Tôn giáo có nguồn gốc từ đời sống kinh tế, xã hội, ra đời, phát triển dựa trên những điều kiện xã hội hiện thực nhất định. Do vậy, sự biến đổi của đời sống xã hội tất yếu dẫn đến sự chuyển biến của tôn giáo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam đang có sự chuyển biến nhanh chóng, nhiều chiều. Sự chuyển biến đó diễn ra trên hai phương diện, thứ nhất là, sự chuyển biến dẫn đến sự biến đổi làm thay đổi tôn giáo, người ta rời bỏ tôn giáo cũ đi theo tôn giáo mới, lối sống mới, hệ thống niềm tin mới và các thể thức mới, như sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới hay lối sống đạo mới (sống đạo online); thứ hai là, sự chuyển biến, nhưng không làm thay đổi bản chất hay xu hướng của tôn giáo. Chẳng hạn, dù đã có sự phát triển vượt ra ngoài địa bàn truyền thống, song, nhìn chung, Phật giáo, Hindu giáo cơ bản vẫn thuộc về châu Á, Islam giáo vẫn thuộc về các xã hội Á-Phi, các tôn giáo này vẫn rất khó xâm nhập vào xã hội Âu-Mỹ, mặc dù người châu Á, châu Phi có mặt ở các nước Âu- Mỹ ngày càng nhiều. Trong khi Kitô giáo cơ bản vẫn thuộc về xã hội phương Tây (Âu-Mỹ), rất khó phát triển trong xã hội châu Á, mặc dù châu Á là cái nôi sinh ra nó.
Sự chuyển biến tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 trong khi có sự biến đổi làm xuất hiện các yếu tố mới của tôn giáo, nhưng cơ bản chỉ có sự thay đổi ở mặt hình thức bề ngoài, diện mạo của nó mà thôi. Ví như, sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới có thể thu hút được một bộ phận tín đồ, nhưng nhân loại ngày nay vẫn bị chi phối bởi các tôn giáo truyền thống, có lịch sử lâu đời, như Kitô giáo, Islam giáo, Hindu giáo, Phật giáo, chỉ 4 tôn giáo ấy thôi đã chiếm 77,20% dân số thế giới. Hay như phong trào thế tục hóa phát triển mạnh mẽ, số người bất khả tri, người vô thần tăng nhanh, chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu dân số thế giới, song, số người có tôn giáo vẫn chiếm tỷ lệ đa số áp đảo (trên 84% dân số thế giới có tôn giáo). Tuy vậy, đời sống tôn giáo đang có sự chuyển biến, xuất hiện ngày càng nhiều hơn hạng người có đời sống tâm linh phi tôn giáo hay tâm linh “ảo”, qua hệ thống mạng xã hội, trực tuyến (online). Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại kỹ thuật số, các tôn giáo không chỉ có sự chuyển biến để thích ứng với đời sống xã hội, mà nó còn vươn ra ngoài thế giới, thâm nhập vào đời sống hiện thực, đi vào những vấn đề của con người trên trần thế chứ không phải tìm hạnh phúc “hư ảo” ở thiên đường nơi thế giới bên kia xa xôi, diệu vợi. Trong đó, sự chuyển biến của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng không phải là một ngoại lệ.
Trên tinh thần ấy, cuốn sách “Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0” được kết cấu thành hai phần:
Phần I: Sự chuyển biến của tôn giáo trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, giới thiệu sự chuyển biến về niềm tin, nhân khẩu học (nhân học tôn giáo), địa bàn phân bố tôn giáo phân chia theo châu lục và khu vực châu lục; sự chuyển biến của các tôn giáo truyền thống, tức là những tôn giáo có lịch sử lâu đời, có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân loại, như Kitô giáo, Islam giáo, Hindu giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo toàn cầu, phương thức truyền giáo và lối sống đạo mới (online) là sản phẩm của thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng 4.0, kỹ thuật số. Phần này còn giới thiệu về sự chuyển biến của tôn giáo trong đời sống xã hội, sự hội nhập của tôn giáo vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như sự hòa giải giữa tôn giáo với khoa học. Đồng thời, nêu lên những biểu hiện mới về mối quan hệ giữa vấn đề tôn giáo và dân tộc trên phạm vi toàn cầu; tình trạng xung đột liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới.
Phần II: Sự chuyển biến của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, sự tác động của tôn giáo thế giới trong điều kiện Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế. Cuốn sách làm rõ hơn sự chuyển biến về nhân khẩu học tôn giáo và địa tôn giáo là hai vấn đề còn ít được quan tâm ở Việt Nam. Một số công trình nghiên cứu về nhân học tôn giáo ở Việt Nam có đề cập đến thành phần xã hội, giới tính, độ tuổi hay tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Islam giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo), tộc người (dân tộc). Ngoài các thành phần trên được làm rõ hơn, cuốn sách còn đề cập đến sự chuyển biến nhân học tôn giáo ở Việt Nam với sự xuất hiện các cộng đồng tôn giáo - dân cư mới, như nhóm tôn giáo tộc người, các cộng đồng tôn giáo di cư, cộng đồng tôn giáo người nước ngoài ở Việt Nam, cộng đồng tôn giáo người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng tôn giáo cư dân mạng. Qua đó cho thấy, bức tranh đa diện, đa phức các thành phần nhân học tôn giáo ở Việt Nam.
Về nhân khẩu tôn giáo, tín ngưỡng, nhìn chung, người Việt Nam theo tín ngưỡng (73%) nhiều hơn theo tôn giáo (27%). Người Việt Nam chủ yếu theo tín ngưỡng đa thần truyền thống, với người Việt (Kinh) (75%), người dân tộc thiểu số (80%), chỉ có trên dưới 20% dân số theo tôn giáo. Tín ngưỡng đa thần truyền thống ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú, nhưng mỗi cộng đồng tộc người, vùng miền có đặc trưng riêng. Tín ngưỡng của người Việt (Kinh) với đặc trưng là tục thờ thần (cả nhân thần, nhiên thần và thiên thần), phổ biến và sâu sắc nhất là tục thờ cúng tổ tiên theo ba cấp độ tế tự: trong gia đình, dòng họ thờ cúng tổ tiên theo huyết thống (phụ hệ); ở làng xã với tục thờ thần thành hoàng, thờ tổ nghề; ở cấp quốc gia với tục thờ Quốc tổ Hùng Vương; tín ngưỡng của các tộc người thiểu số ở trung du và miền núi phía Bắc với đặc trưng là tục thờ ma; tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Trường Sơn với đặc trưng là tục thờ Yang; tín ngưỡng của người Chăm với đặc trưng là tục thờ Pô; tín ngưỡng của người Khmer với đặc trưng là tục thờ Neak Tal; tín ngưỡng của người Hoa với đặc trưng là tục thờ thiên, địa, nhân. Về tôn giáo, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tôn giáo (có tôn giáo đa thần, tôn giáo độc thần, tôn giáo vô thần; có tôn giáo nội sinh, tôn giáo nhập nội, tôn giáo khu vực, tôn giáo thế giới), là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng tôn giáo nhất trên thế giới (đứng thứ ba, sau Đài Loan (Trung Quốc), Singapore)(1), nhưng đa số tôn giáo ở Việt Nam từ nước ngoài du nhập vào với số lượng tín đồ mỗi tôn giáo không nhiều.
(1) Religious Diversity Around The World | Pew Research Center, https://www.pewforum.org 2014/4/04, truy cập ngày 30/11/2021
Về địa tôn giáo, đã có một số công trình khảo sát phân chia theo các khu vực dân cư, song, mới chỉ ở từng tôn giáo cụ thể: Công giáo (chủ yếu theo giáo phận), Tin lành, Islam giáo, Cao Đài hay khu vực cụ thể (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). Trong cuốn sách này, sự chuyển biến tôn giáo ở Việt Nam được phân bố theo 7 khu vực: Trung du và miền núi phía Bắc (15 tỉnh); Đồng bằng Bắc Bộ (10 tỉnh, thành phố); Bắc Trung Bộ (6 tỉnh); Duyên hải Nam Trung Bộ (8 tỉnh, thành phố); Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố), mỗi khu vực có những loại hình và dân số tôn giáo khác nhau. Sự chuyển biến tôn giáo trong các cộng đồng tộc người được trình bày theo 3 khu vực: khu vực các cộng đồng tôn giáo tộc người mới hình thành trong thời kỳ đổi mới (người Mông, người Dao); khu vực các cộng đồng tôn giáo tộc người hình thành trên nền tảng đã có tôn giáo nay bổ sung, củng cố (các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên) và sự chuyển biến trong khu vực tôn giáo của người Chăm, người Khmer. Sự chuyển biến tôn giáo ở Việt Nam còn được đề cập tới trên phương diện truyền giáo, lối sống đạo; những thay đổi về địa vị pháp lý của các tôn giáo ở Việt Nam với số lượng tổ chức tôn giáo được công nhận ngày càng nhiều, kể cả các tôn giáo thuộc diện nhóm nhỏ; các tôn giáo sau khi được thừa nhận tích cực xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự và hoạt động tôn giáo. Sự chuyển biến tôn giáo trong các hoạt động xã hội ở nước ta hiện nay, nhất là việc các tôn giáo tham gia vào hoạt động xã hội hóa y tế, giáo dục, an sinh, bảo trợ xã hội và các phong trào thi đua yêu nước cho thấy, tiềm năng của các nguồn lực tôn giáo là không nhỏ, cần có cơ chế, chính sách phát huy cho sự nghiệp phát triển đất nước.
“Sự chuyển biến tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0” là một đề tài thú vị, nhưng thực sự là một chủ đề khó. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của độc giả và xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Hà Nội, tháng 11 năm 2021
Tác giả