Chương 13Phỏng vấn với Adyashanti
Những lời giảng trong Sự thực về giác ngộ được ghi âm tại San Jose, California trong ba ngày tháng 8 năm 2007. Khi Adya thuyết trình xong, bà Tami Simon, nhà xuất bản Sounds True, đã có dịp phỏng vấn ông và đặt câu hỏi liên quan đến những bài giảng này. Cuộc đàm thoại được ghi lại dưới đây.
TAMI SIMON (TS): Hãy quay lại với ẩn dụ của thầy khi ví thức tỉnh với tên lửa vượt khỏi trường trọng lực. Làm sao người ta biết được tên lửa của mình đã thực sự vượt thoát lên? Tôi có thể hình dung một số người bị ảo tưởng về điều này. Có thể họ đã đọc rất nhiều sách về thức tỉnh tâm linh, thế rồi họ thực hiện cú nhảy vọt trong tâm trí rằng mình đã thức tỉnh, nhưng có lẽ trên thực tế, họ chỉ đơn giản là nhảy tưng trên mặt đất thôi. Làm thế nào để chúng tôi biết chắc chắn rằng mình đã vượt thoát được?
ADYASHANTI (ADYA):Câu hỏi này không dễ trả lời. Cách duy nhất tôi có thể trả lời là nhắc lại bản chất của thức tỉnh là gì.
Khoảnh khắc thức tỉnh rất giống với khi bạn tỉnh dậy từ giấc mơ trong đêm. Bạn cảm thấy mình bừng tỉnh khỏi một thế giới, bước sang thế giới khác, từ bối cảnh này đến một bối cảnh hoàn toàn khác. Ở cấp độ cảm xúc, đó là cảm giác thức tỉnh. Toàn bộ cái tôi cá nhân mà bạn từng nghĩ là thật – và thậm chí cả thế giới mà bạn từng cho là khách quan – tất cả đột nhiên đều có vẻ không thật như bạn tưởng.
Tôi không nói nó là một giấc mơ hay không; tôi nói rằng nó gần giống một giấc mơ. Khi thức tỉnh, có trải nghiệm là cuộc sống tựa như một giấc mơ đang diễn ra bên trong bạn – trong khoảng không bao la, vô hạn. Nhưng thức tỉnh không phải là trải nghiệm không gian vô tận hoặc cảm giác bao la, rộng mở, hạnh phúc hay bất cứ điều gì. Những cảm xúc này có thể đi kèm với thức tỉnh, song chúng không phải là bản thân sự thức tỉnh. Khác với các thứ đi kèm với nó, thức tỉnh là thay đổi quan điểm. Ta nhìn ra mọi thứ mình từng nghĩ là thật giờ không thật chút nào; tựa như một giấc mơ đang diễn ra trong không gian trống không vô tận. Chỉ có không gian trống không vô tận mới thực sự có thật. Cũng theo cách đó, khi bạn nằm mơ trong đêm, giấc mơ của bạn không thực; đó là tâm trí bạn mơ giấc mơ của bạn, nó là thực – nói một cách tương đối.
TS: Khi kể chuyện đời mình, thầy nói rằng chiếc tên lửa cuộc sống của thầy đã vượt thoát vào một thời điểm cụ thể – khi thầy 25 tuổi. Thầy có nghĩ rằng, với một số người khác, tên lửa của họ có thể mất đến vài năm để vượt thoát – tức là không có thời điểm cụ thể nào xảy ra, mà thay vào đó, nó giống như một quá trình dần dần cho thấy tên lửa của họ không còn trên Trái đất nữa?
ADYA: Tôi cũng đã thấy chuyện này. Tôi đã gặp những người mà với họ, khi nhìn lại, sự thức tỉnh đã xảy ra như thể lén tới lúc nào không biết. Quá trình biến đổi có thể không được đánh dấu bởi những thời điểm đặc biệt, rõ ràng. Nó tựa như họ lén ra khỏi giấc mơ hoặc lẻn vào không gian bên ngoài, và rồi đến một thời điểm họ nhận ra “Ồ, điều đó đã xảy ra khi nào nhỉ?”. Họ không thể thực sự chỉ ra thời điểm cụ thể nào đã có sự thay đổi, nhưng đến lúc nào đó, họ nhận ra có một thay đổi thực sự, toàn diện đã xảy ra. Như thế, sự thức tỉnh có thể âm thầm tới với bạn; nó cũng có thể xảy ra theo cách đó.
TS: Vẫn biết rằng đây chỉ là ẩn dụ, nhưng liệu có thể nói rằng tên lửa đó đòi hỏi một loại nhiên liệu nhất định, và nếu thế thì đấy là loại nhiên liệu nào?
ADYA: Tôi ước gì tôi có thể nói đấy là nhiên liệu gì. Tôi không biết thực ra có thể nói nhiên liệu ấy là gì hay không, bởi vì nó không chỉ giới hạn ở cá nhân. Sự thức tỉnh không chỉ xảy ra với những người thực sự mong muốn nó. Nó cũng không chỉ xảy ra đối với những người tha thiết tìm kiếm nó. Nó xảy ra cả với một số người hoàn toàn chẳng biết vì sao. Tôi đã gặp những người thức tỉnh mà không hề theo con đường tâm linh. Trên thực tế, tôi đã gặp những người chối bỏ tâm linh, và rồi bùm – không biết từ đâu – sự thức tỉnh ập đến với họ. Chúng ta không thể gọi những người như thế là thành tâm, cũng không thể nói rằng họ đang tìm kiếm chứng ngộ tâm linh hay thậm chí có khao khát rõ ràng về điều đó. Tất nhiên, đa số những người trải nghiệm sự thức tỉnh đều có năng lượng nhất định, có khao khát để thức tỉnh đến một nhận thức sâu sắc hơn về thực tại. Đó là sự thật, nhưng vấn đề là, bất cứ lúc nào chúng ta nói “điều này” hoặc “điều kia” là cần thiết thì sẽ luôn có những ví dụ ngược lại. Sự thức tỉnh là một điều huyền bí. Thực sự không có nguyên nhân và hiệu quả trực tiếp. Giá mà có thì tốt, nhưng thực sự là không có nguyên nhân và hiệu quả trực tiếp.
TS: Thầy đã dùng hình ảnh tên lửa để ẩn dụ về thức tỉnh tạm thời so với thức tỉnh vĩnh viễn, với ý rằng thức tỉnh vĩnh viễn có nghĩa là ở ngoài trường hấp dẫn của trạng thái mê, ở ngoài các khuynh hướng thể hiện quen thuộc của cái tôi cá nhân. Thầy có đang ở ngoài trường hấp dẫn đó không?
ADYA: Tôi thường rất ngại trả lời câu hỏi như vậy, nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời. Tôi cảm thấy mình khó có thể nói “Vâng, tôi nằm ngoài trường hấp dẫn đó”. Thực sự nó không hẳn như thế. Chỗ này không dùng ẩn dụ được. Mọi ẩn dụ loại này, mọi cách giải thích đều chỉ là ẩn dụ và có những hạn chế nhất định.
Xin nói rằng trải nghiệm của tôi là tôi không còn tin vào ý nghĩ tiếp theo mà mình có. Tôi không thể thực sự tin vào một ý nghĩ nảy sinh. Tôi không kiểm soát được những ý nghĩ gì xuất hiện, nhưng tôi cũng không còn tin được rằng ý nghĩ đó là thật, là đúng hay có ý nghĩa. Và bởi vì không có ý nghĩ nào có thể được hiểu là thật, là đúng, hoặc có ý nghĩa, nên chính điều này có một tác động thực tế; đó là trải nghiệm về tự do.
Nếu ai đó muốn gọi đó là “vượt khỏi trường hấp dẫn của trạng thái mê”, cũng được, nhưng tôi luôn rất ngại tuyên bố một điều gì. Tôi luôn nhắc nhở mọi người đang nghe tôi rằng, tất cả mọi thứ tôi biết là chuyện hiện tại. Tôi không biết ngày mai thì thế nào. Ngày mai có thể một ý nghĩ đến, tóm được tôi, bám dính lấy tôi, kéo tôi vào chia rẽ và ảo tưởng.
Tôi không biết – có thể là thế; có thể không. Tôi không sao biết được điều đó. Tất cả những gì tôi biết là ngay bây giờ.
Đó là lý do tại sao tôi không muốn nói “Ô, vâng, tôi đã đạt tới một mục tiêu hay hoàn thành chặng đường nhất định”, bởi vì tôi không nhìn theo cách đó. Khi tôi thuyết giảng, nghe có vẻ như thế nhưng đó là giới hạn của lời nói. Tôi chỉ thực sự biết là tôi không biết. Tôi chỉ thực sự biết là không có gì đảm bảo. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, hay khoảnh khắc tiếp theo, liệu tôi có bị sa vào ảo tưởng ngay từ bây giờ không. Tôi chỉ biết là tôi không bao giờ có thể biết điều đó.
TS: Thôi được, cứ cho là thầy không biết điều gì có thể xảy ra khi xuất hiện một ý nghĩ bám dính, nhưng nhìn lại thì lần cuối cùng thầy có một ý nghĩ bám dính là khi nào?
ADYA: Phải nói rõ rằng, tôi không nói là mình không thể có ý nghĩ bám dính hay trải nghiệm bám chấp. Ý nghĩ có thể đến, nhất thời tóm lấy tôi, gây ra một trải nghiệm tạm thời về sự chia rẽ nhất định. Tôi không nói rằng nó không thể hoặc không xảy ra. Tôi chỉ nói là khi nó xảy ra, khoảng cách giữa ý nghĩ đó diễn ra và nhìn xuyên qua nó là rất nhỏ. Tôi không biết liệu có tồn tại một trạng thái mà những suy nghĩ “bám dính” hay những khoảnh khắc bị bám chấp như thế không bao giờ xuất hiện trong tâm thức con người. Với tôi thì có vẻ như còn mang cơ thể và tâm trí con người thì còn có lúc phải nếm qua những trải nghiệm loại đó. Khác biệt là đến một lúc nào đó, khoảng cách giữa lúc ý nghĩ bám dính phát sinh và lúc nó biến mất trở nên ngắn đến mức nó xuất hiện và biến mất gần như đồng thời.
Do đó, tôi không nói rằng mình đang ở trạng thái mà những ý nghĩ bám dính không bao giờ phát sinh. Chỉ là khoảng cách quá nhỏ đến nỗi, ở mức độ nhất định, bạn gần như không thể thấy khoảng cách. Tôi nghĩ rằng có những ý tưởng hình dung giác ngộ là tới nơi không bao giờ có gì khó chịu xảy ra, nơi tuyệt không có ảo tưởng nào đi qua ý thức của bạn – chính những ý tưởng đó mới là ảo tưởng; chắc chắn giác ngộ không như vậy đâu.
Ngoài ra, chuyện đó không quan trọng. Khi khoảng cách ấy ngắn đến mức có thể rất nhanh chóng nhìn thấu qua nó thì bỗng nhiên nó cũng trở thành một phần của tự do. Chúng ta nhận ra rằng có ý nghĩ cũng không sao, bởi vì ta không bị mắc kẹt lâu. Đó thực sự là một phần của tự do. Tôi nghĩ đa số rao bán giác ngộ như một thứ gì khác, không phải là nó. Tôi hiểu rằng mọi người có thể nghe điều tôi nói và tưởng tượng ra thức tỉnh vĩnh viễn là gì. Nhưng tôi không định miêu tả điều đó. Nó giống như khoảng cách giữa tư duy chia rẽ và việc gần như không còn tin vào ý nghĩ nữa.
TS: Tôi tò mò liệu những tình huống nào là rắc rối và khó khăn với thầy. Trong những lần chúng ta trò chuyện, thầy đã chia sẻ với tôi rằng thầy có thể cảm thấy bực với cái máy tính của mình, chẳng hạn như khi kết nối Internet hoặc máy in của thầy bị trục trặc. Thầy làm gì vào những lúc đó? Thầy có làm gì để xóa khoảng cách đời thường đó, hay nó sẽ tự động hết?
ADYA: Chà, thường là sự bực bội cứ diễn ra, và nó được cảm nhận. Tôi trải nghiệm nó, nhưng không có ý nghĩ đánh giá nó. Chìa khóa thực sự là ở đó. Tôi không nói là phải lờ nó đi hoặc không chú ý đến nó, chỉ là không có ý nghĩ đánh giá. Nói chung là, nó đến, trải nghiệm nó, không suy nghĩ đánh giá nó, và rồi nó đi. Không coi nó là đáng kể.
Không có ý nghĩ tiếp theo kiểu “Ồ, mình không nên bực bội” hoặc “Tại sao mình lại bực bội?”, hay bất cứ điều gì có thể xảy ra. Các ý nghĩ có vào cuộc, bởi vì đó là những suy nghĩ gây ra bực bội, nhưng ta thấy chúng là không thật. Việc nhìn thấy ý nghĩ không thật làm tiêu tan cơn bực bội. Như trước đây thì quá trình này sẽ kéo dài hơn. Cuộc truy vấn sẽ căng hơn, kiên trì hơn, và tôi thực sự xem xét mọi vấn đề. Nhưng như tôi đã nói, khoảng cách đó đã thu hẹp lại, vì vậy mọi thứ xảy ra hầu như tự động. Theo một nghĩa nào đó, nó giống như là nhạc sĩ. Bạn cứ tập, tập nữa, tập mãi, rồi đến một lúc nào đó, nó trở nên nhập tâm đến mức xảy ra gần như vô thức.
Với tôi, việc truy vấn cũng diễn ra như thế. Đến một lúc nào đó, nó cứ tự động diễn ra, gần như không cần chú ý đến nữa.
TS: Thầy thường nói những suy nghĩ và cảm xúc giống như hai mặt của cùng một đồng xu. Liệu có thể có cảm xúc mà không kèm với bất kỳ suy nghĩ nào không? Chẳng hạn những khoảnh khắc sợ hãi kinh khủng hay ngây ngất vì cái đẹp, khi nước mắt tự trào ra? Vào những khoảnh khắc như thế, chẳng phải là ta không thực sự suy nghĩ gì cả mà chỉ có cảm xúc dâng trào? Hay thầy tin rằng chúng ta đang suy nghĩ nhưng có lẽ ở mức độ tinh tế, cao siêu?
ADYA: Có thứ tôi gọi là cảm giác hay cảm xúc thuần túy, bất kỳ ai đã trải qua một khoảnh khắc tuyệt vời trước cái đẹp hay sợ hãi kinh hoàng đều biết nó. Có những nhận thức thuần túy qua cảm giác, cảm xúc nảy sinh mà không do ý nghĩ tạo ra. Có chuyện đó. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng đại đa số cảm xúc mà hầu hết mọi người trải nghiệm đều là phản chiếu của quá trình tư duy; chúng là những suy nghĩ biến thành cảm xúc.
Nhưng có những cảm xúc hoặc cảm giác thuần túy vượt khỏi quá trình tư duy. Chúng là cách mà cơ thể chúng ta, cái dụng cụ cảm nhận đẹp đẽ của chúng ta, tương tác với môi trường, và đó là một tương tác thuần khiết; không phải tương tác ảo.
TS: Mọi suy nghĩ đều là ảo ư?
ADYA: Mọi suy nghĩ đều ảo, chắc chắn thế.
TS:Nhưng nếu có những cảm giác không bắt nguồn từ suy nghĩ, thì có lẽ có những trải nghiệm từ trong ruột cũng không bắt nguồn từ suy nghĩ?
ADYA: Từ ruột chỉ là một cách khác mà chúng ta cảm nhận thế giới. Bạn thường nghe mọi người nói “Tôi có cảm giác từ trong lòng”. Cảm nhận từ trong ruột là một loại khả năng trực giác; nó là một cách hiểu biết bản năng. Chúng ta cảm thấy gì đó từ chỗ này trong cơ thể: ruột là một cơ quan trực giác. Tất nhiên, chúng ta có thể cảm nhận được bản sao của tâm trí – những ý nghĩ sợ hãi, giận dữ, mâu thuẫn, co cụm – nhưng ruột cũng phản ứng như một cơ quan cảm giác thuần túy trước những gì đang diễn ra.
Khi suy nghĩ không bó buộc con người thật của ta thì mọi người có trải nghiệm trực giác kiểu này. Giả sử bạn đi tới tận vách đá cheo leo. Nhìn xuống, bạn thấy một không gian bao la. Có lẽ sợ hãi khi nhìn xuống, nhưng nếu nhạy cảm, bạn có thể nhận ra một phản ứng khác, đó là ý thức của bạn thực sự có thể tràn vào không gian rộng mở đó. Khi nhìn vào khoảng không bao la, chúng ta thường hít vào, đúng không? Khi hít vào, chúng ta cảm thấy tâm thức mình mở ra với môi trường đó. Chúng ta thở vào phổi, vào trung tâm tim, vào sâu trong lòng mình. Cả con người chúng ta, cơ thể chúng ta hòa hợp với môi trường. Khi phổi mở ra “Aaa” cùng với ý thức mở rộng, trái tim cũng mở ra – điều này không xảy ra vì chúng ta đang suy nghĩ. Nó xảy ra vì ý thức đang tương tác với môi trường. Đây là cái mà tôi gọi là cảm giác hay cảm xúc thuần khiết. Và đúng, nó cũng xảy ra qua cảm giác ở ruột. Nó cực kỳ mạnh mẽ và rất, rất đẹp.
Đó là chính xác là trải nghiệm mật thiết. Sự sống của chúng ta đang trải nghiệm chính nó một cách mật thiết lạ thường. Bàn luận chuyện này không có gì sai, nhưng ngay khi ta nói điều gì – ngay khi ta quay sang với bạn mình – thì có gì đó đã thay đổi. Đối với hầu hết mọi người, trải nghiệm đó diễn ra trong nửa giây, rồi họ quay lại với ai đó và nói: “Đẹp đấy nhỉ?”. Nói thế không có gì sai. Đôi khi tôi cũng nói với người khác. Nhưng chính thời điểm đó, nếu nhạy cảm, bạn sẽ nhận thấy toàn bộ môi trường nội tâm mình bắt đầu thay đổi, và bạn bắt đầu trải nghiệm điều mình vừa nói. Thế rồi bạn đang chuyển sang một trải nghiệm ảo. Nó hơi khác với khi sợ hãi, toàn bộ cơ thể cùng tham gia vào nhận thức.
TS: Người ta có thể trải nghiệm cảm giác thuần khiết khi sợ hãi, choáng ngợp trước thiên nhiên, nhưng liệu một cảm xúc như giận dữ có thể là cảm giác thuần khiết không? Theo thầy, có thể có cảm giác tức giận mà không bắt nguồn từ ý nghĩ không?
ADYA: Tất nhiên, tất nhiên. Ý tưởng cho rằng giác ngộ là người mặt lúc nào cũng mỉm cười ngây ngô, viên mãn, chỉ là ảo tưởng thôi. Tôi muốn phản biện lại ý tưởng đó với hình dung chúng ta đang ở trong một nhà thờ hiện đại, và có ai đó bước vào từ cửa sau, bừng bừng giận dữ như Chúa Jesus ngày xưa, đuổi những người đổi tiền, hét vang lên: “Sao các người dám làm ô uế nhà Cha ta!”1. Ý tôi là, Chúa Jesus đã nổi giận một cách thiêng liêng, đúng không? Ngài giận dữ. Ngài không che giấu nó. Ngài đã thực sự giận dữ. Và Ngài đã bày tỏ sự giận dữ của mình.
1. Trong kinh Tân Ước, Chúa Jesus và các môn đồ đến Jerusalem để dự lễ Vượt Qua. Tại đây, Chúa đã trục xuất các thương gia và những người đổi tiền khỏi đền thờ, buộc tội họ buôn bán, biến đền thờ thành “hang ổ của bọn trộm”. Chúa Jesus gọi đền thờ là “Nhà của Cha ta”, đây được xem như tuyên bố Chúa Jesus là con của Chúa Trời.
Vậy người ta có thể giận dữ từ trạng thái thức tỉnh không? Tất nhiên là có. Chúng ta có mọi cảm xúc. Thức tỉnh không có nghĩa là ít cảm xúc hơn ta vốn có. Cảm xúc chỉ là một cách mà sự sống vận hành thông qua chúng ta. Có giận dữ dưới dạng chia rẽ, và có giận dữ dưới dạng không chia rẽ.
TS: Vâng, thế thì tôi làm thế nào để phân biệt được bên trong mình đang cảm thấy tức giận dưới dạng chia rẽ hay không chia rẽ?
ADYA: Nếu bạn cảm thấy thế nào thì sẽ là thế ấy.
TS: Nếu cả người tôi cảm thấy tức giận, thì đó là không chia rẽ ư?
ADYA: Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều trải nghiệm cảm giác hoàn toàn tức giận, nhưng nó vẫn cảm thấy chia rẽ, mâu thuẫn. Có một loại tức giận mà, biết nói thế nào nhỉ – rất tốt. Ví dụ, truyền thuyết Tây Tạng miêu tả cụ thể các vị ác thần với thanh kiếm lửa, tóc và mắt bốc cháy, trông rất giận dữ, hung tợn và đáng sợ, nhưng trong những mô tả đó có sự khác biệt với cảm giác giận dữ, mâu thuẫn bình thường mà bạn trải nghiệm. Điều này rất khó diễn đạt, nhưng nếu xem xét những miêu tả này, bạn sẽ thấy nó bộc lộ một loại giận dữ khác. Nó không phải là một cơn giận phá bung ra theo cách tiêu cực; mà ngược lại, nó giận dữ một cách tích cực. Có thể tôi chưa diễn đạt được rõ ràng, nhưng điều mà tôi cố gắng truyền đạt là ngay cả những trải nghiệm tức giận cũng có thể bắt nguồn từ một nơi thuần khiết.
TS: Tôi đặc biệt quan tâm tìm hiểu chủ đề này vì tôi từng trải nghiệm biên độ cảm xúc khá hẹp. Trở thành một người như bây giờ, tôi thấy mình mở ra với những trải nghiệm cảm xúc lớn lao, rộng mở, nó thực sự thú vị, phong phú và tuyệt đẹp theo nhiều cách. Khi nghe thầy dạy rằng đa số trải nghiệm cảm xúc đều là phản ánh của ý nghĩ, tôi muốn thực sự hiểu được cảm xúc nào là phản ánh, bắt nguồn từ ý nghĩ, còn cảm xúc nào là thuần khiết. Và làm sao để biết sự khác biệt?
ADYA:Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không nói rằng cảm xúc ảo là điều không nên xảy ra, là có vẻ sai trái hay thấp cấp. Ví dụ, tôi có thể nghĩ đến vợ tôi, Mukti. Tôi có thể tưởng tượng cô ấy trong tâm trí mình, và cảm thấy tình yêu dâng lên tuyệt vời đến khó tin. Tôi biết trải nghiệm cảm xúc đó là ảo. Tôi biết mình tưởng tượng ra nó trong tâm trí; tôi biết mình đúng là đang tạo ra nó trong tâm tưởng. Không vì thế mà nó sai trái. Nhưng nếu tôi đánh đồng trải nghiệm cảm xúc về tình yêu với tình yêu đích thực thì tức là tôi đang sống trong ảo tưởng, có lẽ là ảo ảnh thiên đường, nhưng vẫn chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Tôi có thể tạo ra hình ảnh đó trong tâm trí mình, và đôi khi tôi làm thế; hình ảnh của cô ấy hoặc ý nghĩ về cô ấy nổi lên trong tâm trí tôi, và trào dâng tuyệt vời trong tim. Cho nên, trước tiên cần hiểu rằng, một cảm xúc bắt nguồn từ tâm trí không nhất thiết là xấu hoặc không nên trải nghiệm.
Nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng đa số cảm xúc ta có đều bắt nguồn từ điều ta đang tự nhủ mình tại thời điểm ấy. Điều đó không khiến những cảm xúc này trở nên xấu xí hay sai trái, nó là một thực tế. Ngay cả khi nhìn vào cái gì đó rồi bình luận về nó, chúng ta có thể có phản ứng cảm xúc tích cực. Nhưng nếu xem xét cảm xúc của mình, chúng ta thường nhận ra rằng, điều mình thực sự trải nghiệm là một ý nghĩ nói với chúng ta rằng “nó đẹp” hoặc “nó xấu”.
Làm thế nào biết được một cảm xúc là cảm xúc thuần túy hay bắt nguồn từ suy nghĩ? Bạn phải xem liệu cảm xúc đó có đi kèm với một câu chuyện, một hình ảnh hay không. Nếu nó đi kèm với hình ảnh hoặc câu chuyện, thì bạn biết: “Ồ, được rồi, đấy là cái được tạo ra; thực ra mình đang trải nghiệm những suy nghĩ trong tâm trí mình”. Tốt thôi, làm thế cũng không sao. Chỉ là chúng ta có thể bị sa vào huyễn ảo nếu nhận thức thực tại từ chỗ đó.
TS: Còn nhận thức thuần túy ở cấp độ tâm trí thì sao? Có hay không trải nghiệm về “tâm trí thức tỉnh”, trong đó tâm trí không chỉ là nơi tạo các ý nghĩ, các thứ trừu tượng mà còn là một cơ quan nhận thức thuần túy?
ADYA: Ở cấp độ tâm trí, có nhận thức thuần túy về vĩnh hằng, hay cái mà các Phật tử gọi là tính Không – nhận thức về sự bao la, rộng lớn không cùng. Nó được nhận thức không phải qua tâm trí theo nghĩa tư duy, mà chúng ta có thể nói rằng qua vùng trí tuệ, cái phần của cơ thể, nơi chúng ta hòa mình vào bao la vô tận của vĩnh hằng, vào ánh sáng tinh khiết, gần như lóa mắt của hiện hữu. Điều này được nhìn thấy ở cấp độ tâm trí chứ không phải tư duy.
Nhận thức theo con đường này là một khả năng khác hẳn với tư duy đơn thuần; tâm trí ở đây là một công cụ để cảm nhận sự vĩnh hằng.
TS: Thầy từng nói rằng tất cả các con đường tâm linh cuối cùng đều đưa chúng ta đến trạng thái hoàn toàn chấp nhận. Nhưng nếu có những phần trong chúng ta không muốn đầu hàng, chúng ẩn kín, gần như chôn vùi trong tâm thức chúng ta thì sao? Trong ý thức, chúng ta có thể buông bỏ mọi thứ, nhưng một phần nào đó trong vô thức của chúng ta vẫn có thể bị mắc kẹt. Làm sao chúng ta có thể khiến những chỗ ẩn giấu đó lộ ra? Tôi có thể hình dung mình nghe thầy giảng về chấp nhận và nghĩ, được rồi, về cơ bản tôi hiểu. Tôi biết việc quỳ gối chấp nhận có ý nghĩa như thế nào. Tôi biết hạ mình sát đất có ý nghĩa thế nào. Nhưng còn những phần trong tôi không chịu đầu hàng thì sao? Tôi rất mơ hồ về chúng.
ADYA:Có thể bạn không làm gì được chúng. Đây là điều mà mọi người thường né tránh nhất, phải không? Xin hãy cho tôi thứ gì đó, một lời dạy, một chút hy vọng. Tất nhiên, bên trong chúng ta có những bám chấp hoàn toàn vô thức – những dạng bám chấp mà chúng ta không có đường nào tiếp cận. Có thể trong một thời gian, bạn không có cách nào tiếp cận được nó. Hết chuyện. Thế đấy.
Bạn sẽ tiếp cận được nó vào đúng thời điểm bạn cần. Chúng ta có thể không thích điều đó. Mọi người có thể không muốn nghe điều đó, nhưng hãy nhìn vào cuộc sống của chúng ta, ta đâu bảo được bản thân phải theo triết lý, lời dạy dỗ hay điều mình lựa chọn, phải không?
Ít nhất là nhìn vào đời mình, chắc chắn tôi thấy được những thời điểm tôi không có những khả năng nhất định.
Đơn giản là tôi không có. Tôi không biết mình phải làm gì để có những khả năng đó. Có những lúc, thậm chí tôi không có ai chỉ bảo cho biết cách nào để có những khả năng đó.
Thầy tôi đã bảo ban tôi một vài điều, đúng nghĩa là hàng trăm lần trong nhiều năm. Và đến mười năm sau tôi mới nghĩ: “Ồ... giờ thì mình đã hiểu. Giờ mình hiểu rồi. Bây giờ mới thấm”. Mười năm trước, tôi có định ép nó phải như thế không? Liệu tôi có thể ép buộc nó không? Dường như tôi không thể.
Có lẽ đây không phải những lời giảng về tâm linh đầy uy lực mà bạn đang tìm kiếm, nhưng mọi thứ đều có thời gian; mọi thứ đều có chỗ của nó. Bản ngã không kiểm soát được những gì đang xảy ra. Đời sống kiểm soát những gì đang xảy ra. Nhấn mạnh rằng một thứ gì đó có quyền năng chi phối chúng ta, mọi thứ cùng lúc; lặn sâu vào thế giới nội tâm, xem xét từng thứ và mọi điều chúng ta cần phải xem xét để thức tỉnh – đây là việc đi ngược với trải nghiệm của mọi người.
Mọi thứ xảy ra đều có thời điểm của nó. Chúng ta không kiểm soát được. Chúng ta không muốn nghe điều này, phải không? Tâm trí chúng ta không muốn thế. Đa số chúng ta muốn nghe những điều khẳng định ý thức chúng ta có khả năng kiểm soát. Và chúng ta triệt để gạt đi bất kỳ điều gì không thừa nhận quyền kiểm soát của ý thức chúng ta.
Tôi luôn luôn nói điều này với mọi người. Khi bạn bắt đầu chấp nhận điều bạn thấy là thật – không phải vì tôi nói thế mà qua trải nghiệm của bạn – là lúc mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Nhiều lần các học viên đến nói với tôi: “Tôi không thể làm gì được, đây là một phần cỗ máy ảo tưởng của tôi, một phần tính cách tôi”. Họ hay hỏi: “Tôi phải làm gì? Tôi nên làm gì?”. Tôi thường đáp: “Ồ, hãy quay lại nào. Bạn vừa nói với tôi rằng bạn không thể làm gì được. Có đúng thế không? Cho đến nay, có gì giúp ích được không?”. “Không, cho đến nay chẳng có gì giúp được cả”. Rồi tôi hỏi: “Bạn có biết phải làm gì không? Bạn có thấy cái gì để làm không?”. Và đôi khi họ đáp: “Không, nói thật là tôi chẳng thấy gì để làm cả”. Thế là tôi nói: “Điều gì xảy ra nếu bạn thực sự thấm thía rằng phần trải nghiệm đó đang nói với bạn là bạn không thể làm gì? Nếu bạn đón nhận điều đó thay vì cố gắng xua đuổi nó đi?”.
Thông thường, khi họ ngấm được điều này – không chỉ về mặt khái niệm, không như một lời giảng có thể quên đi, mà thực sự cho phép nó đi vào bên trong cơ thể – thì việc nhận thức được sống không phản kháng là như thế nào, sẽ bắt đầu thay đổi mọi thứ. Đôi khi chính những trải nghiệm mà chúng ta đang xua đuổi lại chứa những nhận thức thay đổi sâu xa nhất mà chúng ta cần có. Ai mà ngờ được chính nhận thức rằng “Tôi tuyệt đối không thể làm được gì” lại thay đổi hết? Chúng ta không được dạy điều đó. Chúng ta được dạy để tránh nhận thức này bằng mọi giá. Ngay cả khi đó là một phần trải nghiệm của bạn sau nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ – ngay cả khi bạn cứ trải nghiệm vẫn điều đó hết lần này lượt khác – thì bạn vẫn có thôi thúc muốn né tránh nó, không để cho nó vào, xua đuổi nó đi. Bạn hiểu ý tôi chứ?
Tất cả chúng ta đều là những con nghiện. Thật thế, tất cả chúng ta đều là những con nghiện chỉ muốn có quyền hành và tự do. Cùng là động lực như thế. Khi người nghiện rượu nhận ra rằng: “Tôi không thể làm gì” thì người đó có cơ tỉnh ra. Còn nếu người đó cứ ngồi nói: “Tôi làm được. Tôi vẫn đang kiểm soát. Tôi có thể tìm cách vượt qua chuyện này” thì sẽ chẳng có thay đổi nào xảy ra. Chạm đáy nghĩa là thôi không còn phủ nhận nữa. Tôi không thể làm gì, và thấy mình đang ở đâu. Chúng ta không cần biết rõ phải làm gì. Cái chúng ta cần là một cái gương trước mặt, để chúng ta có thể thấy điều cần thấy. Chỉ khi nào người nghiện rượu hay nghiện ma túy thấy rằng họ không thể làm gì, rằng họ không thể ngăn cơn nghiện của mình – thì đó là lúc họ bắt đầu nhìn nhận chính mình một cách rõ ràng hơn.
Bắt đầu diễn ra một sự biến đổi mà không cần xoay sở; không phải tu hành hay cần kỹ thuật gì. Đối với tôi, tâm linh là sẵn sàng để ngã đập mặt. Đó là lý do tại sao, mặc dù các học viên của tôi thường đặt tôi lên bệ cao, nghĩ rằng tôi đã tìm ra điều tuyệt vời, còn tôi thì luôn nói với họ: con đường của tôi là con đường thất bại. Mọi thứ tôi cố làm đều thất bại. Điều đó không có nghĩa là cố gắng không đóng vai trò gì quan trọng. Sự cố gắng có vai trò của nó. Nỗ lực cũng có vai trò. Cuộc đấu tranh có vai trò của nó.
Nhưng nó có ý nghĩa vì nó đã đưa tôi đến tận cùng vai trò đó. Tôi đã nhảy điệu vũ đó cho đến khi nó tắt ngấm. Nhưng tôi đã thất bại. Tôi đã thất bại cả với thiền; tôi thất bại trong việc tìm ra sự thật.
Mọi thứ tôi từng làm để thành công về tâm linh đều thất bại. Nhưng vào chính thời điểm thất bại đó, mọi thứ lại mở ra.
Chúng ta biết điều đó mà, phải không? Nó chẳng phải là kiến thức thiêng liêng gì. Hầu như ai cũng đều biết điều này; chúng ta đã trải nghiệm nó trong cuộc sống của mình. Chúng ta đã thấy những khoảnh khắc như thế. Nhưng đó không phải là điều ta muốn biết, bởi vì nó không tiện lợi gì cả.
TS: Thầy đã gợi ý cho chúng tôi tự vấn: “Mình biết chắc chắn điều gì?”. Tôi sẽ hỏi lại câu hỏi của thầy. Có điều gì thầy biết chắc chắn không?
ADYA: Chỉ một điều là tôi tồn tại; thế thôi. Một điều đó. Vì theo nhiều nghĩa, tôi là người dốt nhất quả đất. Theo nghĩa đen đấy. Mọi thứ khác, với tôi, đều ở trạng thái luôn biến đổi và không chắc chắn. Mọi thứ khác chúng ta chỉ mơ rằng chúng ta biết. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi không biết liệu chúng ta đang phát triển hay đang phân rã; tôi chẳng biết gì cả.
Nhưng có điều là tôi biết rằng mình không biết. Và có lẽ trái với điều bạn nghĩ, cái biết đó đã không làm tôi yếm thế. Tôi sẽ không nhập thất trong rặng Himalaya hay co chân trên ghế nói: “Ồ. Tôi không làm gì cả bởi vì tôi không biết gì”.
Ngược lại, có một phần đời sống vận động thông qua tôi, và tôi sống cái phần đó. Tôi hợp nhất với cái phần đời sống vận động qua tôi. Phần này luôn luôn thay đổi trong từng khoảnh khắc, nhưng tôi hợp nhất với nó. Tôi không còn tranh cãi với cuộc sống nữa – nó sẽ vận động một phần thông qua tôi, và giờ đây thay vì bị phản kháng, nó vận động với sự nhất trí của tôi.
Và dường như khi chúng ta ở trạng thái chấp thuận sâu sắc nhất, phần đời sống vận động qua chúng ta rất thỏa mãn; nó thực sự là mọi thứ chúng ta từng mong muốn, mặc dù nó không có vẻ giống như thế.
TS: Tôi rất thích lời giảng của thầy về việc sau trải nghiệm thức tỉnh ban đầu, người ta có thể đi vào những ngõ cụt. Liệu thầy có thể bình luận về một ngõ cụt mà tôi thường thấy, khi sau trải nghiệm thức tỉnh ban đầu, người ta quyết định thực hiện sứ mệnh đặc biệt để cứu thế giới. Thầy có thấy đây là một ngõ cụt không, một cách mà bản ngã lấy trải nghiệm thức tỉnh để phóng đại cái tôi của mình?
ADYA: Tôi xin nói về nó qua kinh nghiệm bản thân. Sự thức tỉnh không tạo ra cho tôi cảm giác đó. Tôi không thấy mình cần phải ra ngoài cứu thế giới, nhưng thật kỳ lạ, khi thầy tôi đề nghị tôi giảng dạy để bắt đầu chia sẻ khả năng nhận thức này, trong tôi nảy sinh một ý thức về khả năng. Tôi thấy mọi người ai cũng có khả năng thức tỉnh. Cái cảm giác nhiệt tình muốn truyền giáo này có thể thật say mê và quyền lực. Có gì đó tuyệt vời trong cảm hứng này vì nó xuất phát từ nơi chân thật. Có rất nhiều năng lượng cho nó, đặc biệt là trong vài năm đầu tôi đi dạy. Tôi phát hiện ra rằng nó có thể là một phần của sự thức tỉnh vì khi nhận thức rằng mọi đau khổ này là không cần thiết, người ta thực sự có thể thức tỉnh từ đây. Ý thức về sứ mệnh có thể bắt nguồn từ đó.
Sau vài năm nhiệt tình truyền giáo, tôi nhận thấy nó bắt đầu nguội dần. Thoạt tiên, tựa như tôi là một con cún mới trong nhà, lúc nào cũng nhảy cẫng lên dưới chân người, muốn được chú ý, muốn người ta làm gì đó. Hai năm đầu giảng dạy, tôi cảm thấy đầy năng lực với một thứ rất hiệu quả, có ích, và tôi muốn chia sẻ nó với mọi người. Nhưng hai, ba năm sau, năng lượng đó giảm dần. Tôi bắt đầu cảm thấy như một con chó già cuộn tròn bên cạnh chiếc ghế lười của ông chủ, nằm đó và để thế giới diễu qua.
Thời điểm này trong cuộc đời tôi, nhiệt tình truyền giáo đã mất đi khá nhiều. Không còn cảm giác có gì đó phải xảy ra. Tôi thấy mọi người đều có tiềm năng, nhưng không việc gì phải vội.
Tôi nhìn nó như một quá trình trưởng thành. Đó là một giai đoạn mà đa số chúng ta phải trải qua.
Tôi nghĩ chìa khóa là: Chúng ta có đi qua nó không? Chúng ta có tiếp tục không? Hay đến một lúc nào đó, nhiệt tình truyền giáo lại làm nền cho bản ngã trỗi dậy? Nếu cái tôi bắt đầu dùng sự thức tỉnh như một cái nền được tân trang lại để truyền giáo, thì điều này có thể dẫn đến đủ loại biến dạng méo mó.
Ví dụ, chúng ta có thể bắt đầu thấy mình là cứu tinh của nhân loại hay giáo lý của chúng ta vĩ đại nhất từ trước tới giờ. Nếu mọi thứ đi theo hướng đó, tôi có thể thấy chúng ta bắt đầu bị ảo tưởng. Thông thường, điều này xảy ra vì cái tôi đã bám lấy một số trải nghiệm mạnh mẽ mà người ta đã có. Nếu có năng lượng ẩn ở đó thì năng lượng này bắt đầu chảy vào bản ngã, nó có thể đưa đến một số ảo tưởng sâu sắc nhất.
Chúng ta thấy điều này đôi khi thể hiện qua hành vi kiểu tín ngưỡng cực đoan. Điều này có thể xảy ra khi rất nhiều năng lượng chảy vào bản ngã và lừa mị nó. Trước khi kịp biết thì bạn đã nghĩ mình là cứu tinh của nhân loại.
Trong khi thật ra không ai trong chúng ta là cứu tinh của nhân loại hết. Thần tượng vĩ đại nhất, nếu có tồn tại trên trái đất thì cũng tựa như một hạt cát trên bãi biển mênh mông. Là con người, chúng ta đều chỉ làm phần nhỏ nhoi của mình. Chính là tạo hóa; là cái Duy Nhất còn chúng ta chỉ là những biểu hiện của nó. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mình đang đóng vai trò lớn hơn bản thân – nếu ta coi mình không phải là một chấm nhỏ trong tấm khảm mosaic vô hạn – thì tôi thấy ta đang bắt đầu tự thổi phồng và huyễn hoặc bản thân.
TS: Xin thầy gợi ý cho chúng tôi làm thế nào để chỉ cho mọi người thấy, rằng bản ngã đang dùng nhận thức của họ như kiểu đây là lãnh thổ riêng của tôi? Tôi hay gặp phải điều này mà không có cách nào hiệu quả để chỉ ra nó.
ADYA: Theo truyền thống, nhiều giáo phái đã dùng một số biện pháp bảo vệ, ngăn không cho cái tôi sử dụng nhận thức theo cách này, nhưng nếu nhìn lại lịch sử tôn giáo, chúng ta thấy các biện pháp bảo vệ này không mấy hiệu quả. Thông thường, những người có nhận thức sâu sắc đều có chân trong một hội đoàn lớn hơn. Ngay cả các vị thầy cũng nằm trong hội các thầy. Ý tưởng là mọi người sẽ canh chừng lẫn nhau.
Thực tế không bao giờ diễn ra như dự kiến. Các vị thầy có thể canh chừng học trò của họ, nhưng khi có người không thực hiện vai trò đó thì không ai để ý đến ai. Ý tôi là, chúng ta đã thấy chuyện đó trong hầu hết mọi giáo phái. Có những người trở nên kiêu ngạo hoặc đi vào những ngả rẽ kỳ quặc. Tôi cho rằng đấy là thiện ý khi chúng ta cố gắng thay đổi người ta hoặc phản ánh lại với họ – đặc biệt khi ta thấy họ thực sự bị ngả nghiêng. Nhưng họ sẽ chẳng nghe đâu!
Giá như tôi có một giải pháp hữu ích cho điều bạn đang mô tả. Tôi từng nói rằng, khi đi giảng dạy, phát hiện ra các học viên tự mãn với nhận thức của mình, tôi thấy vô cùng khó để giúp họ tỉnh ra. Tôi nghĩ đây là một trong những điều nan giải nhất đối với người thầy tâm linh. Và nếu người thầy tâm linh, được tin tưởng như thế, còn thấy khó khăn với học trò của mình, thì với một người bình thường, nó sẽ còn khó khăn đến đâu để đến nói với ai đó: “Này, bạn biết không, có lẽ bạn không phải là một hình mẫu về giải thoát như bạn tưởng đâu”. Thật khó mà làm được thế.
Chẳng chừa riêng ai, mỗi chúng ta đều có nghiệp nhất định. Dù đây không phải là lựa chọn của tôi, nhưng tôi là kiểu người chưa bao giờ bị thu hút bởi quyền lực. Ở đây, tôi là thầy dạy tâm linh, một vai trò mà mọi người cho là đầy quyền lực. Tuy nhiên, tôi lại thấy sự thật là, tôi không có chút quyền lực nào hết, ngoại trừ quyền lực mà người khác cho tôi. Mọi sức mạnh nằm trong tay các học viên. Và mọi người nên biết điều đó. Tôi luôn trải nghiệm rằng, khi mọi người cho tôi quá nhiều quyền uy, tôi bắt đầu cảm thấy như mình đang sống trong cái bong bóng siêu phàm. Kèm theo việc cho ai đó quyền lực là một kỳ vọng, phải không? Khi ai đó cho tôi quá nhiều quyền lực thì hẳn họ đã dự đoán rằng tôi là một cái gì đó khác họ. Và tôi thấy thế là bước vào một môi trường siêu thực. Đấy là lý do tại sao tôi đã cố hết sức tránh né nó, bởi vì nó có cảm giác không thật.
Những người khác, rõ ràng là bị thu hút bởi quyền lực hơn tôi. Họ thấy thích thú khi được người khác kỳ vọng. Nó hấp dẫn họ. Tôi không thể nói chính xác tại sao; cá nhân tôi chưa bao giờ thấy thoải mái với chuyện đó.
TS: Năm 25 tuổi, khi trải nghiệm cái mà thầy gọi là “sự thức tỉnh đầu tiên”, thầy nói rằng thầy đã nghe thấy một tiếng nhắc “Hãy tiếp tục, tiếp tục đi”. Tiếng nói đó là gì? Liệu thầy có gọi nó là lương tâm, hay tiếng thì thầm nội tâm không?
ADYA: Bạn có thể gọi nó là một trong hai thứ đó.
TS: Dường như nếu mỗi chúng ta đều có tiếng nói nội tâm như thế thì nó sẽ giữ cho ta không gắn nhận thức của mình với tấn trò quyền lực cá nhân. Thầy đã nghe thấy tiếng nói ấy nhắc rằng nhận thức của thầy chưa hoàn chỉnh, nhưng liệu ai cũng có tiếng nói nội tâm như vậy không?
ADYA:Theo một nghĩa nào đó, tôi nói là có. Xét đến cùng thì tất cả chúng ta đều giống nhau, vì vậy chúng ta đều có khả năng như nhau.
Tuy nhiên, ở mức độ tương đối thì vấn đề là, liệu mỗi người có nghe thấy tiếng nói nội tâm của mình hay không. Rõ ràng là không phải tất cả mọi người đều nghe. Tiếng nói bên trong của tuệ giác là gì? Đó là điều tôi nhắm đến khi nói về sự chân thành. Chính tuệ giác bên trong chúng ta giúp chúng ta đi đúng hướng, thẳng đường.
Theo một nghĩa nào đó, tôi nghĩ hầu như ai cũng đã trải nghiệm tiếng thì thầm nội tâm này. Tôi thường đưa ra ví dụ là khi bạn hẹn hò với ai đó rồi nó kết thúc rất tồi tệ. Có gì đó bên trong bạn nói: “Đừng làm thế nữa”. Nhưng rồi chúng ta gặp người mới và không nghe tiếng nói ấy nữa. Chúng ta bị thu hút; người ấy thật quyến rũ, và ta chỉ muốn được bên người ấy. Cuối cùng, chúng ta thấy tiếng thì thầm ấy đã nói đúng. Chúng ta không nên hẹn hò với người ấy. Cuối cùng, tất cả đều sụp đổ và tiếng thì thầm ấy thắng.
Do đó, tiếng thì thầm này không có gì huyền bí. Tôi nghĩ phần lớn mọi người đã từng nghe nó. Nhưng chúng ta rất giỏi gạt bỏ nó. Chúng ta muốn tiếng thì thầm đó tự biện hộ – cho chúng ta biết tại sao. Một trong những dấu hiệu tốt, cho thấy tiếng thì thầm nội tâm này là thật và chân thành là nó sẽ không bao giờ tự biện hộ. Nếu bạn hỏi nó: “Tại sao?”. Bạn chỉ nhận được sự im lặng. Nó sẽ không tự giải thích cho dù bạn yêu cầu. Tiếng thì thầm này không cần phải làm điều đó – và nó không làm.
Nếu bạn đang nói chuyện với bản ngã và hỏi “Tại sao?”, nó sẽ nói chuyện với bạn. Nếu bạn hỏi cái tôi: “Thế có nghĩa mọi thứ sẽ ổn chứ?”. Nó sẽ cam đoan với bạn. Trái lại, tiếng thì thầm nội tâm vốn thiếu tự tin. Nó không đảm bảo gì cho bạn. Tiếng thì thầm ấy là một món quà. Tùy chúng ta lắng nghe nó hoặc không.
Tại sao tôi lắng nghe còn những người khác thì không, tôi không biết. Tôi không thể nói tại sao. Tôi vui mừng vì trong trường hợp của tôi, tiếng nói ấy đã cất lên và tôi có thể nghe thấy nó. Nó rất kiên trì. Còn tôi thì không phải lúc nào cũng lắng nghe nó. Đã rất nhiều lần tôi không nghe nó.
TS:Có phải tiếng thì thầm đó giống như hướng dẫn, một người bảo vệ ta, hay chỉ là một phần của tâm trí chúng ta, một phần của bản chất chúng ta?
ADYA: Tôi nghĩ rằng nó là tất cả những thứ đó. Nó là người hướng dẫn. Nó là người bảo vệ. Nó là dòng chảy của sự sống. Cũng xin nói thêm, dòng chảy thông minh của sự sống không phải lúc nào cũng xuất hiện như một tiếng nói. Không phải lúc nào cũng có thể nghe được nó. Tại thời điểm này, tôi rất hiếm khi nghe thấy nó. Vào những lúc khác, nó đúng là một tiếng nói, hiểu theo nghĩa đen. Như tôi đã nói, trong lần nhận thức đầu tiên, tiếng thì thầm đó đã nói “Đây chưa phải là tất cả. Hãy tiếp tục đi”, và đó là một trải nghiệm âm thanh.
Nhưng bây giờ, tuệ giác mang tính hướng dẫn này hay xuất hiện dưới dạng một dòng chảy. Nó tựa như cảm nhận dòng năng lượng trong cuộc sống. Tiếng nói đó cũng là một chỉ dẫn về dòng chảy. Tôi nghĩ rằng nó phải trở thành tiếng nói khi chúng ta chưa thể cảm nhận được dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, để theo dòng đó rẽ trái hoặc rẽ phải, làm điều này hay điều kia.
Nhiều người trong chúng ta chưa đủ nhạy cảm để cảm thấy điều đó, cho nên dòng chảy xuất hiện dưới dạng tiếng nói. Nhưng tại thời điểm này, với tôi, nó tựa như xuôi theo dòng chảy tự nhiên nhiều hơn. Nói như Đạo Lão là thuận theo dòng chảy của Đạo.
Như thế, nó có những biểu hiện khác nhau. Nó là một dòng chảy. Là một tiếng nói. Là tiếng người hộ mệnh. Là người tư vấn của bạn. Nó là lương tâm của bạn, nhưng không phải cái lương tâm mà xã hội đã dạy chúng ta. Nó là một lương tâm khác. Vì cái lương tâm mà xã hội đã dạy chúng ta chính là siêu bản ngã của chúng ta – một thứ lương tâm luôn luôn chứa đầy phán xét. Còn đây không phải là siêu bản ngã. Nó khác hẳn. Nó xuất phát từ một trạng thái hoàn toàn khác biệt của sự sống.
TS: Thầy từng nói về việc, ngay từ rất sớm, thầy đã hiểu ra mình không thể đi theo lối cũ của một tôn sư, một con đường, hay một tôn giáo nào – rằng thầy sẽ phải tự tìm con đường của mình, và điều đó quan trọng như thế nào?
ADYA:Điều đó vô cùng quan trọng đối với tôi.
TS: Và thầy khuyến khích các học viên cũng tìm ra con đường riêng của mình. Tôi thấy điều thú vị là, có vẻ như nhiều người, kể cả tôi, cùng lúc cảm thấy kết nối với thầy và đỡ cô độc hơn khi biết thầy, tựa như chúng tôi đang một mình nhưng đồng thời vẫn cùng nhau. Thầy có thể nói về điều đó không?
ADYA: Hồi hai mươi mấy tuổi, tôi đã ý thức rằng mình cần phải tìm ra con đường riêng, không chỉ dựa vào một tôn giáo hay một người thầy, rồi có một hình ảnh đến với tôi. Đó là hình ảnh tôi bước ra ngoài không gian vũ trụ, có một sợi dây nối tôi với cái vỏ bao không gian, và đến một thời điểm nhất định, tôi cúi xuống, cắt dây nối. Tôi đã được một mình, không phụ thuộc vào bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi rời bỏ thầy tôi; rời bỏ pháp môn của mình. Tôi không rời bỏ gì cả. Nó chỉ đơn giản là thấy rằng, cuối cùng, trách nhiệm là ở đây, ở trong tôi. Cuối cùng, không có một giáo pháp, người thầy hay lời giảng nào cứu được tôi khỏi bản ngã. Tôi nhận thức là tôi không thể thoái bỏ trách nhiệm đó.
Và, tất nhiên, tại thời điểm đó, nó rất đáng sợ. Tôi đã nghĩ, Chúa ơi, nếu tôi đang tự lừa dối bản thân thì sao? Lúc đó, tôi biết rằng mình chẳng biết gì nhiều. Nhưng tôi vẫn ở đó, quyết tâm là mọi thứ phải được xác minh bên trong.
Nhiều người bảo tôi rằng, họ thấy học tôi khác với những vị thầy khác, bởi vì tôi không phải dạng thầy tâm linh có quan hệ cá nhân với học viên của mình. Tôi đến, tôi dạy, tương tác với học viên khi tôi dạy, nhưng tôi không mở trung tâm riêng; tôi không có kênh liên hệ với học viên theo cách đời thường. Đây là nhất thời, theo từng khoảnh khắc.
Xin nói thêm là đây không phải là kiểu quan hệ duy nhất giữa thầy với trò. Tôi nghĩ quan hệ gần gũi giữa thầy trò cũng rất quan trọng. Thực tế, khi việc giảng dạy của tôi bắt đầu có quy mô lớn hơn, từ lúc còn ít người sau vài năm đã trở thành khóa học khá đông thì có một số người đã bị mất cái nhỏ nhỏ đó. Một số người thấy lớp nhỏ lại hiệu quả. Kiểu như tôi sẽ giảng pháp, sau đó mọi người uống trà hoặc ăn trưa, và điều đó với một số người rất có ích. Khi quy mô giảng dạy lớn hơn, cấu trúc mọi thứ cần thiết phải thay đổi, và nó không còn hiệu quả với một số người nữa. Họ phải đi tìm chỗ khác, thân mật hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của họ.
Về bản chất, phong cách giảng dạy của tôi là mọi người cần ngay lập tức độc lập trên đôi chân của mình, nhưng qua việc đứng một mình đó, họ lại tìm thấy sự gắn bó nhất định với nhau. Đó là nơi tôi gặp gỡ mọi người, nơi tôi thấy họ toàn vẹn, có những năng lực và khả năng mà họ không nghĩ mình có. Và khi họ đứng đó, bắt đầu khám phá ra sự toàn vẹn bên trong mình, đó là nơi chúng tôi gặp nhau. Tôi không gặp gỡ họ ở chỗ họ bất toàn, thiếu sót, ở chỗ họ không nghĩ mình có khả năng. Họ càng lớn mạnh bên trong, chúng tôi càng cảm thấy gặp gỡ nhau một cách sâu sắc – vừa rất cá nhân mà lại không có tính cá nhân.
Khi chúng ta sẵn sàng sống với chính mình, sẽ có rất nhiều ảnh hưởng trợ giúp – loại có thể thấy hoặc không thấy được, đã biết hoặc chưa biết. Vấn đề là đừng để bị chấp vào ý niệm rằng nó chỉ là ở một mình. Đó là một trải nghiệm đặc biệt về khoảnh khắc cô đơn, đối diện với chính bản thân mình, không bám víu được vào thầy, pháp môn hay giáo lý – kể cả của tôi nữa. Đột nhiên, bạn bị bỏ lại với chính mình, đơn độc. Nhưng khi chúng ta đối mặt với sự đơn độc và sẵn sàng ở lại đó, điều kỳ diệu là chúng ta bắt đầu thấy mình có rất nhiều đồng đạo. Có rất nhiều người cùng làm điều này. Chúng ta bắt đầu nhìn nhận các lời giảng và những người thầy mà chúng ta theo học dưới một ánh sáng khác. Một mối quan hệ chín chắn hơn rất nhiều bắt nguồn từ thời điểm đó.
TS: Trong thời gian mà thầy gọi là lần “thức tỉnh cuối cùng” của mình năm 32 tuổi, ở vài cuộc phỏng vấn khác, thầy đã nói rằng một phần của trải nghiệm đó gồm cả nhìn thấy tiền kiếp của mình. Tôi thấy thầy không thích nhắc tới điều này.
ADYA: Phải, chúng ta quen biết nhau đủ để bạn hiểu tôi, nhưng có vẻ như bạn vẫn định đi xa hơn, bạn giỏi thật.
TS:Thầy biết truyền thuyết về Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, nhìn thấy những kiếp trước của ngài lướt qua trước mặt như một phần của sự giác ngộ. Tôi muốn biết thầy đã thấy những gì?
ADYA: Tôi sẽ cố gắng giải thích những gì đã trải nghiệm. Vào khoảnh khắc thức tỉnh, dường như tôi hoàn toàn ở bên ngoài con người mà tôi từng ngộ nhận là mình. Có một sự rỗng không rộng lớn vô cùng. Trong cái trống rỗng bao la đó, trong không gian vô hạn đó, có một điểm sáng cực nhỏ, nhỏ nhất mà bạn có thể hình dung. Và điểm sáng cực nhỏ đó là một ý nghĩ, nổi lên ở ngoài đó. Ý nghĩ ấy là: “tôi”. Và khi tôi quay lại, nhìn vào ý nghĩ này, điều duy nhất tôi cần làm là bắt đầu quan tâm đến nó, theo bất kỳ cách nào, thế rồi điểm sáng nhỏ này tiến đến gần hơn, gần nữa. Tựa như di chuyển tới gần cây cột ở hàng rào – khi nhìn thẳng vào nó, bạn không thấy hàng rào nữa; bạn thấy những gì ở bên kia hàng rào.
Vì vậy, khi điểm “tôi” này đến gần hơn, tôi bắt đầu nhận thức được điểm này gọi là “tôi”. Và tôi thấy trong cái điểm gọi là “tôi” đó là cả thế giới. Toàn bộ thế giới nằm gọn trong “tôi”, trong cái điểm nhỏ gọi là “tôi” đó. Thực ra nó không hẳn là tôi, mà là một sự rỗng không có thể đi vào và đi ra khỏi điểm đó, bên trong và bên ngoài nó, và nó giống như cả thế giới có thể nhấp nháy rồi tắt, bật và tắt.
Sau đó tôi nhận thấy có rất nhiều điểm sáng khác nhau, tôi có thể đi vào từng điểm, và mỗi điểm là một thế giới khác, một thời gian khác, còn tôi là một con người khác, một biểu hiện hoàn toàn khác trong mỗi điểm đó. Tôi có thể đi vào bên trong mỗi người trong số họ, nhìn thấy một giấc mơ hoàn toàn khác về bản thân và một thế giới hoàn toàn khác, cũng đang được mơ.
Phần lớn những gì tôi thấy là những thứ chưa được giải thoát từ giấc mơ của “tôi” trong một cuộc đời cụ thể. Có những nhầm lẫn, sợ hãi, do dự, và nghi ngờ vẫn còn chưa tiêu tán trong các kiếp nhất định này. Trong vài kiếp, đó là sự u mê rối loạn về cái chết. Có một kiếp tôi bị chết đuối, không biết chuyện gì đang xảy ra, kinh hoàng và rối loạn khủng khiếp khi cơ thể chìm xuống nước.
Nhìn thấy kiếp đó và sự u mê rối loạn lúc chết đó, tôi lập tức biết mình phải làm gì. Tôi phải sửa lại sự rối loạn đó, giải thích cho giấc mơ của tôi rằng tôi đã chết, tôi đã ngã khỏi thuyền và bị chết đuối. Khi tôi làm điều ấy, đột nhiên sự rối loạn từ kiếp đó vỡ ra như cái bong bóng, và có một cảm giác vô cùng tự do. Nhiều giấc mơ tiền kiếp xuất hiện, và mỗi kiếp ấy dường như tập trung vào một cái gì đó đã từng bị mâu thuẫn, không được giải quyết từ một vòng đời khác của tôi. Tôi đã đi qua mỗi hóa thân ấy và cởi bỏ sự mê lầm.
TS: Lúc đó thầy đang nằm nhắm mắt trên thảm trải sàn hay như thế nào?
ADYA: Không, thực sự điều kỳ lạ nhất là tôi đang đi qua phòng khách trong lúc mọi chuyện diễn ra. Tôi không thể nói mình đã đi bao lâu. Có thể là năm giây – vì tất cả những chuyện này là phi thời gian – tôi thực sự không biết. Tôi cũng có thể đi ngang qua tầng này suốt năm tiếng đồng hồ, nhưng thực sự là tôi đã chỉ bước qua phòng khách.
Và không phải là tôi đứng yên; tôi đang đi bộ, tất cả xảy ra ngay trong lúc tôi đang đi. Tôi đi qua phòng khách, vào sân sau, tôi đang làm gì đó – thậm chí tôi còn không nhớ lúc đó mình đang làm gì – và đồng thời, toàn bộ chuyện này cũng xảy ra. Tôi biết nó có vẻ kỳ quặc. Nó không xảy ra vào lúc thiền mà lại hoàn toàn hòa trộn vào như một phần của cuộc sống bình thường.
Bạn biết đấy, tôi không hay nói nhiều về những điều như thế này. Tôi không muốn kể với nhiều người về tiền kiếp, đặc biệt là những người theo trường phái nhất nguyên triệt để, luôn nói rằng không có ai sinh ra, không ai có tiền kiếp, không có đầu thai, v.v. Tất nhiên, tất cả đều đúng; đó là một giấc mơ, kể cả những kiếp trước. Khi nói về chúng, tôi kể về chúng như những giấc mơ quá khứ. Tôi đã mơ mình là người này; tôi đã mơ mình là người kia.
Cá nhân tôi chưa bao giờ cố gắng thu thập những trải nghiệm tiền kiếp rồi gói ghém chúng trong kiến thức thuộc loại siêu hình. Tôi không hiểu rõ lắm tiền kiếp là gì, ngoại trừ một điều có vẻ rõ ràng với tôi là, nó cũng có bản chất của một giấc mơ; nó không tồn tại thực tế, khách quan. Dù sao, đó là trải nghiệm mà tôi đã có. Vì nó đã xảy ra, tôi không thể nói là không có nó. Nhưng trong tâm trí mình, tôi không cố gắng đoán biết rõ hơn về nó. Điều duy nhất tôi biết là cái đã xảy ra.
TS: Liệu có nhận thức gì không, khi thầy nhìn vào từng giấc mơ đã được hóa giải theo cách nào đó?
ADYA: Có chứ. Sự hóa giải không chỉ ở giấc mơ đó, mà còn cho cả hiện tại. Bởi vì tất cả là một. Vì bất cứ điều gì chưa được hóa giải ở một trong những giấc mơ đó thì bây giờ cũng vẫn còn chưa được hóa giải. Vì nó là một, kết nối với nhau.
Một trong những lý do tôi không nói nhiều về tiền kiếp là vì một số người thức tỉnh theo cách đặc biệt lại không bao giờ thấy tiền kiếp nào cả. Nhận thức được tiền kiếp không phải là điều cần thiết. Tôi không phải là người thần bí gì lắm. Có một thời gian tương đối ngắn, chừng vài tháng, thỉnh thoảng các trải nghiệm kiểu này xảy ra. Kể từ đó, lâu lâu chúng lại xuất hiện nhưng không hề nhất quán. Cho nên chúng không nhất thiết phải có; chỉ là chúng đã xảy ra, và không phải là hiếm với một số người. Cái mọi người thường thấy, nếu trải nghiệm của họ có thật, là cái cần phải được nhìn thấy, được giải thoát.
Một đại sư Phật giáo đã nói với tôi rằng: “Việc thầy ít khi thấy tiền kiếp cho thấy một ví dụ kiểm tra sự giác ngộ của thầy, vì giác ngộ không để lại dấu vết; nó giống như một ngọn lửa đốt cháy sạch sẽ. Không còn dấu nghiệp báo nào để lại”. Bà nói, nếu có bất kỳ tiền kiếp nào, có lẽ thầy sẽ thấy mình từng là một đứa lớp một ngốc nghếch thế nào – tôi yêu cái ngốc đó, nó tương ứng với trải nghiệm của tôi. Không nhất thiết tôi phải luôn thấy mình là đứa ngốc lớp một, dù trong vài trường hợp, tôi còn hơn một đứa ngốc lớp một nhiều. Hầu hết các kiếp trước mà tôi thấy đều là những khoảnh khắc mê lầm, những khoảnh khắc mâu thuẫn nghiệp chướng chưa được hóa giải.
TS: Tôi đưa ra chủ đề về tiền kiếp một phần vì nghe nhiều người nói về thầy thế này: “Adya chắc hẳn đã đắc đạo từ kiếp trước nên mới sớm có những đột phá phi thường như thế và có khả năng diễn đạt giáo lý về thức tỉnh theo cách căn bản như vậy”. Thầy nghĩ gì về bình luận đó?
ADYA: Nếu hỏi thẳng ra như vậy, thì có, tôi đã nhìn thấy mình làm điều tương tự như tôi đang làm trong cuộc đời này, nhiều lần trước đó. Nhưng xin nhắc lại, tôi không biết toàn bộ sự trừu tượng về tiền kiếp và cách chúng vận hành, và tôi không thấy mọi thứ diễn ra theo tuyến tính nhân quả. Trên thực tế, trải nghiệm của tôi về tiền kiếp không phải là chúng đã thực sự trôi qua. Tôi gọi chúng như thế là bởi vì đó là cách mọi người nhắc đến chúng, nhưng nếu tôi được nói trải nghiệm thực của mình là gì thì nó giống như các kiếp đồng thời diễn ra.
Nó giống như bạn có một giấc mơ đêm, và trong mơ bạn là một người cụ thể. Rồi trong mơ, bạn bắt đầu nhớ tất cả các kiếp trước. Giả sử bạn nhớ được 50 kiếp rất tỉ mỉ, rất rõ ràng. “Ồ, chuyện này hoặc chuyện kia đã xảy ra rồi”. Và dường như nó đã xảy ra trong quá khứ. Sau đó, bạn bừng tỉnh khỏi giấc mơ, nằm trên giường mà nghĩ: “Chà, đó là một giấc mơ thú vị. Mình đã mơ thấy mình là một người trải qua bao nhiêu kiếp”. Nó có thể xảy ra với bạn như là: “Khoan đã, mình vừa mơ thấy các kiếp trước, tất cả cùng một lúc. Tất cả đều đang được mơ thấy ngay lúc này. Chúng không hề tồn tại chút nào trước khi mình mơ thấy chúng”. Đó là cách tôi thấy nó.
Tôi không thấy chúng là kiếp trước, bởi vì chúng đồng hiện, tất cả đều tương tác.
TS: Nhìn xuyên qua khe rào mở ra, thấy được những giấc mơ khác nhau, thầy nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết? – Xin đừng nói là thầy không biết nhé – Thầy nghĩ trải nghiệm đó sẽ tựa như cái gì?
ADYA: Và tôi không được nói “Tôi không biết?”. Chà, bây giờ bạn đã thực sự trói tay tôi rồi, Tami.
Tâm trí tôi không nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra khi tôi chết. Nếu nghĩ đến cái chết, tôi chỉ nghĩ, chết chỉ là trải nghiệm tiếp theo – tất cả chỉ có thế. Đó là một trải nghiệm tiếp theo, là một trải nghiệm khác với việc ngồi đây nói chuyện với bạn, điều đó không thể chối cãi, nhưng cuối cùng đó là trải nghiệm tiếp theo mà ý thức thu lượm được.
Không có gì chết cả. Tâm Linh không chết, nhưng nó có trải nghiệm mà chúng ta gọi là cái chết – sự tan rã của một thân thể, chấm dứt một vòng đời, một cá tính – tất cả cái đó tiêu tan. Và Tâm Linh, hay ý thức, có trải nghiệm đó, giống như nó có trải nghiệm được sinh ra và sống, và nói chuyện với bạn ngay lúc này.
Thời điểm này, chính là Tâm Linh có trải nghiệm ấy. Nếu bạn hỏi tôi “Cái chết sẽ như thế nào?”, tôi không thể nghĩ đến nó như chúng ta thường nghĩ, khi cái chết thực sự xảy ra theo cách chúng ta nghĩ. Không có gì trong tôi liên hệ đến cái chết như một sự kiện thực tế. Tôi nghĩ đến cái chết như một trải nghiệm. Chỉ như một trải nghiệm tiếp theo. Thật tuyệt vời để thấy trải nghiệm đó như thế nào. Nhưng tôi không thấy nó với cảm giác thế là hết, hoặc với bất kỳ ý nghĩa thông thường nào mà ta hay nghĩ về cái chết.
TS: Thầy có nghĩ rằng trải nghiệm vốn có sau khi chết có bị mất đi phần nào chất lượng lúc đầu thai không?
ADYA:Thức tỉnh tức là chết. Nó là thế đấy. Khi sự thức tỉnh xảy ra, tôi đã chết. Mọi thứ tan biến, trống không. Điều mọi người sợ nhất đã xảy ra với tôi.
Hoàn toàn trống không. Tuyệt đối không tồn tại. Không có gì hết, chỉ là hư vô, hư vô. Tại thời điểm đó, không có tiền kiếp, không có cuộc sống hiện tại – không gì cả – không có ý thức, không sinh, không bệnh, tuyệt đối hư vô. Số không. Đó là chính là thứ mà mọi người đều khiếp sợ. Đó là điều đã xảy ra với tôi, là cái chết.
Và nó cứ diễn ra như vậy, cái chết chính là sự sống. Chúng ta phải chết để sống thật sự. Chúng ta phải trải nghiệm tuyệt đối không tồn tại để tồn tại thực sự một cách có ý thức.
TS:Tôi nghe người ta nói: “Sẽ có những thứ như thế, như thế sau khi bạn chết, nhưng khi còn đang trong hình hài con người, bạn không thể biết điều này. Một khi ra khỏi xác thân này, bạn sẽ được giải thoát để biết”.
ADYA: Tất cả chúng ta sẽ trải nghiệm đúng những gì mình tin. Nếu bạn tin điều đó thì bạn sẽ trải nghiệm nó. Hãy nhớ rằng, không có gì là thực tế “khách quan”, một con đường khách quan cho mọi thứ vận động. Nó vận động theo cách bạn mơ nó vận động. Đó là cách duy nhất nó vận động. Đó là điều duy nhất đang xảy ra. Vì vậy, nếu ai tin điều đó thì có nghĩa nó là giấc mơ mà ý thức đang có thông qua họ, nhưng giấc mơ đó không có giá trị hơn bất kỳ giấc mơ nào khác.
Dĩ nhiên, vào thời điểm cơ thể chết, trải nghiệm thể chất cũng mất đi. Theo nghĩa nào đó, đây là một sự thức tỉnh bắt buộc. Khi cơ thể mất đi, tính cách cũng sẽ mất. Không phải bạn bị tách ra khỏi nó, chỉ đơn giản là nó sẽ được lấy đi. Vào thời điểm đó, rất nhiều thứ mở ra, bởi vì nhiều thứ bạn bám chấp không còn ở đó nữa. Bạn không còn mơ cơ thể tồn tại – nó đơn giản là không còn đó. Vì vậy, có phải nhiều thứ trở nên có thể không? Tất nhiên rồi.
Điều này cũng đúng với một số người đang hấp hối. Một số trải nghiệm đáng kinh ngạc nhất mà tôi từng có là với người đang lâm chung. Tôi đã đến bên giường họ, những người đã sẵn sàng buông bỏ hết. Ngồi bên giường họ, bạn có thể cảm thấy cái chết đang đến gần và họ sẵn sàng rời bỏ cơ thể mình như thế nào. Theo một nghĩa thực sự, họ đã chết, họ buông bỏ rồi, và vài người trong số họ đã biết, rằng tất cả đều tốt đẹp. Khi bạn may mắn được ở bên người như vậy, có một trải nghiệm hoàn toàn tỏa sáng. Tựa như cơ thể đã trở nên hoàn toàn trong suốt với Tâm Linh, với sự hiện diện nội tâm. Và lý do duy nhất nó trở nên trong suốt là bởi người đó không còn bám giữ nó nữa.
Vì vậy, rõ ràng là cuối cùng, khoảnh khắc chết thật về thể chất không nhất thiết phải xảy ra để người ta buông bỏ.