Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, có nguồn gốc từ đời sống kinh tế, xã hội, do đời sống kinh tế, xã hội quyết định. Bởi vậy, mọi sự biến đổi của đời sống xã hội đều chi phối, tác động làm chuyển biến, thay đổi đến đời sống tôn giáo ở những mức độ khác nhau. Bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc các mạng khoa học, công nghệ hiện nay, nhất là cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), thực sự đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đời sống tôn giáo. Sự chuyển biến của tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 diễn ra vô cùng nhanh chóng trên mọi phương diện, từ sự chuyển biến đức tin, gia tăng số lượng tín đồ, chức sắc, hệ thống tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam trở nên đa dạng hơn, có sự chuyển biến, thay đổi bản đồ phân bố tôn giáo. Tìm hiểu về sự chuyển biến tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một đề tài hấp dẫn, nhưng cũng rất khó, bởi tính thay đổi, biến động của nó. Tác giả - Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Lợi, là người được đào tạo cơ bản về tôn giáo học ở Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành tôn giáo học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và là người có niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học, bởi vậy, công trình nghiên cứu “Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0” thực sự có giá trị khoa học, là tâm huyết của tác giả.
Dựa vào lý thuyết biến đổi tôn giáo thông qua phương pháp nghiên cứu tôn giáo học kết hợp với các phương pháp nghiên cứu liên ngành và đa ngành xã hội học tôn giáo, dân tộc học tôn giáo, sử học tôn giáo, tác giả đã trình bày làm toát lên bức tranh chuyển đổi tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam khá toàn diện, chân thực và sinh động. Sự chuyển biến của tôn giáo được tác giả nhìn nhận dưới hai chiều cạnh: những chuyển biến là sự thay đổi loại bỏ tôn giáo cũ, thay thế bằng tôn giáo mới, song, có những chuyển biến chỉ làm thay đổi hình thức của tôn giáo cho phù hợp với xã hội hiện đại. Cách tiếp cận này cho phép nhận diện một cách rõ ràng hơn sự chuyển biến của tôn giáo, khắc phục được tình trạng đồng nhất sự chuyển biến với biến đổi. Chẳng hạn, sự chuyển biến tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, chủ yếu diễn ra trong cộng đồng người Mông, một ít người Dao, các tộc người khác cũng có sự chuyển đổi đức tin tôn giáo, nhưng nhỏ lẻ, không gây xáo trộn đời sống tôn giáo. Sự chuyển biến của tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam được trình bày trong bối cảnh của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng 4.0 trên các phương diện: sự chuyển biến niềm tin, dân số học tôn giáo, địa tôn giáo, sự thay đổi của các tôn giáo truyền thống, xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, cũng như những thay đổi về phương thức truyền giáo, lối sống đạo của thời đại khoa học công nghệ thông tin, kỹ thuật số có nhiều điều mới mẻ và sinh động. Sự chuyển biến đời sống tôn giáo còn được đề cập tới trong các mối quan hệ xã hội của xu hướng thế tục hóa tôn giáo đang diễn ra mạnh mẽ ngày nay.
Bức tranh chuyển biến tôn giáo ở Việt Nam được trình bày trong bối cảnh xu hướng tôn giáo trên thế giới cùng những điều kiện kinh tế, xã hội, ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự chuyển biến tôn giáo ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng, đôi khi có tính “đột biến”, trên tất cả mọi phương diện, từ chuyển biến niềm tin, số lượng tín đồ hình thành nên một diện mạo dân số học tôn giáo ở Việt Nam với những điều mới mẻ, như cộng đồng tôn giáo tộc người mới, cộng đồng tôn giáo cư dân mạng và cả cộng đồng tôn giáo người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài. Những chuyển biến, thay đổi về địa bàn phân bố tôn giáo của hệ thống tôn giáo và của từng tôn giáo cũng đã được làm rõ. Sự chuyển biến rõ nhất về tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã được làm rõ với diện mạo ba cộng đồng tôn giáo tộc người mới: mới hình thành (người Mông, người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc); củng cố trên nền tảng tôn giáo đã có (Tây Nguyên) và sự thay đổi tôn giáo tộc người của đồng bào dân tộc Khmer, Chăm. Bên cạnh đó, là sự chuyển biến của các tôn giáo và sự tham gia tích cực của tôn giáo vào đời sống xã hội cho thấy các nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá dồi dào cần có chính sách phát huy cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Cuốn sách thực sự là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn. Tôi trân trọng và vui mừng giới thiệu cuốn sách: “Sự chuyển biến của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng 4.0” của PGS. TS Nguyễn Phú Lợi với bạn đọc.
Hà Nội, tháng 11/2021
PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo,
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam