Có một hiện tượng đang xảy ra trong thế giới ngày nay. Ngày càng nhiều người đang bừng tỉnh – chợt thoáng có cái nhìn chân thực, nguyên sơ vào thực tại. Ý tôi là người ta dường như có những khoảnh khắc bừng tỉnh khỏi những nhận thức quen thuộc của họ về bản thân và thế giới để cảm nhận một thực tại vĩ đại hơn nhiều – một cái gì đó vượt xa mọi thứ họ từng biết đến.
Những trải nghiệm thức tỉnh này ở mỗi người mỗi khác. Với một số người, sự thức tỉnh được duy trì khá lâu, trong khi với những người khác thì nó như một cái nhìn thoáng qua – có thể chỉ kéo dài nửa giây. Nhưng trong khoảnh khắc đó, toàn bộ ý thức về “cái tôi” sẽ tan biến. Cách mọi người nhận thức thế giới đột nhiên thay đổi, và họ thấy mình không hề có cảm giác chia cắt giữa bản thân với phần còn lại của thế giới. Có thể so sánh nó với trải nghiệm tỉnh dậy từ một giấc mơ – một giấc mơ mà bạn thậm chí không biết là mình mơ cho đến khi choàng tỉnh khỏi nó.
Hồi tôi bắt đầu giảng dạy, đa số những người đến với tôi đều tìm kiếm các chứng ngộ sâu sắc về tâm linh. Họ đang tìm cách thức tỉnh khỏi những nhận thức hạn hẹp và cô lập về cái tôi mà họ tưởng là mình. Chính khao khát này đã thôi thúc mọi tìm kiếm tâm linh: khám phá cho bản thân điều mà trực giác ta mách bảo là đúng – rằng đời sống phong phú hơn những gì ta biết rất nhiều.
Nhưng về sau, ngày càng nhiều người đến với tôi đã thoáng thấy được thực tại lớn lao hơn. Vì họ mà tôi viết ra quyển sách này.
Bình minh của sự Thức Tỉnh
Sự khám phá mà tôi nói ở đây vốn thường được nhắc tới như là sự thức tỉnh tâm linh, bởi vì người ta thức dậy từ giấc mơ chia rẽ do tâm trí cá nhân tạo ra. Chúng ta nhận ra – thường là khá đột ngột – rằng ý thức về bản ngã, được hình thành, bồi đắp từ những ý tưởng, niềm tin và tưởng tượng của ta, thật sự không phải là ta. Nó không định nghĩa được ta; nó không có cốt lõi.
Cái tôi có thể tồn tại như một chuỗi những suy nghĩ, niềm tin, hành động và phản ứng, nhưng tự bản thân nó không có nhận diện riêng. Cuối cùng, tất cả những hình dung của chúng ta về bản thân và thế giới hóa ra không gì khác hơn là sự phản kháng với mọi thứ đang diễn ra. Cái mà chúng ta gọi là tôi đơn giản chỉ là cơ chế mà tâm trí chúng ta sử dụng để chống lại cuộc sống như nó vốn thế. Theo cách đó, bản ngã không phải là một thứ hay một hành động. Đó là sự kháng cự với cái gì đó đang diễn ra. Đẩy ra hoặc lôi kéo. Động thái bám lấy hay kháng cự này hình thành nhận thức về tôi là một cái gì đó khác biệt hoặc tách rời khỏi thế giới xung quanh ta.
Với ánh bình minh của sự thức tỉnh, thế giới bên ngoài này bắt đầu sụp đổ. Một khi vứt bỏ ý thức về cái tôi, dường như chúng ta cũng xóa sổ luôn cả thế giới mà ta từng biết. Vào khoảnh khắc đó – cho dù nó chỉ là nhìn thoáng qua hay bền vững hơn – chúng ta đột nhiên nhận ra rằng bản ngã chân thực của ta không hề bị giới hạn trong cái tôi nhỏ bé mà chúng ta đã ngỡ là mình.
Ngộ ra chân lý hay thực tại là điều rất khó nói vì nó vượt lên mọi ngôn từ. Tuy nhiên, một vài chỉ dẫn vẫn có thể hữu ích. Nói một cách đơn giản nhất, nhận biết trải nghiệm thức tỉnh là thay đổi trong nhận thức của con người. Đây là cốt lõi của sự thức tỉnh. Có một sự thay đổi trong nhận thức, từ chỗ thấy bản thân như một cá thể cô lập đến chỗ thấy chính mình (nếu chúng ta còn cảm giác về cái tôi sau sự thay đổi này) hợp nhất với vũ trụ, cùng lúc ta là mọi thứ, mọi người và hiện diện khắp nơi.
Sự thay đổi này không mang tính cách mạng; nó giống như soi gương buổi sáng và trực giác mách bảo rằng khuôn mặt bạn đang nhìn kia là của bạn. Nó không phải là một trải nghiệm huyền bí; nó đơn giản. Khi soi gương, bạn thấy một xác nhận đơn giản “Ồ, đó là mình”. Khi sự thay đổi nhận thức được gọi là thức tỉnh xảy ra, ý thức chúng ta tiếp xúc với bất kỳ cái gì cũng đều có trải nghiệm đây chính là mình. Như thể chúng ta nghĩ về mọi thứ mình gặp là “Ồ, đó là tôi”. Chúng ta không trải nghiệm bản thân mình từ góc nhìn của cái tôi, một con người hay một thực thể riêng biệt. Đây là cảm giác của tạo hóa nhận ra chính mình, hoặc Tâm Linh vũ trụ nhận ra chính nó.
Thức tỉnh tâm linh là nhớ ra. Chứ không phải trở thành một thứ gì đó không phải là mình. Cũng không phải là “lột xác” bản thân. Nó không phải là thay đổi chính mình. Đó là nhớ ra mình là ai, như thể ta đã biết từ lâu rồi mà đơn giản là quên mất. Vào khoảnh khắc nhớ ra này, nếu đúng là nhớ thật, thì nó không được coi là một điều cá nhân. Thực sự không có chuyện một “cá nhân” thức tỉnh, bởi vì “cá nhân” có nghĩa là chia rẽ. “Cá nhân” có nghĩa rằng đó là “tôi” hay bản ngã đang thức tỉnh hoặc trở nên giác ngộ.
Khi thức tỉnh thật sự thì sẽ nhận ra rất rõ ràng rằng ngay cả sự thức tỉnh cũng không mang tính cá nhân. Nó là Tâm Linh hay ý thức tự thức dậy. Thay vì “tôi” thức dậy, chúng ta tỉnh dậy khỏi cái “tôi”. Chúng ta choàng tỉnh khỏi vai trò người tìm kiếm. Chúng ta tỉnh dậy khỏi hành động tìm kiếm.
Vấn đề với việc định nghĩa thức tỉnh là mỗi khi nghe mô tả, tâm trí lại tạo ra một hình ảnh khác, một ý tưởng khác về sự thật cuối cùng hay thực tại cuối cùng này. Ngay khi những hình ảnh này được tạo ra, nhận thức của ta bị méo mó một lần nữa. Bằng cách này, thật sự không thể mô tả bản chất của thực tại, ngoại trừ nói rằng đó không phải là điều chúng ta nghĩ hay đã được dạy. Thật ra, chúng ta không có khả năng hình dung bản chất ta là gì. Bản chất tự nhiên của chúng ta thực sự vượt quá mọi tưởng tượng. Chúng ta là cái đang quan sát – là chính cái ý thức đang quan sát ta sắm vai một cá nhân riêng biệt. Bản chất chân thật của chúng ta liên tục tham gia mọi trải nghiệm, luôn tỉnh thức trong hiện tại, từng khoảnh khắc và mọi khoảnh khắc.
Khi thức tỉnh, chúng ta thấy hóa ra mình không phải là một thứ, một người, hay thậm chí một thực thể. Ta là cái biểu hiện thành mọi thứ, mọi kinh nghiệm, mọi tính cách. Ta là cái đang mơ cả thế giới vào hiện hữu. Sự thức tỉnh tâm linh tiết lộ rằng thực sự chúng ta là thứ không thể mô tả và không thể giải thích được.
Thức tỉnh vĩnh viễn và thức tỉnh tạm thời
Như tôi đã nói, trải nghiệm thức tỉnh này có thể chỉ là một cái nhìn thoáng qua, hoặc có thể duy trì theo thời gian. Một số người cho rằng thức tỉnh tạm thời không phải là thức tỉnh thực sự. Có người tin rằng nếu thức tỉnh thực sự, nhận thức của bạn mở ra thấy bản chất thật sự của vạn vật thì không bao giờ đóng lại nữa. Tôi có thể hiểu quan điểm này, vì cuối cùng thì toàn bộ hành trình tâm linh dẫn chúng ta đến một sự thức tỉnh trọn vẹn. Thức tỉnh hoàn toàn là luôn luôn nhận thức từ quan điểm của Tâm Linh – từ cái nhìn nhất thể.
Từ quan điểm thức tỉnh này, không có bất kỳ sự chia rẽ nào – trên thế giới, trong vũ trụ, ở mọi vũ trụ hay bất kỳ đâu. Sự thật ở bất cứ nơi nào và ở khắp nơi, vào mọi lúc, trên mọi phương diện, cho tất cả chúng sinh. Đó là chân lý, là nguồn gốc của mọi thứ được trải nghiệm – trong cuộc sống, sau khi sống, trong chiều không gian này hoặc bất kỳ chiều nào khác.
Từ quan điểm của cái tối hậu, theo nghĩa đen “tất cả mọi thứ” ở tầng cao hơn hay thấp hơn, ở đây hay kia, quá khứ, hiện tại hay tương lai, mọi thứ chỉ là sự biểu hiện của Tâm Linh. Chính là Tâm Linh tỉnh dậy. Vì vậy, cuối cùng, quỹ đạo mà mỗi sinh vật đang đi, cho dù bản thân có biết hay không, là một quỹ đạo hướng tới sự tỉnh thức toàn vẹn – hướng tới nhận thức trải nghiệm trọn vẹn bản chất mình là gì, tới sự thống nhất, tới sự nhất thể.
Khoảnh khắc thức tỉnh có thể hoặc không thể mang lại kết quả là nhận thức vĩnh cửu. Như tôi đã nói, một số người cho rằng sự thức tỉnh nếu không vĩnh viễn thì không phải là thực. Khi giảng dạy, tôi nhận thấy người nhìn thoáng qua tấm màn nhị nguyên và người có chứng ngộ thường hằng (vĩnh viễn) đều thấy và trải nghiệm cùng một điều. Một người trải nghiệm nó trong giây lát; người kia trải nghiệm nó liên tục. Nhưng những gì được trải nghiệm, nếu đấy là thức tỉnh thực sự, đều như nhau: vạn vật nhất thể; chúng ta không phải là một cái gì hoặc ai đó cụ thể, có thể đặt trong một không gian cụ thể; chúng ta đồng thời vừa chẳng là gì, vừa là tất cả mọi thứ.
Vì vậy, theo tôi thì việc nó là thức tỉnh tạm thời hay vĩnh viễn không thực sự quan trọng. Nó chỉ có ý nghĩa rằng có một quỹ đạo như thế – cái tâm vô ngã vẫn hoàn toàn trọn vẹn chừng nào còn tiếp tục nhận thức từ quan điểm của sự thật – còn điều được thấy chính là thức tỉnh, cho dù nó được duy trì hay không.
Cái nhìn thức tỉnh thoáng qua, mà tôi gọi là thức tỉnh tạm thời, ngày càng trở nên phổ biến. Nó diễn ra trong một khoảnh khắc, một buổi chiều, một ngày, một tuần – có khi dài tới một hay hai tháng. Nhận thức mở ra, ý thức về cái tôi chia rẽ biến mất – và rồi, như khẩu độ trên ống kính camera, nhận thức đóng lại. Đột nhiên, người đã từng nhận thức được chân lý nhất nguyên, sự nhất thể thực sự, lạ lùng sao lại trở về nhận thức trong “trạng thái mê” nhị nguyên. Trong trạng thái mê này, chúng ta trở lại với ý thức bị lập trình về cái tôi – trong một nhận thức sống bị giới hạn, cô lập.
Tin vui là một khi đã có khoảnh khắc chứng ngộ rõ ràng này, khẩu độ của nhận thức chúng ta không bao giờ hoàn toàn đóng lại nữa. Có vẻ như nó đã khép chặt lại, nhưng sự thực không phải thế. Trong phần sâu thẳm của mình, bạn không bao giờ quên. Ngay cả khi bạn chỉ thoáng thấy sự thật trong một khoảnh khắc, có gì đó trong bạn đã thay đổi mãi mãi.
Thực tại là hạt nhân; nó cực kỳ mạnh mẽ. Nó có tiềm năng không thể tưởng tượng nổi. Người ta có thể trải nghiệm một tia sáng chân lý lóe lên trong thời gian một cái búng tay, nhưng năng lượng và sức mạnh tràn vào bên trong họ đã đủ để thay đổi cả cuộc sống.
Chỉ một khoảnh khắc thức tỉnh là ý thức sai lầm về cái tôi đã bắt đầu tan rã và kéo theo đó là sự tan rã toàn bộ nhận thức về thế giới.
Sự thức tỉnh không như bạn tưởng tượng
Theo một ý nghĩa rất thực tế, nói về những gì chúng ta mất khi thức tỉnh thì chính xác hơn là nói về những gì chúng ta được. Chúng ta không chỉ mất cái tôi – cái mà chúng ta từng ngỡ là mình – mà còn xóa sổ toàn bộ nhận thức về thế giới. Sự chia rẽ chỉ là một nhận thức; trên thực tế, khi nói về thế giới của chúng ta, không có gì ngoài nhận thức. “Thế giới của bạn” không phải là thế giới của bạn; đó chỉ là nhận thức của bạn. Vì vậy, mặc dù ban đầu nghe có vẻ tiêu cực nhưng tôi nghĩ sẽ hữu ích hơn nhiều nếu nói về sự thức tỉnh tâm linh qua những gì chúng ta mất – chúng ta thức tỉnh khỏi cái gì. Tức là nói về sự tan rã của ảo tưởng mà chúng ta có về bản thân mình và về việc rũ bỏ con người mà khi tỉnh thức, chúng ta giật mình vì đã có lúc tưởng đó là mình.
Điều đó quả thật làm ta giật mình: nó không hề giống như ta nghĩ chút nào. Tôi chưa bao giờ thấy một học viên nào trở lại nói: “Adya, thầy biết không, tôi hé nhìn qua tấm màn chia rẽ, và nó gần giống như tôi nghĩ. Gần gần như là những gì tôi nghe nói”. Thường thì các học viên trở lại và nói: “Nó chẳng hề giống tưởng tượng của tôi”.
Điều này đặc biệt thú vị vì nhiều người theo học với tôi đã nghiên cứu tâm linh trong nhiều năm, và họ thường có những ý tưởng rất phức tạp về sự thức tỉnh sẽ như thế nào. Khi điều đó xảy ra, nó luôn luôn khác so với mong đợi của họ. Về nhiều mặt, nó lớn lao hơn, nhưng mặt khác, nó lại đơn giản hơn. Thực ra là, nếu đúng và chân thực thì thức tỉnh phải khác với những gì chúng ta tưởng tượng được. Đó là vì mọi tưởng tượng của chúng ta về thức tỉnh đều diễn ra trong khuôn khổ của trạng thái mê. Không thể tưởng tượng ra điều gì đó bên ngoài trạng thái mê khi ý thức của chúng ta vẫn còn trong mê.
Cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào sau khi thức tỉnh?
Với sự thức tỉnh, cách chúng ta nhận thức cuộc sống được tổ chức lại toàn bộ – hoặc ít nhất là bắt đầu tái tổ chức. Đây là do bản thân sự thức tỉnh, mặc dù đẹp đẽ, đáng kinh ngạc nhưng thường đi kèm cảm giác mất phương hướng. Mặc dù bạn chính là Chủ thể thức tỉnh, nhưng vẫn còn đó toàn bộ con người của bạn – cơ thể, trí tuệ và tính cách của bạn.
Thức tỉnh thường có thể được trải nghiệm như là rất mất phương hướng ở phần con người.
Vì vậy, tôi muốn đi sâu vào quá trình xảy ra sau khi thức tỉnh. Như tôi đã nói, đối với rất ít người, khoảnh khắc thức tỉnh đã hoàn tất. Theo một nghĩa nào đó, nó đã xong và không cần quá trình tiếp tục nữa. Chúng ta có thể nói rằng những người như vậy có một nghiệp chướng vô cùng nhẹ; mặc dù họ có thể đã trải qua những đau khổ tột đỉnh trước khi thức tỉnh, nhưng ta có thể thấy họ được kế thừa phúc báu từ trước nên giờ không phải đối phó với những nghiệp chướng quá sâu. Như thế rất hiếm. Chỉ có một vài người trong cả một thế hệ mới có thể thức tỉnh theo cách không cần đi tiếp nữa.
Tôi luôn nói với mọi người thế này: đừng mong bạn là người đó. Tốt hơn là nghĩ mình giống như mọi người khác, có nghĩa là sẽ trải qua một quá trình sau khi có sự thức tỉnh ban đầu. Đây không phải là điểm kết thúc hành trình của bạn. Tôi sẽ cố gắng chỉ cho bạn một hướng đi có thể hữu ích và có phương hướng khi bạn bước vào hành trình đó. Như thầy tôi từng nói, nó tựa như đặt chân lên ngưỡng cửa. Đặt được chân vào cửa trước không có nghĩa là bạn đã bật được đèn lên; không có nghĩa là bạn đã học được cách định hướng trong thế giới khác lạ mà bạn vừa thức tỉnh.
Tôi rất vui khi cuốn sách này, dựa trên loạt các buổi pháp thoại của tôi, cho tôi cơ hội để trả lời câu hỏi về những gì xảy ra sau khi thức tỉnh. Thông tin về cuộc sống sau khi thức tỉnh thường không được công khai. Nó thường chỉ được chia sẻ giữa các thầy dạy tâm linh và học viên của họ. Vấn đề với cách tiếp cận đó là, như tôi đã nói, ngày nay rất nhiều người có những khoảnh khắc thức tỉnh mà lại có rất ít lời giảng mạch lạc cho họ. Theo nghĩa đó, cuốn sách này như lời chào mừng bước vào một thế giới mới, một trạng thái mới của nhất thể.
Ở điểm này, tôi muốn nhấn mạnh với những độc giả đang nghĩ “Ồ, tôi chưa từng có cái nhìn thoáng qua đó, tôi nghĩ rằng mình chưa thực sự thức tỉnh” và những người còn chưa chắc chắn liệu những gì mình trải nghiệm là thức tỉnh hay không, cho dù bạn đang ở đâu trên con đường này, tôi tin rằng thông tin này có liên quan với bạn. Bởi vì hóa ra những gì xảy ra sau khi thức tỉnh lại liên quan đến những gì xảy ra trước khi thức tỉnh.
Trên thực tế, tiến trình tâm linh trước và sau khi thức tỉnh không khác gì nhau. Chỉ là, sau khi thức tỉnh, quá trình này diễn ra từ một góc nhìn khác; bạn có thể hình dung nó như là tầm nhìn từ mắt chim so với tầm nhìn ở ngang mặt đất. Trước khi thức tỉnh, chúng ta không biết mình là ai. Chúng ta nghĩ rằng mình là một người riêng biệt, đơn lẻ, trong một cơ thể đặc thù, đang đi trong một thế giới khác biệt với mình. Một khi thức tỉnh xảy ra, chúng ta vẫn đang đi trong thế giới đó; nhưng chúng ta biết rằng mình không bị giới hạn ở một cơ thể hay một cá tính cụ thể nào, và rằng chúng ta thực sự không tách rời thế giới xung quanh mình.
Cũng cần lưu ý rằng chúng ta không trở nên miễn nhiễm với nhận thức sai lầm chỉ vì ta đã có một cái nhìn thức tỉnh thoáng qua. Những bám chấp và điều kiện nhất định sẽ còn lưu lại ngay cả sau khi chúng ta có nhận thức từ chỗ nhất thể. Con đường sau khi thức tỉnh, do thế, là một con đường để giải quyết các thứ bám chấp còn lại của chúng ta – hay bạn có thể nói là những cái vướng mắc của chúng ta. Vì vậy, nó không khác nhiều so với con đường đi tới thức tỉnh, là con đường xóa bỏ những ảo tưởng nhất định mà chúng ta có, những xu hướng nhất định mà ta bám vào. Sự khác biệt là, trước khi thức tỉnh, con người ta cảm thấy nặng nề hơn, bức bí hơn, bởi vì ta chỉ nhận diện bản thân quanh quẩn trong thực trạng của mình. Sau khi thức tỉnh, chúng ta biết rằng trạng thái của thân-tâm ta không phải là cá nhân; ta biết rằng nó không quyết định ta là ai. Sự hiểu biết đó, chân lý sống đó, khiến việc tháo gỡ những ảo tưởng của ta trở nên dễ dàng hơn nhiều và đỡ sợ hẳn.
Vì vậy, có một điểm tương đồng lớn ở những gì chúng ta làm trước và sau khi thức tỉnh. Chúng ta vẫn làm việc đó nhưng từ một góc nhìn khác; trước khi thức tỉnh, chúng ta hành động theo quan điểm chia rẽ, còn sau khi thức tỉnh, chúng ta hành động từ quan điểm hợp nhất. Nhưng điều chúng ta thực sự đang làm – về phương pháp hay tiến trình – thì khá giống nhau. Bạn có thể nói rằng nó chỉ diễn ra ở các cấp độ khác nhau của tồn tại. Theo cách đó, gần như mọi thứ mà tôi bàn đến trong các chương sau có thể áp dụng được cho bạn dù bạn ở đâu trong cuộc hành trình; bạn có thể hiểu nó theo kinh nghiệm riêng của mình.
Sẵn lòng đặt câu hỏi về mọi thứ
Như tôi thường nói với các học viên của mình, tôi không đưa ra lời giảng như những tuyên bố về chân lý, bởi vì cố gắng dùng ngôn từ để gói ghém chân lý là trò chơi của kẻ ngốc. Đó là phương pháp chúng ta thường dùng trước khi thức tỉnh – chúng ta khái niệm hóa chân lý rồi tin vào khái niệm đó. Vì vậy, thay vì giảng dạy kiểu như thần học hoặc triết học, tôi trình bày giáo lý của mình như những chiến lược. Tôi đang cung cấp cho bạn các chiến lược để thức tỉnh và giúp bạn trước những gì xảy ra sau khi thức tỉnh.
Tất cả những từ ngữ mà tôi sử dụng đều như các ngón tay chỉ hướng. Trong Thiền tông có câu: Đừng nhầm ngón tay chỉ trăng là mặt trăng. Mặc dù có thể nghe điều đó cả trăm lần, chúng ta vẫn có khuynh hướng hiểu sai, hết lần này đến lần khác. Vì vậy, trong khi dùng rất nhiều lời, đặt ra những bối cảnh nhất định và dùng các ẩn dụ nhất định, tôi đề nghị bạn ghi nhớ rằng, tất cả những gì tôi giảng phải được đánh thức. Nó phải được trải nghiệm trong đời sống để trở thành thật. Không có gì tôi nói thay thế được thực tế hay trải nghiệm trực tiếp giúp bạn hiểu bạn thực sự là gì. Bạn cần phải sẵn sàng đặt câu hỏi về mọi thứ, dừng lại và tự hỏi mình: “Tôi có thực sự biết cái điều tôi nghĩ là mình biết, hay tôi chỉ vay mượn niềm tin và ý kiến của người khác? Tôi thực sự biết gì, tôi muốn tin hay hình dung cái gì? Tôi biết chắc chắn điều gì?”.
Câu hỏi “Tôi biết chắc chắn điều gì?” vô cùng mạnh mẽ. Khi bạn nhìn sâu vào câu hỏi này, nó thực sự phá hủy thế giới của bạn. Nó hủy bỏ toàn bộ nhận thức của bạn về bản thân, và nó sinh ra để làm thế. Bạn đi tới chỗ thấy rằng mọi thứ bạn nghĩ mình biết về bản thân, về thế giới, đều dựa trên các giả định, niềm tin và quan điểm – bạn tin chúng vì bạn được dạy dỗ hoặc nghe nói rằng đó là chân lý. Ý thức sẽ còn bị cầm tù trong trạng thái mê cho đến khi chúng ta bắt đầu nhìn ra chân tướng của những nhận thức sai lầm này.
Tương tự, ngay khi chúng ta cho phép mình nhận ra “Trời ơi, tôi chẳng biết gì cả: Tôi không biết mình là ai. Tôi không biết thế giới là gì. Tôi không biết cái này hay cái kia có phải là sự thật không” thì có gì đó bên trong chúng ta đang mở ra. Khi chúng ta sẵn sàng bước vào cái không biết, hoang mang thiếu tự tin như đương nhiên phải thế, mà không chạy ngược trở lại tìm bất cứ thứ gì để che giấu hay dựa dẫm – khi chúng ta sẵn sàng đứng như thể đối mặt với một cơn gió đang ào đến và không chùn bước – chúng ta cuối cùng có thể đối mặt với bản ngã thực sự của mình.
Đào sâu vào câu hỏi “Tôi biết chắc chắn cái gì?” cũng là một công cụ vô giá khi sự thức tỉnh đã xảy ra. Tự hỏi mình câu hỏi này giúp giải phóng các giới hạn và ý tưởng, cũng như xu hướng bám chấp – tất cả những thứ vẫn tiếp tục sau khi thức tỉnh.
Cho dù bạn đang ở đâu trên hành trình này, việc sẵn lòng đứng lên trong nội tâm mình, đặt ra câu hỏi này và cởi mở, chân thành với những gì bạn thấy, đó là điều quan trọng nhất. Đó là xương sống mà toàn bộ sự thức tỉnh và cuộc sống bạn sau khi thức tỉnh phụ thuộc vào.