Đa số được dạy điều gì cần suy nghĩ, nhưng tại sao rất ít người được dạy cho cách suy nghĩ?
– Peter Hitchens
THÔNG THƯỜNG = BÌNH THƯỜNG = TẦM THƯỜNG
Vũ khí lợi hại nhất của Kịch Bản Cuộc Đời ẩn chứa bên trong những ràng buộc mang tính xã hội – những ràng buộc xã hội được thêu dệt nên bởi những lẽ phải thông thường, được thuyết giảng bởi những con người bình thường có cuộc sống tầm thường. Và bất cứ khi nào bạn nghe theo, bạn bị “dính phốt” của nó.
Tuy vậy, câu chuyện chưa dừng ở đó. Ẩn sâu bên trong Kịch Bản Cuộc Đời là một âm mưu còn nham hiểm hơn: một đám trục lợi, mưu mẹo, ăn bám vào những người bị nó chi phối. Nói trắng ra là: Kịch Bản Cuộc Đời là những lẽ phải thông thường để soạn sẵn ra cho cuộc sống tầm thường, được thuyết giảng bởi một đám trục lợi, mưu mẹo và ăn bám.
Khi tôi đề cập đến lẽ phải thông thường, tôi không ám chỉ đến những điều trái khoáy như liều mạng đặt cược hết lương tháng của bạn hay cố mà lái xe khi đã say khướt. Không phải thế, tôi đang nói đến những lề thói, tín điều, giáo điều cổ lỗ sĩ phát sinh từ kinh nghiệm của con người trong bất kỳ bối cảnh xã hội nào. Hãy xem những nhận định sau đây, tất cả đều là những giáo điều từ Kịch Bản Cuộc Đời:
Tất cả chúng đều là những kịch bản. Bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ trang web nào bạn đều thấy chúng.
Nếu những lời khuyên nhảm nhí này khiến bạn bế tắc, hãy lưu ý nó nhé. Bạn không có lỗi như bạn nghĩ đâu. Sự thật là, hiện trạng của bạn không phải là điều bạn muốn mà nó là mục đích của Kịch Bản Cuộc Đời. Trường đại học biết ơn bạn. Ngân hàng biết ơn bạn. Chính phủ cảm ơn bạn. Các cửa hàng, nhà hàng, công sở cảm ơn bạn. Hollywood biết ơn bạn. Đám môi giới cảm ơn bạn. Và nếu không thay đổi, tất cả sẽ tiếp tục cảm ơn bạn cho đến từng giọt mồ hôi và xu đầu tư cuối cùng của bạn.
Bạn thấy đấy, như Steve Jobs, những kẻ không bị nhồi sọ bởi lẽ phải thông thường, kẻ giàu thì càng giàu thêm bởi vì họ không sống theo những Kịch Bản Cuộc Đời đã soạn sẵn – họ là những kẻ trục lợi từ nó.
Không phải ngẫu nhiên mà những kịch bản nhảm nhí này được phổ biến rộng rãi. Nó được cả hai nhóm thỏa hiệp và trục lợi cổ xúy mạnh mẽ. Cho dù những con vẹt đó là ai, đừng nghe theo ai cả.
ĐÁM ĐÔNG THỎA HIỆP
Họ là những kẻ sống với Kịch Bản Cuộc Đời đã được soạn sẵn. Họ có thể là bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, hoặc các học giả: thầy cô, huấn luyện viên và nhà tư vấn. Họ đã bị nhồi sọ, được dạy dỗ kỹ lưỡng từ tấm bé và khi trưởng thành, họ chỉ biết có thế. Cày ải từ sáng đến khuya, với đồng lương còi cọc, cuộc sống chỉ dành cho những ngày cuối tuần, và họ muốn bạn cũng như thế.
Kết cục, bạn chỉ là một con bò khác chỉ để vắt sữa, chẳng hơn gì một con rối để người khác điều khiển. Khi họ mở miệng ra, bạn hãy tự hỏi: nếu tôi nghe theo lời khuyên của đám đông tầm thường này, làm sao tôi mong có kết cục khác đi?
ĐÁM ĐÔNG TRỤC LỢI
Cũng như đám đông thỏa hiệp, đám đông trục lợi cũng tôn sùng những Kịch Bản Cuộc Đời. Tuy nhiên, thay vì vô ý như đám đông thỏa hiệp, bọn này trục lợi từ nó.
Ví dụ, đám này viết bài để cổ xúy cho Kịch Bản Cuộc Đời sẽ giúp bạn làm giàu. Họ kiếm lợi từ việc bán sách, tư vấn, dịch vụ tài chính, hội thảo và rất nhiều kiểu kiếm chác khác.
Ví dụ, vào tháng 12 năm 2015, trang MarketWatch.com giật tít “Làm cách nào thời gian có thể biến 3 ngàn đô-la thành 50 triệu đô-la.” Đây là ví dụ kinh điển về sự nhảm nhí từ Kịch Bản Cuộc Đời, tác giả bắt đầu ba hoa: “Tôi không nói là mình đã làm nhưng tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm”.
Tuyệt nhỉ! Hãy để tôi chỉ cho bạn cách nhảy ra khỏi máy bay không cần dù. Hay chưa!? Tôi chưa từng làm nhưng đừng lo, bạn sẽ không sao đâu.
Mà khoan, còn nữa.
Tác giả bắt đầu huyên thuyên minh họa cách kiếm 50 triệu đô-la bằng lợi tức 12%/năm. Rõ ràng, chỉ có kẻ lừa đảo và tác giả là kiếm lời. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đám học giả này dính dáng đến bọn trục lợi mượn danh “quản lý tài sản”, “tư vấn đầu tư”. Đám này nghĩ gì nhỉ? Ăn tạp không chừa chỗ nào.
“KHÔNG! CON MUỐN LÀM THEO Ý MÌNH!”
Cha: Ba thích lâu đài Lego của con. Lớn lên con sẽ làm vua?
Con: Ứ chịu, con muốn sống trong nhà lưu động kế bên nhà máy thép. Khi lớn, con muốn làm nhân viên vệ sinh chà toilet.
Trước hết, tôi không có ý khinh miệt gì. Tôi viết “chà toilet” bởi vì tôi đã từng làm việc đó. Đúng thế, tôi là nhân viên vệ sinh chà toilet khi vừa tốt nghiệp. Ước gì tôi có thể dùng hai tấm bằng kinh doanh để chà toilet…
Tuy nhiên, bạn sẽ làm gì nếu con bạn muốn làm nhân viên vệ sinh chà toilet? Bối rối? Lo lắng? Nói dối nó: “Con có thể làm bất kỳ điều gì con muốn”?
Sự thật là, chả có đứa con nít nào khát vọng một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường.
Nếu con tôi trả lời như thế, tôi sẽ hỏi lý do vì sao. Sống trong nhà lưu động và chà toilet có làm con hạnh phúc? Nếu thế thì chẳng còn gì để nói. Tôi dám chắc là chả có đứa trẻ nào lại trả lời như thế.
Khi còn bé, nếu ai bắt bạn làm điều gì mà bạn không thích, bạn sẽ hét lên: “Không! Con muốn làm theo ý mình!”.
Bạn thấy đấy, trước khi bị Kịch Bản Cuộc Đời nhồi nhét, lúc đó bạn là chính mình. Trong sáng và chưa bị hoen ố. Háo hức và hạnh phúc. Khi đó, bạn khát vọng một tương lai tươi sáng. Bạn muốn làm một diễn viên nổi tiếng cỡ DiCaprio, một nhà văn cỡ Hemingway, một huyền thoại cỡ Jordan, Elvis, một họa sĩ cỡ Picasso, một người nào đó vĩ đại – hoặc là một bếp trưởng, lính cứu hỏa can trường, một cảnh sát anh dũng. Cho dù khát vọng đó là gì, bạn bay bổng hóa thân vào đó. Khát vọng vẫn còn rất mãnh liệt.
Và rồi có chuyện xảy ra.
Bạn dần trưởng thành.
Đột nhiên bạn không còn được làm điều mình thích. Bạn phải đến trường từ thứ Hai đến thứ Sáu – để chuẩn bị cho một tương lai u ám. Và đột nhiên bạn không còn là chính mình mà bị bóp méo bởi bạn bè, gia đình và đám bạn đồng trang lứa.
Chẳng có một lời giải thích, đột nhiên chả ai cổ vũ cho khát vọng của bạn. Thực tế chút đi! Chín chắn lên chứ! Điều đó là không thể! Đừng mơ mộng hão huyền nữa. Cuộc sống đột nhiên trở nên nham nhở và xám xịt được tạo nên bởi những người tầm thường xung quanh bạn.
Chuyện gì đã xảy ra?
Kịch Bản Cuộc Đời – nơi chẳng có chỗ cho khát vọng về cuộc sống trong mơ – nhồi vào não bạn. Và mọi thứ diễn ra: tấm bằng vô dụng, một đống nợ, một công việc bần tiện, xả hơi cuối tuần, nghỉ hưu…
Ai hay cái gì đã lấy đi khát vọng của bạn? Một đống nợ? Công việc? Chiếc xe? Ngôi nhà? Hay áp lực vô hình từ gia đình hoặc bạn đồng trang lứa?