C
ó những ký ức để quên, nhưng cũng có những ký ức để nhớ và mãi đi theo ta suốt cuộc đời. Tôi cũng có những kỷ niệm không thể nào quên, mặc dù tôi đã cố cất giấu thật kỹ nhưng nó vẫn hằn sâu trong trái tim. Đó là ký ức về phiên chợ tết năm 1995.
Khi đó, gia đình tôi nghèo lắm, nghèo nhất nhì xã của một xã nghèo vùng quê chiêm trũng. Bố mẹ tôi thuần nông, vì thế tất cả kinh tế gia đình đều trông chờ vào mấy sào ruộng. Nếu được mùa, nhà tôi có đủ ăn. Nếu mất mùa là đói quanh năm.
Năm 1995, nước lũ dâng cao, cả làng tôi ngập trong biển nước, cánh đồng lúa xanh mơn mởn ngày nào giờ trắng băng. Ai nấy đều xót xa. Bố mẹ tôi nhìn mấy sào lúa đang thì con gái chìm trong biển nước mà thở ngắn than dài. Đêm đêm khi chúng tôi đã chìm trong giấc ngủ sau đợt mưa kéo dài thì bố mẹ tôi vẫn chong mắt nhìn lên trần nhà, cố nén tiếng thở dài đầy lo lắng.
Cũng phải thôi, sự sống của cả gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng, giờ mất hết thì biết lấy gì mà ăn, mà sống. Gia đình tôi lại đông, sáu, bảy miệng ăn. Bố mẹ tôi bàn bạc và quyết định, mẹ tôi sẽ đi buôn rau. Thế là từ đó, cả gia đình tôi đành trông chờ vào gánh hàng rau của mẹ. Ngày ngày, mẹ đi lấy sỉ về bán lẻ ở chợ. Buôn bán cũng chẳng ăn thua gì, gọi là kiếm củ sắn, củ khoai cho qua ngày.
Vào dịp tết năm đó, những gia đình khá giả đều đã tất bật lo tết nhất, sửa sang nhà cửa, mua thứ này thứ nọ, quần quần, áo áo. Tết đến, nhà tôi cũng thấy háo hức lắm. Nhưng háo hức đó rồi lại thôi. Bởi tết càng gần thì nỗi lo càng lớn. Biết lấy gì để sắm tết đây? Nỗi lo lại hằn sâu trên gương mặt đã nhiều nếp chân chim, đen sạm của mẹ. Tôi thấy thương mẹ vô cùng. Ngày thường gánh hàng rau đã chất đầy trên đôi vai gầy, đến ngày tết gần kề lại càng đầy hơn. Mẹ nặng nhọc quảy gánh đến oằn cả lưng. Ngày nào cũng như ngày nào, mẹ dậy từ lúc 1, 2 giờ sáng đi lấy hàng, rồi gồng gánh ra chợ, xin nước rửa rau cho sạch sẽ để bán. Khi đó tôi cũng đã được nghỉ tết nên xin theo mẹ phụ bán hàng.
Những phiên chợ từ 25 tết trở đi, lượng người mua sắm nhiều. Mẹ tôi bán hàng đa dạng hơn, nào là măng tươi, nào là su hào, bắp cải, lá dong… vì thế, mẹ càng thêm tất bật. Tôi phải theo mẹ ra chợ từ rất sớm - 1, 2 giờ sáng khi trời còn lạnh giá, sương mù trắng xóa để giữ chỗ ngồi. Đến chợ, tôi lấy mảnh bìa, miếng ni-lông ra trải để “xí” chỗ đợi mẹ gánh rau ra. Đưa tôi đến chợ an toàn, giữ được chỗ ngồi bán rồi mẹ mới quày quả đi lấy hàng trên những cánh đồng rau. Mẹ về, chia cho tôi ngồi bán một nơi, mẹ một nơi. Bán hết hàng, hai mẹ con tôi cùng đi sắm tết như bao người. Mẹ mua trước những thứ cần thiết: mộc nhĩ, miến, mì chính, nước mắm, vàng hương, trầu cau, vài chai rượu…
Về đến nhà, bỏ đôi quang gánh xuống, mẹ lại lao vào làm việc nhà: quét mạng nhện, lau chùi nhà cửa, dọn dẹp chuồng gà, ra vườn hái quả trứng gà, chặt nải chuối làm mâm ngũ quả… Xong xuôi, mẹ ra vườn cắt mấy cành hoa mẫu đơn, cắm vào lọ để lên bàn thờ. Trời đã trưa quặt, vậy mà mẹ đâu có kịp nghỉ ngơi. Ăn vội bát cơm, mẹ lại tất bật ra vườn cắt lá dong vào rửa, để ráo nước, lau khô bó vào cột nhà cho thẳng, đãi gạo, đỗ xanh rồi ngâm, thái thịt… để khi bố về gói vài cái bánh chưng cho các con có không khí tết.
Đến phiên chợ ngày 28 tết - phiên chợ cuối cùng trong năm, vẫn như mọi hôm, tôi phụ mẹ bán hàng. Hôm đó bán hết hàng sớm, mẹ đã dẫn tôi vào một tiệm dép người quen, mua cho tôi và mấy đứa em mỗi đứa một đôi dép nhựa mới. Tôi vui lắm, thỉnh thoảng lại lấy ra ngắm rồi đi thử. Chỉ mong nhanh đến tết để được đi dép mới. Tối đến, ngồi châm nước, châm củi nấu bánh cùng mẹ, hơi ấm của bếp cùng với mùi thơm của bánh làm tôi thèm thuồng. Nhiều lúc, tôi quay sang hỏi mẹ: “Nấu xong có được ăn luôn không hả mẹ?” Mẹ chỉ tủm tỉm cười bảo: “Để thắp hương ông bà xong mới được ăn.”
Khi đủ lớn để hiểu tôi mới thấm thía, mới thấy thương mẹ biết bao. Tôi xót xa khi nhìn cái dáng hao gầy và bờ vai chai sạn vì phải gồng trên vai biết bao gánh rau, cơ cực hết ngày này qua tháng khác, mặc mưa nắng dãi dầu để lo cơm cháo cho chị em tôi.... Nhờ gánh hàng rau của mẹ mà chị em tôi khi đó mới có những cái tết đầm ấm, vui vẻ. Nhờ gánh hàng rau của mẹ mà chị em tôi mới trưởng thành, khôn lớn như bây giờ. Dẫu rằng cuộc mưu sinh, những lo toan ngày ấy ẩn sâu trong đôi mắt đượm buồn của mẹ cho đến tận bây giờ, nhưng đôi mắt đó vẫn ánh lên niềm tin ở ngày mai, ở một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta biết trân quý những nỗ lực, sự hi sinh của người khác. Cần nhớ rằng, cha mẹ đã dành cho chúng ta một tình yêu vô điều kiện. Trước tình cảm lớn lao ấy, chúng ta cần phải cố gắng vươn lên thành người có ích để không phụ công người đã chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương mình.