C
húng ta bắt đầu quyển sách này bằng cách tìm hiểu về sự thay đổi chóng mặt của hoàn cảnh công việc. Những kỳ vọng của chúng ta về nơi làm việc, đồng nghiệp, cấu trúc, công nghệ, giao tiếp, công việc, độ khả dụng và kỹ năng đều đã thay đổi. Và kết quả là sức bật tinh thần của chúng ta bị thử thách. Chúng ta cũng đã khám phá tại sao trong từng lĩnh vực của đời sống công việc, và trong phiên bản của chúng ta nơi công sở, chúng ta đều có cơ hội xử lý trải nghiệm, đón nhận thử thách, chịu đựng thất bại và sau cùng là học hỏi.
Thật khó để so sánh phong cách làm việc của chúng ta với phong cách làm việc trong điều kiện ảm đạm của những tầng lớp lao động ở vùng công nghiệp miền Bắc nước Anh trước Thế chiến thứ hai. Hoàn cảnh của họ đã được nhà văn George Orwell ghi lại một cách sinh động trong quyển sách ra mắt năm 1937, The Road to Wigan Pier (tạm dịch: Đường đến bến tàu Wigan). Ông mô tả “hành trình đi làm” vất vả của thợ mỏ, những người phải bò qua các đường hầm để đến được vỉa than và bắt đầu làm công việc bảy tiếng rưỡi một ngày, trước khi bò trở lại thang máy và về với ánh sáng ban ngày. Thời gian bò trong bóng tối không được trả lương, và việc đi làm giống như trèo lên một ngọn núi nhỏ vào đầu và cuối mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Thách thức trong công việc của chúng ta có thể bao gồm nhiều khía cạnh; nhưng chúng hiếm khi đòi hỏi về thể chất như Orwell mô tả. Những thử thách mà chúng ta đối mặt phần lớn nằm ở mặt tâm lý.
Trong chương cuối cùng này, tôi dành cho bạn một số suy ngẫm và gợi ý liên quan đến từng chủ đề mà chúng ta đã tìm hiểu. Qua đó, tôi khuyến khích bạn giữ thái độ hiếu kỳ, tử tế và biết ơn đối với bản thân và hoàn cảnh của bạn. Có rất nhiều tình huống chúng ta trách móc bản thân vì mắc sai lầm và không thể hiện được hết sức. Nhưng tư duy này có thể dẫn tới xu hướng tự trừng phạt, khiến bạn tự trách bản thân khi thất bại và không rèn luyện sự tử tế và tự cảm thông với chính mình.
Hãy nhớ: Bạn có tiềm năng sức bật tinh thần
Để phát triển một kỹ năng mới cần có thời gian và sự tập luyện. Sức bật tinh thần cũng không ngoại lệ. Sau này khi bạn đối mặt với điều gì đó nguy hiểm hoặc khó chịu, hãy tạm dừng lại. Khoảng dừng này có sức mạnh rất lớn. Nó cho chúng ta thời gian để thay đổi cách phản ứng và quan điểm. Phản ứng ban đầu của chúng ta không phải lúc nào cũng là có lợi nhất. Chúng ta có thể cảm thấy tổn thương, thất vọng, giận dữ, chán nản và bất ngờ. Điều quan trọng là chúng ta cần dành thời gian để ngẫm nghĩ về nỗi thất vọng mình từng trải qua, đặt nó vào đúng bối cảnh để tưởng tượng xem lý do đằng sau là gì. Các quyết định hiếm khi chỉ đơn giản là đúng hay sai mà đa phần chúng đều mang cả sắc sáng và tối. Bạn có thể thừa nhận nỗi thất vọng, nhưng bạn cũng nên tập ghi nhận những thành tựu của mình.
Hãy nghĩ về một tình huống hay thử thách mà bạn từng đối mặt - chẳng hạn như không được thăng chức - và xem bạn có thể điều chỉnh suy nghĩ của mình như thế nào:
Như chúng ta đã thấy, việc thay đổi quan điểm từ không có sức bật tinh thần sang có sức bật tinh thần không hề dễ dàng. Chúng ta cần đến một lối suy nghĩ mới và chủ động giữ tâm lý này mỗi ngày. Sau đây là một số ví dụ khác về các tình huống bạn có thể gặp phải trong công việc:
Bạn bị trượt một bài kiểm tra năng lực chuyên môn
• Quan điểm của người có sức bật tinh thần: “Kiến thức của tôi không mất đi. Tôi cần làm gì để có kết quả tốt hơn vào lần kiểm tra sau? Việc này nằm trong tầm tay của tôi và khi tôi vượt qua kỳ thi lần tới, tôi sẽ không còn ám ảnh về lần thi trượt này”.
• Quan điểm không có sức bật tinh thần: “Tôi không dám thi lại lần nữa, tôi đã rất nỗ lực và đã bị trượt, tôi sẽ không làm lại lần nữa, tôi không thể đỗ được. Tôi thật ngu ngốc khi đã đăng ký, tôi sẽ không bao giờ đạt yêu cầu vì tôi không đủ năng lực”.
Bạn không được nhận vào làm một công việc mà bạn nghĩ là rất phù hợp với mình
• Suy nghĩ của người có sức bật tinh thần: “Tôi thất vọng nhưng tôi biết mình rất muốn công việc này. Tôi có thể tìm một cơ hội tương tự ở đâu? Tôi có thể làm gì để phát triển bản thân nhằm có cơ hội tốt hơn vào lần ứng tuyển sau? Tôi rút ra được điều gì từ nỗi thất vọng này?”.
• Suy nghĩ của người không có sức bật tinh thần: “Tôi đã nhầm. Nếu tôi phù hợp thì họ đã tuyển tôi rồi. Có lẽ tôi không nên tìm kiếm một công việc như thế này”.
Bài thuyết trình của bạn bị cấp trên phê bình công khai
• Suy nghĩ của người có sức bật tinh thần: “Phản hồi này là hữu ích; tôi có thể sử dụng quan điểm đó để tạo ra một bài thuyết trình thậm chí còn hay hơn vào lần sau. Kiến thức của tôi đã được gia tăng”.
• Suy nghĩ của người không có sức bật tinh thần: “Tôi là đứa ngu dốt, tôi đã bỏ lỡ một số thông tin thực tế, mọi chuyện thật tồi tệ, tôi sẽ không thuyết trình lại nữa”.
Ví dụ cuối cùng cho thấy hành vi tự hủy hoại bản thân khi chúng ta không tha thứ cho những thất bại và hạn chế của chính mình. Việc thường xuyên nhắc nhở bản thân đối xử tốt với chính mình không phải là sự nuông chiều, mà đó là việc cần làm và nên làm.
Sức bật tinh thần tập nhiễm
Trong Chương 1, chúng ta đã tìm hiểu về thất bại và tác động của tâm lý tích cực đến cách chúng ta nhìn nhận thất bại. Bất lực tập nhiễm là một thuật ngữ do nhà tâm lý học tích cực Martin Seligman đặt ra sau một chuỗi thí nghiệm trên động vật vào năm 1972. Bỏ qua mặt đạo đức của những thí nghiệm này, những phản xạ có điều kiện được khám phá ra đã dạy chúng ta một bài học đáng giá về khả năng phục hồi: người ta tự cho rằng mình bất lực vì trước đây họ đã từng như vậy, và họ tưởng tượng rằng mình sẽ bất lực tương tự trong hoàn cảnh mới.
Trong công việc, chúng ta tự cho rằng mình không làm được những gì? Chúng ta có cho rằng vì mình từng chật vật với các nhiệm vụ được giao nên bây giờ mình không phải một nhân viên giỏi không? Hay vì chúng ta thường bị xúc động trước những tin xấu trong công việc nên chúng ta không thể xử lý các vấn đề nhạy cảm? Nếu nhìn toàn cảnh và suy ngẫm về sự bất lực “tập nhiễm” của mình trong công việc, bạn sẽ rút ra điều gì?
Bên cạnh bất lực tập nhiễm, Seligman cũng viết về lạc quan tập nhiễm. Ông cho rằng để đạt tới sự lạc quan cần cả một quá trình, trong đó ưu tiên hàng đầu là hiểu trạng thái tâm lý hiện tại và phản ứng với các sự việc - cho dù đó là một trải nghiệm tích cực hay tiêu cực tức thời - và khám phá các lựa chọn thay thế. Chúng ta có thể vận dụng tư duy tương tự vào sức bật tinh thần. Có thể chúng ta coi bản thân là một cá thể yếu đuối có rất ít hoặc không có sức bật tinh thần, tuy nhiên, việc tái định hình các trải nghiệm sẽ giúp chúng ta phát triển một tư duy vững vàng hơn. Bài tập “Lời khẳng định RAS” ở cuối chương này sẽ hỗ trợ bạn định hình lại ý thức về bản thân.
Sức bật tinh thần theo hoàn cảnh
Hoàn cảnh có thể có tác động lớn đến sức bật tinh thần của chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy an toàn và được hỗ trợ thì việc mạo hiểm, phản bác một hướng dẫn hay suy nghĩ sáng tạo có thể sẽ dễ dàng hơn. Khái niệm “giới hạn” mà chúng ta xem xét trong Chương 5 đã nhấn mạnh triển vọng làm việc trong một không gian vừa truyền cảm hứng vừa an toàn này. Chúng ta dễ dàng giao phó trách nhiệm đó cho những người quản lý và lãnh đạo; bạn có thể liên tưởng đến những ví dụ về kiểu lãnh đạo tuyệt vời mà trong đó mọi người được trao quyền để trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính mình. Công dụng tuyệt vời nhất của sức bật tinh thần là tạo ra không gian tâm lý an toàn đó và thay đổi trọng tâm của sự kiểm soát bên trong, sao cho chúng ta có thể đối mặt với những thăng trầm trong cuộc sống mà không vướng vào các kiểu hành vi gây rối. Đó là quá trình tạo ra sức bật tinh thần tự chủ. Chúng ta không cần trông chờ các nhà lãnh đạo, đồng nghiệp hay khách hàng tạo điều kiện phù hợp để phát triển; thay vào đó, chúng ta có thể đảm nhận trách nhiệm này bằng cách tự chăm sóc và chăm lo cho nhu cầu của mình.
Sức bật tinh thần rất khó để nắm bắt; việc bạn có sức bật tinh thần hay không phụ thuộc vào vị trí của bạn trong cuộc sống, cách cuộc sống của bạn diễn ra, những thử thách và sự kiện chính mà bạn phải vượt qua. Chúng ta có thể bị đè bẹp hoặc chúng ta có thể bật dậy.
Học hỏi từ người khác
Khi nhận những lời nhận xét, chúng ta có thể khó nhận ra nội dung cốt lõi được truyền tải trong đó. Nếu chúng ta nhạy cảm hoặc dễ tổn thương, thì thay vì “Bài thuyết trình của bạn hơi tẻ nhạt”, chúng ta lại nghe thành “BẠN hơi tẻ nhạt”. Khi bạn được yêu cầu phải nghiên cứu sâu hơn cho bài báo cáo của bạn, thay vì “Tôi nghĩ bạn cần đi sâu vào những vấn đề này hơn”, chúng ta lại nghe thành “MÌNH không thông minh, MÌNH rỗng tuếch”. Đây là lối suy nghĩ sai lầm.
Eleanor Roosevelt từng nói rằng không ai có thể khiến bạn cảm thấy thấp kém mà không có sự cho phép của bạn. Hãy áp dụng tư tưởng này vào công việc. Hãy suy nghĩ về một lần bạn cảm thấy bị coi thường hoặc khó chịu trong công việc. Bạn hành động như thế nào là do bạn định đoạt. Nếu cảm thấy bị xem thường hoặc bị bẽ mặt, bạn có thể cư xử tử tế. Hãy thừa nhận rằng, từ góc độ của đối phương, mọi việc không ổn. Bạn có thể chấp nhận ý kiến của họ. Bạn có thể giao tiếp nhã nhặn.
Trước đây, từng có một mô hình rất được ủng hộ trong hoạt động đào tạo quản lý, đó là “bánh kẹp nhận xét”: bạn nên “kẹp” lời phê bình vào giữa hai nhận xét tích cực hoặc hai lời khen ngợi. Mô hình này trở nên nổi tiếng dưới cái tên “bánh kẹp dở tệ” và không đạt hiệu quả như mong muốn. Người nhận lời nhận xét có xu hướng bỏ qua các nhận xét tích cực và chỉ tập trung vào phần chỉ trích của bánh kẹp. Có một cách tiếp cận trực tiếp hơn, đó là hãy nói rõ là mình muốn nhận xét và xem đối phương có sẵn sàng đón nhận hay không. Nếu họ sẵn sàng thì bạn có thể đưa ra nhận xét một cách rõ ràng và rành mạch, sau đó cùng thảo luận phương án giải quyết dựa trên tinh thần xây dựng. Đừng cố gắng ngụy trang cho lời nhận xét.
Nữ doanh nhân Sheryl Sandberg bàn đến một khía cạnh khác của quá trình cho và nhận lời phê bình. Bà khuyến khích chúng ta tự vấn bản thân về cách chúng ta đáp lại lời nhận xét. Bà trích dẫn lời các giáo sư ngành luật Stone và Heen, những người đề xuất việc tự đánh giá cách bạn đáp lại lời nhận xét. Cuối chương này có một bài tập được xây dựng dựa trên đề xuất này. Lắng nghe và phản hồi nhận xét mà không suy sụp là một kỹ năng tuyệt vời mà bạn có thể trang bị cho mình, dù với tư cách là nhà lãnh đạo, nhân viên hay đồng nghiệp. Việc tự đánh giá cũng giúp bạn quan sát trải nghiệm từ xa, nhìn nhận bản thân và xem xét “Mình đã phản ứng với lời nhận xét trong cuộc họp như thế nào?”, “Mình đã phản ứng gì trước lời đề nghị đó?”.
Món quà đến từ lời nhận xét
Không phải mọi lời nhận xét đều được truyền tải theo cách mà chúng ta sẵn sàng đón nhận; điều này có thể liên quan đến người truyền tải và người đón nhận. Brené Brown, chuyên gia về lòng can đảm, đưa ra một danh sách công việc nhằm đo lường mức độ nhiệt tình và sẵn sàng đón nhận lời nhận xét, để xem chúng ta có đang ở trạng thái sẵn sàng đón nhận hay không. Hành động này cần sự tự suy ngẫm và trung thực về sự sẵn sàng lắng nghe và thừa nhận rằng việc giải quyết bất cứ vấn đề hay thử thách nào cũng đều mang đến cơ hội phát triển.
Khi ai đó dành thời gian để quan sát bạn thật kỹ, xem cách bạn làm việc, hiểu trải nghiệm của bạn và chia sẻ những nhận xét đó với bạn, đó chính là một món quà. Điều đó thể hiện rằng họ quan tâm và tập trung vào sự phát triển của bạn.
Dĩ nhiên không phải tất cả nhận xét đều có tác dụng cải thiện và phát triển; một số nhận xét chú trọng vào sự ghi nhận. Mục đích của chúng ta được củng cố khi sự đóng góp của chúng ta được công nhận. Giải thưởng Nobel là sự ghi nhận có uy tín tầm cỡ quốc tế, nhưng lời cảm ơn từ một khách hàng hài lòng cũng vô cùng ý nghĩa. Sẽ thật tuyệt khi công việc bạn làm là có mục đích, đồng thời bạn được công nhận là đang làm một việc có ý nghĩa. Hơn nữa, giữa sức bật tinh thần và duy trì sự tự nhận thức có một mối tương quan mạnh mẽ. Bởi vậy, hãy nói với những người xung quanh rằng bạn xem trọng những lời công nhận của họ cho việc tốt mà bạn đã làm được.
Từ tự khiển trách đến tự chăm sóc
Trong Chương 3, chúng ta đã khám phá rất nhiều lý do tiềm ẩn và vững chắc cho khuynh hướng tự trách mình khi mọi việc không suôn sẻ. Tự khiển trách là một hành vi hủy hoại và nên được thay bằng tự chăm sóc - tức là suy nghĩ xem làm thế nào để chăm sóc bản thân tốt hơn. Việc nghỉ ngơi và hồi phục bản thân có thể giúp bạn đương đầu với những đòi hỏi trong công việc và gia đình. Việc rèn luyện lòng biết ơn được chứng minh là có tác động rất tích cực đến trạng thái hạnh phúc.
Khi nói đến vấn đề này, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố “chân thực” trong sức bật tinh thần. Những cuộc điều tra nghiên cứu về quân đội cho thấy lòng can đảm giả tạo, cũng như sự phủ nhận trạng thái căng thẳng và chấn thương có thể khuyến khích mọi người “giả vờ vui vẻ” cho đến khi họ thật sự suy sụp. Có thể người ta sẽ dạy bạn “vờ dũng cảm” để tỏ ra kiên cường… nhưng điều này lại ít liên quan đến sức bật tinh thần chân chính. Thông qua việc phát triển sự tự nhận thức và tự hiểu biết, chúng ta có thể hiểu rõ hơn khi nào mình rơi vào trạng thái dễ tổn thương và khi nào mình cần sự hỗ trợ để giải quyết khó khăn.
Khi bạn cảm thấy vô cùng áp lực trong công việc, hãy can đảm trò chuyện với sếp và giải thích rằng bạn đang quá căng thẳng. Còn nếu bạn là người quản lý, tốt nhất hãy trò chuyện trước khi nhân viên lâm vào tình trạng này, bằng cách cho họ biết rằng họ có thể tâm sự với bạn nếu cần thay đổi điều gì đó nhằm cải thiện khối lượng công việc.
Đôi khi chúng ta gặp phải những vấn đề không thể giải quyết trong công việc. Khi đối mặt với những thử thách này, chúng ta cần tìm kiếm sự hỗ trợ, hướng dẫn và xoa dịu từ các chuyên gia, những người có thể giúp đỡ chúng ta.
Tha thứ cho những thất bại của bản thân
Thất bại đã trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm. Nỗi sợ thất bại thậm chí còn có thuật ngữ riêng, đó là “atychiphobia” - nỗi sợ thất bại phi lý và kéo dài. Nhưng gần đây, cách nhìn nhận về thất bại đã thay đổi. Loạt podcast xuất sắc của Elizabeth Day, How to Fail (tạm dịch: Cách thất bại), cho thấy cuộc sống trọn vẹn là một cuộc sống có thất bại. Cô đã phỏng vấn một loạt người nổi tiếng thành đạt để họ chia sẻ về kinh nghiệm thất bại của mình. Những bài phỏng vấn này được ghi chép lại trong một quyển sách cùng tên, trong đó lột tả cốt lõi của một lối sống đa chiều và chân thật hơn - một lối sống mà đôi khi bị che giấu trên mạng xã hội. Day ủng hộ quan điểm cho rằng thất bại là một phần cuộc sống trọn vẹn và rực rỡ. Chủ đề tương tự cũng được đề cập một cách trung thực và táo bạo trong quyển The Art of Not Falling Apart (tạm dịch: Nghệ thuật của việc không sụp đổ). Trong quyển sách đó, tác giả Christine Patterson bàn về những thăng trầm của cuộc sống, bao gồm cả khi bản sắc của bạn bị hủy hoại do cắt giảm nhân sự. Trong những dòng suy ngẫm về thất bại trong quyển tự truyện Becoming(4), Michelle Obama khuyên chúng ta đừng sợ thất bại mà hãy công nhận đó là một phần thiết yếu của sự phát triển.
(4) Đã được First News xuất bản với tựa tiếng Việt Chất Michelle.
Có thể thất bại không phải là kết quả mong muốn của chúng ta; có thể chúng ta đang phải sử dụng Phương án B như mô tả trong quyển sách mới đây của Sheryl Sandberg và Giáo sư Adam Grant. Nhưng là những người kiên cường, giờ đây chúng ta biết mình có thể phục hồi sau thất bại và tạo ra kết quả tốt nhất từ trong nghịch cảnh.
Rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã
Có một thuật ngữ mới dành cho những bậc phụ huynh bảo vệ con cái đến mức vạch sẵn kế hoạch chi tiết để con cái tránh được mọi khó khăn. Những vị phụ huynh này có xu hướng dọn đường sẵn để con của họ không phải đối mặt với bất kỳ khó khăn hay sự khó chịu nào. Điều này tức là nếu một đứa trẻ sợ động vật thì nó sẽ không được phép đi dự tiệc nếu chủ nhà có nuôi thú cưng, hoặc nhà đó sẽ được yêu cầu đưa thú cưng đi chỗ khác. Hay một vị phụ huynh đưa ra một danh sách các món ăn mà con của họ thích và ghét. Xu hướng hành động này thường được gọi là “snowploughing” (dọn tuyết) - dẹp bỏ mọi chướng ngại trong tầm mắt. Và dù xuất phát từ mục đích tốt, nhưng việc này đã cướp đi của đứa trẻ cơ hội tự khám phá bản thân - trải nghiệm vốn chỉ có được khi ta học cách tin tưởng bản thân, mắc sai lầm và rút kinh nghiệm.
Trong công việc, kiểu che chở mang mục đích tốt này có thể khiến trải nghiệm lần đầu gặp khó khăn của chúng ta trở nên khắc nghiệt. Và nếu dùng phương pháp cản trở sự học hỏi này để lãnh đạo, chúng ta sẽ làm hại cấp dưới. Những chỉ dẫn “mớm tận miệng” và “cầm tay chỉ việc” sẽ cướp đi cơ hội phát triển thế mạnh và năng lực của những người làm việc cùng bạn.
Các bậc phụ huynh của “thế hệ bông tuyết” còn bị được cho là “phụ huynh trực thăng”. Có nghĩa là họ kiểm soát cuộc sống của con cái chặt chẽ đến mức chúng không có khả năng tự lập và hình thành khả năng tự chịu trách nhiệm cho những quyết định và trải nghiệm của chính mình. Nói đến đây, chúng ta cần nhận ra vai trò quan trọng của lòng can đảm, yếu tố song hành cùng sức bật tinh thần. Charles Murray, tác giả quyển The Bell Curve (tạm dịch: Đường cong hình chuông) mô tả: nếu không có lòng can đảm, sức bật tinh thần của các sinh viên giống một ly rượu champagne dễ vỡ.
Triết gia Aristotle coi dẻo dai là một phẩm chất quan trọng và kiên trì là yếu tố quyết định để vượt qua thất bại. Dù trong quyển sách khám phá về thành công Outliers (tạm dịch: Những kẻ xuất chúng), tác giả Gladwell đã đề cập đến yếu tố may mắn, nhưng ông cũng cho rằng sự kiên trì và luyện tập là những công cụ thiết yếu. Theo nhận định nổi tiếng của ông, chúng ta cần đến 10.000 giờ kiên trì luyện tập để đạt đến mức xuất sắc. Thông điệp của quyển sách này cũng được củng cố trong nghiên cứu và trong tác phẩm bàn về tầm quan trọng của lòng can đảm đối với sự thành công của Angele Duckworth. Bạn sẽ phải sẵn sàng cho thất bại và bắt đầu lại để hiểu được rằng thất bại không phải là một trạng thái vĩnh viễn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng
Có một bài học cuộc sống quan trọng là chúng ta phải chấp nhận rằng không phải tất cả mọi người đều yêu quý mình. Trong công việc, sẽ có động lực, kế hoạch, sự bất an và tham vọng. Bạn cần có sức bật tinh thần để hiểu được rằng có thể ý tưởng hay kế hoạch của bạn sẽ không được tất cả mọi người đón nhận. Chúng ta cần chấp nhận rằng trong mạng lưới công việc phức tạp, mỗi người sẽ có những ý kiến khác nhau, quan trọng là bạn cần hiểu rằng ý tưởng của bạn không được đón nhận không đồng nghĩa với bản thân bạn có vấn đề hay bạn là kẻ thất bại. Việc tìm kiếm mạng lưới hỗ trợ nhằm cung cấp chỉ dẫn và không gian để khám phá những ý tưởng sẽ giúp bạn cân bằng ý thức về sự đóng góp của mình.
Khi bỏ đi suy nghĩ phải làm hài lòng tất cả mọi người hoặc được tất cả mọi người yêu mến, bạn có thời gian và năng lượng để tập trung vào những điều quan trọng. Điều đó không có nghĩa bạn nên khó chịu hoặc bất chấp tất cả để đưa ra những quyết định bị phản đối, mà đơn giản là hãy chấp nhận rằng đôi lúc bạn sẽ có những quyết định không làm hài lòng tất cả mọi người. Việc này sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng. Bạn cũng sẽ có thêm thời gian để chú tâm vào công việc và những dự án quan trọng nhất với mình.
Đặc trưng của sức bật tinh thần
Nghiên cứu về sức bật tinh thần vẫn còn tương đối mới mẻ, và có rất nhiều nghiên cứu trước đó nhấn mạnh vào tác động tiêu cực của những biến cố như sang chấn tâm lý hay nghịch cảnh. Giáo sư tâm lý học Garmezy là một trong những người đầu tiên mang lại một góc nhìn khác cho vấn đề này. Ông tìm hiểu điều gì giúp một số người đương đầu với sự kiện tiêu cực và hồi phục được sau những biến cố khó khăn, và điều gì khiến những người khác suy sụp. Những yếu tố nào có ảnh hưởng? Một khám phá về cách thức hoạt động của sức bật tinh thần đã làm nổi lên một số đặc điểm mà theo đó, những người có sức bật tinh thần:
• Chấp nhận thực tế;
• Tin rằng cuộc sống có ý nghĩa;
• Có khả năng thay đổi và ứng biến.
Xuyên suốt quyển sách, chúng ta đã tìm hiểu về nhu cầu chấp nhận bản thân, chấp nhận thất bại và thực tế công việc. Chúng ta đã xem xét mối quan hệ giữa sức bật tinh thần và mục đích trong Chương 7 và những thử thách về thay đổi, mất mát và xáo trộn ở Chương 4.
Trong bài nghiên cứu How Resilience Works (tạm dịch: Sức bật tinh thần hoạt động như thế nào) trên tạp chí Harvard Business Review, khả năng thay đổi và ứng biến được gọi là “xoay xở” hay bricolage (lắp ghép). Claude Lévi-Strauss, nhà nhân chủng học người Pháp, đưa ra khái niệm này như một phương pháp sáng tạo, đồng thời là phương tiện để tạo ra một điều mới từ những thứ không liên quan đến nhau. Trong tiếng Pháp, bricolage có nghĩa là “tự mình làm” hoặc “sửa chữa nhà cửa”. Đây có thể là một ý tưởng hữu ích về sức bật tinh thần: Có thể chúng ta không chọn đảm nhiệm một vai trò khác hoặc lao động vào lúc không có các nguồn lực thông thường, hay vào lúc không khỏe và mệt mỏi, nhưng nếu làm vậy, chúng ta có thể khám phá ra một cách thức làm việc mới, một giải pháp mới cho vấn đề sẵn có.
Sự khác biệt và ẩn số của sức bật tinh thần
Có một điều chúng ta cần lưu ý: Có sự khác biệt lớn giữa cách mà ta phản ứng với thử thách và khó khăn với cách mà ta hành động với sức bật tinh thần. Chúng ta đã khám phá bản chất độc đáo của trải nghiệm con người trong Chương 3 và những động lực ẩn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chúng ta với bản thân và với người khác. Giờ đây, chúng ta biết rằng những gì gây ra khủng hoảng hiện sinh ở một người có thể khó được người khác nhận thấy.
Bên cạnh đó còn có một vấn đề mang tính giai đoạn: sức bật tinh thần của chúng ta rất mạnh mẽ ở độ tuổi đôi mươi, mỏng manh ở độ tuổi ba mươi, mạnh mẽ trở lại ở tuổi bốn mươi, nhưng yếu dần khi bước vào tuổi xế chiều. Những thay đổi này không nhất thiết phải diễn ra theo từng giai đoạn hàng chục năm, mà nó có thể diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Mối quan hệ của chúng ta với sức bật tinh thần là không cố định.
Ngoài ra còn có sự khác biệt về giới tính. Nghiên cứu của Viện Thất Bại chỉ ra rằng khi đàn ông thất bại trong kinh doanh, họ có xu hướng nhanh chóng chuyển sang một dự án kinh doanh mới, có thể là ở một lĩnh vực khác. Khi phụ nữ thất bại, họ cần thời gian và có lẽ bị ảnh hưởng bởi hội chứng kẻ mạo danh(5). Sức bật tinh thần của phụ nữ cũng bị tác động bởi hormone, sự mãn kinh và quá trình mang thai; còn đàn ông phải đối mặt với vô vàn áp lực phải mạnh mẽ và làm việc cật lực hơn để được chấp nhận ở cấp độ cảm xúc, cho dù những mô hình này đang dần thay đổi. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là có nhiều giả định khác nhau được đặt ra cho cùng một thất bại.
(5) Cảm nhận sâu sắc rằng bản thân không xứng đáng với thành công đã đạt được, cùng nỗi sợ người khác “phát hiện” ra mình không tài giỏi như vậy.
Tuổi tác có thể tác động đến sức bật tinh thần. Chúng ta không nên có định kiến, nhưng vẫn nên ý thức rằng tuổi tác có thể là một yếu tố trong sức bật tinh thần. Khi là thành viên trẻ trong lực lượng lao động, chúng ta có thể nhiệt huyết, sử dụng thành thạo truyền thông và công nghệ kỹ thuật số, đồng thời cởi mở trước các khả năng. Những phẩm chất này giúp chúng ta đón nhận thử thách với góc nhìn mới mẻ, năng lượng dồi dào và sự lạc quan. Những người làm việc lâu năm có thể tích lũy được bề dày kinh nghiệm, nhưng nhiều khả năng họ cũng mang theo một cách giải quyết vấn đề được đúc kết từ xưa và không còn phù hợp với hiện tại. Có thể cách họ luôn xử lý các vấn đề trong công việc từ trước đến nay đã không còn phù hợp, hoặc không còn là giải pháp tốt nhất nữa. Dĩ nhiên, sự trưởng thành cũng đi kèm với những bài học, những kinh nghiệm dạy chúng ta rằng “chuyện gì rồi cũng sẽ qua”, và có lẽ cả sự gia tăng mức độ công nhận tiềm năng của bản thân.
Trong công việc không có cơ hội ngang bằng, cũng như trong cuộc sống luôn có sự khác biệt và bất bình đẳng. Tình trạng xã hội, kinh tế, chủng tộc, sức khỏe và năng lực tạo ra sự phức tạp, và mối liên hệ với sức bật tinh thần của tất cả các yếu tố tạo ra sự khác biệt trên vẫn còn là ẩn số; chúng ta chưa biết tại sao một số người lại có sức bật tinh thần mạnh mẽ hơn những người khác.
Đặc quyền đặc lợi có làm mất đi sức bật tinh thần hay không? Quyền lực có buộc những người không có quyền lực trở nên có sức bật tinh thần hơn không? Đây là những câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời một cách chắc chắn.
Bật dậy về phía trước
Một số người sẽ tranh luận về khái niệm “bật dậy”. Họ coi đó là một bước thụt lùi, với niềm tin rằng hành trình xây dựng sức bật tinh thần bao gồm sự thừa nhận rằng sau một trải nghiệm khó khăn hoặc thách thức, chúng ta sẽ không bao giờ giống như trước - có thể chúng ta có vẻ không thay đổi, nhưng kiến thức, bản thân và kinh nghiệm của chúng ta đã thay đổi, thường là theo xu hướng tốt lên.
Khi nghiên cứu tác động của khó khăn, sự đau khổ và đau đớn, tác giả Greitens phản bác cách nhìn nhận sức bật tinh thần như hành động phục hồi trạng thái cũ. Trong vai trò cựu lính Hải quân Hoa Kỳ, khám phá về sức bật tinh thần của ông trong loạt thư gửi cho một đồng nghiệp (một cựu chiến binh mắc PTSD) cho chúng ta thấy cách xây dựng mục đích và đối mặt với nỗi đau: đứng dậy và trở thành một con người khác sau trải nghiệm đó, một con người hiểu biết hơn, cảm thông hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Chúng ta có thể so sánh điều này với nghệ thuật Kintsugi của Nhật Bản, hay còn gọi là nghệ thuật trân trọng những vết sẹo quý. Kintsugi là phương pháp chấp nhận những điểm không hoàn hảo, bằng cách trân trọng những dấu hiệu hao mòn và nứt vỡ trên đồ gốm. Phương pháp truyền thống này sử dụng một loại kim loại quý, thường là vàng hoặc bạc, để gắn lại những mảnh gốm vỡ. Một thứ đẹp đẽ hơn được tạo ra từ quá trình sửa chữa món đồ bị vỡ.
Do đó, hãy làm điều tương tự với các vết sẹo thể hiện những thăng trầm trong cuộc đời của chúng ta, cho dù chúng có được thể hiện ra hay không. Quyển sách này đã cung cấp cho bạn các công cụ để phát triển trong môi trường làm việc. Giờ đây bạn nhận thức được rằng sức bật tinh thần có thể được truyền dạy. Có những bóng ma của quá khứ đang đeo bám đứa trẻ trong con người trưởng thành của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể chữa lành vết thương của mình và tiến lên. Chúng ta có thể bật dậy - hoặc bật về phía trước.
Trong quá trình trải nghiệm những bước ngoặt trong cuộc sống và sự nghiệp, chúng ta bắt gặp khái niệm “trạng thái bình thường mới” khi tiếp nhận vị trí và vai trò mới. Đó không chỉ là những hoạt động hữu hình như thăng chức, thay đổi nơi làm việc hay nghề nghiệp; chúng ta cũng có thể áp dụng trạng thái bình thường mới trong đời sống tâm lý, bật dậy ở một vị trí mới, với sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và sức mạnh của bản thân. Tôi mong muốn được nghe câu chuyện bạn đã bật dậy từ thất bại và thử thách, đồng thời nâng cao sức bật tinh thần như thế nào.
Điều chúng ta học được
Xuyên suốt quyển sách này, chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của việc chăm sóc bộ não và cơ thể. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến mối liên kết giữa tâm trí và cơ thể. Chúng ta công nhận rằng mình cần quan tâm bản thân một cách toàn diện. Những người hiểu điều này - ví dụ như các nhà thần kinh học - đều ủng hộ yoga và chạy bộ. Tiến sĩ RC có loạt podcast Feel Better, Live More (tạm dịch: Vui vẻ hơn, nhiệt huyết hơn) và những quyển sách với nội dung thôi thúc chúng ta kết hợp việc nghỉ ngơi, ăn uống, di chuyển và ngủ đúng cách để có được cuộc sống lành mạnh hơn. Sự thành công của loạt sản phẩm này chính là ví dụ điển hình cho sự thay đổi trong nhận thức của chúng ta - chúng ta biết rằng hành vi có thể tác động tới tâm trạng.
Và còn rất nhiều yếu tố khác cần được khám phá. Việc phát triển sự tự nhận thức sẽ giúp chúng ta nhận ra những yếu tố kích thích bản thân, tạo điều kiện để chúng ta xem xét những hành vi không có ích, cũng như trở nên bao dung với bản thân hơn. Hãy coi đó là sự tự đánh giá bản thân, một trách nhiệm của bạn. Đây là một công việc trọn đời. Chúng ta cũng đã bàn về những thay đổi, sự xáo trộn và mất mát không tránh khỏi trong công việc; và theo chủ nghĩa khắc kỷ, chúng ta nên chuẩn bị cho điều này, cũng như đón nhận những trải nghiệm mình có được.
Dù là nhà lãnh đạo hay nhân viên, chúng ta đều đặc biệt cần sức bật tinh thần vì chúng ta có những mong muốn khác nhau và đều phải học cách xây dựng một phong cách làm việc riêng. Trong quá trình này, bạn sẽ gặp những xung đột, bất đồng và những mối quan hệ khó giải quyết, cũng như những người sẽ thách thức chúng ta.
Bạn còn lại điều gì khi mọi thứ khác bị tước đi? Việc quyết định điều gì là quan trọng với bạn và bạn muốn đạt được điều gì sẽ khiến quãng thời gian làm việc trở nên ý nghĩa, đem lại niềm vui, sự hài lòng và phát triển. Thế nhưng trong mọi lĩnh vực công việc, bạn sẽ có thất bại và sai lầm. Hãy tha thứ cho bản thân và rút kinh nghiệm.
Bạn sẽ lại thất bại.
Bạn sẽ bật dậy.
Bây giờ là lúc để tập trung vào những việc bạn có thể làm để xây dựng sức bật tinh thần.
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Chúc bạn may mắn.
Bài tập
Biện pháp khắc phục nhanh khi sức bật tinh thần tuột dốc
Dành cho bạn:
• Ra ngoài.
• Đi bộ nhanh và hít thở không khí trong lành.
• Viết một danh sách các mối bận tâm.
• Tìm ai đó biết hỗ trợ để tâm sự.
• Tìm nơi nào đó riêng tư và hít thở sâu.
Dành cho những người xung quanh bạn:
Nếu bạn nhận thấy ai đó bị kích động hay đau khổ, hãy giúp họ vượt qua khó khăn bằng cách kéo họ ra khỏi tình huống khiến họ căng thẳng. Ví dụ, hãy hỏi xem họ có muốn rời khỏi phòng không, hoặc mời họ một ly trà và thảo luận về những lo lắng hiện tại của họ.
Những lời khẳng định RAS
Tự nói những lời khẳng định là một cách dễ dàng và thích hợp để tạo động lực hành động cũng như điều chỉnh bản thân. Chúng ta có thể sử dụng cách này để tạo ra một cái nhìn mới về bản thân, đồng thời củng cố những yếu tố tâm lý vốn đã hữu ích và cần duy trì. Sau đây là cách mà Hệ thống Kích hoạt Dạng lưới (Reticular Activating System - RAS) - một trong nhiều chức năng của não bộ - khiến cho các từ ngữ thường xuyên lặp đi lặp lại trở thành một phần của chúng ta. Điều này có nghĩa là nếu liên tục nói mình ngu ngốc, chúng ta sẽ bị nhận định là ngu ngốc; nếu liên tục nói mình thông minh, chúng ta sẽ nhận định mình thông minh. RAS nằm ở đáy não và có tác dụng giống như một màng lọc hàng triệu đơn vị thông tin và dữ liệu xung quanh chúng ta. Xét theo mục đích của bài tập này, chúng ta có thể coi RAS là Hệ thống Kích hoạt Sức bật tinh thần.
Não của chúng ta không phân biệt được quá khứ và tương lai; nó chỉ biết hiện tại. Điều quan trọng là chúng ta phải nêu ra những lời khẳng định ở thì hiện tại. Nếu bạn thường xuyên lặp lại những lời khẳng định, chúng sẽ bắt đầu trở thành một phần của bạn. Trong bài tập này, bạn sẽ tìm thấy danh sách gợi ý các lời khẳng định có thể hỗ trợ bạn trong quá trình xây dựng sức bật tinh thần; nhưng có thể còn nhiều lời khẳng định khác thích hợp hơn mà bạn sẽ tự tìm ra. Hãy tìm kiếm lời khẳng định phù hợp với bạn.
Hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào gương và nói to lời khẳng định. Nếu bạn cảm thấy khó khăn và không thoải mái khi vừa nhìn bản thân vừa nói, thì chỉ cần nói thôi. Nếu được, hãy dán danh sách đó trong nhà tắm để nhắc bản thân thực hành đều đặn như việc đánh răng mỗi ngày. Ban đầu bạn có thể cảm thấy kỳ quặc, nhưng bạn sẽ quen dần nếu tiếp tục thực hiện. Hãy nhắc lại lời khẳng định đã chọn hàng ngày, và dần dần, chúng sẽ trở thành một phần của bạn.
Những lời khẳng định RAS
Bạn chú tâm vào điều gì nhất thì điều đó sẽ trở thành một phần của bạn, vì vậy, hãy chú tâm vào điều này: Tôi kiên cường. Tôi có thể bật dậy sau thất bại.
1. Không sao, tôi làm được việc này.
2. Như thế này là đủ. Có thể chưa hoàn hảo nhưng như vậy là được.
3. Tôi đã sẵn sàng để lắng nghe, học hỏi và nâng cao hiểu biết.
4. Nếu tôi thất bại thì cũng không phải là chấm hết; tôi đã học được điều gì?
5. Nếu thất bại, tôi có thể thử lại.
6. Tôi có nguồn lực tiềm ẩn.
7. Tiếng nói tiêu cực trong đầu - hãy yên lặng nào!
8. Tôi có thể chấp nhận hoàn cảnh mới của mình, cho dù nó không như tôi hình dung.
9. Tôi không nhất thiết phải ở trong vùng an toàn của mình.
10. Nếu gặp trở ngại, tôi có thể phục hồi.
Hãy viết tiếp danh sách khi bạn đối mặt với những thử thách mới.
Xác định chiến lược ứng phó
Chúng ta đều có sẵn những cách ứng phó với căng thẳng và khó khăn. Một số cách sẽ hỗ trợ sức bật tinh thần phát triển, trong khi một số cách khác có thể hủy hoại sức bật tinh thần. Hãy nhẹ nhàng với chính mình và bắt đầu tìm hiểu các phương pháp ứng phó của bạn. Còn những cách nào khác để hướng đến một phương pháp xây dựng sức bật tinh thần và phục hồi tích cực hơn?
Sau đây là một số cách ứng phó phổ biến. Phương pháp mặc định của bạn là gì? Bạn muốn sử dụng thêm phương pháp nào?
Chấp nhận
Bạn thừa nhận đây là một giai đoạn khó khăn, bạn đang chật vật và có điều gì đó cần phải thay đổi.
Chủ động đối phó
Bạn tìm kiếm sự giúp đỡ để giải tỏa căng thẳng, ngồi thiền, sử dụng các kỹ thuật thư giãn, trị liệu,… về cơ bản là làm điều gì đó tích cực để hỗ trợ bản thân.
Hành vi trốn tránh
Bạn né tránh những tình huống đau khổ, hạn chế giao tiếp bằng mắt, không trò chuyện với người khác, thể hiện sự bồn chồn, căng thẳng hoặc buồn chán bằng ngôn ngữ cơ thể.
Sự hài hước
Khi cười, bạn sẽ bớt cảm thấy mình là nạn nhân. Suy nghĩ lại về bi kịch hoặc tình huống thách thức với sự hài hước có thể giúp bạn thay đổi từ phương pháp này sang phương pháp khác.
Lên kế hoạch
Lên kế hoạch trước cho tình huống khó khăn có thể giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn khi rắc rối xảy ra; việc biết mình nên làm gì để phục hồi có thể giúp cải thiện sức bật tinh thần.
Suy nghĩ tích cực
Bạn xem xét lại các thông tin dưới góc độ tích cực để thay đổi suy nghĩ của mình (xem thêm các bài tập ở cuối chương nói về xung đột).
Đức tin
Những người mang đức tin có năng lực đối phó với nghịch cảnh tốt hơn nhờ có cảm giác về một mục đích cao cả, một sức mạnh lớn hơn giúp lý giải các sự kiện được cho là khó khăn theo góc độ tích cực hơn.
Tự đánh lạc hướng bản thân
Làm những việc khác để đánh lạc hướng bản thân khỏi xung đột, sự rối loạn, căng thẳng hay những cảm xúc khó chịu là một cách hữu ích để xây dựng sự tự tin vào năng lực của bản thân.
Lạm dụng thuốc
Lạm dụng thuốc gây hại cho sức bật tinh thần. Đây là một cách ứng phó cực kỳ không lành mạnh.
Sử dụng sự hỗ trợ hữu hình
Đón nhận sự hỗ trợ hữu hình từ người khác, chẳng hạn như nhờ đưa đón, chăm sóc con cái, làm việc nhà, v.v.
Trút giận
Khi cơn giận bùng nổ, bạn đấm cái gối, “dằn mặt” người gây ra cơn giận… Một số người nghĩ cách này có ích, trong khi một số khác tin rằng đó chỉ đơn thuần là đổ thêm dầu vào lửa.
Phủ nhận
Nhìn chung, né tránh sự thật, phủ nhận hiện thực về trải nghiệm khủng khiếp là hành vi phản tác dụng.
Tự trách
Đây là một hành vi mang tính hủy hoại, một quá trình nhận thức mà trong đó bạn có xu hướng tự trách móc bản thân khi gặp khó khăn và tình huống căng thẳng.
Tiếp nhận nhận xét
Có rất nhiều hướng dẫn về cách đưa ra nhận xét, nhưng lại có rất ít hướng dẫn về cách tiếp nhận nhận xét. Đây có thể là một kỹ năng quan trọng, đặc biệt khi chúng ta đang tập phát triển sức bật tinh thần.
1. Bạn đã sẵn sàng tiếp nhận nhận xét này chưa?
Cho phép người khác truyền đạt thông điệp là một khâu quan trọng cả về mặt tinh thần lẫn thể chất trong quá trình nhận xét. Điều này giúp bạn cởi mở đón nhận thông điệp và sẵn sàng để lắng nghe.
2. Bạn có hiểu hành vi đang được chỉ ra không?
Có phải lời nhận xét này nói về hành vi mà bạn ý thức được ở bản thân không? Bạn có nhớ ra sự việc này không?
3. Bạn có thể tách biệt vấn đề này ra khỏi hình ảnh bản thân không?
Bạn có thể tiếp nhận lời nhận xét với thái độ trung lập không? Thông điệp này mang tính chủ quan và nói về một việc cụ thể. Bạn có thể lắng nghe mà không công kích bản thân không? Nếu không làm được điều đó, bạn cần ý thức rằng mình đang tự hủy hoại bản thân.
4. Bạn có cần đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề không?
Còn điều gì bạn muốn biết rõ hơn không? Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người nói nêu ví dụ hoặc giải thích thông điệp cho rõ ràng hơn. Nhận xét sẽ chỉ mang tính xây dựng nếu bạn hiểu rõ vấn đề là gì.
5. Bạn có thể làm điều tích cực gì sau nhận xét này?
Bạn có thể sử dụng thông tin này như thế nào? Bạn có thể làm gì để rút kinh nghiệm từ lời nhận xét đó, và người đưa ra nhận xét có thể hỗ trợ bạn như thế nào? Còn ai khác có khả năng giúp bạn không?
6. Bạn đã phản ứng với lời nhận xét như thế nào?
Hãy dành vài phút để xem lại phản ứng của bạn đối với lời nhận xét. Bạn có lắng nghe mà không bị phân tâm vì cảm xúc không? Nếu bạn cảm thấy giận dữ, khó chịu hay căng thẳng, bạn có thể xác định nguyên nhân gây ra những phản ứng cảm xúc đó không? Bạn có tiếp nhận lời nhận xét và xem xét nó trong tương lai không?
Đưa ra nhận xét với cấp trên
Thông thường, người quản lý sẽ đưa ra nhận xét thường xuyên cho cấp dưới. Mô hình giao tiếp này sẽ khích lệ những người làm việc cho bạn tự phát triển những kỹ năng cần thiết. Về phía bạn, bạn có thể khuyến khích cấp dưới góp ý về bạn. Hãy cho mọi người biết rằng trong vai trò nhà quản lý/lãnh đạo, bạn sẵn sàng lắng nghe quan điểm và ý kiến của họ, đồng thời phát triển văn hóa nhận xét cởi mở. Lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ là những phẩm chất có giá trị như nhau đối với nhà lãnh đạo và nhân viên.
Bạn đang và sẽ như thế nào
Theo tác giả Viktor Frankl, khi gặp thử thách, “chúng ta được thách thức thay đổi bản thân”. Sự lựa chọn mà chúng ta có là sự lựa chọn thái độ; nó luôn nằm trong tay chúng ta. Nếu trong quá khứ, bạn từng gặp khó khăn và có phản ứng gây bất lợi đến hạnh phúc và lòng tự trọng của mình, thì giờ đây bạn có một lựa chọn. Có thể mọi người đã quen với một tính cách nào đó của bạn - ví dụ như cực kỳ dễ tính, nóng tính, hoặc khó tính. Do đó, họ sẽ kỳ vọng bạn cư xử như vậy, nhưng bạn có thể thay đổi điều này. Bạn có thể tuyên bố: “Đối với những lời nhận xét không hoàn toàn tích cực, tôi từng rất khó lòng chấp nhận. Nhưng giờ đây, tôi đã nhận ra những nhận xét đó rất có ích và tôi sẽ thay đổi phản ứng của mình trong tương lai”.
1. Lời tuyên bố thay đổi của bạn là gì?
2. Bạn tuyên bố điều gì về bản thân trong tương lai?
3. Hãy viết ra giấy và ghi lại ngày tuyên bố của mình.
4. Lưu lại để đọc lại và kiểm tra tiến độ của bạn.
5. Chúng ta sẽ làm gì nếu một người bạn đáng mến hay một đồng nghiệp đáng quý tuyên bố thay đổi?
Đánh giá lại sức bật tinh thần
Ở phần đầu quyển sách này, bạn đã tự đánh giá sức bật tinh thần của bản thân. Bây giờ hãy làm lại bài đánh giá đó - sức bật tinh thần của bạn có phát triển sau khi bạn gia tăng hiểu biết không?
Tự đánh giá sức bật tinh thần
Trong quá trình khám phá sức bật tinh thần của bản thân, cách chúng ta nhìn nhận về sức bật tinh thần của mình thường sẽ khác với cách người khác đánh giá về chúng ta. Chúng ta có thể yếu đuối hơn nhiều so với những gì người khác nghĩ… hoặc chúng ta bị coi là không mạnh mẽ bởi chúng ta trầm tính. Các tình huống mà chúng ta phải đối mặt cũng đa dạng không kém sức bật tinh thần của chúng ta trong những tình huống đó.
Hãy suy ngẫm về bản thân trong công việc, bạn chấm sức bật tinh thần của mình là bao nhiêu trên thang điểm từ 1 đến 10, với 10 là mức cao nhất. Người khác sẽ đánh giá bạn như thế nào? Hãy nhờ một vài người (như gợi ý bên dưới) chấm điểm cho bạn. Những câu hỏi này không có đáp án đúng hay sai; mục đích của bài tập là giúp bạn dừng lại và kiểm tra bản thân kỹ hơn một chút. Theo thang điểm từ 1 đến 10:
• Bạn chấm cho bản thân bao nhiêu điểm?
• Đối tác chấm cho bạn bao nhiêu điểm?
• Đồng nghiệp chấm cho bạn bao nhiêu điểm?
• Cố vấn/huấn luyện viên của bạn (nếu có) chấm cho bạn bao nhiêu điểm?
• Sếp trực tiếp chấm cho bạn bao nhiêu điểm?
• Bạn của bạn chấm cho bạn bao nhiêu điểm?
Hãy nhìn những điểm số này và suy nghĩ về chúng. Có sự chênh lệch nào không?