C
on người ai cũng muốn có định hướng và mục đích sống. Chương này sẽ tìm hiểu mối quan hệ giữa mục đích, lý do chúng ta làm việc (thứ không phải lúc nào cũng cố định) và sức bật tinh thần. Chúng ta sẽ xem xét phần “tại sao” của sức bật tinh thần và tầm quan trọng của mục đích trong việc củng cố sức bật tinh thần.
Mục đích trong công việc
Mục đích thể hiện sự quyết tâm của con người. Nó chỉ ra điều chúng ta coi là quan trọng và điều đáng để dành thời gian. Nó là nhiệm vụ cơ bản, là điều chúng ta phải hoàn thành. Khi không đạt được mục đích, chúng ta có thể cảm thấy hụt hẫng vì thiếu nền tảng vững chắc. Thời xưa, công việc không đem lại cho chúng ta sự tự nhận thức, hài lòng và quyết tâm; công việc từng đơn giản chỉ là phương tiện kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Trong nghiên cứu năm 1905, nhà xã hội học Max Weber đưa ra khái niệm Đạo đức lao động Tin Lành. Đây là một bước ngoặt khi công việc bỗng nhiên nói lên con người chúng ta và cách chúng ta đo lường giá trị của mình.
Cảm giác sống có mục đích là điều quan trọng để cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Chúng ta đã biết điều này từ người Hy Lạp cổ đại, những người cho rằng bản chất của con người là muốn làm những gì đáng làm. Nhưng điều này có ý nghĩa gì trong bối cảnh công việc? Các nhà tư tưởng hiện đại - chẳng hạn như Giáo sư Adam Grant của trường Wharton - chỉ ra mối liên hệ giữa mục đích, hạnh phúc trong công việc và năng suất. Giáo sư Grant cũng đã thực hiện các nghiên cứu cho thấy một công việc ý nghĩa có thể giúp con người tránh kiệt sức. Do đó, cảm giác làm việc có mục đích là rất quan trọng! Tác giả Stephen Covey thậm chí còn phát biểu rằng sứ mệnh cá nhân là nền tảng chi phối mọi quyết định khác của chúng ta.
Khi công việc của bạn phù hợp với các giá trị cá nhân, cảm giác làm việc có mục đích sẽ trở thành một động lực chủ chốt, giúp cải thiện sức khỏe và tăng giá trị công việc, thúc đẩy trạng thái hạnh phúc và sức bật tinh thần.
Kết nối với mục đích, kết nối với người khác
Mục đích thôi thúc và thúc đẩy chúng ta; chúng ta kết nối với cảm giác sống có mục đích vì một cuộc sống ý nghĩa, và chúng ta kết nối với người khác để hỗ trợ cải thiện trải nghiệm sống của họ. Trong công việc, hành động này giống như làm một nhà lãnh đạo quan tâm và biết khích lệ, hoặc chỉ ra sự phát triển nào sẽ giúp ích cho nhân viên của bạn. Hoặc đó có thể đơn giản là chia sẻ rõ ràng tầm nhìn của bạn, để người khác biết lý do bạn làm việc theo cách này mà không phải cách kia. Khi kết nối với mục đích của mình, chúng ta có thể sẽ cảm thấy hài lòng hơn trong công việc, hăm hở hoàn thành mục tiêu cũng như nỗ lực đầu tư cho công việc tương lai của chúng ta và người xung quanh.
Mục đích của cá nhân và mục đích của tổ chức
Mục đích ở cấp độ tổ chức có thể được hiểu là cách để nắm bắt bản chất của toàn thể tổ chức. Điều này có nghĩa là thông qua mục đích của tổ chức, chúng ta hiểu được điều mà tổ chức đang cố gắng thực hiện là gì, tại sao nó tồn tại, nó tạo ra khác biệt nào và hướng tới ai. Nếu may mắn, mục đích của chúng ta sẽ nhất quán với mục đích của tổ chức chúng ta làm việc. Đôi khi điều này là rõ ràng. Ví dụ, bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện làm việc theo nguyên tắc cứu sống và cải thiện sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta đang làm công việc về nhân sự trong một công ty thuốc lá thì sao? Làm thế nào để dung hòa các nguyên tắc của bản thân với công việc tại một công ty thời trang, khi mà chúng ta phát hiện ra nó đang sản xuất quần áo trong những nhà máy không chăm lo tốt cho công nhân? Đây là những vấn đề đầy thách thức.
Tác giả Simon Sinek đã viết bao quát về sức mạnh của việc tìm ra mục đích trong công việc. Trong quyển sách Start with Why: How great leaders inspire everyone to take action (tạm dịch: Bắt đầu với câu hỏi tại sao: Cách các nhà lãnh đạo vĩ đại truyền cảm hứng cho người khác), ông mô tả mục đích là điều thiết yếu cho một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn đối với một nhà lãnh đạo ở bất kỳ cấp độ nào. Ông bàn về hành động, phương thức hành động và lý do hành động, đồng thời nhấn mạnh rằng các tổ chức thường bị cuốn vào hành động, họ chăm chăm vào những gì có thể cải thiện hay phát triển và phương thức thực hiện điều đó. Vì thế, lý do hành động - điều thôi thúc và thúc đẩy họ - bị lãng quên.
Tại sao chúng ta đi làm?
Như tôi đã đề cập trong những phần trước, cảm giác làm việc có mục đích là điều quan trọng để trở thành một người lao động hạnh phúc và có sức bật tinh thần. Vậy tại sao bạn đi làm? Đó là một câu hỏi thiết yếu khi bàn về sức bật tinh thần. Ở đây chúng ta không nói về việc bắt buộc kiếm sống để đáp ứng các nhu cầu về thực phẩm và nơi trú ẩn; chúng ta đang khám phá lý do làm việc ở một tầm cao hơn. Với bất cứ thứ gì chúng ta theo đuổi và đầu tư thời gian, chúng ta cần đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao chúng ta làm việc này, vì mục đích gì?
Cách chúng ta tiếp cận công việc và bối cảnh làm việc sẽ tác động đến mục đích và mối quan hệ của chúng ta với công việc đó. Nếu đam mê công việc mình đang làm, nếu quan tâm đến nó ở cấp độ cảm xúc và xã hội, chúng ta sẽ theo đuổi thành công bất chấp mọi khó khăn. Sau đây là một ví dụ:
Một giáo viên đang phải đối mặt với tình trạng cắt giảm nguồn lực, hành vi ngỗ nghịch của học sinh, các thay đổi về quy định và các yêu cầu hành chính. Sức bật tinh thần của họ khi đối mặt với những trở ngại này sẽ bị tác động bởi “lý do” của họ. Hãy đọc ba “lý do” nghề nghiệp sau:
• Giáo viên A
Đây là một chủ doanh nghiệp thất bại quyết định đảm nhận công việc giáo viên tiểu học, vì doanh nghiệp họ quản lý đã thua lỗ quá nặng, họ đang mắc nợ và cần kiếm tiền. Trường học nằm ở địa phương và họ có thể dễ dàng được mời để đào tạo và làm việc tại đó.
• Giáo viên B
Đây là một giáo viên thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống giảng dạy tại trường tiểu học. Họ tự hào với lịch sử nghề nghiệp của mình và tận tâm với việc giáo dục trẻ em. Họ hài lòng với lịch sử gia đình và tự hào với vai trò là nhà giáo dục.
• Giáo viên C
Giáo viên này có mục tiêu là tạo ra thế hệ công dân kế tiếp chín chắn và có lòng trắc ẩn. Họ có niềm tin mãnh liệt rằng việc học tập và các thói quen hình thành trước thời trung học là những yếu tố quan trọng nhất trong một xã hội đã có nhiều thay đổi.
Giáo viên nào là người kiên cường nhất trước những khó khăn và thách thức trong công việc? Mỗi trường hợp trên sẽ tác động đến cách các giáo viên làm việc và đương đầu với trở ngại. Người có “lý do” càng vững chắc thì càng vững vàng và mạnh mẽ. Mặc dù cuộc sống thực tế thường không đơn giản như vậy, nhưng ví dụ này cho thấy rõ ràng giáo viên thứ ba nhiều khả năng có nguồn sức bật tinh thần cao nhất, vì mục đích cá nhân của họ gắn kết chặt chẽ với mục đích của trường học, và công việc của họ trực tiếp góp phần làm tăng giá trị cá nhân. Họ có nhận thức rõ ràng về mối liên hệ này, và tất cả những điều này sẽ giúp họ củng cố sức bật tinh thần.
Phân tích trên cũng đúng với bất kỳ ngành nghề nào, từ các ngành dịch vụ như kế toán, luật sư, cho đến các chính trị gia hay nhân viên chính phủ; từ các học giả cho đến nhân viên quán cà phê, từ nghệ sĩ cho đến nhà sản xuất nhỏ. Hiểu rõ mục đích trong công việc tác động sâu sắc đến sức bật tinh thần của bạn cũng như cảm giác thỏa mãn và thành công trong công việc. Có mục đích và định hướng rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng phục hồi sau những trở ngại và tiếp tục tiến lên, vì bạn biết mình đang đi đâu và có động lực để đi tiếp con đường đó.
Mục đích và sự phát triển sức bật tinh thần
Cảm giác có mục đích có thể giúp chúng ta phát triển sức bật tinh thần trong môi trường tối tăm và thách thức nhất. Quyển Man’s Search for Meaning(2) của Viktor Frankl nói về cuộc thảm sát Holocaust kể lại chi tiết việc ông sống sót qua các trại tử thần bằng cách duy trì cảm giác sống có mục đích trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến thế giới rất rõ ràng: Có những nỗi thống khổ chúng ta không thể chấm dứt, nhưng ta có thể kiểm soát phản ứng của mình trước những thời khắc tăm tối đó. Theo Frankl, sức mạnh của mục đích gắn kết chặt chẽ với sức bật tinh thần.
(2) Đã được First News xuất bản với tựa tiếng Việt Đi tìm lẽ sống.
Triết lý này được chứng minh bởi nhà trị liệu nhận thức hành vi hàng đầu, Giáo sư Windy Dryden. Dryden nhấn mạnh quan điểm rằng trách nhiệm cá nhân có liên quan đến sức khỏe tâm thần; chúng ta chịu trách nhiệm cho các lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống mà chúng ta có khả năng ảnh hưởng đến, những thứ thuộc về chúng ta, tư tưởng và cảm xúc của chúng ta. Những giai đoạn khó khăn và thử thách là cơ hội để phát triển sức bật tinh thần. Một số người nhắc đến sự phát triển sau sang chấn tâm lý hoặc tôi luyện nhờ áp lực; tuy nhiên, nếu một cá nhân muốn phát triển trong nghịch cảnh, họ cần có cảm giác có mục đích. Nói cách khác, mọi người cần phải hiểu lý do của sự đau khổ để có thể chịu đựng được nó.
Chúng ta có khuynh hướng ghi nhớ những trải nghiệm tồi tệ và lãng quên những trải nghiệm tốt đẹp, không để những trải nghiệm đẹp này gắn bó với chúng ta. Dù có một ngày làm việc khá suôn sẻ nhưng chỉ cần có một chuyện căng thẳng xảy ra, bạn cũng sẽ có xu hướng nhớ đến chuyện không vui kia. Xu hướng tiêu cực này rất có ích đối với sự sinh tồn ở hoang mạc, khi chúng ta phải cảnh giác với những nguy hiểm đe dọa tính mạng. Nhưng trong môi trường công việc, nơi thử thách hay căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, xu hướng này không còn hữu ích; và như chúng ta đã biết, thất bại là một phần thiết yếu của một quãng đời làm việc đáng giá.
Những vòng tròn sức bật tinh thần
Dù biết là rất khó, nhưng khi hiểu rõ lý do đằng sau những việc mình đang làm, chúng ta sẽ có sức bật tinh thần mạnh mẽ hơn. Các giá trị vững chắc và niềm tin sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống chính là cốt lõi trong mục đích của chúng ta, và chúng mang lại cho chúng ta sự can đảm và quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Sức bật tinh thần có thể được kích hoạt nếu chúng ta có mục đích rõ ràng - ví dụ như chạy ma-ra-tông để ủng hộ một người bạn đang thiếu thốn; làm việc bảy ngày một tuần để xây dựng một công ty khởi nghiệp mà bạn tin tưởng; hoặc vận động cho một lý tưởng nào đó. Nhận biết lý do thúc đẩy hành động của mình sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn và bật dậy sau khi thất bại. Như minh họa trong hình dưới đây, mục đích nằm ở trung tâm, và các biểu hiện về mục đích - công việc của chúng ta - nằm ở vòng ngoài, tiếp theo đó là sức bật tinh thần.
Mục đích vững chắc và nhất quán
Những ai may mắn có được một mục đích vững chắc và nhất quán với mọi việc họ làm hay đương đầu đều có thể sử dụng mục đích đó theo nhiều cách khác nhau. Một mục đích rõ ràng có thể được sử dụng để truyền đạt nhu cầu, xác định các mối ưu tiên và lý giải cho hành vi của bản thân. Đổi lại, điều này cho phép chúng ta tạo ra cốt lõi của sức bật tinh thần, thứ giúp chúng ta cân bằng. Chúng ta có khả năng tiếp tục những việc mình làm vì chúng ta nhiệt huyết với những việc đó và muốn người khác hiểu điều đó.
Có những cá nhân có thể trình bày mục đích của mình một cách rõ ràng và hùng hồn, chẳng hạn như Martin Luther King Jr, khi ông truyền tải tầm nhìn của mình về phong trào dân quyền Hoa Kỳ trong bài phát biểu mang tính biểu tượng “I have a dream” (Tôi có một ước mơ). Ước mơ của ông đã làm nổi bật và sáng tỏ ý nghĩa của cuộc vận động, của quá trình chuẩn bị bài phát biểu và tất cả nỗ lực không biết mệt mỏi của ông vì sự bình đẳng và quyền của mỗi cá nhân.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội trình bày rõ ràng mục đích của mình, vì đôi khi đó là điều mà bản thân chúng ta chưa xác định rõ, nhưng chúng ta có thể luyện tập việc này. Cuối chương này có những bài tập giúp bạn suy ngẫm về mục đích của mình, về điều mà bạn coi là lý do làm việc, cũng như về sự thay đổi mà bạn muốn tạo ra.
Bản sắc, mục đích và sức bật tinh thần
Cách chúng ta định nghĩa bản thân liên quan đến cảm giác sống có mục đích. Một nhân viên lễ tân có thể đánh giá vai trò của họ là quan trọng trong việc xây dựng quan hệ với khách hàng và là ấn tượng đầu tiên của mọi người về công ty, hoặc họ có thể coi nhẹ công việc của mình là đơn giản như trả lời điện thoại. Một nhân viên mới có thể xem mình là tương lai của tổ chức, hoặc là một nhân viên cấp thấp chuyên làm việc vặt. Một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc đánh mất sức bật tinh thần với đánh mất bản sắc cá nhân, đồng thời chỉ ra bản sắc là điểm then chốt cho ý thức về bản thân. Ví dụ, trong quá trình làm việc với các giáo viên, John Kirk và Christine Wall nhận thấy rằng những thay đổi căn bản trong nghề dạy học đã gây ra sự rối loạn trong cách người ta nhìn nhận về nghề giáo và vai trò của giáo viên trong xã hội, mà hậu quả là đánh mất sức bật tinh thần của những người trong cuộc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng điều khiến người tham gia nghiên cứu cảm thấy khó chịu và bất an không phải là những khó khăn mà họ gặp phải, mà là cái nhìn của họ về chính mình trong tình huống đó. Ví dụ, nếu luôn nghĩ mình là người biết ứng phó với những tình huống thảm họa thì họ sẽ rất khó chấp nhận việc mình suy sụp trước một nghịch cảnh nào đó.
Do vậy, cảm giác có mục đích của chúng ta không chỉ gắn với một phần việc hay một mục tiêu, mà nó gắn với hình mẫu chúng ta khao khát trở thành. Hy vọng trong lúc đọc quyển sách này, bạn đã có cơ hội nghĩ về mối quan hệ của mình với sức bật tinh thần và suy ngẫm về cách mà khó khăn xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Có lẽ bạn thậm chí đã có thể tạo ra một định nghĩa mới cho những giai đoạn khó khăn sau này, chẳng hạn như đó là cơ hội để phục hồi và định nghĩa lại bản thân như một người có sức bật tinh thần mạnh mẽ.
Từ những người ra đời vào thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh cho đến Thế hệ Z
Các thế hệ khác nhau sẽ có những mối ưu tiên khác nhau. Thế hệ Baby Boomers, những người ra đời sau Thế chiến thứ hai và đầu những năm 1960, mong chờ một con đường sự nghiệp hoàn toàn truyền thống và chắc chắn; Thế hệ X, những người sinh ra trong khoảng năm 1965 và 1976, có lẽ cũng mong muốn sự chắc chắn và gắn bó lâu dài với một loại công việc. Trong khi đó, Thế hệ Y (Thế hệ Thiên niên kỷ) được sinh ra trong khoảng giữa năm 1977 và 1995, cũng như Thế hệ Z sinh ra từ năm 1996 trở về sau, lại được thôi thúc theo cách khác. Các thế hệ này (thông thường) đã quen với sự khó lường của công việc, và ở một mức độ nào đó, họ được tự do theo đuổi ước mơ hơn. Họ không bị cản trở bởi những kỳ vọng truyền thống, tuy nhiên họ lại chịu gánh nặng lo lắng về tài chính. Vì thế, đối với những thế hệ này, mục đích trong công việc là điều đặc biệt quan trọng.
Mục đích và thành công
Mục đích và thành công có liên quan chặt chẽ với nhau. Những gì chúng ta coi là thành công hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau đối với những người khác nhau; chúng ta chịu ảnh hưởng từ quốc gia mình sinh sống, những chuẩn mực văn hóa mình tuân theo, phong cách, tuổi tác, giới tính và nhiều yếu tố khác. Hiểu được ý nghĩa của thành công đối với mỗi cá nhân theo cách mà chúng ta hiểu các vấn đề khác về sự hòa nhập và tính đa dạng có thể cực kỳ hữu ích trong việc xây dựng sức bật tinh thần để thành công.
Tuy không có một con đường sự nghiệp, một mô hình làm việc, một thành tựu hay một kinh nghiệm nào đảm bảo thành công, nhưng giữa chúng có một vài điểm chung. Chẳng hạn, con người thường hạnh phúc nhất khi họ tận tâm cho những hoạt động mà họ cho là thú vị, lôi cuốn và có ý nghĩa. Khi công việc không có ý nghĩa hay thú vị, chúng ta có thể nhanh chóng trở nên thiếu kết nối. Giáo sư, nhà trị liệu tâm lý Windy Dryden nhấn mạnh rằng sự mưu cầu một cuộc sống ý nghĩa không chỉ làm bạn hạnh phúc hơn mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về mối nguy hiểm khi chúng ta mải cống hiến mà đánh mất sự cân bằng đối với các mối quan tâm khác trong cuộc sống. Ông tóm gọn sự cân bằng trong một câu: “Cống hiến nhưng không mê muội”. Bạn có thể bị thôi thúc lãnh đạo một công ty đa quốc gia, viết một quyển tiểu thuyết hoặc thay đổi thế giới bằng những việc làm tốt. Bạn có thể khao khát lãnh đạo hàng nghìn con người hoặc mơ về một công việc độc lập, nơi bạn có thể nghiên cứu hoặc phân tích dự án tùy thích mà không bị quấy rầy. Bất kể bạn tập trung vào việc gì, sẽ tốt hơn nếu (1) bạn ý thức rằng đây là kiểu thành công của bạn và nó không nhất thiết phải giống những người xung quanh, và (2) hãy nhớ duy trì sự tập trung vào mọi khía cạnh của cuộc sống - chứ không chỉ riêng công việc. Sự cân bằng này chính là bí quyết xây dựng sức bật tinh thần trên đường đến với thành công.
Một cuộc đời đáng sống (trạng thái dòng chảy)
Con đường chung dẫn đến thành công, bất kể kiểu thành công nào, có một cái tên khác là dòng chảy. Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gọi trạng thái một cá nhân hoàn toàn tập trung và vận hành hết năng suất cho công việc đang làm là trạng thái “dòng chảy”. Ông bắt đầu từ việc quan sát những cá nhân sáng tạo đã dành trọn đời để làm một việc gì đó có ý nghĩa với họ, cho dù việc đó không mang lại danh tiếng hay của cải vật chất.
Ông phát hiện ra một điều: Khi hoàn toàn say sưa với một quá trình lôi cuốn, bạn sẽ không còn tâm trí để chú ý đến các nhu cầu thể chất hay các vấn đề ở nhà. Có thể bạn sẽ liên tưởng đến hình ảnh giáo sư đãng trí, nhà tư tưởng lỗi lạc mải mê giải quyết vấn đề đến mức quên mặc quần áo hay chải đầu. Trải nghiệm dòng chảy này giúp Csikszentmihalyi giải đáp câu hỏi về bí mật của hạnh phúc.
Trong quyển sách Good Business (tạm dịch: Kinh doanh thành công), Csikszentmihalyi khám phá dòng chảy lãnh đạo và quá trình tạo ra ý nghĩa. Ông chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo kinh doanh được những người đồng cấp bổ nhiệm không chỉ vì thành công, mà còn vì họ có đạo đức và trách nhiệm với xã hội. Trong quyển sách của mình, ông đã định nghĩa thành công là một điều gì đó vừa giúp ích cho người khác vừa có thể khiến bản thân người theo đuổi nó cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, công việc có ý nghĩa và những thử thách khiến bạn đắm mình trong đó sẽ tạo ra trạng thái dòng chảy. Và khi ở trong dòng chảy, chúng ta có sức bật tinh thần, chúng ta say sưa và cảm thấy được tưởng thưởng. Lần gần nhất bạn ở trạng thái dòng chảy là khi nào? Khi đó bạn làm việc gì? Điều này có thể giúp bạn tìm thấy mục đích, định nghĩa của bạn về thành công và cách phát triển sức bật tinh thần.
Tâm lý học tích cực: PERMA
Martin Seligman là một nhà tâm lý học, người sáng lập ra lý thuyết “tâm lý học tích cực”. Ông viết nhiều về triển vọng tương lai lạc quan của con người và tiềm năng về đời sống công việc thịnh vượng. Công trình hợp tác với Quân đội Hoa Kỳ của ông đã đóng góp lớn cho triết lý này. Cụ thể, trong bài giảng Tanner Lectures on Human Values năm 2010, ông kể lại chuyện ông được gọi đến Lầu Năm Góc để giải tỏa những lo ngại của Tham mưu trưởng về tình trạng sang chấn tâm lý sau chấn thương (PTSD), tự tử, trầm cảm, lạm dụng thuốc và ly hôn của các quân nhân. Seligman đưa ra một bức tranh cân bằng hơn về phản ứng của quân đội trước những thách thức rất thực tế của chiến tranh. Ông cho rằng các phản ứng trước nghịch cảnh có hình quả chuông (xem hình bên dưới) thay vì chỉ toàn là tiêu cực.
Theo quan sát của ông, chỉ có một vài người suy sụp khi gặp khó khăn; còn lại, dù phải trải qua khoảng thời gian khó khăn và có lẽ cần khoảng vài tháng để tự phục hồi, nhưng đa số họ đã bật dậy với các chỉ số tâm lý và thể chất như ban đầu. Bên cạnh đó, ông nhận thấy một nhóm thiểu số khác đã thật sự “bật về phía trước” - họ trở lại mạnh mẽ hơn trước (đây là sự phát triển sau sang chấn mà chúng ta đã tìm hiểu ở chương trước). Nghiên cứu của ông khiến Quân đội Hoa Kỳ tiến hành chương trình rèn luyện sức bật tinh thần để đảm bảo các quân nhân có tâm lý và tinh thần vững vàng cũng như có đời sống xã hội và gia đình hài hòa.
Nghiên cứu về tâm lý tích cực của Seligman liên kết ý nghĩa với cuộc sống có ý nghĩa. Ông sử dụng từ viết tắt PERMA:
• Positive emotion (Cảm xúc tích cực) (P)
Nhìn nhận những trải nghiệm trong các mối quan hệ và công việc bằng lăng kính tích cực, tập trung vào sự tích cực và không chìm đắm vào trải nghiệm tiêu cực.
• Engagement (Chú tâm) (E)
Sự say sưa với một công việc, khả năng tập trung hoàn toàn (“dòng chảy”).
• Relationships (Mối quan hệ) (R)
Xây dựng những mối quan hệ vững chắc giúp chúng ta phát triển.
• Meaning (Ý nghĩa) (M)
Sự theo đuổi ý nghĩa thay vì tiền bạc hay khoái lạc.
• Accomplishment (Thành tựu) (A)
Những mục tiêu và tham vọng đem lại cho chúng ta cảm giác đạt được thành tích và thành tựu.
Công việc của bạn đáp ứng được những điều nào?
Đi tìm mục đích của bạn
Việc tìm kiếm mục đích không dễ như người ta vẫn nói. Trên thực tế, con người có thể mất cả đời để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Vậy làm thế nào để tìm được mục đích sống của chính mình? Trong quyển Create Space (tạm dịch: Tạo không gian), Derek Draper đã kể lại ví dụ về một nhân viên ở nhà giam, người có công việc tưởng chừng như ác mộng: lương thấp, môi trường làm việc đầy thử thách và phải liên tục đối mặt với đe dọa bạo lực và lăng mạ. Anh mong muốn một công việc sáng tạo, một công việc mà anh cảm thấy hài lòng, được tôn trọng và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đây lại chính là những đặc điểm anh tìm thấy ở công việc của mình và điều này có liên quan đến mục đích của anh, đó là cứu giúp và truyền cảm hứng cho các tù nhân, giúp họ thoát khỏi cuộc đời phi pháp.
Ikigai
Ikigai là một khái niệm của Nhật Bản mang ý nghĩa “lẽ sống”. Từ này được sử dụng để chỉ giá trị sống của một người - về cơ bản, đó là những điều khiến cuộc sống có giá trị. Ikigai gợi ý chúng ta tự đặt cho mình bốn câu hỏi sau:
• Bạn yêu điều gì?
• Bạn giỏi việc gì?
• Thế giới cần điều gì?
• Bạn có thể được trả lương để làm việc gì?
Việc trả lời những câu hỏi quan trọng này và lồng ghép chúng vào công việc có thể giúp đem lại một cuộc sống trọn vẹn. Rõ ràng cuộc sống của bạn không chỉ có công việc; nhưng nếu hiểu được mục đích của mình ở phạm vi rộng hơn, chúng ta có thể sử dụng điều đó để soi sáng những quyết định trong suốt sự nghiệp.
Có một câu nói nổi tiếng như sau: “Hãy chọn công việc bạn yêu thích, bạn sẽ không phải làm việc ngày nào trong đời”. Chưa rõ ai là người đầu tiên nêu lên quan điểm này, nhưng đó là một ý kiến có giá trị. Nếu chúng ta làm một việc mà mình đam mê, phù hợp với các giá trị và nguyện vọng của bản thân, ta sẽ thấy công việc đó bớt vất vả, đồng thời cảm thấy thỏa mãn hơn và thậm chí là hạnh phúc hơn. Với các nguyên tắc của Ikigai, chúng ta sẽ tập trung và kiên định hơn khi đứng trước các ngã rẽ của sự nghiệp, hay khi phân vân về định hướng cuộc đời. Khi có cảm giác sống có mục đích rõ rệt hơn có thể đem lại trạng thái thể chất và tinh thần tốt hơn.
Không tự trách bản thân
Tự trách là hành vi có tính hủy hoại và nên được thay bằng hành vi tự chăm sóc, tức là suy nghĩ xem làm thế nào để chăm sóc bản thân tốt hơn. Việc nghỉ ngơi và tự phục hồi có thể giúp bạn đương đầu với các yêu cầu của công việc và gia đình. Để có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhất thiết bạn cần phải có khả năng tự chăm sóc bản thân. Ví dụ, bạn cần thời gian nghỉ ngơi, bởi chúng ta không thể làm việc hiệu quả nếu cứ hoạt động liên tục không ngừng. Có rất nhiều cách có thể mang lại trạng thái khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuối chương này có một bài tập mang tên “Ba điều tốt đẹp”, đây là bài tập khuyến khích chúng ta xem xét những gì phù hợp với ta và hướng suy nghĩ về những điều tốt đẹp. Việc rèn luyện lòng biết ơn được chứng minh là có tác động rất tích cực đến trạng thái hạnh phúc. Các phương pháp này đều có thể góp phần xây dựng sức bật tinh thần bền vững cho bạn.
Khi chăm sóc bản thân nhiều hơn và bớt tự trách mình lại, chúng ta có thể “vặn nhỏ” âm lượng giọng nói phê bình trong nội tâm của mình. Chúng ta không thể tắt nó đi hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể khiến nó bớt gây trở ngại. Đồng thời chúng ta cũng có thể cảm thấy hài lòng với những việc đã diễn ra suôn sẻ. Chúng ta rất thường hay trách bản thân vì những hành động sai trái hay thất bại, nhưng lại khó ghi nhận những việc tốt mình đã làm được. Kiên cường không chỉ là tha thứ cho những điều không hoàn hảo của bản thân, mà còn là có đủ sức mạnh để ghi nhận những lúc chúng ta đã thật sự làm rất tốt.
Đời sống công việc khó khăn và nhiều đòi hỏi cần phải đáp ứng. Bạn có thể khó lòng gác công việc sang một bên, nhưng lại dễ dàng cảm thấy tội lỗi khi không làm việc. Khi các đòi hỏi trở nên phi thực tế và bất hợp lý, có thể chúng ta sẽ nhanh chóng tự trách mình mà không nhận ra làm việc dưới áp lực như vậy là bất khả thi. Sự tự kỳ thị này có thể khiến chúng ta cảm thấy vô vọng và tác động tiêu cực đến các mục tiêu và trạng thái hạnh phúc về lâu dài.
Mục đích và can đảm
Cần có can đảm để theo đuổi một công việc có mục đích. Điều này có thể đồng nghĩa với việc đó không phải con đường mà gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bạn mong đợi. Điều này có thể đồng nghĩa với việc đưa ra những lựa chọn khiến những người gần gũi với bạn bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ có bạn mới có thể quyết định điều gì thật sự quan trọng với mình. Đời sống công việc là hữu hạn, việc tìm kiếm và đi theo con đường đã chọn là một cơ hội không thể bỏ qua.
Một số người nghĩ độ tuổi hai mươi là quá muộn để thay đổi, trong khi một số khác bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới ở độ tuổi tám mươi. Mục đích của chúng ta thay đổi trong suốt quãng đời làm việc, và không bao giờ là quá muộn để khám phá sự thay đổi đó. Việc trả lời câu hỏi “Mình muốn làm gì với quãng đời làm việc?” và nỗ lực để đồng nhất mục tiêu cá nhân với mục tiêu của nghề nghiệp có thể không dễ dàng, nhưng hành động này sẽ giúp bạn có cơ hội đạt được một quãng đời làm việc ý nghĩa và có mục đích.
Bài tập
Đi tìm mục đích của bạn
Hãy thử một số cách sau đây để xác định mục đích của mình:
Thông báo về mục đích
Để kết nối với mục đích của công việc bạn đang làm và mục đích của tổ chức, hãy viết một thông báo tổng hợp những gì bạn nghĩ là mình đang mang lại cho cuộc đời này. Điều gì bạn đang làm có thể đóng góp cho lợi ích chung của xã hội, điều gì khiến việc thức dậy và đi làm là xứng đáng, điều gì khiến những khó khăn trong công việc trở nên có ý nghĩa?
Tweet/Facebook
Hãy viết một dòng trạng thái để chia sẻ thông điệp tương tự.
Hướng dẫn
Hãy tưởng tượng bạn là một người sếp và bạn đang tuyển dụng chính mình. Hãy nói với nhân viên mới vừa gia nhập nhóm này (là bạn) đóng góp của họ có ý nghĩa như thế nào. Ba điểm chính bạn muốn chia sẻ là gì?
1
2
3
Sáu từ để mô tả mục tiêu làm việc của bạn
Chúng ta có thể làm được rất nhiều việc mà những việc đó rất hữu ích và là một phần trong đời sống công việc của chúng ta. Nhưng vì sao chúng ta lại làm những việc này? Mục tiêu trong công việc của chúng ta là gì? Đó có thể là một mục đích rất đời thường, chẳng hạn như chúng ta cần kiếm tiền để trả tiền thuê nhà, hoặc đó có thể là một mục đích cao cả hơn như tạo ra sự thay đổi trên thế giới. Bài tập này buộc bạn phải truyền tải suy nghĩ của mình về mục đích bằng sáu từ. Sau đây là một số ví dụ:
• Mục tiêu của tôi là: Đóng góp, kích thích, thách thức.
• Mục tiêu của tôi là: Dùng sáng tạo để thay đổi.
• Mục tiêu của tôi là: Rèn nhận thức về môi trường.
Bạn mô tả mục tiêu làm việc của mình bằng sáu từ nào?
Mục tiêu của tôi là:
Ba điều tốt đẹp(3)
(3) Bài tập này được chỉnh sửa từ tác phẩm của Martin Seligman về Tâm lý học Tích cực. Trong tác phẩm của mình, Martin Seligman nhận thấy khi thực hiện hoạt động này suốt sáu tháng, người thực hiện hoạt động cho biết họ cảm thấy đỡ chán nản hơn và có những cảm xúc tích cực hơn nhóm sử dụng giả dược. Biết ơn là một thói quen đã được chứng minh là có tác động tích cực lớn đến trạng thái hạnh phúc.
Bằng cách kết nối trạng thái hạnh phúc với mục đích, bài tập này khuyến khích bạn trước hết nghĩ đến điều gì là tốt cho bạn, và sau đó là điều mà bạn cho là có ý nghĩa. Bạn đã có hành động gì đóng góp cho lợi ích cao cả hơn và đem lại một cuộc sống có ý nghĩa hơn?
Hãy cố gắng thực hiện hoạt động này mỗi ngày một lần trong một tuần. Trước khi đi ngủ, hãy viết ra ba điều tốt đẹp đã diễn ra suôn sẻ trong ngày:
1
2
3
Hãy suy nghĩ xem vì sao những việc đó diễn ra suôn sẻ.
Tìm kiếm dòng chảy của bạn
Dòng chảy được định nghĩa là một phương thức làm việc phản ánh năng suất tối đa của bạn. Đó là khi bạn làm những công việc có ý nghĩa và đem lại phần thưởng ý nghĩa cho bản thân. Hãy nghĩ về một lần bạn làm việc “hết mình”. Hãy ghi lại trải nghiệm này và trả lời một vài hoặc tất cả những câu hỏi sau:
1. Điều gì thu hút bạn đến với công việc này?
2. Vì sao nó khó khăn?
3. Vì sao nó có ý nghĩa với bạn?
4. Những ai khác có liên quan?
5. Bạn đã đối phó với những khó khăn như thế nào?
6. Bạn đã giữ động lực bằng cách nào?
7. Bạn đã ăn mừng thành công của mình như thế nào?
Việc ngẫm nghĩ về những vấn đề trên sẽ giúp bạn xác định các điều kiện cho dòng chảy tối đa của mình. Cần nhớ rằng các điều kiện này là khác nhau đối với mỗi người. Chúng có thể giúp bạn xác định tại sao bạn gặp khó khăn khi căng thẳng, khi không ở trong trạng thái dòng chảy.
Đi tìm Ikigai
Ikigai là khái niệm của Nhật Bản, có ý nghĩa là “lẽ sống”. Điều cốt lõi nào khiến cuộc sống của bạn có giá trị? Hãy tự hỏi mình những câu hỏi mấu chốt dưới đây:
1. Tôi yêu thích điều gì?
2. Tôi giỏi việc gì?
3. Thế giới cần điều gì?
4. Tôi có thể được trả tiền để làm việc gì?
Hãy thử trả lời những câu hỏi này theo sơ đồ Venn. Có điểm giao thoa nào không?