Giới thần học truyền thống thường sử dụng thuật ngữ omnipotent (toàn năng) khi mô tả Thượng Đế như là một “Đấng Tối Cao”. Nhiều điển tích tôn giáo nhấn mạnh về quyền lực tối thượng – là lưỡi sét của thần Zeus hay Thiên Chúa trong Kinh Thánh xóa sổ thành Sodom. Nhưng khi xem xét một số lượng lớn TNCT có sự gặp gỡ Thượng Đế, chúng tôi hầu như chưa bao giờ phát hiện một tường thuật nào về Thượng Đế đột ngột thi triển sức mạnh hủy diệt. Tôi cũng chưa từng đọc trường hợp TNCT chứng kiến Thượng Đế sử dụng quyền năng làm hại hay trừng trị bất cứ sinh linh nào. Do đó không ngạc nhiên khi trong TNCT, Thượng Đế luôn được nhắc đến như là cội nguồn yêu thương vô hạn. Song song đó, các TNCT vẫn không ngừng đề cập đến nỗi kính sợ quyền năng Thượng Đế:
• Tất cả cảm thức đều về Thượng Đế, sức mạnh tối thượng và sự cứu rỗi của Người. Thông điệp là, “Tình yêu là quyền năng vĩ đại nhất toàn vũ trụ này”.(1)
• Tôi nhận ra mình đã bước vào một chiều nhận thức hoàn toàn mới. Bất giác tôi nhận ra số phận mình được định đoạt bởi một thực thể tối cao và quyền năng vô hạn. Đó chính là Thượng Đế mà cả cuộc đời trần gian tôi luôn hoài nghi.(2)
• Tôi bắt đầu ý thức về một hữu thể vĩ đại ngoài sức tưởng tượng, hiện diện khắp nơi và trong vạn vật, là khởi sinh lẫn kết thúc, đó là Tình Yêu. Tôi hiểu rằng Tình Yêu là quyền năng cao hơn mọi quyền năng – hữu hình hay vô hình – trong toàn cõi vũ trụ.(3)
Trong ý niệm của con người, chúng ta sợ hãi trước những sức mạnh vượt ngoài kiểm soát vì lo rằng chúng có thể làm hại ta. Các chủ thể TNCT đều nhắc đi nhắc lại Thượng Đế quyền lực vô hạn nhưng cũng đồng thời là yêu thương vô hạn. Thực tế, có sự thống nhất xuyên suốt mô tả từ TNCT rằng Thượng Đế khiến chúng ta tôn kính chứ không phải kinh sợ.
HÌNH ẢNH THƯỢNG ĐẾ
Một vấn đề thú vị đặt ra là đức tin tôn giáo của một người sẽ có tác động thế nào đến TNCT của người ấy – và ngược lại. Nếu TNCT đơn thuần chỉ là sự phóng chiếu tư tưởng, niềm tin của chúng ta, vậy làm thế nào lý giải cho sự thiếu nhất quán giữa một số ý thức hệ truyền thống về thiên đường, Thượng Đế và những gì được mô tả trong TNCT? Và việc trải qua TNCT, đặc biệt đối với những chủ thể gặp gỡ Thượng Đế, ảnh hưởng ra sao tới nhận thức của cá nhân ấy về tôn giáo? Chúng ta sẽ mổ xẻ các câu hỏi trên trong chương cuối này.
Những chủ thể TNCT thường khẳng định rằng kết cấu phàm trần của con người – chẳng hạn như ngôn ngữ, tư tưởng tôn giáo, và mọi thứ khác – không đủ chạm tới phần linh thánh. Trong TNCT, những cá nhân này ngộ ra ngôn từ chúng ta đang có không cách nào lột tả trọn vẹn về Thượng Đế. Như hàng loạt ví dụ được trình bày xuyên suốt quyển sách, một bài học nổi cộm từ tất cả chủ thể TNCT là cách gọi thông thường “Thượng Đế” là hoàn toàn khiên cưỡng để diễn đạt trải nghiệm siêu linh họ đã tiếp xúc.
Natalie bị thương nghiêm trọng ở Iraq, khi một quả mìn phát nổ ngay chiếc xe chở cô đi qua. TNCT của cô chứa đầy lĩnh ngộ tâm linh sâu sắc:
“Vô Lượng Toàn Thể có thể hiểu là một sinh lực và một tâm thức tồn tại trong từng ý thức cá nhân của mọi sinh linh, đồng thời nó cũng tách biệt với mỗi ý thức và sinh thể ấy. Có thể gọi đó là Thượng Đế. Nhưng khái niệm Thượng Đế của con người chỉ là cách diễn đạt hạn hẹp và nông cạn về Vô Lượng Toàn Thể, kiểu như chỉ tả được cái bóng chứ không phải chân tướng. Chúng ta chỉ phóng chiếu ý niệm về một hay nhiều đấng siêu linh lên tâm thức sáng tạo tối cao ấy. Vì lẽ đó, chúng ta tự đóng khung cách hiểu về Vô Lượng Toàn Thể và phản ảnh quan niệm thiển cận về chính bản thân con người và về vũ trụ vật chất.
Từ ‘Thượng Đế’ trói buộc chúng ta, và ý niệm ‘Thượng Đế’ hiện tại cực kỳ không đầy đủ và thiếu chính xác.”(4)
Nếu đồng ý với ý tưởng rằng Thượng Đế toàn năng vô biên, ít nhất theo cách hiểu tương đối của tri thức hữu hạn của con người, những người chưa thực trải nghiệm điều chúng ta đang mô tả – vậy có thể hiểu được tại sao các chủ thể TNCT lại không thoải mái khi phải sử dụng vốn từ hữu hạn ấy để nói về dạng thức siêu linh họ tận mắt gặp gỡ. Điều này nhất quán với một đặc điểm của hầu hết TNCT: các chủ thể đều cảm thấy vô phương diễn đạt lại chính xác trải nghiệm của mình. Nếu bản thân TNCT gần như bất khả mô tả, việc mô tả thành lời về Thượng Đế trong TNCT còn khó hơn bội phần.
“Tất thảy chúng ta đều đi ra từ cùng một nguồn sáng.”
Bất chấp những giới hạn của ngôn từ, Maria trình bày một quan điểm hoàn toàn khác về trải nghiệm gặp Thượng Đế trong TNCT của mình. Cô lên cơn co giật khi sinh con và đã tắt thở. Maria chia sẻ:
“Tôi cố tìm từ ngữ để gọi tên dạng thức ánh sáng ấy. Nó là một thực thể năng lượng tinh thuần. ‘Nó’ bắt đầu gợi ý cho tôi một vài trong số nhiều danh xưng cho Thượng Đế vốn quen thuộc với văn hóa của chúng ta. Từ ‘Thượng Đế’ có vẻ ổn với tôi, mặc dù cả cuộc đời tôi không chắc mình có tin vào Thượng Đế không nữa. Tôi nhận ra nhiều người mình biết cũng gọi đó là Thượng Đế. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với nhau. Tôi đang ở đâu đây? Nhà, một chốn thân quen, một nơi mà tôi đã từng đến rất nhiều lần trước đây. Nguồn sáng muốn biết tôi đang làm gì ở đó; tôi cũng thắc mắc tương tự.
Tôi nhận được thông điệp là vẫn còn quá sớm và vẫn còn công việc cần hoàn thành. Việc gì chứ? Tôi sẽ tìm ra câu trả lời, nhưng trước tiên phải trở về. Tôi muốn ở lại và buồn vô hạn nếu phải đi. Dẫu hiểu rằng trách nhiệm của bản thân là quay về và tôi được trao sứ mệnh bởi vì tôi có khả năng, nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Thế là nguồn sáng cho tôi một tinh linh dẫn lối tôi trở về an toàn.
Tôi không sợ chết. Giờ đây tôi biết tất thảy chúng ta đều kết nối và mỗi một sinh linh đều được tạo nên từ ánh sáng, đều là hiện thân của Thượng Đế. Tôi từng không tin Thượng Đế, giờ thì tôi chấp nhận mọi linh hồn đều đi ra từ cùng một nguồn sáng và là một phần của ánh sáng.”(5)
Giới hạn của ngôn từ
Chủ thể TNCT luôn trăn trở làm cách nào để chia sẻ chính xác nhất những trải nghiệm phi thường của mình, và ngôn ngữ loài người dường như quá ít ỏi để diễn đạt. Với một số chủ thể TNCT, dường như mọi từ vựng trong bất cứ ngôn ngữ nào trên đời cũng không biểu đạt được gần đúng ý họ muốn nói, cho nên họ đành chấp nhận cách gọi “Thượng Đế”. Dưới đây là những góc nhìn thú vị của các chủ thể TNCT về thực thể mà nhiều người gọi là Thượng Đế:
• “Thượng Đế” chỉ là một từ khập khiễng so với những gì tôi mục kích.(6)
• Trí Tuệ Tối Cao, hiển lộ như Ánh Sáng Chói Lòa mà chúng ta vẫn gọi là “Thượng Đế”. Dù vậy với tôi mọi danh xưng chúng ta gán cho như Thánh Linh, Sức Mạnh Siêu Nhiên đều không chính xác. Tôi chỉ có thể nói rằng mình đã tận mắt chứng kiến sự hiển lộ tối thượng, hiện tại, quá khứ và vĩnh hằng, nhưng không cách gì gọi tên thứ không thể biểu đạt bằng ngôn từ ấy.(7)
• Ngôn lời thế gian này không thể nào diễn dịch về cảnh giới của Thượng Đế.(8)
• Thượng Đế là mọi thứ có thể tồn tại, đồng thời là mọi thứ không thể. Tôi là người trần mắt thịt, nên tôi chỉ có thể hiểu ở cấp độ phàm nhân. Ngay cả với một người ưu việt nhất thì vẫn chỉ là con người, nên tất cả đều là sự gán nghĩa thiển cận của trí tuệ loài người. Giống như một cái ghế nhìn cái bàn và cho rằng nó thấy một cái ghế kỳ quặc không có lưng dựa. Chiếc ghế cũng chẳng bao giờ nhận biết rằng nó là một cái ghế, nhưng nó vẫn vận hành chức năng của một cái ghế. Nó có thể không bao giờ thắc mắc đó có phải là cái ghế không, hay nhận thức vượt lên tính-ghế của chính bản thân, và nó mãi là một chiếc ghế.(9)
• Linh thể đó không hề tự nhận là Thượng Đế – chỉ sau đó tôi mới nhận ra – con người chúng ta luôn cố gán nhãn cho những thứ không nên định danh. Dẫu vậy, nguồn sinh lực vô biên đó muốn che chở tôi và đó là tất cả những gì tôi cần lúc đó.(10)
• Tôi ý thức tồn tại một nguồn ý lực tâm linh là tập hợp sinh lực của mọi con người, không có sự chia cắt đơn lẻ. Nếu dùng từ “Thượng Đế” ở đây, tổng hòa chúng ta chính là Thượng Đế.(11)
“Ánh sáng của Ơn Trên có trong vạn vật.”
Một trong những câu chuyện TNCT sâu sắc nhất trên NDERF đến từ Amy. Cô bị sốc phản vệ với hoạt chất trong thuốc. Và giữa lằn ranh sinh tử, cô đã có TNCT:
“Tôi đã luôn có cảm giác mọi hành động của mình đều được một ‘Đấng nào đó’ nhìn thấu và phán xử. Tôi tin mình là người lắm thiếu sót. Tôi đã không nhìn thấy một người đàn ông râu tóc bạc, trong bộ áo thụng trắng, ngự trên ngai, dù quả thực đó là hình dung trong đầu tôi trước đây.
Trong TNCT của tôi, ‘Thượng Đế’ là Tâm, hay ‘Trật Tự’ trong vạn vật. Tôi cảm nhận ‘Thượng Đế’ giống như Tần Số và Rung Động Tối Thượng, kiểu như là chân nguyên của vũ trụ, hơn là một ông lão. Nó hiện diện khắp nơi và ở trong vạn vật. Và ‘Thượng Đế’ cũng không nhất thiết phải là nam giới hay nữ giới. Ý niệm giới ở đây thật nực cười, bởi vì Thượng Đế là mọi thứ tươi đẹp, bình an và là Chí Tôn, tất cả đều là Thiện.
Tất cả thực sự tuyệt diệu. Thực tế tôi trở về cuộc sống với giác ngộ rằng dẫu cho quá khứ xảy ra có thể ‘tốt’ hoặc ‘xấu’, hiện tại lúc này chỉ có ‘Thiện’. Bởi tôi tin và biết rõ rằng mọi việc đều được ở đúng chỗ. Ngay cả khi người khác có những quyết định khiến tôi không đồng tình, tôi cảm thấy đó vẫn là một sự ‘tốt’.
Tôi cũng tiếp nhận tri kiến rằng chân nguyên hay ánh sáng của Ơn Trên có trong vạn vật – từng hòn sỏi viên đá, cây cỏ, muông thú, và loài người. Tôi biết Đấng Tối Cao ẩn chứa bên trong mọi sinh thể chỉ chờ cơ hội triển nở, sáng tạo, cảm nghiệm và tiến hóa. Tôi đã buông bỏ ham muốn phân tích, phán xét ‘tốt’ hay ‘xấu’ về mọi thứ trên đời. Giờ tôi không còn bám chấp nữa. Mọi chúng ta chỉ cần cảm nghiệm cuộc sống một cách tỉnh thức và học cách yêu thương, sáng tạo, và tăng trưởng tối đa bản ngã. Hiện tại tôi biết lựa chọn những điều đúng đắn, và tôi đủ linh hoạt để tìm cách dung hòa nhất có thể khi gặp trở ngại hay mất cân bằng. Vũ trụ có đầy Trật Tự, nên nó luôn luôn có cách cân bằng nội tại, bởi tạo hóa không thể tồn tại nếu mất đi sự cân bằng hoàn hảo của nó.”(12)
Đối với nhiều chủ thể TNCT, bởi sự chứng nghiệm của họ khác xa với những ý niệm vốn có về Thượng Đế, cho nên có thể hiểu được vì sao họ quá bối rối trước thuật ngữ “Thượng Đế”. Chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng có một linh thể mang tình yêu và lòng trắc ẩn vô tận xuất hiện trong TNCT. Những gì các chủ thể TNCT học hỏi từ bản chất của dạng thức siêu nhiên này có lẽ quan trọng hơn rất nhiều so với những hiểu biết con người họ từng có về thực thể này – bất kể danh xưng nào, Thượng Đế, Đấng Chí Tôn, Trật Tự, Ánh Sáng hay Thực Thể Tối Cao. Tất cả cách gọi trên hay cả lối dùng từ Thượng Đế của tôi trong quyển sách này đều bị giới hạn bởi ngôn ngữ.
TRẢI NGHIỆM CẬN TỬ VÀ NỀN TẢNG TÔN GIÁO
Một phát hiện sâu sắc khác qua sự tương tác với Thượng Đế trong TNCT có liên quan đến tôn giáo của chúng ta. Khá hiếm những chủ thể TNCT tiếp nhận thông tin về một tôn giáo cụ thể nào đó. Tuy nhiên, vẫn có vài ngoại lệ. Cynthia suýt chút nữa đã không qua khỏi vì một khối u tuyến yên năm mười hai tuổi. Cô kể:
“Thực thể ấy là Thượng Đế. Tôi hỏi Người có phải chỉ những tín đồ của một tôn giáo nào đó mới được lên thiên đường không. Người đáp rằng những ai tìm kiếm và giữ đức tin, ngay cả khi họ không nghĩ mình ngoan đạo, đều xứng đáng. Quan trọng trong tâm họ là gì.”(13)
“Mỗi tôn giáo là một con đường.”
Jean bị hội chứng sốc độc nghiêm trọng khiến tim ngừng đập bốn lần. Cô không rõ mình có gặp Thượng Đế trong TNCT hay không, nhưng cô đề cập đến các linh hồn mình nhìn thấy ở miền địa đàng: “Những linh thể ở Ngôi Đền Thượng Giới ở cảnh giới cao hơn tôi rất nhiều, và từ họ tràn đầy năng lực yêu thương vô điều kiện”. TNCT có rất nhiều chi tiết gắn tới tôn giáo:
“‘Họ’ cho tôi biết đây là kinh thành của Thượng Đế. Tôi đang đứng cạnh một đài phun nước. Một người đàn ông trong bộ áo thụng trắng với dây thừng thắt ngang eo cũng ở đó. Ông ta bảo sẽ dẫn tôi đi một vòng và có thể giải đáp mọi thắc mắc của tôi. Bởi vì là một người Công giáo, tôi không được phép bước vào những nhà thờ thuộc tông phái khác, hay như giáo hội Luther cho rằng người theo Công giáo sẽ bị đày xuống hỏa ngục. Tôi luôn đau đáu câu hỏi: ‘Đâu mới là tôn giáo đúng?’.
Người đàn ông bảo tôi: ‘Mọi tôn giáo đều đúng. Mỗi tôn giáo là một con đường khác nhau dẫn về cùng một đích’. Tôi thấy một ngọn núi, và mỗi cộng đoàn tôn giáo đều đang cố gắng leo lên đỉnh; tất cả cùng hướng về một đích đến. Tôi được giải thích rằng con người có quyền chọn sinh trưởng trong bất cứ tôn giáo hay cộng đồng nào giúp họ lĩnh ngộ được những bài học mà họ đã được gửi xuống thế gian này để học.
Tôi cũng hiểu rằng phải luôn xem xét các giáo lý của tôn giáo đang phục vụ cho ai. Nếu chỉ mang lợi cho một cá nhân nào đó hoặc thể chế quyền lực của chính tôn giáo ấy, khả năng tôn giáo đó không hướng giáo dân về Thượng Đế. Nhiều giới luật do con người đặt ra chỉ hòng bảo vệ cho cơ cấu hay một nhóm lợi ích trong đó.”(14)
Khi các chủ thể TNCT tiếp nhận thông tin về tôn giáo trong TNCT của mình, họ đều giác ngộ rằng không có tôn giáo nào trên đời là “tôn giáo được chọn” hay “tôn giáo đích thực duy nhất”. Bên cạnh đó, Thượng Đế không hề ám chỉ hay gợi ý các chủ thể TNCT về bất cứ điều gì họ nên hay không nên tin, bao gồm cả đức tin tôn giáo của chủ thể đó.
Tự thị về tôn giáo
Phiên bản trước đây của khảo sát NDERF đã hỏi sự nhìn nhận về tôn giáo của các chủ thể TNCT khi xảy ra biến cố và ở thời điểm khi họ chia sẻ trải nghiệm. Cả hai câu hỏi đều có ba lựa chọn “tự do”, “trung dung”, và “chính thống/bảo thủ”. Trong số 1.122 chủ thể TNCT hoàn thành phiên bản khảo sát NDERF này, có 144 người đã gặp hoặc nhận thức sự hiện diện của Thượng Đế và 978 trường hợp không. Xuất thân tôn giáo của các chủ thể TNCT khi xảy ra trải nghiệm là:(15)
Khi kiểm định thống kê chi bình phương, không có sự khác biệt đáng kể về sự tự định khuôn tôn giáo giữa nhóm chủ thể TNCT gặp Thượng Đế và nhóm không. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi vì nó cho thấy thực tế các chủ thể TNCT gặp Thượng Đế không hề tự đánh giá đức tin tôn giáo của họ là “chính thống/bảo thủ”. Nếu việc Thượng Đế xuất hiện trong TNCT phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin trước đó, đáng lẽ ra nhóm chủ thể TNCT “chính thống/bảo thủ” phải có tỷ lệ áp đảo trong gặp gỡ Thượng Đế. Nhưng số liệu thống kê cho thấy hoàn toàn không phải thế. Bằng chứng cho thấy niềm tin tôn giáo vào thời điểm xảy ra TNCT không hề quyết định việc người đó có gặp Thượng Đế trong trải nghiệm hay không.
Nhóm 1.122 chủ thể TNCT này cũng được khảo sát câu tiếp theo về quan niệm tôn giáo tại thời điểm họ chia sẻ TNCT với chúng tôi, trung bình khoảng hai mươi năm sau kể từ lúc có TNCT. Sau đây là kết quả:
Qua kiểm định chi bình phương, một lần nữa tại thời điểm chia sẻ TNCT cũng không có bất cứ khác biệt đáng kể nào trong cách nhìn nhận về đức tin bản thân giữa những chủ thể TNCT gặp và không gặp Thượng Đế. Các chủ thể TNCT gặp Thượng Đế trong TNCT đến từ đủ mọi tôn giáo khác nhau. Dường như dù một cá nhân ở nền tảng tôn giáo nào, bất kể tự do, trung dung, hay chính thống/bảo thủ thì vẫn tương hợp với khả năng gặp Thượng Đế trong TNCT của mình.
Phiên bản khảo sát NDERF mới nhất cũng đối chiếu nền tảng tôn giáo của các chủ thể giữa hai thời điểm – khi xảy ra TNCT và khi chia sẻ TNCT. Tuy nhiên, lần này chúng tôi đã hỏi hơi khác đi so với bản cũ. Đó là yêu cầu sự tự định danh tôn giáo cụ thể của người điền. Có mười chín lựa chọn, chẳng hạn như “Kitô giáo - Tin Lành,” “Kitô giáo - Công giáo Roma”, “Kitô giáo - nhánh khác”, “Không tín ngưỡng - Vô thần”, “Hồi giáo”, “Phật giáo”, v.v…(16) Các xác nhận về tôn giáo sau đó được phân tích kỹ lưỡng để so sánh sự khác biệt giữa chủ thể TNCT gặp và không gặp Thượng Đế.
Thành phần tôn giáo của những chủ thể TNCT gặp lẫn không gặp Thượng Đế đều như nhau. Có bốn tôn giáo chiếm đại đa số chủ thể TNCT gặp Thượng Đế tại thời điểm xảy ra sự kiện, khoảng 74% tổng số khảo sát có định danh tôn giáo. Đó là các tôn giáo được các chủ thể TNCT lựa chọn theo số lượng giảm dần, Kitô giáo - Tin Lành, Kitô giáo - Công giáo Roma, Kitô giáo - nhánh khác, và tôn giáo khác hoặc đa tín ngưỡng. Bốn nhóm tôn giáo của đa số chủ thể TNCT gặp Thượng Đế tại thời điểm họ kể lại chiếm 69% tổng số khảo sát hỏi về định danh tôn giáo. Và bốn nhóm này cũng trùng khớp với bốn nhóm định danh tôn giáo mà các chủ thể đã lựa chọn khi xảy ra trải nghiệm, nhưng với một chút thay đổi ở thứ tự. Theo đó, kết quả theo thứ tự giảm dần là: Kitô giáo - Tin Lành và tôn giáo khác hoặc đa tín ngưỡng (cùng tỷ lệ), sau đó là Kitô giáo - Công giáo và Kitô giáo - nhánh khác (cùng tỷ lệ). Điều này cho thấy việc định danh tôn giáo ở các chủ thể gần như giữ nguyên sau TNCT có gặp Thượng Đế.
Như đã đề cập, phiên bản mới nhất của khảo sát NDERF tiếp tục đối chứng về nền tảng tôn giáo giữa khoảng thời gian xảy ra TNCT và khi các chủ thể chia sẻ câu chuyện của mình. Việc này nhằm xác định xem liệu sự nhìn nhận về tôn giáo của họ vẫn như cũ hay có thay đổi giữa hai thời điểm. Trong 133 chủ thể TNCT gặp Thượng Đế, nhỉnh hơn một nửa số này vẫn giữ nguyên quan niệm tôn giáo của mình vào thời điểm chia sẻ về TNCT so với mốc TNCT xảy ra. Có 69 người (52%) ở hai mốc thời gian vẫn không thay đổi định danh tôn giáo của mình. Có 64 chủ thể TNCT (48%) đã thay đổi. Đối với 287 chủ thể TNCT không gặp Thượng Đế, 155 người (54%) giữ nguyên và 132 người đã định danh tôn giáo của mình khác đi. Dường như việc gặp Thượng Đế trong TNCT không có mối tương quan với chủ thể TNCT sẽ thay đổi định danh tôn giáo của họ hay không.
Trong bảng câu hỏi NDERF cũng cho người điền lựa chọn có thể diễn giải cách nhìn nhận tôn giáo vào thời điểm TNCT và khi chia sẻ câu chuyện với chúng tôi. Các phản hồi của các chủ thể TNCT gặp Thượng Đế đặc biệt hé lộ nhiều điều về quan niệm tôn giáo hiện tại của họ. Khuôn mẫu chung của các câu trả lời về nhìn nhận tôn giáo được lặp đi lặp lại và nhất quán với nội dung chủ thể TNCT có gặp gỡ Thượng Đế chia sẻ trong chương này. Dưới đây là một số ý kiến nổi bật:
• Tôi không cảm thấy Thượng Đế mình đã gặp thuộc về riêng một tôn giáo nào.(17)
• Tôi vẫn đi lễ nhà thờ nhưng giờ đây nghi lễ đó đối với tôi là một trải nghiệm cộng đồng hơn là mang tính tín ngưỡng hay tâm linh. Rất nhiều lần tôi đã muốn bước lên bục để công bố cho mọi người hay điều gì thực sự ở thế giới bên kia, và những rao giảng về tội lỗi của nhà thờ Kitô hoàn toàn lệch lạc.(18)
• Tôi là con người tâm linh, không phải kẻ sùng đạo.(19)
• Sau TNCT của mình, tôi đã thôi tới nhà thờ, bởi tôi cảm thấy những thuyết giáo ấy không chính xác chút nào. Tôi nhận ra Thượng Đế là tình yêu thuần khiết và thiên đường không phải một nơi chốn bạn đến khi lìa trần; thiên đường là ở đây và ngay lúc này, tại thế gian này.(20)
• Tôi không tham gia bất cứ hội đoàn tôn giáo nào, nhưng tôi tôn trọng mọi người và tôn giáo của họ. Tôi không còn xem thường người khác vì một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của họ. Nhưng tôi chắc chắn rằng Thượng Đế có thật và hiện hữu ở mọi dạng thức nào mà bạn chọn tin vào Người. Từ những gì tôi đã trải qua, Thượng Đế vĩ đại hơn bất cứ thứ gì mà bất cứ ai có thể hình dung.(21)
• Giờ đây không một đức tin tôn giáo nào sáng rõ đủ về cảm nghiệm sự sống và cái chết, hay về Thượng Đế ý nghĩa thế nào đối với tôi. Tôi hình thành niềm tin riêng của bản thân từ chính bên trong. Tôi nói chuyện với Thượng Đế, và Người trả lời tôi. Đó là tất cả những gì tôi cần.(22)
• Tôi đi lễ ở nhà thờ Kitô không phân biệt giáo phái. Tuy nhiên, tôi không còn tin vào việc nếu một người không phải Kitô hữu thì không thể bước vào nước trời. Bởi trong TNCT của mình, tôi ngộ ra rằng không hề có sự phán xử.(23)
• Viễn cảnh và tình yêu trao ban cho tôi trong trải nghiệm đã trở thành toàn bộ nền tảng đức tin hiện tại của tôi.(24)
• Tôi vẫn phụng sự nhiệt thành cho nhà thờ; song giờ thì tâm trí tôi dành hết vào sự thật tối cao hơn là tôn giáo.(25)
• Tôi tin vào tất cả hệ thống niềm tin và mọi con đường thực hành tâm linh hướng đến nguồn ánh sáng của tình yêu vĩ đại bao trùm. Thực sự chỉ có duy nhất một “Chân Thể”, đó là sức mạnh và năng lượng vô tận chi phối mọi tạo vật.(26)
• Không phải chỉ ở nhà thờ mới tìm thấy Thượng Đế. Người hiện hữu mọi nơi trong vạn vật.(27)
• Hiện giờ tôi là một con người tâm linh không bám chấp vào bất cứ tín ngưỡng nào. Tôi biết nếu thứ gì không phát xuất từ Tình Yêu, đó không phải triết lý về Thượng Đế. Thượng Đế của tôi tuyệt đối yêu thương và nhân từ, linh hồn Người ngự trong tôi và trong tất thảy chúng ta.(28)
• Tôi tôn trọng mọi đức tin hiện hữu; tất cả con đường đều đổ về một đích đến tối hậu.(29)
• Khi hạnh ngộ Người, tôi biết Thượng Đế có tồn tại. Tôi thực hành tâm linh nhưng không phải một con chiên nhà thờ. Tôi cầu nguyện mỗi ngày tới Thượng Đế, Đức Jesus, và Vũ Trụ. Tất thảy chúng ta đều nối kết.(30)
NHỮNG BIẾN CHUYỂN VỀ NIỀM TIN TÔN GIÁO
Những hồi đáp trên cho thấy nhiều chủ thể TNCT có gặp Thượng Đế đã trải qua những chuyển biến sâu sắc về niềm tin tôn giáo của mình sau biến cố TNCT. Giả thiết về sự thay đổi này được kiểm chứng qua dữ kiện của khảo sát NDERF, “Niềm tin tôn giáo/thực hành tâm linh của bạn có thay đổi đáng kể bởi trải nghiệm của mình không?”. 133 chủ thể TNCT gặp Thượng Đế đã trả lời:
Các câu trả lời được đối chiếu bằng phân tích thống kê chi bình phương, giữa nhóm chủ thể TNCT gặp và nhóm không gặp Thượng Đế trong TNCT. Số chủ thể TNCT gặp Thượng Đế chiếm đại đa số câu trả lời “Có” về niềm tin tôn giáo và thực hành tâm linh của họ đã thay đổi. Kết quả cho thấy gặp gỡ Thượng Đế trong TNCT có tương quan với sự thay đổi sâu sắc về niềm tin và thực hành tín ngưỡng của một người.
Một câu hỏi khác trong phiên bản mới nhất của khảo sát NDERF đặt vấn đề các chủ thể TNCT đánh giá tầm quan trọng của tôn giáo/tâm linh trong đời sống của họ. Các chủ thể được yêu cầu so sánh đời sống tôn giáo/tâm linh có ý nghĩa ra sao với mình trước TNCT và có khác gì ở thời điểm họ chia sẻ câu chuyện TNCT với NDERF. Như đã đề cập, trung bình thường là hai mươi năm kể từ lúc xảy ra TNCT tới khi chủ thể kể lại. Khi phân tích số liệu phản hồi gởi về từ các chủ thể TNCT gặp Thượng Đế,(31) chúng tôi vô cùng kinh ngạc trước sự biến chuyển về ý niệm đời sống tôn giáo/tâm linh của họ qua thời gian:
Có một mối tương quan rõ rệt giữa những TNCT có tiếp xúc với Thượng Đế tới sự gia tăng nhìn nhận về tầm quan trọng của đời sống tôn giáo/tâm linh ở đại đa số chủ thể TNCT. Phản hồi của các chủ thể TNCT gặp gỡ Thượng Đế cho thấy trải nghiệm này để lại những đổi thay vô cùng sâu sắc và trường tồn trong niềm tin tôn giáo/tâm linh của họ. Đối với nhóm chủ thể TNCT không gặp Thượng Đế, cũng có sự chuyển dời ý niệm tầm quan trọng của đời sống tôn giáo/tâm linh, nhưng không ở mức độ mạnh mẽ như nhóm đối tượng TNCT có gặp Thượng Đế. Dưới đây là kết quả:
Có một phát hiện thú vị khác khi chúng tôi phân tích dữ liệu trên. Những biến chuyển lớn trong hệ giá trị và đức tin của những chủ thể này hoàn toàn phù hợp với nhận thức của họ rằng TNCT là thật. Con người không dễ thay đổi quá nhiều trong lối sống nếu không có lý do đủ thôi thúc. Từ những gì thu thập được qua khảo sát có thể thấy rằng các chủ thể TNCT, bất kể gặp Thượng Đế hay không, đều cảm thấy họ có lý do để thay đổi theo chiều hướng gia tăng quan tâm tới tôn giáo/tâm linh. Tất cả các tường thuật trong quyển sách đều đồng thời nhấn mạnh bản thân mọi chủ thể TNCT đều xác tín TNCT của mình. Và tôi cũng nghiêng về quan điểm những chủ thể gặp Thượng Đế có xu hướng tăng tiến sự chú trọng vào đời sống tôn giáo/tâm linh của mình hơn hẳn, bởi từ trải nghiệm của mình, họ gia cố niềm tin rằng Thượng Đế là thực.