Sẽ không có ai hiểu được những người có tầm “nhìn xa trông rộng”, vượt thoát khỏi ảnh hưởng và lừa đối của văn hóa.
- Plato
THAY ĐỔI BẮT NGUỒN TỪ NHẬN THỨC
Sau khi bán công ty đầu tiên của mình, tôi mua một chiếc Corvette màu đỏ. Lúc đó, tôi cứ nghĩ nó là chiếc xe rất hiếm. Nhưng thực ra không phải vậy, tôi đột nhiên thấy xe này ở khắp nơi. Hiện tượng này cũng rất thân thuộc với các chị em phụ nữ: mua một chiếc túi Louis Vuitton đắt tiền và đột nhiên thấy các chị em khác cũng có.
Đây là một hiện tượng gọi là khuynh hướng nhận thức do hệ lưới hoạt hóa thần kinh (RAS) gây ra. Một trong những chức năng quan trọng nhất của nó là lọc thông tin. Bất kỳ lúc nào, bộ não của bạn cũng bị dội bởi hàng triệu thông tin. Nếu bạn đang đọc cuốn sách này trên xe lửa, não bộ của bạn tiếp nhận rất nhiều thông tin từ năm giác quan: mọi người xung quanh, quần áo họ mặc, ngoại hình, có một bạn nữ xinh xắn ngồi cách bạn bốn hàng ghế, mùi của gã ngồi bên cạnh, âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi, quần áo không thoải mái – một danh sách rất dài. Bởi vì não bộ của bạn không thể xử lý hết lượng thông tin đồ sộ này, nên RAS sẽ nhanh chóng lọc những thông tin nào mà nó cho là quan trọng để não xử lý.
Khi bạn nhận ra một điều gì đó, ví dụ như khi bạn có một chiếc Corvette, RAS sẽ không lọc các thông tin liên quan đến nó và đột nhiên bạn thấy xe này ở khắp nơi.
Bây giờ, câu hỏi là: RAS có liên quan gì đến Kịch Bản Cuộc Đời? Bởi vì RAS sẽ lọc những thông tin mà nó cho là quan trọng – hoặc có thể nói là nó nhận ra được – nên nhận thức chính là chìa khóa để nhận ra đâu là sự thật.
Kịch Bản Cuộc Đời tạo ra ảo tưởng thông qua các mầm mống của nó: truyền thông, gia đình, giáo dục… Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của nó chính là những thực tế giả tạo (ảo tưởng) từ những diễn viên (mầm mống) đang diễn theo Kịch Bản Cuộc Đời. Và nếu bạn không nhận ra sự thật, bạn cũng sẽ trở thành diễn viên tiếp tay cho kịch bản đó. Vâng, bộ não kỳ diệu của bạn, trớ trêu thay lại đang phá hủy đi cơ hội sống cuộc sống trong mơ của bạn.
Sự thay đổi cách nghĩ chính là bước then chốt tạo ra bước ngoặt đổi đời. Ngay bây giờ, bộ não u mê của bạn chính là kẻ tiếp tay cho Kịch Bản Cuộc Đời. Ngay khi bộ lọc RAS của bạn nhận thức được, thực tại trở nên khác hẳn – không còn là thực tế giả tạo. Ngay khi bức màn Kịch Bản Cuộc Đời bị kéo xuống, thực tại đột nhiên trở nên rõ ràng và chân thực. Điều này mở đường cho bạn xem xét lại những niềm tin và ràng buộc xã hội sai lầm, rồi tinh chỉnh lại cho phù hợp.
Ngay khi bạn nhận ra bí mật, trò ảo thuật hết phép và khả năng đánh lừa của ảo thuật gia cũng không còn nữa.
PHÂN CẢNH KINH ĐIỂN CỦA KỊCH BẢN CUỘC ĐỜI: THỰC TẾ GIẢ TẠO
Biểu trưng kinh điển cho thực tế giả tạo có thể được tìm thấy trong câu chuyện “Dụ ngôn cái hang” của triết gia thời cổ đại Hy Lạp Plato. Câu chuyện nói về những tù nhân bị giam suốt đời trong hang. Những tù nhân bị trói chặt và chỉ có thể nhìn về một hướng là bóng của những con rối đang phản ánh trên bức tường trong hang. Đó là thực tế duy nhất mà họ biết nên họ cho rằng đó chính là thực tại mà không biết nó được tạo ra bởi bóng của những con rối phía sau.
Câu chuyện từ hai ngàn năm trước nhưng nó vẫn đúng trong thời đại ngày nay.
Kịch Bản Cuộc Đời là một tập hợp méo mó của những ảo ảnh nhằm tạo ra thực tế giả tạo để giam hãm con người. Những ảo ảnh đó thay vì được tạo ra từ những con rối, Kịch Bản Cuộc Đời có những diễn viên gieo mầm mống cho nó. Sự thật là, Kịch Bản Cuộc Đời, bạn, tôi và cả thế giới này đều diễn ra trong cái vòng lẩn quẩn gọi là thực tế giả tạo.
Trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa thực tế giả tạo là “nhận thức lệch lạc giữa thực tế và ảo ảnh của thực tế, nó là thực tế trộn lẫn với hư cấu đến mức không còn lằn ranh khác biệt nào”. Hay nói cách khác, chúng ta sống với những ảo ảnh thay vì sự thật.
Ví dụ, thành phố Las Vegas là một thực tế giả tạo. Mỗi sòng bạc đem đến một trải nghiệm giả tạo, ở đó bạn được xem là vua khi có tiền. Tuy nhiên, thực tế giả tạo do Kịch Bản Cuộc Đời tạo ra không rõ ràng như Las Vegas. Trừ khi bạn đã kích hoạt được hệ lưới hoạt hóa thần kinh (RAS) và rèn luyện trí não để nó có thể nhận ra đâu là thực đâu là ảo, nếu không thì những thực tế giả tạo được Kịch Bản Cuộc Đời tạo ra sẽ được xem như là thực. Nhận thức chính là cánh cửa mở ra sự thức tỉnh.
CHÍN THỰC TẾ GIẢ TẠO
Chín thực tế giả tạo này do Kịch Bản Cuộc Đời tạo nên. Chính nó thêu dệt nên những tín điều. Chúng là những vũ khí lợi hại gây xao nhãng. Những trò lừa của bậc thầy Jedi. Những thực tế giả tạo này bao phủ cuộc sống và không thể né tránh. Mục đích của chúng ta là nhận chân ra sự thật và kích hoạt hệ lưới hoạt hóa thần kinh (RAS).
THỰC TẾ GIẢ TẠO #1: TÊN CỦA NGÀY
Tôi ngồi một mình trong bóng tối. Có một cảm giác rờn rợn sau gáy. Đó là một buổi sáng thứ Ba, tôi đang ngồi trong rạp xem một bộ phim kinh dị mới ra mắt có tên là Saw. Rạp chẳng có ai, nhưng không phải do phim dở mà vì mọi người đang bận rộn – đánh đổi cuộc sống để lấy vài tờ giấy gọi là tiền. Nhưng nghịch lý là trong hai tiếng ngồi xem phim, tôi vẫn kiếm được hai mươi lần số tiền vé. Trong khi đó, cuộc sống bên ngoài là câu chuyện kinh dị thực sự: hàng triệu người phải đánh đổi ngày thứ Ba để dời cuộc sống thật sự của họ đến cuối tuần. Tôi không biết cái nào đáng sợ hơn, bộ phim đang xem hay phải đánh đổi từ thứ Hai đến thứ Sáu để lấy hai ngày cuối tuần.
Từ rất lâu, ngay ngày đầu tiên bạn đến trường là lúc khai sinh ra thực tế giả tạo “tên của ngày”.
Bạn nghĩ gì về “thứ Hai đến thứ Sáu”? Khó ở? Có lẽ một chút bức bối? Còn “thứ Bảy” hay “tối thứ Sáu” thì sao?
Tên của ngày được đặt theo thứ tự trong tuần, thứ Hai đến Chủ nhật, ám chỉ ngày làm việc đến thứ Sáu và cuối tuần là dành để giải trí. Sự thật đó chỉ là thực tế giả tạo do cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra.
Đằng sau nó là ảo ảnh do con người tạo ra – thời gian được hệ thống hóa để giới hạn, kiểm soát con người, bắt buộc họ phải làm việc hay giải trí.
Sự thật đằng sau nó là gì? Chẳng có gì khác biệt giữa các ngày. Cho dù là thứ mấy thì trái đất vẫn quay đều hai mươi bốn giờ một vòng. Nếu người ngoài hành tinh đến trái đất, họ sẽ không biết thứ Hai hay Chủ nhật là cái gì. Siêu máy tính của họ chỉ xác định được chu kỳ hai mươi bốn giờ một ngày và ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm.
Đối với mọi sinh vật khác, khái niệm tên của ngày không tồn tại. Chú chó Rex của bạn không biết sự khác biệt giữa Chủ nhật và thứ Ba, ngoại trừ thời gian bạn dành cho nó nhiều hơn vào Chủ nhật. Ngày Chủ nhật của nó cũng y hệt như thứ Hai.
Toán học mới là sự thật, tên của ngày chỉ là ảo ảnh. Nói cách khác, tên của ngày được tạo ra để kiểm soát con người. Thứ Hai, thứ Năm, Chủ nhật chẳng khác gì nhau ngoại trừ một sinh vật: con người.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #2: TÔN SÙNG TIÊU DÙNG
Thật là sai lầm khi cho rằng của cải, vật chất có thể tạo ra thành công hay hạnh phúc. Bất chấp những lời quảng cáo ra rả trên tạp chí Vogue, nhưng vật chất không tạo ra đẳng cấp mà chính nó còn quay lại kiểm soát bạn.
Nếu xem Kịch Bản Cuộc Đời như là một nhà tù, thì song sắt chính là tiêu dùng và nợ nần. Ngôi nhà trả góp ba mươi năm, xe hơi mất bảy năm và tấm bằng được xem như là lá bùa hộ mệnh – tất cả đè nặng lên cuộc sống của bạn.
Thực tế giả tạo từ chủ nghĩa tôn thờ vật chất, sùng bái tiêu dùng chi phối cỗ máy kinh tế thế giới và cuộc sống của bạn sẽ bị nó xé vụn nếu để nó chi phối.
Các doanh nghiệp khổng lồ hàng năm chi hàng tấn tiền để tạo ra thực tế giả tạo này – trong tiếp thị hay “làm thương hiệu” – tất cả để thêu dệt nên những ảo tưởng dối trá. Dùng thương hiệu X mới gọi là giàu, thương hiệu Y mới là đẳng cấp, thương hiệu Z mới là đỉnh. Nếu bạn chạy xe Toyota Prius, quảng cáo lừa dối với thông điệp bạn là người thực tế hay sành sõi. Chạy siêu xe Lamborghini mới gọi là “giàu” – nhưng thực tế thì chưa chắc.
Khi tôi mới mua chiếc Lamborghini đầu tiên, giá cả không phải là vấn đề nhưng cưỡng lại thực tế giả tạo từ nó mới khó. Về chức năng, nó chẳng khác gì những chiếc xe khác nhưng chẳng ai có thể nhận ra sự khác biệt đó. Ví dụ, bất cứ khi nào lái nó đến vũ trường chơi, tôi đều được ưu tiên không phải xếp hàng. Nếu chạy một chiếc Toyota, liệu họ có đối xử với tôi như thế? Chắc chắn là không, xếp vào hàng nhé em! Khi chạy chiếc Lamborghini, tôi được xem như là giàu và đẳng cấp. Thực tế đã bị bóp méo một cách lố bịch. Chiếc xe chẳng làm cho bản chất của tôi thay đổi – ngoại hình, chiều cao hoặc thay đổi số tiền trong ví – nhưng nó làm thay đổi nhận thức của người khác.
Thực tế giả tạo này cũng đánh lừa chị em phụ nữ.
Nếu mang giày cao gót đắt tiền, một số người sẽ nói bạn là đẳng cấp, thời thượng và giàu có. Cho dù họ đánh giá như thế nào, đấy không phải là thực tế mà chỉ là ảo ảnh. Bản chất của nó vẫn là một công cụ dùng để đi lại – trong trường hợp này, thật không thoải mái chút nào.
Mục đích của chủ nghĩa tôn sùng vật chất là để đánh lừa bạn rằng chức năng thôi là chưa đủ. Giày không phải là hiệu Nike thì chưa đủ. Lái xe Honda là chưa đủ mà phải là Infiniti. Những mầm mống từ Kịch Bản Cuộc Đời dùng cả tấn tiền để tẩy não chúng ta rằng phải xài hàng hiệu mới là đẳng cấp, còn không là bình dân. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, có tiêu dùng hàng gì đi chăng nữa thì cũng không làm cho con người thay đổi.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #3: BẰNG CẤP
Ngày đầu tiên ở trường đại học, tôi đến trễ. Bạn ở chung phòng ký túc xá của tôi đã đến trước và đang sắp xếp đồ đạc. Bên góc phòng của anh ta, anh ta treo một tấm áp phích lớn có hình biệt thự và các siêu xe, bên trên có chú thích “Thành quả của Đại học”. Tôi nhìn thấy mà cười thầm. Sự thật là đa số sinh viên tốt nghiệp đại học không có kết cục là biệt thự và siêu xe, mà là một khoản nợ kếch xù cộng với một công việc ăn lương đang chờ sẵn.
Thực tế giả tạo do bằng cấp đem đến có hai mặt. Trước hết, nó ngầm mặc định cho sự giàu có và thông minh dù có tốn kém đến mức nào, không có bằng cấp được cho là thất bại.
Trong báo cáo gần đây, một phần mười những sinh viên tốt nghiệp đại học cho rằng Judge Judy, người đóng vai “Thẩm phán Judy” trên show truyền hình, là thành viên Tòa án Tối cao Mỹ. Tương tự như thế, một số khác còn không biết những câu hỏi lịch sử căn bản như: “Ai chiến thắng cuộc nội chiến?” và “Ai là phó tổng thống?”, trong khi lại biết rất rõ đời tư nhà Brad Pitt (diễn viên). Ngay cả khi những thống kê này có phần chưa đầy đủ, thì trò đùa này không thể xem thường: trường lớp không phát huy tính giáo dục mà thay vào đó tạo ra những gã ngốc bị nhồi sọ.
Trường lớp không còn dạy óc phán xét và suy luận. Những kỹ năng thiết yếu đó đã bị thay thế bằng những thứ vớ vẫn như “Phê phán Beyoncé” và “Học thuyết giới tính”.
Về phần giàu có và thành đạt, hãy xem thử ba vật dụng gần đây nhất bạn mua. Khi trả tiền, bạn có hỏi nhân viên bán hàng có bằng đại học không? Và nếu anh ta có bằng triết học thì sao? Lần gần nhất đi siêu thị, khi xem hàng hóa, bạn có thấy chứng nhận có bằng đại học của nhà sản xuất trên nhãn hàng? Còn cuốn sách gần đây nhất bạn mua? Trước khi thanh toán bạn có xem bảng điểm của tác giả?
Sự thật là bằng đại học chẳng có ý nghĩa gì trong kinh doanh. Bạn mua khi bạn muốn mà chẳng quan tâm nhà sản xuất có bằng cấp gì hay không. Nhưng kỳ lạ là Cuộc Đời lại đang rao giảng kịch bản khác. Nó nhồi sọ con em chúng ta rằng không bằng cấp là thất bại: “Người có bằng cấp kiếm nhiều tiền hơn người không có”.
Ví dụ, trong một báo cáo của Cục Dự trữ New York vào tháng 9 năm 2014 chỉ ra rằng bằng cấp có giá trị hơn 300 ngàn đô-la. Đầu tiên, báo cáo này sử dụng dữ liệu từ năm 1970. Kế đến, báo cáo này không đưa ra các ví dụ thống kê cụ thể. Và điều lạ lùng là tại sao một cơ quan in tiền của chính phủ lại đi cổ vũ cho bằng cấp? Trên trang web của cơ quan này còn có rất nhiều thông tin để khuyến dụ mọi người rằng bằng cấp là đáng giá. Điều này làm tôi dấy lên nhiều nghi ngờ.
Trên diễn đàn của tôi cũng có nhiều ngụy biện tương tự. Ví dụ, khi có người hỏi: “Có nên đi học đại học?”, chắc chắn sẽ có người nói: “Bằng cấp là một kế hoạch dự phòng tốt”.
Bằng cấp so sánh với kế hoạch dự phòng thì nó cũng như cái xẻng trong ga-ra nhà bạn. Hãy thử hỏi hàng triệu người có bằng cấp nhưng thất nghiệp xem kế hoạch dự phòng đó có tốt không.
Thực tế giả tạo thứ hai do bằng cấp tạo ra là quan điểm cho rằng hãy theo đuổi bất kỳ bằng cấp nào bạn thích và khi ra trường sẽ luôn có việc đang chờ. Khi ba mẹ bạn hỏi: “Lớn lên con muốn làm gì?”, không ai chỉ ra viễn cảnh nghề nghiệp trong lĩnh vực đó mà luôn nghĩ rằng sẽ luôn có công việc chờ sẵn. Nhưng sự thật thì sao?
Sự thật là chúng ta cho cả thế hệ con em mình theo đuổi bằng cấp mà chúng không thể áp dụng vào công việc. Trong khi đó, nợ của sinh viên đã lên đến hàng ngàn tỷ đô-la, hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp xếp hàng ứng tuyển cho những công việc mà họ có thể làm mà không cần bằng cấp gì.
Tôi xin nhắc lại, thực tế luôn khác với ảo tưởng, bằng cấp chẳng mang lại cho bạn điều gì cả.
Thêm một câu chuyện khác mà tôi vô tình nghe được từ một cô y tá làm việc với các bác sĩ giải phẫu. Họ không mãn nguyện với công việc hiện tại nhưng vẫn khăng khăng ép con cái chọn nghề giống mình.
Âm mưu sâu xa đằng sau kịch bản bằng cấp là để buộc bạn phải đi theo kịch bản làm nô lệ từ thứ Hai đến thứ Sáu bất chấp hoàn cảnh, chi phí hay điều kiện kinh tế. Bằng cấp đã được tôn sùng như là lá bùa hộ mệnh, nhưng thực ra nó còn không đáng với tên gọi.
Trước khi bạn mất bình tĩnh, đặc biệt là nếu bạn là kỹ sư, bác sĩ hay luật sư, hãy để tôi nói rõ: Tôi không cổ xúy mọi người bỏ rơi đại học. Bằng cấp thể hiện bạn có một kiến thức chuyên biệt.
Ví dụ, gần đây tôi phải giải phẫu cùi chỏ tay và bác sĩ giải phẫu cho tôi có rất nhiều bằng cấp. Bằng cấp đó chỉ ra rằng anh ta đã trải qua các khóa huấn luyện tối thiểu và tôi rất vui mừng vì điều đó. Nhưng đây là điều quan trọng: Tôi chọn bác sĩ không dựa trên bằng cấp mà từ lời giới thiệu của bạn bè và dựa trên kết quả thực tế mà anh ta có. Khi có hai mươi vận động viên chuyên nghiệp tin tưởng bác sĩ này, bạn biết ngay đây là sự lựa chọn đúng. Bằng cấp chỉ là vé vào cửa, kết quả thực tế mới có tính quyết định.
Thực tế giả tạo từ bằng cấp rất gần với thực tế trong những ngành chuyên biệt như dược, luật hay kỹ sư. Chính phủ yêu cầu bằng cấp là điều kiện tối thiểu để hành nghề và đó là điều tốt. Tuy nhiên, càng xa khỏi các ngành chuyên biệt, bằng cấp càng không có nhiều ý nghĩa.
Nói một cách đơn giản, con người có nhu cầu – và nếu bạn có cái họ muốn, họ không quan tâm bạn có bằng cấp gì. Nếu đang chảy máu sắp chết thì bạn sẽ không hỏi người đang băng bó cho bạn: “Đợi đã, anh có bằng bác sĩ chứ?”.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #4: SỐNG ẢO
Vào một tối thứ Bảy, tôi đang ngồi trong một nhà hàng khá nổi tiếng của Nhật. Nhà hàng chật kín người. Bên cạnh có sáu cô gái rất trẻ và xinh đẹp. Dựa vào những món họ gọi, tôi biết ngay đây là một buổi họp mặt của các chị em thân thiết. Trong vài giờ tiếp theo, tôi buồn bã chứng kiến lối “sống ảo” đang trở nên rất thịnh hành.
Trước khi, trong khi và cả sau khi dùng bữa, các bạn trẻ này cắm mặt vào điện thoại như thể những gì diễn ra trong đó là thực còn thế giới bên ngoài là ảo.
Câu chuyện này minh chứng cho lối “sống ảo” đang trở nên phổ biến không chỉ với những bạn trẻ mà cả bất kỳ ai có “khôn phone”. Thực tế giả tạo này do vẻ bề ngoài tạo ra, đó là ảo ảnh chứ không phải là bản chất thật của con người.
Trong trường hợp của người nổi tiếng – có ảnh hưởng – thì họ được tôn thờ. Ý kiến của họ được xem như là chân lý. Với mạng xã hội, hình ảnh của cá nhân được điều chỉnh cẩn thận để tạo ra ảo ảnh không có thực. Với nhiều người, hình ảnh giả tạo đó còn quan trọng hơn là bản chất thật của họ.
Khi có danh tiếng, ảo ảnh nó tạo ra như là bộ mặt thật. Ví dụ, khi có người gởi email cho tôi, họ nói tôi là thần tượng của họ. Họ giao tiếp với tôi như thể là một thực tế ảo chứ không phải là con người thật của tôi. Một số độc giả còn nghĩ tôi là phù thủy có khả năng dự báo trước tương lai. Họ còn hỏi tôi có nên bỏ học sau ba năm dang dở hay không.
Khi có người tự nhận mình là “guru”, họ tự nâng bản thân thành một ảo ảnh giả tạo. Đó là lý do vì sao tôi ghét chữ này. Tôi chẳng có phép thuật hay bí mật gì ghê gớm. Cùng lắm là khả năng thành công có cao hơn chút đỉnh nhưng mọi thứ đều không có gì chắc chắn. Tôi đã từng thất bại nhiều lần, đã từng có những quyết định sai lầm. Tôi chỉ là con người, giống như bạn.
Còn Warren Buffett thì sao? Ông ấy cũng vậy thôi, đã từng mắc nhiều sai lầm nhưng lạ lùng là khi ông nói thì mọi người cứ xem như là “thánh phán”. Tương tự khi có người nổi tiếng đi vào nhà hàng, mọi người cứ rộn lên như thể Elvis sống lại.
Giống như tên của ngày, những người nổi tiếng cũng chỉ là thực tế giả tạo, họ không có gì khác với bạn. Họ cũng chỉ là con người, cũng từng mắc sai lầm, cũng phải thở, ăn, uống, ly dị và phá sản như thường.
Tuy nhiên, cuộc đời lại dựng lên kịch bản tôn thờ những người nổi tiếng và cả ý kiến của họ. Điều này thật đáng sợ. Ví dụ, vào đầu tháng 9 năm 2014, một nhóm hai mươi chín trong ba mươi sinh viên khi được hỏi về vụ rò rỉ ảnh “nóng” của người nổi tiếng đều biết, tuy nhiên chỉ có sáu người biết về ngày lễ tưởng niệm quan trọng sắp diễn ra (11/9). Và tệ hơn nữa, chỉ có bốn người nhận ra những phóng viên bị mất mạng do ISIS ở Iraq.
Mạng xã hội cũng giống như là chiếc mặt nạ trong mùa lễ hội Halloween, ai cũng có thể dễ dàng đưa lên những hình ảnh giả tạo. Kết quả là, hằng hà sa số người đua nhau sống ảo, cứ nghĩ là sẽ dễ dàng có được mọi thứ mà không cần phải nỗ lực. Nhưng sự thật đằng sau những hình ảnh câu “like” là gì? Có ai dám đăng tài khoản đang nợ nần chồng chất?
Còn hẹn hò trực tuyến thì sao? Một cái ổ của “sống ảo” – mọi người đăng ảnh rất “ảo” nhờ Photoshop chứ không phải ảnh thật.
Những hình ảnh quảng cáo trên mạng xã hội đều là do bịa đặt. Nếu bạn cố mà so sánh mình với nó thì chỉ toàn là thất vọng. Vì thế, nếu thấy ai đăng ảnh trên mạng xã hội về “cuộc sống” của họ mà bạn tự nhiên cảm thấy “khó ở”, hãy nhớ rằng những người này không quan tâm gì đến bạn cả. Vâng! Hoàn toàn không. Vậy tại sao bạn lại bận tâm?
THỰC TẾ GIẢ TẠO #5: THỰC TẾ ẢO
Đó là những hình thức giả lập mô phỏng thực tế gây nghiện thông qua các kích thích giả tạo. Cũng giống như “sống ảo”, thực tế ảo gây ra cảm giác chiến thắng dễ dàng mà không phải đối diện với rủi ro, không cần nỗ lực. Những trò chơi trực tuyến là một trong vô vàn ví dụ của thực tế ảo.
Khi đã dính vào cơn nghiện thực tế ảo, nó làm thay đổi hành vi của con người: tự cô lập bản thân để cho cuộc sống trong những trò chơi giả tạo chi phối.
Kịch Bản Cuộc Đời đã trang bị cho thực tế ảo nhiều cách thức tối tân để chi phối, làm cho bạn mất phương hướng – đến độ bạn còn phấn khích chia sẻ những thành tựu ảo lên Facebook.
Tuy nhiên, vấn đề với nó không phải là chỉ giải trí mà nhiều người còn xem nó như là cuộc sống của họ. Rốt cục, cuộc đời của họ chỉ còn là một phần của trò chơi thực tế ảo.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #6: GIẢI TRÍ
Như nhiều người, tôi thích chơi và xem thể thao, đặc biệt là giải bóng bầu dục NFL. Tuy nhiên, sự cuồng nhiệt của tôi chỉ ở mức độ vừa phải.
Vào đầu năm 2016, đội bóng tôi yêu thích thua cuộc, tôi thất vọng chỉ trong chín mươi giây. Tôi không tức tối hay mất ngủ về điều đó.
Đó chỉ là trò chơi giải trí. Tôi không quá kỳ vọng vào kết quả từ nó vì cuộc sống của tôi là điều quan trọng hơn.
Tuy nhiên, nhiều người lại xem đó như là một lối thoát, một mục đích của cuộc sống. Đó là một thực tế giả tạo do các trò tiêu khiển tạo ra.
Điều này xảy ra tương tự với phim ảnh và tivi.
Bạn đã xem bộ phim đình đám Star Wars: The Force Awakens? Có lẽ bạn sẽ thích nó như tất cả mọi người. Tôi rất thích bộ phim này và thường trích dẫn nó. Nhưng tôi xem nó cũng như những bộ phim khác, nó chỉ là bộ phim khoa học viễn tưởng.
Còn các chương trình thực tế trên truyền hình thì sao? Tất cả đều đã được chỉnh sửa để tạo ra kịch tính giả tạo đánh lừa người xem như thể là thực.
Các video trên YouTube thì có gì khác? Những video có hàng triệu lượt xem thì sao? Tất cả đều là giả tạo.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #7: TIỀN
Có thể đó là lý do bạn đọc cuốn sách này. Nhìn thử tờ 100 đô-la xem cảm giác của bạn như thế nào? Tự do, lựa chọn, quyền lực hay an toàn? Những cảm xúc này có thể là thật nhưng nó bắt nguồn từ một ảo ảnh khác.
Tiền, ảo ảnh lớn nhất của con người, ai cũng cho rằng nó có giá trị và người nào có nó cũng có giá trị.
Thời cổ đại, tiền không tồn tại, nó chỉ có giá trị vì xã hội quy kết cho nó như thế. Về bản chất, nó chỉ là tờ giấy mang giá trị tượng trưng để trao đổi do con người tạo ra giống như khái niệm ngày trong tuần.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #8: TỰ DO
Joseph Goebbels, bộ trưởng thông tin thời Phát xít Đức và là kẻ xảo trá nhất trong lịch sử, biết rằng những điều lếu láo nếu nhồi nhét đủ lâu sẽ được người khác tin là thật. Sự lặp đi lặp lại tạo ra hiệu ứng đám đông – nếu nhiều người tin thì nó là đúng. Điều này tạo ra những điều sai lầm và trở thành thực tế giả tạo, ví dụ như trái đất là trung tâm của vũ trụ.
Và rất nhiều người tin rằng khi chúng ta sinh ra đã có tự do. Còn sự thật thì sao? Chúng ta sẽ bàn đến điều này trong các phần sau.
THỰC TẾ GIẢ TẠO #9: DOANH NGHIỆP
Đó là nhầm lẫn cho rằng những doanh nghiệp là tham lam và ích kỷ. Sự thật thì sao? Đằng sau những tổ chức doanh nghiệp chỉ là con người. Nếu nó có tiêu cực thì cũng do con người mà ra. Chúng ta sẽ bàn đến điều này trong các phần sau.
Thực tế giả tạo nào đang kiểm soát và chi phối cuộc đời bạn? Liệu nhận thức có giúp bạn thay đổi cách ứng xử?