Cuốn Sách Này Ra Đời Thế Nào: Một Ghi Chú Cá Nhân
Quyền lực có vẻ trừu tượng, nhưng với những ai hòa hợp với nó nhất - tức là những người nhiều quyền lực - sự luân chuyển thăng trầm của nó có thể mang ý nghĩa nội tại cực kỳ sâu sắc. Rốt cuộc, những ai nắm quyền lực lớn là những người ở vị thế tốt nhất để nhìn ra các hạn chế trong sự hiệu quả của mình, và cảm thấy thất vọng - về khoảng cách giữa quyền lực họ kỳ vọng địa vị của mình sẽ mang lại và quyền lực thực sự mà họ có. Theo cách nhỏ mọn của bản thân, tôi đã trải qua những hạn chế tương tự vào tháng 2 năm 1989. Tôi được đề bạt, ở tuổi ba mươi sáu, làm Bộ trưởng Phát triển ở quốc gia quê nhà lúc đó còn dân chủ, Venezuela. Không lâu sau khi nhậm chức với một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, chúng tôi phải đối mặt với những cuộc bạo động ở Caracas - bắt nguồn từ sự lo lắng về những kế hoạch cắt giảm trợ cấp và tăng giá nhiên liệu của chúng tôi - làm tê liệt thành phố bởi bạo lực, nỗi sợ hãi và sự hỗn loạn. Bỗng nhiên, và bất chấp chiến thắng cũng như sự tín nhiệm rõ ràng dành cho chúng tôi, chương trình cải cách kinh tế chúng tôi đã tranh đấu vì nó lại mang một ý nghĩa rất khác. Thay vì tượng trưng cho hi vọng và sự phồn vinh, giờ nó bị coi là nguồn cơn của bạo lực đường phố, đói nghèo gia tăng và sự bất bình đẳng sâu sắc hơn.
Nhưng hiểu biết sâu sắc nhất tôi có lúc bấy giờ là điều tôi không hiểu đầy đủ mãi tới tận nhiều năm sau đó. Nó nằm trong khoảng cách rất lớn giữa cảm nhận và thực tế về quyền lực của tôi. Trên nguyên tắc, là một trong những Bộ trưởng quan trọng, tôi có quyền lực cực lớn. Nhưng trên thực tế, tôi chỉ có khả năng giới hạn trong việc triển khai các nguồn lực, huy động các cá nhân cùng tổ chức, và nói chung, khiến cho mọi thứ xảy ra. Những đồng nghiệp của tôi, và ngay cả ngài Tổng thống cũng có cảm giác tương tự, dù chúng tôi ghét phải thừa nhận rằng Chính phủ của chúng tôi là một gã khổng lồ chân đất sét. Tôi có khuynh hướng đổ thừa điều này cho chính đất nước Venezuela: chắc chắn là cảm giác không có chút quyền lực nào của chúng tôi có liên quan tới định chế nổi tiếng yếu ớt và không thể hoạt động của đất nước này. Những điểm yếu như thế không thể là ở đâu cũng như nhau.
Nhưng sau này tôi thấy rằng quả thật là ở đâu cũng như nhau, hay ít ra là gần như thế, với những ai được trải nghiệm quyền lực. Fernando Henrique Cardoso - cựu Tổng thống đáng tôn kính của Brazil và là người tạo dựng nên thành công của đất nước - đã tóm tắt điều đó cho tôi. “Tôi luôn ngạc nhiên về việc mọi người nghĩ tôi quyền lực như thế nào”, ông nói khi tôi phỏng vấn ông cho cuốn sách này. “Ngay cả những cá nhân có nhiều thông tin, am hiểu về chính trị, cũng sẽ tới văn phòng của tôi và yêu cầu tôi làm những việc để chứng minh cái giả định rằng tôi có nhiều quyền lực hơn hẳn so với tôi thực sự có. Tôi luôn tự nhủ, giá như họ biết bất kỳ vị Tổng thống nào cũng bị giới hạn quyền lực ra sao. Khi tôi gặp các nguyên thủ quốc gia khác, họ thường chia sẻ những suy nghĩ tương tự trong vấn đề này. Khoảng cách giữa quyền lực thực sự của chúng tôi và những gì người ta kỳ vọng ở chúng tôi là nguồn cơn cho áp lực khó khăn nhất mà bất cứ người đứng đầu nhà nước nào phải đối phó”.
Tôi đã nghe điều tương tự từ Joschka Fischer, một trong những chính trị gia được lòng dân nhất ở Đức, một cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao. “Từ khi tôi còn trẻ, tôi từng hứng thú và bị quyến rũ bởi quyền lực”, Fischer nói với tôi. “Một trong những cú sốc lớn nhất của tôi là khám phá ra rằng tất cả những tòa nhà chính phủ đầy đe dọa và tất cả những vẻ bề ngoài khác của chính quyền thực ra là những nơi trống rỗng. Kiến trúc kiểu cung điện của các tòa nhà chính phủ che đậy sự thật rằng quyền lực thực sự của những người làm việc trong đó hạn chế ra sao”.
Theo thời gian, tôi rút ra những quan sát tương tự không chỉ từ những người đứng đầu nhà nước và các Bộ trưởng, mà cả từ những lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu những quỹ và chức lớn trong nhiều lĩnh vực. Và mọi thứ nhanh chóng trở nên rõ ràng là có thứ gì đó hơn thế đang diễn ra - rằng không phải tự nhiên mà những người có quyền lực lại ca thán về khoảng cách giữa quyền lực được cảm nhận và và cái họ thực sự sở hữu. Bản thân quyền lực đang bị tấn công một cách chưa từng có tiền lệ. Mỗi năm, kể từ năm 1990, tôi đều tham dự cuộc gặp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, một nơi quen thuộc của những người quyền lực nhất thế giới trong kinh doanh, Chính phủ, chính trị, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, khoa học, tôn giáo và văn hóa. Thật ra, tôi đã may mắn được tham dự và phát biểu ở gần như tất cả những diễn đàn quyền lực đặc biệt trên thế giới, bao gồm Hội thảo Bilderberg, một hội nghị thường niên của các ông trùm ngành truyền thông và giải trí ở Sun Valley, và các hội nghị hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Những cuộc đối thoại mỗi năm với những người tham dự đã xác nhận linh cảm của tôi: những người nắm trong tay quyền lực đang phải trải qua sự hạn chế quyền lực ngày một lớn. Các phản ứng trước sự thăm dò của tôi luôn chỉ về cùng một hướng: quyền lực đang trở nên yếu ớt hơn, ngắn ngủi hơn và bị hạn chế hơn.
Nhưng đây không phải là một lời kêu gọi cảm thương cho những ai có quyền lực. Những người quyền lực ca thán về việc thiếu quyền lực chắc chắn không phải là lý do để lo lắng trong thế giới được-ăn-cả này của chúng ta. Thay vì thế, mục tiêu của tôi là phác họa ảnh hưởng của sự xói mòn quyền lực. Trong những trang sắp tới, tôi sẽ tìm hiểu quá trình xói mòn này - nguyên nhân, sự phát triển và hậu quả của nó - trên phương diện những ảnh hưởng của nó không chỉ tác động tới 1% trên đỉnh mà, quan trọng hơn, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn dần, cũng như số lượng người đang phải chật vật chỉ để kiếm sống qua ngày ngày một gia tăng.
Moisés Naím
Tháng Ba, 2013