Vấn đề là con người chỉ được giáo dục vừa đủ để tin những gì họ được dạy, nhưng không được rèn luyện để truy vấn những gì họ được dạy.
- Khuyết danh
KIỂU MẪU LÀ THỨ VỚ VẨN…
Kịch Bản Cuộc Đời. Nó không phải là một cuốn sách hướng dẫn được phát trong trường học hay một bản đồ đính kèm với tấm bằng đại học. Nó vô hình nhưng nó vẫn hiện diện. Như không khí bạn thở, nó có mặt ở mọi nơi.
Trải nghiệm từ lần chứng kiến đám đông vô cảm trên phố là điểm nhấn điển hình cho hoàn cảnh của nhân loại ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ nền văn hóa nào: bị đánh thức, lết ra khỏi giường, lái xe, đi tàu điện, hay đi bộ đến nơi làm việc họ căm ghét; và vật vờ tồn tại – tám tiếng một ngày, năm ngày một tuần, trong năm mươi năm cuộc đời. Như là một vòng tròn khép kín, hôm qua, hôm nay, ngày mai, mọi thứ chả khác gì. Kết cục, cuộc sống bị đánh đổi chỉ còn là những ngày nghỉ cuối tuần, nhằm khỏa lấp đi tấn bi kịch trong những ngày làm việc.
Rất ít người biết rằng chúng ta đã bị nhồi nhét bằng những kịch bản soạn sẵn để tự biến mình thành nô lệ. Bạn thấy đấy, giống như hệ điều hành trong máy tính, Kịch Bản Cuộc Đời kiểm soát mọi thứ. Nếu để nó thống trị, nó sẽ điều khiển cách bạn nghĩ, làm việc, ăn chơi, bỏ phiếu, tiết kiệm, đầu tư và nghỉ hưu – và cả cách bạn chết nữa.
Vào năm 2005, trong buổi phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở trường Đại học Stanford, Steve Jobs nói: “Đừng mắc kẹt trong những giáo điều – nghĩa là sống với những tín điều từ suy nghĩ của những người khác”. Steve Jobs đang nói đến Kịch Bản Cuộc Đời: những lề thói thêu dệt từ tư duy của những người khác; những tín điều được đám đông tôn sùng.
Vì thế, hãy tự hỏi, đây là suy nghĩ của bạn? Hay của ai khác?
Đi học đại học, theo đuổi bằng cấp bất chấp chi phí hay cung cầu. Ngoan cố mượn tiền để đi học. Tốt nghiệp mà chẳng có tí kinh nghiệm nào ngoài tấm bằng vô dụng chẳng khác gì hàng triệu người khác. Mới bước vào đời mà đã mang nợ – cả bạn, gia đình hoặc cả hai. Kiếm việc làm để gia nhập vào đám đông đánh đổi thời gian để lấy vài tờ giấy gọi là tiền. Làm nô lệ cho những công việc nhàm chán để trả nợ cho các khoản vay từ lúc còn là sinh viên, trả nợ cho quần áo đang mặc, xe đang lái và nhà đang ở. Dùng thẻ tín dụng một cách vô tội vạ, cà phê Starbucks thay cho bữa sáng, đồ ăn sẵn thay thế cho bữa trưa và bữa tối. Ăn chơi sa đọa tại các quán bar. Vung tiền để gây ấn tượng với gái bằng vodka đắt tiền, phòng vip. Nợ nần chồng chất – Đấy! Chúc mừng bạn đã tốt nghiệp và bắt đầu vào đời!
Có thêm ít tuổi.
Phấn đấu để được thăng chức. Bị đánh thức, nướng thêm chút nữa và lại bị đánh thức. Tiêm nhiễm thói quen: làm việc, di chuyển, trì hoãn, ngủ. Làm việc thêm giờ cố tỏ ra là mình sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần làm. Nịnh bợ sếp – gã có bộ cánh xấu xí và bốc mùi hôi hám. Chán công việc, ghét đồng nghiệp nhưng thích tiền lương. Được tăng lương, thăng chức. Mua xe đẹp, nhà đẹp, quần áo đẹp. Ăn chơi sa đọa vào những ngày cuối tuần. Tiêu xài vô tội vạ – Đấy! Bạn chỉ sống có một lần thôi mà!
Có thêm ít tuổi.
Chạy theo mốt: Prada, Louis Vuitton, Chanel. Thần tượng: LeBron, Miley, TMZ. Ghiền phim truyền hình nhiều tập: Game of Thrones, Breaking Bad, The Walking Dead. Ngưỡng mộ những thần tượng giả tạo trên truyền hình. Tôn thờ những người nổi tiếng, diễn viên, cầu thủ. Nghe theo ý kiến và quan điểm của họ. Trả thuế. Trả nợ: tiền nhà, tiền xe, tiền truyền hình. Tiếp tục nợ nần chồng chất – Đấy! Bạn xứng đáng lắm, làm việc cực khổ mà!
Có thêm ít tuổi.
Nghỉ phép hai tuần mỗi năm nhưng chỉ khi ông chủ cho phép. Đua đòi: Dr. Dre có cái này, P. Diddy có cái kia, Lady Gaga có cái nọ. Tiêu xài và thấy mình ngon lắm, cho đến khi thứ Hai bắt đầu hoặc đến khi phải trả nợ. Tiêu xài để khỏa lấp đi khoảng trống mà bạn không hiểu vì sao. Bế tắc: công việc, tiền nhà, tiền xe, thẻ tín dụng. Càng nợ nhiều, càng lẩn quẩn.
Có thêm ít tuổi.
Cảm thấy đã xế chiều. Lo lắng vì vẫn phòng không chiếc bóng. Hẹn hò bạn bè. Hẹn hò đồng nghiệp. Hẹn hò qua mạng: Tinder, Match, eHarmony. Gặp gỡ người trong mộng. Kết hôn. Vung tay cho đám cưới hoành tráng, để lại khoản nợ kếch xù.
Tiếp tục làm việc. Tiếp tục tiêu xài. Tiếp tục bị phân tâm. Tiếp tục lo lắng trong những tối Chủ nhật. Tiếp tục lo sợ khi đến thứ Hai và các ngày sau đó. Mơ về tự do tài chính. Ước ao được du lịch vòng quanh thế giới. Muốn được tự do. Mong ước điều gì đó lớn lao và có ý nghĩa. Mong ước về những khát vọng đã chết từ lâu.
Có thêm ít tuổi.
Có con cái. Nuôi nấng con cái. Tự tạo trách nhiệm. Không muốn mắc nợ. Bắt đầu lập kế hoạch về hưu. Nghe theo lời xúi giục của đám môi giới. Học cách làm giàu từ bọn khố rách. Tiết kiệm 10% thu nhập, đóng tối đa bảo hiểm xã hội, hùn hạp vào quỹ đầu tư, mua trái phiếu. Đầu tư hết vào thị trường chứng khoán, hy vọng thu về 10%, cầu xin nó đừng sụp đổ.
Tiết kiệm cho con đi học. Nỗ lực làm việc. Tránh xa các khoản nợ. Thắt lưng buộc bụng. Cắt phiếu giảm giá. Cắt bớt các kênh truyền hình. Ngưng Starbucks. Ngưng Chipotle. Mang theo bữa trưa. Ngưng đi xem rạp, ngưng mua hàng hiệu, ngưng dần mua sắm. Ngưng mơ mộng về siêu xe bởi vì phải đầu tư hết vào chứng khoán. Dè sẻn chi tiêu, ngưng tận hưởng, ngưng sống và bắt đầu chết dần.
Có thêm ít tuổi.
Hy vọng được nghỉ hưu lúc sáu mươi lăm tuổi. Hy vọng được sống đến năm sáu mươi lăm tuổi. Tin vào thị trường chứng khoán. Hy vọng lãi suất gộp sẽ giúp bạn làm giàu. Hy vọng lúc nào cũng có việc làm. Hy vọng nhà đất sẽ tiếp tục tăng giá. Tin vào truyền thông đại chúng. Tin vào các công ty dược. Tin rằng những gì bạn ăn là tốt cho sức khỏe. Tin vào ông bác sĩ béo phì. Tin vào các quan chức.
Có thêm ít tuổi.
Nằng nặc ép con cái phải học cho giỏi để được nhận vào trường đại học tốt, để kiếm được việc tốt, để chúng tiếp tục con đường bế tắc mà bạn đang trải qua. Dạy con cái về sự khác biệt giữa “thực tế” và “mơ mộng hão huyền”.
Tiếp tục làm việc. Tiếp tục lão hóa và lãnh cảm. Tiếp tục hy vọng và chờ đợi. Hy vọng thị trường chứng khoán sẽ giúp bạn làm giàu. Hy vọng lạm phát không quá mức. Hy vọng lãi suất sẽ cộng gộp. Hy vọng tiền không bị thổi bay như tờ phiếu khống của chính trị gia. Hy vọng an sinh xã hội sẽ lo cho bạn. Hy vọng có đủ tiền để có được thời gian tự do như mong ước.
Có thêm ít tuổi.
Ăn năn. Hối hận. Mong ước thì còn nhiều mà chả còn đâu thời gian. Danh mục đầu tư chẳng có ý nghĩa gì. Đến sáu mươi lăm tuổi. Đau đớn nhận ra hy vọng và chờ đợi chẳng có lợi lộc gì. Tiếp tục làm việc, tiếp tục tiết kiệm, tiếp tục thắt lưng buộc bụng.
Bất hạnh thay, thời gian chẳng còn nữa. Nó chẳng quan tâm đến kế hoạch nghỉ hưu từ quỹ đầu tư của bạn. Nó chẳng quan tâm đến mong ước xa vời của bạn. Nó chẳng quan tâm bạn đã cày ải sáu mươi năm, tiêu xài hàng đống tiền, đóng một cục thuế. Nó chẳng quan tâm đến những lời dối trá mà người khác hứa hẹn với bạn.
Bởi vì, đã đến lúc bạn phải chết…
Chết trước khi nghỉ hưu, trước khi kịp làm những gì mình hằng ao ước, trước khi khỏa lấp đi những hối tiếc…
Chúc mừng bạn đến với Kịch Bản Cuộc Đời…
Được soạn ra bởi những lẽ phải thông thường…
Được nhồi nhét bằng những giáo điều…
Và được tin tưởng bởi đám đông mù quáng…
Hãy thức tỉnh, bạn của tôi ơi!... Kịch bản đó được soạn ra là dành cho bạn đấy.
Bầy đàn được tạo ra là để: làm thịt, vặt lông, vắt sữa. Gia nhập đám đông và bạn sẽ nhận được cái kết tương tự.
CÁCH TÔI THOÁT KHỎI NÓ
Tôi đã gặp may.
Không như các bạn trẻ khác, Kịch Bản Cuộc Đời của tôi đã bị chặn lại bởi mầm mống của sự nghi ngờ. Nhưng nó không đơn giản. Như kịch bản đã được soạn sẵn, môi trường và hoàn cảnh đã nắm quyền kiểm soát. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu bất hạnh, một nơi màu mỡ để kịch bản bắt rễ. Ngay từ lúc mới có tí tuổi, tôi đã bị nhồi nhét: học cho giỏi, có bằng cấp và kiếm việc làm.
Khát vọng đổi đời của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự tan vỡ của gia đình mình. Cha tôi chè chén và bỏ đi. Để lại mẹ tôi – người chỉ mới học đến trung học – với ba điều khốn khổ: chẳng có cái ăn, chẳng có cái mặc, chẳng có gì để xem. Cuộc sống rất bần hàn. Đó là lúc tôi chẳng còn biết đến khát vọng đổi đời nữa. Lúc đó, tivi có chương trình rất “hot”, đó là chương trình Lifestyles of the Rich and Famous: nó nhấn mạnh rằng cuộc sống như mơ chỉ dành cho người giàu có và nổi tiếng – diễn viên, cầu thủ và ngôi sao nổi tiếng. Tôi chẳng thể hát, chẳng thể đàn, chẳng có tài cán gì đặc biệt. Thế đấy, hoàn cảnh nghiệt ngã đã gieo mầm cho Kịch Bản Cuộc Đời của tôi.
Và rồi có chuyện này xảy ra. Nó đã thay đổi tất cả.
Tôi không còn nhớ rõ lúc đó mình mấy tuổi, chỉ nhớ là đã đủ tuổi để ý đến trai gái và xe cộ. Trong lúc đang xếp hàng mua kem, tôi chợt thấy có một chiếc Lamborghini Countach đang đậu bên ngoài – chiếc xe trong mơ của tôi. Tôi bất động, mắt thô lố nhìn chằm chằm vào chiếc xe. Tôi đánh liều hỏi chủ xe trẻ măng: Làm gì mà mua được xe đẹp thế?
Đoán xem anh ta nói gì?
Anh ta nói anh ta là một doanh nhân, một nhà phát minh.
Và ngay lúc đó, tôi chợt nhận ra cuộc sống trong mơ không chỉ dành cho diễn viên, cầu thủ, ngôi sao nổi tiếng mà còn cho cả những doanh nhân. Và khát vọng đó có thể đạt được từ khi còn rất trẻ.
Thế đấy.
Kịch bản đời tôi đã bắt đầu thay đổi. Sự cố đó đã làm nảy sinh Sứ Mệnh Khởi Nghiệp trong tôi, con đường đó không còn là điều ngẫu nhiên – tôi nhận ra đó là sứ mệnh của đời mình và nó đập tan những luận điệu lừa dối hào nhoáng nhất.
Nhiều năm sau đó, tôi ấp ủ ý định thực thi sứ mệnh khởi nghiệp trong khi Kịch Bản Cuộc Đời đã bị chặn lại.
Ngay khi mới lớn, tôi bắt đầu thực hành khởi nghiệp dù rất rất nhiều lần thất bại. Tôi chủ tâm tự nghiên cứu kinh doanh, khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế trường trung học, rồi đến đại học – chẳng có trường lớp nào dạy như thế cả. Sau nhiều năm miệt mài, tôi phát hiện ra rằng doanh nhân thành đạt là những người, trong số ít ỏi, có cuộc sống trong mơ, giàu có cả về vật chất và tinh thần. Nhắc cho bạn nhớ là thời đó chẳng có báo cáo hàng tuần nào nhằm tôn vinh những khởi nghiệp tỷ đô bắt đầu từ ga-ra.
Trước khi tốt nghiệp đại học, tôi đã biết nỗi thống khổ của sự nhập nhằng “làm sao để trở thành một nhân viên tốt”, tôi dành trọn vẹn tâm trí cho khát vọng khởi nghiệp, tôi biết rằng tôi không bao giờ có thể đóng bộ mà đi làm năm ngày trong tuần. Cuộc sống, sự tự do và khát vọng khởi nghiệp không chỉ là công việc. Nó là sứ mệnh của đời tôi. Tuy thế, nhìn lại những gì đã trải qua, tôi thấy lúc đó mình chưa sẵn sàng cho những điều đang chờ đón: một thế giới được dựng lên bởi những Kịch Bản Cuộc Đời, thoát ra khỏi nó thì vô cùng khó khăn, cũng giống như dùng tay đập đá vậy. Hãy tiếp tục để xem sự thật lên tiếng.
Những niềm tin, quy tắc, lề thói văn hóa xã hội nào bạn máy móc làm theo? Nó có cho bạn cuộc sống mà bạn mong ước?