Sự Vươn Lên Không Thể Nghi Ngờ Của Một Giả Định
Hãy tự chọn cho bạn thời gian câu chuyện bắt đầu. Liệu đó có phải là năm 1648, khi Hòa ước Westphalia dẫn đường cho nhà nước-quốc gia hiện đại, thay thế cho trật tự hậu trung cổ của những nhà nước-thành bang và những lãnh địa chồng lấn lên nhau? Liệu đó có phải là năm 1745, khi một quý tộc và quan chức thương mại Pháp tên là Vincent de Gournay được cho là đã nghĩ ra từ bureaucracy (hệ thống quan liêu)? Hay có lẽ là năm 1882, khi một nhóm nhỏ những ty công dầu khí ở Mỹ hợp lại thành hãng khổng lồ Standard Oil - giữa sự trỗi dậy của những ngành kinh doanh mới quy mô lớn khác, báo trước một làn sóng sáp nhập kỳ vĩ một thập kỷ sau đó sẽ kết thúc thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản nhỏ, địa phương, công ty hộ gia đình để thiết lập một trật tự mới dựa trên những tập đoàn khổng lồ?
Dù là cột mốc nào, vào đầu thế kỷ XX, chúng và những tiến bộ vượt bậc khác - tất cả nói chung đều được cho là phản ánh sự tiến bộ của con người, khoa học và sức sáng tạo - đã củng cố một sự nhất trí diện rộng về cách tích lũy, nắm giữ và thực thi quyền lực. Và vào khoảng giữa thế kỷ, sự to lớn đã chiến thắng. Các cá nhân, thợ thủ công, công ty gia đình, thành bang, hay nhóm rời rạc những người với khuynh hướng giống nhau không còn có thể đứng vững trước những lợi thế choáng ngợp của các tổ chức lớn. Giờ quyền lực đòi hỏi kích cỡ, quy mô và một tổ chức mạnh mẽ, tập trung, phân chia thứ bậc.
Dù tổ chức được nói tới là General Motors, Giáo hội Công giáo hay Hồng quân, câu hỏi thực dụng về cách tổ chức để giữ được quyền lực tối đa đã có câu trả lời rõ ràng: trở nên to lớn hơn.
Để hiểu ý tưởng về sự to lớn bén rễ như thế nào, chúng ta phải bắt đầu với một số cơn lốc lịch sử. Đặc biệt, chúng ta phải dành thời gian để làm quen với bậc thầy về lịch sử kinh doanh người Mỹ, cha đẻ ngành xã hội học hiện đại người Đức và kinh tế gia người Anh giành giải Nobel nhờ việc lý giải tại sao trong kinh doanh, lớn hơn thường là tốt hơn. Kết hợp lại, những công trình tương ứng của họ soi rọi không chỉ việc tạo ra hệ thống quan liêu hiện đại đã khiến việc thực thi quyền lực hiệu quả như thế nào, mà còn cách những tập đoàn thành công nhất thế giới - cũng như các tổ chức từ thiện, giáo hội, quân đội, đảng chính trị và trường đại học - sử dụng việc thực thi quyền lực qua hệ thống quan liêu để ngăn cản các đối thủ và thúc đẩy lợi ích của chính mình.
Các sử gia đã xác nhận mầm mống của hệ thống quan liêu hiện đại nằm trong những hệ thống chính quyền từ thời Trung Quốc, Ai Cập và La Mã cổ đại. Trong cả hoạt động quân sự và hành chính, người La Mã đã đầu tư mạnh mẽ vào các tổ chức quy mô lớn, phức tạp, tập trung. Sau đó rất lâu, Napoleon Bonaparte và nhiều người ở châu Âu, hấp thu những bài học của thời đại
Khai sáng, sẽ gắn kết với nền hành chính tập trung và chuyên nghiệp hóa như một cách tiến bộ và duy lý để vận hành một chính phủ. Tiếp thu mô hình đó và phỏng theo những ví dụ của Mỹ và châu Âu, Nhật Bản thời Minh Trị tập hợp một nền quan liêu chuyên nghiệp - bao gồm, trên hết, Bộ Công nghiệp, được thành lập vào năm 1870 - để tái cấu trúc lại xã hội và bắt kịp với phương Tây. Tới Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, quốc gia-nhà nước với một chính phủ và cơ quan nhà nước thống nhất là hình mẫu trên toàn thế giới, bao gồm cả những thuộc địa. Ở Ấn Độ chẳng hạn, nhà cầm quyền người Anh đã thành lập Cơ quan Dân sự Ấn Độ (Indian Civil Service), sẽ tiếp tục hoạt động sau khi Ấn Độ độc lập, với vai trò Cơ quan Hành chính Ấn Độ (Indian Administrative Service) đầy uy tín, một con đường sự nghiệp rất được giới học thức tinh hoa thèm muốn. Dù là thị trường tự do hay xã hội chủ nghĩa, cai trị bởi một đảng hay nền dân chủ linh hoạt, các quốc gia khắp thế giới trong thế kỷ XX chia sẻ cam kết với một nền hành chính tập trung lớn - đó chính là hệ thống quan liêu.
Điều tương tự cũng xảy ra trong đời sống kinh tế. Được thúc đẩy bởi công nghệ, những yêu cầu với nền công nghiệp quy mô lớn cùng luật lệ mới, các công ty nhỏ phải nhường đường cho những công ty lớn, nhiều phòng ban, phân chia thứ bậc và vận hành theo kiểu hành chính, một giống loài chưa tồn tại trước năm 1840. Trong giai đoạn mà các học giả gọi là phong trào sáp nhập lớn lần thứ nhất ở Mỹ - thời kỳ kéo dài một thập kỷ từ 1895 tới 1904 - không dưới 1800 công ty nhỏ đã biến mất trong làn sóng sáp nhập. Những cái tên quen thuộc của nhiều thương hiệu lớn ngày nay có nguồn gốc từ thời kỳ đó. General Electric được thành lập từ lần sáp nhập vào năm 1892. Coca-Cola cũng được thành lập năm đó, và Pepsi năm 1902. Công ty Điện thoại và Điện tín Hoa Kỳ (tiền thân của AT&T) được thành lập năm 1885. Westinghouse, năm 1886. General Motors, năm 1908, và vân vân. Tới năm 1904, 78 tập đoàn kiểm soát hơn một nửa sản lượng trong ngành kinh doanh của riêng họ và 28 công ty kiểm soát hơn 4/5.1 Bình luận về sự đảo lộn mà những tổ chức mới này đại diện, một Henry Adams đầy ngờ vực đã nhận xét rằng “những quỹ tín thác và các tập đoàn đại diện cho phần lớn hơn của quyền lực mới được tạo ra từ năm 1840, và chúng vô cùng đáng ghét vì sức mạnh mãnh liệt và vô đạo đức của mình. Chúng có tính cách mạng, gây khó khăn cho tất cả những thông lệ và giá trị cũ, giống như hàng đoàn tàu chạy bằng hơi nước trên đại dương gây khó chịu cho một đàn cá trích”.2
“Cuộc cách mạng quản trị” này, như sử gia về kinh doanh vĩ đại Alfred Chandler đặt tên, cũng lan từ nơi ông gọi là “mảnh đất gieo hạt”, nước Mỹ, sang phần còn lại của thế giới tư bản. Nền công nghiệp ở Đức ngày càng bị thống trị bởi những công ty lớn như AEG, Bayer, BASF, Siemens, và Krupp - nhiều trong số đó ra đời ở thế kỷ XIX - mà chính chúng cũng kết hợp thành những quỹ tín thác chính thức và không chính thức còn lớn hơn. Ở Nhật Bản, với sự giúp đỡ từ chính quyền, những zaibatsu* vừa thành lập đã mở rộng sang những ngành mới như dệt, thép, đóng tàu và đường sắt. Chandler lập luận một cách thuyết phục rằng việc sử dụng động cơ hơi nước ngày càng tinh vi trong ngành sản xuất chế tạo ở thế kỷ XIX cũng như sự phổ biến của điện và các sáng kiến khác trong quản trị dẫn tới cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, sản sinh ra những công ty lớn hơn nhiều so với những công ty đã nổi lên trong cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ trước. Những nhà máy công nghiệp mới này sử dụng nhiều hơn hẳn vốn, lao động và những người quản lý. Kết quả là, tăng trưởng về quy mô trở thành điều kiện tiên quyết cho thành công trong kinh doanh và to lớn trở nên đồng nghĩa với sức mạnh của doanh nghiệp. Trong tác phẩm đầy ảnh hưởng của ông (được đặt tên thật hợp The Visible Hand (tạm dịch: Bàn Tay Hữu Hình)), Chandler lập luận rằng bàn tay hữu hình của các giám đốc đầy quyền lực đã thay thế bàn tay vô hình của các lực lượng thị trường là động cơ chính cho kinh doanh hiện đại.3 Quyền lực và quyết định của các giám đốc chuyên nghiệp này, người dẫn dắt những công ty khổng lồ hay những đơn vị khổng lồ trong các công ty đó, định hình nên các hoạt động và đầu ra kinh tế nhiều không kém, nếu không muốn nói là hơn, so với giá cả được xác định bởi sự trao đổi trên thị trường.
* Zaibatsu (Tài phiệt): Chỉ các tập đoàn thương mại và công nghiệp độc quyền khổng lồ ở Đế quốc Nhật.
Sự nổi lên và thống trị của những công ty công nghiệp lớn này dẫn tới việc Chandler xác định ba mô hình riêng biệt của chủ nghĩa tư bản, mỗi mô hình gắn với một trong ba thành trì của chủ nghĩa tư bản ở thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai: (a) “chủ nghĩa tư bản cá nhân” được hình thành ở Vương quốc Anh, (b) chủ nghĩa tư bản cạnh tranh (hay quản lý) phổ biến ở Liên bang Mỹ, và (c) “chủ nghĩa tư bản hợp tác” của Đức.4 Theo quan điểm của Chandler, ngay cả những công ty công nghiệp lớn thành công ở Anh cũng bị suy yếu bởi bản chất gia đình của một đế chế doanh nhân thống trị sở hữu và quản lý chúng: chúng thiếu động cơ, sự nhanh nhạy và tham vọng của những đồng nghiệp Mỹ. Ngược lại, việc tách biệt sự sở hữu và quản lý mà Chandler gọi là “chủ nghĩa tư bản quản trị” đã cho phép các công ty Mỹ áp dụng hình thức tổ chức mới - đáng chú ý là cấu trúc đa bộ phận, hay “Mô hình M”* - vốn ưu thế hơn hẳn trong việc huy động và phân bổ vốn, thu hút tài năng, sáng tạo và đầu tư vào sản phẩm lẫn tiếp thị. Mô hình M, vốn đòi hỏi một sự liên kết của các nhóm bán-độc-lập phụ trách sản phẩm cũng như các nhóm địa lý trong một tổng hành dinh trung tâm, cho phép xử lý các hoạt động quy mô lớn hiệu quả hơn và tạo ra những tập đoàn tăng trưởng nhanh hơn. Ngược lại, khuynh hướng của các công ty Đức hợp tác với những liên đoàn lao động dẫn tới hệ thống mà Chandler gọi là “chủ nghĩa tư bản hợp tác”, dần dần được biết đến với tên gọi “đồng quyết định”. Các công ty Đức cố gắng hết sức để thêm vào nhiều bên có lợi ích liên quan trong cấu trúc quản trị của công ty ngoài những cổ đông và những giám đốc cấp cao.
* Cấu trúc đa bộ phận: Cấu trúc trong đó một công ty mẹ sở hữu nhiều bộ phận khác nhau hoạt động kinh doanh riêng, cho các bộ phận sự độc lập và quyền tự chủ lớn.
Dù ba hệ thống này có nhiều điểm khác nhau, chúng có một điểm chung cực kỳ quan trọng: trong từng trường hợp, quyền lực doanh nghiệp nằm ở những công ty quy mô lớn. Kích cỡ dẫn tới quyền lực và ngược lại.
Dù chúng ta gọi nó là Kinh doanh lớn, Chính phủ lớn hay Lao động lớn, chiến thắng của những tổ chức to lớn, tập trung này xác nhận và củng cố giả định chung ngày càng phổ biến rằng lớn là tốt nhất. Và rằng đạt được quyền lực trong bất kỳ lĩnh vực tương quan nào là nhiệm vụ phù hợp nhất với một kiểu tổ chức hiện đại và duy lý nhất định, hiệu quả nhất khi ở cấu trúc tập trung và to lớn. Và nếu ý tưởng này tiếp nhận được sức mạnh của sự thông thái, một lý do chủ chốt là bởi nó đã tìm thấy sự ủng hộ về học thuật mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế học, xã hội học và khoa học chính trị. Tất cả sự ủng hộ đó xuất phát, về cơ bản, từ công trình đầy ảnh hưởng của một nhà khoa học xã hội lừng lẫy: Max Weber.
MAX WEBER, HAY TẠI SAO KÍCH CỠ LẠI QUAN TRỌNG
Max Weber còn hơn một nhà xã hội học người Đức. Ông là một trong những học giả xuất sắc nhất ở thời của mình, một bộ óc phi thường về kinh tế học, lịch sử, tôn giáo, văn hóa và hơn thế nữa. Ông viết về lịch sử kinh tế và pháp luật phương Tây, những nghiên cứu về tôn giáo Ấn Độ, Trung Quốc và Do Thái, về quản trị nhà nước, đời sống đô thị và cuối cùng, một kiệt tác, Economy and Society (Nền Kinh Tế Và Xã Hội), xuất bản năm 1922, hai năm sau khi ông qua đời. Ông cũng là, như nhà khoa học chính trị và xã hội học Alan Wolfe đã nhận xét, “học giả hàng đầu trong những câu hỏi về quyền lực và quyền hành trong thế kỷ XX”,5 và vì vấn đề đó mà chúng ta gặp ông ở đây. Thật vậy, Weber và những học thuyết của ông về hệ thống quan liêu là cực kỳ quan trọng để hiểu quyền lực có thể được sử dụng thực tế như thế nào.
Sinh năm 1864, Weber trưởng thành ở nước Đức khi quốc gia này đang thống nhất từ hàng loạt những công quốc khu vực, dưới sự thúc đẩy của Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck, và biến thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Weber, dù là một trí thức, tham gia vào quá trình hiện đại hóa này trong nhiều vai trò khác nhau - không chỉ như một học giả mà còn như một cố vấn cho thị trường chứng khoán Berlin, một nhà tư vấn cho các nhóm cải cách chính trị và một sĩ quan dự bị trong quân đội của hoàng đế.6 Ông được dư luận chú ý lần đầu với nghiên cứu gây tranh cãi về thân phận những người lao động trong nông nghiệp Đức bị mất nhà cửa vì những người di cư Ba Lan, trong đó ông tranh luận rằng những điền trang lớn của người Đức nên được phân ra thành những mảnh đất giao cho người lao động để khuyến khích họ ở lại với đất đai. Sau khi nhận một vị trí ở Đại học Freiburg, ông một lần nữa lại làm dấy lên tranh luận với những đề xuất đưa nước Đức theo con đường của “chủ nghĩa đế quốc tự do” để xây dựng những cấu trúc chính trị và thể chế cần thiết cho một nhà nước hiện đại.7
Năm 1898, sau một cuộc tranh cãi nảy lửa trong gia đình gây nên cái chết của cha ông, Weber bị đột quỵ và mắc chứng suy nhược thần kinh khiến ông không thể giảng dạy nữa. Trong giai đoạn hồi phục một cơn suy nhược, vào năm 1903, ông được Hugo Münsterberg, một giáo sư Harvard về tâm lý học ứng dụng, mời gia nhập những học giả quốc tế trong một hội nghị ở St. Louis, Missouri. Weber đã chấp nhận, bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn của nước Mỹ và điều ông từng coi là những hình thức kinh tế và chính trị còn tương đối kém phát triển, cơ hội để tìm tòi sâu hơn về Thanh giáo (tác phẩm ảnh hưởng nhất của ông, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Của Chủ Nghĩa Tư Bản), sẽ xuất hiện không lâu sau đó), kèm theo một khoản thù lao hậu hĩnh. Như sử gia người Đức Wolfgang Mommsen sau này viết, chuyến đi sẽ “có tầm quan trọng mấu chốt trong tư duy xã hội và chính trị của ông”.8
Tới nước Mỹ năm 1904, Weber đã mở rộng chuyến thăm giảng dạy của ông thành một đợt thực nghiệm quan sát và thu thập thông tin lớn khắp quốc gia này. Ông dành hơn 180 giờ trên tàu hỏa trong một khoảng thời gian gần ba tháng, ghé thăm New York, St. Louis, Chicago, Muskogee, Oklahoma (để thấy đất nước của người da đỏ), Mt. Airy, North Carolina (nơi ông có bà con) và những nơi lặt vặt khác (cuộc gặp với William James chẳng hạn, ở Cambridge, Massachusetts). Weber đã đi từ một quốc gia hiện đại tới một đất nước còn hiện đại hơn. Thật vậy, như Weber đánh giá nước Mỹ, nó đại diện cho “lần gần nhất trong lịch sử lâu dài của loài người mà quá nhiều điều kiện ưu ái để một sự phát triển tự do và kỳ vĩ tồn tại”.9 Mỹ là xã hội tư bản quyết liệt nhất mà Weber từng thấy, ông nhận ra nó là dự cảm cho tương lai. Những tòa nhà chọc trời ở New York và Chicago với ông là “những thành trì của tư bản”, ông choáng ngợp bởi cầu Brooklyn và bởi những xe lửa, xe điện, thang máy của cả hai thành phố.
Nhưng Weber cũng có nhiều điều để chê bai nước Mỹ. Ông bị sốc vì điều kiện lao động, sự thiếu an toàn ở nơi làm việc, tình trạng tham nhũng lan tràn trong các quan chức thành phố và lãnh đạo lao động, sự bất lực của các công chức nhà nước điều hành toàn bộ đống hỗn loạn và đuổi theo nền kinh tế năng động. Ở Chicago, mà ông gọi là “một trong những thành phố khó tin nhất”, ông đã lang thang qua những bãi nuôi gia súc, những dãy nhà tập thể và những con phố, chứng kiến cư dân của thành phố làm việc và vui chơi, ghi nhận trật tự của dân địa phương theo sắc tộc (người Đức làm bồi bàn, người Ý chuyên đào đất, còn người Ireland là những chính trị gia) và quan sát các phong tục địa phương. Thành phố, ông nhận xét, “giống như một cơ thể sống với lớp da được bóc tách, nhìn thấy những ruột gan đang hoạt động”.10 Sự phát triển tư bản đang vận động nhanh, ông ghi nhận thêm, mọi thứ “đối lập với văn hóa của chủ nghĩa tư bản sẽ bị hủy diệt với một sức mạnh không thể ngăn cản”.11
Điều Weber thấy ở Mỹ đã xác nhận và củng cố những ý tưởng của ông về tổ chức, quyền lực và quyền hành - ông sẽ tiếp tục viết ra một bộ tác phẩm đồ sộ giúp ông đạt tới danh tiếng “cha đẻ của khoa học xã hội hiện đại”. Học thuyết của Weber về quyền lực, được trình bày trong Economy and Society, bắt đầu với quyền hành - cơ sở mà trên đó “sức mạnh chi phối” được giải thích và thực hành. Dựa trên kiến thức bách khoa bản thân về lịch sử toàn cầu, Weber lập luận rằng, trong quá khứ, phần lớn quyền hành là “truyền thống” - tức là được thừa kế bởi những người nắm quyền và được chấp nhận bởi những thần dân của kẻ nắm quyền. Một nguồn thứ hai của quyền hành là “sức lôi cuốn”, mà qua đó một lãnh đạo cá nhân được những người đi theo cho rằng sở hữu tài năng đặc biệt. Nhưng hình thức thứ ba của quyền hành - và hình thức phù hợp với thời hiện đại - là quyền hành “quan liêu” và “duy lý”, có cơ sở là luật pháp và được thi hành bởi một cấu trúc hành chính có thể thực thi những luật lệ rõ ràng và nhất quán. Nó dựa trên, Weber viết, “lòng tin vào hiệu lực của quy chế pháp lý và thẩm quyền theo chức năng trên cơ sở những luật lệ được tạo ra một cách duy lý”.
Và vì thế, Weber tin rằng, điểm mấu chốt để thực thi quyền lực trong xã hội hiện đại là sự tổ chức quan liêu. Hệ thống quan liêu với Weber không phải là từ có ý nghĩa tiêu cực như ngày nay. Nó mô tả hình thức tổ chức tiến bộ nhất con người đã đạt được và phù hợp nhất cho sự phát triển trong một xã hội tư bản chủ nghĩa. Weber đã điểm lại những đặc điểm cơ bản của sự tổ chức quan liêu: những công việc cụ thể với các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phạm vi quyền hành chi tiết cũng như một hệ thống giám sát, hỗ trợ rõ ràng, cùng sự thống nhất trong mệnh lệnh. Những tổ chức như thế dựa rất nhiều vào các tài liệu và hệ thống liên lạc qua văn bản, vào việc huấn luyện nhân sự dựa trên đòi hỏi với từng vị trí và những kỹ năng mà công việc đó cần. Điều quan trọng là hoạt động bên trong của tổ chức quan liêu dựa trên sự áp dụng luật lệ toàn diện và nhất quán cho tất cả mọi người, bất chấp hoàn cảnh kinh tế xã hội hay các mối liên hệ gia đình, tôn giáo và chính trị. Vì thế, sự tuyển dụng, trách nhiệm và thăng tiến dựa trên năng lực và kinh nghiệm - chứ không phải, như trong quá khứ, trên cơ sở các mối liên hệ gia đình hay quan hệ cá nhân.12
Nước Đức đã ở tiền phương của những nỗ lực tại châu Âu trong việc tạo ra dịch vụ dân sự hiện đại, bắt đầu với nước Phổ ở thế kỷ XVII và XVIII. Vào thời kỳ của Weber, quá trình đó được tăng tốc, song song với những phát triển ở các nước khác làm giảm phạm vi của sự bảo trợ dựa trên mối quan hệ thân quen. Ủy ban Cơ quan Dân sự Anh, được thành lập năm 1855, là một ví dụ như thế. Một ví dụ khác là Ủy ban Cơ quan Dân sự Mỹ, được thành lập năm 1883 để kiểm soát việc vào làm ở các cơ quan Liên bang. Và năm 1874 chứng kiến bước đầu tiên hướng tới một cơ quan dân sự quốc tế, với sự thành lập Liên minh Bưu chính Quốc tế.
Trong chuyến đi Mỹ của mình, Weber cũng chứng kiến cuộc cách mạng song song trong các phương pháp và sự tổ chức quan liêu ở những người tiên phong mới trong lĩnh vực kinh doanh. Ở những bãi chăn nuôi gia súc ở Chicago, nơi các nhà máy đóng hộp đứng ở tiền tuyến của sự cơ giới hóa và chuyên môn hóa dựa trên dây chuyền lắp ráp với nhiệm vụ cho phép ban quản lý thay thế những lao động thiếu kỹ năng bằng những công nhân khéo léo, Weber bị kích thích cao độ bởi “mức độ quyết liệt trong công việc”.13 Nhưng ngay giữa “lò mổ hàng loạt và những biển máu”, đầu óc phán đoán của ông vẫn hoạt động:
Từ khoảnh khắc khi con bò ngơ ngác vào khu vực giết mổ, nó bị đánh bằng một cái búa và đổ gục, rồi nó ngay lập tức bị chụp lấy bởi một cái kẹp bằng sắt, bị nhấc bổng lên và bắt đầu hành trình, nó liên tục chuyển động - qua những công nhân mới liên tục, những người moi ruột và lột da nó, vân vân, nhưng luôn (trong nhịp điệu của công việc) bị cột chặt vào cỗ máy kéo con vật đi qua họ… Ở đó, một người có thể theo dõi con vật từ chuồng cho tới khi nó biến thành xúc xích và thịt hộp.14
Với những giám đốc, sản xuất công nghiệp quy mô lớn trong một thị trường ngày càng quốc tế hóa đòi hỏi lợi thế của sự chuyên môn hóa và thứ bậc quan liêu, hay như Weber liệt kê: “sự chính xác, tốc độ, sự rõ ràng, kiến thức về từng phần công việc, sự tiếp nối, sự suy xét khôn ngoan, sự lệ thuộc chặt chẽ, sự giảm bớt những va chạm tạo ra chi phí về vật chất và con người”.15 Điều tốt cho một chính phủ tiên tiến cũng tốt cho kinh doanh tiên tiến. “Thông thường”, Weber viết, “những doanh nghiệp tư bản rất lớn và hiện đại tự chúng là những mô hình không gì sánh được của sự tổ chức quan liêu chặt chẽ”.16
Nêu ra hàng loạt ví dụ, Weber rốt cuộc chứng tỏ rằng những cấu trúc duy lý, được chuyên nghiệp hóa, phân chia thứ bậc và tập trung đang nổi lên trong mọi lĩnh vực, từ những đảng chính trị tới những liên đoàn lao động thành công, “những cấu trúc thuộc về nhà thờ”, và những trường đại học lớn. “Việc quyền hành được thực thi ở khu vực ‘tư’ hay ‘công’ không phải là vấn đề với đặc điểm của hệ thống quan liêu”, Weber viết. “Nơi nào mà hệ thống hành chính quan liêu đã được thực thi hoàn toàn”, ông kết luận, “một hình thức của quan hệ quyền lực được xác lập và trên thực tế là không thể lay chuyển”.17
THẾ GIỚI ĐÃ ĐI THEO WEBER NHƯ THẾ NÀO
Một trong những chất xúc tác dẫn tới sự lan nhanh của hệ thống quan liêu là việc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất bùng nổ, cuộc xung đột mà Weber ban đầu ủng hộ, nhưng rồi hối tiếc một cách cay đắng. Việc động viên tổng lực hàng triệu đàn ông và hàng triệu tấn vật chất đòi hỏi những sáng tạo quản trị trên chiến trường và trong hậu cần. Lấy ví dụ, do tính cố định của chiến tranh qua các chiến hào, việc cung ứng đạn dược có lẽ là yếu tố hạn chế quan trọng nhất với các chiến dịch. Một mặt trong thách thức mang tính tổ chức này là sản lượt đạn pháo 75 li của Pháp. Những nhà lập kế hoạch trước chiến tranh đặt mục tiêu sản lượng 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Không lâu sau khi chiến tranh bùng nổ, họ tăng sản lượng lên 100.000 mỗi ngày - vẫn chỉ mới đạt một nửa mức sản lượng đáp ứng được yêu cầu. Tới năm 1918, hơn 1,7 triệu đàn ông, phụ nữ và cả thanh thiếu niên (bao gồm tù nhân chiến tranh, thương binh và người nước ngoài bị bắt lính) làm việc chỉ riêng ở các nhà máy đạn dược của Pháp. Như sử gia William McNeill nhận xét, “Vô số những cấu trúc quan liêu trước đó đã hoạt động ít nhiều độc lập với nhau trong bối cảnh quan hệ thị trường, hợp nhất lại thành một công ty duy nhất trên toàn quốc phục vụ việc tiến hành chiến tranh” - một quá trình diễn ra ở mọi quốc gia tham chiến.18
Weber qua đời vì bệnh viêm phổi hai năm sau khi cuộc chiến kết thúc. Nhưng mọi chuyện xảy ra ở những thập kỷ sau cái chết của ông chỉ xác nhận các nhận định của ông về sự áp đảo mang tính nền tảng của những hệ thống quan liêu, quy mô lớn. Weber đã rất háo hức chứng tỏ sự hiệu quả của những hệ thống như thế ở các tổ chức ngoài quân đội hay kinh doanh, và điều này thực sự đã được chứng tỏ là đúng. Mô hình quản trị đó nhanh chóng bén rễ trong lĩnh vực như từ thiện chẳng hạn, khi cũng những nhà tư bản lớn tiên phong của kinh doanh hiện đại đã tạo ra nhiều quỹ từ thiện thống lĩnh việc làm từ thiện trong một thế kỷ. Tới năm 1916, có hơn 40.000 triệu phú ở Mỹ, tăng so với con số một trăm vào những năm 1870. Những nhà tài phiệt như John D. Rockefeller và Andrew Carnegie phối hợp với các nhà cải cách xã hội để bỏ tiền cho các trường đại học và tạo ra những định chế độc lập như Viện Nghiên cứu Y khoa Rockefeller, đã trở thành hình mẫu cho các định chế tương tự. Tới năm 1915, nước Mỹ đã có 27 quỹ vì mục đích chung, một sáng tạo độc đáo của người Mỹ, với những chuyên gia bên trong tổ chức tiến hành nghiên cứu độc lập với hàng loạt vấn đề xã hội và đưa ra những chương trình để cải thiện chúng. Tới năm 1930, con số đó đã phình lên hơn 200. Sự vươn lên của những quỹ độc lập về nguồn tài chính đi kèm với sự phát triển của từ thiện số đông, đặc biệt là ở những lĩnh vực như y tế cộng đồng, nơi những nhà cải cách vận động cộng đồng cho đi vì những mục tiêu xã hội rộng lớn. Năm 1905 chẳng hạn, không tới 5000 người Mỹ đóng góp thời gian và tiền bạc để chống lại bệnh lao, một tai họa chiếm tới 11% các ca tử vong trên toàn nước Mỹ. Tới năm 1915, được lãnh đạo bởi những tổ chức như Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu và Phòng ngừa Bệnh lao (được thành lập năm 1904), đã có tới 500.000 người quyên góp, rất nhiều trong đó tham gia vào chiến dịch nổi tiếng “dấu ấn Giáng sinh”, một sự sáng tạo từ Đan Mạch trở nên phổ biến ở Mỹ nhờ nhà cải cách Jacob Riis.19
Tất cả những điều này liên quan gì tới quyền lực? Mọi thứ đều liên quan. Là không đủ nếu chỉ quản lý những nguồn lực lớn, mang lại quyền lực như tiền bạc, vũ khí hay những người ủng hộ. Những nguồn lực này là điều kiện tiên quyết cần thiết cho quyền lực, nhưng thiếu cách quản trị hiệu quả, quyền lực chúng tạo ra sẽ ít hiệu quả hơn hay ngắn ngủi hơn, hoặc cả hai. Thông điệp trung tâm của Weber là nếu thiếu một tổ chức đáng tin cậy, hoạt động tốt, hay theo cách nói của ông, thiếu một hệ thống quan liêu, quyền lực không thể được thực thi một cách hiệu quả.
Nếu Weber giúp chúng ta nắm được lý luận và cách vận hành của hệ thống quan liêu trong thực thi quyền lực, kinh tế gia người Anh Ronald Coase sẽ giúp chúng ta hiểu những lợi thế kinh tế mà chúng mang tới cho các công ty. Năm 1937, Coase công bố một sự đột phá về mặt khái niệm giải thích tại sao những tổ chức lớn không chỉ duy lý theo học thuyết về hành vi tối đa hóa lợi nhuận mà thật ra, chúng thường chứng tỏ là hiệu quả hơn so với những tổ chức thay thế. Không phải ngẫu nhiên mà, trong khi vẫn còn là một sinh viên đại học, giai đoạn 1931-1932, Coase đã tiến hành nghiên cứu cho tài liệu đầy ảnh hưởng của ông, “The Nature of the Firm” (Bản chất của Công ty), ở Mỹ. Trước đó, ông thấy thích thú với chủ nghĩa xã hội, những điểm giống nhau trong cơ cấu tổ chức giữa các công ty Mỹ và Liên Xô, và cụ thể, với câu hỏi tại sao những ngành lớn, nơi quyền lực tập trung cao độ, nổi lên ở cả hai phía của sự chia rẽ mang tính ý thức hệ.20
Lời giải thích của Coase - sẽ giúp ông giành giải Nobel Kinh tế nhiều thập kỷ sau đó - vừa đơn giản vừa có tính cách mạng. Ông nhận xét rằng các công ty hiện đại đối mặt với rất nhiều chi phí mà những chi phí này sẽ thấp hơn khi công ty đưa những hoạt động chức năng của họ vào bên trong thay vì phải xử lý với các công ty khác một cách độc lập. Những chi phí như thế bao gồm chi phí cho việc soạn thảo và thực thi các hợp đồng bán hàng - những chi phí mà ban đầu Coase gọi là “chi phí tiếp thị” và sau đó gọi lại là “chi phí giao dịch”. Cụ thể, chi phí giao dịch giúp giải thích tại sao một số công ty tăng trưởng bằng cách mở rộng theo chiều thẳng đứng - có nghĩa là bằng cách mua lại những hãng cung cấp và nhà phân phối cho họ - trong khi những công ty khác thì không. Lấy ví dụ, các nhà sản xuất dầu lớn thích sở hữu các nhà máy lọc dầu nơi dầu của họ được tinh chế, do điều này thường ít rủi ro và hiệu quả hơn so với việc dựa vào quan hệ thương mại với những nhà máy lọc dầu độc lập mà công ty dầu khí không thể kiểm soát được hành động. Ngược lại, một hãng bán lẻ quần áo lớn như Zara và những công ty máy tính như Apple hay Dell ít thấy hấp dẫn hơn trong việc sở hữu những cơ sở sản xuất làm ra các sản phẩm của họ. Họ ký lại hợp đồng (“thuê ngoài”) giao việc sản xuất cho một công ty khác và tập trung vào công nghệ, thiết kế, tiếp thị và bán lẻ các sản phẩm của họ. Khuynh hướng hoạt động thông qua một công ty mở rộng theo chiều thẳng đứng được thúc đẩy bởi cấu trúc thị trường nơi những người mua và người bán hoạt động trong những giai đoạn khác nhau của ngành và bởi những kiểu đầu tư cần để tiến vào ngành. Nói ngắn gọn, chi phí giao dịch xác định hình thái, kiểu mẫu tăng trưởng và rốt cuộc, chính bản chất của các công ty.21 Dù kiến thức của Coase đã trở thành cột trụ quan trọng của kinh tế học nói chung, ảnh hưởng chính ban đầu của nó là trong lĩnh vực tổ chức công nghiệp, vốn tập trung vào những nhân tố kích thích hoặc cản trở sự cạnh tranh giữa các công ty.
Ý tưởng cho rằng chi phí giao dịch quyết định kích cỡ, thậm chí là bản chất của một tổ chức, có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác ngoài ngành kinh doanh để giải thích tại sao không chỉ những tập đoàn hiện đại mà cả các cơ quan chính phủ, quân đội và giáo hội trở nên to lớn và tập trung. Trong tất cả những trường hợp trên, làm vậy là duy lý và hiệu quả. Chi phí giao dịch cao tạo ra động cơ mạnh mẽ đưa những hoạt động quan trọng bị kiểm soát bởi những lực lượng bên ngoài vào bên trong tổ chức, vì thế làm nó lớn lên. Và tương tự, chi phí giao dịch càng khiến việc các tổ chức tăng trưởng bằng cách mở rộng theo chiều thẳng đứng là duy lý, thì sự tăng trưởng này càng là một trở ngại khó khăn cho những địch thủ mới tìm cách giành được chỗ đứng. Chẳng hạn, là khó khăn hơn cho đối thủ mới thách thức một công ty hiện hữu đang kiểm soát nguồn lực chính là các tài nguyên thô, hay đã thu được những kênh phân phối hay chuỗi bán lẻ chính. Điều tương tự được áp dụng cho tình huống trong đó một quân đội độc quyền kiểm soát việc cung ứng vũ khí và công nghệ, còn quân đội thứ hai buộc phải phụ thuộc vào ngành chế tạo vũ khí của một quốc gia khác. Như thế, chi phí giao dịch mà một vài tổ chức có thể tối thiểu hóa, thông qua “thu nhận” hay kiểm soát nhà cung cấp hoặc các nhà phân phối, đóng góp thêm rào cản với những đối thủ mới tiềm tàng nói riêng và rào cản để giành được quyền lực nói chung - và quy mô được thúc đẩy bởi sự tích hợp theo chiều thẳng đứng cung cấp một rào cản bảo vệ khá cao cho kẻ đang nắm quyền bởi vì những tay chơi mới hơn, nhỏ hơn có ít cơ hội hơn để cạnh tranh và thành công. Đáng chú ý là cho tới những năm 1980, nhiều chính phủ bị cuốn hút bởi việc “tích hợp” theo chiều thẳng và sở hữu lẫn vận hành các hãng hàng không, nhà máy luyện kim, nhà máy xi măng và ngân hàng. Thật vậy, sứ mệnh vì sự hiệu quả và tự trị của chính phủ thường che giấu những động cơ khác như tạo ra việc làm ở lĩnh vực công và tạo cơ hội cho việc phân phát bổng lộc, tham nhũng, phát triển cục bộ và vân vân.
Dù không thường được nhận định như thế, chi phí giao dịch thực ra là những yếu tố xác định quy mô của một tổ chức và nhiều khi là quyền lực của chính nó. Như được thảo luận dưới đây, do bản chất của chi phí giao dịch là thay đổi và ảnh hưởng của nó là giảm dần, những rào cản được sử dụng để bảo vệ kẻ quyền lực khỏi những kẻ thách thức đang rơi rụng. Và điều này xảy ra không chỉ trong địa hạt của cạnh tranh kinh doanh.
HUYỀN THOẠI KHÔNG CÓ THẬT VỀ QUYỀN LỰC CỦA GIỚI TINH HOA?
Trong quá trình và ở kết quả, Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã gia cố cho phương trình của quy mô và quyền lực. “Kho đạn của nền dân chủ”, nước Mỹ, đã nạp năng lượng cho chiến thắng của quân Đồng minh, cũng giúp nền kinh tế Mỹ tăng gần gấp đôi về quy mô trong thời gian diễn ra cuộc chiến và nuôi dưỡng những tập đoàn khổng lồ là mẫu mực cho sản xuất hàng loạt. Và ai là những người chiến thắng cuối cùng trong cuộc xung đột nếu không phải là Mỹ và Liên Xô - những quốc gia trải khắp một châu lục, không phải những đảo quốc như Nhật Bản, hay thậm chí là Anh, điêu tàn và rơi xuống hạng hai vì chi phí của cuộc chiến. Vào cuối cuộc chiến, nhu cầu tiêu dùng của Mỹ vốn bị kìm hãm trước đó, được hỗ trợ bởi những khoản tiết kiệm thời chiến và nhiều chương trình mới, rộng rãi của chính phủ, đã cho phép các công ty tăng trưởng lớn hơn bao giờ hết. Mở rộng hơn và đáng ngại hơn, khi Cuộc chiến tranh Tốt đẹp chuyển cảnh sang điều mà John F. Kennedy gọi là “cuộc đấu tranh dài, ảm đạm”, cuộc tranh giành quyền làm chủ giữa phương Tây và phương Đông, đã tiếp sức cho những thế lực an ninh khổng lồ ở cả hai phía lằn ranh Chiến tranh Lạnh, mỗi bên được hướng dẫn bởi ý thức hệ của riêng mình, với những mệnh lệnh của hệ thống quan liêu trải rộng không chỉ thuần túy quân sự, mà sang cả khoa học, giáo dục và văn hóa. Như sử gia Derek Leebaert viết trong The Fifty-Year Wound (tạm dịch: Vết Thương Năm Mươi Năm), bản kết toán rộng lớn của ông về chi phí của Chiến tranh Lạnh, “Tình trạng khẩn cấp của việc thích thú sự to lớn là đứa con của thời kỳ công nghiệp hóa trước đó, của sự bất ổn an ninh cực đoan mà cuộc Đại Suy thoái gây ra cho những tổ chức nhỏ, và bởi chứng hợp tác khổng lồ của Chiến tranh Thế giới Thứ hai: những liên đoàn lớn, những doanh nghiệp lớn, chính phủ lớn với ít mối bận tâm cho thị trường”.22
Rất nhanh chóng, chủ nghĩa biểu tượng của kích thước và quy mô - ý tưởng rằng những dự án có nhiều khả năng thành công và trụ lại nhất theo cách nào đó là những dự án lớn nhất - được chuyển tải thành một hình ảnh phổ biến gần như ở bất cứ đâu. Như tòa văn phòng lớn nhất thế giới (theo diện tích sàn), Lầu Năm Góc, được xây dựng trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, từ năm 1941 tới 1943, là biểu tượng hoàn hảo cho nguyên tắc này trong những năm 1950 và 1960. Tương tự là nền văn hóa tầm thường cũ kỹ nổi tiếng ở IBM, có đặc điểm là thứ bậc và định chuẩn được nhấn mạnh để ủng hộ mục tiêu của kỹ thuật tiên tiến. Năm 1955, General Motors, một trong những hãng ứng dụng sớm và là ví dụ kiểu mẫu của cấu trúc quản trị Mô hình M, trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên có doanh thu hơn 1 tỉ đô-la Mỹ trong năm, cũng như là tập đoàn lớn nhất ở Mỹ, doanh thu của nó chiếm một tỉ lệ trong tổng thu nhập quốc dân (khoảng 3%). Công ty cũng tạo việc làm cho hơn năm trăm nghìn người lao động ở riêng nước Mỹ, đưa ra cho người tiêu dùng tám mươi lăm mẫu mã khác nhau để lựa chọn, và bán khoảng 5 triệu xe hơi và xe tải.23 Những nguyên tắc sản xuất hàng loạt cũng được mở rộng sang nhiều ngành như xây dựng nhà ở bởi các doanh nhân như Bill Levitt, cựu công nhân xây dựng của hải quân Mỹ, người đã tiên phong trong việc phát triển ngoại ô bằng cách xây dựng hàng nghìn căn nhà trong tầm chi trả của giai cấp trung lưu.
Nhưng chiến thắng bề ngoài của những tổ chức khổng lồ đã sản xuất ra sự dồi dào hàng hóa và dịch vụ trong Chiến tranh Lạnh cũng làm dấy lên lo ngại. Những nhà phê bình trong lĩnh vực kiến trúc như Lewis Mumford than phiền rằng các thị trấn kiểu Levitt quá đơn điệu và những căn nhà quá rời rạc để tạo ra một cộng đồng thực sự. Irving Howe, nhà bình luận văn học và xã hội, phê phán những năm hậu chiến là “Thời đại của sự rập khuôn”, và năm 1950, nhà xã hội học David Riesman đã kêu ca về sự mất mát của chủ nghĩa cá nhân dưới áp lực từ các định chế trong cuốn sách nhiều ảnh hưởng của ông The Lonely Crowd (Đám Đông Cô Đơn).24
Và không chỉ có từng đó quan ngại đó được nêu lên. Khi những tổ chức lớn bén rễ ở mọi lĩnh vực, dường như củng cố sự kìm kẹp của chúng với nhiều mặt của cuộc sống con người, các nhà phê bình xã hội lo ngại rằng kết cấu thứ bậc mà chúng thiết lập sẽ trở thành vĩnh viễn, chia rẽ tầng lớp tinh hoa kiểm soát chính trị và kinh doanh với tất cả những người khác, tập trung quyền lực vào một nhóm hay một giai cấp cai trị và cùng lúc, logic không thể khác của quy mô khiến các tổ chức ngày càng trở nên lớn hơn, nuốt chửng lẫn nhau nếu cần thiết, thông qua các cuộc sáp nhập hay chia sẻ sự giàu có trong những các-ten và xanh-đi-ca*. Với một số người, sự mở rộng của các chương trình chính phủ từ quân đội tới chi tiêu xã hội, cùng sự tăng trưởng của hệ thống quan liêu có nhiệm vụ quản lý hành chính chúng - một lần nữa, không chỉ với cánh tả hay các xã hội xã hội chủ nghĩa - là một xu hướng đáng lo không kém. Những người khác coi sự tập trung quyền lực chủ yếu là một sản phẩm của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Cách này hay cách khác, những nỗi sợ đó lặp lại niềm tin của Karl Marx và Friedrich Engels, những người đã tranh luận trong Tuyên ngôn Cộng sản (1848) rằng các chính phủ ở xã hội tư bản là sự mở rộng về mặt chính trị của những nhóm lợi ích chủ kinh doanh. “Quyền lực nhà nước”, họ viết, “không gì khác là một ủy ban quản trị những vấn đề của toàn bộ giai cấp tư sản”.25
Trong những thập kỷ sau đó, đông đảo những người đi theo đầy ảnh hưởng đã thúc đẩy nhiều cuộc biện luận có cùng chủ đề cốt lõi đó. Những người theo chủ nghĩa Marx tranh luận rằng sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản mang tới cùng nó sự gia cố những chia rẽ giai cấp và, thông qua chủ nghĩa đế quốc và sự phát tán vốn tư bản tài chính khắp thế giới, sự lặp lại của những chia rẽ đó cả trong những quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Nhưng sự nổi lên của những tổ chức phân chia thứ bậc lớn tập trung vào một bài phê bình cụ thể mắc nợ Weber, vì luận điểm trung tâm của nó, và mắc nợ Marx, vì lập luận của nó. Năm 1951, nhà xã hội học ở Đại học Columbia, C. Wright Mills, đã xuất bản một nghiên cứu với tựa đề White Collar: The American Middle Classes (tạm dịch: Cổ Cồn Trắng: Giai Cấp Trung Lưu Mỹ).26 Giống như Ronald Coase, Mills rất hứng thú với sự trỗi dậy của các tập đoàn quản trị lớn. Ông tranh luận rằng những công ty đó, khi theo đuổi quy mô và hiệu quả, đã tạo ra một tầng lớp rộng lớn những công nhân thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, cơ giới hóa làm tê liệt trí tưởng tượng, và rốt cuộc, khả năng tham gia đầy đủ vào xã hội của họ. Nói ngắn gọn, Mills lập luận rằng, một công nhân tập đoàn tư bản điển hình bị cô lập với đời sống. Với nhiều người, sự cô lập này được thể hiện trong lời cảnh báo in trên những thẻ đục lỗ Hollerith, mà nhờ IBM và các công ty xử lý dữ liệu khác, trở thành biểu tượng và đại diện ở khắp nơi của đời sống bị quan liêu hóa trong những năm 1950 và 1960: “Đừng Gấp, Đâm Xiên hay Cắt Xé”.
* Xanh-đi-ca: Hình thức tổ chức độc quyền cao hơn và ổn định hơn các-ten, có mục đích thống nhất đầu mối mua và bán để mua nguyên liệu với giá rẻ và bán hàng hóa với giá đắt nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao. Các xí nghiệp tham gia vẫn giữ độc lập về sản xuất, chỉ mất độc lập về lưu thông: mọi việc mua - bán do một ban quản trị chung đảm nhận.
Năm 1956, Mills phát triển hơn nữa lập luận này trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, The Power Elite (tạm dịch: Nhóm Tinh Hoa Đầy Quyền Lực). Trong đó, ông xác định những cách thức mà, theo ông, quyền lực ở Mỹ bị thâu tóm vào trong tay một “đẳng cấp” thống trị áp đảo trong các vấn đề kinh tế, công nghiệp và chính trị. Đúng là, Mills lập luận, đời sống chính trị Mỹ dân chủ và đa nguyên, nhưng bất chấp điều này, sự tập trung quyền lực chính trị và kinh tế đặt tầng lớp tinh hoa vào một vị trí mạnh mẽ hơn bao giờ hết để duy trì quyền uy của họ.27 Những ý tưởng này biến Mills thành một nhà phê phán xã hội, nhưng quan điểm của ông không có gì là cực đoan vào thời đại của chúng. Tổng thống Dwight Eisenhower nêu ra quan điểm tương tự chỉ năm năm sau đó trong bài phát biểu chia tay của ông với cả nước, qua đó ông cảnh báo về quyền lực không được kiểm soát và “ảnh hưởng thái quá” của “tổ hợp quân sự-công nghiệp”.28
Trong những năm 1960, sự nghi ngờ lan khắp các nhà xã hội học và tâm lý học, rằng những tổ chức kinh tế hiện đại sẽ tất yếu dẫn tới bất bình đẳng và một giai cấp tinh hoa vĩnh viễn. Năm 1967, một học giả ở Đại học California ở Santa Cruz, G. William Domhoff, xuất bản một cuốn sách tựa đề Who Rules America? (tạm dịch: Ai Cai Trị Nước Mỹ?). Trong đó, Domhoff sử dụng điều mà ông gọi là lý thuyết “Bốn Mạng lưới” để cho thấy đời sống ở Mỹ bị kiểm soát bởi những ông chủ và giám đốc của các tập đoàn lớn. Domhoff tiếp tục cập nhật cuốn sách này trong những ấn bản mới, đan xen mọi thứ từ Chiến tranh Việt Nam tới cuộc bầu cử của Barack Obama để củng cố lập luận của ông.29
Phép ẩn dụ về một nhóm tinh hoa hay những kẻ đang có quyền lực được bảo vệ chính nó đã ngăn cản những ai muốn gia nhập nhóm đó, dù là các chính trị gia vận động chống lại Washington hay các công ty khởi nghiệp tìm cách lật đổ một đối thủ lớn hơn, hùng mạnh hơn. Một ví dụ về điều sau có nguồn gốc từ năm 1984, khi Apple làm nên lịch sử ngành quảng cáo với mẩu quảng cáo biểu tượng giới thiệu máy tính cá nhân Macintosh: trong một hoạt cảnh lấy cảm hứng từ tiểu thuyết về xã hội đáng sợ của George Orwell, một phụ nữ, bị một đoàn quân những cảnh sát đi ủng da đuổi theo, ném mạnh một cây búa tạ nhắm vào một màn hình đang phát đi thông điệp theo kiểu Big Brother* tới hết hàng này tới hàng khác những con người mụ mị, giải phóng cho những người đó. Mẩu quảng cáo nhắm một cách chẳng lấy gì tinh tế vào IBM, đối thủ cạnh tranh của Apple, khi đó đang thống trị thị trường máy tính cá nhân. Tất nhiên, ngày nay IBM đã rời thị trường máy tính cá nhân, và giá trị vốn hóa thị trường của hãng thua xa Apple, hãng mà tới lượt họ, đang bị chỉ trích vì duy trì sự kìm kẹp theo kiểu Big Brother của chính họ trong hệ điều hành, phần cứng, cửa hàng ứng dụng và trải nghiệm người dùng. Google, được hợp nhất vào năm 1998 với đặc tính của một hãng tin tặc không chính thức và khẩu hiệu kinh doanh “Đừng Là Quỷ Dữ”, giờ là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới (xét theo giá trị vốn hóa thị trường) và bị một số người coi là giống với quỷ dữ, một tay hủy hoại các tờ báo, đè bẹp những địch thủ và xâm phạm sự riêng tư của người dùng.
* Big Brother: Biểu tượng xuất phát từ tác phẩm 1984 của George Orwell, ám chỉ một tổ chức kiểm soát và xâm phạm đời sống cá nhân của mọi người.
Gia tăng bất bình đẳng của cải và thu nhập ở Mỹ trong hai mươi năm qua, cùng với khuynh hướng toàn cầu dành những khoản lương khổng lồ cho CEO và những khoản thưởng lớn cho dân làm ngân hàng, đã nuôi dưỡng cảm nhận rằng những ai vươn lên đỉnh cao sẽ ở lại đó, trở nên tách biệt và đứng trên các phiền muộn vốn làm những người tầm thường hơn khổ sở. Lý thuyết gia Christopher Lasch, qua đời năm 1994, đã gọi những chính sách và hành vi ở phương Tây khiến các khuynh hướng này trở nên khả thi - sự từ bỏ quy định và các lựa chọn xã hội như trường tư, an ninh tư nhân, vân vân - là “cuộc nổi loạn của những kẻ tinh hoa”. Ông đã mô tả hiện tượng này như một kiểu lựa chọn không tham gia vào hệ thống xã hội của những người đủ giàu có để làm như thế. “Liệu có phải họ đã hủy bỏ bổn phận với nước Mỹ?” Lasch đặt câu hỏi trong một bài tiểu luận trang bìa trên Harper’s.30
Ý tưởng “cuộc nổi loạn của những kẻ tinh hoa” đã gây tiếng vang. Bất chấp sự mơ hồ trong việc định nghĩa chính xác tinh hoa là gì (Sự giàu có? Địa vị xã hội được đo đạc theo một cách khác? Những nghề nghiệp cụ thể?), ý tưởng về một giai cấp tinh hoa trỗi dậy và tăng cường hơn nữa sự nắm giữ của giai cấp này với chính phủ vẫn rất sống động. Năm 2008, vài ngày sau vụ cứu trợ lớn cho ngân hàng Mỹ được công bố, vài tuần ngắn ngủi sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers cùng vụ cứu trợ gã khổng lồ bảo hiểm American International Group (AIG), nhà phê bình Naomi Klein đã mô tả thời đại này là “một cuộc nổi loạn của những kẻ tinh hoa… và là một cuộc nổi loạn thành công tới khó tin”. Bà lập luận rằng cả việc phớt lờ quy định tài chính lẫn sự cứu trợ đột ngột phản ánh khả năng kiểm soát chính sách của giới tinh hoa. Và bà cho rằng khuynh hướng chung trong sự tập trung quyền lực đã kết nối các quốc gia lớn mà hệ thống chính trị và kinh tế có vẻ đối lập. “Tôi thấy một sự thiên về chủ nghĩa tư bản toàn trị được chia sẻ ở [Mỹ], Nga và Trung Quốc”, Klein nói với những khán giả ở New York. “Không có nghĩa là chúng ta đều ở trên cùng một sân khấu - nhưng tôi thấy một khuynh hướng tới sự pha trộn rất đáng lo ngại của quyền lực tập đoàn lớn và quyền lực nhà nước hợp tác vì lợi ích của những kẻ tinh hoa”.31 Một niềm tin đồng thời rằng toàn cầu hóa chỉ làm gia tăng sự tập trung quyền lực ở các ngành công nghiệp đơn lẻ và lĩnh vực kinh tế, với những kẻ dẫn dắt thị trường gia cố sự nắm giữ các vị trí đứng đầu.
Những sự kiện trong vài năm gần đây đã làm sống dậy lo ngại rằng quyền lực ở nhiều hay hầu hết các nước rốt cuộc nằm trong tay một nhóm đầu sỏ - một nhóm nhỏ những tay chơi hàng đầu tận hưởng sự kiểm soát mất cân đối với của cải và tài nguyên. Lợi ích của họ ràng buộc với nhau một cách mật thiết, dù theo những cách rõ ràng hay tinh tế, với chính sách của chính phủ. Simon Johnson, giáo sư MIT và trưởng cố vấn kinh tế cũ ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từ kinh nghiệm của mình đã lập luận rằng bất cứ nơi nào quỹ được kêu gọi can thiệp, họ đều tìm ra những chính thể đầu sỏ tìm cách trú ẩn và chuyển các gánh nặng cải cách lên những cử tri (hay những tổ chức cho vay nước ngoài). Những thể chế đầu sỏ là đặc điểm tiêu chuẩn ở thị trường mới nổi, Johnson nhận xét trong một bài báo năm 2009 trên The Atlantic, nhưng không chỉ ở các thị trường đó. Thật ra, ông tranh luận rằng nước Mỹ mới là dẫn đầu trong lĩnh vực này: “Cũng giống như việc chúng ta có nền kinh tế, quân đội và công nghệ hiện đại nhất thế giới, chúng ta cũng có thể chế đầu sỏ hiện đại nhất”. Ông chỉ ra việc vận động hành lang, giải điều tiết tài chính, mối quan hệ mật thiết giữa Phố Wall và Washington rồi lập luận ủng hộ “việc phá vỡ tầng lớp tinh hoa già cỗi”.32
Những phân tích như thế cung cấp thông tin về một niềm tin phổ biến hơn đã lan rộng tới mức gần như trở thành một bản năng tập thể: “Quyền lực và sự giàu sang có khuynh hướng tập trung. Người giàu sẽ trở nên giàu hơn và người nghèo sẽ tiếp tục nghèo”. Sự diễn dịch ý tưởng này khôi hài như một bức biếm họa, song nó đã trở thành giả định mặc định củng cố cho cuộc tranh luận ở các nghị viện, ở hàng triệu bàn ăn của các hộ gia đình, ở giảng đường đại học và những cuộc tụ tập với bạn bè sau ngày làm việc, trong những cuốn sách uyên bác và trên những chương trình truyền hình nổi tiếng. Ngay cả giữa những người ủng hộ thị trường tự do, ta vẫn thường nghe thấy tiếng vọng từ ý tưởng của chủ nghĩa Marx rằng quyền lực và sự giàu sang có khuynh hướng tập trung. Trong một hoặc hai thập kỷ qua, truyền thông tràn ngập sự xa hoa giàu có - những tay đầu cơ người Nga, những hoàng thân dầu mỏ, những tỉ phú Trung Quốc, những giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nhân Internet Mỹ - được cung cấp rồi tiêu thụ một cách háo hức. Và bất cứ nơi nào những nhà tài phiệt can thiệp vào chính trị - như với Silvio Berlusconi ở Ý, Thaksin Shinawatra ở Thái Lan, Rupert Murdoch và George Soros trên toàn cầu - hay Bill Gates và những người khác tìm cách định hình các chính sách công ở Mỹ và trên toàn thế giới, dư luận lại một lần nữa được nhắc nhở rằng tiền bạc và quyền lực củng cố cho nhau, tạo ra một rào cản gần như không thể xâm nhập với những kẻ đối địch.
Niềm tin chung - cho rằng sự bất bình đẳng kinh tế là định mệnh phải chấp nhận và thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn - khiến tất cả chúng ta, một chút nào đó, trở thành những người theo chủ nghĩa Marx. Nhưng sẽ thế nào nếu mô hình tổ chức - mà Weber và những người thừa kế ông trong kinh tế học cùng xã hội học thấy rằng thích nghi nhất với sự cạnh tranh và quản lý trong đời sống hiện đại - nay lại trở nên lỗi thời? Sẽ thế nào nếu quyền lực bị phân tán, nằm trong những hình thức mới và thông qua những cơ chế mới ở một loạt các tay chơi nhỏ và trước kia nằm ngoài lề, trong khi lợi thế quyền lực của những tổ chức nắm quyền to lớn, đã định hình và quan liêu hơn đang suy tàn? Sự nổi lên của quyền lực vi mô lần đầu tiên làm bật ra các câu hỏi như thế. Nó phô bày viễn cảnh rằng quyền lực có thể được giải phóng một cách ấn tượng khỏi kích cỡ và quy mô.