Hầu hết những gì chúng ta nghe nói về thức tỉnh đều tựa như lời rao bán món hàng giác ngộ. Lời rao bán hàng chỉ cho ta biết những khía cạnh hay ho nhất; thậm chí đôi khi còn không đúng sự thật. Lời rao bán món hàng thức tỉnh bảo với ta rằng giác ngộ chỉ toàn là tình yêu, hưng phấn, từ bi, hợp nhất, và một loạt các trải nghiệm tích cực khác. Nó thường được gói bọc trong những câu chuyện tuyệt vời, khiến ta tin tưởng rằng sự thức tỉnh gắn với phép màu và những quyền năng thần bí. Một trong những lời rao hàng phổ biến nhất là mô tả giác ngộ như một trải nghiệm hạnh phúc. Kết quả là mọi người nghĩ rằng: “Khi thức tỉnh tâm linh, tôi sẽ bước vào trạng thái hân hoan vĩnh cửu”. Dĩ nhiên, đó là một hiểu lầm sâu sắc về thức tỉnh.
Có thể hạnh phúc đi kèm với thức tỉnh, bởi vì đây thực sự là một sản phẩm phụ của thức tỉnh, nhưng nó không phải là bản thân sự thức tỉnh. Chừng nào còn theo đuổi các sản phẩm phụ của thức tỉnh, chúng ta sẽ bỏ lỡ cái chính yếu. Đây là một vấn đề, bởi vì nhiều thực hành tâm linh cố gắng tái tạo các sản phẩm phụ của thức tỉnh mà không đến được chỗ thức tỉnh thực sự. Chúng ta có thể học các kỹ thuật thiền nhất định – ví dụ như tụng kinh hoặc hát thánh ca – và sẽ có một vài trải nghiệm tích cực. Ý thức của con người cực kỳ linh động, nhờ áp dụng một số thực hành tâm linh, kỹ thuật và kỷ luật nhất định, bạn thực sự có thể có được nhiều sản phẩm phụ của thức tỉnh như tâm trạng hạnh phúc, cởi mở, vân vân. Nhưng chuyện thường xảy ra là bạn chỉ dừng lại với các sản phẩm phụ của sự thức tỉnh mà không thức tỉnh thực sự.
Quan trọng là chúng ta biết cái gì không phải thức tỉnh để không còn đuổi theo các sản phẩm phụ của nó nữa. Chúng ta phải từ bỏ việc tìm kiếm trạng thái cảm xúc tích cực qua thực hành tâm linh. Con đường thức tỉnh không phải là nhằm có cảm xúc tích cực. Ngược lại, giác ngộ có thể không dễ dàng hay tích cực chút nào. Thật không dễ dàng khi những ảo tưởng của chúng ta bị nghiền nát. Không dễ dàng để buông bỏ những nhận thức đã ôm giữ từ lâu. Chúng ta có thể gặp phải sự kháng cự lớn để nhìn qua được cả những ảo tưởng gây cho ta vô vàn đau đớn.
Đây là điều mà khi bắt đầu tìm kiếm sự thức tỉnh tâm linh, nhiều người không biết mình có thể vấp phải. Làm thầy, một trong những điều mà tôi tìm hiểu khá sớm về học viên của mình là liệu họ có quan tâm đến cái bản chất – họ muốn chân lý thực sự – hay thực ra họ chỉ muốn cảm thấy hạnh phúc, dễ chịu hơn? Tìm kiếm chân lý không hẳn là một quá trình chúng ta cảm thấy mỗi ngày một tốt hơn. Đó có thể là một quá trình mà trong đó chúng ta cần phải nhìn vào mọi thứ một cách thẳng thắn, chân thành và trung thực – và việc đó không chắc là dễ thực hiện.
Tiếng gọi thiết tha từ thực tại trở về thực tại, khát khao được thức tỉnh xuất phát từ nơi sâu thẳm bên trong chúng ta. Nó đến từ nơi khao khát sự thật còn mạnh hơn mong muốn cảm thấy hạnh phúc. Nếu mục tiêu của ta chỉ đơn giản là để cảm thấy tốt hơn trong từng khoảnh khắc thì ta sẽ tiếp tục lừa dối chính mình, bởi vì cố gắng để cảm thấy tốt hơn trong khoảnh khắc này chính là cách chúng ta lừa dối mình. Chúng ta nghĩ rằng ảo tưởng đang làm cho ta cảm thấy tốt hơn. Để thức tỉnh, chúng ta phải thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn luôn tìm cách để cảm thấy tốt hơn. Tất nhiên, chúng ta muốn cảm thấy tốt hơn; đó là một phần của trải nghiệm con người. Ai cũng muốn cảm thấy tốt. Con người ta được lập trình để tìm kiếm nhiều niềm vui và ít đau đớn hơn. Nhưng trong ta còn có một thôi thúc sâu hơn nữa, và tôi gọi đó là khát khao thức tỉnh.
Chính khao khát này khiến chúng ta phải dũng cảm nhìn vào mọi cách mà chúng ta vẫn lừa dối mình. Đó là một sự thôi thúc, kêu gọi chúng ta chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình. Chúng ta không thể đạt được giác ngộ bằng cách bám đuôi một vị thầy giác ngộ, cách đó không được. Cố gắng làm điều đó sẽ khiến chúng ta mù lòa; nó có nghĩa là chúng ta không muốn tự nghĩ, là chúng ta không muốn tự mình kiểm tra mọi thứ. Khi chúng ta nhắm mắt làm những gì được bảo – mù quáng chạy theo một giáo lý đơn giản chỉ vì nó cổ xưa hay đáng kính – chúng ta sẽ kết thúc đúng như ta bắt đầu: mù lòa.
Một hiểu lầm to lớn nữa về thức tỉnh hay giác ngộ là xem đó như một trải nghiệm thần bí. Ta mong đợi một trải nghiệm tựa như hợp nhất với Chúa Trời: hòa nhập vào môi trường hoặc tan biến vào đại dương. Sự thực không phải thế. Thức tỉnh cũng không giống như đột nhiên có hiểu biết vô cùng sâu rộng về vũ trụ – có cái nhìn sâu sắc về toàn bộ vũ trụ được xây dựng như thế nào, về sự vận hành bên trong của cái chúng ta nghĩ là thực tại.
Tôi có thể tiếp tục mãi danh sách hiểu nhầm này, nhưng chốt lại thì quan trọng là phải ý thức được sự thức tỉnh tâm linh rất khác với việc có một trải nghiệm thần bí. Trải nghiệm thần bí rất tuyệt. Theo nhiều cách, đó là những trải nghiệm tột đỉnh và dễ chịu nhất mà một cái “tôi” có thể có. Cái “tôi” luôn tìm kiếm sự hợp nhất. Rất nhiều thực hành tâm linh mà người ta tham gia thực ra là nhằm có những trải nghiệm thần bí kiểu này, cho dù đó là trải nghiệm như được nhập đồng hoặc nhìn thấy các thần linh, hay cảm giác như ý thức của ta đang mở rộng xuyên không gian và thời gian. Nhưng tôi nhắc lại, các trải nghiệm thần bí và sự thức tỉnh không giống nhau.
Tôi không nói rằng trải nghiệm thần bí là vô giá trị hay không làm biến đổi chúng ta, vì chúng thường có đặc điểm đó. Những trải nghiệm thần bí có thể thay đổi cấu trúc của cái tôi đến tận gốc rễ, và thường theo cách rất tích cực. Vì vậy, trong thế giới tương đối của vật chất, trải nghiệm thần bí có giá trị. Nhưng khi nói đến thức tỉnh tâm linh, chúng ta không nói về trải nghiệm cá nhân. Chúng ta đang nói đến việc thức tỉnh khỏi cái “tôi”. Ta đang nói về việc đi từ dạng thức này sang một dạng thức hoàn toàn khác, từ thế giới này sang thế giới khác.
Ý tôi không phải là người thức tỉnh không nhìn cái thế giới mà bạn đang nhìn. Bạn nhìn thấy cái ghế thì người thức tỉnh cũng nhìn thấy cái ghế. Bạn thấy xe hơi thì người thức tỉnh cũng thấy xe hơi. Khác nhau là ở chỗ khi thực sự thức tỉnh, vượt lên được bức màn nhị nguyên, ta sẽ nhận thức được những thứ mà người khác cho rằng khác biệt, về bản chất lại là một. Ta nhìn thấy chiếc ghế mà đồng thời lại không thấy mình chia rẽ với chiếc ghế. Mọi thứ ta thấy, cảm nhận hay nghe, đúng nghĩa đều chỉ là hình tướng của cùng một thứ.
Ngừng tìm kiếm là một trong những dấu hiệu của thức tỉnh thực sự
Khi thức tỉnh thực sự, bản chất ta là gì trở nên rõ ràng. Không còn nghi vấn về điều đó nữa; vấn đề đã giải quyết xong. Như thế, một trong những dấu hiệu nổi bật của thức tỉnh thực sự là ngừng tìm kiếm. Bạn không còn cảm thấy cái đà vận động, đẩy ra hay bám vào. Người tìm kiếm đã lộ diện là một thực tại ảo, và thế là nó biến mất. Người tìm kiếm, theo nghĩa nào đó, đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nó đã tạo ra cú hích cần thiết, góp phần thúc đẩy Nhận Thức hoặc Tâm Linh ra khỏi ảo tưởng về cái tôi trong trạng thái mê và giúp nó trở về trạng thái tồn tại tự nhiên.
Lúc này, nếu đó là thức tỉnh vĩnh viễn thì cả người tìm kiếm và hành động tìm kiếm đều hoàn toàn tan biến. Nếu thức tỉnh tạm thời thì người tìm kiếm và sự tìm kiếm có thể đang trong quá trình tan rã, nhưng có lẽ chưa hoàn toàn tan rã ngay được. Dù theo cách nào thì chỉ sự tan rã của người tìm kiếm cũng có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta. Trong số chúng ta, nhiều người trên con đường tâm linh có lẽ nhận diện mình chỉ là kẻ tìm kiếm. Cả cuộc đời đúng là dành trọn cho việc tìm kiếm tâm linh, bởi khao khát Chúa, sự hợp nhất hay giác ngộ.
Rồi đột nhiên, sự thức tỉnh xảy ra. Người tìm kiếm, hành động tìm kiếm, và cả cấu trúc bản ngã được xây dựng quanh sứ mệnh tâm linh này đột nhiên biến mất. Cái tôi (Người tìm kiếm) này hiện rõ bản chất thật – khá vô nghĩa và vô ích – và nó rụng xuống.
Tuần trăng mật thức tỉnh
Việc rũ bỏ người tìm kiếm có thể được trải nghiệm như một giải thoát lớn lao. Nó đánh dấu cái mà tôi thích gọi là tuần trăng mật thức tỉnh. Ít nhất đối với tôi, việc trút bỏ người tìm kiếm và hành động tìm kiếm này cảm giác như thể rũ được một gánh nặng khổng lồ trên vai. Đây là một trải nghiệm thể chất. Tôi thực sự cảm thấy như trút bỏ được một khối nặng – một khối nặng mà tôi không ngờ là mình đã mang.
Đây là một trải nghiệm chung cho người vừa thức tỉnh. Vào lúc mà ý thức tỉnh dậy từ giấc mơ chia rẽ, có một cảm giác rất nhẹ nhõm. Đó là lý do tại sao một số người sẽ bắt đầu cười, khóc hoặc có một vài cảm xúc sâu sắc khác – họ cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng đã ra khỏi trạng thái mê. Đôi khi tôi ví thời điểm này như là nụ hôn đầu tiên. Sự thức tỉnh giống như nụ hôn tâm linh đầu tiên của bạn, nụ hôn thực sự đầu tiên của bạn vào thực tại, làm quen với bản chất thực sự bạn là ai.
Tuần trăng mật này có thể kéo dài một ngày, một tuần, sáu tháng hoặc vài năm. Với mỗi người mỗi khác. Đặc trưng của giai đoạn tuần trăng mật là hoàn toàn theo dòng chảy – không có sự kháng cự nào trong tồn tại trong trải nghiệm của bạn. Mọi thứ đang trôi chảy. Cuộc sống là một dòng chảy; mọi thứ dường như chỉ xảy ra theo ý nguyện riêng của nó. Đó là nhận thức đã được trải nghiệm, rằng mọi thứ thực sự đang được thực hiện, rằng bạn, như một thực thể riêng biệt, không làm bất cứ điều gì.
Theo nghĩa sâu sắc nhất, tuần trăng mật này là một trải nghiệm hoàn toàn và tuyệt đối không kháng cự. Trong sự chấp thuận này, cuộc sống trôi chảy tuyệt vời, đẹp đẽ, gần như kỳ diệu. Mọi thứ xuất hiện khi chúng cần phải xuất hiện. Các quyết định được đưa ra mà không thực sự phải quyết định; mọi thứ có cảm giác rõ ràng. Đó là trải nghiệm của Tâm Linh hoàn toàn không bị cản trở, không bị xáo trộn bởi ảo giác, điều kiện, hay mâu thuẫn. Dòng chảy này có thể là một trải nghiệm ngắn ngủi hoặc kéo dài hơn. Một số người bị cuốn trôi trong tuần trăng mật đến mức gần như không thể làm gì trong một thời gian, chìm đắm vào trạng thái hạnh phúc suốt một tuần, một tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Thời xa xưa, những người có trải nghiệm này thường ở trong các môi trường được bảo vệ như các tu viện – nơi mà những người xung quanh họ sẽ hiểu. Họ sẽ được đưa vào một căn phòng nhỏ xinh và ở lại một mình để quá trình này diễn ra. Họ đã may mắn trải nghiệm sự thức tỉnh trong một bối cảnh mà sự thức tỉnh được hiểu, được nhìn nhận như bình thường, và có được không gian mà nó cần.
Trong xã hội hiện đại, phần lớn những người có nhận thức này lại không sống ở tu viện; không trong môi trường được hỗ trợ đặc biệt. Thực tế là ở thời của chúng ta, bạn có thể có nhận thức tuyệt vời vào thứ bảy và trở lại văn phòng vào sáng thứ hai. Nếu tâm trí của bạn vẫn còn ở chín tầng mây hạnh phúc thì nó có thể sẽ mất phương hướng! Tuy nhiên, đây là thực trạng chúng ta đang sống. Hầu hết những người hiện đại không có sự xa xỉ được ngồi trong hang suốt vài tháng và để cho mọi thứ rung chuyển tự nhiên. Đây là hiện trạng của thế giới chúng ta, và nó có thể là một thử thách với một số người.
Sự mất phương hướng thường xảy ra sau khi thức tỉnh
Dù tuần trăng mật thức tỉnh kéo dài một ngày hay một năm, đến thời điểm nào đó, người ta bắt đầu nhìn quanh và nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi một chút. Cái đã từng định hướng chúng ta trong cuộc sống không còn nữa. Những niềm tin mà chúng ta từng bám lấy và dùng để nhận diện chính mình bây giờ hóa ra trống rỗng và không thực. Phần lớn động cơ cá nhân của chúng ta đã biến mất khiến tâm trí có thể rất mất phương hướng. Chỉ tại thời điểm đặc biệt này, mọi người mới ý thức rằng hầu như mọi thứ trước đây đã thúc đẩy họ trong cuộc sống đều lấy cái tôi làm trung tâm. Tôi không có ý phán xét hay xem đó là tiêu cực. Ý tôi chỉ đơn giản là khi ta đang ở trạng thái mê, động lực thúc đẩy chúng ta trong đời là xoay quanh cái tôi. Động lực của chúng ta đã được thúc đẩy bởi “Tôi muốn gì?” và “Tôi không muốn gì?”. Chúng ta liên tục hỏi những câu hỏi này: “Tôi có thể được cái gì? Ai sẽ yêu tôi? Tôi có thể vui đến thế nào? Tôi có thể hạnh phúc bao nhiêu? Tôi có thể tránh được bao nhiêu bất hạnh? Tôi có thể nhận được công việc phù hợp không? Tôi có thể tìm được người yêu phù hợp không? Tôi có thể giác ngộ được không?”. Đây là những động cơ lấy cái tôi làm trung tâm, trong đó năng lượng xuất phát từ trạng thái ý thức cá nhân.
Xin nhắc lại, điều này không xấu hay sai; nó tự nhiên là như thế. Trạng thái mê là trạng thái mà chúng ta nhận thức chia rẽ, ở đây chúng ta nghĩ mình là một cá thể, một con người riêng biệt. Con người cá thể này luôn luôn tìm kiếm cái gì đó – tình yêu, sự công nhận, thành công, tiền bạc, thậm chí có thể cả sự giác ngộ. Nhưng với thức tỉnh thực sự, toàn bộ cơ cấu cá thể này bắt đầu tan rã dưới chân người thức tỉnh.
Vẫn còn con người bằng xương bằng thịt ở đó; chúng ta không tan ra thành khói. Thậm chí tính cách của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Chúa Jesus có cá tính. Đức Phật có cá tính. Ai bước trên Trái đất này cũng đều có cá tính. Trẻ sơ sinh khi ra khỏi bụng mẹ cũng có cá tính. Một trong những vẻ đẹp của đời sống là mỗi chúng ta có một cá tính khác biệt. Chó, mèo, chim, thậm chí cả cây cỏ cũng có những cá tính khác nhau.
Sự khác biệt là, một khi chúng ta đã nhìn qua khỏi tấm màn chia rẽ thì việc nhận dạng bằng cá tính riêng của mình bắt đầu tan biến. Ngay cả khi chúng ta đã có cái nhìn rất sâu sắc và biến đổi lớn lao, thì vẫn còn đó tính cách cơ bản. Nhưng những gì đã được dùng để nuôi dưỡng cá tính của chúng ta, tất cả các nguyên tắc định hướng cũ và các động cơ xoay quanh cái tôi đã tan biến hoặc đang trong quá trình tan rã.
Cá nhân tôi đã có cái nhìn đầu tiên vượt khỏi tấm màn chia rẽ khi tôi 25 tuổi. Nó chỉ tạm thời, không phải là thức tỉnh vĩnh viễn. Nó nói lên rằng, có gì đó thuộc về nhận thức này không bao giờ rời bỏ tôi. Đâu đó trong thâm tâm, tôi luôn biết rằng mọi thứ đều là một – rằng tôi vĩnh cửu, không sinh ra, không chết đi, không được tạo ra. Tôi hiểu rằng bản chất cốt lõi của mình không bị giới hạn hay đóng khung bởi cá tính hoặc cơ thể mà tôi dường như đang trú ngụ. Thế giới mà tôi từng biết và cái bản ngã mà tôi tưởng là mình tan rã, theo một cách khá triệt để. Thật ra nó khá kỳ quặc khi bước đi mà không có những động lực trước đây, điều đã làm nên cuộc sống của tôi. Vẫn còn một chút động cơ cá nhân và năng lượng hướng vào bản ngã. Nhưng cũng có một sự tan rã rất đáng kể ở tầng bản ngã và dòng năng lượng cơ bản bắt nguồn từ bản ngã. Tôi đi quanh, tự nhủ: “Ồ, tại sao mình phải làm cái này? Tại sao mình phải làm cái kia? Tôi thực sự không có nhu cầu để làm việc này hay việc kia nữa”. Những gì mà tôi từng thích thú làm không còn hấp dẫn như trước. Không phải là tôi cưỡng lại hay ghét làm việc đó mà chỉ vì không còn năng lượng cho cái bản ngã đã từng khiến tôi quan tâm đến những mục đích cụ thể này.
Điều này không hiếm. Mọi người thường đến nói với tôi: “Chà, tôi đã từng thích làm bao nhiêu thứ – tôi từng có nhiều sở thích”. Tôi từng thích thả diều, hoặc chạy bộ, hay bất cứ điều gì họ từng thích thú. Tôi nói với họ rằng nó là bình thường nếu một số hứng thú này bắt đầu giảm đi, đặc biệt nếu chúng liên quan tới hoạt động được thúc đẩy bởi năng lượng của sự chia rẽ. Với các sở thích là biểu hiện cho những phần của bản ngã, nó sẽ đột nhiên có vẻ như “Chúng đã biến đâu nhỉ?”.
Một trong những điều người tu hành mong đợi là sự tan rã của cái tôi. Chúng ta nhận ra nỗi đau khổ của trạng thái vị kỷ và hy vọng mình sẽ không bị nó giới hạn mãi mãi. Nhưng thức tỉnh không phải là sự tan rã về bản ngã. Chúng ta có thể thức tỉnh dù cái tôi đã tan rã hay chưa. Trên thực tế, những cái tôi mạnh, và thậm chí là phá hoại, cũng có thể thức tỉnh. Thức tỉnh bắt đầu quá trình đó. Kết quả của sự thức tỉnh – tác dụng phụ hoặc hệ quả của nó – là sự tan rã tận gốc của cái tôi.
Điều này không có nghĩa là cái tôi sẽ hợp tác. Bản ngã có thể chống lại sự giải thể này bằng mọi thứ nó có. Nó có thể lôi ra toàn bộ kho vũ khí của nó. Tuy nhiên, quá trình này đã bắt đầu. Và cuối cùng, một khi đã có cái nhìn thoáng qua về thực tại, bạn không thể làm gì để ngăn chặn bản ngã tan rã theo thời gian.
Nhưng sự tan rã này khi xảy ra có thể rất mất phương hướng. Bản thân sự thức tỉnh có thể rất mất phương hướng. Mọi điều bạn nghĩ là thật, giờ bạn thấy không phải. Người bạn nghĩ là mình bây giờ thấy cũng không phải. Điều đó có thể là hạnh phúc và sự giải thoát lớn lao, song đồng thời có thể cảm giác như mất phương hướng: “Bây giờ tôi sẽ là ai? Động lực của tôi sẽ là gì? Điều gì sẽ thúc đẩy con người trần thế này?”.
Tất nhiên, nếu đã thức tỉnh hoàn toàn thì người ta không hỏi những câu này. Nhưng ban đầu thì rất hiếm. Với đa số mọi người, sau khi thức tỉnh vẫn còn một hành trình xa hơn nữa. Vì vậy, hầu hết mọi người vẫn còn những câu hỏi này. Người thầy tâm linh cũng không thể đưa ra câu trả lời phù hợp nào, bởi vì bất kỳ câu trả lời nào cũng sẽ bị cái tôi chuyển thành một mục tiêu khác. Tốt hơn là hiểu rằng mất phương hướng là một phần của quá trình thức tỉnh; mất phương hướng là tự nhiên, bởi vì mọi thứ đều mới mẻ. Bạn là người mới, nhận thức này mới, và nhận thức của bạn về mọi thứ và mọi người đã thay đổi.
Sự mất phương hướng phát sinh bởi vì tâm trí đang đấu tranh để định hướng cho mình trong một bối cảnh mới. Nó tựa như bạn đang rơi ra khỏi máy bay. Nếu bạn cứ để cho mình rơi thì không sao. Nhưng ngay khi bạn bắt đầu tóm lấy khoảng không như thể để tìm chỗ bấu víu, bạn cảm thấy rất mất phương hướng, không biết đường nào là lên hay xuống.
Vì vậy, mất phương hướng không nhất thiết là thuộc tính vốn có trong cái nhìn thức tỉnh; nó nảy sinh từ tâm trí đang cố gắng tìm cách định hướng.
Một trong những chìa khóa cho cái nhìn thức tỉnh là không định hướng. Thực tại không cần định hướng. Nếu như có định hướng, nó là định hướng về một cảm giác thư giãn sâu sắc, cho phép mọi thứ diễn ra. Nghĩa là, bạn thấy phương hướng qua việc không cố gắng định hướng. Bạn thấy định hướng của mình bằng cách buông bỏ hoàn toàn.
Có một giai đoạn mà chúng ta buông bỏ song dường như lại chưa nhận thức được một năng lượng mới dâng lên, thúc đẩy cuộc sống chúng ta. Tất nhiên, năng lượng này vẫn đang tồn tại và vận động qua chúng ta mọi lúc; đó là năng lượng của sự nhất thể. Nó xuất phát từ cội nguồn của tất cả, không hề bị sai lệch. Nhưng thường có một khoảng trống trong tâm thức chúng ta, giữa lúc các động lực cá nhân tan rã và năng lượng này dâng lên. Vì vậy, chúng ta có thể mất một thời gian tự hỏi năng lượng mới nào sẽ thúc đẩy chúng ta sau khi thức tỉnh.
Xin nhắc lại, điều quan trọng là cứ để cho quá trình cái tôi tan rã diễn ra. Đối với đa số, quá trình tan rã này sẽ kéo dài trong vài năm. Cá nhân tôi đã mất sáu năm để có một nhận thức hay sự thức tỉnh sâu sắc hơn – về cơ bản không khác gì nhưng rõ ràng, sâu sắc và đầy đủ hơn. Để có được nhận thức sâu hơn này, khoảng thời gian sáu năm để cái tôi tan rã là cần thiết. Tôi thấy thế khi nhìn lại. Và tôi cũng không khác gì đa số mọi người. Sau cái nhìn thức tỉnh thoáng qua đầu tiên, chúng ta trải qua một quá trình đi tới một nhận thức rõ ràng hơn và sâu sắc hơn nhiều về thực tại.