Chúng ta không được dạy cho cách tư duy mà chỉ là bản sao của văn hóa. Hãy dạy con cái chúng ta cách để suy nghĩ.
– Jacque Fresco
SÁU MẦM MỐNG NHỒI VÀO NÃO BẠN
Những mầm mống phát tán và/hoặc nhồi nhét. Dù là một vài cá nhân hay cả đám đông, chúng gieo rắc Kịch Bản Cuộc Đời vào đầu bạn và giữ cho nó ở đó. Bất cứ khi nào bị đe dọa, nó sẽ tìm cách cải huấn bạn, hoặc tệ hơn nữa, bịt miệng bạn. Kiểu “cải huấn” đó có thể là một bài viết giả dối dựa trên lập luận vô căn cứ theo cảm tính thay vì sự thật. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kẻ nào dám truy vấn nó sẽ bị gắn mác là khoác lác hoặc cực đoan.
Ví dụ, nếu bạn sống ở thế kỷ thứ 10, bạn sẽ được dạy rằng trái đất là phẳng. Cả đám gieo mầm, thỏa hiệp hay trục lợi đều cổ xúy cho điều giả dối ấy.
Với đám thỏa hiệp, kẻ gieo mầm có thể là cha mẹ, thầy cô, những người nhại lại những điều họ học được hay rút tỉa từ cuộc sống tầm thường của họ. Hai mươi năm trước trái đất là phẳng thì bây giờ nó vẫn thế. Họ không có ý định gì xấu xa. Họ chỉ vô tình nhồi sọ bạn để bạn trở nên “bình thường” và “tầm thường”.
Với đám trục lợi, họ biết là sai nhưng cái lợi khiến họ nhắm mắt mặc kệ. Trong câu chuyện trái đất phẳng, đám trục lợi có thể là nhà cai trị, truyền thông hay một doanh nhân láu cá.
Ví dụ, bạn đang sống trong một ngôi làng nhỏ miền duyên hải tứ bề là núi cao và biển cả tách biệt với thế giới bên ngoài. Trưởng làng độc đoán ra lệnh mọi dân làng phải làm việc mười sáu giờ mỗi ngày, sáu ngày trong tuần. Quan chức trong làng thu đậm thuế và sống rất phè phỡn. Họ cũng biết rằng trái đất phẳng là nhận định sai lầm, nhưng thông qua chính sách hỗ trợ cho giáo dục, họ áp đặt điều giả dối: “Trái đất là phẳng, dong buồm trốn đi rất nguy hiểm và chết chóc”.
Nhưng rắc rối ập đến. Có một chàng trai trẻ không tin là trái đất phẳng và tuyên bố trái đất tròn. Anh còn nói đã dong buồm ra khơi và tìm ra miền đất hứa có cuộc sống tốt hơn. Khi nghe thấy lời báng bổ này, giới chóp bu trong làng (những kẻ dắt mũi truyền thông) biết rằng đó là một mối nguy đe dọa đến lợi ích của họ, ngay lập tức loan tin chàng trai trẻ đó đã loạn trí. Thêm một bài khác nói rằng đó là điều lếu láo. Kết quả là chả có ai tin anh ta cả và tiếp tục sống trong ảo tưởng do đám thống trị (trục lợi) tạo ra, họ chẳng biết rằng cuộc sống tốt hơn cách đó không xa.
Thế giới của chúng ta cũng khốn đốn theo cách tương tự, xuất phát từ sáu mầm mống gieo rắc Kịch Bản Cuộc Đời nhan nhản khắp nơi hệt như đám cuồng khoe ảnh tự sướng trên Instagram.
Những mầm mống đó là:
#1) BẠN BÈ & GIA ĐÌNH: TÔI BẾ TẮC, ANH CŨNG PHẢI NHƯ THẾ
Tôi học ngành tài chính ở đại học. Chả phải vì tôi thích thú gì, mà là do ba mẹ tôi nói: “Học tài chính ra kiếm được nhiều tiền lắm”. Chú tôi cũng là một nhân viên tài chính thành đạt cho các công ty đứng top Fortune 500. Vì thế, thay vì học khởi nghiệp kinh doanh, tôi vật vã với các công thức khấu hao tài chính, độ lệch chuẩn, và các lý thuyết về danh mục đầu tư. Sau bốn năm mắc mỏ, tôi có bằng tài chính, mặc dù tôi có thiên hướng sáng tạo, thuận tay trái và chẳng thấy toán có gì thú vị.
Sau khi có tấm bằng trong chuyên ngành mà tôi chán ghét tất cả các môn học của nó, tôi có cảm giác không ổn: “Bẽ bàng quá, tôi không thể nào xây dựng sự nghiệp với nó, thậm chí không thể dùng nó cho phương án dự phòng cho kế hoạch khởi nghiệp kinh doanh”. Vì thế, tôi tiếp tục học thêm một ngành nữa cho thỏa ước vọng khởi nghiệp: tiếp thị.
Trong bất kỳ bối cảnh nào, dịch bệnh Kịch Bản Cuộc Đời bắt nguồn ngay từ trong gia đình.
Từ tấm bé, bạn chẳng thể làm được gì khác. Trước hết nó nhồi vào não bạn ngay từ chính cha mẹ bạn bởi vì họ cũng đang bị Kịch Bản Cuộc Đời chi phối. Họ muốn điều họ cho là tốt nhất cho bạn, nhưng bất hạnh thay, điều đó chỉ là “an toàn” và “bình thường.” Ví dụ như hai trường hợp này trên diễn đàn Fastlane:
(1) Khi còn bé, tôi thấy một gã chạy Porsche trong khi ba tôi chạy xe Toyota Camry. Tôi hỏi: “Tại sao anh ta lái xe đẹp hơn?”. Ông nói với tôi vì anh ta gặp may. Vì thế tôi tự nhủ: “Hy vọng lớn lên tôi cũng gặp may”.
(2) Khi tôi đang ăn trưa ở Subway, có một chiếc Lamborghini chạy đến đậu gần đó, mọi người ngoái theo và chỉ trỏ. Ở bàn kế bên, tôi nghe thấy đứa con hỏi bố làm sao để có được một chiếc Lamborghini. Ông bố trả lời: “Xe đấy mắc lắm! Nếu con muốn có một chiếc, con phải chăm chỉ mà học hành để vào được trường ngon, kiếm một công việc tốt cỡ như làm cho Microsoft. Và đến tầm tuổi bố, con mới có thể mua được. Thế đấy con ạ, đó là cách để thành đạt”.
Ở hai câu chuyện này, siêu xe được tôn sùng như là thước đo của thành công, nhưng còn hơn thế: đối với một đứa trẻ, siêu xe được đánh đồng với khát vọng, hệt như lúc tôi còn bé vậy. Bất hạnh thay, sau khi bóp chết khát vọng của bạn – sẽ không bao giờ có được siêu xe Lamborghini trừ khi gặp may – họ nhồi vào não bạn sự nhảm nhí của kịch bản: học cho giỏi, kiếm trường ngon để kiếm việc làm tốt, cày ải, mua nhà, mua xe và sống tầm thường hệt như họ.
Nhưng chưa dừng lại ở đó.
Bạn bè và đồng nghiệp cũng là những mầm mống tiềm tàng. Vâng, đó là những kẻ khốn khổ và nợ nần chồng chất. Là những kẻ phán như thánh rằng: “Đó là ý tưởng tồi”, “Điều đó không khả thi”. Đối với bọn này, lý do thì nhiều mà thành quả chẳng bao nhiêu. Chả còn khát vọng đổi đời nào mà chỉ toàn là những lời biện hộ: do nền kinh tế, do sếp, bởi vì thế này, bởi vì thế kia.
Trừ khi lựa chọn cẩn thận, không thì khả năng rất lớn là bạn bè và đồng nghiệp cũng chẳng giúp ích gì cho bạn. Họ chẳng muốn bạn thành đạt hơn họ đâu. Thử thông báo bạn mới có việc làm mà xem. Tha hồ mà đếm like và những lời chúc mừng. Nhưng bảo họ bạn bỏ việc để khởi nghiệp thì sao? Mặt họ xụ xuống. Bạn sẽ bị dội bởi những lời cảnh báo hết sức nghiêm trọng.
Ẩn ý ở đây là gì?
Khác biệt với kịch bản là không thể chấp nhận. Bạn phải cố mà giống như họ. Bạn phải ráng mà cày ải như họ. Nói khác đi là ăn spaghetti vào mặt. Chả còn ai mà bầu bạn. Bị người bạn yêu thương ngoảnh mặt, nghi ngờ và bới móc.
Nhất là trong nền văn hóa phương Đông, cái giá phải trả cho sự khác biệt còn nghiêm trọng hơn. Rất nhiều lần, những sinh viên du học tỏ rõ sự thất vọng trên diễn đàn của tôi vì họ bị cha mẹ ép buộc nhưng nhất quyết phải nghe theo vì ảnh hưởng của nền văn hóa.
Các phụ huynh nói: “Con phải làm bác sĩ!”, con cãi lại: “Con không thích!”. Ví dụ như bài viết này:
Câu chuyện rất dài nhưng tôi vắn tắt lại thế này, tôi bỏ học để khởi nghiệp. Nhưng bây giờ tôi phải kiếm việc để tự trang trải. Cha mẹ tôi không mảy may tin tôi chút nào. Tôi chẳng sợ những lời la mắng và trách móc, nhưng họ đã quay lưng lại với tôi. Cha mẹ tôi rất bức xúc. Mẹ tôi vật vã nói tôi phải thực tế đi, nếu không muốn thân bại danh liệt.
Cha tôi phang thêm: “Mày làm khổ mẹ mày chưa đủ sao; không việc làm, không bằng cấp”.
Giờ tôi bị ra rìa, bị xem như là “thằng con trời đánh”. Như những gia đình nhập cư khác, hoặc là ráng mà lấy bằng cấp, kiếm việc cho ngon, hoặc là trở thành một kẻ thất bại.
Bất hạnh thay, khác đi Kịch Bản Cuộc Đời bị họ gắn cho là thất bại. Thậm chí là tệ hơn, bị gia đình từ mặt. Các bậc sinh thành chẳng muốn con mình có khát vọng. Thay vào đó, họ bóp nghẹt con mình với cuộc sống rập khuôn. Sự thật là họ thà nhìn con mình khốn khổ trong vai bác sĩ, còn hơn là mạo hiểm với khát vọng đổi đời.
Nếu bạn bè và gia đình đang khốn khổ với đời họ mà lại lên mặt khuyên can bạn, bạn cần phải hết sức cẩn thận.
#2) GIÁO DỤC: XẾP HÀNG, GIƠ TAY, LÀM THEO
Nếu bạn bè và gia đình là cái kềm, thì giáo dục là cái mỏ lết. Nó siết chặt Kịch Bản Cuộc Đời vào não trạng của bạn. Sự thật là, chúng ta bị nhồi sọ chứ không phải là giáo dục.
Ngay khi có thể cầm bút, bạn đã được nhồi vào những điều nên và không nên, ví dụ như vui chơi là chỉ dành cho những ngày cuối tuần. Khi tốt nghiệp đại học, bạn đã khốn khổ từ thứ Hai đến thứ Sáu với sáu trăm năm mươi tuần trong mười bảy năm liên tục, chỉ để tập cho bạn quen với Kịch Bản Cuộc Đời: cày ải năm ngày nhằm đánh đổi cho hai ngày cuối tuần. Chốt giao dịch?
Tiếp theo, hệ thống giáo dục tập cho bạn thói quen tuân thủ: đúng tám giờ sáng phải có mặt, học toán lúc chín giờ, thể dục lúc mười giờ, ăn trưa lúc mười hai giờ. Đi vệ sinh phải xin phép. Xếp vào hàng. Nghe lời. Giữ im lặng. Ngay trong khi làm việc cũng thế. Làm theo quy trình chuẩn. Vắng mặt là phải xin phép. Lý do cá nhân, du lịch, hay về sớm để xem con chơi bóng cũng phải xin phép.
Trong trường lớp, kẻ thù không đội trời chung của Kịch Bản Cuộc Đời là: tư duy phản biện. Thay vì để cho con em chúng ta tự do tư tưởng, trường lớp truyền bá những ý thức hệ sáo rỗng. Tư duy phản biện bị bẻ gãy một cách có hệ thống, chẳng còn có chuyện tranh cãi với những quan điểm trái chiều. Thay vào đó, học sinh bị nhồi nhét những quan điểm một chiều và mặc định xem nó là đúng.
Ví dụ, vào năm 2014, trường trung học Connecticut chặn các trang web của phe bảo thủ như của nhóm National Rifle với trang web Christianity.com và cả của nhóm National Right to Life. Thông điệp ở đây là gì? Đừng lo nghĩ gì cho bản thân, chúng tôi sẽ nghĩ thay cho bạn. Chúng tôi không cấm mang súng (tại Mỹ) hay theo đạo Chúa – nhưng cấm bạn tư duy phản biện và cấm tự quyết điều gì là tốt hơn cho bản thân.
Khi một vấn đề được mang ra trước bức tường Kịch Bản Cuộc Đời, dù là đối chất với một một tu sĩ khắc khổ vung vẩy cây roi hay một vị giáo sư khả kính với bộ vest đơn điệu, tư duy phản biện nhanh chóng bị dập tắt. Kịch Bản Cuộc Đời không muốn bạn có tư duy phản biện.
Tuy nhiên, điều đó không chỉ xảy ra ở hệ thống giáo dục công, mà ngay cả trong hệ thống tư thục. Dù ở đâu, họ đều không để yên cho con bạn. Thống kê chỉ ra hơn 72% các trường đại học ở Mỹ cổ xúy cho chủ nghĩa tập thể trong khi bóp nghẹt những tư duy khác biệt. Hệ thống đại học đã từng là nơi ươm mầm cho sáng tạo, giờ đây đã trở thành cái ổ chuyên nhồi nhét những quan điểm một chiều.
Một Kịch Bản Cuộc Đời khác là hệ thống đánh giá thang điểm.
Trong trường học, điểm kém là một điều tồi tệ. Thử bị điểm F xem, coi chừng bị ăn tát. Điểm kém hả? Khỏi đi chơi, khỏi tivi, khỏi iPad nhé. Bạn có sốc không khi mấy bạn học giỏi rốt cục lại làm thuê cho mấy bạn bị điểm kém? Học sinh giỏi làm theo những gì được sai bảo, không lộn xộn. Còn mấy bạn điểm kém và tỷ phú tương lai thì lại đang lén lút bán tạp chí Playboys.
Thêm một hạt sạn nữa trong giáo dục là văn hóa đề cao tính trung bình và sự chịu đựng. Động lực cạnh tranh bị bóp méo và biến tướng. Các trường công (và cả một số phụ huynh) chăm sóc quá mức cần thiết và quyết định thay cho con cái. Ngày nay, chúng ta lạm dụng cảm xúc. Chúng ta tán dương khi chả có gì đáng kể. Bởi vì chúng ta sống mòn. Và nếu không tự xưng tụng mình, chúng ta thấy khổ sở, dằn vặt. Kỷ luật thép đã bị thay thế bằng sự trì hoãn và tự thỏa mãn.
Ví dụ, đây là bức thư gởi cho phụ huynh từ trường tiểu học Michigan cảnh báo học sinh phải kiềm chế sự cạnh tranh và dĩ nhiên là kìm nén cảm xúc:
Mục tiêu mỗi ngày là nhằm tạo cơ hội cho học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng chung tay tạo ra các hoạt động giải trí. Vì chúng tôi tin rằng mỗi trẻ em đều là những người thắng cuộc, nên các em không nên quá háo thắng. Được tham gia vào các trò chơi đã là đủ vui cho các em rồi.
Ahh, “tham gia cho vui” – cuộc sống đầy rẫy cái trò kiểu như thế phải không? Thử tham gia làm việc cho vui xem? Bạn có còn vui nổi nữa hay không? Thử háo thắng với người không liên quan xem? Chắc nó chẳng có ích gì trong đời thực đâu nhỉ? Ước gì đây là điều tôi bịa ra.
Tương tự thế, trường trung học Rhode cũng dẹp đêm tôn vinh học sinh xuất sắc vì nó quá “cá nhân”.
Phải sau khi các phụ huynh lên tiếng thì họ mới xuống nước. Một phụ huynh phản ứng với báo giới: “Làm sao để bọn trẻ học được cách thích ứng không chỉ dựa trên chiến thắng mà quan trọng hơn là từ thất bại?”. Con gái ông ta cũng lên tiếng vì em cũng đã quyết chí cả học kỳ chỉ để được xướng tên trong chương trình đó. Có lẽ, sang năm họ sẽ tôn vinh các em có thể chơi game trực tuyến trong bốn tháng liền. Bạn thấy đấy, đã có lúc nỗ lực được tôn vinh; mà bây giờ chỉ cần có mặt là đủ.
Giờ đây, trường lớp sản sinh ra những thế hệ chỉ biết suy nghĩ máy móc, chưa từng nếm trải thất bại thế mà vẫn được tôn vinh. Thành tựu lớn nhất của họ chỉ là trong thế giới ảo thay vì thực tế. Họ lầm tưởng rằng cuộc đời là công bằng và sẽ nâng niu cảm xúc của họ. Chả cần nỗ lực, tranh đua, thay đổi, có cũng được, không có chả sao. Chả cần phải gặp mặt, đối thoại, mọi thứ đã có điện thoại, Snapchat và Instagram.
Ví dụ, vào tháng 5 năm 2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, đồng thời là thành viên ban giảng dạy trường Đại học Stanford, được sắp lịch để phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Rutgers. Các sinh viên đã phản đối, họ không thích quan điểm chính trị của bà về vấn đề chiến tranh với Iraq. Sau những phản ứng dữ dội, bà phải hủy lịch phát biểu của mình. Tương tự vào năm 2017, phóng viên người Anh cho tờ Breitbart, Milo Yiannopoulos, dự định sẽ đưa vấn đề nhạy cảm đang gây tranh cãi ra bàn tại Đại học California Berkeley. Bạo loạn đã xảy ra, sinh viên đập phá như thể một đám trẻ nít. Vâng, đại học – nơi khai sinh ra phong trào tiếng nói tự do bây giờ muốn xóa sổ nó.
Sự thật là, bọn trẻ vắt mũi chưa sạch này cảm thấy khó ở với những quan điểm trái chiều với họ. Vâng, nếu tiếng nói tự do không phù hợp với mớ trải nghiệm lý thuyết của tôi, tôi phải kiếm gì đó để phá.
Đáng buồn thay, trường đại học đã biến thành nơi cổ xúy cho Kịch Bản Cuộc Đời, chuẩn bị cho sinh viên thành những con rối.
Nói trắng ra là Kịch Bản Cuộc Đời khiến con em chúng ta không chỉ suy nghĩ lẩn quẩn trong vòng tròn tầm thường, mà còn cấy vào đó ảo tưởng rằng họ chẳng cần nỗ lực gì nhiều mà chỉ cần: có mặt cho vui, cần thì nhắn tin, post hình tự sướng… Cứ làm thế thì sẽ có những thứ bạn muốn. Còn chuyện thức tỉnh khát vọng đổi đời thì... không có trong kịch bản.
#3) DOANH NGHIỆP: MỘT BƯỚC LÊN MÂY
Trong khi giáo dục truyền bá làm sao để trở thành một nhân viên tốt, thì chốn công sở mang đến lý do: để mà có tiền tiêu xài và hạnh phúc.
Thông điệp nó quảng bá: hạnh phúc, thành công, mãn nguyện chỉ bằng một phát quẹt thẻ.
Muốn chuẩn “men”? Mua dao cạo râu Gillette.
Bữa ăn sáng của nhà vô địch? Ăn Wheaties.
Một bước lên mây? Tham gia vào quân đội.
Hoàn hảo đến từng chi tiết? Mua một chiếc Lexus.
Harley-Davidson với thông điệp “Chất Mỹ, cho tự do” – vâng, cuộc sống tự do bằng sáu mươi lần thanh toán mà chỉ có thể được cầm lái vào cuối tuần. Chẳng hề gì, công việc bán hàng chán ngắt, còn vài xu trong tài khoản – tự do quá nhỉ!?
Bất hạnh thay, khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, Kịch Bản Công Sở đã gieo rắc niềm tin rằng hạnh phúc và đời sống thượng lưu gắn liền với hàng hiệu. Niềm vui có thể tìm thấy trong tô Apple Jacks hay bữa McDonald’s Happy Meal. Xem Star Wars thôi chưa đủ, mà cần phải sưu tập đủ bộ các mô hình nhân vật.
Lúc ở trường trung học, bạn thấy ba mẹ của Johnny chạy con BMW, bạn cho rằng nhà Johnny rất giàu. Khi cô nàng đình đám Brooke Adams thấy bạn đi giày dỏm, bạn xấu hổ muốn chui xuống đất. Bạn nghĩ mình phải ăn diện thật bảnh bao thì mới dám tán tỉnh nàng. Thậm chí tôi thấy rằng khi bọn trẻ mua quà cho bạn gái thì nó phải là headphone hàng hiệu. Vâng, phải là hiệu Beats, còn không thì thôi. Bạn thấy đấy, Kịch Bản Cuộc Đời đã vẽ ra rằng đẳng cấp phải là siêu xe và hàng hiệu.
Câu chuyện kinh khủng xảy ra vào năm 2014 khi Elliot Rodger chém “ngọt” sáu mạng người vô tội ở Santa Barbara, California. Trong lời thú tội, hắn đổ lỗi cho kính Ray-Ban, hàng hiệu Armani, siêu xe BMW đã không mang lại tình yêu và hạnh phúc như lời quảng cáo. Vì không được như kỳ vọng, hắn sôi máu chém bừa. Dĩ nhiên, Kịch Bản Cuộc Đời chả tạo ra tên sát nhân nào, nhưng nó đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra thảm cảnh.
Nó dội thẳng vào đầu con cái chúng ta: thành công đi liền với vật chất. Cà thẻ, ăn xài vô tội vạ, ăn diện lòe loẹt. Đấy mới gọi là hạnh phúc.
#4) TÀI CHÍNH: NIỀM TIN SAI CHỖ
Gần đây, có anh bạn viết sách dạy làm giàu. Cuốn sách mô tả cách làm giàu bằng đầu tư chứng khoán và tiết kiệm dài hạn. Vấn đề là anh ấy nghèo rớt mồng tơi. Tuy nhiên, anh vẫn lên mặt dạy đời. Bạn có thể trở thành một tay bơi vô địch theo sự huấn luyện của một người không biết bơi?
Cứ mỗi chín giây, một cuốn sách mới về làm giàu được phát hành. Tôi đoán, chắc còn hàng triệu cuốn sách dạy về tài chính, đầu tư, hưu trí. Dù tác giả là ai, các cuốn sách này nhại đi nhại lại: “Ráng mà cày, thắt lưng buộc bụng đầu tư vài chục năm, rồi sẽ có ngày bạn giàu”.
Bạn thấy đấy, điều này giải thích vì sao hầu như các triệu phú đều ở tuổi gần đất xa trời.
Theo dữ liệu thống kê của US Census, thu nhập trung bình của nhóm trung niên chỉ vào khoảng 2.146 đô-la một tháng. Thêm vào đó, hơn 60% chỉ tiết kiệm được 25 ngàn đô-la.
Tôi cho rằng lý thuyết này không phù hợp với thực tế.
Thế lực đằng sau chống lưng cho những cuốn sách này là Kịch Bản Cuộc Đời và ngành dịch vụ tài chính tỷ đô gồm các ngân hàng, chính phủ, trái phiếu và tư vấn đầu tư.
Nhiệm vụ của nó là gì?
Để trói tương lai tài chính của bạn vào trò chơi hy vọng và chờ đợi vào ba thị trường biến động vô chừng: việc làm, cổ phiếu và nhà đất. Đúng thế đấy, để làm cho thu nhập hưu trí của bạn phụ thuộc vào chứng khoán, ngân hàng và chính phủ.
Trong khi ngân hàng trả cho bạn lãi suất tiết kiệm là 0,1%, đám còn lại giàu sụ nhờ khoản béo bở kiếm được từ phí dịch vụ quản lý. Mục đích là để bạn tin rằng tiền của bạn đang được quản lý tốt. Khi bạn hiểu ra thì đã quá trễ. Lúc này bạn đã gần đất xa trời, hay tệ hơn, đang ở dưới mồ.
#5) CHÍNH PHỦ: ÔNG GIÀ NOEL CHO NHỮNG QUÝ ÔNG
Thật không có gì tệ hơn. Thủ đô Washington DC, đại diện cho hình ảnh tham lam vô độ của Kịch Bản Cuộc Đời. Ngày trước, công dân thay nhau tham gia vào vai trò công chức phục vụ cho mọi người. Ngày đó, chính phủ là cho mọi người; nhưng ngày nay, nó đã biến tướng và chỉ phục vụ cho một vài nhóm lợi ích. Trong đó, lúc nhúc hơn mười ngàn chính trị gia tiêu xài hơn 3 tỷ đô-la hàng năm để vận động hành lang.
Trong khi đó, vô số những công dân kiểu mẫu không biết rằng mình đã vô tình rơi vào bẫy và tự nguyện làm nô lệ phục vụ cho cơn khát tiền tài và danh vọng. Các đảng phái đấu đá nhau đội lốt đại diện cho quyền lợi của người dân. Họ hứa hẹn đủ điều để tranh giành lá phiếu của bạn nhưng đều không đáng tin cậy. Cả đám mang người dân ra làm trò hề. Dù bạn bầu cho ai thì cũng chẳng có gì thay đổi.
Lắng nghe những chính trị gia vận động, bạn sẽ không thể nào kiềm được sự giận dữ và ganh tỵ: Những doanh nhân giàu có là do lừa dối và cần phải đánh thuế nặng. Ồ, bạn nghèo là do người khác giàu. Nhưng đừng lo, chính phủ sẽ thiết lập lại trật tự và các chuẩn mực đạo đức.
Vào năm 2011, Tổng thống Barack Obama đứng trên khán đài vận động tranh cử và đưa ra phát biểu đầy tranh cãi: “Nếu bạn sở hữu doanh nghiệp – bạn không phải là người xây dựng nên nó”. Cho dù bạn ủng hộ ai, thông điệp đều theo một kịch bản: bạn phải biết ơn chính phủ vì lòng nhân ái của họ; cho dù bạn làm gì, bạn không thể thành công nếu không có sự trợ giúp của chính phủ.
Và bạn đoán thử xem, ai là kẻ lừa đảo mà tôi thích nhất? Cục Dự trữ Liên bang. Họ chính là những nhà nghiên cứu lão luyện. Vâng, bộ phận in tiền của chính phủ muốn bạn biết rằng “Bằng đại học có giá trị X đô-la trong cả đời!”. Vào năm 2014, tờ The Economist đưa ra báo cáo rằng sinh viên đã nợ hơn 1,2 ngàn tỷ đô-la. Không thể xóa bỏ khoản nợ này, sinh viên sau này phải làm việc để trả lại. Và từ đó làm kinh tế tăng trưởng, dẫn đến thúc đẩy tiêu dùng và tạo ra thêm thuế.
Ngẫu nhiên mà kịch bản Công dân Kiểu mẫu được cổ xúy trong trường học? Đối với những người chưa biết, trường học chính là nơi tập cho con người trở thành những diễn viên chính cho Kịch Bản Cuộc Đời.
Bạn thấy đấy, khi bạn tham gia vào nền kinh tế đã được lên kịch bản – trả một đống tiền để đổi lấy tấm bằng đại học, mua nhà trả góp ba mươi năm, mua một đống hàng bạn không cần – bạn đang làm giàu cho chính phủ. Sau sự kiện ngày Mười một tháng Chín, Tổng thống George W. Bush khuyến khích công dân hãy “đi mua sắm” bởi vì nếu muốn đánh bại những phần tử cực đoan, chúng ta phải có một chiếc Ford Mustang mới!? Chính phủ biết rằng tiêu dùng chính là sức mạnh của bộ máy đã được lên kịch bản – cho dù là có chiến tranh hay bầu cử. Đừng nhầm lẫn nhé, chúng ta đang bị mang ra thế chấp đấy.
#6) TRUYỀN THÔNG
Noam Chomsky từng nói: “Cách khôn ngoan để khiến con người trở nên thụ động và dễ bảo là giới hạn phạm vi chấp nhận những ý kiến, nhưng cho phép thảo luận trong phạm vi đó”. Không ai sẽ phát ngôn cho Kịch Bản Cuộc Đời tốt hơn là: truyền thông.
Nhiều năm trước, truyền thông cập nhật các tin tức một cách khách quan để bạn tự đánh giá. Vâng, ngày đó báo chí rất chân thực. Ngày nay, nó đã biến tướng thành quan hệ với công chúng thông qua – kiểm duyệt, bóp méo và dắt mũi. Những kênh thông tin không còn cập nhật các tin tức khách quan nữa mà đã trở thành các công cụ để các đảng phái đấu đá nhau.
Với sự thỏa hiệp của truyền thông, chúng ta đang sống trong thời đại mà các thông tin bị kiểm soát bởi các nhóm lợi ích – không biết đâu là sự thật.
Như trong bộ phim The Matrix, Kịch Bản Cuộc Đời diễn sâu vào bản năng sinh tồn của bạn. Chạy theo xu hướng mới nhất chỉ khiến bạn lún càng sâu hơn vào các phân cảnh của nó. Vâng, kịch bản luôn cần có diễn viên. Câu hỏi là, bạn có sẵn sàng đánh đổi khát vọng lấy những ngày nghỉ cuối tuần và tivi hay không?
Những mầm mống nào đang gieo rắc ảnh hưởng của nó đến cuộc đời bạn? Vì lợi ích của bạn hay của nó?