Đây là một cuốn sách về quyền lực.
Cụ thể là bằng cách nào mà quyền lực - khả năng buộc người khác làm, hoặc không làm, điều gì đó - lại đang trải qua một sự chuyển đổi mang tính lịch sử và có thể làm thay đổi thế giới.
Quyền lực đang trải rộng, và những tay chơi lớn, đã thiết lập quyền lực từ lâu đời, ngày càng bị thách thức bởi những tay chơi mới và nhỏ hơn. Và những người nắm giữ quyền lực đang bị cương tỏa hơn khỏi những quyền hạn mà họ có thể sử dụng.
Chúng ta thường hiểu lầm hoặc hoàn toàn bỏ qua tầm vóc, bản chất và những hệ quả của sự chuyển đổi này. Thật dễ bị cám dỗ vào ảnh hưởng của Internet và những công nghệ mới khác, vào các hướng chuyển giao quyền lực từ tay chơi này sang tay chơi khác, hay vào câu hỏi liệu quyền lực “mềm” của văn hóa có đang thay thế quyền lực “cứng” của quân đội hay không. Nhưng những góc nhìn đó không toàn diện. Thật ra, chúng có thể che mờ hiểu biết của chúng ta về những lực lượng cơ bản đang thay đổi cách quyền lực được giành lấy, sử dụng, nắm giữ và mất đi.
Chúng ta biết rằng quyền lực đang chuyển từ cơ bắp sang trí não, từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, từ những con quái vật tập đoàn khổng lồ sang những công ty khởi nghiệp lanh lợi, từ những nhà độc tài lâu năm sang người dân ở các quảng trường thị trấn và trên không gian mạng. Nhưng nói rằng quyền lực đang chuyển từ một châu lục hay quốc gia này sang một châu lục hay quốc gia khác, hay nó đang được phân tán giữa nhiều tay chơi mới, là không đủ. Quyền lực đang trải qua sự biến chuyển sâu sắc hơn nhiều, một sự biến chuyển đã không được nhận ra và hiểu biết một cách đầy đủ. Ngay cả khi những nhà nước, công ty, đảng phái chính trị, phong trào xã hội, và các định chế hay cá nhân những lãnh đạo đấu tranh vì quyền lực như họ đã làm qua biết bao thời đại, bản thân quyền lực - thứ mà họ đấu tranh trong tuyệt vọng để giành và giữ lấy - đang dần biến mất.
Quyền lực đang suy tàn.
Nói đơn giản, quyền lực không còn giá trị như nó đã từng trong quá khứ. Trong thế kỷ XXI, quyền lực dễ có được hơn, khó sử dụng hơn và dễ đánh mất hơn. Từ những văn phòng quản trị doanh nghiệp và chiến trường cho tới không gian mạng, cuộc chiến vì quyền lực vẫn quyết liệt hơn bao giờ hết, nhưng kết quả chúng mang lại ngày càng ít. Sự khốc liệt của những cuộc chiến đó che giấu bản chất ngày càng phù du của chính quyền lực. Hiểu được quyền lực đang mất đi giá trị của nó ra sao - và đối mặt với những thách thức, khó khăn do điều này gây ra như thế nào - là chìa khóa để nắm được một trong những khuynh hướng quan trọng nhất đang định hình lại thế giới trong thế kỷ XXI.
Nói như thế không có nghĩa là quyền lực đã biến mất, hay không có những người đang sở hữu rất nhiều quyền lực. Tổng thống Hoa Kỳ hay Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tổng giám đốc của J. P. Morgan hay Shell Oil, tổng biên tập tờ New York Times, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Giáo hoàng vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực to lớn. Nhưng ít hơn so với người tiền nhiệm của họ. Những người nắm giữ các cương vị đó trước kia không chỉ phải đối phó với ít kẻ thách thức và cạnh tranh hơn, họ còn chịu ít sự bó buộc hơn - dưới các hình thức hoạt động dân quyền, các thị trường toàn cầu và sự xoi mói của giới truyền thông - trong việc sử dụng quyền lực mà họ có. Kết quả là những tay chơi quyền lực ngày nay thường phải trả giá đắt và nhanh chóng hơn cho những sai lầm của họ so với người tiền nhiệm. Phản ứng của họ với thực tế mới đó, tới lượt nó, đang định hình lại hành vi của những người có quyền lực chi phối, kích hoạt một chuỗi phản ứng chạm tới mọi khía cạnh của sự tương tác giữa con người với nhau.
Sự suy tàn của quyền lực đang làm thay đổi thế giới.
Mục tiêu của cuốn sách này là chứng minh tuyên bố quả quyết đó.
BẠN ĐÃ BAO GIỜ NGHE NÓI TỚI JAMES BLACK JR.?
Những lực lượng thúc đẩy sự suy tàn của quyền lực có nhiều hình thái, đan xen vào nhau và chưa từng có tiền lệ. Để hiểu tại sao, hãy hướng sự chú ý của bạn từ Clausewitz*, danh sách xếp hạng Fortune 500** và 1% dân số Mỹ chiếm phần lớn thu nhập quốc gia một cách bất công, sang xem xét trường hợp của James Black Jr., một kỳ thủ xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở khu Bedford-Stuyvesant tại Brooklyn, New York.
* Carl von Clausewitz (1780 - 1831): Một binh sĩ Vương quốc Phổ, một nhà lịch sử học quân sự, lý luận học quân sự có tầm ảnh hưởng lớn. Ông được biết đến nhiều nhất với luận thuyết Bàn về chiến tranh.
** Fortune 500: Bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng thu nhập mỗi công ty.
Vào năm cậu mười hai tuổi, Black đã trở thành một Kiện tướng cờ vua, đẳng cấp mà không tới 2% trong 77.000 thành viên của Hiệp hội Cờ vua Hoa Kỳ có thể đạt tới - và chỉ 13 trong số các Kiện tướng là dưới mười bốn tuổi.1 Đó là năm 2011, và Black có cơ hội tốt để trở thành một Đại kiện tướng - đẳng cấp do Liên đoàn Cờ vua Thế giới công nhận dựa trên thành tích của kỳ thủ ở những giải đấu với các kỳ thủ cũng có danh hiệu khác. Đại kiện tướng là danh hiệu cao nhất mà một kỳ thủ có thể đạt được. Một khi đạt được, danh hiệu đó có giá trị trọn đời.2
Khi Black trở thành Kiện tướng, cậu đang theo bước những Đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ: Ray Robson đến từ Florida, đạt tới đẳng cấp đó vào tháng 10 năm 2009, hai tuần trước sinh nhật mười lăm tuổi của cậu.3
Black tự học cờ vua bằng một bộ cờ nhựa rẻ tiền cậu mua ở cửa hàng Kmart rồi nhanh chóng chuyển sang các cuốn sách và chương trình vi tính dạy chơi cờ. Thần tượng của cậu là Mikhail Tal, nhà vô địch cờ vua thế giới người Nga vào những năm 1950. Điều tạo động lực cho Black, ngoài niềm vui với trò chơi này, là cách nó giúp cậu có được quyền lực. Như cậu từng trả lời với một phóng viên: “Tôi thích việc buộc đối thủ của mình phải tuân theo” - khó có thể tìm thấy tuyên bố nào rõ ràng hơn thế về sự khát khao quyền lực bẩm sinh.4
Nhưng những thành tựu của James Black và Ray Robson không còn được coi là xuất chúng. Họ là một phần của một khuynh hướng toàn cầu, một hiện tượng mới đang quét qua thế giới vốn trước giờ kín cổng cao tường của cờ vua chuyên nghiệp. Các kỳ thủ đang học hỏi trò chơi này và đạt tới trình độ thượng thừa ở độ tuổi ngày càng nhỏ hơn. Chưa bao giờ có nhiều Đại kiện tướng cờ vua như hiện giờ: ngày nay có hơn 1200 người so với 88 người vào năm 1972. Và khi những người mới đánh bại các nhà vô địch đã thành danh thường xuyên hơn, thời gian thống trị trung bình của những kỳ thủ hàng đầu thế giới cũng ngắn lại. Hơn nữa, các Đại kiện tướng ngày nay có xuất thân đa dạng hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Như nhà văn D. T. Max bình luận: “Năm 1991, năm Liên Xô sụp đổ, 9 kỳ thủ hàng đầu thế giới đều tới từ Liên bang Xô Viết. Lúc bấy giờ, các kỳ thủ do Liên Xô huấn luyện đã giữ chức vô địch thế giới trong suốt bốn mươi trong bốn mươi ba năm trước đó”.5
Giờ không còn thế nữa. Hiện tại có nhiều hơn các kỳ thủ đủ sức leo lên đỉnh của các giải vô địch cờ vua, và họ tới từ các quốc gia, các khu dân cư rất đa dạng. Nhưng một khi đã đạt tới đỉnh cao, họ sẽ gặp khó khăn để trụ lại đó. Như Mig Greengard, một người chuyên viết blog về cờ vua, nhận xét: “Bạn có 200 gã đang đi lại trên hành tinh này, những kẻ mà với một chút may mắn, đủ mạnh để đánh bại cả đương kim vô địch thế giới”.6 Nói cách khác, trong số những Đại kiện tướng hiện giờ, quyền lực không còn như trước nữa.
Làm thế nào có thể giải thích cho những thay đổi này trong hệ thống đẳng cấp của môn cờ vua? Một phần (nhưng chỉ cần một phần) câu trả lời: cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Trong một thời gian dài, các kỳ thủ được tiếp cận với các chương trình máy tính cho phép họ giả lập hàng triệu ván cờ đã được chơi bởi các kỳ thủ giỏi nhất thế giới. Họ cũng có thể sử dụng phần mềm để tìm hiểu những biến khả dĩ của từng nước đi. Lấy ví dụ, những kỳ thủ có thể chơi giả lập lại bất cứ ván cờ nào, tìm hiểu các nước đi dưới rất nhiều kịch bản khác nhau, và nghiên cứu các khuynh hướng của một kỳ thủ cụ thể. Như thế, Internet vừa mở rộng chân trời của kỳ thủ trên toàn thế giới - như câu chuyện của James Black đã chứng minh - vừa mở ra những khả năng mới cho kỳ thủ ở bất cứ độ tuổi và nền tảng kinh tế - xã hội nào. Vô số trang mạng cờ vua đem đến dữ liệu và cơ hội thi đấu cho bất kỳ ai có thể kết nối mạng.7
Nhưng câu chuyện không chỉ là công nghệ. Hãy lấy ví dụ trường hợp của nhà vô địch trẻ người Na Uy Magnus Carlsen, một hiện tượng cờ vua khác đã trở thành kỳ thủ số một thế giới vào năm 2010, ở tuổi mười chín. Theo D. T. Max, người đã viết bài về anh cho tờ The New Yorker, thành công của Carlsen đến từ những chiến thuật khác thường và bất ngờ (dựa một phần vào trí nhớ phi thường của anh) hơn là sự huấn luyện dựa trên máy tính: “Vì Carlsen dành ít thời gian hơn so với đồng nghiệp trong việc tập luyện trên máy tính, anh ít máy móc hơn so với họ. Anh dựa nhiều vào phán đoán của bản thân. Điều đó khiến anh trở nên khó đoán đối với các đối thủ vốn tín nhiệm sự tư vấn của phần mềm và cơ sở dữ liệu”.8
Sự phá hủy cấu trúc quyền lực của cờ vua thế giới cũng bắt nguồn từ những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, trong chính trị, trong các yếu tố nhân khẩu học và mô hình di cư. Biên giới mở và việc du hành rẻ hơn đã mang tới cơ hội được chơi trong những giải đấu ở bất kỳ đâu trên thế giới cho nhiều kỳ thủ hơn. Tiêu chuẩn giáo dục cao hơn và sự phổ cập đọc viết, tính toán cùng phúc lợi y tế cho trẻ em đã tạo ra một cơ sở rộng lớn hơn cho những Đại kiện tướng tiềm năng. Và ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử, có nhiều người sống ở các thành phố hơn ở những nông trại - một sự phát triển mà, cùng với giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước nghèo kể từ những năm 1990, đã mở ra thêm khả năng mới cho hàng triệu gia đình mà trước đó cờ vua ở ngoài tầm với, hay thậm chí là một thứ xa xỉ chưa từng được biết đến. Nhưng không dễ để trở thành một kỳ thủ đẳng cấp thế giới nếu bạn sống ở một nông trại biệt lập ở một nước nghèo không có điện, không có máy tính, hay mất vài giờ mỗi ngày chỉ để kiếm cái ăn - hoặc để xách nước về nhà. Trước khi Internet có thể tạo ra phép màu quyền lực của nó, cần có sẵn rất nhiều điều kiện khác.
TỪ BÀN CỜ VUA… TỚI MỌI THỨ QUANH TA
Tất nhiên cờ vua là một sự ẩn dụ kinh điển cho quyền lực. Nhưng điều đã xảy ra với cờ vua là sự xói mòn, và trong một số trường hợp, sự biến mất hẳn của những rào giới hạn khiến thế giới của những nhà vô địch trở nên nhỏ bé, chặt chẽ và ổn định. Những rào cản để hiểu được chiến thuật cờ vua và phát triển kỹ năng bậc thầy, cũng như những rào cản khác ngăn trở việc tiếp cận đỉnh cao, đã trở nên thấp hơn.
Điều đã xảy ra với cờ vua cũng đang xảy ra với quyền lực nói chung. Việc hạ thấp những rào cản đang thay đổi chính trị địa phương và địa chính trị*, sự cạnh tranh giành giật khách hàng và giành giật những tín đồ ở các tôn giáo lớn, sự kình địch giữa các tổ chức phi chính phủ, các định chế học thuật, các ý thức hệ, các trường phái tư duy triết học và khoa học. Nơi nào quyền lực là quan trọng, nơi đó quyền lực đang suy tàn.
* Địa chính trị : là thuật ngữ chỉ nghệ thuật/ cách thức sử dụng quyền lực hay ảnh hưởng chính trị trên 1 phạm vi lãnh thổ nhất định.
Một số dấu hiệu của sự chuyển đổi này rõ ràng một cách ngoạn mục, những dấu hiệu khác chỉ được khám phá bởi các phân tích chuyên môn và nghiên cứu học thuật.
Hãy bắt đầu với địa chính trị. Số lượng các quốc gia có chủ quyền đã tăng gấp bốn lần từ những năm 1940. Hơn thế, các nước này giờ cạnh tranh, đấu tranh, hay thương lượng không chỉ với nhau mà còn với nhiều tổ chức xuyên quốc gia hoặc phi quốc gia khác. Trên thực tế, sự ra đời của Nam Sudan năm 2011, quốc gia non trẻ nhất thế giới, được đỡ đầu bởi hàng chục tổ chức phi chính phủ, nhất là các nhóm Thiên Chúa giáo Phúc Âm như Samaritan’s Purse, do Franklin Graham, một trong số các con trai của Billy Graham, mục sư lừng lẫy người Mỹ, điều hành.
Thật vậy, ngày nay, khi quốc gia-nhà nước tiến hành chiến tranh, quyền lực quân sự kém hiệu quả hơn so với trong quá khứ. Những cuộc chiến tranh không chỉ ngày càng thiếu cân xứng, với những lực lượng quân đội lớn chống lại những lực lượng nhỏ hơn, phi truyền thống, chẳng hạn như quân nổi dậy, các phong trào ly khai và những tay súng dân quân. Phần thắng của các cuộc chiến cũng dần nghiêng về phía yếu hơn về mặt quân sự. Theo một nghiên cứu đáng chú ý của Harvard, trong những cuộc chiến tranh không cân xứng nổ ra từ năm 1800 tới 1849, tỉ lệ phía yếu hơn (xét về số binh lính và vũ khí) đạt được các mục tiêu chiến lược của họ là 12%. Nhưng trong các cuộc chiến nổ ra từ năm 1950 tới 1988, phía yếu hơn lại chiến thắng thường xuyên hơn: 55%. Vì nhiều lý do khác nhau, kết quả của các cuộc xung đột không cân xứng thời hiện đại nhiều khả năng được quyết định bởi sự tác động qua lại của các chiến lược quân sự và chính trị đối địch nhiều hơn là bởi sức mạnh quân sự thuần túy. Vì thế, một đội quân lớn, hiện đại, tự nó không còn bảo đảm khả năng một quốc gia đạt được các mục tiêu chiến lược. Một yếu tố quan trọng đằng sau sự chuyển đổi này là sự gia tăng khả năng gây thương vong cho đối thủ với chi phí thấp hơn của bên yếu thế so với chiều ngược lại. Lấy việc sử dụng các thiết bị nổ tự tạo (IED) ở Afghanistan và Iraq làm ví dụ. Một viên tướng thủy quân lục chiến ở Afghanistan ước tính rằng IED gây ra 80% các tổn thất nhân mạng cho đơn vị của ông, và trong vài năm tham chiến ở Iraq, IED đã gây ra gần 2/3 thương vong cho lực lượng liên quân. Mức độ tổn thất nhân mạng này đủ để chiến thắng bất chấp khoản đầu tư đáng kể từ Lầu Năm Góc vào các biện pháp đối phó, bao gồm 17 tỉ đô-la Mỹ được cơ quan này chi ra để mua 50.000 bộ gây nhiễu sóng radio với mục đích vô hiệu hóa các thiết bị điều khiển từ xa thô sơ (điện thoại di động, thiết bị điều khiển mở cửa ga ra) được sử dụng để kích hoạt các quả bom.9
Các nhà độc tài và lãnh đạo các đảng phái cũng nhận thấy quyền lực của họ bị suy yếu và số lượng những nhân vật này cũng ít dần đi. Năm 1977, có tổng cộng 89 nước do những kẻ toàn trị cầm quyền. Tới năm 2011, con số này giảm xuống còn 22.10 Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các nền dân chủ. Có thể cảm nhận những biến động rung chuyển của Mùa xuân Ả Rập* ở mọi ngóc ngách của thế giới, nơi những cuộc bầu cử minh bạch không được tổ chức thường xuyên và một người, hay một nhóm người, cai trị đang tìm cách nắm giữ quyền lực vô hạn định. Ngay cả ở những nền chính trị còn chưa dân chủ hóa nhưng các đảng phái chính trị được phép hoạt động, hiện giờ các đảng thiểu số có số người đại diện nhiều gấp ba lần so với những năm 1980. Và ở khắp nơi, lãnh đạo các đảng phái đang rất lúng túng khi phải đối đầu với các ứng viên và nhà lãnh đạo nổi lên từ những địa hạt bên ngoài những căn phòng mờ khói, một sáo ngữ để chỉ sự dàn xếp chính trị từ trên cao. Khoảng một nửa các đảng chính trị lớn ở những nền dân chủ ổn định giờ sử dụng các kỳ bầu cử sơ bộ hay một phương pháp đại diện khác để giúp những thành viên bình thường có tiếng nói hơn trong việc lựa chọn người đại diện cho tiêu chuẩn của họ. Từ Chicago tới Milan và từ New Delhi tới Brasilia, chủ nhân của các cỗ máy chính trị sẽ sẵn lòng nói với bạn rằng họ đã mất khả năng đưa ra những lá phiếu và những quyết định mà người tiền nhiệm của họ coi là đương nhiên.
* Mùa xuân Ả Rập: là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập: Tunisia, Algérie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Ả Rập Xê Út, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc.
Thế giới kinh doanh cũng đang bị khuynh hướng này tác động. Không có gì để nghi ngờ rằng thu nhập đang được tập trung và sự giàu có đang tích tụ vào những kẻ siêu giàu, và một số đang sử dụng tiền để đạt được quyền lực chính trị. Nhưng khuynh hướng đó, đáng báo động cũng như không thể chấp nhận được, không chỉ là lực duy nhất định hình nên cách vận hành của quyền lực giữa các lãnh đạo tập đoàn và những nhà đầu tư giàu có.
Thật vậy, ngay cả 1% vẫn được tán dương ở Mỹ cũng không miễn nhiễm với những sự dịch chuyển bất ngờ trong sự giàu có, quyền lực và địa vị. Với sự gia tăng của bất bình đẳng trong thu nhập, cuộc Đại suy thoái cũng đã tạo ra một hiệu ứng hiệu chỉnh, ảnh hưởng một cách không cân xứng tới thu nhập của người giàu. Theo Emmanuel Saez, một giáo sư kinh tế học ở Berkeley, Đại suy thoái đã khiến thu nhập của 1% những người giàu nhất nước Mỹ giảm 36,3%, so với 11,6% thu nhập của 99% dân số Mỹ còn lại.11 Steven Kaplan ở Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago, đã tính toán tỉ lệ của thu nhập đại diện cho 1% giảm từ mức đỉnh 23,5% tổng thu nhập vào năm 2007 xuống còn 17,6% năm 2009 và, như dữ liệu của Saez cho thấy, đang tiếp tục giảm ở những năm tiếp theo. Thật vậy, như Robert Frank cho biết trên Wall Street Journal, “Những người có thu nhập cực cao đã chịu thiệt hại lớn nhất. Số người Mỹ kiếm được ít nhất 1 triệu đô-la Mỹ giảm 40% trong thời gian từ năm 2007 tới 2009, xuống còn 236.883 người, trong khi tổng thu nhập của họ sụt gần 50%, lớn hơn nhiều so với không tới 2% sụt giảm trong tổng thu nhập của những ai kiếm được 50.000 đô-la Mỹ hoặc ít hơn, theo số liệu từ Cơ quan Thuế vụ Hoa Kỳ”.12 Tất nhiên, không điều nào trong số đó có nghĩa là sự tập trung thu nhập và sự giàu có ở nhiều nền dân chủ tiên tiến, nhất là ở Mỹ, đã không tăng mạnh. Nó đã tăng - và tăng khá mạnh. Nhưng thực tế này không thể che mờ sự thật là một số cá nhân và gia đình giàu có cũng chịu tổn thất nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế. Hậu quả là họ phải trải qua những sự suy giảm tài sản và quyền lực kinh tế nghiêm trọng.
Hơn nữa, thu nhập cá nhân và sự giàu có không phải là nguồn gốc duy nhất của quyền lực. Những nhà lãnh đạo của các tập đoàn lớn thường có được nhiều quyền lực hơn việc “đơn giản” là giàu. Người đứng đầu các doanh nghiệp lớn ngày nay kiếm được nhiều hơn hẳn so với trước kia, nhưng nhiệm kỳ ở đỉnh cao cũng trở nên mong manh như của một nhà vô địch cờ vua. Năm 1992, các tổng giám đốc của danh sách Fortune 500 tại Mỹ có 36% cơ hội giữ được công việc của ông ta hay bà ta trong năm năm tiếp theo. Năm 1998, cơ hội đó giảm xuống 25%. Đến năm 2005, nhiệm kỳ trung bình của một tổng giám đốc ở Mỹ đã giảm xuống còn sáu năm. Và đây là xu hướng chung toàn cầu. Năm 2011, 14,4% các tổng giám đốc của 2500 công ty niêm yết lớn nhất thế giới đã rời cương vị của họ. Ngay cả ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng vì sự cứng nhắc ở các tập đoàn lớn, việc thay thế bắt buộc người đứng đầu các tập đoàn lớn đã tăng gấp bốn lần trong năm 2008.13
Điều tương tự cũng xảy ra với chính các tập đoàn. Năm 1980, một tập đoàn ở Mỹ trong tốp năm doanh nghiệp đầu ngành chỉ có 10% rủi ro đã rơi ra khỏi vị trí đó trong năm năm tiếp theo. Hai thập kỷ sau đó, khả năng này đã tăng lên thành 25%. Ngày nay, một phép đếm đơn giản, số công ty thuộc bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu nước Mỹ và toàn cầu vốn không tồn tại từ mười năm trước cho thấy những kẻ mới nhập cuộc đang dần thay thế những gã khổng lồ truyền thống ra sao. Trong ngành tài chính, các ngân hàng đang mất quyền lực và ảnh hưởng của mình vào tay những quỹ đầu tư mới và nhanh nhẹn hơn: trong sáu tháng cuối năm 2010, giữa những cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ, mười quỹ đầu tư hàng đầu - hầu hết không được công chúng nói chung biết tới - kiếm được nhiều hơn sáu ngân hàng lớn nhất thế giới cộng lại. Thậm chí quỹ lớn nhất trong số đó, vốn quản lý lượng tiền không đáy và có thể kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ, vận hành chỉ với vài trăm nhân viên.
Trong khi đó, các tập đoàn đã trở nên dễ tổn thương hơn trước; “các thảm họa thương hiệu” tấn công vào danh tiếng, doanh thu và mức định giá của họ. Một nghiên cứu thấy rằng, rủi ro trong năm năm của một thảm họa như thế với các công ty sở hữu hầu hết các thương hiệu uy tín trên toàn cầu đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua, từ 20% lên mức cao ngất ngưởng 82%. BP, Tiger Woods và News Corporation của Rupert Murdoch đều nhận thấy tài sản giảm mạnh gần như sau một đêm bởi những sự kiện làm hoen ố danh tiếng của họ.
Trong một bằng chứng khác của sự khuếch tán quyền lực trong kinh doanh, các thành viên của một giống loài mới, “những công ty đa quốc gia ở các nước nghèo” (tức các công ty từ những nước kém phát triển hơn), đã thay thế hay vượt qua một số những công ty lớn nhất thế giới. Đầu tư bắt nguồn từ các nước đang phát triển tăng từ 12 tỉ đô-la Mỹ năm 1991 thành 210 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2010. Công ty thép lớn nhất thế giới, ArcelorMittal*, có gốc gác là Mittal Steel, một công ty Ấn Độ được thành lập gần đây, năm 1989.14 Khi người Mỹ uống nhãn hiệu bia Budweiser biểu tượng của mình, họ thực ra đang thưởng thức bia sản xuất bởi một công ty đã ra đời nhờ một cuộc sáp nhập năm 2004 giữa các hãng bia của Brazil và Bỉ mà tới lượt nó giành quyền kiểm soát Anheuser-Busch năm 2008, qua đó hình thành nên công ty bia lớn nhất thế giới. Tổng giám đốc của công ty này, Carlos Brito, là người Brazil.
* ArcelorMittal: là một tập đoàn thép đa quốc gia co trụ sở chính tại Luxembourg
Những khuynh hướng này mở rộng ra ngoài các đấu trường quyền lực truyền thống - chiến tranh, chính trị và kinh doanh - sang hoạt động từ thiện, tôn giáo, văn hóa và quyền lực của các cá nhân. Số lượng tỉ phú đạt mức kỷ lục vào năm 2010 và mỗi năm, một số tên tuổi biến mất khỏi danh sách trong khi những cá nhân không được biết tới trước đó lại dồn dập đổ vào từ khắp năm châu bốn bể thế chỗ cho họ.
Không còn là phạm vi riêng của một vài quỹ lớn cùng các tổ chức công và quốc tế, công tác thiện nguyện đã bùng nổ hợp thành những quỹ nhỏ và những mô hình cho tặng mới, trong nhiều trường hợp, trực tiếp bắt cặp người đóng góp với người thụ hưởng, bỏ qua mô hình làm từ thiện cổ điển. Đóng góp từ thiện quốc tế của các cá nhân và tổ chức ở Mỹ đã tăng gấp bốn lần từ những năm 1990, và một lần nữa tăng gấp đôi từ năm 1998 tới 2007, đạt tới 39,6 tỉ đô-la Mỹ - lớn hơn 50% tổng số tiền cam kết hàng năm của Ngân hàng Thế giới. Ở Mỹ, số quỹ tăng từ 40.000 vào năm 1975 lên hơn 76.000 vào năm 2012. Các diễn viên, vận động viên và những nhân vật hạng A ủng hộ thường xuyên từ Oprah Winfrey và Bill Clinton, tới Agelina Jolie và Bono đều là những người làm từ thiện siêu hạng. Và tất nhiên là những quỹ khổng lồ được tài trợ bởi Bill và Melinda Gates, Warren Buffet và George Soros đang làm đảo lộn cách thức làm từ thiện truyền thống trong thế giới của các quỹ lớn. Hàng nghìn nhà tài phiệt công nghệ mới nổi và các giám đốc quỹ đầu tư cũng đang tiến vào thế giới của “việc cho đi” sớm hơn, và dành ra những khoản tiền từ thiện lớn hơn nhiều so với thông lệ trước kia. “Ngành đầu tư thiện nguyện” đã dẫn tới một ngành kinh doanh mới với mục đích tư vấn, hỗ trợ và giải ngân những khoản tiền đó. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới và Quỹ Ford không chỉ đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, những kẻ đã tận dụng Internet và các loại hình công nghệ khác để tạo lợi thế cho mình, mà còn nhiều sự xoi mói hơn của dư luận và nhiều yêu cầu hơn do những nhà hoạt động, người thụ hưởng và các Chính phủ sở tại đặt ra.
Tương tự, quyền lực lâu đời của các tôn giáo lớn có tổ chức đang bị xói mòn với một tốc độ nhanh đáng kể. Lấy ví dụ, các nhà thờ thuộc Phong trào Ngũ Tuần* đang phát triển ở các nước vốn từng là những căn cứ vững chắc cho các nhà thờ Vatican và Tin Lành chính thống. Ở Brazil, những người theo Phong trào Ngũ Tuần và Phong trào Linh Ân chỉ chiếm 5% dân số vào năm 1960 - so với 49% vào năm 2006 (Họ chiếm 11% ở Hàn Quốc, 23% ở Mỹ, 26% ở Nigeria, 30% ở Chile, 34% ở Nam Phi, 44% ở Philippines, 56% ở Kenya, và 60% ở Guatemala). Các nhà thờ Ngũ Tuần thường nhỏ và được thiết kế cho những tín đồ địa phương, nhưng một số đã mở rộng và vượt qua các biên giới. Những ví dụ bao gồm Igreja Universal do Reino de Deus (IURD) ở Brazin, có 4 triệu thành viên, và giáo hội Thiên Chúa Cứu chuộc (RCCG) ở Nigeria. Một mục sư Nigeria có một nhà thờ 40.000 thành viên ở Kiev, Ukraine. Trong khi đó, điều mà các chuyên gia gọi là “những nhà thờ hữu cơ” - tức là những nhà thờ gắn bó với giáo dân bình thường, trực tiếp, không có hệ thống thứ bậc, đang nở rộ trong các cộng đồng - thách thức Giáo hội Công giáo và Giáo hội Anh ngay từ bên trong. Và Hồi giáo, vốn đã không có tính tập trung, đang tiếp tục phân rã khi các học giả và giáo sĩ Hồi giáo đưa ra những cách diễn giải mâu thuẫn nhau trên các chương trình truyền hình.
* Phong trào Ngũ Tuần: là một giáo phái thuộc trào lưu Tin Lành.
Thêm vào đó, những khuynh hướng tương tự quan sát được trong lao động, giáo dục, nghệ thuật, khoa học - thậm chí trong thể thao chuyên nghiệp - và bức tranh được hoàn tất. Đây là một bức tranh của quyền lực phân tán ngày càng nhiều giữa những tay chơi mới hơn, nhỏ hơn với gốc gác đa dạng và không ngờ tới, rất giống những gì chúng ta thấy trong cờ vua. Và những tay chơi này sử dụng một cuốn cẩm nang rất khác với cuốn mà các tay chơi truyền thống vẫn dựa vào.
Tôi biết rằng lập luận rằng quyền lực đang trở nên mong manh và dễ tổn thương trái với quan điểm phổ quát vốn ngược lại - quan điểm rằng chúng ta đang sống ở một thời đại mà quyền lực đang trở nên tập trung hơn, và những ai đang nắm quyền lực thì mạnh mẽ và vững chắc hơn bao giờ hết. Thật vậy, nhiều người nghĩ rằng quyền lực giống như tiền: có nó làm tăng cơ hội có thêm. Từ quan điểm này, chu kỳ tự kéo dài mãi mãi của sự tập trung quyền lực và của cải có thể được coi là động lực trung tâm của lịch sử loài người. Và chắc chắn là, thế giới đầy những người và tổ chức sở hữu quyền lực ghê gớm, và sẽ không đánh mất nó. Nhưng những trang sách sắp tới sẽ cho thấy việc nhìn thế giới qua lăng kính này che khuất nhiều khía cạnh quan trọng về cách mà mọi thứ đang thay đổi.
Như chúng ta sẽ thấy, có nhiều thứ đang diễn ra hơn một sự dịch chuyển quyền lực đơn thuần từ một nhóm những tay chơi nhiều ảnh hưởng sang một nhóm khác. Sự chuyển đổi quyền lực mang tính tổng thể hơn và phức tạp hơn. Bản thân quyền lực đã trở nên dễ có hơn - và thật vậy, trong thế giới ngày nay, xuất hiện nhiều người đang nắm quyền lực hơn. Nhưng những giới hạn của quyền lực đã thấp xuống, và một khi đạt được, quyền lực lại khó sử dụng hơn. Và có một sự giải thích cho điều này.
ĐIỀU GÌ ĐÃ THAY ĐỔI?
Quyền lực được củng cố là kết quả của những rào cản bảo vệ người đang nắm quyền khỏi các địch thủ. Những rào cản không chỉ ngăn cản những kẻ cạnh tranh mới trỗi dậy thành những kẻ thách thức đáng gờm, mà còn gia cố cho sự áp đảo của những tay chơi đã nắm quyền. Những rào cản đó vốn đã tồn tại sẵn trong tất cả mọi thứ từ những quy định bầu cử cho tới các kho đạn dược của quân đội và lực lượng cảnh sát, tới nguồn vốn tư bản, quyền tiếp cận độc quyền với các tài nguyên, ngân sách quảng cáo, công nghệ độc quyền, những thương hiệu quyến rũ, và thậm chí cả thẩm quyền đạo đức của các lãnh đạo tôn giáo hay uy tín cá nhân của một số chính trị gia.
Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, các rào cản với quyền lực đã yếu đi với một tốc độ rất nhanh. Các rào cản giờ dễ bị xói mòn, lấn át và vượt mặt hơn. Các thảo luận về chính trị quốc nội và quốc tế, kinh doanh, chiến tranh, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác sẽ cho thấy, những nguyên nhân nền tảng cho hiện tượng này liên quan không chỉ tới những chuyển biến nhân khẩu học và kinh tế cùng sự lan truyền của công nghệ thông tin, mà còn tới những thay đổi chính trị và những sự chuyển đổi sâu sắc trong các kỳ vọng, giá trị và tiêu chuẩn xã hội. Những cuộc cách mạng công nghệ thông tin này (bao gồm, nhưng không giới hạn ở Internet) đóng một vai trò rất có ý nghĩa trong việc hình thành nên việc tiếp cận và sử dụng quyền lực. Nhưng giải thích căn bản hơn cho việc tại sao những rào cản với quyền lực trở nên yếu ớt hơn phải liên quan tới những chuyển đổi trong đa dạng các nhân tố như tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở nhiều nước nghèo, các hình mẫu về di cư, thuốc men và y tế, giáo dục, thậm chí là quan điểm và những tập tục văn hóa - nói một cách ngắn gọn, với những thay đổi trong quy mô, tình trạng và triển vọng của đời sống con người.
Sau cùng, điều phần lớn mọi người phân biệt đời sống ngày nay của chúng ta với của tổ tiên không phải ở những công cụ hay những quy luật quản trị xã hội mà chúng ta sử dụng. Sự khác biệt là ở chỗ chúng ta đã trở nên đông đúc hơn nhiều trên hành tinh này; chúng ta sống lâu hơn; chúng ta có sức khỏe tốt hơn; chúng ta biết đọc và được giáo dục nhiều hơn; một số lượng lớn chưa từng có những người trong chúng ta không còn phải tuyệt vọng tìm kiếm cái ăn nữa và có nhiều thời gian lẫn tiền bạc hơn để theo đuổi những điều khác. Và khi chúng ta không hài lòng với địa điểm hiện giờ, chúng ta có thể di chuyển và thử sống ở một nơi khác dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn bao giờ hết. Khi khoảng cách giữa con người giảm còn mật độ gia tăng cùng với tuổi thọ, sự phong phú trong đời sống và sự tiếp xúc của chúng ta với nhau cũng nhiều lên, tăng cường các tham vọng và cơ hội của chúng ta. Tất nhiên, y tế, giáo dục và sự thịnh vượng ngày nay còn lâu mới là phổ quát cho tất cả. Nghèo đói, bất công, chiến tranh, bệnh dịch và những khổ ải kinh tế, xã hội vẫn còn dai dẳng. Nhưng những thống kê chung về tuổi thọ, tỉ lệ biết chữ, tử vong ở trẻ em, dinh dưỡng, mức thu nhập, trình độ học vấn và sự phát triển của con người cho thấy thế giới đã thay đổi về cơ bản - cùng với những quan điểm và thái độ - theo những cách ảnh hưởng trực tiếp tới các điều kiện mà qua đó ta đạt được, nắm giữ và để mất quyền lực.
Ba chương tiếp theo sẽ phát triển chi tiết ý tưởng này. Chương 2 trình bày một tư duy rõ ràng và thực tế về quyền lực, có thể được áp dụng cho mọi lĩnh vực. Chương này thảo luận những cách thức mà quyền lực có thể được thực thi, giải thích sự khác biệt giữa các khía cạnh của quyền lực như ảnh hưởng, sự thuyết phục, sự ép buộc hay quyền hành, và cho thấy quyền lực ẩn náu như thế nào đằng sau những rào cản để bành trướng và tập trung - cho tới khi chính những rào cản đó bị xói mòn và không còn đáp ứng tính năng che chắn nữa. Chương 3 giải thích tại sao quyền lực trở nên lớn mạnh trong rất nhiều địa hạt khác nhau. Tại sao, tôi đặt câu hỏi, trong thực tế quyền lực trở nên cân bằng với quy mô của tổ chức hỗ trợ cho quyền lực đó? Tại sao những tổ chức lớn, phân cấp và tập trung hóa trở thành những phương tiện áp đảo mà thông qua đó quyền lực đã - và chủ yếu vẫn đang - được thực thi? Sự đồng nhất của quyền lực với quy mô của tổ chức đã đạt tới đỉnh điểm của nó trong thế kỷ XX. Và nó là một viễn cảnh vẫn ngự trị trong những cuộc tranh luận và đối thoại ngày nay, bất chấp thực tế giờ đã thay đổi rõ ràng.
Chương 4 trình bày chi tiết bằng cách nào những thay đổi lớn trong đời sống của chúng ta đã tạo ra những thách thức mới khiến việc thiết lập và bảo vệ những rào cản của quyền lực nhằm cản trở các đối thủ giờ khó khăn hơn. Những thay đổi này bắt nguồn từ ba sự chuyển đổi mang tính cách mạng định nghĩa thời đại của chúng ta: cuộc cách mạng Nhiều Hơn, có đặc điểm là sự gia tăng tất cả mọi thứ từ số lượng quốc gia tới quy mô dân số, các tiêu chuẩn sống, tỉ lệ biết chữ và số lượng các sản phẩm trên thị trường; cuộc cách mạng Di Động, điều đã khiến con người, hàng hóa, tiền bạc, các ý tưởng, và các giá trị di chuyển với một tốc độ không thể tưởng tượng nổi tới mọi ngóc ngách của hành tinh (bao gồm những nơi từng rất xa xôi và không thể tiếp cận) và cuộc cách mạng Tinh Thần, phản ánh những thay đổi lớn trong tư duy, kỳ vọng và hy vọng đi kèm với sự chuyển đổi đó.
Một số khía cạnh của ba cuộc cách mạng này sẽ quen thuộc với người đọc, nhưng điều không quen thuộc, và chưa được nghiên cứu sâu sắc, là mỗi cuộc cách mạng đó khiến quyền lực dễ đạt lấy và khó sử dụng hay giữ được ra sao. Chương 4 trình bày chính xác bằng cách nào mà những cuộc cách mạng mang tính nền tảng và diễn ra đồng thời này hạ thấp những rào cản với quyền lực, và làm tăng sự khó khăn trong việc sử dụng quyền lực một cách hiệu quả. Kết quả của nó đã ngăn cản triệt để những tổ chức lớn, tập trung hóa của thời hiện đại với khối tài sản khổng lồ, khiến chúng không còn bảo đảm được sự thống trị mà trong nhiều trường hợp thậm chí có thể trở thành yếu tố bất lợi với tổ chức đó. Thật vậy, những tình huống mà trong đó các thể thức khác nhau của quyền lực được bộc lộ - bao gồm sự ép buộc, sự tuân phục, sự thuyết phục và sự xui khiến - đã thay đổi theo hướng tạo ra giới hạn ở một mức độ nào đó với, hoặc loại bỏ hoàn toàn, lợi thế của quy mô.
SỰ SUY TÀN CỦA QUYỀN LỰC:
CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU MỚI KHÔNG? CÓ ĐÚNG KHÔNG? THẾ THÌ SAO?
Những thay đổi chúng ta vừa tìm hiểu đã làm lợi cho những kẻ sáng tạo và những kẻ mới chân ướt chân ráo bước vào nhiều lĩnh vực - bao gồm, thật không may, cướp biển, khủng bố, những kẻ nổi dậy, tin tặc, bọn buôn người, kẻ làm hàng giả và tội phạm mạng.15 Những thay đổi đã tạo ra cơ hội cho các nhà hoạt động vì dân chủ - cũng như cho các đảng chính trị ngoài lề với nghị trình hẹp hoặc cực đoan - và mở ra con đường thay thế tiến tới sức ảnh hưởng chính trị có thể vượt qua hay phá vỡ cấu trúc nội tại cứng nhắc và chính thức của giới chính trị chủ lưu truyền thống, cả ở những quốc gia dân chủ và những nước với chế độ hà khắc. Ít người dự liệu được rằng, khi một nhóm nhỏ những nhà hoạt động Malaysia quyết định “chiếm giữ” quảng trường Dataran ở Kuala Lumpur vào mùa hè năm 2011, qua đó bắt chước cuộc cắm trại Indignados (“những người căm phẫn”) ở Puerta del Sol, Madrid, một phong trào tạo cảm hứng cho cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall và gây ra những động thái tương tự ở 2.600 thành phố trên toàn thế giới.
Dù những thay đổi chính trị vững chắc sản sinh ra từ các phong trào “Chiếm giữ” cho tới giờ khá khiêm tốn, nhưng ảnh hưởng của chúng cũng đáng ghi nhận. Như Todd Gitlin, nhà viết biên niên sử những năm 1960 đã quan sát, “Những sự thay đổi to lớn trong cuộc đối thoại của dư luận cần tới ba năm để phát triển trong những năm sáu mươi xa xưa - về chiến tranh tàn bạo, về sự giàu có không chấp nhận nổi, về nền chính trị băng hoại, và về nguy cơ dân chủ bị đàn áp - chỉ mất ba tuần trong năm 2011”.16 Xét về tốc độ, ảnh hưởng và hình thức tổ chức mới theo chiều ngang*, những phong trào “Chiếm Giữ” cũng bộc lộ sự xói mòn của độc quyền - mà các đảng chính trị truyền thống một thời từng có - qua những kênh mà các thành viên xã hội vẫn lan đi sự giận dữ, hy vọng, và những yêu cầu của họ. Ở Trung Đông, Mùa xuân Ả Rập bắt đầu vào năm 2010, không có dấu hiệu gì dịu đi và thật ra vẫn tiếp tục lan ra - với những tiếng vọng có thể cảm thấy được bởi các chế độ toàn trị khác trên toàn thế giới.
* Hình thức tổ chức ít phân cấp quyền lực, hầu như không có người quản lý cấp trung, nhân viên làm việc dưới sự chỉ đạo của một số giám sát viên thay vì một ông chủ duy nhất.
Như đã nói trước đó, những điều tương tự cũng đang xảy ra trong thế giới kinh doanh. Các công ty nhỏ và vô danh từ những nước chỉ vừa mở cửa thị trường đã nhảy cóc, đôi khi thâu tóm cả những tập đoàn toàn cầu khổng lồ và những thương hiệu uy tín được xây dựng hàng thập kỷ bởi các đại gia sừng sỏ lâu năm của ngành.
Trong địa chính trị, các tay chơi nhỏ - dù là những nước “nhỏ” hay các thực thể phi nhà nước - đã giành được những cơ hội mới để phủ quyết, can dự, làm đổi hướng và nói chung là ngăn cản những nỗ lực được sắp đặt của các “cường quốc” cùng những định chế đa phương lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chỉ nêu vài ví dụ: Ba Lan đã phủ quyết chính sách hạn chế carbon của Liên minh Châu Âu (EU); những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil làm chệch hướng những cuộc thương lượng của các cường quốc với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này; những tiết lộ các bí mật ngoại giao của Mỹ từ Wikileaks; Quỹ Gates cạnh tranh quyền lãnh đạo với Tổ chức Y tế Thế giới trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết và những kẻ phá bĩnh đủ kiểu và đủ quy mô trong những cuộc thương lượng toàn cầu về thương mại, biến đổi khí hậu cùng vô số vấn đề khác.
Những “tay chơi nhỏ” mới mẻ và ngày càng tương thích này rất khác nhau, các lĩnh vực họ cạnh tranh cũng khác. Nhưng chúng có chung một điểm là không còn cần quy mô, tầm cỡ, lịch sử hay truyền thống lâu đời để ghi dấu ấn. Chúng đại diện cho sự nổi lên của một dạng quyền lực mới - hãy gọi đó là quyền lực vi mô - điều mà trước kia ít có cơ hội thành công. Ngày nay, theo cuốn sách này lập luận, điều đang thay đổi thế giới ít liên quan hơn tới cuộc cạnh tranh giữa những tay chơi hạng nặng, mà là sự nổi lên của những quyền lực vi mô và khả năng của chúng trong việc thách thức những tay chơi hạng nặng.
Sự xói mòn của quyền lực không đồng nghĩa với sự tuyệt chủng của những tay chơi hạng nặng đó. Các chính phủ lớn, quân đội lớn, doanh nghiệp lớn và trường đại học lớn sẽ bị hạn chế và cương tỏa hơn bất cứ lúc nào trước kia, nhưng họ chắc chắn vẫn có vai trò quan trọng và cả những hành động lẫn quyết định của họ vẫn có sức nặng to lớn. Chỉ là không còn nhiều như trước nữa. Không còn nhiều như họ hằng mong muốn nữa. Và không còn nhiều như họ kỳ vọng nữa. Và mặc dù có thể cho rằng việc những kẻ nắm quyền lực còn ít quyền lực hơn so với trước kia là điều tốt lành thuần khuyết (rốt cuộc thì quyền lực dẫn tới sự băng hoại, không đúng sao?), sự hạ cấp của họ cũng tạo ra sự bất ổn, hỗn loạn và tê liệt khi đối phó với những vấn đề phức tạp.
Những chương tiếp theo cũng sẽ cho thấy sự xói mòn quyền lực đã tăng tốc ra sao, bất chấp những khuynh hướng có vẻ như trái ngược, như “những kẻ to lớn trở lại” và những vụ cứu trợ “quá lớn để phá sản” vào cuối thập kỷ vừa qua, sự gia tăng liên tục của ngân sách quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc và sự chênh lệch ngày càng tăng trong thu nhập và sự giàu có trên toàn thế giới. Thật ra, sự suy tàn của quyền lực là một vấn đề quan trọng hơn và ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều so với những khuynh hướng lẫn sự phát triển bề mặt hiện đang tràn ngập những cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách cùng những nhà phân tích.
Cụ thể, cuốn sách này nhắm vào hai trong số những cuộc đối thoại lớn thông thường về quyền lực. Một vấn đề gắn kết với Internet như một lời giải thích cho những thay đổi trong quyền lực, đặc biệt là trong chính trị và kinh doanh. Còn vấn đề kia là sự ám ảnh với những thay đổi của địa chính trị, nơi mà sự suy yếu của một số quốc gia (đặc biệt là Mỹ) và sự vươn lên của những nước khác (đáng chú ý là Trung Quốc) đang cho thấy khuynh hướng chủ đạo làm thay đổi thế giới ở thời đại của chúng ta.
Sự suy tàn của quyền lực không bị thôi thúc cụ thể bởi Internet nói riêng và bởi công nghệ thông tin nói chung. Internet và các công cụ khác, không thể tranh cãi, đã làm biến đổi chính trị, các hoạt động xã hội, kinh doanh và tất nhiên, quyền lực. Nhưng quá thường xuyên, vai trò cơ bản này bị thổi phồng và bị hiểu sai. Công nghệ thông tin mới chỉ là công cụ - để có thể tạo ra ảnh hưởng, công cụ cần có người dùng, và tới lượt họ, người dùng cần mục tiêu, hướng dẫn và động cơ. Facebook, Twitter và những tin nhắn văn bản là nền tảng trao quyền lực cho những người biểu tình trong Mùa xuân Ả Rập. Nhưng những người biểu tình và những tình huống tạo động cơ cho họ xuống đường được thôi thúc bởi bối cảnh ở trong và ngoài nước, không liên quan gì tới các phương tiện thông tin mới mà họ có. Hàng triệu người đã tham gia những cuộc biểu tình lật đổ Hosni Mubarak* ở Ai Cập - nhưng lúc cao điểm, trang Facebook được cho là đã giúp làm bùng lên các cuộc biểu tình chỉ có 350.000 thành viên. Thật ra, một nghiên cứu gần đây về lượng truy cập trên Twitter trong những cuộc nổi dậy ở Ai Cập và Libya cho thấy: hơn 75% những người đã nhấp vào những đường dẫn trên Twitter liên quan tới những cuộc biểu tình sống ở bên ngoài thế giới Ả Rập.17 Một nghiên cứu khác, của Viện Hòa bình Mỹ, cũng tìm hiểu những hình mẫu sử dụng Twitter trong Mùa xuân Ả Rập, kết luận rằng truyền thông mới “không có vẻ đóng một vai trò trọng đại trong cả hành động tập thể ở trong nước hay sự phát tán ra khu vực” của cuộc nổi dậy.18
* Hosni Mubarak: Tổng thống thứ tư của Ai Cập, nhiệm kì từ năm 1981-2011.
Yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất thúc đẩy cuộc biểu tình là thực tế nhân khẩu học của những thanh niên ở các nước như Tunisia, Ai Cập và Syria - những người khỏe mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn bao giờ hết nhưng vẫn thất nghiệp và bất mãn sâu sắc. Hơn nữa, những công nghệ thông tin tương tự trao quyền lực cho những công dân bình thường cũng đã mang tới những con đường mới cho sự giám sát, áp bức và kiểm soát tập thể - lấy ví dụ, giúp cho Iran xác định và bỏ tù những người tham gia cuộc “Cách mạng Xanh”* còn trong trứng nước. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu bác bỏ vai trò quan trọng của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, trong những thay đổi chúng ta đang chứng kiến, hay giải thích những thay đổi chỉ như kết quả của một sự áp dụng rộng rãi hơn những công nghệ đó.
* Cách mạnh Xanh: là một thuật ngữ dùng để mô tả sự chuyển đổi nền nông nghiệp trên khắp thế giới đã dẫn đến các gia tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp giữa thập niên 1940 và thập niên 1960.
Đừng nhầm lẫn sự suy tàn của quyền lực với bất cứ sự chuyển đổi quyền lực “thời thượng” nào mà các nhà phân tích và bình luận đã mổ xẻ kể từ sự suy yếu của Mỹ và sự vươn lên của Trung Quốc, đã trở thành một tiên đề cho sự chuyển đổi địa chính trị ở thời đại của chúng ta - một tiên đề đã được ăn mừng, bị chê bai và bị cảnh báo, với những mức độ khác nhau, tùy vào quan điểm của tác giả. Đánh giá sự suy yếu của châu Âu đi đôi với sự vươn lên của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và “phần còn lại” đã trở thành một trò chơi ưa thích của những chuyên gia và những nhà bình luận chuyện thế giới nghiệp dư. Nhưng trong khi sự kình địch giữa các quốc gia là chủ lưu mạnh mẽ (đã luôn như thế), sự chú ý vào việc ai đang xuống và ai đang lên là một sự xao nhãng lớn và nguy hiểm. Điều đó là một sự xao nhãng vì mỗi nhóm những kẻ thắng cuộc mới sẽ phát hiện ra điều không lấy gì làm dễ chịu: đó là những ai nắm quyền lực trong tương lai sẽ thấy quy mô của quyền lực đó bị hạn chế và sự hiệu quả của quyền lực đó bị giới hạn, theo những cách mà họ không ngờ tới và những người tiền nhiệm của họ chưa từng trải qua.
Hơn nữa, hiệu ứng tích lũy của những thay đổi này đã làm tăng tốc độ xói mòn của tính hợp pháp và chuẩn mực đạo đức một cách rõ ràng. Sự suy giảm được ghi nhận rõ ràng trong lòng tin vào những lời tuyên bố và những cơ quan nhà nước bộc lộ khuynh hướng đó. Không chỉ các nhà lãnh đạo xã hội bị coi là dễ tổn thương hơn, mà cả những ai từng một thời cho rằng quyền lực đó là không thể bị thách thức cũng đã ý thức hơn về những khả năng khác nhau và tìm cách hòa hợp chúng với sự hài lòng cá nhân của họ. Ngày nay, chúng ta hỏi không chỉ chúng ta có thể làm gì cho đất nước mình, mà còn hỏi đất nước, ông chủ, người cung cấp thức ăn nhanh hay hãng hàng không ưa thích có thể làm gì cho chúng ta.
Sư thất bại trong việc nhìn xa hơn những cuộc đấu tranh của thời điểm hiện tại để thấy sự suy tàn rộng lớn hơn của quyền lực sẽ đi kèm với một giá đắt. Điều đó góp phần vào sự hỗn loạn, ngăn cản tiến bộ trong những vấn đề then chốt và phức tạp, đòi hỏi sự chú ý khẩn thiết của chúng ta, từ sự lan tràn những cuộc khủng hoảng tài chính, thất nghiệp và nghèo đói cho tới sự cạn kiệt tài nguyên cùng biến đổi khí hậu. Chúng ta sống trong một thời đại mà, thật ngược đời, chúng ta ý thức nhiều hơn về những vấn đề đó và hiểu chúng rõ hơn bao giờ hết, nhưng chúng ta có vẻ không thể đối phó với chúng một cách quyết đoán và hiệu quả. Và sự suy tàn của quyền lực chính là nguyên nhân.
NHƯNG QUYỀN LỰC LÀ GÌ?
Một cuốn sách về quyền lực đòi hỏi một định nghĩa về quyền lực - và cũng quan trọng không kém, một lý do để giải quyết chủ đề cơ bản nhưng lại bị lảng tránh nhiều nhất.
Quyền lực đã tập trung hành vi và lôi kéo sự cạnh tranh kể từ buổi bình minh của xã hội. Với Aristotle, quyền lực cùng của cải và tình bạn là ba yếu tố mang tới hạnh phúc cho một người. Tiền đề rằng con người tìm kiếm quyền lực một cách tự nhiên ở mức độ cá nhân, rằng những kẻ cai trị tìm cách củng cố và mở rộng lãnh địa của họ, là một vấn đề gần như được nhất trí chung trong triết học. Vào thế kỷ XVI, Niccolo Machiavelli đã viết trong The Prince (Quân vương), cuốn sách chỉ dẫn của ông về nghệ thuật cai trị, rằng việc giành lấy đất đai và sự kiểm soát chính trị “thực ra là điều rất tự nhiên và thông thường, và con người luôn làm như thế khi họ có thể”.19 Vào thế kỷ XVII, nhà triết học người Anh Thomas Hobbes đưa vấn đề tiến thêm một bước nữa trong Leviathan, luận thuyết kinh điển của ông về bản chất của con người và xã hội: “Tôi cho rằng khuynh hướng chung của toàn bộ loài người là khát khao bất diệt và không ngừng nghỉ về quyền lực, mà chỉ kết thúc sau khi họ chết”, Hobbes viết.20 Hai thế kỷ rưỡi sau đó, năm 1885, Friedrich Nietzsche viết, qua giọng nói của nhân vật người hùng ở tựa cuốn sách Thus Spake Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế): “Ở bất cứ nơi nào tôi thấy một vật sống, ở đó tôi thấy khát khao quyền lực; và thậm chí trong ý chí của công bộc, tôi cũng thấy ý chí trở thành ông chủ”.21
Điều này không có nghĩa là cuộc sống con người chỉ sục sôi bởi một mình quyền lực. Chắc chắn tình yêu, tình dục, đức tin cùng những thôi thúc và cảm xúc khác cũng có vai trò của chúng.
Nhưng chắc chắn, quyền lực là một sứ mệnh tạo động lực cho con người mãi mãi. Và quyền lực sẽ luôn luôn định hình cấu trúc xã hội, giúp cai quản các mối quan hệ và điều hòa sự tương tác giữa con người, các cộng đồng và quốc gia. Quyền lực có vai trò lớn trong mọi lĩnh vực mà chúng ta đấu tranh, cạnh tranh hay tổ chức: chính trị quốc tế và chiến tranh, chính trị trong nước, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, tôn giáo, hoạt động xã hội như từ thiện và các hoạt động khác, những mối quan hệ xã hội và văn hóa đủ loại. Có thể tranh luận rằng quyền lực cũng đóng vai trò lớn trong mối quan hệ yêu đương và gia đình gần gũi nhất của chúng ta, cũng như trong ngôn ngữ của chúng ta, hay thậm chí qua những giấc mơ của chúng ta. Những chiều kích sau cùng nằm ngoài trọng tâm của cuốn sách này, nhưng điều đó không có nghĩa chúng nằm ngoài những khuynh hướng mà tôi tìm cách giải thích.
Sự tiếp cận ở đây mang tính thực dụng. Mục tiêu là để hiểu cần điều gì để có được quyền lực, giữ quyền lực và mất quyền lực. Điều này đòi hỏi một định nghĩa thực tế, và đây là một định nghĩa như thế: Quyền lực là khả năng chỉ đạo hay ngăn cản dòng những hành động tương lai của những nhóm và cá nhân khác. Hay nói cách khác, quyền lực là những gì chúng ta thực thi với những người khác khiến họ hành xử theo những cách mà nếu không họ đã không hành xử như thế.
Quan điểm về quyền lực một cách thực dụng này không mới hay gây tranh cãi. Mặc dù quyền lực vốn là một chủ đề phức tạp, nhiều định nghĩa thực dụng mà các nhà khoa học xã hội đã sử dụng giống với định nghĩa được nêu ra ở đây. Lấy ví dụ, cách tiếp cận của tôi gợi lại một tài liệu kinh điển và được trích dẫn rất nhiều, được viết năm 1957 bởi nhà khoa học chính trị Robert Dahl, “Khái niệm quyền lực”. Theo sự tóm tắt của Dahl: “A có quyền lực lên B tới mức độ mà anh ta có thể khiến B làm thứ gì đó mà nếu không B sẽ làm khác đi”. Những cách khác nhau để thực thi quyền lực, và những biểu hiện khác nhau của quyền lực như sự ảnh hưởng, sự thuyết phục, sự ép buộc và quyền hành - mà chương tới sẽ đề cập đến - xảy ra bên trong bối cảnh này: một bên khiến hay không thể khiến một bên khác hành động theo một cách nhất định.22
Quyền lực có thể là một động cơ quan trọng mà tất cả chúng ta đều có trong sâu thẳm con người, như các nhà triết học nói với chúng ta. Nhưng là một lực cho hành động, nó vốn có tính chất liên hệ. Sử dụng những đơn vị đại diện là không đủ để đo đếm quyền lực, chẳng hạn như ai có quân đội lớn nhất, ngân khố dồi dào nhất, dân số lớn nhất hay tài nguyên phong phú nhất. Không ai đi loanh quanh với một lượng quyền lực cố định và có thể định lượng được, vì trong thực tế, bất cứ quyền lực của cá nhân hay thể chế nào cũng thay đổi tùy theo tình huống. Để quyền lực có thể hoạt động đòi hỏi sự tương tác hay trao đổi giữa hai hay nhiều bên hơn: ông chủ và công bộc, kẻ cai trị và công dân, sếp và nhân viên, cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh, hay một sự kết hợp phức tạp của các cá nhân, đảng phái, quân đội, công ty, định chế, thậm chí là quốc gia. Khi mà các tay chơi di chuyển từ tình huống này sang tình huống khác, khả năng của mỗi tay chơi chỉ đạo hay ngăn cản những hành động của những người khác - nói cách khác, quyền lực của họ - cũng chuyển đổi. Các tay chơi và những đặc điểm của họ càng ít thay đổi, sự phân phối cụ thể quyền lực càng trở nên ổn định. Nhưng khi số lượng, bản sắc, các động cơ, các khả năng và các đặc điểm của những tay chơi thay đổi, sự phân chia quyền lực cũng sẽ thay đổi theo.
Đây không chỉ là một vấn đề trừu tượng. Ý tôi là quyền lực có một chức năng xã hội. Vai trò của nó không chỉ là áp đặt sự thống trị hay tạo ra những kẻ chiến thắng và thua cuộc: nó còn tổ chức các cộng đồng, xã hội, thị trường, và thế giới. Hobbes đã giải thích điều này rất hay. Vì khát khao quyền lực là nguyên thủy, ông lập luận, con người về cố hữu là xung đột và cạnh tranh. Nếu để mặc cho con người thể hiện bản chất của mình mà không có sự hiện diện của quyền lực để ngăn cản hay chỉ đạo họ, họ sẽ đấu tranh cho tới khi không còn lại gì để đấu tranh. Nhưng nếu họ tuân theo một “quyền lực chung”, họ có thể dồn những nỗ lực của họ vào việc xây dựng xã hội, chứ không chỉ hủy hoại nó. “Trong khoảng thời gian mà con người sống không có một quyền lực chung để ràng buộc tất cả họ, họ ở trong một điều kiện được gọi là chiến tranh”, Hobbes viết, “và đó là một cuộc chiến tranh mà mọi người chống lại lẫn nhau”.23
SỰ SUY TÀN CỦA QUYỀN LỰC:
Ý NGHĨA ĐƯỢC MẤT LÀ GÌ?
Sự sụp đổ của những rào cản với quyền lực đang mở ra cánh cửa cho những tay chơi mới theo kiểu đã làm thay đổi môn cờ vua, và như những chương sắp tới sẽ nêu chi tiết, đang làm thay đổi những lĩnh vực lớn khác trong sự cạnh tranh của con người.
Những tay chơi mới này là những quyền lực vi mô đã được đề cập ở trên. Quyền lực của họ là một loại mới: không phải là thứ quyền lực to lớn, lấn át và thường có tính ép buộc của những tổ chức lớn và chuyên môn, mà là phản quyền lực tới từ việc có thể chống đối và hạn chế những gì những tay chơi lớn đó có thể làm.
Đó là một quyền lực tới từ sự sáng tạo và chủ động, đúng, nhưng cũng từ phạm vi mới được mở rộng của các ngón chơi như quyền phủ quyết, sự trì hoãn, sự đổi hướng và sự can thiệp. Chiến thuật kinh điển của chiến tranh du kích giờ xuất hiện và hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là chúng có thể mở ra những chân trời mới không chỉ cho những kẻ sáng tạo cấp tiến mà cả những kẻ cực đoan, ly khai và những ai không cam kết với lý tưởng chung tốt đẹp. Và sự đông đúc của tất cả những tay chơi này, điều vốn đã rõ ràng và đang tăng tốc, làm dấy lên những quan ngại trọng yếu về việc điều gì sẽ xảy ra nếu sự suy tàn của quyền lực tiếp tục bị phớt lờ và bỏ qua.
Chúng ta đều biết quá nhiều sự tập trung quyền lực dẫn tới nguy hại cho xã hội, không chỉ trong những địa hạt bề ngoài có vẻ là tập trung vào làm những điều tốt - hãy chứng kiến những bê bối làm khổ sở Giáo hội Công giáo. Và điều gì xảy ra khi quyền lực bị phân tán, khuếch tán và phân rã một cách sâu sắc? Những nhà triết học đã biết câu trả lời: sự hỗn loạn và vô chính phủ. Cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả mà Hobbes tiên liệu là phản đề của một xã hội tốt đẹp. Và sự suy tàn của quyền lực đe dọa tạo ra chính kịch bản đó. Một thế giới mà các tay chơi có đủ quyền lực để ngăn cản sự khởi xướng của tất cả mọi người, nhưng không ai có quyền lực để áp đặt những hành động tốt đẹp hơn là một thế giới mà những quyết định không được đưa ra, được đưa ra quá muộn, hoặc bị phớt lờ tới một thời điểm không còn hiệu quả nữa. Không có được sự dễ đoán và ổn định đi kèm theo những luật lệ và quyền hành chung được chấp nhận, ngay cả những người sáng tạo nghệ thuật, âm nhạc và văn học với tinh thần tự do nhất cũng sẽ không còn khả năng sống một cuộc đời viên mãn, bắt đầu với khả năng tiếp tục tồn tại một cách ổn định, có hệ thống dựa trên thành quả lao động của họ (tức là với một hình thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nào đó). Những thập kỷ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được bởi các đảng phái chính trị, doanh nghiệp, nhà thờ, quân đội và các định chế văn hóa đối mặt với mối đe dọa tiêu mòn. Và quyền lực càng trở nên khó nắm giữ, cuộc sống của chúng ta càng trở nên bị chi phối bởi những động cơ và nỗi sợ ngắn hạn, và chúng ta càng không thể hoạch định những hành động và lên kế hoạch cho tương lai.
Sự kết hợp của những rủi ro như thế có thể dẫn tới sự cô lập. Những định chế quyền lực đã ở cùng chúng ta quá lâu, những rào cản quyền lực truyền thống đã quá cao, tới mức chúng ta xây dựng ý nghĩa cuộc sống của chúng ta - những lựa chọn về việc làm gì, chấp nhận gì, thách thức gì - ở trong những khuôn khổ đó.
Nếu chúng ta trở nên quá cô lập, sự suy tàn của quyền lực có thể trở thành sự hủy hoại.
Một cách khẩn cấp, chúng ta cần hiểu và nhận diện bản chất cùng những hậu quả của sự suy tàn này. Thực ra, mặc dù những rủi ro đã được đề cập trên đây còn chưa tới mức trở thành sự hỗn loạn hoàn toàn, chúng rõ ràng đã can thiệp vào khả năng chúng ta giải quyết một số vấn đề lớn của thời đại. Từ biến đổi khí hậu tới giải trừ vũ khí hạt nhân, các cuộc khủng hoảng kinh tế, sự cạn kiệt nguồn lực, những dịch bệnh, nghèo đói dai dẳng của “hàng tỉ người dưới đáy”, chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn người, tội phạm mạng và hơn nữa, thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên và nhiều tay chơi đa dạng hơn bao giờ hết để giải quyết. Sự suy tàn của quyền lực là một khuynh hướng đáng mừng nếu xét đến việc nó mở ra không gian cho những dự án kinh doanh mới, những công ty mới, và trên toàn thế giới, những tiếng nói mới và nhiều cơ hội hơn. Nhưng những hậu quả của nó với sự ổn định là hết sức nguy hiểm. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục chào đón những tiếng nói và ý tưởng, sự sáng tạo và chủ động đa nguyên, mà không đồng thời đẩy chính chúng ta vào một trạng thái tê liệt có thể xóa sạch sự tiến bộ cực kỳ nhanh chóng? Hiểu sự suy tàn của quyền lực là bước đầu tiên chúng ta hướng tới việc tìm ra con đường tiến lên phía trước trong một thế giới đang được tái sinh.