Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 85% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo tôn giáo đã được Nhà nước công nhận pháp nhân. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được pháp luật bảo hộ và được bảo đảm tốt trên thực tế. Hằng năm, có gần 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Đến năm 2020, Việt Nam đã có 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (gồm 36 tổ chức tôn giáo được công nhận pháp nhân; 4 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo).
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã được Nhà nước công nhận đều xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, tuân thủ luật pháp và đồng hành với dân tộc, động viên tín đồ, chức sắc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Việt Nam luôn điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018. Đây chính là kết quả của quá trình đổi mới nhận thức về tôn giáo nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện các tổ chức tôn giáo phát triển, góp phần tham gia xây dựng đất nước.
Ngày 21/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án. Thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với PGS.TS Nguyễn Phú Lợi biên soạn, xuất bản cuốn sách “Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0”.
Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:
Phần I: Sự chuyển biến của tôn giáo trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0
Phần II: Sự chuyển biến của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0
Nội dung cuốn sách được biên soạn khá công phu, khái quát nên một bức tranh tương đối toàn diện về sự chuyển biến của tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, góp phần vào việc hoạch định chính sách, phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.
Trong quá trình biên soạn, nội dung cuốn sách có thể còn một số thiếu sót, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông rất mong nhận được ý kiến góp ý của độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, tầng 6 tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện - 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc./.
NHÀ XUẤT BẢN
THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG