (1995); phái Cổng Thiên đường ở Mỹ (1970), phái Đội quân của Chúa tuyên bố chém giết bất kỳ ai nếu được chúa Giêsu báo mộng; giáo phái đa thê do Warrent Jeffs cầm đầu ở Mỹ, lạm dụng tình dục hàng ngàn trẻ em nam, nữ. Ước tính có 200 trên tổng số 20 ngàn hiện tượng tôn giáo mới thuộc loại “cực đoan, kỳ quái, tuyên truyền và thực hành những nghi lễ phi nhân tính, phản văn hóa, suy đồi về đạo đức”(91).
(91) Ban Dân vận Trung ương, Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2007, tr.17.
Hiện tượng tôn giáo mới đặt ra những thách thức về mặt pháp lý và an ninh xã hội đối với nhiều quốc gia. Các nước có cách ứng xử đối với hiện tượng tôn giáo mới khác nhau, Trung Quốc kiên quyết đấu tranh dẹp bỏ Pháp luân công do Lý Hồng Chí cầm đầu, lôi kéo kích động dân chúng biểu tình chống chính quyền (1999). Chính phủ Nga thành lập trung tâm thông tin nghiên cứu và ngân hàng dữ liệu về các hiện tượng tôn giáo; theo dõi, giám sát; phòng ngừa các hoạt động phi pháp liên quan đến lạm dụng tài chính. Các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan ra luật chống giáo phái cực đoan. Ở Nhật Bản, sau khi giáo phái Aum sử dụng chất độc Sarin đầu độc tại 5 ga tàu điện ngầm ở Tokyo, làm 13 người chết và 5.500 người bị nhiễm độc, Chính phủ tiến hành bắt giữ, xử phạt những kẻ cầm đầu. Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật Pháp nhân tôn giáo sửa đổi (1995), tăng cường giám sát và yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải công khai về tài chính. Mỹ không ngăn cản hay chống lại hiện tượng tôn giáo mới, cho rằng tâm linh là cái đảm bảo cho văn minh và cuộc đấu tranh cho “tâm linh trên thế giới” là một bộ phận của các “giá trị Mỹ”. Mỹ phê phán, coi một số nước châu Âu cản trở tự do tôn giáo vì ra luật chống giáo phái. Các nước Anh, Đức không có đạo luật chống giáo phái, nhưng lập tổ chức theo dõi và cung cấp mọi thông tin về các hiện tượng tôn giáo mới. Singapore ứng xử hài hòa tôn giáo, nhưng kiên quyết dẹp bỏ giáo phái Nhân chứng Giêhôva vì nó đi ngược lại lợi ích chung(92).
(92) Hoàng Văn Chung, “Ứng xử của một số nhà nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 (135), 2014, tr.49-51.
5. Sự chuyển biến về phương thức truyền giáo và lối sống đạo
5.1. Sự chuyển biến về phương thức truyền giáo
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, điện tử, Internet, mạng xã hội đã cung cấp những phương tiện truyền giáo mới làm thay đổi, chuyển biến phương thức truyền giáo và lối sống đạo. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, các tôn giáo lớn trên thế giới thường dùng sức mạnh “cứng” bằng kinh tế, quân sự để “mở mang nước Chúa”. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng, phương tiện truyền giáo có nhiều thay đổi do cuộc cách mạng khoa học công nghệ, toàn cầu hóa và quá trình di dân.
Toàn cầu hoá trên lĩnh vực tôn giáo đã xoá dần ranh giới giữa các thừa sai phương Tây “da trắng” và các giáo sĩ bản địa “da màu”, rõ nhất ở đạo Công giáo(93). Tỷ lệ tu sĩ, giáo sĩ người châu Á - Phi tăng nhanh, nhất là các dòng tu nữ. Tỷ lệ chủng sinh ở châu Á và châu Phi đã vượt châu Mỹ, gấp hai lần châu Âu. Các giáo sĩ địa châu Âu và Bắc Mỹ đã chấm dứt thời kỳ độc quyền truyền giáo, nhường sứ mệnh ấy cho châu Á và châu Phi. Toàn cầu hóa làm xuất hiện hiện tượng “truyền giáo ngược” với việc “xuất khẩu” các nhân sự từ châu Á, châu Phi sang các nước Âu, Mỹ. Châu Á có số thừa sai “xuất khẩu” là 8.147 người so với “nhập khẩu” là 5.505 người (1998)(94). Việc quốc tế hóa cơ quan lãnh đạo của các giáo hội cũng rõ nét với sự tham gia ngày càng nhiều giáo sĩ thuộc các nước Á-Phi vào các cơ quan lãnh đạo tôn giáo quốc tế. Trong Giáo triều Roma và các Liên đoàn Tin lành quốc tế có sự tham gia nhiều hơn của chức sắc các giáo hội trẻ Á-Phi(95). Năm 1998, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô giáo (COE) có 332 giáo hội thành viên với gần 100 nước, trong đó 90 Giáo hội châu Phi và 80 giáo hội châu Á với cơ cấu Chủ tịch đoàn (9 vị) đã có người Hàn Quốc, Syri, Thổ Nhĩ Kỳ, Kênya tham gia(96). Năm 2020, tổ chức này có 800 thành viên thuộc 348 giáo hội Kitô (Chính thống giáo, Công giáo và Tin lành), đại diện cho 560 triệu Kitô hữu ở 110 quốc gia trên thế giới tham gia hội nghị trực tuyến tại Đức(97).
(93) Theo Niên giám thống kê Tòa Thánh năm 1996 và 2020.
(94) Đỗ Quang Hưng: Toàn cầu hóa tôn giáo: Khái niệm, biểu hiện và vấn đề đặt ra, Tlđd, tr.11.
(95) Hồng y Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận là giáo sĩ người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ cao cấp của Giáo triều Rôma: Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa Bình (1994-2003).
(96) Đỗ Quang Hưng, "Toàn cầu hóa tôn giáo: Khái niệm, biểu hiện và vấn đề đặt ra", Tlđd, tr.12.
(97) Hội Đồng đại kết các giáo hội Kitô dời đại hội tới năm 2022, http://daminhvn. net/...hoan-cau/hoi-dong-dai-ket-cac-giao-hoi-kito-doi-dai-hoi-toi-na
Sự phát triển các phương tiện truyền thông đại chúng tạo điều kiện cho các tôn giáo đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa với việc sử dụng các phương tiện truyền giáo mới. Từ thế kỷ XX, xuất hiện khái niệm: “Phương tiện truyền giáo mềm”. Theo tác giả Minh Thạnh có hai loại phương tiện truyền giáo: Thứ nhất, “phương tiện cứng”, dùng bạo lực, chiến tranh, sức mạnh quyền uy, tiền bạc, kinh tế. Trước đây, Islam giáo và Kitô giáo đều sử dụng đến “phương tiện cứng”, thậm chí dùng cả quân sự để truyền đạo mở rộng nước Chúa. Một số tôn giáo xác định rõ phương tiện cứng là công cụ chủ yếu để phục vụ việc truyền đạo. Ngày nay, phương tiện cứng có hạn chế, nhưng vẫn được sử dụng, một số tôn giáo vẫn xác định đây là phương tiện chính của họ. Thứ hai, “phương tiện mềm”, bằng tư tưởng văn hóa, học thuật, nghệ thuật với công cụ chính là phương tiện truyền thông. Từ giữa thế kỷ XX, các “phương tiện mềm” được các tôn giáo chú trọng hơn, do sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, từ in ấn, xuất bản đến phát thanh, truyền hình, đến internet, mạng xã hội. Một số tôn giáo đã thành công trong việc truyền đạo bằng “phương tiện mềm”.
Đạo Tin lành du nhập vào Hàn Quốc. Năm 1950, Hàn Quốc có 97% dân số theo đạo Phật, 2% theo Công giáo và Tin lành. Đến năm 1980, sau 30 năm, số người theo đạo Phật giảm 1/3, tín đồ Tin lành và Công giáo tăng lên gần 60%. Năm 2015, dân số Hàn Quốc có 49 triệu người, trong đó người không tôn giáo 56,1% (27,49 triệu người), Tin lành chiếm 19,7% (9,67 triệu người), Phật giáo 15,5% (7,61 triệu người), Công giáo 7,9% (3,89 triệu người) và tôn giáo khác 0,8%(98). Sự gia tăng tín đồ Tin lành và Công giáo ở Hàn Quốc chủ yếu ở thành thị. Có thành quả ấy là do giới chức Tin lành, Công giáo đã biết sử dụng các phương tiện truyền thông “mềm”. Việc in ấn, xuất bản báo in, phát thanh truyền hình, v.v... được các giáo hội tận dụng khai thác nhằm vào đối tượng là người dân ở các thành phố. Ngày nay, Phật giáo ở Hàn Quốc chỉ còn ở nông thôn, khép kín trong các nghi lễ cúng lễ, ma chay. Phần lớn Phật tử là người già, phụ nữ, nông dân trình độ học vấn thấp. Giới Phật giáo Hàn Quốc cũng quan tâm đến việc khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại, như báo chí, phát thanh để khôi phục Phật giáo Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chương trình truyền thông của họ nặng về kinh kệ, tán tụng, trong khi chương trình truyền thông Công giáo, đặc biệt đạo Tin lành đi sát với các vấn đề xã hội nên đạt được kết quả.
(98) [Population by Gender, Age, and Religion - City/Country]. Korean Statistical Information Service (in Korean). 2015. Retrieved 17 March 2018 and Quinn, Joseph Peter (2019). “South Korea”. In Demy, Timothy J.; Shaw, Jeffrey M. (eds.). Religion and Contemporary Politics: A Global Encyclopedia. ABC- CLIO. p. 365. ISBN 978-1-4408-3933-7. Retrieved 3 June 2020.
Đạo Tin lành ở Mỹ - Latinh. Đây là khu vực truyền thống của đạo Công giáo, số tín đồ đạo Tin lành tăng từ 7 triệu người năm 1960 lên 50 triệu người năm 1990; “chất lượng” tín đồ Tin lành cũng gia tăng. Năm 1990, ở Brazil có 20% dân số theo đạo Tin lành, 73% theo Công giáo, nhưng ngày chủ nhật có 20 triệu người Tin lành đi lễ, chỉ có 12 triệu người Công giáo đi lễ nhà thờ. Theo S. Hungtingson: “Các phong trào tôn giáo bao gồm cả những phong trào chính thống sử dụng rất thông thạo các kỹ thuật thông tin và tổ chức hiện đại để truyền bá thông điệp của họ, mà được minh họa rõ nét nhất là sự thành công của việc truyền đạo Tin lành qua TV (tivi) ở Trung Mỹ”(99).
(99) Minh Thạnh, Truyền thông: “phương tiện mềm” thế mạnh của Phật giáo, http://www.phapluan.vn/...1068-truyen-thong-phuong-tien-mem-the-manh- cua-phat, ngày 13/12/2015, truy cập ngày 22/10/2021.
Chính Thống giáo ở Nga từ sau 1991. Năm 1994, 30% thanh niên Nga tuổi dưới 25 là tín đồ của đạo Chính Thống Nga. Năm 1988, ở Mátxcơva có 50 nhà thờ Chính Thống đã tăng lên 250 nhà thờ vào năm 1993. Có được kết quả ấy là do Giáo hội Chính Thống giáo Nga đã khai thác sự ưu đãi của hệ thống truyền hình, dựa trên tình cảm đặc biệt của tổng thống Nga Yeltsin và Duma quốc gia (Hạ Viện Nga) dành cho Chính Thống giáo. Các buổi lễ của giáo hội Chính Thống được đưa trên truyền hình, các giáo sĩ Chính Thống giáo được tạo điều kiện xuất hiện trên ti vi và các chương trình truyền hình về văn hóa Nga được xây dựng với nội dung gắn liền với truyền thống đạo Chính Thống Nga.
Phật giáo ở Đài Loan. Từ năm 1950, đạo Tin lành, Công giáo tổ chức nhiều “chiến dịch” truyền đạo với quy mô lớn tại Đài Loan, giống như ở Hàn Quốc, nhưng không thành công. Vì giới Phật giáo Đài Loan đã sớm nhận thức được vai trò của các phương tiện truyền thông trong hoạt động hoằng pháp và huy động được tổng lực các “phương tiện mềm”, nhất là phát thanh và truyền hình. Chương trình đài truyền hình của Phật giáo trên ti vi (Giáo hội Phật giáo Phật Quang Sơn, Đài Loan) đang hướng đến Phật giáo tại Trung Hoa lục địa bằng việc sử dụng công nghệ truyền hình vệ tinh kỹ thuật số phát ở Trung Quốc, châu Á, châu Đại Dương và Bắc Mỹ(100).
(100) Minh Thạnh, Truyền thông: “phương tiện mềm” thế mạnh của Phật giáo”, Pháp Luân số 52.
Các tôn giáo đang triệt để khai thác các phương tiện truyền thông đại chúng trong truyền giáo, phát triển đạo. Các phương tiện thông tin đại chúng và sự hòa mạng rất phổ biến của phái Ngũ Tuần ở Nam Mỹ. Theo Liên đoàn Tin lành Mỹ - Latinh, năm 1999, họ có hơn 100 kênh phát thanh, 200 trạm truyền hình, 500 tờ báo, 5.000 phóng viên và truyền thông viên. Ở Brazil, tập đoàn truyền hình nổi tiếng nhất là đài truyền hình TV Record thuộc về Edir Macedo, sáng lập viên Giáo hội phổ quát Nước Trời (EURD), xuất hiện một “Giáo hội điện tử” ở nước này. Cuộc điều tra tín đồ Tin lành ở Costa Rica (2/3 thuộc phái Ngũ Tuần), trả lời cho câu hỏi “nhân vật tôn giáo nào có vai trò quan trọng nhất trong đời sống của bạn?”, linh mục Maynor (kênh truyền hình Công giáo), có uy tín nhất với 16,3% số phiếu hỏi, trong khi Chúa Giêsu chỉ có 10,6% số phiếu, còn Giáo hoàng Gioan Phaolô II có 7,5% số phiếu(101).
(101) Đỗ Quang Hưng, "Toàn cầu hóa tôn giáo: Khái niệm, biểu hiện và vấn đề đặt ra", Tlđd, tr.13.
Công giáo là tôn giáo đi tiên phong và đặc biệt quan tâm đến việc khai thác các phương tiện truyền thống đại chúng hiện đại vào việc truyền đạo. Công đồng Vatican II (1962-1965), có ra Sắc lệnh về “Các phương tiện truyền thông xã hội” khẳng định, báo chí, điện ảnh, các vệ tinh nhân tạo dùng để thu phát tín hiệu điện tín, điện thoại, phát thanh, truyền hình là những phương tiện hữu hiệu cho việc “mở rộng và củng cố nước Chúa”; xem công nghệ thông tin là “những phát minh kỳ diệu”(102) và khẳng định: “Internet là “quà tặng của Thiên Chúa”, là cơ hội có “một không hai” để loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa Kitô cho toàn thể nhân loại”; sẽ “có lỗi trước mặt Chúa” nếu không sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt Internet vào truyền bá Tin mừng. Nó phải là một công cụ hữu hiệu nhất cho chương trình “tái Phúc âm hóa và tân Phúc âm hóa của Hội Thánh trong thế giới ngày nay”(103). Huấn thị của Hội đồng Giáo hoàng ngày 23/5/1999 viết: “Chúng ta cần phải đưa sứ điệp Tin mừng vào trong nền văn hóa mới do các phương tiện thông tin hiện đại tạo ra”(104). Văn kiện Giáo hội và Internet của Tòa Thánh Rôma viết: “Tòa Thánh đã rất tích cực trong lĩnh vực này và đang tiếp tục mở rộng và phát triển sự hiện diện của mình trên Internet. Các nhóm có liên quan đến Giáo hội mà chưa bước vào không gian điện toán được khuyến khích hãy xem xét khả năng thực hiện điều này trong thời gian ngắn. Chúng tôi mạnh mẽ khuyến khích sự trao đổi ý tưởng và thông tin về Internet giữa những ai có kinh nghiệm trong lĩnh vực này với những người mới làm quen”(105). Phật giáo xem công nghệ thông tin và Internet là “duyên” tối ưu và cần thiết để truyền tải Phật pháp đến với mọi người, là phương tiện truyền bá đạo pháp hiệu quả nhất của thời đại đa phương tiện.
(102) Thánh Công đồng chung Vaticano II, Hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn, sứ điệp, Phân khoa thần học Giáo hoàng học viện Thánh Pio X, Đà Lạt, Việt Nam, 1972, tr.121,122.
(103) Hội đồng Toà Thánh về truyền thông xã hội (2002), Giáo hội và Internet, Trung tâm học vấn Đa Minh, truy cập ngày 17-3-2015, số 1, 5.
(104) Hội đồng Giám mục Việt Nam: Bản tin Hiệp thông số 5/1999, tr.62.
(105) Nguyễn Nghị Thanh, “Công nghệ thông tin và tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10/2009, tr.18.
Những thay đổi phương thức truyền giáo đã đem lại hiệu quả, dẫn đến việc cải đạo, đổi đạo diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự cải đạo qua Tin lành ở một số khu vực, mạnh nhất ở các nước Mỹ - Latinh vào thập niên 1990. Các nước như Brazil, Chile, Guatemala, các nhóm Tin lành Ngũ Tuần đã chiếm “thị phần” tín đồ từ 10 đến 25% dân số(106). Vương Đình Chữ trong bài: Giáo hội Brazil: Đổi đạo và bỏ đạo một tình trạng đáng suy nghĩ viết: “trong suốt 500 năm nay, đạo Công giáo là mẫu số chung cho toàn dân tộc, là chất kết dính xã hội và được xem như một căn tính của quốc gia. Nhưng tình hình tại đó đang thay đổi”(107). Năm 1970, tỷ lệ người Công giáo chiếm trên 90% dân số ở quốc gia này. Năm 1980, giảm xuống dưới 90%, năm 1991, còn 83% và năm 2000 chỉ còn 73,9% trong tổng số 180 triệu người. Sau 10 năm (1991-2000), giảm 10%, phần lớn là chuyển sang các hệ phái Tin lành, từ 9% tăng lên 15,6%. Tin lành Ngũ Tuần được xem là hệ phái giỏi “trộm chiên” nhất, “phát triển với tốc độ chóng mặt vì hầu như mỗi ngày đều có một giáo phái mới ra đời”. Chỉ trong 10 năm, hệ phái này đã “nẫng tay trên” hàng triệu con chiên của người anh em mình là đạo Công giáo tại Brazil.
(106) Đỗ Quang Hưng, “Toàn cầu hóa: khái niệm, biểu hiện và mấy vấn đề đặt ra”, Tlđd, tr.8.
(107) Vương Đình Chữ, "Giáo hội Brazil: Đổi đạo và bỏ đạo, một tình trạng đáng suy nghĩ", Báo Công giáo và Dân tộc, số 7/2005, tr. 81.
Theo tác giả, “Đây là hệ phái Tin lành tạo được những bước phát triển ngoạn mục trong mấy thập niên vừa qua, thu hút nhiều tín đồ” và chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc đổi đạo từ Công giáo sang Tin lành: do chủ quan nội tại của phía đạo Công giáo; do nguyên nhân kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa; do tính “ưu việt” về tôn giáo của các giáo phái Ngũ Tuần với khả năng đáp ứng được những đòi hỏi mới về tâm linh, bởi “người ta đã chán với lối sống đạo truyền thống và nay muốn tự đi tìm một cảm nghiệm tâm linh mới, muốn thực hiện cách tiếp cận khác” về Thiên Chúa(108).
Các “giáo hội điện tử” đã vận dụng tối đa thông tin đại chúng và cả lợi thế của cách mạng tin học vào việc truyền đạo(109). Trái lại, các giáo hội cơ chế truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong tiến trình toàn cầu hóa, thế tục hóa và dân chủ hóa. Tại châu Âu, hiện tượng tín đồ bỏ giáo hội cơ chế xảy ra vào giữa thế kỷ XX và tiếp tục tăng cao vào đầu thế kỷ XXI; nhiều tu viện và nhà thờ phải đóng cửa do không có chủng sinh. Năm 1992, ở Đức có 153.000 tín đồ làm đơn xin ra khỏi đạo để không bị đóng thuế thu nhập. Tại Italia, chỉ có 15-20% tín đồ đi lễ ngày chủ nhật(110). Tình trạng bỏ đạo Công giáo và Tin lành ở Đức tiếp tục gia tăng. Theo bản tin Công giáo cho biết, “có hơn 430.000 tín hữu bỏ đạo năm 2018, gồm 216.078 tín hữu Công giáo, 220.000 tín hữu Tin lành”(111).
(108) Vương Đình Chữ, "Giáo hội Braxin, Đổi đạo và bỏ đạo, một tình trạng đáng suy nghĩ", Tlđd, tr. 87.
(109) Nguyễn Thái Hợp, "Tôn giáo đối diện với toàn cầu hóa", Báo Công giáo và Dân tộc, số 144, tháng 12/2006, tr.48
(110) Phạm Huy Thông, "Công giáo trong bối cảnh toàn cầu hoá", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9/2008, tr.7.
(111) Giáo xứ các thánh tử đạo Việt Nam, Đức Thánh Cha lo buồn vì 200,000 người Đức bỏ đạo trong một năm, http://cttdvnphx.org > Thời Sự > Tin Tức >, ngày 29 thg 7, 2019
Tại Mỹ, Công giáo có xu hướng phát triển, từ 20% dân số Mỹ (1947), lên 24% dân số (2019). Trong khi đó, tỷ lệ tín đồ Tin lành trong dân số Mỹ giảm từ 69% xuống còn 52% (10 năm 1983- 1993, tín đồ Giáo hội Tin lành Methodist Liên hiệp giảm 8%, Giáo hội Trưởng Lão giảm 15%)(112). Do tỉ lệ sinh cao và số người di cư tăng nhanh khiến Công giáo luôn dẫn đầu về sự về số lượng ở Mỹ, dự báo số lượng tín đồ Công giáo ở Mỹ có thể lên tới 80 triệu người vào năm 2030, chiếm khoảng 1/3 dân số. Đối với Islam giáo, sự cải giáo từ đạo Kitô sang đạo Islam tại châu Âu gia tăng. Ở Pháp có trên 100 ngàn tín đồ Công giáo cải sang theo đạo Islam. Năm 2010, ở Tây Âu có trên 4.000 thánh đường Islam giáo (Đức 2.000, Pháp 1.000, Anh 600 thánh đường)(113). Tại Hoa Kỳ, trong 5 năm (2000-2005), số thánh đường Islam giáo tăng 25%, tính bình quân mỗi năm có 100 ngàn người gia nhập Islam giáo(114). Ấn Độ giáo cũng đang phát triển khá nhanh sang các nước phương Tây.
(112) Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb Tôn giáo - Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2009, tr.220-221.
(113) Charlie Nguyễn, Hồi giáo tại châu Âu và châu Mỹ, theo tinnguongvietnam. wordpress.com.2010.
(114) Nguyễn Văn Dũng, "Vấn đề Islam trong xã hội Hoa Kỳ hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2008.
Tại Mỹ, phong trào luyện yoga, sách báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đều rầm rộ giới thiệu về yoga. Xu thế phát triển của “Tân Ấn giáo” (Ấn Độ giáo được hiện đại hoá) và “Tây phương hoá” (Tân Ấn Độ giáo kết hợp quá trình “Tin lành hoá”), mạnh ở phương Tây(115). Sự chuyển biến của đời sống tôn giáo trên thế giới ngày nay còn thể hiện ở sự tái tạo cơ cấu bên trong nội bộ của tôn giáo, tạo nên thứ tôn giáo năng động và thích ứng hơn với môi trường xã hội hiện đại. Theo C. Smith, “Trong xã hội hiện đại và đa dạng, con người không cần đến các vũ trụ linh thiêng bao quanh ở tầm vĩ mô để duy trì các tín ngưỡng tôn giáo của mình. Họ chỉ cần “những cái ô thiêng liêng”, nghĩa là thế giới nhỏ bé có thể đem theo, có thể tiếp cận và liên hệ - đó là các nhóm quy chiếu “dưới” những cái ô này, các tín ngưỡng của họ hoàn toàn có ý nghĩa”(116).
(115) Đỗ Quang Hưng, "Toàn cầu hóa: khái niệm, biểu hiện và mấy vấn đề đặt ra", Tlđd, tr.7.
(116) Đỗ Quang Hưng, "Toàn cầu hóa: khái niệm, biểu hiện và mấy vấn đề đặt ra", Tlđd, tr.8.
5.2. Sự chuyển biến về đời sống tôn giáo
Đời sống tôn giáo trên thế giới có sự thay đổi quan trọng theo xu hướng phân ly, giải giáo hội thể chế, hình thành các tôn giáo theo nhóm nhỏ, mang tính cá thể hóa tôn giáo. Toàn cầu hóa, xu hướng hiện đại hóa và dân chủ hóa đang từng bước phá vỡ các cơ chế của tôn giáo truyền thống. Toàn cầu hóa đã phá vỡ độc quyền cung cấp ý nghĩa và giá trị của các tôn giáo truyền thống. Cá nhân chủ nghĩa và cuộc cách mạng thông tin tạo nên một lớp người mới, với đời sống tâm linh và não trạng riêng, những người “tin nhưng không theo một tôn giáo triệt để và nhất định nào” hay “thời đại của các hình thức tâm linh”. Đó là những người không có, hay không thỏa mãn với những xác tín vững chắc trong các tôn giáo truyền thống, song, cũng không theo khuynh hướng vô thần, nhưng lại cảm nhận có “một cái gì đó” vô biên, siêu việt, vượt khỏi cái thế giới hiện tồn và họ cũng không cảm nhận cái “chết là hết”, họ đi tìm sự thỏa mãn cái “khát vọng siêu việt” của mình. Khuynh hướng chung của con người ngày nay là thay thế đạo đức vâng lời bằng đạo đức trách nhiệm: tôi tự chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình, tốt-xấu, hay-dở, thành-bại, tôi làm tôi chịu, chứ không chấp nhận ngoan ngoãn nghe theo ai, vì vâng lời. Họ vẫn tự cho mình là người tâm linh, nhưng để phục vụ cho nhu cầu tâm linh đó thường thích lấy chỗ này một ít, chỗ kia một tí rồi gia giảm cho phù hợp với khẩu vị của mình, theo hoàn cảnh hay tùy theo điều kiện vui buồn của mình.
Ở Hoa Kỳ, xuất hiện khái niệm “unchurch” (nghĩa là bị trục xuất ra khỏi một giáo hội hay rút phép thông công), chỉ về hiện tượng số người có nhu cầu có đời sống tâm linh tăng lên, song, không muốn gia nhập vào một tôn giáo thể chế nào. Đó là những người đề cao nhu cầu tâm linh và tích cực tìm kiếm nó, nhưng thấy mình không phù hợp với một tôn giáo nào nữa (tin mà không theo). Họ tự xem mình là con người tâm linh, nhưng ở bên ngoài các giáo hội cơ chế và các tổ chức tôn giáo. Họ không thỏa mãn với những gì giáo hội truyền thống cung cấp và muốn đi tìm những cảm nghiệm tâm linh mới hay đào sâu những cảm nghiệm tâm linh truyền thống bằng những con đường khác. Ngày nay, họ ra khỏi khung cảnh tôn giáo và đang tiếp tục tìm kiếm Thượng đế ở những nơi khác hay ở bất cứ nơi nào theo cách riêng của mình. Theo Robert Fuller, có khoảng 20% tự nhận là những con người tâm linh, nhưng không hề bước chân đến các Thánh đường Kitô giáo hay các Hội đường Do Thái giáo. Đa số họ sống đời tâm linh theo cách của mình, bên ngoài giáo hội của các tôn giáo truyền thống tại Hoa Kỳ(117). Năm 2012, ở Nga có 25,2% dân số tự nhận mình có tôn giáo(118), nhưng không thuộc tôn giáo nào.
(117) Nguyễn Thái Hợp, “Tôn giáo đối diện với toàn cầu hóa”, Tlđd, tr.48-49
(118) “Арена: Атлас религий и национальностей” [Arena: Atlas of Religions and Nationalities] (PDF); 27 August 2012. Archived from the original on 21 April 2017.
Nhóm “tâm linh ngoài cơ cấu” rất đa dạng trong sinh hoạt: từ việc cầu nguyện, chiêm niệm, tập yoga hay thiền, hoặc đi bộ trong rừng, hay nhảy múa linh vũ... Lối sống “tâm linh nhưng không giáo hội” đang bị các giáo hội truyền thống chỉ trích là lập dị, cao ngạo, nguy hiểm(119). Đây là xu hướng đang thách thức các giáo hội cơ chế buộc phải xem xét, cải sửa lại chính mình nếu họ không muốn bị loại khỏi thị trường tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa có cạnh tranh gay gắt hiện nay. Tình trạng đời sống tâm linh bên ngoài giáo hội cơ cấu truyền thống làm nảy sinh hàng loạt các hiện tượng tôn giáo mới theo nhóm nhỏ, thậm chí cá thể hóa tôn giáo đang trở nên phổ biến ở các nước Âu Mỹ. Điều này không chỉ đặt ra cho các giáo hội truyền thống mà còn đặt ra cho các nhà nước thế tục trong việc quản lý, ứng xử đối với các tôn giáo. Thế giới ngày nay đang dần như nhỏ bé lại, biên giới quốc gia không còn là thứ tạo ra sự cách biệt tuyệt đối với thế giới bên ngoài và sự “suy giảm” quyền lực của các nhà nước. Mặt khác, toàn cầu hoá còn khơi lại tính địa phương, lập nên những “vùng-thế giới” mở rộng không gian so với các quốc gia - dân tộc (Liên minh châu Âu-EU), trong đó đời sống tôn giáo có vấn đề vượt qua quyền hạn các nhà nước dân tộc.
(119) Nguyễn Thái Hợp, "Tôn giáo đối diện với toàn cầu hóa”, Tlđd, tr.49-50.
Cuộc các mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra vào đầu thế kỷ XXI đang mở ra những cơ hội cũng như thách thức mới đối với đời sống tôn giáo. Trước sự phát triển của khoa học thay vì chốn chạy, xua đuổi thậm chí là chống lại nó, ngày nay các tôn giáo lại chủ động đến với khoa học, sử dụng các thành tựu khoa học cho việc truyền giáo, phát triển đạo, sống đạo và quản đạo(120). Đối với Kitô giáo, đặc biệt Công giáo, lối sống đạo trực truyến - ảo gặp phải những trở ngại lớn, nhất là việc cử hành các bí tích, như phải xưng tội trực tiếp với giáo sĩ hay phải tham dự Thánh lễ tại nhà thờ. Giáo hội Công giáo vẫn khẳng định rằng, không thể có thực hiện bí tích trực tuyến hay Thánh lễ trực tuyến. Thậm chí họ còn cho rằng, việc cử hành hay tham dự bí tích hoặc thánh lễ trực tuyến chẳng khác gì “dự tiệc trực tuyến” vậy! Tuy nhiên, Giáo hội không cấm hoàn toàn việc cử hành thánh lễ trực tuyến, thậm chí một số nơi đã chủ động, tìm cách “lách luật”, giải thích lại giáo lý, giáo luật cho phù hợp với thời đại công nghệ 4.0. Theo đó, nhiều mô hình sống đạo mới xuất hiện như nhà thờ Internet, nhà thờ trực tuyến hay nhà thờ không gian mạng, có mặt trên khắp thế giới. Ngày nay, sống đạo online diễn ra vô cùng sôi động dưới nhiều hình thức, như cầu nguyện online, rửa tội online, xưng tội online, xưng tội qua điện thoại di động, thậm chí có cả Thánh lễ online. Theo giải thích của những người tổ chức thánh lễ online rằng, mặc dù giáo luật hiện hành (1983), quy định các tín đồ phải tham dự thánh lễ đầy đủ và có ý thức, tức là họ phải có mặt tại nhà thờ, nhưng cũng miễn chuẩn cho một số trường hợp có thể không trực tiếp phải đến nhà thờ như người già, người bị bệnh. Những người tham dự thánh lễ online sẽ được các thừa tác viên đến nơi cho rước lễ. Hình thức này hiện nay diễn ra phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam(121).
(120) Nguyễn Phú Lợi, "Sự biến đổi đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", Tạp chí Lý luận chính trị số 2/2019, tr.25-26.
(121)Nguyễn Phú Lợi, “Truyền giáo và sống đạo thời Cách mạng công nghiệp 4.0”- Cơ hội và thách thức", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 02/2019, tr.31.
III. SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
1. Tôn giáo với chính trị
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng chính trị hóa tôn giáo và tôn giáo hóa chính trị càng gia tăng và trở nên phức tạp hơn. Khi xã hội có giai cấp, chính trị và tôn giáo luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Từ thời cận hiện đại, chính trị có xu hướng tách khỏi tôn giáo, đấu tranh quyết liệt với nhau, nhưng theo hướng giảm dần vai trò của tôn giáo trong đời sống chính trị. Xu thế thế tục hóa về mặt thể chế càng trở nên thắng thế. Nhiều quốc gia đã luật hóa quan hệ này theo hướng tách tôn giáo khỏi chính trị, tách nhà thờ khỏi trường học, điển hình nhất là “Luật phân ly” của Pháp năm 1905 và của nhà nước Nga Xô viết năm 1918.
Ngày nay, trừ trường hợp đặc biệt nhà nước Tòa thánh Vatican có sự hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo (chính giáo hợp nhất), cơ bản các quốc gia trên thế giới đã tách tôn giáo khỏi nhà nước, thực hiện theo nguyên tắc của nhà nước thế tục ở những mức độ khác nhau(122). Mặc dù vẫn còn một số quốc gia (chủ yếu là các nước theo đạo Islam), lấy tôn giáo làm quốc đạo hoặc có một tôn giáo chính, nhưng ở hầu hết các nước này, tôn giáo không trực tiếp tham gia chính trị như trước đây. Tuy nhiên, tôn giáo lại đang bị chính trị hoá dưới những hình thức, mức độ khác nhau, xuất hiện các đảng phái, tổ chức tôn giáo-chính trị. Tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống chính trị của nhiều quốc gia, nhất là các nước phương Tây theo Kitô giáo, các quốc gia Islam giáo và một số quốc gia theo Phật giáo Nam tông. Các nước phương Tây vẫn sử dụng tôn giáo gắn với vấn đề dân chủ, nhân quyền làm điều kiện trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Mỹ và các nước phương Tây lấy tôn giáo làm tiêu chí để áp đặt hệ giá trị của họ lên các quốc gia khác. Các phần tử dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai dựa vào tôn giáo, sử dụng tôn giáo cho mục tiêu chính trị của mình càng trở nên phức tạp. Nhiều đảng phái chính trị của các nước tư bản trên thế giới đều dựa vào tôn giáo, sử dụng con bài tôn giáo làm bức bình phong để tập hợp lực lượng, gây ảnh hưởng trong xã hội, nhằm tạo nên sự hậu thuẫn xã hội cho phe cánh của mình trong các cuộc vận động chính trị, như Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo ở Đức, các đảng cánh tả tại châu Mỹ-Latinh dựa vào Công giáo. Tại các nước Islam giáo, vấn đề chính trị hóa tôn giáo đã trở thành “truyền thống”, càng trở nên quan trọng hơn. Phật giáo vẫn được nhiều quốc gia như Myanmar, Sri Lanka, Nêpan,... coi là quốc đạo.
(122) Đỗ Quang Hưng, Nhà nước thế tục, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2019, tr.207-2015.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tính đến năm 2017, còn 80 quốc gia, chiếm 40,40% tổng số 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, ủng hộ các tôn giáo cụ thể, chính thức hoặc không chính thức, nhiều nhất là Islam giáo. Trong đó, có 40 quốc gia thừa nhận một tôn giáo làm quốc đạo hoặc là tôn giáo chính hoặc ưu tiên một tôn giáo (27 quốc gia vùng Trung Đông và Bắc Phi thừa nhận Islam giáo, 13 quốc gia ở châu Âu ưu tiên hay ủng hộ Kitô giáo)(123). Các nhà nước ủng hộ hay ưu tiên cho tôn giáo dù chính thức (luật pháp thừa nhận) hay không chính thức thường dẫn đến sự đối xử thiếu công bằng, thậm chí hạn chế các tôn giáo khác, nhất là các tôn giáo thiểu số. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột liên quan đến tôn giáo trong thế giới hiện đại.
(123) Pew Research Centre, A closer look at how religious restrictions have risen around ...www.pewforum.org > 15/7/2019, truy cập ngày 22/10/2021.
Cùng với quá trình chính trị hóa tôn giáo cũng đang xuất hiện hiện tượng tôn giáo hóa chính trị với những biểu hiện hết sức đa dạng và phức tạp. Các tôn giáo lớn đang tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị, xã hội. Nhiều giáo hội đang muốn vươn lên đấu tranh đòi quyền lực chính trị trần thế đã mất của mình trên trường quốc tế hay ở từng quốc gia. Tòa Thánh Vatican trở thành quan sát viên của Liên hợp quốc cũng như chấp nhận cho hàng giáo phẩm tham gia chính trường ở châu Mỹ Latinh(124). Một số tôn giáo, các tổ chức giáo hội đang muốn can thiệp sâu hơn vào đời sống chính trị của nhiều quốc gia hay trên trường quốc tế, như Chính Thống giáo ở Nga, Islam giáo ở các nước Trung Á. Mỹ là quốc gia điển hình nhất về việc ảnh hưởng của tôn giáo, nhất là Tin lành đối với đời sống chính trị. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị có chiều hướng gia tăng, xích lại gần nhau với những biểu hiện đa dạng, phức tạp hơn.
(124) Năm 2008, Fernando Lugo, cựu giám mục giáo phận San Pedrô đã đắc cử tổng thống Paraguay
2. Tôn giáo với kinh tế
Ngày nay, mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế đang có sự chuyển biến, thay đổi, thu hút được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Trong mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế, nổi lên ba vấn đề, tôn giáo đang tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp vào đời sống kinh tế; tôn giáo có ảnh hưởng nhất định đến sự tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia và tôn giáo không chỉ là đối tượng của hoạt động kinh tế mà các tổ chức tôn giáo còn tham gia hoạt động kinh tế dưới nhiều hình thức.
Các nhà khoa học Mỹ cũng đang quan tâm tìm hiểu quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế. Năm 2003, Niall Ferguson trong bài “Vì sao nước Mỹ vượt châu Âu-nhân tố Thượng đế”, đã chỉ ra rằng, sở dĩ kinh tế nước Mỹ luôn đứng trên châu Âu, là do có mối liên hệ trực tiếp với việc tuyệt đại đa số người Mỹ có tín ngưỡng, tôn giáo. Ông đưa ra ví dụ hơn 50% người châu Âu: Thượng Đế đối với họ “không có ý nghĩa gì cả”, trong khi 82% người Mỹ: Thượng đế đối với họ là “vô cùng quan trọng”(125). Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và sự thịnh vượng của nước Mỹ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nguyên nhân dẫn đến sự năng động của nền kinh tế Mỹ không chỉ nằm ở dân số mà cả ở hệ thống giá trị. Nhà thờ Tin lành có ảnh hưởng lớn ở Mỹ, luôn tuyên truyền giáo lý Thanh giáo - Tin lành về sự lao động chăm chỉ, một yếu tố góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Vào năm 1970, thời gian làm việc một năm của người Mỹ, người Pháp, người Đức bằng nhau: 1.900 giờ, nhưng hiện nay, thời gian làm việc của người Mỹ là 1.800 giờ, hơn 20% so với người Pháp và người Đức (1.450). Ý thức về việc tự chịu trách nhiệm của người Mỹ cao hơn người châu Âu: 2/3 số người được hỏi ở Đức và ở Italia cho rằng, sự thành bại của cá nhân do các thế lực khác mà bản thân họ không thể kiểm soát được quyết định, trong khi 2/3 số người được hỏi ở Mỹ cho rằng, trước hết là do bản thân con người phải tự chịu trách nhiệm về sự thất bại của mình. Một nghiên cứu khác cho thấy, giữa tăng trưởng kinh tế và sự sùng đạo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau(126). Việc tham gia thường xuyên vào hoạt động tôn giáo có thể hướng người ta đến chỗ học hành chăm chỉ hơn, có được thu nhập cao hơn và giảm bớt nguy cơ li hôn; những người đi lễ nhà thờ nhiều gấp đôi người khác thì có mức thu nhập cao hơn 10%(127).
(125) Ngụy Đức Đông, “Tôn giáo từ góc độ kinh tế”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2005, tr.13.
(126) Olaf Gersemn, Klaus Mettfessel, Stephan Schmidt, "Sự quay trở lại của tôn giáo", Tạp chí Thông tin tư liệu, số 2/2006, tr.18.
(127) Dẫn theo "Tôn giáo dưới góc nhìn của các nhà kinh tế học phương Tây", Tạp chí Thông tin Tư liệu, số 4/2005, tr.24.
Hoạt động tôn giáo thường xuyên sẽ tạo ra nguồn “vốn xã hội”, một loại mối quan hệ làm tăng chữ tín, rất có giá trị vì chúng giúp cho các giao dịch kinh doanh trở nên suôn sẻ và ít tốn kém hơn. Đi lễ nhà thờ có thể đơn giản chỉ là một cách thức hiệu quả để tạo ra mối quan hệ đó. Mặt khác, những tín đồ đi lễ cùng một nhà thờ thường có sự tin tưởng lẫn nhau về mặt tình cảm và có thể cả về mặt tài chính. Điều đó giúp họ gượng dậy nhanh hơn sau những khó khăn, thất bại, như mất việc làm chẳng hạn. Tôn giáo và sự giàu có cũng có mối quan hệ với nhau, những người hay đi lễ nhà thờ cũng là những người có số năm đi học nhiều hơn, ít có nguy cơ bỏ học giữa chừng hay họ cũng ít bị stress hơn vì những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, do vậy họ có điều kiện tốt hơn để thành đạt(128). Ngày nay, tôn giáo gắn bó chặt chẽ với kinh tế, nhiều ngành kinh tế xuất phát từ tôn giáo, dựa vào tôn giáo, như kinh tế du lịch tâm linh, sản xuất, kinh doanh kinh sách, đồ dùng việc đạo, cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động tôn giáo. Đồng thời, các tôn giáo cũng tích cực tham gia hoạt động kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể trực tiếp tham gia sản xuất, đặc biệt làm dịch vụ tâm linh, thờ cúng…
(128) Dẫn theo "Tôn giáo dưới góc nhìn của các nhà kinh tế học phương Tây", Tlđd, tr.25 và 29.
3. Tôn giáo với khoa học
Ngày nay, các tôn giáo một mặt tìm cách “hòa giải” giữa thần học với khoa học, mặt khác lợi dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, sử dụng khoa học để giải thích cho các tín điều thần học của nó. Có nhận thức mới về quan hệ khoa học và tôn giáo: “Trước đây người ta quan niệm khi khoa học tiến thêm một bước, thì tôn giáo lùi về một bước, còn ngày nay quan niệm này đã thay đổi: khoa học đang thực sự tiến nhanh, nhưng tôn giáo lại không lùi lại, tìm nơi ẩn nấp để rồi khi có thời cơ lại tiếp tục bùng lên. Để giải quyết sự đối lập còn tồn tại giữa khoa học và tôn giáo, tôn giáo cần hạn chế quyền hạn của mình trong khuôn khổ thế giới nội tâm con người, còn khoa học phải từ bỏ những tham vọng thế giới quan chuyên chế. Niềm tin tôn giáo và tri thức khoa học cần bổ sung cho nhau”(129). Các tôn giáo thay đổi thái độ với khoa học xoay quanh những nội dung chủ yếu: một là, khắc phục sự đối đầu trực tiếp và cách biệt với khoa học; hai là, sử dụng thành quả khoa học vào các lợi ích, mục tiêu của tôn giáo và ba là, nhấn mạnh đến tính chất và nội dung nhân đạo, nhân văn của các học thuyết tôn giáo. Ngày nay, những người có tín ngưỡng khi diễn đạt nội dung thần học thường dùng khoa học để chứng minh cho tính đúng đắn, hợp lý của học thuyết tôn giáo của mình(130).
(129) L. N Mitrôkhin, “Tri thức khoa học và tôn giáo trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2/2002, tr.19-20.
(130) Ngô Hữu Thảo, “Sự biến đổi của tôn giáo Việt Nam và những yêu cầu đối với công tác tôn giáo”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 1+2/2007, tr.25-26.
Năm 2000, giáo hoàng Gioan Phaolô II công khai xin lỗi các nhà khoa học bị Giáo hội kết án, bức hại trong lịch sự để tỏ rõ sự “sám hối” của mình với nhân loại, kêu gọi tín đồ cần đối xử có hiểu biết với những người vô thần. Ông thừa nhận: “Những lỗi lầm con cái Giáo hội phạm phải khi nhân danh Giáo hội đã làm mất đi uy tín của Giáo hội Công giáo”(131). Tác giả Gao Shining nhận định: “Các tôn giáo tích cực lợi dụng những thành quả của khoa học hiện đại và đưa ra sự giải thích hợp lý đối với những kết quả đó. Điều đó biểu thị rằng, tôn giáo sẽ không chọn thái độ cưỡng bức áp chế đối với khoa học, sẽ không thờ ơ hoặc cự tuyệt với khoa học kỹ thuật, mà dưới tiền đề giữ vững trận tuyến thần học, sẽ cố gắng hết sức để lợi dụng, tiêu hóa những thành quả của khoa học. Sự hợp tác ngày càng mạnh lên giữa khoa học và tôn giáo cũng là một trong những điều kiện để tôn giáo tồn tại trong xã hội hiện đại”(132).
(131) Trần Công, Giáo hội Công giáo công khai xin lỗi thế giới về những sai lầm trong quá khứ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2000, tr.53.
(132) Gao Shining (Cao Su Ninh), "Từ góc độ xã hội học xem xét sự phát triển của tôn giáo", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2000, tr.30-31.
Lãnh đạo các tôn giáo đang đón nhận và khuyến khích sử dụng khoa học, công nghệ thông tin và Internet, trước hết để quảng bá hình ảnh tôn giáo của mình đến với công chúng, mặt khác là để duy trì mối liên hệ giữa giáo hội với cộng đồng tín đồ. Công nghệ thông tin và Internet được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực quan trọng như truyền giáo, giáo dục tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, sống đạo, quản đạo với nhiều hình thức khác nhau. Các tôn giáo đang triệt để khai thác công nghệ thông tin và Internet để hiện đại hóa tôn giáo, quảng bá hình ảnh tôn giáo của mình đến với công chúng và duy trì mối liên hệ giữa giáo hội với cộng đồng tín đồ. Tuy nhiên, giới tôn giáo cũng phải thừa nhận rằng, sự phát triển của khoa học, công nghệ là một thách thức lớn đối với tôn giáo, nhất là trên phương diện đạo đức. Khoa học có thể đem lại ảnh hưởng lớn cho tôn giáo, song, nó cũng có thể làm cho tôn giáo ngày càng bị thu hẹp, nhạt nhòa, không phải ở hiện tượng là bản chất, không phải số lượng mà là chất lượng, làm mờ nhạt tính thiêng tôn giáo.
4. Tôn giáo với văn hóa, xã hội
Tôn giáo đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, như y tế, giáo dục, bảo trợ, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần làm giảm thiểu mặt trái của cơ chế thị trường và nâng cao trình độ dân trí. Ở nhiều quốc gia, nhất là Mỹ và các nước phương Tây, tôn giáo trở thành một lực lượng đáng kể tham gia vào công tác giáo dục, y tế, xã hội góp phần vào việc nâng cao trình độ dân trí. Năm 2020, Giáo hội Công giáo Rôma có 103.417 cơ sở xã hội, 225.851 cơ sở giáo dục (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học) với 64,3 triệu học sinh, sinh viên (hơn 7 triệu sinh viên cao đẳng, đại học); 103.546 cơ sở xã hội khác (bệnh viện, trạm y tế, cô nhi viện, viện dưỡng lão, viện điều dưỡng, trung tâm tư vấn hôn nhân, trung tâm giáo dục xã hội trên toàn thế giới)(133).
(133) Thống kê Giáo hội Công giáo năm 2020, Hội đồng Giám mục Việt Nam, 18/10/2020.
Tôn giáo cũng đang góp phần tích cực vào việc làm giảm thiểu mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hoá. Năm 1992, tại Mỹ có 92% tổ chức tôn giáo tham gia cứu tế nghèo đói và trợ giúp gia đình, 74% tham gia giao lưu quốc tế, 62% ủng hộ dân quyền, 60% cung cấp viện trợ nước ngoài, 53% tham gia giáo dục, 50% tham gia ủng hộ văn hóa nghệ thuật, 50% cung cấp thực phẩm, 34% quan tâm đến chính nghĩa xã hội, 20% trợ cấp nhà ở, ngoài ra còn nhiều loại hình khác. Năm 1996, tại Mỹ có 35 vạn tổ chức tôn giáo các loại, chiếm khoảng 20% tổ chức phi kinh doanh, 30% tổ chức từ thiện, nhưng số tiền quyên góp chiếm 60% tổng số quỹ từ thiện của cả nước(134). Tuy nhiên, sự phát triển tràn lan các hiện tượng tôn giáo mới, ở nhiều nơi, nhất là các quốc gia phương Tây cho thấy, tôn giáo bên cạnh những mặt tích cực cũng đang bộc lộ những mặt tiêu cực, tạo ra lối sống phi nhân tính, phản nhân văn, trà đạp nên nhân phẩm con người. Điều đó rất cần thiết phải nhận thức đúng những giá trị tích cực cũng như những mặt hạn chế của tôn giáo trong thế giới ngày nay.
(134) Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb Tôn giáo - Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.484, 488.
5. Tôn giáo với vấn đề dân tộc
Tôn giáo và dân tộc là hai vấn đề luôn có mối quan hệ gần gũi, gắn bó chặt chẽ với nhau trong lịch sử cũng như hiện tại ở mọi quốc gia dân tộc trên thế giới. Quá trình ra đời, phát triển của tôn giáo gắn liền với cộng đồng tộc người, với dân tộc, quốc gia hiện thực. Dân tộc là mảnh đất hiện thực, nơi nuôi dưỡng, cơ sở cho sự tồn tại, phát triển của tôn giáo, ngược lại, tôn giáo cũng tác động trở lại đời sống của dân tộc sản sinh ra nó. Chính thông qua văn hóa dân tộc mà tôn giáo được phổ cập hóa và thấm sâu vào các giá trị, các sinh hoạt của văn hóa dân tộc. Ngược lại, tôn giáo đã “thiêng hóa” các giá trị văn hóa dân tộc và làm cho nó thêm sức sống lâu dài và ảnh hưởng sâu rộng. Tôn giáo khi đã trở thành bản sắc tộc người có thể chi phối bao trùm, lấn át cả yếu tố dân tộc và rất dễ dẫn tới xung đột tôn giáo, dân tộc. Đối với các tôn giáo phát triển thành tôn giáo thế giới, bản thân nó lại có sự ảnh hưởng, tác động đến các dân tộc - quốc gia. Ngày nay, để chống lại nguy cơ bị đồng hóa về văn hóa, nhiều quốc gia, dân tộc tìm cách khôi phục tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, làm cho tôn giáo trở về với “cội nguồn dân tộc”. Bên cạnh yếu tố tiêu cực như khơi dậy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xu hướng này cũng góp phần củng cố nội lực, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập các yếu tố phi nhân tính, phản văn hóa từ các tôn giáo ngoại lai. Xu hướng trở về với văn hóa truyền thống dân tộc không chỉ diễn ra ở những nước chậm phát triển mà cả ở một số nước có nền kinh tế phát triển, văn minh lâu đời.
Tác giả Đỗ Quang Hưng đã chỉ ra 4 đặc điểm cơ bản về biểu hiện của mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc trong thế giới hiện đại: Một là, xu hướng chính trị hóa vấn đề tôn giáo và dân tộc. Đây là xu hướng mới của tôn giáo và dân tộc và rất dễ bị lợi dụng gắn với chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong thế kỷ XX, nhiều nhà nước - dân tộc ra đời, các tộc người được xác định bởi tôn giáo của họ. Nhưng mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước rất đa dạng và phức tạp, điển hình như Liên Xô. Do quan hệ chính trị quốc tế của thời kỳ chiến tranh lạnh chi phối, lấn át nên quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, dân tộc bị che lấp, đẩy xuống hàng thứ yếu. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, nhiều bất cập trong chính sách, quan hệ tôn giáo, dân tộc bộc lộ; các tôn giáo được khôi phục, như Giáo hội Chính thống ở Nga, đạo Islam ở các nước Trung Á, đạo Tin lành Luther ở các nước vùng Ban Tích. Trong bối cảnh ấy, các lực lượng ly khai không chấp nhận “không gian quốc gia” có tính chính trị vốn có, mà đòi lập quốc gia riêng biệt dựa trên những tiêu chí thuần túy tôn giáo hoặc sắc tộc hoặc sắc tộc-tôn giáo(135). Sự xuất hiện chủ nghĩa Islam giáo càng làm cho vấn đề tôn giáo và dân tộc càng trở nên phức tạp. Chủ nghĩa Islam giáo mới chủ trương “chính trị hóa tôn giáo, tôn giáo hóa chính trị”, hướng tới việc thiết lập các nhà nước Islam giáo, dần dần áp đặt các quan niệm giá trị của tôn giáo này lên toàn thế giới. Chủ nghĩa Islam giáo mới có mục tiêu chính trị rõ ràng, muốn tiến hành cuộc thánh chiến chống lại phương Tây bằng nhiều biện pháp cả chính trị và quân sự, từ đó xuất hiện các tổ chức Islam giáo vũ trang, như tổ chức Jihad (1974), Taliban (1987), Al Queda (1988), đặc biệt sự ra đời và hoạt động của tổ chức Nhà nước Islam giáo tự xưng IS (2014-2019). Các tổ chức Islam giáo cực đoan có điểm chung là kêu gọi cuộc thánh chiến chống Mỹ, Israel và cả phái Islam giáo ôn hòa; tiến hành các hành động hoạt động khủng bố dưới khẩu hiệu tôn giáo.
(135) Đỗ Quang Hưng, “Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo-dân tộc trong tình hình hiện nay (vài phân tích có tính phương pháp luận)”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2/2003, tr.13.
Hai là, xu hướng quốc tế hóa vấn đề tôn giáo và dân tộc là nét đặc trưng của quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nó cũng rất dễ bị chủ nghĩa ly khai lợi dụng gây xung đột dân tộc, tôn giáo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng quốc tế hóa vấn đề dân tộc và tôn giáo trở nên phức tạp hơn, nhất là khi các thế lực tôn giáo và dân tộc cực đoan lợi dụng đòi ly khai. Hơn nữa, Mỹ và các nước phương Tây luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, các xung đột dân tộc, tôn giáo để thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, loại bỏ các thế lực chống đối, không chấp nhận các giá trị của họ. Từ đầu thập niên 1990, tại nhiều quốc gia đã xảy ra các cuộc nội chiến, xung đột vũ trang, trong đó có lý do tôn giáo, dân tộc và hệ tư tưởng, như Bosina, Acmênia, Azecbaijan, Sri Lanka, Angiêri, Sudan, Philippines, Indonesia, Đông Timo, Thái Lan, Bắc Ailen và ở Nga. Các cuộc chiến tranh, xung đột làm cho nhiều quốc gia dân tộc ở châu Phi, Nam Âu bị chia nhỏ hình hành các quốc gia, dân tộc mới, như Kosovo, Đông Timo. Vấn đề Kosovo không chỉ đơn thuần là sự xung đột giữa người Islam giáo với người Serbia theo Chính Thống giáo mà còn là mưu đồ can thiệp, bành trướng của khối NATO sang phía Đông. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, “mạng hóa” hiện nay, thế giới nhỏ bé hơn khi tất cả đều “hòa mạng”. Do đó, không một động thái chính trị nào, xung đột vũ trang nổ ra nào có thể đứng ngoài tầm theo dõi của cả nhân loại(136). Xu hướng quốc tế hóa vấn đề dân tộc và tôn giáo diễn ra rất phức tạp, đe họa trực tiếp đến tình hình an ninh thế giới, trong đó nổi lên là chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
(136) Đỗ Quang Hưng, “Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo-dân tộc trong tình hình hiện nay (vài phân tích có tính phương pháp luận)”, Tlđd, tr.4.
Ba là, xu hướng bạo lực, xuất hiện chủ nghĩa khủng bố quốc tế dựa trên vấn đề tôn giáo và dân tộc, nhất là chủ nghĩa khủng bố Islam giáo. Chủ nghĩa khủng bố Islam giáo quốc tế hiện đại là hiện thân và khuôn mẫu của tổ chức khủng bố Asasin (thế kỷ XI). Tuy nhiên, khác với tổ chức khủng bố Asasin nghiêng về ám sát cá nhân lãnh đạo chính trị, các tổ chức khủng bố Islam giáo hiện nay tập trung sát hại các thường dân vô tội, nhằm gây được tiếng vang lớn trong dư luận và càng khiến đối phương phải sợ hãi, coi đó là một chiến thắng về mặt tâm lý. Điển hình nhất là vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, tại trung Thương mại Niu Oóc làm trên 2.000 người thiệt mạng(137). Nó đã làm thay đổi cục diện của chủ nghĩa khủng bố và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Các cuộc xung đột tôn giáo cũng rất phức tạp và khó giải quyết, do liên quan đến các chuẩn mực giá trị, đạo đức của các cộng đồng dân tộc, có lịch sử lâu dài và thường liên quan đến nhiều quốc gia, ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
(137) Hồ sơ sự kiện Thế giới Islam giáo, chuyên san của Tạp chí Cộng sản, số 55 (10/3/2009).
Bốn là, xu hướng đa dạng tôn giáo, dân tộc là hệ quả tất yếu của thời kỳ toàn cầu hóa, di dân và phân công lao động quốc tế. Toàn cầu hóa cùng với quá trình di dân với nhiều lý do đã tạo nên cho đa số các quốc gia trên thế giới là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đến nay hầu hết các quốc gia trên thế giới là những quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đa dạng hóa tôn giáo, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày ngay rất phức tạp.
Theo tác giả Đỗ Quang Hưng, tính đa dạng về mối quan hệ giữa tôn giáo, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa nổi lên những vấn đề lưu ý sau:
Thứ nhất, vấn đề tôn giáo và bản sắc tộc người vừa có sự gắn kết, vừa xung đột. Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội và thách thức cho các tộc người, trong đó, nguy cơ bị xâm lăng văn hóa, đồng hóa dân tộc là vấn đề quan trọng nhất. Trong điều kiện đó, tôn giáo với tư cách là một phần cốt lõi của văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc được xem như một yếu tố nội tại có sức mạnh bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Nó trở thành nhân tố quan trọng để cố kết cộng đồng, giữ vững bản sắc dân tộc, nhưng chính nó cũng lại là nhân tố gây nên sự xung đột. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc đã nổ ra nhiều cuộc xung đột vũ trang có liên quan đến vấn đề tôn giáo và dân tộc. Đó là cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan, Nagorno-Karabakh, Azerbaijan và Armernia, Sudan, Iran-Irắc; Nam Tư; Indonesia, Thái Lan, Bắc Ailen, Ai Cập, Liban, Chesnia, Philippines có lý do tôn giáo. Cuộc xung đột sắc tộc tại Rwanda lại không có lý do tôn giáo giữa hai bộ tộc Hutu và Tutsi. Tôn giáo không phải là nguyên nhân duy nhất hoặc chủ yếu làm nảy sinh các xung đột sắc tộc trong thế giới ngày nay(138), mà là kinh tế, chính trị-xã hội, văn hóa, tôn giáo, có cả yếu tố hệ tư tưởng mà chính sách của các nước phương Tây đang áp đặt cho các nước thuộc thế giới thứ ba.
(138) Đỗ Quang Hưng, "Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo-dân tộc trong tình hình hiện nay (vài phân tích có tính phương pháp luận)", Tlđd, tr.7-8.
Thứ hai, yếu tố tôn giáo trở thành bản sắc tộc người dễ trở thành yếu tố gây xung đột dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một trong những yếu tố cốt lõi của bản sắc tộc người là tôn giáo, nhưng khi đã trở thành bản sắc dân tộc nó rất dễ trở thành yếu tố gây xung đột sắc tộc. Theo S. Hungtington “Trong thế giới hậu chiến tranh lạnh, sự phân biệt quan trọng nhất giữa các dân tộc không còn là hệ tư tưởng, chính trị hay kinh tế mà là vấn đề văn hóa. Con người tự xác định mình bằng cốt lõi tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, hệ giá trị, phong tục và giáo thuyết. Họ xác định mình bằng cộng đồng văn hóa: bộ lạc, bộ tộc, cộng đồng tôn giáo, quốc gia và ở mức độ rộng rãi nhất là nền văn minh”(139). Các cuộc xung đột dân tộc diễn ra ở Bắc Ailen, Nam Tư (cũ), Ấn Độ, Pakistan, không hề có sự xung đột về chủng tộc mà chỉ là sự khác biệt và xung đột về tôn giáo, về các mô thức văn hóa, vai trò xã hội xuất phát từ tôn giáo. Yếu tố gắn kết của tôn giáo trong việc hình thành cộng đồng tộc người rất lớn. Khi tôn giáo trở thành bản sắc tộc người rất dễ trở thành yếu tố phân ly, chia rẽ và xung đột khi các cộng đồng tộc người ấy sống gần nhau, hoặc cũng có khi các cộng đồng tôn giáo - tộc người ấy “thỏa thuận” tự nguyện tham gia vào một nhà nước - dân tộc(140). Toàn cầu hóa trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thế giới có nhiều biến động càng làm cho vấn đề dân tộc và tôn giáo trở nên vô cùng phức tạp ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
(139) Samuel Hungtington, Sự va chạm giữa các nền văn minh, sđd, tr.12.
(140) Đỗ Quang Hưng, "Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo-dân tộc trong tình hình hiện nay (vài phân tích có tính lý luận)", Tlđd, tr.8.
6. Xung đột liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc
6.1. Tình trạng xung đột dân tộc (tộc người) liên quan đến tôn giáo
Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế đối đầu Xô-Mỹ tan rã tạo ra khoảng trống quyền lực chính trị ở nhiều nơi, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dẫn đến các cuộc xung đột tộc người, tôn giáo bùng nổ ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới(141). Phong trào ly khai ở Liên bang Nam Tư. Năm 1946, nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư được thành lập với 6 nước cộng hoà gồm: Bosnia - Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia và hai tỉnh (thuộc Serbia) tự trị là Kosovo và Vojvodina. Sau khi Liên Xô tan rã, Nam Tư sụp đổ (1991), dẫn đến chiến tranh huynh đệ tương tàn, bi thảm giữa những người theo Chính Thống giáo (Serbia, Montenegro, Bosna và Hercegovina), người theo Islam giáo (Kosovo, Bosna và Hercegovina, Macedonia) và người theo Công giáo (Slovenia, Croatia), làm hàng triệu người chết hoặc di cư. Liên bang Nam Tư bị xé nát thành 6 quốc gia độc lập mới theo truyền thống tôn giáo của họ. Sự khác biệt về tôn giáo cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan góp phần vào sự sụp đổ của liên bang Nam Tư năm 1991.
(141) Xung đột vũ trang trong thế kỷ 21 - Nghiên cứu Quốc tế, http://nghiencuuquocte.org > 2014/08/03 > 192-xung-d..., ngày 3/8/ 2014, truy cập ngày 16/10/2021.
Ở liên bang Nga và khu vực Trung Á, sự tan rã của Liên bang Xô viết nảy sinh chủ nghĩa ly khai, xung đột ở Tresnia, Cápcarơ, các nước cộng hòa ở Trung Á, khuynh hướng đòi ly khai của các dân tộc thiểu số ở Siberia. Trong cuộc xung đột Nagorno - Karabakh, giữa người Azerbaijan theo Islam giáo và người Armernia theo Công giáo. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hơn 100 dân tộc anh em của Liên Xô đã chung sức xây dựng một nhà nước hùng mạnh bậc nhất thế giới. Nhưng do những sai lầm trong chính sách dân tộc, tôn giáo thời Xô viết, khi liên bang tan rã, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan trỗi dậy khích động tư tưởng ly khai, được các thế lực bên ngoài hậu thuẫn gây nên xung đột huynh đệ tương tàn(142).
(142) Đỗ Quang Hưng, "Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo - dân tộc trong tình hình hiện nay (vài phân tích có tính phương pháp luận)", Tlđd, tr.13
Trung Đông là nơi tập trung các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, kinh tế, chính trị, xã hội đan xen, chồng chéo tạo ra vòng xoáy bạo lực kéo dài và chưa có hồi kết. Xung đột giữa Israel theo Do Thái giáo với các nước Ả Rập theo Islam giáo dẫn đến các cuộc chiến tranh Trung Đông. Xung đột giữa người Ả Rập theo Islam giáo dòng Sunni (Ả Rập Xê út) với người Ba Tư (Iran) theo dòng Shia; cuộc xung đột Iran-Irắc (1980-1988) giữa hai phái Shia và Sunni; phong trào đòi độc lập của người Kurd theo Islam giáo với các quốc gia theo Islam giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria ở Tây Á. Sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố Islam giáo với các tổ chức như Jihad (1974) tại Paxlextin và Li Băng, Hezbollah, Al-Queda, nhất là tổ chức Nhà nước Islam giáo tự xưng IS (2014-2019) làm cho khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng, chiến tranh tàn khốc hơn bao giờ hết.
Châu Phi là các cuộc nội chiến dân tộc, tôn giáo giữa những người theo Công giáo và người theo Islam giáo ở Somali, Uganđa, Conggo, Sudan, Nigiêria (giữa người bản địa theo Kitô giáo với người nhập cư theo Islam giáo giữ quyền lãnh đạo). Xung đột tộc người, tôn giáo ở châu Phi có đặc trưng chung là thường xảy ra trong nội bộ một quốc gia đa dân tộc hoặc nhiều bộ tộc, luôn là vấn đề nhức nhối. Ở Nam Á, phong trào đòi ly khai của người theo đạo Sikh khỏi Ấn Độ, xung đột giữa người Islam giáo với Hindu, đạo Sikh. Phong trào đòi độc lập của khu vực Kashmir theo Islam giáo khỏi Ấn Độ. Nguồn gốc xung đột là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trước khi rời đi, thực dân Anh đã chia cắt tiểu lục địa Nam Á thành ba quốc gia: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, để lại vùng Kasmir theo Islam giáo. Mâu thuẫn giữa người theo Hindu giáo và Sikh giáo với cộng đồng Islam giáo kéo theo xung đột giữa Ấn Độ với Pakisstan. Pakistan, Apganistan là nơi dung dưỡng các phần tử và tổ chức Islam giáo khủng bố như Al-Qaeda, Taliban, tổ chức nhà nước Islam giáo tự xưng IS.
Đông Nam Á là khu vực có sự đa dạng nhất trên thế giới về vấn đề dân tộc, tôn giáo, trừ Thái Lan, còn tất cả các nước bị thực dân phương Tây xâm lược và mới giành được độc lập sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo ở khu vực này là do tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, chính sách dân tộc của các chính phủ bị các phần tử dân tộc chủ nghĩa lợi dụng. Xung đột giữa người Islam giáo và người Công giáo ở Indonesia và trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines; xung đột giữa người Mã Lai theo đạo Islam với chính quyền Thái Lan theo Phật giáo; xung đột giữa người dân tộc thiểu số theo Islam giáo và dân tộc đa số theo Phật giáo ở Myanmar.
6.2. Một số cuộc xung đột liên quan đến tôn giáo và dân tộc
6.2.1. Khu vực châu Phi
Sudan là quốc gia Bắc Phi, dân số 44 triệu người (12/2020), 70% Islam giáo, 13% Công giáo. Xung đột tôn giáo liên quan đến vấn đề ly khai, giữa những người bản địa theo đạo Kitô ở miền nam với người Islam giáo ở miền bắc nhập cư nhưng lại nắm chính quyền. Sau khi giành được độc lập (1954), chính quyền do người Islam giáo nhập cư nắm giữ, chủ trương theo chính sách Islam giáo hoá, bất chấp quyền lợi của dân Công giáo và người theo tôn giáo bản địa. Điều đó đã dẫn đến xung đột tàn khốc, kéo dài làm cho 20 ngàn người chết, bốn triệu người phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người bị bắt làm nô lệ(143). Tháng 1/2005, chính quyền Nam Sudan do Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM) đứng đầu được thiết lập, chấm dứt 21 năm nội chiến - cuộc nội chiến kéo dài nhất ở châu Phi, làm 2,5 triệu người chết, 5 triệu người phải đi lánh nạn. Ngày 25/11/2011, Nam Sudan chính thức độc lập thuộc khu vực Đông Phi(144). Nhưng ở Sudan, xung đột vẫn xảy ra giữa chính phủ do người Islam giáo Ả Rập nắm giữ, với những người nổi dậy Islam giáo da đen ở vùng Darfur ở phía Tây, đòi chia sẻ quyền lực với Khartoum giống như một hiệp ước giữa chính phủ với nhóm Phong trào Giải phóng Dân tộc Sudan (SPLM). Cuộc xung đột làm cho 400 ngàn người chết và gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Phi kể từ thảm họa diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Năm 2018, các bên đã đạt được thỏa thuận hòa bình(145).
(143) Những điểm nóng về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Á - Phi, Thông tin chuyên đề Một số vấn đề về dân tộc và về tôn giáo, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 1/2003, tr.77.
(144) Xung đột vũ trang trong thế kỷ 21 - Nghiên cứu Quốc tế, http://nghiencuuquocte.org > 2014/08/03 > 192-xung-d..., ngày 3/8/ 2014, truy cập ngày 16/10/2021.
(145) Xung đột tại Nam Sudan khiến hàng chục binh sĩ thiệt mạng, ttps:// baotintuc.vn > Thế giới, ngày 8 thg 8, 2021, truy cấp ngày 16/10/2021
Nigiêria là quốc gia Tây Phi, dân số 208 triệu người (12/2020), trên 500 tộc người. Người Islam giáo chiếm 50%, Kitô giáo 40% và 10% theo tôn giáo bản địa(146). Xung đột dân tộc, tôn giáo ở Nigiêria diễn ra trong nhiều thế kỷ giữa những người dân bản địa theo Kitô giáo thuộc các dân tộc thiểu số ở miền Nam, với những người Islam giáo từ phương Bắc nhập cư chiếm đa số(147). Trong 5 năm (1999-2004), các cuộc xung đột chủng tộc và tôn giáo đã có hơn 10.000 người chết(148). Trong 10 năm (2000-2010), xung đột diễn ra khốc liệt giữa người theo Công giáo và Islam giáo, làm cho 3.958 người chết, hàng ngàn người khác bị thương(149). Cuộc xung đột diễn ra tháng 1/1/2010, tại thành phố Jos làm cho 492 người chết, 40.000 người bị mất nhà cửa(150). Ở Nigiêria còn có các nhóm Islam giáo khủng bố cực đoan như tổ chức Boko Haram, Nhà nước Islam giáo tự xưng IS và nhóm Fulani. Tháng 7/2009, tổ chức Boko Haram đòi áp dụng Luật Sharia lên toàn bộ Nigeria, tiến hành khủng bố làm 700 người bị chết(151). Trong những năm 2010-2020, ước tính có khoảng 50.000 đến 70.000 Kitô hữu ở Nigiêria đã bị chết trong các cuộc xung đột. Lý do sát hại người Kitô giáo, đối với nhóm Boko Haram và IS là nhằm loại bỏ ảnh hưởng phương Tây và trả thù (năm 2014 nhóm Boko Hama đã bắt 270 nữ sinh ở Chibok và 2018, chúng bắt cóc 333 em ở Dapchi); còn nhóm Fulani do kinh tế-xã hội, sắc tộc và tôn giáo, người Fulani chủ yếu là người Islam giáo, ghét Kitô giáo”(152). Xung đột ở Nigiêria vừa mang yếu tố tôn giáo, tộc người, vừa liên quan đến chủ nghĩa khủng bố Islam giáo nên rất khốc liệt, dai dẳng, chưa có hồi kết.
(146) Đỗ Trọng Quang, "Quan hệ giữa tôn giáo và sắc tộc ở Nigeria", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8/2007, tr.46.
(147) Những điểm nóng về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Á-Phi, trong Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo, Viện Thông tin khoa học, Thông tin chuyên đề, số 1/2003, tr.77-78.
(148) Nigeria: 630 người chết do xung đột tôn giáo và sắc tộc, http://nld.com.vn > Thời sự quốc tế, Người đưa tin, ngày 7/5/2004, truy cập ngày 16/10/2021
(149) Những cuộc xung đột tôn giáo ở Nigeria - Báo Nhân Dân, https://www. nhandan.com.vn > thegioi > item, truy cập ngày 16/10/2021.
(150) Nguyễn Văn Dũng, "Về cuộc xung đột sắc tộc-tôn giáo ở Nigiêria hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2010, tr.46-50.
(151) Những cuộc xung đột tôn giáo ở Nigeria - Báo Nhân Dân, https://www. nhandan.com.vn > thegioi > item, truy cập ngày 16/10/2021.
(152) Ki-tô hữu Nigeria kiên cường hơn những kẻ khủng bố, https://www. vaticannews.va > world > news > kito-huu-..., ngày 17 tháng 9, 2020, truy cập ngày 16/10/2021.
6.2.2. Khu vực Nam Á
Ấn Độ có dân số 1,38 tỷ người (12/2020), Hindu 81%, Islam giáo 13%, Kitô giáo 2%, đạo Sikh 2%. Năm 1948, thực dân Anh chia Ấn Độ thành 3 quốc gia: Ấn Độ (81% Hindu giáo, 13% Islam giáo), Pakistan (99% Islam giáo), Bangladesh (83% Islam, 16% Hindu), để lại Kasmir gây xung đột. Xung đột ở Ấn Độ đan xen các yếu tố lịch sử, tôn giáo, dân tộc, lãnh thổ quốc gia,… giữa người theo đạo Hinđu với người Islam giáo và người theo đạo Sikh, liên quan cả đến Pakistan, Bangladesh. Nguyên nhân do lịch sử để lại, người Islam giáo bị coi là hậu duệ của những kẻ ngoại xâm nên bị phân biệt đối xử và trở thành mục tiêu của những phần tử Hindu giáo cực đoan. Xung đột năm 1992-1993, có 150 ngàn phần tử cực đoan Hindu phá hủy một thánh đường Islam giáo thời Mogol ở Ayodhya, làm 2.000 người chết, để lại sự thù hận giữa hai bên(153). Ngày 26-29/11/2002, xảy ra vụ khủng bố tại trung tâm thương mại ở Mumbai làm 2.000 người Islam giáo và Hindu thiệt mạng. Từ năm 2004, có 4000 người Ấn Độ chết trong các vụ khủng bố. Năm 2008, Ấn Độ đã xảy ra gần 800 sự kiện khủng bố. Mâu thuẫn giữa người Hindu và người Islam ở Ấn Độ càng trở nên phức tạp hơn khi có sự tiếp tay của các tổ chức khủng bố ở Afghanistan, Pakistan và Bangladesh. Xung đột tôn giáo, dân tộc ở Ấn Độ còn liên quan đến đạo Sikh và vùng Kashmir, nơi tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Từ 1960 năm, Nam Á xảy ra bạo loạn triền miên do sự hằn thù giữa người Hindu và Islam giáo, xung đột lại lôi cuốn vào hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan(154).
(153) Xung đột dân tộc, tôn giáo ở một số nước và giải pháp, https://tcnn.vn > news > detail > Xung_dot_dan_toc_to..., ngày 17/8/2014, truy cập ngày 16/10/2021.
(154)Xung đột Islam giáo và Hindu giáo-Toquoc.vn, https://toquoc.vn > xung- dot-hoi-giao-va-, hindu-giao-9...ngày 10/12/2008, truy cập ngày 16/10/2021.
Pakistan là quốc gia Islam giáo tách ra khỏi Ấn Độ năm 1947, dân số có 223 triệu người (12/2020), trong đó 97% Islam giáo và 2,5% Công giáo. Xung đột giữa hai cộng đồng Islam giáo và Công giáo(155); giữa người Islam giáo dòng Sunni (đa số) và dòng Shia (thiểu số), liên quan đến vấn đề Chính phủ do người Sunni nắm quyền thân phương Tây (Mỹ) trong cuộc chiến chống khủng bố. Năm 2012, xung đột làm 400 người chết. Năm 2013, xảy ra 3 vụ khủng bố làm 259 người chết, hơn 180 người bị thương, do tổ chức Islam giáo cực đoan Lashkar-e-Jhangvi (LeJ) thực hiện(156).
(155) Những điểm nóng về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Á - Phi, Thông tin chuyên đề Một số vấn đề về dân tộc và về tôn giáo, tài liệu phục vụ lãnh đạo, Viện Thông tin khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 1/2003, tr.77.
(156) Pakistan: Bùng nổ xung đột tôn giáo - Hànộimới, http://hanoimoi.com.vn > Tin-tuc > The-gioi > pakistan...ngày 19 thg 2, 2013 , truy cập ngày 16/10/2021
6.2.3. Khu vực Đông Nam Á
Indonesia là quốc gia đa tộc người và đa tôn giáo, dân số trên 274 triệu người (12/2020), 300 sắc tộc, 742 ngôn ngữ, thổ ngữ; 87,2% dân số theo Islam giáo, 9,9% Kitô giáo; 1,7% Hindu giáo; 0,7% Phật giáo và 0,3% các tôn giáo khác(157). Vấn đề dân tộc gắn với tôn giáo ở Indonesia vừa có biểu hiện mâu thuẫn giữa các tôn giáo (Islam giáo với Công giáo), vừa có biểu hiện của chủ nghĩa ly khai, giải lãnh thổ. Sau khi giành được độc lập, đất nước Indonesia đứng trước nhiều vấn đề gay gắt, mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo. Các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo ở Indonesia rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại Đông Timo là cuộc đấu tranh giành độc lập của những người theo Công giáo từ năm 1975. Tại quần đảo Maluku là xung đột giữa người Kitô giáo với người Islam giáo. Những người Islam giáo đã thành lập các đơn vị bán quân sự được trang bị vũ khí sẵn sàng tiến hành cuộc “Thánh chiến” để bảo vệ người Islam giáo. Từ đầu năm 1999 đến năm 2003, xung đột dân tộc và tôn giáo ở quần đảo Manlucu làm 10 ngàn người chết (6.000 người đạo Islam và 4.000 người Công giáo); 500 ngàn người di cư, 15 ngàn người Kitô giáo phải lánh nạn; 300 nhà thờ Công giáo, 200 thánh đường Islam giáo bị phá hủy(158). Xung đột tại Tây Papua (Irian Jaya), xảy ra giữa quân đội chính phủ với các nhóm ly khai. Phong trào đấu tranh của tổ chức ly khai dân tộc Papua tự do lên cao sau khi Đông Timor giành được độc lập. Những bất ổn ở Tây Papua lắng xuống sau khi Chính phủ Indonesia thông qua Đạo luật về quy chế tự trị đặc biệt cho tỉnh Tây Papua vào tháng giêng năm 2002(159). Xung đột tại Aceh, do nhóm Islam giáo ly khai có vũ trang thuộc phong trào Aceh tự do (GAM). Phong trào Aceh tự do tuyên bố Aceh là một tỉnh độc lập và kêu gọi dân chúng Aceh chống lại chính sách của chính phủ. Các cuộc xung đột làm 5.000 người dân Aceh bị giết hại bởi lực lượng an ninh của chính quyền Giacácta. Tổng thống Megawati Sukarnoputri (2001-2004), đưa ra giải pháp tổng thể về vấn đề Aceh, trong đó có chiến dịch quân sự tổng lực để tiêu diệt GAM và các lực lượng ly khai. Năm 2001, Chính phủ trao Luật tự trị đặc biệt của Aceh. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 2015, ở Aceh vẫn xảy ra 465 vụ bạo lực liên quan đến bầu cử làm 13 người chết(160). Ngày 18/11/2009, tại Banda Aceh (thủ phủ Aceh) diễn ra cuộc biểu tình làm 5.000 người thiệt mạng(161).
(157) Statistics of People by Religion in Indonesia, Ministry of Religion of the Republic of Indonesia. 15 May 2018. Archived from the original on 3 September 2020. Retrieved 15 November 2020.
(158) Xung đột dân tộc, tôn giáo ở một số nước và giải pháp, https://tcnn.vn > news > detail > Tạp chí Tổ chức nhà nước, ngày 17 /8/2014.
(159) Vấn đề li khai dân tộc ở vài nước Đông Nam Á sau chiến ..., https://text. xemtailieu.net > tai-lieu > van-de-li-khai-dan, truy cập ngày 16/10/2021, tr.44.
(160) Xung đột dân tộc, tôn giáo ở một số nước và giải pháp, https://tcnn.vn > news > detail > Tạp chí Tổ chức nhà nước, ngày 17 /8/2014.
(161) Vấn đề li khai dân tộc ở vài nước Đông Nam Á sau chiến..., https://text. xemtailieu.net > tai-lieu > van-de-li-khai-dan, truy cập ngày 16/10/2021, tr.45.
Philippines là quốc gia có người Công giáo nhiều nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (85% trong tổng số 110 triệu dân vào năm 2020), người Islam giáo chiếm 5% dân số. Xung đột về dân tộc, tôn giáo ở Philippines liên quan đến chủ nghĩa ly khai gắn với chủ nghĩa khủng bố Islam giáo trên bán đảo Minđanao (5 triệu dân Islam giáo ở chiếm 1/4 dân số) ở miền nam. Do tình trạng nghèo đói và sự khác biệt về tôn giáo, đảo Mindanao đã trở thành cái nôi của phong trào ly khai Islam giáo. Năm 1968, Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro (MNLF), được thành lập với mục đích xây dựng nhà nước Islam giáo Mindanao tự trị cho người Moro. Năm 1977, tổ chức Mặt trận Islam giáo giải phóng Moro (MILF) được thành lập, liên kết với MNLF chủ trương thành lập nhà nước riêng ở đảo này. Nội chiến ở Mindanao bùng nổ dưới đời Tổng thống Ferdinand Marcos (1965-1986), làm cho 120 ngàn người thiệt mạng. Năm 1986, Mặt trận Islam giáo giải phóng Mới (MILF) tách khỏi Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF), tuyển mộ quân gồm 40.000 tay súng và đòi thành lập nhà nước độc lập gồm 4 tỉnh có đa số dân Islam giáo ở Mindanao(162). Năm 1991, tổ chức Islam giáo cực đoan Abu Sayyaf được thành lập trên đảo Basilan và Jolo. Tổ chức này được sự tài trợ của tổ chức khủng bố Al-Qaede do Osama Bin Laden cầm đầu, tuyên bố dùng bạo lực để thành lập nhà nước Islam giáo; kích động tư tưởng hận thù tôn giáo làm cho cuộc xung đột giữa người Công giáo với người Islam giáo trở nên gay gắt. Theo thống kê của các tổ chức nhân đạo năm 2005 có 70.000 người dân Sulu phải đi sơ tán. Trong 10 tháng đầu năm 2006, có 4.138 gia đình bao gồm 22.000 dân ở Maguindanao phải di dời nhà cửa. Hàng ngàn người dân vô tội bị chết và bị thương. Ngày 15/10/2013, Chính phủ Philippines và Mặt trận Islam giáo Moro đã kí thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm, mở đường cho việc mở rộng khu tự trị mới tại miền Nam Philippines(163).
(162) Những điểm nóng về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Á - Phi, Thông tin chuyên đề Một số vấn đề về dân tộc và về tôn giáo, Viện Thông tin khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 1/2003, tr.77.
(163) Vấn đề li khai dân tộc ở vài nước Đông Nam Á sau chiến ..., https://text. xemtailieu.net > tai-lieu > van-de-li-khai-dan, truy cập ngày 16/10/2021, tr.94-95.
Thái Lan, dân số 70 triệu người (2020), 94% theo Phật giáo, 5% Islam giáo, 1% Kitô giáo. Xung đột giữa người Mã Lai theo đạo Islam với chính quyền Thái Lan theo Phật giáo từ những năm 1960. Năm 1968, Tổ chức Giải phóng thống nhất Pattani (PULO) của những người Thái gốc Mã Lai theo Islam giáo ở miền Nam Thái Lan được thành lập. Xung đột ở các tỉnh miền Nam Thái Lan rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của của cả Chính phủ và quân ly khai. Từ năm 1979-2003, có 233 người chết, thì từ tháng 01/2004-6/2005 lên tới 917 người chết. Năm 2007, có 6.000 người chết trong các cuộc xung đột(164). Ngày 28/02/2013, Chính phủ Thái Lan ký thỏa thuận đầu tiên với Mặt trận Cách mạng dân tộc (BRN) ở khu vực miền Nam - nơi tập trung tín đồ Islam giáo(165). Tuy nhiên, xung đột vẫn xảy ra ở khu vực này. Xung đột ở 3 tỉnh miền Nam là Yala, Pattani và Narathiwwat trong 15 năm (2004-2019), giữa người Islam giáo Mã Lai đòi quyền tự trị nhiều hơn chính quyền Thái Lan làm hơn 7.000 người thiệt mạng(166).
(164) http://www.Thai lan insurgency - Wikipedia.org/wiki
(165) Xung đột dân tộc, tôn giáo ở một số nước và giải pháp, https://tcnn.vn > news > detail > Xung_dot_dan_toc_to...ngày 17/8/2014, truy cập ngày
(166) Miền Nam Thái Lan chìm trong bất ổn-Đà Nẵng-Công an nhân dân Online, http://cadn.com.vn > news > 91_215561_mien-nam-tha..., ngày 7/11/ 2019, truy cập ngày 22/10/2021.
Myanmar, dân số 54,6 triệu người (2020), 130 tộc người, Phật giáo Theravāda (nguyên thủy) chiếm 87,9%, Công giáo 6,2%, Islam giáo 4,3%, Hindu 0,5%. Xung đột tôn giáo và tộc người ở Myanmar do chính sách phân biệt, kỳ thị người thiểu số; nguyên nhân do lịch sử để lại và tâm lý kỳ thị người Islam giáo, nhất là người Rohingya theo Islam giáo. Năm 1951, một tổ chức của người Rohingya theo đạo Islam ở Arakhan, kêu gọi thành lập một “Nhà nước Islam giáo tự do, bình đẳng với các bang khác trong Liên hiệp Myanmar”. Nhưng chính quyền Myanmar chỉ coi người “Rohingya”, là người Bangladesh di cư(167), nên xung đột xảy ra. Năm 2012, bạo loạn ở bang Rakhine giữa các Phật tử và người Islam giáo Rohingya làm 88 người chết, 90.000 người di cư, 2.528 ngôi nhà bị đốt cháy(168). Ngày 20/02/2013, Chính phủ Myanmar tổ chức hội đàm với Hội đồng Liên bang các dân tộc thống nhất (UNFC) gồm hơn 10 nhóm sắc tộc, nhằm tìm cách giải quyết xung đột sắc tộc, nhưng không có kết quả. Năm 2017, xảy ra xung đột làm hàng chục ngàn người Rohingya ở bang Rakhine phải di cư(169). Tháng 6/2021, cuộc xung đột làm 29 người chết, hàng chục ngàn người phải di cư, gần 2.600 ngôi nhà bị phá hủy. Ngày 03/6/2021, xung đột làm 38 người bị thương(170). Xung đột tôn giáo và dân tộc ở Myanmar chưa được giải quyết dứt điểm do chính sách dân tộc của chính phủ nước này.
(167) Minh Châu, Cội nguồn thảm kịch Rohingya ở Myanmar - Báo Mới, https:// baomoi.com > coi-nguon-tham-kich-rohingya-o-m..., ngày 2/9/2017, truy cập ngày 16/10/2021.
(168) Peter Beaumont (2012), “Burma’s leader admits deadly attacks on Muslims”, truy cập ngày 22/10/2021.
(169) Mai Chi, Trở ngại trong tiến trình hòa hợp ở Myanmar - hanoimoi.com, https://hanoimoi.com.vn > ban-in > The-gioi > tro-ngai-tr.., truy cập ngày 16/10/2021.
(170) Xung đột sắc tộc ở Myanmar: 29 người chết - Hànộimới, http://hanoimoi. com.vn > ban-in > The-gioi > xung-dot..., truy cập ngày 16/10/2021.
6.2.4. Khu vực Đông Bắc Á-Trung Quốc
Tại Trung Quốc, phong trào ly khai của các tộc người thiểu số theo Islam giáo ở Tân Cương và những người thiểu số theo Phật giáo Tây Tạng do Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu với chính quyền Trung Quốc. Ở các khu vực này, trước khi Trung Quốc thống nhất (1949), các tôn giáo đã trở thành bản sắc tộc người, như Islam giáo trong các tộc người thiểu số (10 tộc người) ở Tân Cương; Phật giáo Tạng truyền (Mật giáo hay Kim Cương thừa) trong các tộc người ở Tây Tạng, nên khi Trung Quốc thống nhất các khu vực này (lập khu tự trị), đụng chạm tới vấn đề dân tộc, tôn giáo đã làm nảy sinh chủ nghĩa ly khai liên quan đến Phật giáo Tây Tạng, đến Islam giáo vùng Tân Cương. Bên cạnh đó, những sai lầm trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đã bị phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan cùng các thế lực từ bên ngoài lợi dụng kích động, gây ra các cuộc xung đột liên quan đến dân tộc và tôn giáo. Ở Tây Tạng xảy ra cuộc xung đột với Phật giáo (tháng 3/2008)(171); ở Tân Cương xảy ra vụ bạo loạn gắn với chủ nghĩa khủng bố Islam giáo (2009, 2014(172)). Nguyên nhân là do chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Trung Quốc làm cho người Islam giáo, Phật giáo Tây Tạng cảm thấy văn hoá, tín ngưỡng, ngôn ngữ của họ không được tôn trọng. Hơn nữa, kinh tế do người Hán ở Tân Cương, Tây Tạng nắm giữ nên người dân ở Tân Cương, Tây Tạng cảm thấy bị thiệt thòi quá nhiều, cùng với tư tưởng ly khai muốn lập một khu tự trị. Các vụ việc xảy ra ở Tân Cương và Tây Tạng cho thấy, vấn đề tôn giáo gắn bó với vấn đề dân tộc nên phải thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc. Những vụ bạo loạn ở Tân Cương, Tây Tạng, có âm mưu của các thế lực thù địch, trong đó có Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, xây dựng một xã hội hài hòa. Một số tôn giáo ở Trung Quốc chịu sự chi phối của tổ chức tôn giáo nước ngoài nên dễ bị lợi dụng.
(171) Nguyễn Hồng Dương, "Kinh nghiệm giải quyết vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc, Thái Lan và Singapore" (Phần 1: Trường hợp Trung Quốc), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10/2010, tr.67.
(172) Xung đột đẫm máu ở Tân Cương: vấn đề nhức nhối của Trung Quốc, https:// vov.vn.