Tôi thích dùng ẩn dụ này để mô tả hành trình từ thức tỉnh tạm thời đến vĩnh viễn: đó là một con tàu tên lửa. Con tàu tên lửa cần một lực đẩy vô cùng lớn và một năng lượng khổng lồ để thoát khỏi mặt đất, sau đó nó phá vỡ trường trọng lực khi đi xuyên qua bầu trời và cuối cùng vào không gian.
Nếu tên lửa có đủ nhiên liệu và bay đủ xa khỏi Trái đất, cuối cùng nó có thể vượt qua trường hấp dẫn của hành tinh này. Một khi tên lửa vượt quá trường hấp dẫn của Trái đất, Trái đất không còn có thể kéo nó xuống.
Trong ẩn dụ này, có thể ví bản ngã, hay cái mà tôi gọi là trạng thái mê, là Trái đất. Trạng thái mê có một lực hấp dẫn; nó có khuynh hướng kéo nhận thức vào chính nó. Lực hấp dẫn này thực sự là cái mà người ta phải giải quyết trong suốt hành trình tâm linh. Thức tỉnh là đang thoát khỏi lực hấp dẫn này. Ban đầu, nó có thể chỉ đơn giản là ra khỏi trạng thái mê, thức tỉnh từ trạng thái mê của cái “tôi” chia rẽ và đơn lẻ. Chúng ta thức tỉnh không có nghĩa là ý thức đã vượt qua được lực hấp dẫn của trạng thái mê. Nếu không vượt qua khỏi trường hấp dẫn này, chúng ta sẽ bị đẩy trở lại với trải nghiệm về “tôi” và nhận thức về sự chia rẽ.
Điều này gây ra hiện tượng mà tôi gọi là “Tôi đã có rồi lại mất”. Mọi người thông báo là đã có những nhận thức tuyệt vời về chân lý, nhưng rồi ngày hôm sau, vào tuần tới, tháng sau hay năm sau, họ cảm thấy đã mất nó. Nó giống như một con tàu tên lửa rời mặt đất, đi lên vài dặm vào khí quyển, sau đó hết nhiên liệu và bị kéo trở về Trái đất.
Ẩn dụ tàu tên lửa này là một cách hình dung về quá trình thức tỉnh. Bản thân thời điểm thức tỉnh – đi từ trạng thái mê đến thực tại – không phải là một quá trình. Nó luôn luôn xảy ra một cách tự phát. Nhưng như tôi đã nói, cái tôi tan rã phải mất thời gian. Mặc dù thời điểm thức tỉnh là tức thì, còn có một quá trình tiếp sau đó – quá trình vượt lên lực hấp dẫn của trạng thái mê.
“Tôi thức tỉnh rồi, nhưng...”
Mọi người thường hay đến nói với tôi: “Adya, tôi thức tỉnh rồi, nhưng...”. Tất nhiên, ngay khi họ nói “nhưng”, là người thầy, tôi biết rằng lúc này họ không còn thức tỉnh nữa. Có lẽ họ đã có một khoảnh khắc vượt khỏi giới hạn của nhị nguyên và chứng ngộ sự thật, nhưng họ không trải nghiệm được sự thức tỉnh vĩnh cửu; ngay lúc này, họ không còn thức tỉnh.
Về phương diện thức tỉnh, mọi vấn đề đều đúng ngay ở đây và bây giờ. Những gì xảy ra hôm qua không thực sự liên quan lắm đến những gì đang diễn ra hôm nay. Câu hỏi không phải là: “Có phải tôi đã thức tỉnh không?”. Câu hỏi đặt ra là: “Có phải sự thức tỉnh đang diễn ra ngay ở đây và ngay bây giờ không?”.
Khi ai đó đến với tôi và nói “Adya, tôi đã thức tỉnh”, điều đầu tiên tôi muốn làm rõ với người đó là, liệu tâm trí anh có đồng hành với sự thức tỉnh hay không. Bởi vì nếu người đó nói “tôi” như một cá nhân, một cái “tôi” đã thức tỉnh thì đó chỉ là một ảo tưởng. Nếu là thức tỉnh thật sự, chúng ta biết rằng đó không phải là “tôi” đã thức tỉnh. Thức tỉnh là tỉnh dậy khỏi cái “tôi”; Tâm Linh bừng tỉnh khỏi sự nhầm tưởng nó với bản ngã.
Bản ngã không thức tỉnh; cái “tôi” không thức tỉnh. Chúng ta không phải là bản ngã; không phải là “tôi”. Chúng ta là người thức tỉnh trước bản ngã và cái “tôi”. Chúng ta là những người đang thức tỉnh với thế giới, và cũng là cả thế giới, khi nhìn từ quan điểm sự thật.
Vì vậy, với tư cách là một người thầy, trước tiên tôi muốn tìm hiểu xem có ai đó đang tuyên bố thức tỉnh từ quan điểm của cái tôi. Liệu người đó có thực sự tin rằng “tôi” như một cá nhân đã thức tỉnh? Tất nhiên, trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta sử dụng các từ như “tôi” và “bản thân tôi”– cho nên dùng các từ này không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, là thầy, điều đầu tiên tôi cố gắng làm sáng tỏ – và cũng là điều đầu tiên tôi nghĩ mọi người nên làm rõ với chính mình – là không có cái “tôi” nào thức tỉnh cả. Thức tỉnh là thức dậy khỏi cái “tôi”.
Hay như đôi khi tôi thích nói: đó là sự giác ngộ được giác ngộ. Nó không phải là “tôi” giác ngộ. Không có cá nhân được giác ngộ. Đó là sự giác ngộ được khai ngộ. Điều này có thể khó hiểu cho đến khi tự mình được trải nghiệm, nhưng dĩ nhiên, tất cả tâm linh đều như thế. Mọi thứ phải được tự mình xác minh bên trong chính mình.
Hiện tượng “Tôi đã có rồi lại mất” là cuộc đấu tranh giữa bản chất chân thật của chúng ta và nhận thức huyễn ảo của chúng ta về bản thân. Nó có nghĩa là nhận thức chúng ta chưa vượt qua được trường trọng lực trong trạng thái mê của cái tôi, thế nên chúng ta chao đảo giữa bản chất thật của mình với nhận thức huyễn ảo về bản ngã – tiến rồi lui, tiến rồi lui.
Điều này có thể gây bối rối và theo cách nào đó có thể cảm thấy như bị tâm thần phân liệt. Chúng ta đã nhìn thấy một thực tại sâu sắc hơn rồi sau đó lại thấy mình rơi trở lại trạng thái mê. Một phần chúng ta vẫn biết cái thực tại sâu sắc này; một phần chúng ta biết rằng cái tôi là không thật. Một phần chúng ta biết rằng bất cứ điều gì mà tâm trí chúng ta tin, bất kể nó giải thích là gì, thực sự không gì khác hơn là một giấc mơ trong tâm trí và cơ thể. Nhưng lực hấp dẫn của trạng thái mê vẫn có thể rất mạnh. Ngay cả khi biết sự thật về con người mình, chúng ta vẫn có thể thấy mình đang tin vào cái tôi. Mặc dù chúng ta có thể biết rằng một ý nghĩ là vô giá trị, là hoàn toàn không thật, nhưng ta có thể vẫn cứ tin tưởng vào nó.
Trước khi thức tỉnh, chúng ta tin hoặc không tin vào một ý nghĩ; đó là tất cả những gì chúng ta biết. Thế này hoặc thế kia. Nhưng sau khi thoáng có cái nhìn thức tỉnh, mọi thứ có thể trở nên rất lạ. Chúng ta có thể cùng lúc vừa tin lại vừa không tin một ý nghĩ, hoặc chúng ta có thể hành động theo cách mà chúng ta biết là nó không xuất phát từ tầm nhìn không chia rẽ mà chúng ta đã thấy. Tựa như chúng ta cảm thấy có sức mạnh bên trong mà ta không hiểu, ép buộc ta hành xử theo cách mà chúng ta biết là không chân thật.
Có nhiều ví dụ về những trải nghiệm loại này. Nếu bạn nhận ra mình có gặp hiện tượng này, tôi chỉ có thể nói rằng nó rất phổ biến. Điều đó không có nghĩa là nó không gây xáo trộn. Thường thì nó như thể bạn đã thực hiện một cú nhảy ngược vĩ đại, rằng bạn đã thụt lùi. Làm sao mà cùng lúc bạn có thể vừa tin, vừa không tin một ý nghĩ? Làm sao đang nói chuyện với ai đó, bạn có thể nói những điều xuất phát từ cái tôi, biết chúng đến từ đâu, nhưng vẫn cứ nói ra? Điều này gây bối rối vô cùng.
Ở thời điểm này, rất nhiều người cho rằng họ đã bị sai ở đâu đó; rằng một cái gì đó đã đi sai ghê gớm. Nhưng điều quan trọng cần biết là không có gì sai cả. Bạn đã không làm gì sai. Đây chỉ là giai đoạn tiếp theo của sự thức tỉnh, mở ra chặng tiếp theo. Như tôi đã nói, hiếm khi có ai đó thức tỉnh lần đầu tiên và vĩnh viễn. Nó có xảy ra, nhưng không thường xuyên như loại thức tỉnh mà trong đó nhận thức của chúng ta lung lay chao đảo. Một số vị thầy có thể nói rằng nếu sự thức tỉnh lung lay thì đó không phải là thức tỉnh thực sự. Tôi không nằm trong số họ, vì những lý do mà tôi đã nêu trên. Nếu chúng ta nhìn thấy sự thật tức là chúng ta đã thấy sự thật. Cho dù nhìn thấy trong hai giây hay hai ngàn năm thì vẫn là cùng một sự thật.
Với sự thức tỉnh, cột mốc ngày càng cao
Bạn làm gì trong giai đoạn đặc biệt này, khi sự thức tỉnh chao đảo – bật rồi tắt như một công tắc đèn ai đó cứ gạt lên gạt xuống – mà bạn không kiểm soát được?
Đầu tiên, bạn bắt đầu hiểu rằng không có gì sai cả, đó chỉ là bước tiếp theo trong hành trình của bạn. Nếu chạy trốn khỏi trải nghiệm này, nếu bạn cố gắng giải quyết rắc rối này bằng cách chạy ngược lại và tìm kiếm nơi thức tỉnh thì bạn đang né tránh đoạn này của hành trình. Một khi nhận ra ở đây không có vấn đề gì, bạn sẽ thấy rằng có thể vẫn còn những bối rối và đau đớn, nhưng không sao; sự chao đảo có thể rất đau đớn. Thật ra, nhận thấy nó không thật, biết là nó không đúng mà vẫn hành động theo cách đó thì còn gây đau khổ hơn. Trước đây, chúng ta có thể hành động không dựa trên sự thật, nhưng chúng ta không biết điều đó – chúng ta hoàn toàn ở trong trạng thái mê. Như Chúa Jesus phán: “Hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết mình làm gì”. Khi ở trong trạng thái mê, chúng ta không biết mình đang làm gì. Chúng ta chỉ đơn giản là hành động theo một lập trình rất sâu. Nhưng một khi đã nhìn thấy bản chất thực sự của vạn vật – khi Tâm Linh trong ta bừng tỉnh – chúng ta bỗng nhiên biết mình đang làm gì. Có một nhận thức chính xác hơn về việc liệu chúng ta có đang chuyển động, nói năng hay thậm chí suy nghĩ dựa trên sự thật hay không. Khi ta biết mà vẫn hành động không xuất phát từ sự thật thì nó đau đớn hơn nhiều so với việc chúng ta không biết mình hành động không thật. Khi nói với ai điều mà chúng ta biết là không thật, nó gây ra sự giằng xé nội tâm đau đớn hơn rất nhiều so với việc chúng ta nói cũng điều ấy mà nghĩ đó là sự thật.
Vì vậy, với sự thức tỉnh, các cột mốc cao lên. Chúng ta càng thức tỉnh thì các cột mốc càng cao. Tôi nhớ hồi tôi ở một thời gian trong một tu viện Phật giáo. Vị nữ trụ trì, một phụ nữ tuyệt vời, đã ví quá trình thức tỉnh này như leo thang. Càng bước lên, bạn càng có xu hướng ít nhìn xuống. Bạn càng ít có xu hướng hành động, nói hay làm theo những cách mà bạn biết là không đúng sự thật. Bạn bắt đầu nhận ra rằng hệ quả trở nên lớn hơn; chúng ta càng thức tỉnh thì hệ quả càng lớn. Cuối cùng, hệ quả của hành động không đúng sự thật trở nên khổng lồ; hành động hay hành vi nhỏ nhất không phù hợp với sự thật có thể là không chịu đựng nổi đối với chúng ta.
Loại trách nhiệm này không phải là điều mà chúng ta tính đến khi hình dung về thức tỉnh. Chúng ta tưởng rằng thức tỉnh sẽ là được tự do ra khỏi nhà tù không kèm điều kiện gì. Cái tự do tâm linh mà chúng ta có được khi vừa mới thức tỉnh chỉ là sơ khai.
Chúng ta tưởng tự do là một điều cá nhân; rằng đó là cảm giác tuyệt vời và không ràng buộc. Nhưng tự do có nhiều sắc thái hơn thế. Nó không phải là một điều cá nhân; nó không phải là thâu tóm về cho chúng ta.
Khi trở nên ý thức hơn, chúng ta bắt đầu thấy rằng có những hệ quả. Có hệ quả đối với mọi thứ, và chúng sẽ ngày càng lớn nếu chúng ta hành xử không hài hòa với những gì mà chúng ta biết là sự thật. Đây thực sự là một điều tuyệt vời. Tôi gọi nó là ân huệ tàn nhẫn. Nó không phải là một ân huệ nhẹ nhàng; nó không phải loại ân huệ đẹp đẽ và thăng hoa. Nhưng dù sao đó là một ân huệ. Chúng ta biết rằng khi hành động từ những gì không phải là sự thật, chúng ta sẽ chỉ gây ra đau khổ. Sự hiểu biết đó là một ân huệ.
Thực tại luôn luôn thật với chính nó. Khi hòa hợp với thực tại, bạn sẽ trải nghiệm hạnh phúc. Khi không hòa hợp với nó, lập tức bạn trải nghiệm nỗi đau. Đây là quy luật của vũ trụ; là cách mọi thứ diễn ra. Không ai thoát khỏi quy luật này. Đối với tôi, hiểu biết này là một ân huệ. Thực tại là bất biến. Tranh cãi với nó, chống lại nó, thì nó sẽ gây tổn thương – lần nào cũng vậy. Nó sẽ làm tổn thương bạn, làm tổn thương người khác, và nó sẽ góp phần vào xung đột chung của tất thảy chúng sinh.
Nhưng sự tàn nhẫn này cũng rất đẹp. Nó giúp định hướng cho chúng ta đi sâu hơn, sâu mãi vào bản chất chân thật của mình. Chúng ta nhận ra rằng hành xử chệch ra khỏi bản chất thật của chúng ta tức là hủy hoại bản thân, không kém phần quan trọng là làm hại cả thế giới và người khác quanh ta. Càng hiểu điều này, chúng ta càng có khả năng tự chấn chỉnh mình khi kết thúc khóa học.
Cái đà nghiệp lực của chúng ta
Vậy thì tại sao sự thức tỉnh lại lung lay chao đảo? Chủ yếu là vì tình trạng của chúng ta. Có những phần trong chúng ta ở tình trạng mà ban đầu, thậm chí ngay cả sự thức tỉnh cũng không thể xâm nhập. Do đó, chúng ta không được giải phóng hoàn toàn.
Một từ khác để gọi tình trạng đó là nghiệp. Nghiệp (karma) là một từ dùng ở phương Đông, nếu tước bỏ đi những giải thích và định nghĩa huyền bí thì nó có nghĩa là nguyên nhân và hệ quả. Nó là nhân quả mà chúng ta tích lũy từ cuộc sống của mình – những điều chúng ta có xu hướng thích hoặc không thích dựa trên kinh nghiệm quá khứ của mình.
Thực trạng của ta phần lớn là từ xuất thân gia đình, cuộc sống mà ta đã sống, những hoàn cảnh ta đã rơi vào và những kinh nghiệm sống mà ta có. Cha mẹ và xã hội lập trình cơ thể và tâm trí chúng ta bằng những quan điểm, niềm tin, đạo đức và chuẩn mực của họ. Như thế, chúng ta được đào tạo để thích những thứ nhất định này chứ không phải thứ khác, muốn những tình huống nhất định này xảy ra chứ không phải tình huống khác, để theo đuổi danh vọng, của cải, tiền bạc, tâm linh hay tình yêu.
Tất cả những điều này hợp thành thực trạng của chúng ta. Nó giống như một chương trình máy tính. Nếu có máy tính và bạn tải về một chương trình, bạn đang “lập trình” máy tính để hoạt động một cách cụ thể. Lập trình con người thực ra cũng giống như thế. Qua hoàn cảnh sống, sự nuôi dưỡng và tất cả những điều còn lại, con người được điều kiện hóa hoặc lập trình để cư xử theo những cách nhất định.
Bạn sẽ thấy rằng nếu bạn hiểu rõ ai đó, trở thành người bạn thân thiết, người yêu hay bạn đời của họ thì bạn cũng biết thực trạng của họ. Vì thế, bạn có thể dự đoán, với độ chính xác cao, họ sẽ phản ứng như thế nào trong một hoàn cảnh nhất định – họ muốn hay không muốn điều gì, họ có xu hướng tránh hay tiến tới cái gì. Một khi chúng ta biết được thực trạng của ai thì hành vi của họ trở nên rất dễ đoán.
Với đa số mọi người, toàn bộ ý thức về bản thân đều xuất phát từ thực trạng của họ. Con người thực sự đã được lập trình, được bảo ban, dạy dỗ họ là ai. Người tốt hay xấu, xứng đáng hay không xứng đáng, đáng yêu hay không đáng yêu – tất cả đều được lập trình, và tất cả những thứ này tạo ra một nhận thức sai lầm về bản thân.
Tương tự, chúng ta bị lập trình để nhìn thế giới theo một cách nhất định. Chúng ta được dạy để nhìn thế giới qua quan điểm nào đó. Có người nghĩ rằng thế giới là một nơi tuyệt vời; có người nghĩ nó đầy đe dọa. Một số người nghiêng về quan điểm tự do; một số có quan điểm bảo thủ hơn. Tất cả đều là một phần của tình trạng thân và tâm, đều xây nên một quan điểm nhị nguyên về cuộc sống và một cái nhìn nhị nguyên về bản ngã. Nhị nguyên chính là điều tôi muốn nói khi đề cập tới thực trạng.
Tuy nhiên, vào khoảnh khắc thức tỉnh thực sự, Tâm Linh hay Nhận Thức được giải thoát khỏi trạng thái bị lập trình này. Nhận thức đột nhiên thức tỉnh khỏi cái tôi bị điều kiện hóa của mình, như thể bừng tỉnh khỏi giấc mơ. Chỉ khi nào thức tỉnh khỏi cái tôi huyễn ảo, bị điều kiện hóa của mình thì chúng ta mới biết được trọng lượng và gánh nặng kinh khủng của trạng thái bị lập trình ấy.
Vào thời điểm thức tỉnh và có thể một thời gian sau đó, người ta rất xa lạ với ý niệm rằng cái thực trạng đó có thể trỗi dậy hoặc lại gây rắc rối. Đây là một trong những dấu hiệu nổi bật của trạng thái thức tỉnh – ý thức rằng ta sẽ không bao giờ nhầm tưởng bản thân với cái tôi bị điều kiện hóa. Dường như không thể tưởng tượng rằng ta sẽ lại rơi vào trạng thái chia rẽ. Ý thức nhất thể này là thuộc tính của trạng thái thức tỉnh.
Tuy nhiên, đa số những người có trải nghiệm thức tỉnh, đến một thời điểm nào đó, sẽ thấy cái thực trạng của mình nảy sinh trở lại. Tất nhiên, sự thức tỉnh đã thổi bay một số lớn các điều mặc định; thực sự xóa chúng khỏi tâm trí. Nhưng tùy từng người mà số lượng này khác nhau. Đối với một số người, 10% thực trạng của họ biến mất. Với những người khác, nó có thể là 90%. Với một số người khác, nó sẽ ở khoảng giữa. Thật khó để nói tại sao sự thức tỉnh ảnh hưởng đến thực trạng của mỗi người mỗi khác. Tôi có thể đưa ra các phỏng đoán và rơi vào cuộc thảo luận siêu hình về chuyện gì có lẽ đang diễn ra, nhưng cuối cùng thì lý do tại sao không quan trọng. Dù thế nào, chúng ta vẫn phải đối phó với những gì đang gặp phải. Rõ ràng, mỗi người có một loại nghiệp quả khác nhau, mỗi người có một nghiệp chướng khác nhau mà họ phải gánh. Và chẳng ích gì khi phàn nàn về nghiệp chướng của mình, cho dù bạn nhận thấy nó lớn hơn hay nhỏ hơn của người khác. Nó thế nào thì vẫn thế. Nghiệp chướng thực sự không ảnh hưởng lắm đến việc chúng ta có thể thức tỉnh hay không, nhưng nó có thể liên quan đến những gì xảy ra ngay sau khi thức tỉnh.
Đặt câu hỏi đúng
Khi sự thức tỉnh bị lung lay, người ta thường hỏi tôi: “Làm thế nào để tôi ở lại trạng thái thức tỉnh?”. Câu hỏi đó bị sai. Trong tâm linh, điều quan trọng là chúng ta phải đặt câu hỏi đúng. Tự hỏi làm thế nào để ở lại trạng thái thức tỉnh là một việc hợp lý, nhưng bản thân câu hỏi lại phát sinh từ trạng thái mê. Tâm Linh không bao giờ tự hỏi: “Làm sao tôi có thể ở lại trong chính mình?”. Điều đó thật ngớ ngẩn. Nó đúng là vô nghĩa, xét từ bản chất thực sự của vạn vật. Tự hỏi sao mình thôi giác ngộ thì có ý nghĩa hơn. Cái gì vẫn còn vướng mắc? Cái gì còn mơ hồ chưa hiểu? Những tình huống nào trong cuộc đời có thể khiến bạn tin vào những điều sai sự thật rồi rơi vào mâu thuẫn, đau khổ và chia rẽ? Chính xác là cái gì có sức mạnh lôi kéo ý thức trở lại trường trọng lực của trạng thái mê? Chúng ta không nên hỏi “Làm thế nào để tôi thức tỉnh?”. Thay vào đó, chúng ta nên hỏi “Vì sao tôi thôi giác ngộ? Cụ thể tôi để mình lại sa vào ảo tưởng như thế nào?”.
Không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này, vì không có một lý do duy nhất. Không có một cách duy nhất cho tất cả mọi người. Người ta bị lực hút của trạng thái mê kéo lại bởi nhiều lý do: những giả định vô thức và các dạng niềm tin vẫn còn, những mâu thuẫn vô thức bằng cách nào đó đã sống sót qua cơn bùng nổ thức tỉnh rồi tự nhen nhóm lên, và các dạng thức khác nhau của nghiệp.
Bước tiếp theo ở đây là chân thành với bản thân mình và nhìn sâu vào điều gì khiến bạn trở lại trạng thái chia rẽ. Bạn cần phải điểm mặt chỉ tên được những con đường cụ thể, những suy nghĩ cụ thể, những niềm tin cụ thể đưa bạn trở lại cơn mê.
Giai đoạn mở ra sau khi thức tỉnh không hẳn là về các thực hành tâm linh nâng cao. Rất nhiều hiện trạng trên bề mặt cuộc sống của chúng ta bị khuấy lên trong sự rung chuyển và sụp đổ của tồn tại. Chúng ta vẫn có quan hệ với các tình huống và con người, tương tác với người thân yêu, bạn bè, con cái và những thứ còn lại. Đây là chỗ tấm vải cuộc sống xù xì nhất mà miếng chùi tâm linh chà xát vào. Điều cần thiết là sẵn lòng để cuộc sống chạm vào bạn, để cho mình thấy cuộc sống chạm vào mình, để xem liệu mình có sa vào bất kỳ loại chia rẽ nào của cuộc sống hay không; liệu bạn có rơi vào phán xét, đổ lỗi, băn khoăn “nên” hay “không nên”, liệu bạn có chỉ ngón tay đổ lỗi sang bất kỳ chỗ nào khác ngoài chính mình.
Bạn sẽ đối diện với sự thật rằng người duy nhất có thể gây ra cho mình đau khổ, hiểu lầm, ảo tưởng và chia rẽ, người có nhiều quyền lực đến thế lại chính là mình. Chẳng có gì ở môi trường bên ngoài làm cho ta mất đi cảm giác về trạng thái thức tỉnh. Không có ai hay tình huống nào mà ta gặp lại có sức mạnh khiến ta rơi khỏi sự thức tỉnh.
Đây là một trong những nhận thức quan trọng nhất mà chúng ta có thể có. Tất cả là ở nội tâm. Tất cả là do ta đã hành động một cách sai lầm, vô minh, và thường là vô thức.
Vì vậy, sự khác biệt ở đây là, nếu thực sự thức tỉnh, chúng ta ít hẳn liên hệ cá nhân với tất cả những thực trạng/nghiệp còn lại này. Trước khi thức tỉnh, thực trạng của ta được coi là vô cùng cá nhân. Thực trạng của ta xác định con người ta. Ý thức bản ngã bắt nguồn từ thực trạng của chúng ta, từ cái tôi giả tưởng, từ những niềm tin, quan điểm, mong muốn của chúng ta và tất cả những thứ còn lại. Trước khi thức tỉnh, chúng ta chìm trong trạng thái mê, và trạng thái mê đã định nghĩa chúng ta. Một khi thức tỉnh xảy ra – nếu đó đúng là thức tỉnh thật sự – chúng ta nhận ra rằng ngay cả khi các ảo tưởng vẫn tồn tại, chúng không phải là cá nhân, và chúng không định nghĩa chúng ta.
Đây là ưu thế lớn của chúng ta. Thật dễ dàng hơn nhiều khi xử lý cái gì đó mà nó không định nghĩa cái tôi của mình. Thế thì không đáng sợ lắm. Một khi nhận thức được, từ trạng thái thức tỉnh, rằng nghiệp riêng của mỗi người không phải là chuyện cá nhân – không liên quan đến bất kỳ cái tôi, bất kỳ cơ thể, con người nào – thì tình hình dễ xử hơn rất nhiều. Chúng ta hiểu rằng những gì chúng ta đang trải nghiệm là ảo tưởng, nó là do nhận thức sai lầm thúc đẩy.
Ví như bạn đang ở trong ô tô chạy dọc đường cao tốc, rồi bất ngờ nhấc chân lên khỏi bàn đạp ga. Khoảnh khắc chân bạn nhấc lên là một ẩn dụ về thức tỉnh: “Ôi trời ơi, chiếc xe này không định nghĩa con người tôi. Lái chiếc xe này không định nghĩa tôi. Chân tôi trên bàn đạp ga không định nghĩa tôi. Nơi chiếc xe này tới không định nghĩa tôi. Môi trường mà nó đi qua không định nghĩa tôi. Tất cả những thứ này không liên quan gì đến bản chất tôi là ai hay cái gì”. Sự thức tỉnh cho thấy điều đó.
Khi thức tỉnh, chúng ta không còn nuôi dưỡng tâm thức chia rẽ mê muội, không tiếp năng lượng cho nó nữa. Nhưng ngay cả khi bạn không đặt lại chân lên bàn đạp ga nữa thì chiếc xe vẫn còn cái đà nghiệp lực. Thường thì nó không dừng lại ngay lập tức. Nó chậm xuống từ từ theo thời gian.
Điều đó nói lên rằng, chúng ta cũng có thể tiếp thêm năng lượng vào cái đà hiện tại. Chúng ta phải quan sát và phát hiện ra khi nào mình đang nhảy vào xe và đặt chân trở lại trên bàn đạp ga. Mỗi khi chúng ta tự đồng nhất mình với thực trạng hoặc nghiệp, mỗi khi tin vào một ý nghĩ, chúng ta lại đưa năng lượng trở về trạng thái mê, lại đặt chân lên bàn đạp ga đó.
Vì vậy, quá trình sau khi thức tỉnh gồm cả việc học cách giữ cho chân xa khỏi bàn đạp ga và nhận ra những gì khiến chân bạn đặt lên đấy. Mặc dù nó không phải là chuyện cá nhân – dù việc quay lại với cái tôi là hoàn toàn tự phát, không xảy ra với cá nhân ai và không phải lỗi của một ai – chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu xem nó xảy ra như thế nào.
Ở đây, chính cuộc sống là đồng minh lớn nhất của bạn. Như tôi đã nói, cuộc sống là nơi mà tấm chùi tâm linh cọ xát. Cuộc sống sẽ cho chúng ta biết chỗ nào ta chưa rõ. Kết nối với cuộc sống và những người khác cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta có thể vẫn còn vướng mắc ở đâu. Nếu thật sự chân thành, chúng ta sẽ không cố gắng trốn tránh trong hồi tưởng về trạng thái thức tỉnh, trong nhận thức về tuyệt đối. Chúng ta sẽ ra khỏi chỗ nấp. Chúng ta sẽ không bám lấy bất cứ thứ gì.
Ý tôi là dường như thức tỉnh một khoảnh khắc rồi sau đó lại rơi vào ngủ mê là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Tự nhiên như cảm thấy mình quên mất một vài nhận thức mà mình đã có vào tuần trước, tháng trước hay năm ngoái. Điều quan trọng nhất là phải biết rằng nó là tự nhiên. Không có gì sai; mọi thứ đã đi đến một tầng sâu hơn. Toàn bộ cơ chế của bạn đang được nạo vét sạch sẽ một cách sâu hơn. Giờ đây, bạn có thể thấy mình trong một ánh sáng rõ ràng hơn, và bạn có khả năng nhìn thấy, một cách sống động hơn, xu hướng mình đang đi vào chỗ chia rẽ. Bạn đang nhìn thấy những điều trước kia là vô thức. Chúng đã điều khiển bạn mà bạn không hề biết thực sự chuyện gì đang diễn ra. Nhưng bây giờ bạn có thể bắt đầu thấy những gì trước đây chưa được nhận thức. Việc cho phép mọi thứ trở nên ngày càng được ý thức hơn là một phần quan trọng của quá trình xảy ra sau khi thức tỉnh.
Bám chấp vào cái Tuyệt Đối là một cách né tránh con người chúng ta
Không nên nhầm lẫn những gì tôi đang giảng là một kế hoạch cải thiện bản ngã. Đây không phải về việc trở thành một người hoàn hảo. Đây là về nhìn thấy nguyên nhân gây ra sự chia rẽ nội tâm. Điều này rất khác so với mục tiêu trở thành một người hoàn hảo, bởi vì thức tỉnh và giác ngộ không liên quan gì đến việc trở nên hoàn hảo, thiêng liêng hay thánh thiện. Điều thiêng liêng thực sự là nhận thức từ sự nhất thể, có nghĩa là không chia rẽ nội tâm. Cần chữa lành cái gây nên chia rẽ trong ta. Sau khi thoáng có cái nhìn thức tỉnh, điều cần thiết là trung thực triệt để, sẵn lòng tìm xem vì sao chúng ta chưa giác ngộ được, sao chúng ta phải quay về với trọng lực của trạng thái mê, sao chúng ta lại để mình bị chia rẽ bên trong.
Đưa người ta đến trạng thái trung thực này, hoặc gợi ý cho họ đến đó có thể là một điều khó khăn với người thầy tâm linh. Nguyên nhân là vì trong cái tôi có một khuynh hướng mạnh mẽ vin vào thức tỉnh như một cái cớ để trốn tránh tất cả các chia rẽ nội tâm của mình. Khi tôi đề nghị một số điều như đang nói ở đây, ví dụ nhận ra chỗ nào mình chưa giác ngộ, một vài học viên của tôi nói: “Nhưng không có ai làm việc đó. Không có người nào ở đây cả. Cái tôi và cá nhân là một ảo tưởng, thế nên thực sự không có ai để nhìn vào nội tâm”. Nhận thức từ góc độ thức tỉnh thì không có vấn đề gì tồn tại, thậm chí ngay cả khi mọi thứ là một mớ hỗn độn. Nhận thức từ góc độ thức tỉnh, không có vấn đề gì do đó không có gì để làm. “Nếu nhận thức rằng có gì đó để làm thì bạn nhầm rồi”.
Rất khó cho bất kỳ bậc thầy tâm linh nào để đả thông được những học viên như vậy, giúp họ đừng bám chấp vào cái nhìn tuyệt đối. Đây là một trong những nguy cơ của thức tỉnh: xu hướng bám vào một quan điểm khập khiễng. Chúng ta tóm lấy quan điểm tuyệt đối về thức tỉnh và phủ nhận bất cứ điều gì khác. Thực ra đây chính là bản ngã bám chặt lấy cái tuyệt đối, dùng nó như một cái cớ để chối bỏ hành vi, các dạng ý nghĩ không giác ngộ và các trạng thái cảm xúc chia rẽ. Khi tóm lấy một quan điểm bất kỳ là chúng ta đã mù quáng với mọi thứ khác.
Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rằng một phần quan trọng của giai đoạn này là sự sẵn lòng, cam kết chân thành, thành thật với chính mình. Vâng, có một quan điểm tuyệt đối. Đúng là không có vấn đề gì thật. Đúng là không có cái tôi tách rời ra. Đúng là không có ai làm những gì tôi đang nói. Nhưng không phải tôi đang nói với bản ngã ở đây. Tôi không bảo bản ngã nên hoặc không nên làm gì đó. Tôi không nói với bất kỳ ý thức nào của một cái tôi riêng biệt. Tôi đang nói với chính bản thân thực tại. Tâm Linh đang nói chuyện với Tâm Linh ở đây. Thực tại đang nói với thực tại.
Nó có vẻ giống như tôi đang nói chuyện với một người và hướng dẫn người đó, nhưng không phải. Ở đây tôi đang nói tới thuộc tính bên trong nhận thức về sự thức tỉnh. Rằng sự thức tỉnh luôn tiến về phía chưa thức tỉnh. Rằng cái thức tỉnh không sợ hãi cái chưa thức tỉnh. Nó không có bất kỳ nỗi sợ nào, bởi vì nó không nhận thức bất cứ điều gì là riêng biệt hoặc khác với chính nó. Rằng thức tỉnh thậm chí còn không nhận thức ảo tưởng hay trạng thái mê là riêng biệt hay khác với chính nó. Nó thấy rằng tất cả mọi thứ là chính nó, ngang bằng chính nó.
Nếu trung thực, chúng ta có thể nhận thấy trong bản chất tồn tại của chúng ta có một vận động luôn luôn hướng tới giải thoát khỏi bất kỳ giới hạn nào, giải phóng bản thân khỏi trạng thái mê. Có một mong muốn, tạm gọi là thế vì không có từ nào hơn, được giải thoát khỏi tham sân si, hoặc bất cứ cảm giác cầm tù nào. Sự tồn tại của chúng ta sẽ không trọn vẹn cho đến khi nó tự giải phóng bản thân khỏi những hiểu lầm, bám chấp, những ảo ảnh của chính nó.
Để cho phép điều đó xảy ra, là một người trần thế, chúng ta phải sẵn lòng trung thực với chính mình. Mặc dù không phủ nhận những gì đã thấy, chúng ta cũng phải xem mọi thứ đang diễn ra như thế nào, ngay tại đây và bây giờ. Chúng ta cần xem xét. Chúng ta cần phải hỏi: “Điều gì trong tôi vẫn có thể đi vào chỗ chia rẽ? Điều gì trong tôi vẫn có thể đi vào chỗ tham sân si? Điều gì trong tôi có thể khiến tôi cảm thấy bị tách rời, cô lập, đầy nỗi buồn? Những chỗ nào trong tôi còn chưa thức tỉnh?”.
Chúng ta cần thấy những chỗ này, bởi vì từ bi đã thức tỉnh trong ta. Bản chất của nó là không chia rẽ, là tình yêu vô điều kiện. Nó không bỏ cái chưa thức tỉnh mà đi; nó tiến về phía đó. Cái đã thức tỉnh trong ta không rời bỏ những mâu thuẫn trong các hình mẫu tư duy hoặc hành vi của chúng ta. Nó không đi khỏi những bám chấp, không thoát ra khỏi đau đớn mà hoàn toàn ngược lại. Nó di chuyển về phía ấy.
Đó là lý do tại sao nhiều người thật sự giác ngộ – những người tuyên bố rằng mọi thứ đều tốt, tất cả đều ổn, nhận thức rằng không cần phải thay đổi bất cứ ai hay điều gì – thường lại chính là người hướng về phía những ai đau khổ, chưa nhận thức sự thật. Những người thật sự giác ngộ thường cống hiến cả cuộc đời mình vì lợi ích của người khác.
Thế thì tại sao họ làm điều đó? Nếu mọi thứ đều hoàn hảo thế, nếu không có gì cần phải thay đổi, nếu mọi thứ là linh thiêng và thần thánh y như thế, nếu cái gì cũng tốt đẹp ngay cả khi mọi thứ không ổn, thì tại sao những vị giác ngộ này lại cống hiến cuộc đời mình cho lợi ích của người khác – để làm cái gì? Chà, chẳng vì cái gì cả. Nếu quan điểm tuyệt đối là quan điểm duy nhất, họ sẽ không làm điều đó.
Tôi xin gợi ý rằng lý do rất nhiều người thực sự thức tỉnh đã cống hiến hết mình vì lợi ích của người khác là vì họ đã không bám chấp vào cái nhìn tuyệt đối. Không phủ nhận quan điểm tuyệt đối về sự hoàn hảo, họ cởi mở để nhận thức được điều gì đó hơn nữa. Họ cởi mở để nhận thức được lòng từ bi vốn có ở bản thân thực tại.
Thực tại đang trong quá trình thức tỉnh mọi thứ thuộc về nó để nhận ra chính nó. Và một phần của bức tranh sẽ rất khó thấy nếu chúng ta cứ bám theo quan điểm tuyệt đối – nếu chúng ta vin vào quan điểm tuyệt đối để che giấu con người chúng ta. Con người của chúng ta cũng là thiêng liêng, con người của chúng ta tìm cách để được xuyên thấm vào với chân lý và thực tại.
Để quá trình thức tỉnh trọn vẹn này được tự hoàn tất, cần thiết phải tuyệt đối chân thành. Đây không phải là một phương pháp điều trị. Chúng ta không tìm hiểu bản thân để cố gắng sửa chữa mọi thứ cho có hạnh phúc. Làm thế là theo nhận thức từ trạng thái mê, và nó có thể hữu ích nếu chúng ta vẫn còn trong trạng thái mê. Nhưng tôi đang nói đến một động cơ khác. Đấy là nhận ra bản chất vốn có của thực tại để thức tỉnh mọi thứ thuộc về nó nhận ra chính nó. Đó là điều mà thực tại đang thực hiện. Bên trong bạn và bên trong mọi người, thực tại đang chuyển động để đánh thức mọi ngóc ngách của nó về với chính nó. Mọi thứ trong con người chúng ta sẽ được khám phá ra trong quá trình này.
Chúng ta sẽ phải hoàn toàn không che giấu bất cứ điều gì. Đôi khi người ta hỏi tôi: “À, Adya, điều này thực ra có ý nghĩa gì? Tôi nên làm gì?”. Và tôi nói, hãy bắt đầu với cái thật đơn giản. Thôi tránh né các thứ. Nếu có bất cứ điều gì chưa được giải quyết trong bản thân, hãy quay về với nó. Đối mặt với nó. Nhìn nó. Đừng tránh nó. Không chuyển sang lối khác. Không dùng khoảnh khắc thức tỉnh như một phương tiện để khỏi phải đối phó với một cái gì đó có lẽ còn chưa thức tỉnh trong bạn.
Bắt đầu đối mặt với nó. Bắt đầu quan sát nó. Với sự tự nguyện thành thật để nhìn thấy bản thân, trong sự chân thành đơn giản, sự thật bắt đầu tự lộ ra. Nó không nhất thiết là một nỗ lực theo định hướng kỹ thuật ở đây. Kỹ thuật chính là chân thành; chúng ta cần thực sự mong muốn sự thật. Chúng ta cần phải muốn sự thật thậm chí nhiều hơn là muốn trải nghiệm sự thật. Sự chân thành này không phải là điều chúng ta có thể áp đặt; nó vốn có trong bản thân thực tại.
Kiểu chân thành triệt để này đối với một số người có thể khó khám phá. Chúng ta có thể ngạc nhiên khi mình vừa thoáng có cái nhìn tuyệt vời vào bản chất chân thật của vạn vật rồi lại rơi xuống trường trọng lực của nhị nguyên và thấy thân tâm mình vẫn còn mâu thuẫn kinh khủng. Điều này có thể gây kinh ngạc không chỉ đối với những người trong cuộc, mà cả với những người xung quanh họ. Trong một phút, một người có thể thông tuệ phi thường, thế mà phút tiếp theo người ấy có thể sai lầm phi thường. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn cho người ấy mà còn cho mọi người xung quanh người ấy nữa.
Trên thực tế, điều đó khiến một số người nghi ngờ chính bản chất của sự thức tỉnh. Ai đó có một trải nghiệm thức tỉnh tuyệt vời nhưng vẫn là một kẻ đáng tởm. Thế thì ai thèm quan tâm đến thức tỉnh? Dù cũng có lý nhưng kết luận này chỉ có thể là của người nào không hiểu đầy đủ về tiến trình thức tỉnh. Thực tế là, chúng ta có thể có cái nhìn rất sâu sắc về bản chất chân thực của vạn vật, trong khi vẫn còn là một con người đầy mâu thuẫn và sai lầm ở những lĩnh vực nhất định trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta cần sự chân thành để không chối bỏ điều đó, để thực sự quay lại, nhìn và đối mặt với chỗ nào mà chúng ta nhận thấy còn chưa thức tỉnh, chưa hòa hợp. Khi nhận thấy sự chia rẽ trong bản thân, chúng ta phải đối mặt với nó.