Quyền Lực Vận Hành Thế Nào Và
Làm Sao Để Giữ Được Nó
Đồng hồ báo thức của bạn bật lúc 6:45 sáng, sớm hơn nửa tiếng so với bình thường, vì sếp của bạn khăng khăng rằng bạn phải tham dự một cuộc họp mà bạn nghĩ là vô ích. Bạn hẳn đã cãi lại, nhưng tuần tới là đến lúc đánh giá cuối năm về bạn và bạn không muốn làm hỏng cơ hội thăng tiến của mình. Một quảng cáo xuất hiện trên đồng hồ radio của bạn về chiếc xe Toyota Prius mới: “Chi phí theo số dặm tốt nhất trong các xe ở Mỹ”. Bạn đã phát ngán việc phải trả quá nhiều tiền mỗi tuần để đổ đầy bình xăng. Nhà Jones bên cạnh có một chiếc Prius, tại sao bạn lại không? Trừ việc bạn không có đủ tiền để đặt cọc. Trong bữa sáng với con gái bạn, bạn để ý thấy nó - bất chấp đề nghị của bạn tuần trước cho phép nó nghe nhạc bằng tai nghe nếu ăn ngũ cốc thay vì Cocoa Puffs - đang ngồi đó đeo tai nghe và đang ăn… Cocoa Puffs. Bạn và vợ bạn cãi nhau xem ai sẽ phải về sớm từ chỗ làm để đón con gái ở trường. Bạn thắng. Nhưng bạn thấy mặc cảm tội lỗi và đồng ý dắt chó đi dạo như một sự nhượng bộ an ủi. Bạn ra ngoài với con chó. Trời mưa. Nó không chịu đi. Và bạn tuyệt đối không thể làm gì để ép nó.
Khi chúng ta ra những quyết định lớn nhỏ mỗi ngày trong đời, là những công dân, người lao động, người tiêu dùng, nhà đầu tư, hay thành viên của một hộ gia đình hay gia đình, chúng ta phải liên tục nghĩ tới phạm vi - và những giới hạn - trong quyền lực của chính chúng ta. Dù thách thức là tăng lương hay lên chức, làm công việc của chúng ta theo một cách nhất định, thúc ép một quan chức được bầu bỏ phiếu cho một dự luật mà chúng ta thích, lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ với người bạn đời, hay ép một đứa con ăn uống cho đúng, chúng ta luôn, ý thức hay không, đo đếm quyền lực của chúng ta: đánh giá năng lực của chúng ta khiến những người khác cư xử như chúng ta muốn. Chúng ta kìm hãm quyền lực của những người khác và những tác động khó chịu và bất tiện của nó: cách mà sếp, Chính phủ, cảnh sát, ngân hàng, hay nhà cung cấp điện thoại hay truyền hình cáp xui khiến chúng ta hành xử theo một kiểu nhất định, làm những thứ nhất định, hay thôi làm những thứ khác. Và chúng ta thường tìm kiếm quyền lực, đôi khi một cách tự chủ.
Đôi khi, việc thực hiện quyền lực quá tàn bạo và dứt khoát tới mức không thể chấp nhận được. Dù Saddam Hussein* và Muammar Gaddafi** đã chết, những nạn nhân của họ chắc chắn vẫn rùng mình mỗi khi nhắc tới tên họ - một trải nghiệm được chia sẻ bởi những người sống sót của các tội ác tàn bạo rất lâu sau khi những kẻ thủ ác đã bị bắt giữ. Quá khứ hay hiện tại, chúng ta cảm thấy sự hiện diện của quyền lực, ngay cả khi nó được sử dụng một cách tinh ý hay chỉ được phô diễn.
* Saddam Hussein: Tổng thống Iraq nhiệm kì 1979-2003.
** Muammar Gaddafi: cựu Thủ tướng Libya, là nhà lãnh đạo trong cuộc đảo chính lật đổ vua Libya năm 1969.
Tuy vậy, bất chấp quy mô mà quyền lực là một phần của cuộc sống hàng ngày và tâm trí của chúng ta, nó vẫn trốn tránh sự hiểu biết của chúng ta. Trừ trong trường hợp cực đoan khi chúng ta bị cưỡng ép một cách thô bạo bằng những sự đe dọa như còng tay, phạt tiền, giáng chức, lăng nhục, đánh đập hay những hình phạt khác, chúng ta có khuynh hướng trải nghiệm quyền lực như một sự ép buộc về cảm xúc hơn là một lực lượng hữu hình. Chính xác vì quyền lực là nguyên thủy, căn bản trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta hiếm khi dừng lại để phân tích nó thấu đáo - để xác định chính xác nó nằm ở đâu, nó hoạt động như thế nào, nó có thể đi xa tới đâu và điều gì ngăn nó đi xa hơn nữa.
Có lý do rất hợp lý cho điều đó: quyền lực khó đong đếm. Thật ra, nói một cách chặt chẽ, nó là không thể đong đếm. Bạn không thể cộng nó lại và xếp hạng nó. Bạn chỉ có thể xếp hạng những thứ có vẻ là đại diện, nguồn gốc và biểu hiện của quyền lực. Ai có nhiều tiền nhất trong ngân hàng? Công ty nào có thể mua một công ty khác, hay công ty nào có tài sản lớn nhất trong bản cân đối kế toán? Quân đội nào có nhiều binh lính hay xe tăng hay máy bay chiến đấu nhất? Đảng chính trị nào giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử gần nhất hay kiểm soát nhiều ghế trong Quốc hội nhất? Những thứ đó có thể đo đếm và ghi nhận được. Nhưng chúng không thể đo được quyền lực. Chúng chỉ là sự đại diện. Là những thước đo quyền lực, chúng không đáng tin cậy và ngay cả khi được tập hợp lại, chúng không kể được hết câu chuyện về một ai đó hay một thứ gì đó giàu quyền lực ra sao.
Dẫu vậy, quyền lực lan tỏa khắp nơi, từ hệ thống các quốc gia tới các thị trường và nền chính trị - thật vậy, trong bất cứ tình huống nào mà con người hay những tổ chức cạnh tranh, hoặc các cá nhân tương tác. Bất cứ khi nào sự cạnh tranh nổ ra, sự phân chia quyền lực tồn tại, và nó luôn liên hệ mật thiết với trải nghiệm của con người. Dù không phải là động cơ duy nhất đằng sau trải nghiệm đó, khát khao quyền lực chắc chắn là một trong những động cơ quan trọng nhất.
Vậy làm sao chúng ta có thể trao đổi một cách hữu ích về quyền lực? Nếu chúng ta muốn hiểu quyền lực được giành lấy, sử dụng hay đánh mất như thế nào, chúng ta cần một phương pháp trao đổi không mơ hồ, phóng đại hay sai lệch. Thật không may, hầu hết các cuộc đối thoại của chúng ta về quyền lực chưa bao giờ thực sự thoát khỏi những cạm bẫy đó.
NÓI VỀ QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO
Có một cách để trò chuyện về quyền lực có kết quả. Đúng, bản thân quyền lực một phần là vật chất và một phần là tâm lý, một phần hữu hình và một phần ảnh hưởng tới sự tưởng tượng của chúng ta. Là thương phẩm hay sức mạnh, quyền lực khó định rõ và khó định lượng. Nhưng với tư cách một động cơ định hình nên một tình huống cụ thể, nó có thể được ước lượng, những hạn chế và phạm vi của nó có thể được đánh giá.
Lấy ví dụ một bức ảnh chân dung nghi lễ nhóm các nhà lãnh đạo nhà nước và Chính phủ tập hợp tại hội nghị Thượng đỉnh G8 đầy ảnh hưởng. Ở đây có Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Ý và những người đồng cấp với họ. Mỗi người trong số họ đều “đang nắm quyền”. Theo nghĩa đó, họ ngang hàng. Và thực ra, mỗi người trong số họ có rất nhiều quyền lực. Liệu quyền lực đó có tới từ uy tín của vị trí của họ, từ lịch sử và từ nghi lễ đi kèm nó không? Hay từ chiến thắng của họ trong một cuộc bầu cử? Từ việc họ chỉ huy một lực lượng dân sự và quân sự lớn? Từ khả năng họ chỉ đạo, với một cái vẩy ngòi bút, việc chi tiêu hàng tỉ đô-la tiền thuế thu được từ sức lao động và nền thương mại của người dân nước họ? Rõ ràng, đó là một sự pha trộn những yếu tố trên và cả những yếu tố khác nữa. Đó là quyền lực như một lực lượng - hữu hình, nhưng khó thể phân tách và định lượng.
Giờ, cũng với bức ảnh đó trong tâm trí, tưởng tượng về phạm vi và những giới hạn những nhà lãnh đạo đó tận hưởng hay phải đối đầu trong những tình huống khác nhau. Điều gì đã xảy ra trong chính cuộc gặp thượng đỉnh? Những vấn đề nào đã được thảo luận, những thỏa thuận nào đã được thương lượng và trong mỗi trường hợp, ai sẽ chiến thắng? Liệu Tổng thống Mỹ, thường được gọi là “người quyền lực nhất thế giới”, có phải lần nào cũng thắng? Những liên minh nào được hình thành, và ai đưa ra những nhượng bộ nào? Rồi hãy tưởng tượng mỗi nhà lãnh đạo trở về đất nước của ông ta hay bà ta, và đưa ra nghị trình quốc nội ở thời điểm đó: cắt giảm ngân sách, xung đột lao động, tội ác, nhập cư, bê bối tham nhũng, triển khai quân đội và bất cứ thứ gì khác đang xảy ra ở khu vực cụ thể đó. Một số nhà lãnh đạo nắm được nhóm đa số vững mạnh trong Quốc hội, những người khác phụ thuộc vào các liên minh mỏng manh. Một số người, nhờ cương vị của họ, có phạm vi quyền lực rộng bằng các sắc lệnh hành pháp, những người khác thì không. Một số người được hưởng uy tín cá nhân lớn và tỉ lệ ủng hộ cao, những người khác bị bao vây bởi bê bối hay dễ tổn thương về chính trị. Quyền lực hiệu quả của họ - được diễn giải thực tế thành hành động liên quan tới vị trí mà họ đang nắm giữ - phụ thuộc vào tất cả những tình huống đó và đa dạng tùy theo từng vấn đề.
Ngay cả nếu chúng ta không thể định lượng quyền lực, chúng ta có thể nắm khá rõ ràng về việc quyền lực vận hành ra sao. Quyền lực vận hành trong mối quan hệ với những người khác. Chúng ta càng định nghĩa chính xác các tay chơi và những được mất liên quan, quyền lực càng hiện ra rõ rệt: không còn là một lực lượng được định nghĩa mơ hồ nữa, nó có thể được coi là người phân xử một danh mục những hành động, khả năng định hình và làm thay đổi một tình huống, với một phạm vi được định nghĩa và những giới hạn thực sự. Và nếu chúng ta hiểu quyền lực vận hành ra sao, thì chúng ta có thể hiểu điều gì khiến nó hoạt động tốt, dẫn đến khả năng tự duy trì và tự tăng trưởng. Và ta cũng hiểu điều gì khiến nó thất bại, dẫn đến sự phân tán, suy thoái hay thậm chí tan biến. Trong một tình huống cụ thể, quyền lực bị kìm hãm hay hạn chế tới một mức độ nào? Mỗi tay chơi có khả năng nào để thay đổi tình hình? Bằng cách tìm hiểu sự cạnh tranh hay xung đột trong những trường hợp hoạt động thực tế, chúng ta có thể bắt đầu hiểu được các sự kiện đang hướng về đâu.
Ngày nay, như chúng ta sẽ thấy trong những trang sắp tới, sự tích lũy và thực thi quyền lực đang hướng vào những vùng nước chưa được vẽ bản đồ.
QUYỀN LỰC VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO
Trong Chương 1, tôi đã đưa ra một định nghĩa thực tế: Quyền lực là khả năng chỉ đạo hay ngăn cản dòng những hành động trong tương lai của những nhóm và cá nhân khác. Định nghĩa này rất rõ ràng, và còn hơn nữa, nó tránh được những đơn vị đại diện dễ gây hiểu lầm như kích cỡ, nguồn lực, vũ khí và số người ủng hộ. Nhưng nó quả cần phân tích tỉ mỉ hơn. Rốt cuộc, những hành động của người khác có thể bị chỉ đạo hay ngăn cản theo nhiều cách. Trên thực tế, quyền lực được biểu hiện thông qua bốn phương tiện. Hãy gọi chúng là những kênh quyền lực.
• Sức mạnh của Cơ bắp: Kênh đầu tiên của quyền lực là rõ ràng và quen thuộc nhất. Vũ lực - hay đe dọa sử dụng vũ lực - là một công cụ thô thiển mà qua đó, quyền lực được thực thi trong những hoàn cảnh cực đoan nhất định. Cơ bắp có thể dưới dạng một quân đội chinh phục, một lực lượng cảnh sát với còng tay và nhà tù, một kẻ bắt nạt ở sân trường, một con dao kề cổ, một đầu đạn hạt nhân để răn đe, hay khả năng của ai đó khiến công ty của bạn phá sản, sa thải bạn khỏi công việc của mình, hay trục xuất bạn khỏi một giáo hội. Nó cũng có thể dưới dạng sự kiểm soát độc quyền một số nguồn lực quan trọng có thể được đưa ra hay từ chối cung cấp (tiền bạc, dầu mỏ, các cử tri). Sự hiện diện của sức mạnh cơ bắp không phải lúc nào cũng xấu. Chúng ta đều vui mừng với một lực lượng cảnh sát bắt những kẻ tội phạm ngay cả việc làm điều đó nhiều khi đòi hỏi sử dụng vũ lực. Việc sử dụng bạo lực hợp pháp là một quyền mà công dân trao cho nhà nước để đổi lấy sự bảo vệ và ổn định. Nhưng dù quyền đó ở trong tay những bạo chúa hay những lãnh đạo đầu óc sáng suốt, sức mạnh cơ bắp rốt cuộc vẫn dựa trên sự ép buộc phục tùng. Bạn phục tùng, vì nếu không, bạn sẽ lãnh hậu quả tồi tệ hơn hậu quả của việc phục tùng.
• Sức mạnh của Quy tắc: Tại sao những người Công giáo đi dự Thánh lễ, người Do Thái làm lễ Sabbath, người Hồi giáo cầu nguyện năm lần mỗi ngày? Tại sao nhiều xã hội yêu cầu những người già làm trung gian hòa giải các xung đột và coi quyết định của họ là công bằng và khôn ngoan? Điều gì khiến con người tuân theo Luật Vàng* và kiềm chế không làm hại những người khác ngay cả khi không có luật pháp hay sự trừng phạt nào để ngăn cản họ? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong những giá trị đạo đức, truyền thống, giá trị văn hóa, kỳ vọng xã hội, niềm tin tôn giáo và những giá trị được truyền qua nhiều thế hệ hay được dạy cho trẻ nhỏ ở trường học. Chúng ta sống trong một vũ trụ của những quy tắc mà chúng ta đôi khi theo và đôi khi không. Và chúng ta cho phép người khác dẫn dắt hành vi của chúng ta qua những lời răn dạy quy tắc đó từ họ. Kênh quyền lực này không tạo sự ép buộc, thay vào đó, nó kích hoạt cảm xúc về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta. Có lẽ ví dụ tốt nhất là Mười điều răn của Chúa: qua chúng, một quyền lực tối cao và không thể thách thức nói một cách rành mạch với chúng ta phải cư xử ra sao.
* Luật Vàng xuất hiện từ nhiều ngàn năm trước, tồn tại trong các nền văn minh, tôn giáo và văn hóa. Nội dung của nó là: (Đừng) Làm cho người khác điều bạn (không) muốn làm cho bạn.
• Sức mạnh của Lời rao hàng: Bạn hẳn đã nghe nhiều về sức mạnh của quảng cáo. Nó được ghi nhận khi mọi người chuyển từ McDonald’s sang Burger King, hay khi doanh số của Honda tăng lên trong khi doanh số của Volkswagen giảm xuống. Hàng tỉ đô-la đã được đổ vào việc quảng cáo trên các chương trình truyền hình và phát thanh, trên các bảng quảng cáo và những trang web, trong các tạp chí, trò chơi điện tử hay bất cứ phương tiện khả dĩ nào, để bộc lộ mục đích lôi kéo mọi người làm điều mà nếu không thì họ đã không làm: mua sản phẩm. Lời rao không cần sức mạnh hay quy tắc đạo đức. Thay vào đó, nó làm chúng ta thay đổi suy nghĩ, cảm nhận của chúng ta. Nó thuyết phục chúng ta rằng một số sản phẩm hay dịch vụ đáng được lựa chọn so với những thứ thay thế. Lời rao hàng chỉ là năng lực thuyết phục những người khác nhìn tình huống theo một hướng thúc đẩy các mục tiêu hay lợi ích của người thuyết phục. Các tay môi giới bất động sản, vốn lôi kéo người mua tiềm năng định giá những tiện nghi của việc sống trong một khu dân cư cụ thể, không sử dụng vũ lực, không viện dẫn tới đạo đức, hay không thay đổi cấu trúc của tình huống (bằng cách giảm giá chẳng hạn). Họ sẽ thay đổi hành vi của khách hàng bằng cách điều chỉnh cảm nhận của họ về tình huống đó.
• Sức mạnh của Phần thưởng: Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy ai đó nói “Có cho tiền tôi cũng không làm”? Nhưng thường thì điều ngược lại mới đúng: mọi người chấp nhận những khoản tiền để làm những thứ mà nếu không được trả, họ đã không làm. Bất cứ cá nhân nào có thể cung cấp những phần thưởng đáng thèm muốn có lợi thế lớn trong việc khiến những người khác hành xử theo những cách thích hợp với lợi ích của anh ta. Anh ta có thể thay đổi cấu trúc của tình huống. Dù là dưới dạng đề nghị cung cấp nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên để đổi lấy việc thanh tra các lò phản ứng hạt nhân của nước này, hay bổ sung hàng trăm triệu đô-la cho ngân sách viện trợ để mua sự ủng hộ của một nước khác, hay cuộc đấu giá giành giật một nhân viên ngân hàng, ca sĩ, giáo sư hay bác sĩ phẫu thuật hàng đầu, việc sử dụng những lợi ích vật chất để lôi kéo hành vi có lẽ là cách làm phổ biến nhất của quyền lực.
Bốn kênh đó - cơ bắp, quy tắc, lời rao và phần thưởng - là những gì mà các nhà khoa học xã hội gọi là những kiểu hình lý tưởng: chúng riêng biệt rõ ràng về mặt phân tích và là sự diễn giải cực đoan cho mỗi loại hình mà chúng đại diện. Nhưng trên thực tế - hay chính xác hơn, khi quyền lực được thực thi trong những tình huống cụ thể - chúng thường được pha trộn và kết hợp, chúng hiếm khi đứng tách biệt. Lấy ví dụ, quyền lực của tôn giáo vốn được thực thi qua nhiều kênh. Giáo lý hay quy tắc đạo đức, dù được ghi lại trong những văn kiện cổ xưa hay được diễn giải bởi một người giảng đạo hay nhà thông thái của tôn giáo đó sau này, là một phần quan trọng giúp một nhóm đức tin có tổ chức thu hút những tín đồ - cùng với cam kết của họ về thời gian và niềm tin, sự hiện diện của họ ở các buổi lễ, các phần đóng góp và sức lao động của họ. Nhưng khi các nhà thờ, đền đài và giáo đường cạnh tranh nhau để có tín đồ, họ thường làm thế trên cơ sở một lời rao - như một dạng quảng cáo. Thật vậy, rất nhiều định chế đức tin tiến hành những chiến dịch tỉ mỉ được quản lý bởi những công ty quảng cáo chuyên môn hóa cao độ. Và họ cũng đề nghị các phần thưởng - không chỉ phần thưởng phi vật chất về việc được cứu rỗi linh hồn như hứa hẹn, mà thỉnh thoảng là cả những lợi ích hữu hình như sự tiếp cận ngân hàng việc làm của giáo đoàn, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, những buổi tối hẹn hò cho ai độc thân, hay khả năng tiếp cận mạng lưới các thành viên ở vị trí cao. Trong một số xã hội, bản thân việc tham gia tôn giáo là bị bắt buộc bằng sức mạnh cơ bắp. Lấy ví dụ, luật pháp ở một số quốc gia nhất định yêu cầu những dạng hành vi nhất định và trừng phạt những hành vi khác, bắt buộc về chiều dài váy áo của phụ nữ Hồi giáo và của bộ râu ở đàn ông, hay rút phép thông công* của những bác sĩ thực hiện việc phá thai.
* Rút phép thông công: là kiểu nói bình dân để nói về những vạ được bàn tới trong giác luật.
Tuy vậy, mỗi một trong bốn kênh đó - cơ bắp, quy tắc, lời rao, và phần thưởng - vận hành theo một cách khác nhau. Và hiểu được những sự khác biệt đó mang tới cái nhìn sơ bộ về cấu trúc hạt nhân của quyền lực.
Sự công thức hóa của tôi với bốn kênh này gắn liền với bộ khung phân tích đầy thuyết phục được trình bày lần đầu bởi một học giả xuất sắc về kinh doanh và quản trị người Nam Phi: Ian MacMillan thuộc Trường Kinh doanh Wharton ở Đại học Pennsylvania (xem Hình 2.1). Trong cuốn Strategy Formulation: Political Concepts (tạm dịch: Xây Dựng Chiến Lược: Các Khái Niệm Chính Trị), xuất bản năm 1978, MacMillan muốn giảng giải cho sinh viên kinh doanh về những sự phức tạp của quyền lực và thương lượng. Ông quan sát rằng trong bất cứ sự tương tác quyền lực nào, một bên thao túng tình huống theo cách ảnh hưởng tới hành động của bên kia.1 Nhưng nhiều kiểu thao túng sẽ xuất hiện tùy thuộc vào câu trả lời cho hai câu hỏi:
• Thứ nhất, liệu sự thao túng có làm thay đổi cấu trúc của tình huống hiện tại, hay thay vào đó nó làm thay đổi sự đánh giá của bên thứ hai với tình huống đó?
• Thứ hai, liệu sự thao túng có mang tới cho bên thứ hai một sự cải thiện, hay liệu thay vì thế nó khiến bên thứ hai chấp nhận một kết quả không phải là một sự cải thiện?
Vai trò tương đối của cơ bắp (sự ép buộc), quy tắc (nghĩa vụ), lời rao (sự thuyết phục) và phần thưởng (sự lôi kéo) xác định câu trả lời cho các câu hỏi đó trong bất kỳ tình huống đời thực nào.
HÌNH 2.1 PHÂN LOẠI QUYỀN LỰC CỦA MACMILLAN
Nguồn: Phỏng theo Ian MacMillan, Strategy Formulation: Political Concepts, 1978.
Cách tiếp cận của giáo sư MacMillan có ba lợi thế lớn. Thứ nhất, nó đi thẳng vào mặt thực tế của quyền lực - ảnh hưởng của nó lên những tình huống, quyết định và hành vi đời sống thực. Trong đánh giá của ông về quyền lực, MacMillan không bị che mờ bởi hình ảnh của những nhà lãnh đạo đứng chụp hình trên thảm đỏ, chủ trì một buổi lễ ở văn phòng của họ. Thay vào đó, ông đặt câu hỏi (a) những công cụ nào sẵn có cho mỗi nhà lãnh đạo - và cho các đối thủ và đồng minh của ông ta hay bà ta - trong việc xử lý một thách thức cụ thể, và (b) việc thay đổi tình huống đó tồn tại phạm vi và giới hạn nào.
Thứ hai, vì cách tiếp cận của ông mang tính chiến lược và tập trung vào quyền lực như một động lực, nó có thể áp dụng được - ngoài phân tích địa chính trị, quân sự hay mối kình địch giữa các doanh nghiệp - cho gần như bất cứ lĩnh vực nào khác. Là một học giả trong lĩnh vực kinh doanh, MacMillan thiết kế khung phân tích dựa trên bối cảnh lĩnh vực của mình - kinh doanh và quản trị - và tìm hiểu những động lực quyền lực bên trong các công ty. Nhưng không có lý do gì mà cách tiếp cận của ông không thể được áp dụng cho những lĩnh vực khác - vốn là điều tôi làm trong cuốn sách này.
Lợi thế lớn thứ ba trong cách ông nhìn quyền lực là nó cho phép chúng ta phân biệt các khái niệm như quyền lực, sức mạnh, vũ lực, quyền hành và ảnh hưởng. Lấy ví dụ, mọi người thường nhầm lẫn giữa quyền lực và ảnh hưởng. Ở đây, khung khái niệm của MacMillan rất hữu ích. Cả quyền lực và ảnh hưởng có thể thay đổi hành vi của người khác, hay cụ thể hơn, khiến người khác làm hay ngăn họ làm một số điều. Nhưng sự ảnh hưởng tìm cách thay đổi cảm nhận về tình huống, chứ không phải bản thân tình huống.2 Nên khung phân tích của MacMillan cho thấy ảnh hưởng là một tập hợp con của quyền lực, theo nghĩa là quyền lực bao gồm không chỉ những hành động thay đổi tình huống, mà còn cả những hành động thay đổi cách tình huống đó được cảm nhận. Ảnh hưởng là một dạng quyền lực, nhưng quyền lực rõ ràng có thể được thực thi thông qua những phương tiện khác ngoài ảnh hưởng.
Để minh họa: Tán dương phẩm chất của một khu dân cư, để thay đổi cảm nhận của một người mua về giá trị của thỏa thuận theo hướng dẫn tới việc đạt được thỏa thuận khác với việc đạt được mục tiêu đó thông qua hạ giá căn nhà. Một tay môi giới bất động sản thay đổi cảm nhận của người mua có ảnh hưởng để làm điều đó, trong khi một người chủ nhà giảm giá bán căn nhà có quyền lực thay đổi cấu trúc của thỏa thuận.
TẠI SAO QUYỀN LỰC CHUYỂN GIAO HAY ỔN ĐỊNH
Hãy nghĩ về quyền lực như là khả năng của những tay chơi khác nhau ảnh hưởng tới kết quả của một tình huống mặc cả. Bất cứ sự cạnh tranh hay xung đột nào - dù là một cuộc chiến tranh, một trận chiến giành thị phần, những cuộc thương lượng ngoại giao, việc lôi kéo giáo dân của các giáo hội đối địch, thậm chí một cuộc thảo luận xem ai là người rửa bát sau bữa tối - đều xoay quanh việc phân chia quyền lực. Sự phân chia đó phản ánh năng lực của những bên cạnh tranh dựa vào sự kết hợp của cơ bắp, quy tắc, lời rao và phần thưởng để khiến đối phương hành động theo cách mà họ muốn. Đôi khi sự phân chia quyền lực ở trạng thái ổn định, thậm chí trong một thời gian dài. “Trạng thái cân bằng của các cường quốc” kinh điển ở châu Âu vào thế kỷ XIX là một ví dụ điển hình: châu lục này tránh một cuộc chiến tranh tổng lực, còn đường biên giới của những quốc gia và đế quốc thay đổi ít, hoặc chỉ thay đổi do thỏa thuận. Tương tự là thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh: Mỹ và Liên Xô, sử dụng rất nhiều cơ bắp và cũng rất nhiều phần thưởng, xây dựng và duy trì tầm ảnh hưởng toàn cầu, bất chấp những xung đột địa phương đây đó, ổn định một cách ấn tượng.
Cấu trúc của các thị trường đồ uống cola (Coke và Pepsi), hệ điều hành (PC và Mac) và máy bay chở khách đường dài (Boeing và Airbus), mỗi thị trường đều có một cặp tay chơi áp đảo và một vài kẻ cạnh tranh nhỏ, là những ví dụ khác của việc phân chia quyền lực khá ổn định - hay ít ra là không nhiều biến động. Nhưng ngay khi một bên mới nhanh chóng bộc lộ cơ bắp một cách hiệu quả hơn, viện dẫn truyền thống hay quy tắc đạo đức theo một cách cám dỗ hơn, trình bày một lời rao hàng thuyết phục hơn, hay đề nghị một phần thưởng lớn hơn, quyền lực sẽ chuyển giao và tái tổ chức lại bối cảnh, có thể là theo những cách quyết liệt. Đó là lúc mọi thứ trở nên thú vị - khi những cơ hội xuất hiện, những ngành kinh doanh chuyển đổi, những hệ thống chính trị bị đảo lộn và những nền văn hóa tiến hóa. Thật ra, khi có đủ những thay đổi xảy ra đồng thời, cuộc sống hàng ngày của tất cả chúng ta sẽ thay đổi.
Nhưng điều gì khiến cho sự phân phối quyền lực thay đổi? Nó có thể xảy ra với sự trỗi dậy của một tay chơi mới tài năng, phá vỡ trật tự cũ như Alexander Đại Đế hay Steve Jobs, hay của một sáng tạo có tính chất chuyển đổi như bàn đạp ngựa, kỹ thuật in ấn, con chíp điện tử hay YouTube. Nó có thể xảy ra qua chiến tranh, tất nhiên. Và những thảm họa thiên nhiên cũng có thể là nguyên nhân: bão Katrina, lấy ví dụ, đã dẫn tới việc những trường nội trú địa phương từng một thời rất hùng mạnh ở New Orleans bị gạt ra ngoài lề và sự nổi lên của phong trào trường công lập mới trong thành phố. Cũng đừng loại trừ vận may hay sự tình cờ: một kẻ đương nhiệm không thể lung lay có thể phạm một sai lầm chiến lược hay một sai lầm cá nhân ngớ ngẩn dẫn tới một sự sụp đổ hàng loạt. Hãy nghĩ tới Tiger Woods hay David Patraeus. Đôi khi, bệnh tật và tuổi tác đơn giản bắt kịp kẻ quyền lực và thay đổi sự phân phối quyền lực chóp bu của một công ty, Chính phủ, quân đội hay một môn thể thao.
Mặt khác, không phải mọi sáng tạo thông minh đều có khả năng lôi kéo. Không phải mọi doanh nghiệp được điều hành tốt với một sản phẩm đáng thèm muốn và kế hoạch cẩn thận đều đạt được những cơ hội tài chính và bán hàng cần thiết để tạo ra dấu ấn. Một số tập đoàn hay định chế khổng lồ tỏ ra dễ tổn thương trước những kẻ cạnh tranh mới nhanh nhẹn, nhưng những hãng khác có vẻ rũ bỏ chúng dễ như thể đập ruồi. Sẽ không bao giờ có thể đoán được mọi cuộc chuyển giao quyền lực. Sự sụp đổ của Liên Xô, sự bùng phát của Mùa xuân Ả Rập, sự suy sụp của những tờ báo khổng lồ trước kia như Washington Post và sự nổi lên đột ngột của Twitter như một nhà cung cấp thông tin, xác nhận cho sự không thể đoán biết được những chuyển giao quyền lực nào đang đợi ở ngã rẽ tiếp theo.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG RÀO CẢN VỚI QUYỀN LỰC
Dù việc tiên đoán trước sự chuyển giao quyền lực là một cố gắng ngớ ngẩn, việc hiểu được những khuynh hướng làm thay đổi hoặc sự phân phối quyền lực hoặc bản chất của nó thì không. Điểm mấu chốt là hiểu được những rào cản với quyền lực trong một lĩnh vực cụ thể. Công nghệ, luật pháp, vũ khí, vận may hay tài sản độc nhất nào khiến cho những tay chơi khác khó giành được quyền lực đang nằm trong tay những kẻ có quyền? Khi những rào cản như thế được dựng lên và giữ vững ở đó, những kẻ nắm quyền được bảo vệ và củng cố sự kiểm soát của họ. Khi những rào cản đó bị hạ thấp hoặc bị dỡ bỏ, những tay chơi mới giành được lợi thế và có thể thách thức cấu trúc quyền lực hiện hữu. Sự xói mòn với bất cứ rào cản quyền lực nào càng mạnh, những tay chơi mới càng trở nên bất thường và khó lường, họ càng nhanh chóng có cơ hội vươn lên. Xác định những rào cản tới quyền lực và liệu chúng đang được dựng lên hay hạ xuống, bạn có thể giải quyết phần lớn của câu đố về quyền lực.
Những doanh nghiệp độc quyền, những chế độ độc tài quân sự, những xã hội chính thức ưu ái một sắc tộc hay niềm tin tôn giáo cụ thể, những thị trường tràn ngập quảng cáo của một sản phẩm thống trị, những các-ten* như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), những hệ thống chính trị như nước Mỹ, trong đó hai đảng trên thực tế kiểm soát quá trình bầu cử và những đảng nhỏ không thể có chỗ đứng - tất cả đều là những tình huống mà các rào cản tới quyền lực đều rất cao, ít ra là hiện thời. Nhưng một số thành trì có thể bị tấn công - hoặc vì bức tường phòng ngự quanh chúng không còn mạnh mẽ như vẻ ngoài, vì chúng không được chuẩn bị cho những kẻ tấn công kiểu mới, hay quan trọng không kém, vì những kho báu chúng bảo vệ đã mất đi giá trị ngay từ đầu. Trong những tình huống như thế, các con đường thương mại giờ sẽ bỏ qua chúng, do chúng không còn được các đạo quân cướp bóc quan tâm nữa.
* Các-ten (Cartel): Hình thức tổ chức độc quyền mà các nhà tư bản tự nguyện liên kết theo phương thức cam kết đồng thuận, với mục tiêu tập hợp các tổ chức và đối tượng cùng ngành nghề để khống chế thị trường bằng quyền lực kinh tế do các thành viên mang lại.
Lấy ví dụ, những người sáng lập Google không đặt mục tiêu làm xói mòn sự thống trị của New York Times hay các công ty truyền thông hùng mạnh khác, nhưng thực tế chính đây là điều họ đạt được. Những kẻ nổi dậy sử dụng các thiết bị nổ tự tạo ở Afghanistan, hay những băng cướp biển Somalia sử dụng những con tàu gỉ sét và súng AK-47 để bắt cóc các con tàu lớn ở Vịnh Aden, đang vây hãm thành trì từng bảo đảm sự thống trị của quân đội và hải quân trang bị công nghệ tối tân. Kết quả không chỉ là sự chuyển giao quyền lực của quân đội và hải quân đó, mà còn là sự thách thức với chính bản chất của quyền lực.
Rào cản của quyền lực có thể phân biệt những tình huống bề mặt nhìn giống nhau. Một nhóm nhỏ các công ty có thể đủ sức kiểm soát hầu hết thị phần trong một ngành cụ thể vì chỉ họ sở hữu những nguồn lực cần thiết, một sản phẩm hấp dẫn hay một công nghệ có một không hai. Ngoài ra, họ có thể vận động hành lang thành công hay mua đứt các chính trị gia để tạo ra những luật lệ và quy định khiến các đối thủ khó khăn hơn, hoặc không thể, tiến vào thị trường. Công nghệ độc quyền, sự tiếp cận với các tài nguyên, những sự bảo hộ bằng luật lệ và mối quan hệ với một tay trong tham nhũng là bốn kiểu lợi thế rất khác nhau. Rõ ràng, chuyển giao quyền lực xảy ra khi việc kiểm soát tài nguyên khan hiếm nhất định vốn giới hạn sự cạnh tranh ở một thị trường cụ thể, những tài nguyên thay thế được tìm ra khiến vai trò rào cản của nó đối với những tay chơi khác giảm, hay một công nghệ mới giúp nhiều kẻ cạnh tranh khác dễ dàng tiến vào thị trường hơn.
Trong khi những chuyển giao như thế đại diện cho một ý tưởng nổi tiếng trong thế giới kinh doanh, ý tưởng đó ít được áp dụng thường xuyên trong chính trị và cho sự kình địch giữa các quốc gia-nhà nước, các giáo hộ, hay những người làm từ thiện. Lấy ví dụ, hãy xem xét một hệ thống Nghị viện, trong đó một số Đảng nhỏ có ghế và có thể tham gia vào việc hình thành một liên minh cầm quyền. Liệu có một ngưỡng, như ở Đức, rằng một Đảng cần phải kiếm được 5% tổng số phiếu trên toàn quốc để có đại diện trong Quốc hội? Liệu có thể thay vào đó là quy định rằng một đảng phải có được tỉ lệ số phiếu tối thiểu trong một số vùng khác nhau? Hay hãy nhìn vào sự cạnh tranh giữa các trường đại học hàng đầu. Liệu việc đánh giá xếp hạng các trường có khó khăn, hay nhà tuyển dụng và các trường sau đại học không còn quan tâm nhiều đến thứ hạng trường của những cử nhân đại học mà họ sẽ chiêu mộ?
Những rào cản với quyền lực có thể ở dưới dạng những luật lệ và quy định dễ hoặc khó viết lại hoặc phá hủy. Chúng có thể ở dưới dạng chi phí - của những tài sản chủ chốt, nguồn lực, sức lao động, việc làm, tiếp thị - tăng lên hoặc hạ xuống. Chúng có thể dưới dạng khả năng tiếp cận những cơ hội tăng trưởng - những khách hàng, người lao động, nguồn tư bản và những người theo tôn giáo mới. Chi tiết thay đổi theo từng lĩnh vực. Nhưng như một quy tắc chung, những quy định đó càng nhiều và càng chặt chẽ, chi phí cho việc mô phỏng theo lợi thế của những kẻ nắm quyền lại càng cao, và những tài sản chủ chốt càng hạn chế hay khan hiếm, rào cản ngăn những tay chơi mới giành được chỗ đứng, chứ đừng nói đến tạo dựng một lợi thế bền vững cho chính họ, càng cao.
BẢN ĐỒ THIẾT KẾ: GIẢI THÍCH SỨC MẠNH THỊ TRƯỜNG
Khái niệm về những rào cản tới quyền lực có nguồn gốc từ kinh tế học. Cụ thể, tôi đã phỏng theo ý tưởng những rào cản gia nhập ngành - một khái niệm phân tích mà các nhà kinh tế học sử dụng để nắm rõ sự phân phối, hành vi cùng triển vọng của các công ty trong một ngành - và áp dụng nó vào sự phân phối quyền lực. Mở rộng khái niệm theo hướng đó là hợp lý: rốt cuộc, ý tưởng về những rào cản gia nhập ngành được sử dụng trong kinh tế học để giải thích một loại quyền lực cụ thể - quyền lực thị trường.
Như chúng ta đã biết, trạng thái lý tưởng của kinh tế học là sự cạnh tranh hoàn hảo. Trong cạnh tranh hoàn hảo, nhiều công ty khác nhau làm ra những hàng hóa có thể thay thế hoàn hảo cho nhau, và người tiêu dùng quan tâm tới việc mua tất cả những hàng hóa mà họ làm ra. Không có chi phí giao dịch, chỉ có chi phí đầu vào, tất cả các công ty được tiếp cận thông tin giống nhau. Cạnh tranh hoàn hảo mô tả một môi trường mà trong đó không công ty đơn lẻ nào có thể tự mình tạo ảnh hưởng lên giá cả của những món hàng trong thị trường của nó.
Tất nhiên, thực tế rất khác. Hai công ty, Airbus cùng Boeing, thống lĩnh thị trường máy bay lớn đường dài, và một số nhỏ những nhà sản xuất chế tạo các máy bay nhỏ hơn. Nhưng có vô số các công ty sản xuất áo phông và tất chân. Cực kỳ khó khăn để một nhà sản xuất máy bay mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, tập hợp một vài thợ may hay thợ khâu trong một xưởng, là bạn có thể sản xuất áo phông. Một nhà sản xuất áo phông mới có thể cạnh tranh với những tên tuổi lớn, hay ít ra là tìm thấy một góc nhỏ mà trong đó hãng có thể thịnh vượng. Một nhà sản xuất thương hiệu máy bay mới phải đối mặt với khả năng kém hấp dẫn hơn.
Những ngành với cấu trúc ổn định và hẹp, nơi kẻ có quyền nắm chắc quyền lực và những đối thủ mới gặp khó khăn, chung đặc điểm là có quyền lực thị trường rất lớn. Nói một cách dễ hiểu, điều đó có nghĩa là năng lực không cần cạnh tranh mà vẫn kiếm được lợi nhuận. Trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nếu bạn bán trên giá chi phí biên (chi phí sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm nữa, được giả định rằng giống nhau với tất cả các nhà sản xuất trong ngành đó), sẽ không ai mua, bởi tất cả những đối thủ cạnh tranh khác sẽ bán giá thấp hơn bạn. Một công ty sở hữu càng nhiều sức mạnh thị trường, thì càng có thể thiết lập giá mà không phải lo lắng về các đối thủ. Sức mạnh thị trường càng chiếm ưu thế giữa những công ty trong một lĩnh vực hay thị trường cụ thể, trật tự thứ bậc sẽ càng bền vững. Sự khác biệt trong “bảng xếp hạng” doanh nghiệp trong một lĩnh vực như chăm sóc và vệ sinh cá nhân - nơi thứ hạng của những công ty như Procter and Gamble, Colgate-Palmolive và các công ty hàng đầu khác hầu như đã không thay đổi trong vài thập kỷ - và ngành máy tính cá nhân, nơi bảng xếp hạng liên tục thay đổi thường liên quan rất lớn tới quyền lực thị trường.
Quyền lực thị trường rốt cuộc mang tính loại trừ và đương nhiên là phản cạnh tranh. Nhưng ngay cả với những công ty đã tận hưởng một vị thế bên trong thành lũy, được bảo vệ bởi rào cản hạn chế sự gia nhập của những tay chơi mới, một đời sống dễ dàng hay thậm chí là sự sống còn của công ty đó còn lâu mới được bảo đảm. Những đối thủ hiện hữu có thể giành được quyền lực thị trường và hướng nó chống lại họ, tận dụng sự áp đảo của họ trên thị trường để mua đứt các công ty đó hay đẩy họ tới chỗ phá sản. Sự thông đồng hay loại trừ thường thấy giữa những công ty hoạt động trong những lĩnh vực hay các quốc gia có sự cạnh tranh công khai khắc nghiệt và quyền lực thị trường ngự trị. Chủ doanh nghiệp thích tán dương sự cạnh tranh, nhưng giám đốc điều hành của một công ty áp đảo sẽ quan tâm nhiều hơn hẳn tới việc bảo vệ được quyền lực thị trường.
Những xem xét này cũng thường áp dụng một cách hữu ích cho động cơ quyền lực giữa những kẻ cạnh tranh trong các lĩnh vực khác - tức là cho những nhân tố không phải là các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Tiếp tới chúng ta áp dụng bộ ý tưởng này để minh họa điều sẽ xảy ra với những lĩnh vực tương đương “quyền lực thị trường” trong xung đột vũ trang, chính trị đảng phái và các hoạt động khác.
RÀO CẢN GIA NHẬP: CHÌA KHÓA TỚI SỨC MẠNH THỊ TRƯỜNG
Đâu là những nguồn gốc của sức mạnh thị trường? Trong thế giới kinh doanh, điều gì khiến những công ty nhất định đạt được sự thống trị và duy trì vị thế không thể thách thức trong một thời gian dài? Tại sao một số lĩnh vực chứng kiến sự vươn lên của những công ty độc quyền, lũng đoạn do hai doanh nghiệp, hay một nhóm nhỏ các công ty có thể thông đồng việc định giá hay tiếp cận với giới làm luật, trong khi những ngành khác vẫn thân thiện với hàng loạt các công ty nhỏ cạnh tranh quyết liệt với nhau? Tại sao thứ bậc của các công ty trong một số ngành gần như không thay đổi qua thời gian, trong khi ở những ngành khác lại thay đổi liên tục?
Với những chuyên gia tổ chức doanh nghiệp muốn tìm hiểu các công ty đạt được lợi thế so với các đối thủ ra sao, nhân tố khiến một tay chơi mới gặp khó khăn trong việc tham gia một lĩnh vực cụ thể và cạnh tranh thành công là cực kỳ quan trọng. Họ có thể soi sáng về cách quyền lực được giành lấy, nắm giữ, sử dụng và mất đi như thế nào, dù là trong một thị trường hay ở nơi khác.
Một số rào cản gia nhập có nguồn gốc từ những điều kiện cơ bản. Chúng có thể liên quan tới đặc điểm kỹ thuật của ngành đó: chế tạo nhôm chẳng hạn, đòi hỏi những nhà máy luyện khổng lồ, xây dựng tốn kém, tiêu tốn nhiên liệu. Những điều kiện cơ bản cũng có thể phản ánh cách một ngành bị trói buộc vào vị trí địa lý cụ thể ra sao. Lấy ví dụ, liệu nó có đòi hỏi nguồn lực tự nhiên chỉ được tìm thấy ở một vài nơi? Hay liệu sản phẩm có cần phải được xử lý hay đóng gói gần với nơi nó sẽ được bán, như trong trường hợp của xi-măng, hay nó có thể được trữ đông lạnh, như với tôm từ Trung Quốc hay thịt cừu từ New Zealand hay rau củ từ Mexico, và chở đi khắp thế giới? Liệu có cần một nhóm những kỹ năng chuyên môn hóa cao độ, như một tiến sĩ vật lý, hay người thành thạo ngôn ngữ lập trình máy tính? Tất cả những câu hỏi này chỉ ra những yêu cầu giải thích tại sao việc mở, lấy ví dụ, một nhà hàng, công ty cắt cỏ hay công ty lau dọn lại dễ hơn gia nhập ngành sản xuất thép, nơi bạn không chỉ cần vốn, thiết bị đắt tiền, một nhà máy lớn, những đầu vào đắt đỏ và cụ thể, mà còn có thể phải gánh chịu chi phí vận chuyển khổng lồ.
Những rào cản khác với việc gia nhập có nguồn gốc từ luật lệ, các giấy phép và thương hiệu. Những ví dụ bao gồm tư cách thành viên ở các hội luật sư, giấy phép hành nghề bác sĩ, việc thanh tra quy hoạch, vệ sinh cùng các cơ sở, giấy phép bán rượu và những rào cản khác mà một người có thể phải đối mặt khi cố mở một nhà hàng. Những rào cản như thế - dù xuất phát từ quy mô, sự tiếp cận với tài nguyên chủ chốt, sự tiếp cận với công nghệ chuyên môn hóa hay những đòi hỏi pháp lý và luật lệ - là những rào cản cấu trúc mà bất cứ công ty nào muốn cạnh tranh trong thị trường phải đối mặt. Ngay cả với công ty đã hoạt động trong một thị trường cụ thể, những rào cản này vẫn khó thay đổi - dù các công ty tăng trưởng lớn mạnh thường có thể ảnh hưởng lên môi trường luật pháp của họ.
Bên cạnh rào cản cấu trúc thường trực còn có thêm rào cản chiến lược. Những kẻ đang nắm quyền lực tạo ra những rào cản chiến lược để ngăn đối thủ mới xuất hiện và ngăn đối thủ hiện hữu tăng trưởng. Những ví dụ bao gồm các thỏa thuận tiếp thị độc quyền (ví dụ, thỏa thuận giữa AT&T* và Apple khi iPhone lần đầu ra mắt), những hợp đồng dài hạn ràng buộc nhà cung cấp với người bán (ví dụ, nhà sản xuất dầu và nhà máy lọc dầu), sự thông đồng và ấn định giá (ví dụ, nỗ lực nổi tiếng những năm 1990 của Archer Daniels Midland** và các công ty khác nhằm ấn định giá phụ gia cho thức ăn gia súc) và vận động hành lang các chính trị gia để khai thác những lợi thế riêng từ Chính phủ (ví dụ, một giấy phép điều hành sòng bạc độc quyền trong một vùng nhất định). Chúng cũng có thể bao gồm hoạt động quảng cáo, khuyến mãi đặc biệt, quảng bá sản phẩm, những đợt giảm giá thường xuyên cho người tiêu dùng và các phương tiện tiếp thị tương tự, khiến việc gia nhập trở nên khó khăn cho những đối thủ cạnh tranh tương lai. Thật ra, khó phá vỡ được rào cản đó, ngay cả với sản phẩm gây phấn khích nhất, khi bạn cần một ngân sách quảng cáo cực kỳ đắt đỏ để những khách hàng tiềm năng biết rằng sản phẩm của bạn tồn tại, và ngân sách còn lớn hơn để thuyết phục họ thực sự thử nó.3
* AT&T: là một công ty viễn thông đa quốc gia có trụ sở tại Tháp Whitacre ở vùng trung tâm Dallas, Texas.
** Archer Daniels Midland: là một tập đoàn kinh doanh hàng hóa và chế biến thực phẩm đa quốc gia của Mỹ được thành lập năm 1902 và có trụ sở chính tại Chicago, Illinois.
TỪ NHỮNG RÀO CẢN GIA NHẬP TỚI NHỮNG RÀO CẢN VỚI QUYỀN LỰC
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi không ít sự nhiệt tình cạnh tranh, không chỉ trong kinh doanh mà cả trong các lĩnh vực khác, được đầu tư vào việc dựng lên hay phá vỡ những rào cản với quyền lực - tức là, ảnh hưởng tới cuộc chơi bằng cách thay đổi những luật lệ và yêu cầu của nó. Điều này đặc biệt đúng trong chính trị, nơi các đảng phái và ứng cử viên thường xuyên tiêu tốn cực kỳ nhiều năng lượng trong những cuộc chiến phân định các khu vực bầu cử (hành động nổi tiếng ở Mỹ qua thuật ngữ “gerrymandering”, tức hành vi cố ý điều chỉnh các ranh giới địa lý của khu vực bầu cử để giành ưu thế), hay xử lý cơ cấu về cân bằng giới tính trong Quốc hội và những danh sách ứng viên, như ở Argentina và Bangladesh, nơi một hạn ngạch các ghế trong Quốc hội được dành cho phụ nữ. Ở Ấn Độ, nơi những người Dalit (từng là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội, được biết tới là đẳng cấp của “những người không thể đụng đến”) có những ghế được dành sẵn trong Quốc hội và Nghị viện vùng, những cuộc chiến chính trị và pháp lý quyết liệt đã nổ ra liên quan tới việc mở rộng lợi ích cho nhóm người được gọi là Những giai cấp tụt hậu khác (OBCs). Ở nhiều nước, những nhà lãnh đạo với xu hướng toàn trị đã tìm cách loại trừ đối thủ chính trị trong khi duy trì một bức bình phong dân chủ bằng cách thúc đẩy, thông qua những cải cách trong luật bầu cử, và “vô tình” loại bỏ những đối thủ bằng các tiểu tiết. Những cuộc chiến liên quan tới đóng góp của doanh nghiệp cho chính trị, quảng cáo chính trị, việc tiết lộ thông tin và quyền tiếp cận phát sóng thường hiểm độc hơn nhiều so với những cuộc chiến về chính sách. Các đảng phái vốn bất đồng kịch liệt trong câu hỏi chính sách lớn lại có thể sát cánh bên nhau để bảo vệ các điều luật trao cho họ, cùng nhau, phần chia những chiếc ghế trong Quốc hội lớn hơn. Rốt cuộc, luôn có thể lật ngược một cuộc bầu cử thất bại, nhưng những luật lệ mới sẽ thay đổi cuộc chơi.4
Cuối cùng, những rào cản với quyền lực cản trở các tay chơi mới triển khai đủ cơ bắp, quy tắc, lời rao, và phần thưởng, hay sự kết hợp của những thứ đó, để đạt được một vị thế cạnh tranh, và ngược lại, cho phép những công ty, đảng phái, quân đội, giáo hội, tổ chức, trường đại học, tờ báo và liên đoàn lao động (hay bất cứ loại tổ chức nào khác liên quan) đang nắm quyền duy trì sự áp đảo của họ.
Trong nhiều thập kỷ, thậm chí là thế kỷ, những rào cản với quyền lực là chỗ trú ẩn cho nhiều quân đội, tập đoàn, chính phủ, đảng phái, các định chế xã hội và văn hóa lớn. Hiện giờ, những rào cản đó đang bị lung lay, xói mòn, rò rỉ hay không còn thích hợp. Để đánh giá sự chuyển đổi này sâu sắc ra sao, nó xoay chuyển dòng thủy triều lịch sử như thế nào, chúng ta cần xem xét lại tại sao và như thế nào mà quyền lực trở nên to lớn từ đầu. Chương tiếp theo giải thích bằng cách nào, vào thế kỷ XX, thế giới đi tới chỗ - theo suy nghĩ thông thường - mà quyền lực đòi hỏi quy mô và không tồn tại cách nào tốt, hiệu quả và bền vững hơn để thực thi quyền lực là thông qua những tổ chức thứ bậc và tập trung lớn.