Bí mật của các bậc vĩ nhân lưu danh tên tuổi xưa nay - những người đã làm nên những điều vĩ đại, đã truyền cảm hứng và cứu rỗi không biết bao nhiêu linh hồn - là gì? – Đó là lòng kiên nhẫn.
- Inayat Khan
Rất tự nhiên, trước khi bắt đầu học một điều gì đó, ta luôn tự hỏi tại sao ta phải học nó. Đó không phải là câu hỏi nhất định cần có câu trả lời hợp lý, mà nó nảy sinh từ bản tính hiếu kỳ của con người. Học hỏi bất cứ điều gì cũng cần phải có một niềm đam mê và yêu thích nhất định, vì vậy chúng ta phải biết tại sao ta nên rèn luyện nó, vì sao nó xứng đáng với công sức chúng ta bỏ ra. Đó là lý do chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu xem ta sẽ được những ích lợi gì cho sự cố gắng của bản thân. Phần thưởng của việc trở nên kiên nhẫn hơn là gì?
KIÊN NHẪN TẠO NÊN SỰ XUẤT SẮC
Tài năng đến từ một quá trình kiên nhẫn lâu dài.
- Gustave Flaubert
Bạn chắc hẳn biết qua câu chuyện về nhà khoa học Thomas Edison, ông không những phát minh ra bóng đèn mà còn sáng chế ra hàng loạt những máy móc khác như máy điện báo, máy điện tín tự động, đèn điện an toàn dùng trong hầm mỏ, đèn huỳnh quang, máy quay phim, máy chụp ảnh,…
Trong quá trình miệt mài thử nghiệm để tìm ra vật liệu làm dây tóc bóng đèn, ông đã đúc kết kinh nghiệm như sau: “Tôi đã trải qua hai ngàn lần thử nghiệm khác nhau mới tìm ra được kết quả cuối cùng, nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã thất bại hai ngàn lần. Tôi không hề thất bại lần nào. Tôi đã thành công trong việc chứng minh rằng có gần hai ngàn chất liệu không thể dùng để chế tạo dây tóc bóng đèn. Và một khi đã loại bỏ dần những chất không phù hợp, tôi cuối cùng cũng tìm ra nó!”.
Tôi đã bắt đầu nghiên cứu về lòng kiên nhẫn trong nhiều năm, nhưng cách đây vài tháng tôi mới bắt đầu xem xét đến mối liên hệ giữa lòng kiên nhẫn và sự trau dồi tài năng. Eric Hoffer phát biểu về mối quan hệ này như sau: “Điều cốt lõi của một tài năng thật sự là người đó phải nhận thức được rằng bất kỳ thành tựu dù lớn hay bé cũng luôn gắn liền với những khó khăn nhất định. Và chính nhờ sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng mà họ vượt qua tất cả trở ngại và đạt được thành công cuối cùng. Do đó tài năng là một dạng của sự kiên trì”. George Louis Leclerc de Buffon cũng nhận xét tương tự: “Bản thân thiên tài không là gì cả, thiên tài là người dồi dào khả năng kiên nhẫn”.
Những nhà tư tưởng này nhắc cho chúng ta nhớ rằng tài năng phải được trau dồi thường xuyên. Cũng giống như viên ngọc muốn sáng đẹp cần qua quá trình mài giũa, tài năng thiên phú, “sơ khai” còn cách tài năng đích thực rất xa. Vì vậy chúng ta phải làm việc và làm việc không ngừng để có thể có được phần thưởng đó. Mọi tiềm năng của chúng ta đều đòi hỏi sự nỗ lực trong một thời gian dài trước khi trở thành tài năng thật sự. Điều này chỉ có thể đạt được khi chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu của mình, dù có mất bao lâu đi chăng nữa.
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh điều này. Một nhà nghiên cứu của trường Đại học Florida đã khám phá ra rằng phải mất khoảng mười năm để có thể đạt đến mức độ tinh thông của một chuyên gia. Điều này quả thật đòi hỏi lòng kiên nhẫn cao độ!
Cách đây vài năm, tổ chức Gallup đã tiến hành một nghiên cứu trên quy mô lớn về sự xuất sắc. Nghiên cứu trên hai triệu người tình nguyện, họ đã khám phá ra rằng những người nổi trội hơn người khác là những người biết rõ những thế mạnh của mình và tập trung phát triển thế mạnh đó. Không lo lắng về những điểm yếu của bản thân, thay vào đó, họ biết kết hợp những thế mạnh của mình lại với nhau theo một cách nào đó và tối ưu hóa chúng. (Cũng theo kết quả nghiên cứu này, có đến ba mươi ba triệu khả năng kết hợp của những thế mạnh này, có nghĩa là kết hợp của bạn chỉ là một trong con số ba mươi ba triệu. Do đó với sức mạnh của tính kiên định, bạn có thể trở thành một thiên tài với sự kết hợp độc đáo của riêng bạn.)
Rượu ủ càng lâu càng thơm nồng. Cũng như vậy, bằng lòng kiên nhẫn, ta sẽ có đủ tự tin để phát huy hết tiềm năng của bản thân, để ta có thể tự hào là đang cống hiến những điều tốt đẹp nhất của mình cho thế giới.
KIÊN NHẪN GIÚP TA VƯỢT QUA ĐƯỢC MỌI THĂNG TRẦM CỦA CUỘC SỐNG
Kiên nhẫn chờ đợi có lẽ là điều khôn ngoan nhất trên đời: sự khôn ngoan của người gieo hạt và chờ đến ngày cây đơm hoa kết trái.
- John MacEnulty
Tôi có một chị bạn tên Meredith, chị ấy là một mẫu người Mỹ đầy tài năng và thành đạt. Chị được học ở những trường đại học nổi tiếng của miền Đông nước Mỹ, kiếm được công việc với mức lương hàng trăm ngàn đô-la, leo lên đến vị trí lãnh đạo cao nhất của công ty. Nhưng điều đáng nói là sau những thành công ít người đạt được ấy, ở độ tuổi bốn mươi, nhìn lại những thành quả mình đã tạo dựng, chị lại cảm thấy chúng dường như vô nghĩa, ngoại trừ vai trò làm mẹ và làm vợ. Chị đã quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước hiện tại và đến gặp tôi với hy vọng thấy được định hướng tương lai của mình.
Một trong những điều đầu tiên tôi giúp chị hiểu là, giống như vạn vật, con người cũng phải trải qua các giai đoạn trong cuộc đời mình – như các mùa trong năm: Mùa xuân là mùa của những triển vọng mới, khi mọi thứ đều thú vị và tươi vui; mùa hè là mùa của sự khai hoa kết trái, khi bạn đang hứa hẹn tràn đầy sinh lực và sức sáng tạo; mùa thu là mùa của sự thoái trào, khi bạn bắt đầu mất dần sự hứng thú; và mùa đông là mùa của sự bất mãn, khi bạn cảm thấy trống rỗng và trở nên nghi ngờ mọi giá trị của cuộc sống. Chị ấy đang ở vào giai đoạn mùa đông của cuộc đời.
Đây là một quá trình tự nhiên mà tất cả chúng ta ai cũng phải trải qua, nhưng vì ta không biết đến quy luật tuần hoàn này, hoặc giả, nếu có biết thì ta cũng ảo tưởng tự lừa dối bản thân mình rằng nó không ảnh hưởng gì đến ta, và ta đứng ngoài quy luật tự nhiên đó. Vì vậy chúng ta có xu hướng cố gắng níu kéo một cách tuyệt vọng để được ở lại mùa hè, hoặc tìm mọi cách để có thể trì hoãn hay thậm chí ngăn cản quá trình đi đến mùa thu và mùa đông của đời mình.
Vòng tuần hoàn này chính là quá trình phát triển của con người cũng như vạn vật. Nếu không đặt mình thuận theo chu trình tự nhiên, chúng ta sẽ chẳng bao giờ trưởng thành được. Cách duy nhất để chấp nhận được điều này là rời bỏ quan điểm sống cũ, can đảm thoát ly khỏi những ưu tiên và những mối quan tâm cũ để dọn chỗ cho những tư tưởng mới.
Bất cứ người làm vườn nào cũng có thể bảo đảm với bạn rằng chu kỳ của thiên nhiên đòi hỏi sự kiên nhẫn – kiên nhẫn thật sự. Bạn không thể hôm nay gieo một hạt giống và mong đợi ngày hôm sau nó sẽ nở hoa. Bạn cũng không thể kéo cái chồi cho nó nhanh ra lá hay thổi vào cây thân để nó lớn nhanh hơn. Thậm chí loài cây có thể mọc rất nhanh như củ cải cũng cần phải có thời gian lớn lên và tích tụ chất dinh dưỡng trong rễ để tạo thành củ.
Chúng ta cũng vậy! Khi luyện tập tính kiên nhẫn, chúng ta có thể kết hợp chặt chẽ và hài hòa với nhịp điệu tự nhiên của cuộc sống. Chúng ta phải nhớ rằng: “Mọi thứ đều có thời điểm thích hợp của nó”, và đừng cố đi ngược lại quy luật bất biến đó của cuộc sống. Mùa đông thì rất dài nhưng rồi nó cũng sẽ phải kết thúc, và mùa hè cũng vậy. Đó là quy luật của tự nhiên.
Đó là những gì tôi đã phân tích cho Meredith vào cái ngày chị cảm thấy chán chường và hỏi tôi rằng khi nào thì mùa đông trong tâm trí chị sẽ chấm dứt. Tôi trả lời tôi không biết, nhưng tôi chắc rằng nó sẽ phải kết thúc, vì vậy, hãy giống như những người làm vườn, chị có thể làm một số việc để chuẩn bị cho mùa xuân ngay từ bây giờ: “Hãy nghĩ đến những việc như: tìm hiểu xem điều gì thực sự quan trọng đối với chị, chị muốn nhận được những gì và muốn bỏ lại cái gì”. Mùa đông là thời gian lý tưởng để chuẩn bị cho những điều sắp đến, thậm chí ngay cả khi bạn không biết điều sắp đến có làm cho bạn cảm thấy tốt hơn hay không.
Meredith và tôi đã làm việc với nhau trong khoảng một năm. Chị đã chăm chỉ thực hành và chuyên tâm trau dồi tính kiên nhẫn. Rồi cũng đến một ngày trên môi chị nở nụ cười thật tươi, vui mừng báo cho tôi biết tin chị đang cảm thấy rất phấn khích trước một cơ hội làm ăn mới và quyết định theo đuổi nó. Không lâu sau đó tôi nhận được một tấm bưu thiếp gửi bằng đường bưu điện. Đó là một tấm thiệp chúc mừng có gắn những hạt giống hoa, kèm theo đó là lời nhắn: “Cảm ơn em vì đã tiếp tục tin tưởng rằng mùa xuân sẽ quay trở lại với chị ngay cả khi chính bản thân chị cũng không còn tin được nữa. Những hạt giống này tượng trưng cho những gì mà em đã giúp chị tìm lại được khi chị cảm thấy mọi thứ dường như không còn ý nghĩa”.
Bản thân chúng ta là một bộ máy hoàn hảo, sống động, là một phần của tự nhiên và ta phải chịu tác động rất nhiều từ những chu kỳ của nó. Từ cây sồi to lớn đến chú ếch nhỏ bé đều phải tuân thủ quy luật này. Lòng kiên nhẫn cùng sức mạnh vô biên của nó sẽ giúp chúng ta cảm nhận được mối liên hệ huyền diệu đó.
KIÊN NHẪN GIÚP TA CÓ ĐƯỢC NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT
Một chút kiên nhẫn có giá trị gấp nhiều lần sự thông minh.
- Thành ngữ Hà Lan
Tôi nhớ có một lần, Ana, cô con gái hai tuổi của tôi bị sốt cao lúc giữa đêm. Tôi và Don, chồng tôi, đã cho bé uống thuốc hạ sốt và đặt bé nằm ngủ cùng chúng tôi. Bỗng nửa tiếng sau, bé thức dậy và bắt đầu gào khóc bấn loạn. Tôi cảm thấy bối rối và hốt hoảng thật sự. Không làm chủ được mình, tôi hét to lên giục Don chạy đi lấy nhiệt kế trong phòng tắm, dù anh ấy đang ở ngay bên cạnh và phòng tắm chỉ cách chúng tôi có năm bước chân! Trái với mong đợi của tôi, Don từ tốn đi vào nhà tắm và khi quay trở lại, anh điềm tĩnh đo nhiệt độ của con bé. Nhiệt độ không tăng, thật là may mắn! Nhưng tôi lại tức điên lên vì thái độ của anh ấy.
Đợi con ngủ yên trở lại, tôi liền lớn tiếng với Don: “Em không hiểu sao anh lại chậm chạp đến như vậy. Đây là trường hợp khẩn cấp! Anh không thể nhanh hơn khi mà sự an toàn của con gái anh phụ thuộc vào điều đó sao?”.
Im lặng một lúc, anh ấy trả lời: “Con đang bị kích động còn em thì lại hoảng hốt. Điều tốt nhất mà anh có thể làm là càng bình tĩnh càng tốt. Nếu chạy thì anh cũng không thể lấy cái nhiệt kế nhanh hơn bao nhiêu, mà trái lại còn làm cho mọi người lo lắng thêm. Trong khi thời gian anh đi lấy nhiệt kế lúc nãy cũng chưa tới một phút”.
Tôi nhìn anh. Anh điềm tĩnh nhìn thẳng vào mắt tôi. Còn tôi, tim đập mạnh, người toát mồ hôi và rồi tôi bật khóc nức nở. Mỉa mai thay, một điều hiển nhiên như vậy mà ngay cả đối với một chuyên gia về lòng kiên nhẫn như tôi lại không thể thực hiện được. Với trạng thái bị kích động như của tôi lúc đó, thì rõ ràng giữa hai chúng tôi, Don là người được trang bị tốt hơn nhiều để đương đầu với những tình huống khẩn cấp. Hồi còn tham gia hội chữ thập đỏ, tôi cũng đã được dạy cách giữ bình tĩnh thay vì hoảng loạn và làm mọi thứ rối tung lên khi phải xử lý những tai nạn máu me! Nếu không thì cảm giác có thể lấn át lý trí của bạn, nhất là khi bạn cần phải ra một quyết định sáng suốt.
Lúc đó, nếu tôi giữ bình tĩnh và không bị rơi vào trạng thái hoảng hốt, thì tôi đã có thể giúp Ana được nhiều hơn, có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn như đưa bé đến bệnh viện hay dỗ cho bé ngủ lại. Thay vì đợi sáu mươi giây để biết một sự thật là nhiệt độ của bé không tăng, tôi đã tự nghĩ ra những tình huống khủng khiếp và bắt đầu cơn khủng hoảng của mình!
Điềm tĩnh giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn hơn vì nó giữ cho óc phán đoán của chúng ta không bị chi phối bởi sự hoảng sợ. Phần cuối bộ phim nổi tiếng Amelie có một cảnh hài hước, đó là khi nhân vật nữ chính cuối cùng cũng tìm được người đàn ông mà cô yêu, cô đã gửi cho anh một mẩu tin, hẹn gặp anh tại một thời điểm cụ thể. Nhưng anh đã không đến. Amelie liền nghĩ ra hai giả thuyết, một là, anh đã không nhận được tin nhắn của cô, hai là, anh bị tai nạn xe hơi, hoặc bị bắn, bị bắt cóc và gửi sang Afghanistan, và cuối cùng là cô đơn trên một đỉnh núi nào đó. Đó thực sự là khoảnh khắc đáng sợ! Trong lúc chờ đợi, chúng ta có thể tưởng tượng ra mọi chuyện khủng khiếp. Người ta thường tự mình làm cho tình thế trở nên căng thẳng khi tưởng tượng ra những tình huống thảm khốc, và cũng vì thế làm hạn chế khả năng đưa ra một quyết định đúng đắn.
Điềm tĩnh suy nghĩ, ta sẽ nhận thấy cuộc sống luôn tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tương tự, khi điều gì đó xảy ra thì đều tồn tại hai khả năng: hoặc tốt hoặc xấu. Nhưng dù thế nào, trước sau gì ta cũng phải đối diện với nó. Buồn phiền, lo lắng, than trách chỉ làm tình hình tồi tệ thêm mà thôi. Tôi muốn khuyên bạn hãy tự tin như Mark Twain: “Điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi chưa bao giờ đến”. Thật vậy, bất cứ khó khăn, thử thách nào cũng có giải pháp của nó. Làm chủ cảm xúc của bản thân, giữ cho trí óc luôn ở trạng thái điềm tĩnh cân bằng, bạn nhất định sẽ tìm ra những giải pháp sáng suốt nhất!
Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian quý báu của mình để suy diễn, tự đặt ra hàng vạn giả thuyết và tự làm khổ mình chỉ vì tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi kết quả của nó ra sao. Điều tuyệt vời nhất là khi tôi nhận ra càng kiên nhẫn, mình càng bình tĩnh. Và càng bình tĩnh, tôi càng có nhiều khả năng thu nhận và phân tích, đánh giá thông tin, chứ không dễ dàng bị rơi vào vòng xoáy lo lắng và căng thẳng không cần thiết như trước nữa.
Thực hành rèn luyện tính kiên nhẫn sẽ đem đến cho bạn khả năng ra quyết định đúng đắn, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện ngay từ bây giờ để cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn với những lựa chọn sáng suốt nhất.
KIÊN NHẪN DƯỠNG NUÔI NIỀM HY VỌNG
Kiên nhẫn là nghệ thuật dưỡng nuôi niềm hy vọng.
- Luc de Vauvenargues
Nelson Mandela là một tấm gương sáng về lòng kiên nhẫn. Hy sinh cho sự nghiệp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông đã trải qua ròng rã hai mươi bảy năm trong nhà tù Nam Phi, nếm đủ tất cả mọi đắng cay, tủi nhục, từ bị hành hạ thân xác đến xúc phạm nhân phẩm. Có lần ông bị cai ngục ở nhà tù khét tiếng Robbins Island tiểu lên người và đe dọa: “Ở đây mày sẽ chết!”. Tuy thế, ông vẫn chưa bao giờ có ý định đầu hàng, chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho ước mơ của mình - ước mơ về một xã hội mà người da trắng và người da màu có thể sống tự do, bình đẳng và hòa hợp với nhau. Không một lời thóa mạ người da trắng, không một lần than oán và Nelson cũng không bao giờ thôi hy vọng sẽ có một ngày được giải thoát khỏi ngục tù.
Trong hồi ký viết lại khoảng thời gian khốc liệt ở tù, ông tin rằng: “Một ngày nào đó, tôi sẽ lại được cảm nhận sự mềm mại của cây cỏ dưới chân và tiếp tục dạo bước trong ánh mặt trời của một người tự do”. Đối với ông, hy vọng có nghĩa là “giữ cho đầu hướng về phía mặt trời và chân luôn tiến về phía trước. Có nhiều khoảnh khắc đen tối trong cuộc đời mà niềm tin của tôi vào con người bị thử thách nghiệt ngã, nhưng tôi đã không và cũng không bao giờ cho phép mình tuyệt vọng”.
Theo tục lệ của bộ tộc nơi ông sinh ra, người ông sẽ đặt tên cho cháu mình, vì vậy khi người con gái lớn nhất mà gần hai thập kỷ ông không được gặp mặt sinh một bé gái, Nelson Mandela đã đặt tên cho bé là Azwie - có nghĩa là Hy vọng. “Cái tên này có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi”, ông viết trong cuốn tự truyện Cuộc hành trình đi đến tự do, “Trong suốt những năm bị tù đày, hy vọng đã không rời bỏ tôi - và bây giờ cũng sẽ không bao giờ rời bỏ. Tôi tin rằng đứa bé này sẽ là một phần của thế hệ trẻ Nam Phi, thế hệ mà đối với chúng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ là một ký ức đã xa”.
Sau hơn mười ngàn ngày bị cầm tù, vào tuổi bảy mươi mốt, Nelson Mandela cuối cùng cũng được tự do và ông đã tiếp tục dẫn dắt Nam Phi đi đến một nền dân chủ thực sự mà không cần đến bạo lực hay một cuộc tàn sát hàng loạt của người da đen đối với người da trắng như một số người da trắng đã lo ngại. “Tôi đã không đánh mất niềm hy vọng rằng sự thay đổi có tính bước ngoặt của thời đại này rồi sẽ xảy ra”, Mandela nói. “Tôi luôn tin rằng tận trong sâu thẳm trái tim mỗi người đều ẩn chứa lòng tốt và sự khoan dung… Lòng tốt là ngọn lửa đôi khi bị che khuất nhưng không bao giờ bị dập tắt.”
Cuộc đời của Nelson Mandela là một minh chứng vĩ đại cho sức mạnh của lòng kiên nhẫn. Bằng sự nhẫn nại to lớn của mình, ông đã mang lại điều kỳ diệu không chỉ cho bản thân mình mà còn cho bốn mươi ba triệu người da đen và da trắng sống ở Nam Phi. Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống của mình, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người dân bình thường, nhỏ bé! Các bạn hãy thể hiện lòng kiên nhẫn và quyết tâm cải tạo đất nước này vì nó chính là gia đình của bạn!”. Và ông hẳn cũng đang tự nói với chính bản thân mình!
Có thể nói, trong thời gian bị cầm tù cực khổ, Nelson Mandela đã nhận thức được một số vấn đề ẩn khuất trong tâm hồn con người, đó là niềm tin và hy vọng có thể giúp chúng ta kiên nhẫn làm việc, tiếp tục hướng về mục tiêu mà có khi ta cũng chưa hình dung rõ.
“Nếu chúng ta đang hy vọng về những gì mà mình chưa từng tận mắt chứng kiến, thì hãy kiên nhẫn chờ đợi”. Tôi đọc được điều đó trong Kinh thánh Roman, chương 8, điều thứ 25. Với niềm hy vọng, chúng ta kiên trì làm việc để đạt được những điều mà mình mong muốn trong cuộc đời: học tập để vượt qua các kỳ thi, viết sách, thu thập tài liệu, trồng vườn,... Chúng ta cố gắng vì chúng ta tin vào một kết quả tốt đẹp. Không có hy vọng, chúng ta sẽ không thể làm được gì, vì ta không có đủ cảm xúc và tinh thần để tạo dựng một động lực cần thiết khởi động mọi việc cho đến ngày đơm hoa kết trái.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận mối liên hệ giữa hy vọng và lòng kiên nhẫn. Những sinh viên có chỉ số hy vọng cao thì kết quả làm việc tốt hơn những sinh viên cùng lứa có chỉ số hy vọng thấp, mặc dù họ có cùng mức độ về chỉ số thông minh. Lý do là làm việc với sự kiên trì và niềm hy vọng mang lại cho họ thái độ luôn sẵn sàng để tiếp tục cố gắng, cố gắng hơn nữa. Ở một nghiên cứu khác, một tình huống giả định được đặt ra cho những sinh viên có chỉ số hy vọng cao và thấp như sau: Bạn đang nhắm tới mục tiêu là đạt điểm A cho học kỳ này. Ở bài kiểm tra đầu tiên, vốn chiếm 30% tổng số điểm cả học kỳ, bạn chỉ đạt điểm D. Bây giờ bạn làm gì? Nhóm có chỉ số hy vọng cao nghĩ ra mọi ý tưởng để nâng điểm số của họ lên, trong khi nhóm có chỉ số hy vọng thấp thì nhanh chóng đầu hàng!
Học giả Iyanla Vanzant khuyên chúng ta nên cổ vũ bản thân bằng cách tự nhủ rằng: “Đó chỉ là sự trì hoãn chứ không phải là sự phủ nhận”. Niềm ao ước trong trái tim bạn là gì? Nó có đáng để bạn hy vọng hay không? Với lòng kiên nhẫn, chúng ta luôn có thể nuôi dưỡng hy vọng ngay trong những giờ khắc đen tối nhất và biết chắc chắn rằng một ngày nào đó niềm mong ước của ta sẽ trở thành hiện thực.
KIÊN NHẪN GIÚP TA KÉO DÀI TUỔI THỌ VÀ ÍT BỊ CĂNG THẲNG
Thiên nhiên, thời gian và kiên nhẫn là ba ông thầy thuốc vĩ đại.
- H. G. Bohhe
Có lần, một người bạn là cố vấn cho giám đốc điều hành của một công ty lớn đến thăm chúng tôi. Tâm sự về những căng thẳng gặp phải trong công việc, anh thổ lộ: “Nó đang giết tôi dần, huyết áp tôi gần như tăng đến mức cao nhất và làm tôi kiệt sức. Tôi đã không hề quan tâm đến sức khỏe mình cho đến khi bác sĩ cảnh báo tôi có nguy cơ bị đau tim. Công việc của tôi là tranh luận thường xuyên với giám đốc, bằng những kiến thức và luận cứ của mình, thuyết phục ông ấy kinh doanh theo những gì tôi cho là đúng. Và những khi giám đốc phớt lờ những đề xuất của tôi thì tôi hoàn toàn không thể chịu đựng được”.
Chưa có nghiên cứu nào đề cập đến ảnh hưởng sinh lý của tính kiên nhẫn, nhưng có rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của việc thiếu kiên nhẫn, đặc biệt là về tác động của chứng căng thẳng thần kinh (stress) và những cơn nóng giận. Những nghiên cứu đó đã chứng minh rằng những người hay giận dữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp rưỡi lần so với người khác và có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao gấp bốn hay năm lần. Khi bạn giận dữ hay căng thẳng thần kinh thì cho dù bạn kìm nén hay bộc lộ cảm xúc, bạn vẫn phải chịu những ảnh hưởng về mặt sinh học như: tăng nhịp tim, tăng huyết áp, dư axít trong dạ dày,…
Khi giận dữ, não bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn khiến tăng nồng độ chất adrenaline và cortisol - các loại hormone làm căng thẳng thần kinh - trong máu. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những chất này sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn, đặc biệt là làm suy giảm mật độ bạch cầu T - loại bạch cầu chính giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Cơ bắp, mạch máu bị co thắt lại, do đó tim phải hoạt động nhiều hơn để giúp máu lưu thông. Đó là lý do tại sao khi giận dữ, bạn thấy tim đập mạnh và cảm thấy hồi hộp, thậm chí khó thở.
Ngược lại, khi điềm tĩnh, “hệ thống sẵn sàng tấn công - phòng vệ” của bạn sẽ tắt. Các cơ bắp được thả lỏng, mạch máu giãn nở, huyết áp ổn định, nhịp tim bình thường. Hệ thống miễn dịch lại hoạt động tốt, máu lại sản sinh ra số lượng bạch cầu cần thiết giúp bạn tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, nhờ đó giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Kiên nhẫn cho phép chúng ta kiểm soát được sự căng thẳng thần kinh, cho dù đó là những căng thẳng khách quan do cuộc sống bận rộn gây ra, hay những căng thẳng chủ quan nội tại, xuất phát từ những cơn giận dữ của bạn. Nó cũng làm ngừng những tín hiệu cảnh báo căng thẳng trong hệ thống thần kinh và cho phép bạn nghỉ ngơi. Trong tác phẩm Why Zebras Don’t Get Ulcers, Robert Sapolsky đã chỉ ra rằng: phản ứng tấn công - phòng vệ là rất quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta, chẳng hạn nó giúp ta bỏ chạy khi gặp nguy hiểm. Nhưng đó chỉ là những phản xạ tức thời, không phải là một cơ chế được thiết lập lâu dài.
Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thử nghiệm tác dụng của cơ chế tấn công - phòng vệ như: lúc kẹt xe, áp lực nặng nề về thời hạn cho phép hoàn thành công việc, cãi nhau với người yêu,… Những áp lực này làm cho cơ thể chúng ta căng thẳng, mệt mỏi. Đó là lý do tại sao rèn luyện để trở nên kiên nhẫn hơn lại là việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm vì sức khỏe của chính bản thân mình. Càng dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và khoan dung với những điểm yếu của người khác, chúng ta càng đỡ bị căng thẳng. Và nếu chúng ta có thể rèn luyện tính kiên nhẫn thường xuyên, đều đặn như việc tập thể dục giữ gìn sức khỏe thì đó chẳng phải là điều tuyệt vời lắm sao!
KIÊN NHẪN GIÚP TIẾT KIỆM THỜI GIAN, SỨC LỰC VÀ TIỀN BẠC
Thời gian và lòng kiên nhẫn sẽ biến lá dâu thành lụa.
- Thành ngữ Trung Hoa
Cách đây nhiều năm, vợ chồng tôi quyết định xây nhà trên một mảnh đất nằm trên sườn dốc cao. Vì phải làm nhanh trước khi mùa mưa đến, những nhà thầu mà chúng tôi thuê làm phần móng, do tốc độ thi công vội vã, đã không làm đúng như thiết kế. Và cũng muốn nhanh chóng kết thúc trước mùa mưa, chúng tôi đã không kiểm tra.
Nếu bây giờ đến thăm chúng tôi, bạn sẽ thấy một bức tường của ngôi nhà nhô lên trời cả thước với những bậc thang khấp khểnh. Sai lầm đó không những làm mất thẩm mỹ căn nhà mà chúng tôi còn gặp rắc rối với những người hàng xóm vì một phần căn nhà đã bị xê dịch theo phần móng, không còn ở trên mảnh đất đã thỏa thuận ban đầu nữa. Mọi chuyện đau đầu cuối cùng cũng được giải quyết sau những cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm làm chúng tôi tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và sức lực.
Sai lầm lớn này xảy ra chỉ vì chúng tôi thiếu kiên nhẫn. Và tôi vẫn thường gặp phải những rắc rối nhỏ hơn (nhưng hậu quả lại không nhỏ chút nào!) kiểu đó. Tôi làm việc vội vã, rút ngắn công đoạn, và hậu quả tất yếu là tôi mắc sai lầm và lại phải bắt đầu lại.
Tối qua, điều đó lại xảy ra. Vẫn vội vã như thường lệ, tôi làm nước xốt xoài cho bữa tối. Thành phần cuối cùng là muối. Và vì không để ý, tôi đã cho quá nhiều muối. Thế là cuối cùng tôi phải bỏ tất cả đi và làm lại từ đầu. Khi đó tôi đã rất bực mình vì bị mất thời gian và tệ hơn, tôi cứ trách móc mình sao lại vội vã, bất cẩn như thế.
Lỗi lầm nhỏ đó đã làm tôi tốn mất mười phút và một đô-la. Nhưng nếu làm một phép tính tổng hợp thì chúng ta đã mất bao nhiêu tiền bạc và thời gian do thiếu kiên nhẫn? Thử nghĩ đến NASA. Nếu vội vã hoàn thành một dự án, chỉ cần một phép tính toán sai lệch, chẳng hạn dùng cm thay vì inch (= 2,54cm), cũng đủ để một vệ tinh giá trị hàng triệu đô-la đi chệch mục tiêu.
Ngày nay chúng ta quá coi trọng tốc độ, và đó là một sai lầm lớn. Hãy nghĩ về những phương tiện truyền thông hiện đại. Bạn có thấy là họ rất hay vội đưa ra kết luận về một sự kiện nào đó trước khi mọi việc ngã ngũ không? Chắc bạn còn nhớ sự cố nổi tiếng “Dewey chiến thắng!” chứ? Hệ thống các kênh truyền hình đã không thể đợi cho đến giây phút cuối cùng mà họ vội vã công bố người chiến thắng trong cuộc tranh cử chức tổng thống Mỹ năm 2000. Còn các công ty sản xuất phần mềm thì sao? Trong thực tế, họ thường đưa ra những chương trình đầy lỗi, và sau đó bỏ công sức và thời gian để giải đáp những phàn nàn của khách hàng thay vì giải quyết những lỗi đó trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Tại sao lại như vậy? Vì họ sợ rằng nếu không sản xuất kịp tiến độ thì những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn sẽ bán cổ phiếu của công ty họ, làm cho giá cổ phiếu giảm mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh doanh của họ.
Việc thiếu kiên nhẫn cũng có thể gây thương tích cho cơ thể. Tôi còn nhớ một phụ nữ viết thư cho tôi tâm sự như thế này: “Mỗi khi tôi bị thương do lỗi của chính mình, tôi luôn nhìn lại vấn đề để rút kinh nghiệm và nhận ra rằng tất cả mọi tình huống đều xảy ra trong lúc tôi vội vã. Tôi bị trật mắt cá chân khi muốn đuổi kịp chuyến xe buýt. Tôi bị giãn dây chằng lưng trong lúc luyện tập căng thẳng, tất cả chỉ để cố gắng tập cho xong và đến văn phòng sớm hơn mười phút. Cả hai lần bị thương đó đã làm tôi mất rất nhiều thời gian chỉ vì muốn cố gắng tiết kiệm vài phút!”.
Thật không dễ dàng chút nào khi cố gắng cưỡng lại khuynh hướng vội vã chung của thời đại ngày nay. Vì thế chúng ta cần trang bị cho mình một ý thức sâu sắc về vấn đề này trước khi để nó gây ra những hậu quả không mong muốn. Như minh chứng cho câu ngạn ngữ “Dục tốc bất đạt”, rất nhiều bức thư tôi nhận được của độc giả đã thuật lại những trường hợp mà họ phải gánh chịu những hậu quả không hay chỉ vì tính thiếu kiên nhẫn. Tất cả đều có cùng quan điểm: “Sự vội vã cuối cùng lại làm ta, bằng cách này hay cách khác, mất nhiều thời gian và công sức hơn để khắc phục, sửa chữa những lỗi lầm mà lẽ ra ta đã không gặp phải nếu chịu bình tĩnh hơn một chút”.
Hãy thay đổi cách sống vội vã! Chúng ta đều biết rằng “Dục tốc bất đạt”, vậy tại sao cứ phải mắc mãi một sai lầm mà ta có thể tránh được? Bằng việc rèn luyện lòng kiên nhẫn, ta “Hãy làm cho việc vội vã chậm lại” như một lời khuyên khá sâu sắc mà tôi học được từ một phụ nữ thông minh khi chúng tôi cùng chia sẻ về vấn đề này.
KIÊN NHẪN GIÚP TA ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ MÀ TA MONG MUỐN
Mật ngọt chết ruồi.
- Tục ngữ Việt Nam
Có một lần, tôi đang xếp hàng ở sân bay Toronto, Canada để chờ làm thủ tục hải quan bay về Mỹ. Chỉ còn một giờ nữa là chuyến bay của tôi sẽ cất cánh, vậy mà hàng người dài dằng dặc trước mặt tôi chỉ nhích từng chút một. Rất chậm! Tôi xa nhà đã một tuần và cứ nghĩ đến đứa con gái bé bỏng ắt hẳn đang rất nhớ mẹ là lòng tôi cứ cồn cào cả lên. Nếu là trước đây thì có lẽ tôi đã tìm một nhân viên hải quan nào đó để trút bớt cơn bực tức của mình và làm ầm lên, rồi thì chắc chắn cả tôi và những người xung quanh sẽ đều khó xử và tình hình có lẽ sẽ càng tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, lần này tôi quyết định làm một cuộc thử nghiệm mới. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi hành động như thể mình còn nhiều thời gian? Vì vậy tôi tiếp tục chờ đợi và kiên nhẫn nhích đi từng chút một. Sau khoảng ba mươi phút, tôi bắt chuyện với người đàn ông đứng ngay phía trước tôi. “Ít ra thì chúng ta cũng đang gần đến đó”, tôi bình luận, mắt nhìn về cánh cửa ở phía trước. “Chà! - Ông ta thở dài. - Xếp hết hàng này rồi lại tới hàng khác mà thôi!”.
Lúc đó, một nhân viên hải quan bước đến và giải thích rằng hệ thống máy tính của họ bị trục trặc khiến cho việc kiểm tra bị chậm như vậy. Tôi tự nhủ mình phải giữ bình tĩnh và không được tỏ ra khó chịu. Mười lăm phút trước khi máy bay cất cánh, nhân viên hải quan thông báo: “Tất cả hành khách đi San Francisco mời qua bên kia”. Tôi bước ra, xếp vào một hàng khác ngắn hơn.
Cuối cùng thì cũng đến lượt tôi. Tôi tiến về phía người phụ nữ trẻ ngồi sau máy tính. Cô ấy trông có vẻ mệt. Rất mệt! Tự nhiên tôi thấy dâng trào trong lòng một cảm giác cảm thông và chợt thốt lên: “Một ngày mệt mỏi quá hả chị?”. “Vâng”, cô ấy trả lời, đóng dấu vào hộ chiếu của tôi và vẫy tay cho tôi qua.
Lúc ngoái lại nhìn tôi mới thấy màn hình máy tính của cô ta tắt ngúm. Máy tính bị trục trặc và cô ấy hoàn toàn có thể yêu cầu tôi đợi cho đến khi nó hoạt động trở lại để kiểm tra hộ chiếu của tôi. Và vì tôi đã cảm thông với cô nên cô đã để tôi qua - vừa khít giờ bay của tôi.
Qua sự việc đó tôi thấy rằng khi luyện tập tính kiên nhẫn, ta sẽ càng có nhiều cơ hội để đạt được những điều mình mong muốn. Vì khi kiên nhẫn, chúng ta sẽ đối xử tử tế hơn với mọi người, và vì thế, chắc chắn ta cũng sẽ có nhiều cơ hội nhận được sự đối đãi tử tế từ họ.
Mới đây tôi lại được nghe về hiệu quả của lòng kiên nhẫn khi một người bạn kể cho tôi nghe chuyện rắc rối của cô ấy với người thợ sửa máy. Vì không hài lòng với kết quả công việc của anh ta, nên cô muốn lấy lại tiền. Cô đã gọi điện thoại đến công ty và la mắng om sòm, rốt cuộc là họ cúp điện thoại không tiếp cô nữa. “Sau đó mình gọi ông xã, - cô kể lại, - anh ấy là người nhẫn nại hơn mình. Anh ấy đã gọi lại công ty, nói chuyện một cách bình tĩnh và nhã nhặn với người quản lý, và thật ngạc nhiên, người ta đã vui vẻ hoàn tiền lại cho anh ấy”.
Sau sự việc ở cửa khẩu, tôi được nghe và chứng kiến thêm nhiều câu chuyện khác minh chứng lòng kiên nhẫn có thể mang lại điều ta mong muốn: Một người đàn ông cuối cùng cũng tìm lại được cái máy tính mà ông ta đã bỏ quên trên máy bay sau khi đã nhẫn nại nói chuyện một cách hòa nhã với cả mười người của hãng hàng không để tìm được đúng người có thể giải quyết chuyện đó; một cô gái trẻ đã được ưu tiên mua vé hạng VIP vì đã kiên nhẫn xếp hàng tới tận phút chót; một cặp vợ chồng đã được miễn phí giao dịch trên tài khoản vì họ đã biết thông cảm với một nhầm lẫn của ngân hàng họ đang giao dịch,…
Tôi đã từng lấy câu ngạn ngữ: “Con có khóc mẹ mới cho bú” làm phương châm hành động của mình. Bây giờ thì tôi nhận ra rằng sự la lối phàn nàn thái quá sẽ chỉ nhận được sự xa lánh và chán ghét mà thôi. Ngày nay tôi dùng sự nhẫn nại hòa nhã của mình trong giao tiếp như dùng mật ngọt để đãi khách và dĩ nhiên kết quả đạt được cũng ngọt ngào hơn nhiều!
KIÊN NHẪN CHẮN GIỮ CÁNH CỔNG GIẬN DỮ
Sự kiên nhẫn gặt hái an bình. Sự vội vàng gặt hái hối tiếc.
- J. Dissco
Ta thường gặp hình ảnh sau trong bất kỳ một siêu thị nào: những người mẹ kiệt sức sau một ngày làm việc mệt nhọc, đi gần như chạy giữa các kệ hàng để chọn vài thứ cho bữa tối, tay thì nắm chặt một cậu (cô) bé khoảng chừng ba, bốn tuổi. Đứa bé dù cũng đói và mệt nhưng do bản tính trẻ con hiếu động cứ nhất định đòi mẹ mua cho cái này cái kia… “Con muốn lấy cái này, nhất định cái này!” – Nó hét tướng lên, lăn lộn vòi vĩnh dưới sàn. Người mẹ tức giận tóm lấy đứa bé, lôi dậy, mắng một chập và đùng đùng kéo nó ra khỏi cửa hàng… Tất cả những người chứng kiến, kể cả người mẹ và đứa trẻ, chắc chắn đều cảm thấy nặng nề và khó chịu!
Khi bắt đầu nghiên cứu về tính kiên nhẫn, tôi đã chú ý xem sự giận dữ và tính kiên nhẫn có mối liên hệ với nhau như thế nào. Tôi đã rút ra được kết luận rằng giận dữ là kết quả trực tiếp của việc thiếu kiên nhẫn, là vì chúng ta thiếu sự khoan dung với những sự việc hay người nào đó làm ta nổi giận. Đầu ta dễ dàng bốc khói ngùn ngụt vì những điều tưởng chừng rất đơn giản: “Tại sao anh cứ bẻ khớp tay liên tục như vậy khi mà anh biết rằng điều đó làm tôi phát điên lên?”, “Tại sao cô cứ nói 'thật tuyệt' bằng cái giọng ngớ ngẩn đối với tất cả mọi việc như vậy?”, “Tại sao mấy anh chàng bưu điện cứ quẳng vào nhà tôi hàng đống thư quảng cáo vậy?”… Chúng ta giận dữ vì chúng ta không muốn bị đặt vào tình thế bị động!
Đây là điều khá ngạc nhiên đối với tôi. Tôi biết rằng mình thường thiếu kiên nhẫn, thỉnh thoảng hay giận dữ và mất bình tĩnh, nhưng tôi không nghĩ thiếu kiên nhẫn và giận dữ lại liên quan với nhau. Dường như chúng ở các trạng thái cảm xúc riêng biệt, hoạt động độc lập với nhau. Nhưng trên thực tế, các kết quả nghiên cứu đã chứng minh, thiếu kiên nhẫn là một quá trình liên tục của nhiều trạng thái khác, bắt đầu bằng những cơn bực dọc, dẫn đến sự giận dữ và cuối cùng là một cơn thịnh nộ thực sự.
Vậy có nghĩa điều ngược lại cũng đúng. Càng kiên nhẫn chúng ta càng ít trải qua cảm giác bực dọc, giận dữ và những cơn thịnh nộ. Nếu người mẹ tội nghiệp trong siêu thị kia cố gắng giữ bình tĩnh hơn nữa thì chị ấy đã có thể tránh được tình huống khó chịu kia. Chị có thể trò chuyện với con để đánh lạc hướng sự chú ý của bé, hoặc là đưa ra một đề nghị khác dễ chấp nhận hơn, hoặc chỉ đơn giản là điềm tĩnh đứng đó chờ cho cơn làm mình làm mẩy của con qua đi. Bất cứ một lựa chọn nào cũng sẽ tốt hơn cho cả hai.
Nhưng không phải cơn giận dữ nào cũng xấu. Chúng ta đừng bao giờ chịu đựng sự lợi dụng hoặc xúc phạm. Việc nổi giận trong những tình huống này là một dấu hiệu cảnh báo cần thiết, rằng sức chịu đựng của ta đã bị xâm phạm quá mức và chúng ta cần có một khoảng cách an toàn. Và cũng có những cơn giận dữ chính đáng khi nó chống lại sự bất công thể hiện dưới các hình thức khác nhau, ví dụ như khi thấy một người thế cô nào đó bị hà hiếp giữa đường hay sự không công bằng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính phủ...
Để chống lại các cơn giận dữ và bực tức, chúng ta cần mở rộng lòng ra hơn nữa để có thể cảm thông và khoan dung với những khiếm khuyết của người khác – mà trong những trường hợp tương tự, chính chúng ta cũng có thể cư xử như vậy. Những biểu hiện của lòng kiên nhẫn như thế được thể hiện thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày - lòng kiên nhẫn mà chúng ta cần để luôn giữ được sự tôn kính với cha mẹ ngay cả khi họ dường như chẳng quan tâm xem đối với chúng ta điều gì là quan trọng; sự bình tĩnh để đối phó với lũ trẻ khi chúng cứ đòi ăn kem hay nhuộm tóc dù ta đã nói “Không được!” đến lần thứ hai mươi; sự kiên trì để tiếp tục làm việc chung với người sếp ta vốn không mấy thiện cảm,… Khi kiên nhẫn, chúng ta sẽ biết chính xác hơn khi nào thì cần phẫn nộ chính đáng, khi nào thì cần chấp nhận hậu quả mà không phàn nàn gì.
Có một câu ngạn ngữ Ai Len như sau: “Khi bạn giận dữ, bạn là người mang gánh nặng trong lòng giữa lúc những người khác đang vui vẻ nhảy múa ngoài kia”. Càng trau dồi tính kiên nhẫn, chúng ta càng ít giận dữ và càng có cơ hội sống một cuộc đời hạnh phúc, mãn nguyện và đầy niềm vui.
KIÊN NHẪN MANG LẠI SỰ KHOAN DUNG VÀ CẢM THÔNG VỚI MỌI NGƯỜI
Nếu bạn đang nói chuyện với một người mà họ có vẻ như không chú ý lắng nghe, hãy bình tĩnh! Có thể là do tai anh ta đang bị đau.
(Trích trong sổ tay hướng dẫn của Pooh)
Tôi có dịp hướng dẫn một khóa huấn luyện cách suy nghĩ đa dạng cho một công ty được tạp chí Fortune xếp vào một trong một trăm công ty lớn nhất trên thế giới. Tôi giải thích rằng, mặc dù chúng ta có cùng công cụ - đó là trí óc - nhưng mỗi người lại sử dụng nó một cách khác nhau. Nói chính xác hơn, mỗi chúng ta cảm nhận và có hành vi ứng xử với thế giới theo một cách riêng biệt. Hiểu được những khác biệt này là tiến một bước rất xa trong việc lý giải nguyên nhân những điều làm chúng ta thất vọng ở đồng nghiệp, ở cấp trên, vợ chồng hay con cái.
Bỗng có một cánh tay giơ lên cắt ngang lời tôi: “Theo ý chị nói thì con trai tôi không cố ý coi thường tôi khi nó không thèm nhìn tôi trong lúc tôi đang nói chuyện với nó? Và sếp của tôi không phải là một người bất lịch sự khi ông ta không trả lời những đề xuất của tôi? Và điều đó có nghĩa là nếu tôi nói chuyện trực tiếp với ông ấy thì tôi sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn?”.
“Vâng, - tôi trả lời, - đó chính xác là những gì tôi muốn nói.”
Cuộc sống hằng ngày buộc ta phải giao tiếp, gặp gỡ với rất nhiều người, có thể là trong công việc, trong gia đình, tại cửa hàng, siêu thị hay tại những buổi gặp gỡ xã giao,… Và không có gì đáng ngạc nhiên khi ta nhận ra họ rất khác biệt với chúng ta. Không chỉ khác trong cách thu nhận, phân tích và xử lý thông tin, họ còn khác chúng ta về sự nhận thức các giá trị của cuộc sống, về động cơ làm việc, về xuất thân, văn hóa,… Xét về lý thuyết, ai trong chúng ta cũng hiểu sự đa dạng trong tính cách con người, và dưới góc độ của sự khoan dung, ta thừa nhận rằng sự khác biệt này là tốt và cần thiết. Nhưng trên thực tế ta lại không thật sự tin vào điều đó. Chúng ta mất nhiều thời gian và công sức để lý giải tại sao họ không hành xử và suy nghĩ giống ta, rồi lại cố gắng làm một điều ấu trĩ là hy vọng làm họ thay đổi theo đúng như những gì ta mong muốn!
Bạn có nhớ lời bài hát của bộ phim My Fair Lady có câu “Tại sao một phụ nữ không thể giống như một người đàn ông nhỉ?”, và tôi nghĩ tại sao chúng ta không linh hoạt chuyển nó thành câu thắc mắc riêng của mình với một chút thay đổi như sau: “Tại sao mọi người không thể giống như ta nhỉ?”! Tất nhiên câu trả lời sẽ là: “Họ không thể là ta được”, và chính từ đó lòng kiên nhẫn sẽ thể hiện sức mạnh của nó. Kiên nhẫn giúp ta có thái độ điềm tĩnh khi đối diện với sự khác biệt giữa ta và mọi người.
Lòng khoan dung có thể là một thử thách đối với bạn. Nó đòi hỏi chúng ta nhìn nhận những giả định ta đã đánh giá về hành vi của người khác và kiểm nghiệm lại các giả định đó chính xác tới đâu. Sánh đôi với quá trình này, có một đồng minh vĩ đại luôn đồng hành để giúp đỡ chúng ta – đó là lòng cảm thông!
Kiên nhẫn chính là con đường dẫn tới cảm thông - một năng lực kỳ diệu giúp nhận biết cảm xúc của người khác. Theo Daniel Goleman trong tác phẩm Emotional Intelligence: “Sự đồng cảm yêu cầu sự bình tĩnh và óc cảm thụ sáng suốt để những tín hiệu tinh tế về cảm xúc từ một người có thể truyền tới một người khác”. Nói cách khác, càng kiên nhẫn, chúng ta càng có nhiều khả năng cảm thông với người khác.
Bằng sự đồng cảm, chúng ta sẽ nhìn mọi người với tất cả những đặc trưng của chính bản thân họ thay vì cố gắng biến đổi họ thành một người nào đó. Thay vì khó chịu khi thấy anh bạn đồng nghiệp của mình làm gì cũng quá chậm, bạn có thể tự tìm hiểu xem có gì thú vị từ nét tính cách đó. Bạn sẽ thấy rằng anh là người rất cẩn thận trong mọi việc và đó chính là lợi ích trong sự chậm chạp của anh ta. Bạn sẽ rất thích thú khi mọi việc được nhìn nhận dưới một góc độ hoàn toàn khác – góc độ chỉ có thể phát hiện ra được bằng ánh mắt của sự cảm thông và lòng kiên nhẫn – khi đó con người và sự vật sẽ bộc lộ hết những mặt lợi thế và tích cực của mình!
Khả năng kiên nhẫn để cảm thông có sự liên quan mật thiết không chỉ đối với mỗi cá nhân mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới - nó là tác nhân quan trọng giúp chúng ta chung sống trong hòa bình. Lòng kiên nhẫn giúp ta sống hòa hợp với những thành viên khác trong gia đình, với những người hàng xóm có thể có những mối quan tâm khác ta, với những đồng nghiệp mà ta làm việc cùng… Kiên nhẫn mang đến cho chúng ta khả năng cảm nhận những điều kỳ diệu về cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ và giúp ta mở rộng trái tim với mọi người.
KIÊN NHẪN ĐEM ĐẾN TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC
Sự nghiệp và tình yêu là bạn của người kiên trì.
- Ovit
Tôi có một người bạn, một “chuyên gia” trong vấn đề tình yêu, hay theo cách hóm hỉnh cô ấy tự nhận về mình – là một bi kịch của sự lãng mạn! Cô rất hấp dẫn và có duyên, rất dễ dàng quyến rũ được người đàn ông cô thích, yêu mê đắm cuồng nhiệt, và sau đó bỏ rơi anh ta chỉ vì một vài lý do ngớ ngẩn như: quá trẻ, quá thấp hay hơi hiền lành,… Có lần cô còn kể với tôi rằng cô không thể cưới một anh chàng nào đó chỉ vì anh này hay vứt khăn ướt trên sàn nhà tắm!
Tôi thường xem xét vài lý do ngớ ngẩn mà cô đưa ra, và rút ra kết luận: tình yêu của cô với những người này không đủ lớn để có thể bỏ qua những khiếm khuyết của họ. Dù họ yêu cô, hay cô có yêu họ đến đâu đi chăng nữa, thì không có ai trong những người này có thể khơi gợi được lòng kiên nhẫn nơi cô.
Sự thật là về cơ bản, bạn không thể yêu mà không có lòng kiên nhẫn! Như kinh nghiệm nhiều lần của cô bạn tôi, bạn có thể có những giây phút lãng mạn ban đầu - là khoảng thời gian tuyệt vời khi cơ thể và đầu óc bạn đang tràn ngập cảm giác sung sướng, hạnh phúc và bạn nghĩ bạn có thể chấp nhận mọi thứ ở người mình yêu. Nhưng khi cảm xúc lâng lâng ban đầu ấy lắng dịu lại, và bạn, với tất cả cá tính riêng của mình, đối mặt với cá tính riêng của “người ấy”, bạn phải thực sự cố gắng cùng thay đổi để có thể hòa hợp cho một cuộc sống chung. Đó là lúc bạn cần đến lòng kiên nhẫn!
Trải qua quá trình lâu dài tạo dựng mối quan hệ với nhau, mỗi chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để có thể chấp nhận những khiếm khuyết của người khác như: anh ta hay dành nhiều thời gian cho bạn bè sau giờ làm việc; rằng cô ấy thường hay tiêu xài hoang phí; rằng anh ta chẳng bao giờ ăn mặc cho phù hợp, và đôi giày đó anh mang đã mười năm nay; rằng cô ấy thường nói chuyện điện thoại với bạn bè khi bước chân vào cửa hơn là chào đón bạn với một nụ hôn,…
Người ta cũng thích và có thể thích thực hiện việc thay đổi, làm mới mình, nhưng họ ít khi thay đổi nhiều như ta mong muốn. Bí mật để hạnh phúc trong tình yêu là thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm nhỏ thay vì buồn bực, cáu giận vì chúng. Một chút nhẫn nại bao dung – điều mà nhiều người trong chúng ta chẳng bao giờ cố thực hiện - có thể giúp bạn có đủ kiên nhẫn để nghe và tiếp tục mỉm cười khi anh ta kể câu chuyện vui mà bạn đã nghe cả trăm lần trước đó, hay đủ điềm tĩnh khi cô ấy trở về nhà sau một cuộc mua sắm hàng tá thứ linh tinh,…
Điều thú vị của tính kiên nhẫn trong tình yêu là khi chấp nhận “người ấy” với những bản chất vốn có của họ, chúng ta sẽ thực sự có thể phát triển khả năng thay đổi lẫn nhau. Đó là bởi vì khi người yêu hay người bạn đời của chúng ta kiên nhẫn, họ sẽ là bờ vai lý tưởng – một nơi trú ẩn an toàn, nơi mà mọi khiếm khuyết của chúng ta được chấp nhận, và trong sự chấp nhận ấm áp đó chúng ta thực sự cảm thấy an toàn để mạnh dạn tự thay đổi chính mình. Và như vậy, ngược lại, người yêu hay người bạn đời của chúng ta cuối cùng cũng có thể thay đổi bản thân họ như chúng ta mong đợi. Nói cách khác, lòng kiên nhẫn của chúng ta đã cho họ cơ hội để thực hiện điều đó.
Lòng kiên nhẫn cũng giúp mối quan hệ của chúng ta có cơ hội phát triển dài lâu và tốt đẹp. Một nghiên cứu trên những người trưởng thành có kết quả học tập không tốt ở trường (có nguyên nhân do thiếu kiên trì) cho thấy, trong vòng mười ba năm sau khi tốt nghiệp trung học, số lượng ly dị ở nhóm này cao hơn 50% so với bạn cùng lớp với họ. Nói cách khác, trong cuộc sống, những người không kiên nhẫn thường có khuynh hướng đầu hàng sớm hơn trước những trở ngại trong tình cảm so với những người đã rèn luyện được đức tính đó.
Như vậy, kiên nhẫn chính là sức mạnh, là chất keo gắn kết tình yêu, san bằng mọi trở ngại để tình yêu luôn nồng thắm và sống mãi với thời gian.
KIÊN NHẪN GIÚP TA TRỞ THÀNH NHỮNG CHA MẸ TỐT
Chúa Trời gửi những đứa trẻ đến cho nhân loại không đơn thuần chỉ để duy trì giống nòi, mà còn giúp con người mở rộng trái tim, để biết yêu thương và cảm thông với mọi người; giúp mỗi người có cơ hội hướng đến những mục tiêu cao hơn; phát huy mọi khả năng để mở rộng sự nghiệp cũng như những nỗ lực của bản thân.
- Mary Howitt
Một ông bố là nhà báo kể lại: “Công việc của tôi rất bận rộn nhưng tôi đều cố gắng đưa cô con gái ba tuổi của mình đến lớp mẫu giáo mỗi sớm. Có hôm, tôi trễ giờ nhưng con bé cứ cười giỡn mà không chịu mang vớ. Cuối cùng, mất bình tĩnh thật sự, tôi quát con bé: 'Thôi đi. Bố không đùa đâu. Không cười nữa!'. 'Thôi đi', con bé cũng la lại tôi, chỉ những ngón tay bé bỏng của nó về phía tôi như tôi đã làm với nó, và bắt chước y chang vẻ mặt giận dữ của tôi lúc đó. 'Con không đùa đâu. Không cười nữa!'. Ngay lúc đó tôi nhận ra rằng mình đã đi quá xa. Vẻ mặt làm ra vẻ nghiêm trọng của con bé trông ngộ nghĩnh đến nỗi làm tôi bật cười”.
Có gì dễ thương hơn trẻ con! Chúng nũng nịu với bạn, ôm hôn và làm mọi cách để bạn vui lòng. Chỉ cần ở bên chúng là bạn đã cảm thấy sung sướng và hạnh phúc. Thế nhưng cũng không gì khiến ta bực bội hơn lũ trẻ! Chúng làm đổ nước nho ra tấm thảm mới tinh, hỏi đi hỏi lại mấy chục lần chỉ với một câu hỏi, biến những việc làm thông thường hàng ngày như đánh răng trở thành một cuộc chiến thật sự,… Chỉ cần vài phút như vậy cũng đủ làm bạn điên đầu!
Các bậc cha mẹ đều biết rằng nuôi dạy con cái đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng. Chúng ta phải vừa là thầy giáo, vừa là huấn luyện viên, vừa là bạn của bọn trẻ… Ta phải biết chấp hành kỷ luật và biết khi nào dùng vai trò gì cho thích hợp. Hơn nữa, chúng ta phải quyết định nhanh chóng và chính xác để có thể kịp thời xử lý hàng ngàn tình huống dở khóc dở cười khác nhau.
Sống trong thời đại mọi người đều có hiểu biết về tâm lý học thì chúng ta phải chú ý nhiều hơn về cách hành xử vì chúng ta được hiểu biết nhiều hơn về những tổn hại mà ta có thể gây ra. Sau cả trăm năm nghiên cứu về sự phát triển của cảm xúc, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, chúng ta - những người làm cha làm mẹ sẽ đóng vai trò quyết định, ở một mức độ nào đó, đến sự thành đạt của con cái chúng ta trong tình yêu và sự nghiệp của chúng sau này.
Một trong những đồng minh quan trọng hỗ trợ chúng ta trong quá trình làm cha mẹ là lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn giúp chúng ta tiếp tục dỗ dành đứa con đã khóc hàng giờ, tiếp tục đọc một quyển sách đến lần thứ một trăm, bình tĩnh nói chuyện với con cái khi chúng trở về nhà với mái tóc đỏ tía sau khi đi chơi cả đêm,…
Chúng ta biết rằng việc thử nghiệm chỉ thích hợp trong một phạm vi nhất định. Sự phát triển tự nhiên của một đứa trẻ được thể hiện khi cha mẹ và con cái cùng sống và cùng tham gia vào cuộc thử nghiệm: đứa trẻ luôn luôn muốn thử xem chúng có thể đi tới đâu – nói cách khác đâu là giới hạn của chúng; còn cha mẹ thì thiết lập một vòng bảo vệ an toàn và dần dần mở rộng nó ra theo từng giai đoạn phát triển của đứa trẻ.
Đó là lý do vì sao kiên nhẫn là những khoảng dừng, những bước đệm cần thiết và đặc biệt quan trọng để chúng ta lấy lại tinh thần. Nó giúp chúng ta chấm dứt cuộc đấu tranh giữa việc giành lấy độc lập và an toàn cho đứa trẻ với việc đánh giá xem phản ứng tốt nhất nên có là gì. Khoảng dừng đó đồng thời còn giúp ta suy nghĩ trước khi hành động, và quyết định điều gì là quan trọng nhất.
Nuôi dạy con cái đòi hỏi chúng ta phải hết sức kiên nhẫn. Theo một nghiên cứu vào năm 1999 của Ellen Galinsky về cân bằng cuộc sống, điều hầu hết trẻ em mong muốn cha mẹ chúng thay đổi là khi đi làm về họ nên bớt căng thẳng, bực bội.
Cho dù cố gắng bao nhiêu đi nữa thì chúng ta cũng không thể là những người cha, người mẹ hoàn hảo. Nhưng ta hoàn toàn chấp nhận được điều này - vì tất cả những gì mà chúng ta thực sự cần là trở thành người “vừa đủ tốt”. Kiên nhẫn giúp chúng ta có thể “vừa đủ tốt”- vừa đủ tốt để cho lòng tốt, tình yêu, sự sáng suốt luôn đi cùng chúng ta, giúp chúng ta có khả năng nhìn nhận, phán xét mọi việc một cách sắc sảo và đúng đắn.
KIÊN NHẪN DẠY TA LỢI ÍCH CỦA VIỆC BIẾT CHẤP NHẬN
Kiên nhẫn là một trong những thuộc tính của phái nữ, thuộc tính này vốn có nguồn gốc từ sự bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên chúng ta vẫn nên duy trì tính kiên nhẫn ngay cả khi chúng ta đã được giải phóng khỏi sự bất công.
- Simone de Beauvoir
Hai năm trước thật sự là một thời kỳ cực kỳ khó khăn đối với Mary Beth. Tờ tạp chí mà cô sáng lập bị phá sản cách đó một năm, hôn nhân tan vỡ. Ở tuổi bốn mươi ba, trong khi đang cố gắng hết sức tìm mọi cách để đưa cuộc sống của mình trở về trạng thái cân bằng thì tin bị sa thải thật sự đã giáng một đòn chí mạng xuống Mary.
“Tôi thất nghiệp, ba đứa con đang đi học, và một món vay phải trả. Tôi mất cả tháng trời cuống cuồng gửi đơn xin việc đi khắp nơi, gọi cho bạn học cũ, lùng sục tất cả các quảng cáo để tìm việc. Không có kết quả gì! Càng cố gắng tìm kiếm, càng vô vọng.” – Mary hồi tưởng.
“Sau đó, vào một buổi sáng tháng chín, tôi chợt dừng lại. Tôi thức dậy, cầm ly cà phê đi ra vườn, và cầu nguyện: 'Lạy Chúa, con đã làm tất cả. Mọi việc giờ đây ở trong tay Chúa, bất cứ điều gì cũng đều có ý nghĩa đối với con!'. Và tôi quyết định tất cả những gì mà tôi phải làm bây giờ là chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra. Tôi viết truyện và gửi đến các nhà xuất bản. Vẫn không có gì xảy ra! Hàng tháng trời liền, sau khi đón con từ trường về là tôi đi ra vườn, cầu nguyện hàng giờ đồng hồ và chờ đợi. Tôi đã chờ một thời gian dài, từ lúc bí ngô được thu hoạch xong đến khi cây phong lữ đỏ ra những bông hoa cuối cùng vào tháng mười hai, cho tới khi cả khu vườn trở nên cằn cỗi. Tôi vẫn chờ đợi và cầu nguyện. Và vẫn tiếp tục viết!
Cuối cùng vào khoảng tháng một thì một cơ hội việc làm như mơ cũng mỉm cười với tôi. Mùa xuân năm đó, tất cả những truyện mà tôi viết hồi mùa thu trước đều được đăng, và những tấm séc chuyển tiền lại được gửi đến hộp thư của tôi.” – Cô kết thúc câu chuyện đời mình bằng một nụ cười rạng rỡ.
Khi tôi bắt đầu rèn tính kiên nhẫn, tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi những lúc yếu lòng tưởng chừng như không thể tiếp tục kiên nhẫn được nữa. Không giống như lòng tốt, lòng biết ơn hay sự khoan dung – vốn liên quan tới những việc làm cụ thể - kiên nhẫn là một đức tính liên quan tới những điều mà bạn không làm. Nó là khả năng kiềm chế khi bạn đang muốn vứt bỏ tất cả, kiên nhẫn chịu đựng khó khăn, và chờ đợi những điều tốt đẹp hơn sẽ đến thay vì tìm mọi cách để buộc sự việc xảy ra theo ý mình.
Khi tôi suy nghĩ sâu hơn về những sự việc đã xảy ra, tôi bắt đầu nhận thấy quan điểm từ trước đến giờ của tôi là sự phản ánh của văn hóa tôn sùng hành động hơn tất cả. Lúc nào tôi cũng có xu hướng thích hành động như hầu hết những người Mỹ khác thích chinh phục các ngọn núi, chi phối thị trường, kiếm tiền càng nhanh càng tốt, leo lên đỉnh nấc thang danh vọng,... Tất cả đều hướng tới hành động và sự năng động của cơ bắp!
Văn hóa phương Tây có khuynh hướng không đánh giá cao những gì có vẻ như là chấp nhận, cho đó là những hành động thiên về nữ tính: chờ đợi ở ý trời; tin vào trực giác; mong chờ những khoảnh khắc thích hợp; muốn hiểu thấu sự thật rồi mới hành động… Như Simone de Beauvoir đã chỉ ra, kiên nhẫn là những phản hồi mang tính chất tiếp thu!
Tuyệt đối không có gì sai đối với sự năng động - chúng ta cần nó để tạo nên một cuộc sống tiện nghi hơn. Nhưng chúng ta lại thường rơi vào tình trạng mất cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích toàn xã hội, bởi vì chúng ta có khuynh hướng một chiều: chỉ đánh giá cao những hành vi năng động. Chúng ta không coi trọng và thường đánh giá thấp sự chấp nhận. Ta hay quên là bằng cách biết chấp nhận, chúng ta có điều kiện để nghỉ ngơi và suy ngẫm, xét đoán nên phản ứng sao cho thích đáng, hoặc đơn giản là đợi thời cơ thích hợp. Chúng ta vẫn nghĩ rằng, chấp nhận sự việc có nghĩa là “không làm” gì cả. Đó quả thực là một sai lầm!
Chấp nhận và kiên trì chờ đợi là một công việc nghiêm túc thực sự! Nó giúp chúng ta biết chấp nhận thực tế, nỗ lực theo đuổi mục tiêu và sẵn sàng chờ đợi cho dù phải mất bao lâu đi nữa mà vẫn không giận dữ, đau khổ hay phiền muộn. Bề ngoài có vẻ như chúng ta không làm gì cả. Nhưng sâu thẳm bên trong chúng ta thực sự đang gánh vác một trách nhiệm nặng nề. Theo triết học phương Đông, Lão Tử gọi điều này là vô vi - nghĩa là “hành động không hoạt động”- cũng có thể dịch là “im lặng ngồi đó không làm gì cả”. Với Trung Hoa cổ đại thì vô vi được coi là thành quả cao nhất mà con người có thể đạt được.
Câu chuyện của Mary Beth là một minh chứng cho quan điểm đôi khi việc nhìn bề ngoài không nỗ lực nhưng sẽ mang đến cho chúng ta những gì ta mong muốn. Lúc đó, tất cả những gì chúng ta có thể làm là ngừng lại và kiên nhẫn chờ đợi tương lai đâm chồi nảy lộc. Đó là tất cả những gì mà quan điểm về việc chấp nhận muốn nói đến.
Không phải lúc nào mọi việc cũng đều có thể được giải quyết bằng ý chí của bản thân, đôi khi tất cả những gì ta cần là một chút khả năng chờ đợi!
KIÊN NHẪN - NỀN TẢNG CỦA LỄ ĐỘ
Phải kiên nhẫn hơn nữa.
- Lama Surya Das
Cách đây vài năm, một người bạn của tôi vinh hạnh trở thành thị trưởng của thành phố có hai mươi lăm ngàn dân. Tôi được mời đến dự buổi tuyên thệ nhậm chức của cô ấy, được tổ chức vào cuối buổi họp thường kỳ của Hội đồng thành phố. Tôi đến sớm, ngồi nghe suốt cuộc họp và ngay lập tức cảm thấy rất khâm phục. Những viên chức thành phố quả thật rất kiên nhẫn khi mà họ cứ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề lặp đi lặp lại: cố gắng giải quyết những nhu cầu cấp thiết với nguồn ngân sách nhỏ nhoi, chịu sức ép từ tất cả các nhóm quyền lợi khác nhau luôn cố biện hộ cho hoàn cảnh của họ… Tôi có thể thấy rằng, trong một cuộc họp như thế này, các vấn đề được đưa ra thảo luận đều được xới đi xới lại rất nhiều lần, nhưng mọi người vẫn luôn nhìn nhận nó bằng sự tôn trọng.
Tôi rất khâm phục tính kiên nhẫn của các viên chức khi thực thi những quy trình rắc rối của chính quyền cũng như rất ngưỡng mộ những nhà hoạt động xã hội đầy nhiệt huyết - những người đã không ngừng theo đuổi mục tiêu họ tin tưởng. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ đến những người đã kiên nhẫn làm việc để giữ cho xã hội của chúng ta gắn kết với nhau - tất cả những người làm việc tình nguyện, không lấy một xu thù lao; cảnh sát, lính cứu hỏa; những người làm việc vì hòa bình trên toàn thế giới,…
Tôi muốn so sánh những công dân đó với những người trong một vụ bạo hành nghiêm trọng làm xôn xao dư luận Mỹ gần đây: Sau khi một chiếc xe tải lạc tay lái làm bị thương ba người khách bộ hành, thì bảy người đàn ông đã lôi lái xe và hành khách ra khỏi xe rồi đánh họ tới chết. Việc này xảy ra ở một khu trung lưu của thành phố Chicago; những người đàn ông bị buộc tội giết người có độ tuổi từ mười sáu đến bốn mươi bảy.
Tôi không muốn bàn thêm về những điều khủng khiếp đã xảy ra mà muốn nhấn mạnh tính bất thường của nó và làm sao để những chuyện như thế này sẽ không xảy ra nữa. Nếu nhìn nhận sự việc dưới lăng kính của lòng kiên nhẫn, những người đàn ông đó đã không thể chờ đợi đến khi công lý được thực thi để xử lý người tài xế sáu mươi hai tuổi đã uống say, và thay vì nắm lẽ phải trong tay để đòi công lý cho những người bị nạn thì họ lại trở thành kẻ phạm tội chỉ vì tính nóng nảy, nông nổi, bốc đồng. Câu chuyện thu hút sự chú ý của công luận vì tính chất bất thường của nó, vì hầu hết chúng ta, kể cả những người bị hại, đều thường biết cách chờ đợi sự việc được xử lý theo đúng quy trình và thủ tục.
Thực vậy, chỉ khi đa số chúng ta có ý thức kiên nhẫn thì xã hội mới được vận hành trôi chảy: giao thông không tắc nghẽn khi mọi người biết đợi đèn xanh để tiếp tục đi thay vì vượt đèn đỏ, bình tĩnh chờ đợi soát vé để bước vào xem một trận bóng đá hay một buổi biểu diễn thay vì chen lấn giẫm đạp lên nhau, kiên nhẫn chờ đợi chính quyền giải quyết các vấn đề trong khả năng tốt nhất mà họ có thể thay vì âm mưu lật đổ,…
Tùy vào mức độ kiên nhẫn của chúng ta mà xã hội loài người được gắn kết với nhau, để hàng tỷ người trên hành tinh này sống và làm việc một cách có trật tự và theo luật pháp. Khi chúng ta thiếu kiên nhẫn - cho dù đó là trong trường hợp bị lừa đảo hay bị kẹt xe trên xa lộ – thì đó là lúc tình trạng mất trật tự bùng nổ!
Kiên nhẫn không phải là một điểm tốt nhỏ bé của con người, mà nó là nền tảng thiết yếu của sự giao tế và lễ độ, cũng như tính tuân thủ luật pháp và trật tự xã hội. Không kiên nhẫn, con người không thể cùng chung sống và xã hội trở nên rối loạn. Bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta xây dựng hòa bình giữa con người và giữa các quốc gia với nhau!
KIÊN NHẪN GIÚP PHÁT TRIỂN TÂM HỒN
Nếu thế giới chỉ toàn niềm vui thì chúng ta chẳng bao giờ học được tính can đảm và lòng kiên nhẫn.
- Helen Keller
Trong tác phẩm Kitchen Table Wisdom, Rachel Naomi Remen kể câu chuyện về một thiếu niên đang đấu tranh với căn bệnh tiểu đường. Cậu là người rất hay cáu kỉnh. Cậu thường bỏ ăn và không uống thuốc theo chỉ định. Vào một ngày kia, cậu mỉm cười bước vào văn phòng của Rachel và kể cho cô nghe về giấc mơ kỳ lạ của cậu: “Trong giấc mơ tôi nhìn thấy một bức tượng Đức Phật còn trẻ. Chỉ cần nhìn thấy bức tượng là tôi đã cảm thấy một cảm giác rất thanh bình. Rồi từ phía sau tôi, một con dao găm trong không trung bay đến và đâm thẳng vào tim Đức Phật. Tôi thật sự kinh ngạc và hoảng sợ. Nhưng khi tôi còn chưa hết bàng hoàng thì Đức Phật bắt đầu lớn lên. Ngài lớn dần, lớn dần lên đến khi trở thành khổng lồ. Con dao vẫn còn đó nhưng nếu so với Đức Phật bây giờ, nó chỉ nhỏ như cây tăm”.
Tôi có hai người bạn bị mắc căn bệnh ung thư vú, nhưng có một điều ngạc nhiên là thay vì đau khổ, họ lại cho rằng căn bệnh là điều tuyệt vời nhất đã xảy ra với họ. Một người nói rằng việc chồng cô bỏ rơi cô thế mà lại hóa hay; người kia thì bảo việc cô ấy bị mất việc là một món quà tuyệt vời nhất. Tất cả họ điên hết rồi sao? Không, họ là những người bình thường, và cũng giống như chàng trai trẻ mơ mộng kia, họ nhận ra bản chất của những thử thách mà họ phải đối mặt như khó khăn, đau đớn, kiệt sức,… là những cơ hội hữu ích giúp họ trưởng thành và có được sự thức tỉnh rõ ràng. Kahlil Gibran viết: “Khi tôi gieo trồng nỗi đau của mình trên cánh đồng kiên nhẫn, nó sẽ sinh ra trái hạnh phúc”.
Lance Armstrong - nhà vô địch đua xe đạp lừng danh thế giới, người đã thoát khỏi căn bệnh ung thư một cách kỳ diệu - phát biểu về vấn đề này như sau: “Sự thật là căn bệnh ung thư là một điều tuyệt vời đối với tôi… Khi bị ốm, tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp và niềm vui thực sự trong từng ngày trôi qua, điều mà tôi chưa bao giờ thấy được trong mỗi cuộc đua xe đạp… Có một điều mà bệnh tật đã thuyết phục được tôi sau tất cả mọi nghi ngờ, hơn cả những trải nghiệm mà tôi có được khi là một vận động viên, đó là chúng ta mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chúng ta chưa nhận ra những khả năng tiềm ẩn trong ta vì những tiềm năng đó chỉ xuất hiện trong lúc khó khăn nhất”.
Không ai trong chúng ta lại muốn trải qua nỗi đau thể xác hay tinh thần. Nhưng khi phải đối mặt với thử thách – những điều mà gần như bất cứ ai cũng sẽ phải trải qua, vì mỗi cuộc đời đều có những nỗi niềm đau khổ riêng - chúng ta sẽ có hai lựa chọn: hoặc than vãn, nguyền rủa những gì đang xảy ra; hoặc là trải nghiệm cảm giác đau khổ, sợ hãi và giận dữ, sau đó sử dụng lòng kiên nhẫn để những thử thách đó phát triển tâm hồn mình.
Norman Vincent Peale đề cập tới vấn đề này như sau: “Khi có chuyện xảy ra, chúng ta thường đặt ra những câu hỏi không thể giải quyết được vấn đề như: “Tại sao việc này lại xảy ra với tôi?”. Trong khi đó, những câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là: “Tôi có thể học được gì từ điều này? Tôi có thể làm gì để giải quyết việc này đây? Tôi có thể làm được những gì, bất chấp việc này?”…
Khi chúng ta phải đối mặt với những chuyện làm ta thất vọng và đau khổ, hãy nghĩ rằng chúng ta đang có cơ hội để tự nâng mình lên một cấp độ cao hơn, để khám phá ra những khả năng tiềm ẩn bên trong mà cuộc sống êm đềm thường ngày không cho chúng ta cơ hội để phát hiện. Một cuộc nghiên cứu mà tôi cùng cộng tác thực hiện với đồng nghiệp Dawna Markova, tác giả của quyển I Will Not Die an Unlived Life, đã hướng mọi người tới sự thức tỉnh cá nhân trong những bài học kinh nghiệm trải qua từ những khó khăn của cuộc sống. Những người tham gia được yêu cầu nghĩ về những khả năng mà họ tin rằng có thể giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn, thử thách nhất. Chúng tôi đã thực hiện việc nghiên cứu với hàng trăm người tình nguyện, và mỗi người đều có thể nhận ra ít nhất là một khả năng nội tại mà họ đã sử dụng để chiến thắng những tình huống khó khăn đã trải qua.
Giống như cầu vồng chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, bạn chỉ có được một tâm hồn đẹp khi vượt qua được những tình huống thử thách đòi hỏi lòng kiên nhẫn. Ngay bây giờ, hãy suy ngẫm xem những khả năng nội tại đó của bạn là gì. (Đối với tôi, đó là khả năng thấu hiểu, cảm thông những suy nghĩ của người khác và niềm tin về lòng tốt căn bản của con người.) Những khả năng đó sẽ tồn tại trong suốt phần đời còn lại của bạn. Và khi có một thử thách mới đến để kiểm tra sự kiên nhẫn của bạn, hãy tự tin là bạn sẽ dễ dàng chịu đựng và vượt qua tình huống khó khăn đó!