T
ết Nguyên đán năm 1973 là một cái tết không thể nào quên với tôi. Lúc đó, trong nhà tôi đã không còn gì để ăn.
Hôm ấy, trời còn chưa sáng, vì sợ mọi người nhìn thấy nên bố mẹ đã gọi anh em tôi dậy sớm, dẫn cả nhà lên núi đào củ sắn. Mấy anh em tôi lẽo đẽo theo sau bố mẹ, vừa đến cổng làng, thì gặp một người hàng xóm. Người đó hỏi bố đi đâu, bố tỏ vẻ lúng túng, bởi trước giờ ông không biết nói dối, mẹ liền nhanh nhảu nói: “Mùa xuân đến rồi, chúng tôi đi cuốc đất làm nương anh ạ!” Người hàng xóm thấy bố mẹ tôi vai vác cuốc, lưng mang gùi thì tỏ vẻ nghi ngờ, nhưng ông không hỏi gì thêm nữa và rời đi. Khi trời sẩm tối, nhà nhà đều đã đốt lửa nhóm lò, đèn đuốc sáng trưng, cả nhà mới lọ mọ xuống núi. Vừa về đến trước cửa, cả nhà giật mình: Trước cửa có một giỏ đầy cá, thịt lợn, gạo, trứng gà... Cả nhà ngơ ngác đứng nhìn nhau, một lúc sau mới mở cửa bước vào. Bố sang tìm người hàng xóm gặp hồi sáng dò hỏi xem những đồ ăn trong giỏ kia là của ai, nhưng người hàng xóm nói không biết. Bố mẹ lại đi hỏi mọi người trong xóm nhưng cũng không ai nhận là của mình.
Buổi tối hôm ấy, cả nhà vẫn chỉ ăn rau đắng và củ sắn đào được hôm đó. Anh em tôi còn nhỏ chưa biết suy nghĩ, vừa ăn vừa mếu máo khóc. Bố mẹ im lặng. Tối đó, bố mẹ không ăn gì cả.
Ngày hôm sau là mồng một Tết. Sáng sớm, bố mẹ đã mổ thịt con gà duy nhất trong chuồng. Luộc chín xong, mẹ chia làm hai mươi phần rồi sắp vào đĩa nhỏ. Chia xong, mẹ bảo anh em tôi mang đến cho từng nhà trong xóm. Thấy anh em tôi có vẻ chần chừ, bố nói: “Các con hãy mang đi, sau đó chúng ta sẽ ăn những đồ ăn ngon trong giỏ.”
Bố phải nói vậy bọn tôi mới chịu đi. Chúng tôi mỗi đứa cầm một đĩa thịt gà đưa đến cho từng nhà trong xóm. Thật sự là khó có thể cưỡng nổi, chốc chốc chúng tôi lại đưa đĩa thịt gà thơm ngon lên mũi ngửi rồi xuýt xoa.
Trong xóm có tổng cộng hai mươi nhà, trừ nhà tôi ra, tuyệt nhiên không một nhà nào vì chê thịt gà ít mà từ chối nhận cả. Sau khi về nhà, chúng tôi thấy nét mặt bố mẹ đã vui trở lại. Bố đang nhóm bếp, mẹ đang nấu thịt cùng với thức ăn thừa tối qua chưa ăn hết, lại còn có cả cơm và canh đầu cá nữa. Anh em tôi vui sướng vì sắp được thưởng thức những món mà lâu lắm rồi chưa nhìn thấy. Lúc này, mọi người trong xóm bắt đầu đem bát đến, cứ gắp một củ sắn trên mâm, họ lại đặt một khúc cá hoặc một miếng thịt vào rồi vui vẻ ra về. Khi mọi người về hết, bát sắn to đã không còn gì nữa, thay vào đó là ba bát đầy ắp cá và thịt. Cả nhà vui vẻ cùng nhau ăn, nhưng không hiểu vì sao bố lại khóc...
Tình cảm trong những tháng năm nghèo khổ, thiếu thốn đó thật chân thành và mộc mạc. Cho đến tận bây giờ, những hình ảnh ấm áp và đầy ắp tình thương về cái tết năm đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Một câu chuyện thật cảm động, giữa những tháng ngày đói khổ, tình người ấm áp vẫn được thắp lên nồng hậu. “Cảm ơn những tháng ngày nghèo khó” là những lời tự đáy lòng tác giả, có lẽ cũng là lời của rất nhiều người muốn nói: cảm ơn quãng thời gian đó, cảm ơn những tấm lòng và sự quan tâm chân thành đó.