Thật tuyệt vời nếu như chúng ta có thể có một khoảnh khắc thức tỉnh rồi sau đó không bao giờ bị ý nghĩ lừa dối nữa, nhưng như tôi đã nói, thường thì không phải như thế. Chúng ta có thể có một nhận thức sâu sắc về bản chất chân thật của mình, rằng tâm trí chẳng qua là một giấc mơ và người mà ta tưởng là mình cũng là mơ thôi, nhưng điều đó không chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ bị ý nghĩ nào lừa dối nữa. Các ý nghĩ nhất định tiếp tục nảy sinh. Tôi gọi chúng là những ý nghĩ “bám dính” – những ý nghĩ tự phát, nảy sinh trong các tình huống nhất định, cứ bám chặt vào đầu óc chúng ta. Dạng ý nghĩ này gần như ngay lập tức làm nảy sinh một nhận thức cá nhân theo những mẫu tư duy sẵn có. Đó có thể là một ý nghĩ phán xét, một ý nghĩ khiến người ta cảm thấy xấu hổ hoặc nhỏ nhoi, tức giận hoặc buộc tội.
Nhiều người thất vọng trước thực tế là một số dạng ý nghĩ “bám dính” nhất định vẫn còn trở lại sau khi thức tỉnh. Có lẽ họ tưởng rằng nếu đã tỉnh thức thật sự thì họ sẽ không bao giờ tin vào những ý nghĩ quấy rầy mình nữa. Nhưng sự thật không hẳn là như thế. Sự thực là khi sự thức tỉnh tâm linh càng chín muồi hơn trong chúng ta thì ta càng thấu hiểu; càng ít có khuynh hướng bị ý nghĩ kéo đi.
Tôi nhớ có ai đó hỏi Nisargadatta Maharaj – một trong những bậc hiền triết Ấn Độ yêu thích của tôi – rằng liệu cái tôi cá nhân có bao giờ nảy sinh trong ông không. Ông nói, rất thoải mái: “Dĩ nhiên rồi, nhưng tôi thấy ngay đó là ảo tưởng và tôi gạt bỏ nó”. Thật tuyệt vời khi được nghe ngay cả một bậc thầy tâm linh như Nisargadatta cũng nói rằng khuynh hướng “ngựa quen đường cũ” luôn có khả năng nảy sinh. Ông chỉ đơn giản nhận ra nó là ảo tưởng vào lúc nó phát sinh, và trong nhận thức ấy, ông gạt bỏ nó sang một bên. Nó tan rã.
Một người rất trưởng thành trong thức tỉnh tâm linh như Nisargadatta Maharaj có thể hành động như thế. Nhưng hầu hết mọi người không bắt đầu theo cách đó, ngay cả sau khi đã có một sự thức tỉnh rất sâu sắc.
Trên thực tế, việc một số dạng ý nghĩ sâu kín nhất nảy sinh ngay sau khi thức tỉnh là không hề hiếm. Điều này đôi khi khiến người ta ngạc nhiên. Một phần của tiến trình sau khi thức tỉnh là phần trên cùng tách khỏi khả năng đè nén của chúng ta, và ta thấy khó kiểm soát được bất cứ thứ gì. Hệ quả của sự thức tỉnh là một số ý nghĩ rất mạnh mẽ có thể nảy sinh – những điều mà ta đã chôn giấu rất sâu, đã cố gắng để giữ trong tiềm thức. Nhưng bây giờ mọi thứ bắt đầu bước ra ánh sáng hiện hữu. Không có gì bất thường khi chúng ta bắt gặp những ý nghĩ nhất định có sức mạnh kéo chúng ta bám dính vào một trạng thái ý thức cá nhân tạm thời.
Tự do nhờ truy vấn
Vào thời điểm này, điều quan trọng là tránh cái mà tôi gọi là làm ngơ về tinh thần – gạt bỏ ý nghĩ, tảng lờ thực tế là chúng ta bị kéo vào một khoảnh khắc ý thức cá nhân. Chúng ta thường sử dụng ngôn ngữ bất nhị để chấm dứt. Chúng ta tự nhủ: “Ồ, đó chỉ là ý thức cá nhân. Không quan trọng, vì không có ai làm cái gì hết. Rốt cuộc thì mọi thứ đều xảy ra một cách tự phát”.
Đây là một cách tinh tế nhưng hiệu quả để trốn tránh trải nghiệm của bản thân. Nó cho phép chúng ta tránh đối phó với khuynh hướng tiếp tục ý thức cá nhân của mình. Điều quan trọng là phải sẵn sàng nhìn vào những khoảnh khắc ý thức cá nhân này một cách rõ ràng và trung thực.
Có nhiều cách để tự truy vấn bản thân. Tôi thấy viết ra rất có ích cho tôi, cả trước khi thức tỉnh và trong một giai đoạn nhất định sau đó. Nếu để ý thấy mình đang rơi vào ý thức cá nhân, tôi sẽ đến quán cà phê với tờ giấy và cây bút chì và bắt đầu viết về nó. Viết về những gì thực sự diễn ra sẽ giúp tôi đi sâu vào mẫu hình tư duy đã kích hoạt ý thức cá nhân trở lại. Tôi sẽ xác định chính xác những suy nghĩ hay niềm tin nào đã chụp lấy tôi, và cái thế giới quan bên trong của suy nghĩ đó là gì.
Ví dụ, nếu ta làm điều gì đó khiến ta cảm thấy ngớ ngẩn hoặc xấu hổ, tâm trí ta có thể nghĩ “Mình không nên làm điều đó” hoặc “Mình ngu ngốc thật”. Nếu bạn có một ý nghĩ nhỏ như thế và bắt đầu thực sự mở nó ra, bạn sẽ thấy ngay rằng suy nghĩ và cảm xúc liên kết với nhau; cái này thực sự dẫn đến cái kia. Ý nghĩ “Mình không nên làm điều đó” đi kèm với một cảm giác – có lẽ là xấu hổ hoặc tức giận. Trong đó, chúng ta nhìn thấy thế giới quan bên trong của ý nghĩ và cách nó lôi kéo ta vào ý thức cá nhân.
Quan trọng là chúng ta không dùng cách truy vấn này chỉ như một công cụ tinh thần. Nếu làm thế, chúng ta bắt đầu hiểu mọi thứ ở tầng tinh thần.
Vấn đề là, tầng tinh thần thường không kết nối với tầng cảm xúc. Chúng ta có thể hiểu rõ điều gì đó trong tâm trí mình, nhưng về mặt cảm xúc chúng ta có thể vẫn mâu thuẫn. Khi truy vấn, điều quan trọng là chúng ta dùng cả thân và tâm – cả cảm giác và suy nghĩ. Chúng ta phải nhìn thấy những ý nghĩ nào tạo ra cảm xúc nào, và những ý nghĩ nào do cảm xúc sinh ra. Đó là một vòng tròn: một ý nghĩ tạo ra cảm xúc, rồi cảm xúc này tạo ra ý nghĩ tiếp theo – từ đó tạo ra cảm xúc tiếp theo.
Khi đến quán cà phê với tờ giấy và cây bút chì, tôi sẽ tìm hiểu rất cụ thể, xem chính xác là ý nghĩ nào đã gây ra khoảnh khắc ý thức cá nhân trở lại, và tôi sẽ bắt đầu viết về nó. Tôi sẽ xem xét chính xác ý nghĩ đó đã tạo ra quan niệm về thế giới như thế nào. Để làm điều đó, tôi phải đi sâu vào cảm xúc của mình. Tôi sẽ phải tập trung vào cái niềm tin mà ý nghĩ cụ thể đó – dù nó là buộc tội, xấu hổ hay gì đi nữa – đã tạo ra ở tầng cảm xúc. Sau đó, tôi sẽ đi vào cảm xúc và để cho bản thân cảm nhận được cảm xúc đó.
Bước tiếp theo là tự hỏi về dạng thức niềm tin của cảm xúc này. Cảm xúc này nhìn nhận thế giới như thế nào? Cảm xúc này nhìn nhận cái tôi như thế nào? Thế giới quan của nó là gì? Tôi bắt đầu thấy rằng mỗi ý nghĩ và cảm xúc chứa đựng một thế giới riêng của nó, một hình mẫu niềm tin hoàn chỉnh. Nhờ sẵn sàng đi sâu vào cảm xúc, tôi nhận thấy rằng cảm xúc có tiếng nói riêng. Tôi có thể nghe tiếng nó trong đầu tôi, và tôi khám phá ra rằng nó có những niềm tin và ý tưởng nhất định.
Chúng ta rất hay thấy rằng những niềm tin và ý tưởng chứa đựng trong tư duy và cảm xúc của ta đến từ thời thơ ấu. Chúng có thể bắt nguồn từ những kỷ niệm rất sớm về việc bị xấu hổ, bị bỏ rơi, nhục nhã, sợ hãi, tức giận hay buồn bã. Nếu chúng ta truy vấn theo kiểu thiền – kết nối giữa thân và tâm, thì sự truy vấn này có thể bắt đầu mở ra những trải nghiệm sâu trong nội tâm. Bạn không thể chỉ nghĩ về nó rồi nói “Đây là một ý nghĩ; tôi biết nó không phải là sự thật” và thế là xong. Đôi khi, tôi phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ trong quán cà phê, quyết không đi cho tới khi đến tận đáy của chỉ riêng một dạng suy nghĩ. Tôi biết rằng nếu suy nghĩ đó có thể kéo mình về nhận thức cá nhân thì một suy nghĩ khác cũng có thể kéo tôi lần nữa. Chúng ta càng thức tỉnh thì việc trở về nhận thức cá nhân lại càng đau đớn. Nó giống như bị kéo một cách thô bạo khỏi thiên đường, tống về địa ngục. Khi cảm thấy mình như đang trong địa ngục, bạn sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tự giải thoát. Cho nên tôi sẽ để hết tâm sức vào quá trình truy vấn này. Tôi sẽ không rời nó cho đến khi nhìn thấy mọi nẻo đường đi qua một khoảnh khắc ý thức cá nhân. Tôi sẽ biết rằng mình đã tới đích khi nó hoàn toàn được thanh lọc khỏi con người mình.
Tôi đã phải xem lại những hình mẫu tư duy, cảm xúc và phản ứng trong vài trường hợp khác nhau. Mỗi lúc tiến trình vào nội tâm càng sâu thì càng khám phá được nhiều hơn. Như thế, tôi sẽ đi tới tận những niềm tin, suy nghĩ và cảm xúc cốt lõi. Chỉ cần sẵn lòng truy vấn mãi đến khi có thể kéo lên tận gốc rễ của ảo tưởng.
Nó giống như dọn cỏ trên sân. Tôi thật ngượng phải nói là, khi làm cỏ sân vườn, tôi thường hay túm tất cả ngọn cỏ dại kéo lên. Vợ tôi thì khác, kiên nhẫn hơn. Khi làm cỏ, cô ấy kéo chúng tận gốc. Bạn biết là cô ấy đã làm sạch cỏ vì vài tháng sau chúng không mọc lại. Còn tôi mà làm thì ngay tuần sau cỏ dại mới đã mọc lên rồi.
May sao trong cuộc sống nội tâm của mình, tôi đã không làm thế. Trong quá trình truy vấn mà tôi đã mô tả, tôi thấy mình rất tập trung. Tôi sẵn sàng đi rất sâu, tới tận gốc rễ của bất cứ suy nghĩ nào đã gây ra phản ứng đau khổ.
Tôi không có ý là mọi người đều nên áp dụng cách viết ra. Mỗi người trong chúng ta phải tìm cách riêng của mình. Có thể viết ra sẽ có ích với bạn; có thể tìm hiểu các dạng ý nghĩ bằng cách thiền sẽ giúp bạn. Rốt cuộc thì quan trọng là đi tới được tâm điểm của quá trình tư duy và cảm xúc. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể phát hiện ra những niềm tin huyễn ảo đang gây đau khổ trong thời điểm hiện tại.
Hầu hết chúng ta đều có những lúc khó khăn trong cuộc sống, vào những thời điểm đó, chúng ta đã phát triển các chiến lược đối phó tự phát. Khi ta còn trẻ và có một sự kiện xảy ra làm ta đau đớn quá sức để đối diện, ta nảy ra một niềm tin giúp mình sống qua được hoàn cảnh đó.
Có thể là cha mẹ của một đứa trẻ không chăm sóc con. Mà đứa trẻ không thể đối mặt với thực tế là cha mẹ mình không có khả năng chăm sóc nó tử tế. Nhận thức đó đe dọa sự an toàn của nó nên nó sẽ tạo ra một câu chuyện đỡ sợ hơn để đối phó với hoàn cảnh. Thay vì thấy cha mẹ của mình không chăm sóc con, đứa trẻ có thể hình thành một kiểu niềm tin rằng nó có điều gì sai trái. Ở những thời điểm như thế, hình thành một kiểu niềm tin giúp ta đối phó và vượt qua những giai đoạn khó khăn. Chúng ta bắt đầu mô hình này từ thời thơ ấu, nhưng nó có thể tiếp tục trong cuộc sống sau này.
Khi thành thật truy xét những dạng niềm tin này, chúng ta thấy rằng chúng không còn là chiến lược hữu ích nữa. Cho dù có lẽ chúng đã giúp ta đương đầu với những tình huống khó khăn trong quá khứ, nhưng chúng đã hết giá trị rồi. Bản thân ý nghĩ cũng không phải là một chiến lược hữu ích. Tự kể cho mình bất kỳ câu chuyện nào về bất kỳ sự kiện nào cũng sẽ gây ra đau khổ. Cuối cùng, bất kỳ hình mẫu nào chúng ta tạo ra trong tâm trí mình về quá khứ hoặc hiện tại cũng sẽ xung đột với bản chất cuộc sống, với những gì đang thực sự xảy ra.
Khi những ý nghĩ và cảm xúc “bám dính” nảy sinh, điều quan trọng là phải đối mặt và truy xét bất cứ hệ thống niềm tin nào ẩn dưới nó. Và lúc này, truy xét chính là thực hành tâm linh của bạn. Né tránh thực hành này là né tránh sự thức tỉnh của chính bạn. Bất cứ thứ gì bạn né tránh trong cuộc sống cũng sẽ quay trở lại, hết lần này đến lượt khác, cho đến khi bạn sẵn sàng đối mặt với nó – để nhìn sâu vào bản chất thực sự của nó.
Một lần nữa, cách duy nhất để biết rằng chúng ta đã nhìn thấy bản chất thực sự của điều gì đó là câu chuyện chúng ta từng tự kể với mình tan biến. Chúng ta không chỉ nhìn thấy nó là ảo tưởng; chúng ta cảm nhận nó là ảo tưởng. Tôi thường nói với các học viên hãy ở lại với nó cho đến khi nó rơi rụng đi. Lựa chọn ở đây là truy vấn theo kiểu thiền hay trở thành một nạn nhân. Bạn có lựa chọn đó – trở thành nạn nhân của những ý nghĩ và niềm tin của chính mình, hay cảm nhận chúng thật sâu cho đến khi chúng rơi rụng đi.
Qua tìm hiểu, chúng ta đi đến chỗ thấy rằng tất cả các niềm tin đều có giá trị như nhau. Chính cái ý nghĩ ai đó lẽ ra nên hoặc không nên làm gì mới là vô giá trị. Điều họ thực sự đã làm và điều tôi nghĩ họ lẽ ra nên làm có giá trị như nhau. Chỉ khi chúng ta thấy rằng những suy nghĩ, phán xét và ý kiến của chúng ta cũng đúng ngang với những gì đối lập với chúng thì các cực của ý nghĩ mới cân bằng. Nếu ý tưởng đối lập cũng đúng như ý tưởng mà tôi tin, thì toàn bộ hệ thống ý nghĩ này sẽ biến mất. Nếu ý kiến khác với tôi cũng có quyền tồn tại như ý của tôi, thì không thể nói ý kiến nào là có thật hay đúng. Cả hai đều có thực hoặc không thực. Khi chúng ta thấy điều này, những thứ đối lập được cân bằng bên trong, và ý nghĩ không còn bị phân cực nữa. Chỉ khi ý nghĩ được cân bằng theo cách này thì cấu trúc tư duy nhị nguyên sẽ không còn hiệu lực và bắt đầu sụp đổ.
Đây không phải là điều mà chúng ta thấy một lần; nó là điều mà bất kỳ khi nào cần thấy chúng ta đều thấy. Không có chuyện đã từng thức tỉnh; đã từng thức tỉnh là quá khứ. Điều duy nhất đáng kể là hiện tại. Liệu tôi có thức tỉnh trước sự thật ngay lúc này, và không chỉ thức tỉnh trong tâm trí mà còn trong toàn bộ cuộc sống của tôi? Tôi có thực sự thấy rằng toàn bộ cấu trúc thế giới quan của cá nhân và chính cá nhân ấy chẳng qua chỉ là một giấc mơ trong tâm thức vũ trụ? Tất cả là ở chỗ đó.
Những gì chúng ta thấy hôm qua có thể tác động đến hôm nay hoặc không. Nếu nó vẫn còn sống khỏe và đó là nhận thức mà từ đó chúng ta đang nhìn nhận mọi thứ, tốt thôi; chúng ta không phải làm gì cả. Nếu không, thì chúng ta không được phủ nhận. Chúng ta phải sẵn sàng để nhận ra mình đang tin vào một điều gì đó; ở một chỗ nào đó, chúng ta đang bám chấp. Sẵn lòng không bỏ qua ảo tưởng là điều rất quan trọng. Thầy tôi bảo tôi rằng chúng ta đến Niết bàn qua nẻo luân hồi. Chúng ta đi đến sự thật, đến tự do, qua con đường nô lệ. Chúng ta tiến tới nhìn thấy bản chất thực sự của vạn vật bằng cách nhìn xuyên qua bản chất ảo tưởng của chúng.
Chúng ta không đến Niết bàn bằng cách tránh luân hồi. Chúng ta không đến thiên đường bằng cách tránh xa địa ngục hoặc cố gắng bước né khỏi nó. Chúng ta không đi tới thấu hiểu bằng cách né tránh nhầm lẫn. Chúng ta không đến với tự do bằng cách tránh khỏi cái chưa được tự do. Sự thật hoàn toàn ngược lại.
Những ảo tưởng của chúng ta – những niềm tin mà chúng ta bám lấy – chính là cánh cửa mở ra tự do của chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản là phải đi xuyên qua chúng mà không bám víu hoặc đẩy chúng ra. Chúng ta không được tin vào chúng, nhưng cũng không chạy trốn khỏi chúng. Chúng ta cần phải nhìn thấy từng khoảnh khắc thực sự vẫn còn nô lệ như một lời mời gọi đến tự do. Khi ấy, việc thôi không trốn tránh trở thành hành động của tình yêu và từ bi.
Mỗi khoảnh khắc đều là cần thiết phải xảy ra. Mỗi trải nghiệm chúng ta có là một lời mời gọi thiêng liêng. Nó có thể được chạm khắc tuyệt đẹp, hoặc rất mãnh liệt, nhưng mỗi khoảnh khắc đều là lời mời. Tôi hết sức nhấn mạnh điều này: kết cấu và dòng chảy cuộc sống của chúng ta, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, bản thân nó đã hé lộ sự tự do. Cuộc sống tự nó cho chúng ta thấy những gì chúng ta cần phải nhìn xuyên qua để được tự do.
Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta không trốn chạy khỏi cuộc sống, mà phải đối mặt với những gì đang xảy ra một cách trung thực và kiên trì. Khi làm thế, chúng ta thấy rằng mình thực sự đến Niết bàn qua nẻo luân hồi. Điều này không có nghĩa là chúng ta bị mắc kẹt trong vòng luân hồi. Thay vào đó, chúng ta gỡ mình ra khỏi nó. Chúng ta không bám dính vào những ý nghĩ huyễn ảo, luân hồi của mình nữa, và bằng cách ấy, chúng ta sẽ tới được Niết bàn.
Thức tỉnh cho thấy tự do hoàn hảo nằm sẵn trong chúng ta. Nó cũng trở thành nền móng để chúng ta phát triển những gì cần thiết – sự rõ ràng và can đảm – để nhìn sâu vào bất cứ điều gì có sức mạnh khiến chúng ta bám dính vào đau khổ và ý thức cá nhân. Dần dần, việc nhìn thấy và buông xả trở nên tự nhiên, tự phát. Ban đầu, nó có thể hơi tẻ nhạt. Có thể mất kha khá thời gian và có chủ định, thậm chí cần nỗ lực thực sự và kỷ luật; tuy nhiên, dần dà nó ngày càng trở nên tự nhiên hơn, tự động hơn. Đến một lúc nào đó, việc nhìn thấy và buông xả trở nên nhập tâm đến mức gần như tự động. Một ý nghĩ nảy sinh, rồi có thể có ý thức cá nhân nhất định. Ý nghĩ này lập tức được truy vấn và nó tự mở ra tự do. Một khi sự buông xả nội tâm này được nhập tâm sâu sắc, toàn bộ quá trình có thể chỉ mất nửa giây. Đó là cách sự thức tỉnh vận động. Đôi khi, chúng ta thậm chí không biết nó đang diễn ra. Nhưng nó đang diễn ra. Nhận thức đang giải phóng chính nó, hết lần này tới lần khác. Và như tôi đã nói, chìa khóa là phải chân thành. Đó là sự sẵn lòng, chân thành và trung thực tìm hiểu những gì đang diễn ra trong thân tâm chúng ta. Đó luôn là cánh cửa mở ra tự do – một sự tự do chỉ diễn ra ngay bây giờ, lúc này và hiện tại.