Mọi người thường hỏi tôi thức tỉnh sẽ đưa ta đến đâu. Mọi thứ sẽ kết thúc ở đâu? Câu hỏi này rất khó trả lời, bởi vì bất cứ điều gì tôi nói cũng có thể trở thành một mục tiêu trong tâm trí. Tất nhiên, để đi tới ý thức trọn vẹn, thức tỉnh hoàn toàn thì mục tiêu trong tâm trí là những trở ngại lớn. Nhưng quả thực vẫn có một quỹ đạo đi tới thức tỉnh; một sự trưởng thành từ thức tỉnh đến cái tạm gọi là giác ngộ. Thật khó nói được giác ngộ là gì. Giác ngộ không thực sự khác biệt so với thức tỉnh, nhưng nó là thức tỉnh đã chín muồi. Cũng tựa như chúng ta lớn lên từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành, rồi già, và ai biết sau đó là gì nữa. Kinh nghiệm trưởng thành và biểu hiện thức tỉnh hơi khó diễn đạt, nhưng dù sao cũng cần phải mô tả ra. Ít nhất, là một người thầy, tôi cố gắng làm việc đó; tôi cố gắng diễn tả nó theo cách đỡ sai lệch nhất.
Càng dấn sâu vào trải nghiệm trực tiếp sự sống bất sinh, bất diệt, tự nhiên tự tại vốn là bản chất của chúng ta, chúng ta càng bắt đầu tiến tới nhận thức thực sự về bất nhị. Bất nhị với tôi nghĩa là sống vượt lên cả tương đối và tuyệt đối. Theo một nghĩa nào đó, trải nghiệm của chúng ta mở ra, thậm chí vượt ra ngoài nhận thức về hợp nhất, vượt qua cả trải nghiệm về nhất thể. Chúng ta nhận ra cốt lõi của mình, bản chất của chúng ta, là một cái gì đó tựa như tiềm năng thuần khiết. Chúng ta nhận ra mình là tiềm năng thuần khiết, trước khi nó trở thành bất cứ cái gì – trước khi nó trở thành Tạo Hóa, trước khi nó biến thành muôn hình vạn trạng, thành cái này hay cái khác.
Thức tỉnh chín muồi chính là quay trở lại, sâu xa đến bản chất của chúng ta, đến cái bản thể giản dị nguyên sơ nhất của chúng ta, vượt ra ngoài vòng sinh tử luân hồi. Nó là cái hiện diện trước khi tồn tại, vượt lên cả tồn tại lẫn không tồn tại. Đó là nơi tan biến, như nó đã từng, nơi tâm trí của chúng ta không còn bám chấp vào bất kỳ trải nghiệm ở cấp độ nào. Tâm trí chúng ta không bám vào bất kỳ biểu hiện cụ thể nào nữa. Xu hướng bám chấp đã được giải phóng.
Đây không phải là một trạng thái thần bí. Cũng không phải là trạng thái vô hạn hay đặc biệt. Đây là một trạng thái tự nhiên và dễ dàng. Ở mức độ trải nghiệm của con người, nó là một sự thoải mái, tự nhiên, đơn giản mà rất sâu.
Ở một mức độ khác, nó là một nhận thức không thể phủ nhận rằng dù hành trình đã qua là gì thì dường như đã tới đích.
Như một thiền sư già từng nói, tựa như việc đã xong, tốt đẹp. Vào cuối ngày, bạn chỉ việc về nhà. Đến một thời điểm nhất định trong đời sống tâm linh của ta, dường như mọi thứ tự nhiên buông bỏ hết. Điều này khó hiểu nếu nó chưa thực sự xảy ra với bạn. Buông bỏ cả tâm linh. Buông bỏ tự do. Chúng ta cần được giải thoát khỏi mong cầu tự do, cần được giác ngộ khỏi mong cầu giác ngộ của chúng ta.
Đến một lúc nào đó, điều này bắt đầu xảy ra tự nhiên và tự phát. Chúng ta thậm chí mất luôn cái mà tôi gọi là thế giới tâm linh, bởi vì toàn bộ ý tưởng về tâm linh cũng là huyễn ảo. Có lẽ đó là một ảo tưởng cần thiết cho đến một thời điểm nhất định, nhưng nó vẫn là ảo tưởng. Đến một thời điểm nhất định, mọi ảo tưởng đều tan rã và biến mất. Điều đó không có nghĩa là chúng không có ích gì. Nó đơn giản là chúng ta thấy mọi thứ thấu suốt. Chúng ta thấy rằng, như Đức Phật đã nói, mọi thứ đều là phù du. Mọi thứ đều thoáng qua; mọi thứ bản chất đều là mộng ảo. Chúng ta nhận ra rằng ngay cả những nhận thức vĩ đại nhất của chúng ta, những khoảnh khắc “À ra thế” vĩ đại nhất của chúng ta, thực ra chỉ là giấc mơ trong vòng luân hồi vĩnh cửu. Gần như chúng nhận ra rằng, thậm chí sự thức tỉnh tuyệt vời của mình cũng chỉ là một giấc mơ khác, chưa từng có thật. Và cho dù như vậy, lại có một ý thức về thực tại tỏa sáng; một tồn tại hiện diện rực rỡ xuyên suốt qua tất cả.
Trạng thái đơn giản và tự nhiên này, như tôi đã nói, rất khó mô tả. Mô tả ra rất nguy hiểm vì có thể biến nó thành một hình ảnh khác, một mục đích khác. Nhưng sớm hay muộn, trạng thái tồn tại hoàn toàn tự nhiên này như bình minh sẽ đến. Khi xảy ra, nó giống như ta đã “vượt lên”. Một câu kinh Phật mô tả nó là “Vượt qua, vượt qua, qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua”1. Thức tỉnh đưa chúng ta vượt lên mọi thứ. Nó đưa chúng ta vượt lên thậm chí cả sự thức tỉnh, chưa kể các hình thức tâm linh hay tôn giáo khác nhau hoặc bất cứ điều gì giúp đẩy ý thức vượt khỏi những bám chấp và đánh đồng bản ngã với hình thức.
1. Đây là trích câu kinh Bát Nhã “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế”.
Chúng ta có thể phỏng đoán rằng khi ý thức vượt lên đủ xa, thoát khỏi lực hút về trạng thái mê thì con người này sẽ không bao giờ trở lại nữa. Bạn gần như có thể tưởng tượng ra người đó biến mất trong mây mù siêu việt. Nhưng nó không kết thúc như vậy đâu. Khi có một sự buông bỏ toàn diện, dâng hiến trọn vẹn cho sự thật và thành thật tuyệt đối thì chúng ta thấy rằng chính điều mà chúng ta đã buông bỏ – giấc mơ nhị nguyên, con người mà ta từng tưởng là mình, cuộc sống mà ta tưởng là thực – lại kêu gọi chúng ta theo một cách mới. Chúng ta thấy mình trở lại cuộc sống của mình một cách giản dị và bình thường. Chúng ta phải rời khỏi đó để có thể trở lại lần nữa. Như Chúa Jesus đã nói, chúng ta phải “ở trong thế gian, nhưng không phải của thế gian”, có nghĩa là sống trong thế giới này nhưng không bị thế giới trói buộc. Chúng ta sẵn sàng tái sinh trong thân thể này, nhưng là một hóa thân có ý thức và tự nguyện.
Một khi vượt qua được ranh giới này, thực sự đi qua giấc mơ đời sống này, thì chúng ta có thể thực sự trú ngụ trong hình thức – trong cơ thể chúng ta hay trong hình thức của chính cuộc sống. Ý thức không còn quay lại nhận dạng cái tôi nữa. Hành trình thức tỉnh không chỉ là hành trình bừng tỉnh, giải thoát khỏi cái tôi, và nhận ra cuộc sống mà mình từng biết chỉ là một giấc mơ. Nó cũng là sự trở lại, quay về từ đỉnh núi mà nó đã tới. Chừng nào chúng ta còn ở lại đỉnh cao thức tỉnh, ở nơi tuyệt đối siêu việt, nơi chúng ta vĩnh viễn vô ưu, bất sinh bất diệt, thì nhận thức của chúng ta còn chưa trọn vẹn.
Thật ngạc nhiên khi trở lại, cuộc sống trở nên rất đơn giản và bình thường. Chúng ta không còn cảm thấy thôi thúc muốn có những khoảnh khắc phi thường, những trải nghiệm siêu việt nữa. Ngồi vào bàn vào buổi sáng, uống một tách trà là hoàn toàn đầy đủ. Uống tách trà cũng cảm thấy như một trải nghiệm trọn vẹn về thực tại cuối cùng. Bản thân cái chén là biểu hiện đầy đủ mọi thứ chúng ta nhận thức. Đi xuống hành lang, mỗi bước đều là biểu hiện trọn vẹn của nhận thức sâu nhất. Nuôi dưỡng gia đình, trông trẻ, làm việc, đi nghỉ – tất cả đều là biểu hiện thực sự của điều không thể diễn tả được.
Theo một nghĩa nào đó, giác ngộ đang chết đi trong đời thường, hoặc trong một sự bình thường phi thường. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng bình thường là phi thường. Tựa như bắt gặp một bí mật ẩn giấu – rằng tất cả chúng ta đã ở trong miền đất hứa, ở thiên đàng. Ngay từ thuở ban đầu, chỉ có Niết bàn, như Đức Phật đã nói. Nhưng chúng ta đã hiểu nhầm mọi thứ. Vì tin vào những hình ảnh trong tâm trí, vì đắm chìm trong sợ hãi, do dự, nghi ngờ, chúng ta đã hiểu lầm nơi mình đang ở. Chúng ta không nhận ra mình đang ở thiên đường; không nhận ra mình đang ở miền đất hứa. Không nhận ra rằng Niết bàn là đây, ngay bây giờ, chính là nơi chúng ta đang có mặt.
Loại quan điểm này, nhận thức này, không có ý nghĩa đối với tâm trí thông thường. Tâm trí thông thường sẽ bảo: “Chà, nghe thì tuyệt vời đấy, nhưng vẫn còn bao người đói; trẻ con đói. Còn lạm dụng, bạo lực, căm ghét, ngu dốt và tham lam”. Chắc chắn là có trải nghiệm về tất cả những điều đó, không thể phủ nhận nó. Nhưng đồng thời chúng ta thấy rằng tất cả những thứ này là sản phẩm của tâm trí con người đang mê. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua hoặc tránh né nó; hoàn toàn ngược lại. Cái chúng ta thấy là sự hoàn hảo tiềm ẩn dưới bề mặt cuộc sống. Chính từ nền tảng nhìn thấy, trải nghiệm và hiểu đúng về sự hoàn hảo tiềm ẩn của cuộc sống mà chúng ta được vận động bởi một sức mạnh hoàn toàn khác. Chúng ta không còn bị xô đẩy hoặc lôi kéo; chúng ta không còn cảm thấy mình cần phải đạt được cái gì. Chúng ta không còn cảm thấy mình có nhu cầu được biết đến, được công nhận, xác nhận, yêu hay ghét, thích hay không thích. Đây chỉ là những trạng thái ý thức trong tâm trí mê. Một khi chúng ta hóa giải được tất cả những thứ đối lập đó và chúng hòa hợp trong ta thì có một động cơ khác cho chúng ta trong cuộc sống. Đó là một thứ cực kỳ đơn giản. Cái sức mạnh, thứ năng lượng vận hành chúng ta đồng thời lại chính là bản chất của cuộc sống chúng ta, bản thân chúng ta.
Năng lượng này không thể phân chia. Nó vĩnh viễn hoàn toàn vượt thoát, đồng thời lại vĩnh viễn hoàn toàn ở đây, ngay bây giờ, ngay lúc này. Không bao giờ mong cầu đến một khoảnh khắc nào khác, tốt hơn. Khi nhìn thấy khoảnh khắc này đúng như bản chất thực sự của nó, chúng ta thấy một điều gì đó phi thường. Chúng ta không cảm thấy nhu cầu biến khoảnh khắc này thành bất cứ điều gì khác, bởi vì nó vốn dĩ phi thường rồi. Khi nhận thức được điều này, chúng ta đã hàn gắn được sự chia rẽ giả tưởng bên trong mình, và chúng ta bắt đầu hàn gắn sự chia rẽ giả tưởng trong ý thức lớn lao hơn về nhân loại.
Đóng góp vĩ đại nhất của chúng ta với nhân loại là sự thức tỉnh của chúng ta. Có nghĩa là ra khỏi trạng thái ý thức mà đa số nhân loại đang ở, khám phá ra sự thật về cuộc sống của chúng ta, cũng là sự thật của mọi sinh linh. Làm được điều này, chúng ta trở lại như một món quà, như mới sinh ra. Chúng ta, theo một nghĩa nào đó, đã tái sinh. Trong Kitô giáo, có câu chuyện Chúa Jesus tái sinh. Nó không chỉ là chứng ngộ, mà là lột xác – một sự tái sinh gây chấn động và ảnh hưởng đáng kinh ngạc. Đôi khi, chúng ta cứ cố gắng giúp đỡ ở phần bên ngoài mà quên mất rằng điều lớn lao nhất mình có thể đóng góp chính là sự thức tỉnh của mình. Như thế không có nghĩa là chúng ta né tránh những việc mình có thể làm ở bên ngoài, như giúp đỡ, chăm sóc người nghèo đói, bệnh tật. Những việc này không phải vô ích, không cần nữa. Nhưng cuối cùng, chúng ta nhận ra là đóng góp lớn lao nhất của mình là chữa lành sự chia rẽ giả tưởng trong bản thân. Đó là món quà tột cùng chúng ta có thể tặng cho nhân loại; là điều sẽ thay đổi nhân loại. Nhân loại sẽ không thay đổi ngay cả nếu chúng ta tìm ra một hệ thống chính quyền khác. Nhân loại không thay đổi vì cái gì đó áp đặt từ bên ngoài, vì những ý tưởng cao quý hay hệ thống lớn lao. Sự biến đổi thực sự luôn đến từ bên trong. Nó xuất phát từ sự thức tỉnh. Chúng ta đi tới chỗ thấy rằng thế giới bên ngoài chỉ là biểu hiện của nội tâm. Cái bộc lộ ra không gì khác hơn chỉ là sự thể hiện của cái chưa được bộc lộ.
Nếu nhân loại tiếp tục sống trong ý thức chia rẽ, cho dù bên ngoài có thay đổi gì đi nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thể hiện sự chia rẽ. Nhưng nếu mỗi chúng ta đến được trạng thái hợp nhất, đơn giản, tự nhiên, thì đã là một đóng góp cho tất cả chúng sinh mà không cần cố gắng, không tính công lao và thậm chí không để ý. Khi đạt tới ý thức không chia rẽ, bạn trở thành một phần của biểu hiện nhất thể. Bạn sẽ hiểu ra rằng giác ngộ vô cùng tuyệt vời, sâu sắc nhưng cũng rất đơn giản.
Định nghĩa tuyệt vời nhất về giác ngộ chỉ đơn giản là trạng thái tồn tại tự nhiên. Chúng ta đã bị nhồi sọ ý nghĩ rằng nhận thức chia rẽ, sợ hãi và mâu thuẫn mới thực sự là trạng thái tự nhiên của nhân loại. Nhưng ở một góc độ khác, khi trở nên ý thức hơn, chúng ta thấy rằng trạng thái chia rẽ này không phải là bản chất tự nhiên. Như tôi đã nói, phải mất một lượng năng lượng to lớn để duy trì ảo tưởng chia rẽ bởi vì nó không phải là trạng thái tự nhiên. Thực tế này rõ ràng, bởi vì cảm giác chia rẽ không tự nhiên. Bạn có thể thấy nó phổ biến, bình thường, hiện diện khắp xung quanh, nhưng khi cảm nhận xung đột tương tự bên trong, bạn nhận ra nó không tự nhiên. Nó có cảm giác chia rẽ, mâu thuẫn.
Vì thế, trạng thái ý thức mà đại đa số nhân loại đang ở không phải là bản chất tự nhiên. Nó đã bị biến đổi. Chúng ta không cần phải đi tìm trạng thái đã bị biến đổi của ý thức; nhân loại đã ở trong trạng thái ý thức bị biến đổi này, tên nó là chia rẽ. Chia rẽ là trạng thái bị biến đổi đến cùng của ý thức.
Trái với hiểu lầm phổ biến, giác ngộ không liên quan gì đến trạng thái ý thức bị biến đổi. Giác ngộ là trạng thái ý thức không thay đổi. Đó là ý thức thuần túy, thực sự nguyên thủy, trước khi bị biến thành một cái gì đó, trước khi bị thay đổi theo bất kỳ cách nào.
Thiên đường là trạng thái tự nhiên của tồn tại. Niết bàn không phải là cái đích mà chúng ta đeo đẳng; không phải là cái mà chúng ta phải cố gắng đạt tới hoặc áp đặt lên bản thân. Niết bàn chỉ có thể khám phá qua nhận thức bản chất hoàn toàn tự nhiên và tự phát của tồn tại. Niết bàn chỉ có thể được trải nghiệm nhờ nhận ra chúng ta là ai, bản chất chúng ta là gì khi đơn giản sống một cách có ý thức.
Đây là lời hứa thức tỉnh. Nó không chỉ là lời hứa cá nhân cho một người, mà còn là một lời hứa cho chính ý thức, và cho tất cả chúng sinh. Đó là lời hứa không chia rẽ, thống nhất, và thế giới có thể vực dậy từ đó. Không ai trong chúng ta biết được kiểu thế giới nào có thể nảy sinh nếu toàn thể nhân loại bước vào trạng thái ý thức không chia rẽ. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một thế giới như vậy, nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới đó chưa được biết đến. Có lẽ chưa có hình ảnh nào về thế giới ấy được tạo ra. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thế giới ấy như thế nào một khi nó được hiện thực hóa. Nhưng trạng thái thức tỉnh đơn giản và tự nhiên, cho phép chúng ta đúng nghĩa là tan biến trong sự đơn giản tuyệt đối, chúng ta không nên xem nó là một cái gì lớn lao. Nó vốn tự nhiên. Nó không tốt hơn hay cao quý hơn bất cứ điều gì hay bất cứ ai. Nó chỉ đơn giản là trạng thái tự nhiên của tồn tại. Nó hoàn toàn dân chủ. Mọi người đều có thể có nó.