Khám phá vĩ đại nhất của thời đại chúng ta chính là việc con người có thể thay đổi số phận của mình chính bằng cách thay đổi nhận thức.
- William James
Hầu như chúng ta ai cũng có những quan điểm và thái độ ứng xử riêng trước cuộc sống. Một số quan điểm đã ăn sâu vào tiềm thức và tác động đến hành động của chúng ta như một phản xạ. Nếu đó là những quan điểm nuôi dưỡng tính kiên nhẫn, ta sẽ có khuynh hướng khoan dung, vui vẻ chấp nhận và cảm thấy thanh thản đón nhận những thử thách của cuộc đời. Nếu đó là những quan điểm tiêu cực, nóng vội, dễ đánh mất lòng kiên nhẫn, ta sẽ rất khó mở lòng để đối mặt và chiến thắng thử thách.
Nhưng may mắn là chúng ta không bị “đóng khung” mãi mãi trong quan điểm của mình. Sylvia Boorstein đã nói: “Chúng ta hoàn toàn được tự do lựa chọn thái độ của mình đối với cuộc sống”. Vì vậy, tại sao ta cứ mù quáng để cho thói quen của mình định đoạt mọi việc mà không suy nghĩ và lựa chọn một thái độ hành xử thích hợp? Có thể chúng ta sẽ gặp phải những giới hạn nhất định, bởi vì những quan điểm hướng chúng ta đến sự lựa chọn đó thường đã hằn sâu trong tâm thức, rất khó thay đổi. Nhưng nếu nhận ra là mình cần thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu lại, và hãy tự nhủ rằng còn có những lựa chọn tốt hơn. Sau cùng, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc rằng Yvonne Rand đã nhắc nhở chúng ta: “Chỉ cần có ý định nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn là chúng ta đã đi được nửa đoạn đường dẫn đến thành công”.
KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI
Người không chịu học hỏi luôn lặp lại những sai lầm. Người chịu học luôn tích lũy kinh nghiệm sau những thất bại xảy đến. Vấn đề ở đây không phải liệu bạn thành công hay thất bại, mà là liệu bạn có chịu học hỏi hay không.
- Benjamin Barber
Cứ mỗi lần tự nhủ mình phải kiên nhẫn, kiên nhẫn hơn nữa nhưng không thực hiện được, tôi lại có cảm giác rất tệ hại. Và điều tồi tệ hơn là cảm giác đó thường xuyên diễn ra. Tôi làm đủ mọi cách, thậm chí nguyền rủa và cố ép mình vượt qua tính thiếu kiên nhẫn đó, thề rằng sẽ không để mất kiên nhẫn lần nữa… Nhưng khi một việc tương tự xảy ra, tôi lại để cho mình mất tự chủ, lại thấy giận dữ, lại thề và sự việc tiếp tục đi vào bế tắc. Chính tôi đã phá tan đi mọi thứ tốt đẹp mà mình đã cố công xây dựng.
Có thể suốt cuộc đời, tôi vẫn cứ tiếp tục bế tắc trong cái vòng lẩn quẩn do chính mình tạo ra đó, cho tới khi phải hoàn toàn tuyệt vọng và tin rằng mình không có một chút kiên nhẫn nào. Tuy nhiên, may mắn thay, tôi đã được học nhiều điều từ sách vở và những lời khuyên của bạn bè. Và hầu hết những lời khuyên đó đều quy về một ý: chỉ có sự nhận thức khách quan về những việc chúng ta làm mà không bị chi phối bởi bất kỳ cảm tính chủ quan nào mới tạo nên những thay đổi thực sự. Sự nhận thức cho phép chúng ta học hỏi được nhiều điều. Nói khác hơn, để trau dồi kiên nhẫn, cách tốt nhất là tự xem mình như những học viên đang thực tập tính kiên nhẫn, và mỗi một biến cố xảy ra do thiếu kiên nhẫn là một cơ hội để rèn luyện tốt hơn.
Bạn có thể bắt gặp mình trong bất kỳ tình huống nào sau đây: tranh cãi với đồng nghiệp, cáu kỉnh với con cái, khó chịu với những người thân khi họ gọi điện thoại đến, bóp còi một cách tuyệt vọng khi có một chiếc xe cản ngay trước xe của mình, hoặc la lối, làm lớn chuyện chỉ vì một chiếc vớ vứt bừa bãi trên sàn,…
Vấn đề không phải chúng ta có giữ được bình tĩnh hay không, mà là thái độ của chúng ta đối với bản thân như thế nào khi rơi vào tình huống mất bình tĩnh. Chúng ta có tự nguyền rủa vì mình đã không hoàn hảo hay đã cư xử quá vụng về không? Hay vui vẻ thừa nhận dù sao chúng ta cũng chỉ là những học viên đang trong quá trình rèn luyện, và tự hỏi xem mình học được điều gì từ thất bại đó?
Tính kiên nhẫn chỉ được nâng cao khi ta nhận thức được tại sao chúng ta lại để cho một điều gì đó điều khiển khả năng kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình mà không phải là chính chúng ta. Thường thì chúng ta dùng khả năng tự kiểm soát để cố gắng hoàn thiện mình, nên khi gặp phải những thất bại không tránh khỏi, ta thường tự than trách tại sao không kiểm soát được mình mà không chịu suy nghĩ ta đã học hỏi được gì từ thất bại đó. Và khi có những tình huống tương tự xảy ra, ta lại hành xử như cũ.
Tuy nhiên, khi tự xem mình là những người đang học hỏi, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận có những tình huống khó khăn mà mình không thể vượt qua, và như vậy, ta sẽ có kiên nhẫn, động lực để tìm hiểu xem đó là gì. Bằng thái độ vui vẻ chấp nhận, chúng ta mở ra cho chính mình cơ hội vượt qua những thử thách mới trong tương lai.
Lần sau nếu bạn thấy mình đang trong tình trạng mất kiểm soát, hãy cố bình tĩnh và tự hỏi: Điều gì đang gây khó khăn cho tôi? Không nên tự trách mình: Sao tôi tệ vậy! Sau đây là một vài nguyên nhân lý giải về sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta: Khi chúng ta mất bình tĩnh với một ai đó, có thể do anh ta hoặc cô ta đã làm một việc mà nếu đặt mình vào vị trí ấy, chúng ta sẽ không cho phép mình làm như vậy. Hoặc có thể ta bắt gặp hình ảnh một ai khác có nét tính cách nào đó của chính ta mà ta không thừa nhận. Trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là tâm lý phản hồi. Chúng ta thường mất bình tĩnh với những người mang một nét tính cách nào đó mà ta, hoặc đã chối bỏ, hoặc không thể có được.
Trước kia, tôi hay bực bội và cãi nhau với chồng tôi về vấn đề tiền bạc. Tôi cho rằng anh ấy vô tâm đối với cuộc sống kinh tế của gia đình. Nhưng khi nhìn nhận điều này theo quan điểm tâm lý phản hồi, những gì mà tôi nhận thấy chỉ là tôi đang lo lắng về vấn đề tiền bạc và cho rằng Don cũng nên lo lắng như vậy. Vì thế tôi đã kết tội anh ấy thiếu trách nhiệm, trong khi thực tế anh ấy là người rất có trách nhiệm. Điều gì khiến tôi giận dữ khi thấy sự bình tâm về vấn đề tiền bạc nơi Don? Đó là vì tôi cũng thực sự mong muốn có cảm giác yên tâm về chuyện tiền bạc. Tôi giận dữ vì anh ấy có được sự bình tâm ấy, còn tôi thì không! Nhận thức được điều này không có nghĩa là tôi sẽ chẳng bao giờ mất bình tĩnh khi gặp vấn đề tiền bạc nữa, mà là tôi sẽ ít bị rơi vào tình huống đó hơn vì tôi đã hiểu nguyên nhân khiến mình mất bình tĩnh.
Có một sự khác biệt lớn giữa cảm giác thất bại và cảm giác bạn đang trong quá trình học hỏi. Một đằng dẫn bạn đến chỗ bế tắc và tuyệt vọng, đằng kia đem đến khả năng thành công và giúp bạn phát triển. Khi mất kiên nhẫn, hãy cố gắng xem đó là cơ hội để bạn khám phá bản thân mình. Hãy tự hỏi: tại sao điều này lại quá khó đối với tôi? Bạn sẽ ngạc nhiên về những lợi ích tích cực mà thái độ đó mang lại!
KIÊN NHẪN - MỘT QUYẾT ĐỊNH THẬT SỰ
Nếu chúng ta có thể yêu thương nhau chân thành, tôi tin chắc rằng cuối cùng tình yêu chân chính và lòng trắc ẩn sẽ chiến thắng.
- Aung San Suu Kyi
Bà Aung San Suu Kyi (theo tiếng Myanmar, có nghĩa là “một bộ sưu tập sáng giá của những kỳ tích”) là biểu tượng quốc tế cho chủ trương đấu tranh không bạo động chống áp bức. Bà là nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ ở Myanmar, là người đã thắng trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng lại không được cầm quyền. Bà cũng là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì chủ trương “đấu tranh không bạo động vì dân chủ và nhân quyền” - một cuộc đấu tranh mà Ủy ban xét duyệt trao giải gọi là “một trong những điển hình phi thường của chủ nghĩa anh hùng ở châu Á trong những thập niên gần đây”.
Với tôi, Aung San Suu Kyi là một biểu tượng của lòng kiên nhẫn. Trong suốt mười lăm năm, bà bị quản thúc tại gia ở Rangoon. Hơn mười năm, bà không được gặp con; thậm chí khi chồng mất ở nước ngoài năm 1999, bà cũng không được gặp mặt lần cuối. Lý do là vì chính phủ Myanmar từ chối cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho ông, còn bà lại không dám ra nước ngoài vì sợ nếu đi, bà sẽ không được phép trở về. Khi quân đội Myanmar đàn áp những người đấu tranh ôn hòa tại một cuộc mít-tinh lớn, khiến cho số người thiệt mạng còn nhiều hơn số người chết trong sự kiện Quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc, và khi quân đội tra tấn, giết hại hay tống giam hàng ngàn người đi theo bà, bà vẫn kêu gọi mạnh mẽ cho nền dân chủ, nhưng không hề kêu gọi hận thù. Mới đây, bà đã nói về những kẻ đã bắt giam bà như sau: “Chúng tôi tin tưởng vào việc ngồi lại nói chuyện với nhau, kể cả với những người không cùng quan điểm. Thực ra, việc đàm phán với những người không cùng quan điểm rất quan trọng, bởi vì thực sự chúng ta cần cố gắng để hiểu biết lẫn nhau”.
Tôi tự hỏi, không biết điều gì đã giúp bà giữ được thái độ kiên nhẫn phi thường như vậy? Bà đã có một cuộc đời đầy biến động, một cuộc sống nội tâm sâu sắc và nhất là một tinh thần thép kiên trì chịu đựng trong suốt thời gian bị giam giữ. Trong quyển Letters from Burma (Những lá thư từ Myanmar), bà đã thể hiện một ý tưởng quan trọng: bà cho rằng kiên nhẫn là thái độ mà một khi chúng ta đã quyết định chọn để đấu tranh, thì không phải chỉ thực hiện một lần mà phải liên tục từ ngày này sang ngày khác. Khi nhà bà bị niêm phong hay tháo bỏ niêm phong, khi quân đội được huy động phong tỏa bên ngoài nhà bà hay Chính phủ nhượng bộ ban hành những giới hạn mới, bà (và những người ủng hộ bà) vẫn giữ một quyết định dứt khoát là tiếp tục kiên nhẫn theo đuổi cuộc đấu tranh. Bà viết trong một lá thư: “Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình”. Trong một lá thư khác, bà viết: “ Mọi việc rồi sẽ ổn, chúng ta cầu nguyện và lại tiếp tục đấu tranh”. Trong một lá thư khác nữa, bà viết: “Chúng ta tiến về phía trước, từng bước từng bước một, và sẽ tiếp tục tiến về phía trước”. Thư tiếp nối thư, quan điểm kiên định của Aung San Suu Kyi trở nên rõ rệt: Bất cứ khó khăn nào xuất hiện trên đường đi của bà, bà đều thừa nhận sự hiện diện của nó và sau đó vẫn kiên định tiến về phía trước.
Kiên nhẫn không phải là thứ mà ta có hay không có. Đó là một quyết định mà ta phải chọn lựa, lúc nào cũng vậy! Và khi hiểu được kiên nhẫn là sự kiên định của bản thân, ta sẽ càng có tâm lý thoải mái để thực hiện. Một quyết định kiên nhẫn giảm cân sẽ dễ thực hiện hơn việc đặt ra chỉ tiêu rõ rệt “giảm 50 pound (22,7kg) trong một tháng” (như trên một quảng cáo mà tôi thấy gần đây)! Chúng ta tiến về phía trước một cách vững vàng để đạt được mục tiêu cuối cùng và tăng khả năng nắm chắc thành công. Chúng ta chọn cách kiên nhẫn để đi đến một kết quả kỳ diệu, như cách mà một người bạn của tôi đã làm: sau thời gian hai năm kiên nhẫn điều trị để có con, cô ấy đã có một em bé tuyệt vời!
Khi xem kiên nhẫn là một quyết định, chúng ta nên hiểu rằng, chúng ta sẽ đối mặt với việc phải quyết định hết việc này đến việc khác. Mỗi lần như vậy, chúng ta quyết định sẽ phải kiên nhẫn – kiên nhẫn với người sếp luôn khó chịu, với những người anh em hay tranh chấp, hay với những người hàng xóm luôn gây chuyện,…
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có quyền tự do lựa chọn cho mình sự bình yên. Hàng ngày, hàng giờ quyền quyết định luôn ở chính chúng ta!
ĐIỀU KHÓ KHĂN RỒI SẼ QUA
Lâu không có nghĩa là mãi mãi.
- Châm ngôn Đức
Khyentse Norbu là một vị tăng trẻ ở Tây Tạng vào lúc đạo diễn nổi tiếng thế giới Bernardo Bertolucci đến Ấn Độ để làm bộ phim Little Buddha nói về cuộc đời của Thái tử Siddhartha, người sau này đã trở thành Đức Phật Thích Ca. Khyentse Norbu được đoàn làm phim phát hiện, và chỉ năm năm sau, bộ phim do chính ông thực hiện - The Cup - nói về nỗi ám ảnh của một nhóm các vị sư trẻ về chức vô địch bóng đá thế giới - được trình chiếu và chào đón nồng nhiệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Khyentse Norbu đã trở nên nổi tiếng.
Tôi có đọc một bài phỏng vấn Khyentse Norbu ngay sau sự kiện đã làm thay đổi cả cuộc đời ông. Trong bài phỏng vấn, ông nói về “Khái niệm tạm thời” của Phật giáo mà theo đó thì mọi vật đều thay đổi và không có gì tồn tại vĩnh hằng.
Ông cho rằng những người không phải là tín đồ Phật giáo thì thường nghĩ “Khái niệm tạm thời” chỉ là một liều thuốc giảm đau vì nó chú trọng đến việc an ủi sự mất mát. Tuy nhiên, ông còn xem đó là một tư tưởng tích cực ở một khía cạnh khác. Ông nói đùa rằng: “Nếu không có 'Khái niệm tạm thời', tôi sẽ phải thất vọng khi đối diện với một sự thật phũ phàng là tôi không có một chiếc xe BMW nào hết. Nhưng nếu tin vào 'Khái niệm tạm thời', tôi có thể hy vọng là tình trạng không có chiếc xe BMW của mình sẽ thay đổi bất kỳ lúc nào!”.
Tôi đã bật cười khi đọc tới đó, nhưng quả thực câu nói ấy đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Trong quá trình luyện tập tính kiên nhẫn, câu nói của ông nhắc chúng ta nhớ rằng mọi vật luôn vận động, biến đổi, và vì thế nó giúp ta chủ động vượt qua những tình huống khó khăn. Thậm chí ngay cả khi những chuyển biến của tình huống không diễn ra nhanh hay theo hướng ta mong đợi, chúng ta vẫn còn hy vọng là điều đó rồi cũng sẽ được thay đổi.
Khi thiếu kiên nhẫn, chúng ta có khuynh hướng mất lòng tin vào tương lai vì những tình huống hiện tại. Ví dụ ta thường khẳng định một việc nào đó là như vậy và nó sẽ như thế mãi mãi: Tôi sẽ mãi mãi phải làm công việc thay tã này; tôi sẽ mãi mãi cô đơn; tôi sẽ phải nằm liệt giường đến hết đời;… Chúng ta đừng nên có những suy nghĩ bi quan như vậy. Nếu chúng ta ở trong tình huống không may, dù lớn hay nhỏ, hãy suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Điều đó không những tốt cho bản thân ta mà còn làm cho mọi người xung quanh ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Còn với bản thân, chúng ta hãy cố gắng kiên nhẫn, rồi đến một lúc nào đó nỗi tuyệt vọng sẽ qua đi.
Khi ý thức được rằng mọi vật luôn luôn vận động và biến đổi, chúng ta sẽ giữ được sự thoải mái cho chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao tôi đã cười khi hiểu được ý nghĩa của câu châm ngôn Đức nói trên: lâu không có nghĩa là mãi mãi, nó chỉ làm ta có cảm giác như vậy thôi!
Dĩ nhiên, không chỉ có những tín đồ Phật giáo và người Đức mới ý thức được điều này. Đức Chúa Jesus cũng từng nói: “Điều này rồi cũng sẽ qua”. Sự thật, quan điểm này là một phát hiện vĩ đại đã được chứng minh qua thời gian vì nó đã mang đến cho chúng ta sức mạnh và niềm hy vọng. Hãy cùng với sự kiên nhẫn đi đến mục tiêu cuối cùng, cho dù có phải đối mặt với khó khăn, thử thách nào đi nữa!
CON ỐC CŨNG QUAN TRỌNG NHƯ CỖ MÁY
Có thể chúng ta chẳng làm được điều gì vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu vĩ đại.
- Mẹ Teresa
Có một câu chuyện kể về chuyến thăm của Mẹ Teresa đến một nhà máy ở Ấn Độ. Trong lúc đi thăm những người lao động ở một phân xưởng, tình cờ, bà nhìn thấy một người đàn ông đứng trong góc xưởng, đang vui vẻ ngân nga một điệu nhạc trong khi lắp ráp những con ốc vít. Điều này khá lạ trong khung cảnh lao động vất vả của họ. “Ông đang làm gì vậy?” - Bà hỏi. “Tôi đang sản xuất máy bay.” - Ông ta trả lời. “Máy bay?” - Bà ngạc nhiên hỏi lại. “Đúng vậy! - Ông trả lời. - Vì nếu không có những con ốc vít nhỏ này thì máy bay không thể nào cất cánh được.”
Tôi rất thích câu chuyện này. Nó nhắc tôi nhớ tới vị trí quan trọng của mình trong sự phối hợp tổng thể của công việc, động viên tôi mỗi khi tôi cảm thấy công việc của mình sao quá khó khăn hay nhàm chán. Người đàn ông trên đã hiểu được tầm quan trọng mà ông đã đóng góp cho công việc chung, cho dù nó có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa; và vì vậy, ông đã kiên nhẫn thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có rất nhiều tình huống trong công việc phải cần tới lòng kiên nhẫn: khi đóng thuế, khi thực hiện công việc trong hệ thống chung, khi ứng xử với sếp và các bạn đồng nghiệp,… Khi làm công việc tư vấn cho những tập đoàn lớn, tôi luôn lấy làm ngạc nhiên, tự hỏi làm thế nào mà những người làm việc trong môi trường áp lực cao như vậy lại có thể giữ được sự sôi nổi và tinh thần lạc quan trong suốt thời gian dài, cho dù họ luôn bị buộc phải tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt khi họ phải đối mặt với những cuộc tái cấu trúc hay cải cách xảy ra liên miên. Trong khi ở những nơi khác người ta có thể khó chịu hay phản đối, thì ở đây, mọi người cùng xắn tay áo và bắt đầu lại. Để làm được điều này chắc chắn họ phải nhận thức được tầm quan trọng của mình trong công việc chung của tập thể.
Có lần, tạp chí Fast Company đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến về những nguyên nhân khiến người ta gắn bó với một tổ chức hay công ty nào đó. Thu nhập chỉ xếp thứ năm trong các nguyên nhân khiến người ta cân nhắc việc ở lại. Nguyên nhân đầu tiên là cảm giác thấy mình có ích và có đóng góp trong công việc. Điểm mấu chốt để hài lòng với công việc là chúng ta phải thấy mình thực sự đóng góp vào kết quả cuối cùng, đang thực hiện mục tiêu chung của cả tổ chức, để cảm thấy thân thiết với những người đồng nghiệp. Trong mỗi chúng ta, ai cũng ao ước tạo ra sự thay đổi khác biệt, và khao khát thể hiện giá trị cá nhân.
Ben Zander - nhạc trưởng của dàn nhạc Boston Phiharmonic - viết về điều này trong tác phẩm The Art of Possibility (Nghệ thuật của những khả năng): “Trong mỗi chúng ta luôn có một niềm khát khao chung là được đóng
góp cùng mọi người, cho dù có bao nhiêu khó khăn, cản trở đi nữa”. Thật vậy, khi tin vào khả năng của mình và công nhận giá trị đóng góp của người khác, chúng ta đã tập được tính kiên nhẫn trong công việc, cho bản thân và cho những người xung quanh.
Cuối cùng, để có thể được công nhận giá trị của mình, chúng ta phải tạo nên giá trị của bản thân, như người công nhân trong nhà máy ở Ấn Độ kia đã làm. Chúng ta nên tìm ra điểm chung của mục tiêu sâu xa mà mình đang hướng đến và từ đó xác định nhu cầu chung. Từ điểm chung này, chúng ta có thể tiến một cách chắc chắn về phía mục tiêu cuối cùng của mình, ví như một quy trình hợp lý hơn, một sự cách tân gợi mở, thu nhập cao hơn, hăng hái hơn. Không cần phải có ngay kết quả, chúng ta có thể giống như Michelangelo nằm ngửa vẽ trên trần nhà thờ Sistine Chapel suốt bốn năm trời. Hoặc như những người công nhân tại Trung tâm Thương mại Thế giới, kiên nhẫn chuyển hàng triệu tấn gạch đổ vỡ chỉ để tìm một chiếc nhẫn cưới, một bộ chìa khóa hay bất cứ một đồ vật nhỏ bé nào có thể là kỷ vật của những người đã mất…
Ở đâu cần bạn? Giá trị nào bạn mang lại? Kiệt tác nào bạn tạo nên?… Đôi lúc tất cả những gì ta cần chỉ là một con ốc vít nhỏ!
CHỜ ĐỢI LÀ MỘT PHẦN TẤT YẾU CỦA CUỘC SỐNG
Hãy bước chậm rãi. Hạnh phúc là khi bạn dành thời gian để cảm nhận từng khoảnh khắc bình thường: dẫn chú cừu ra bãi cỏ xanh, ru con bạn ngủ, hay viết dòng cuối cùng của một bài thơ.
- Kahlil Gibran
Trong tác phẩm There’s a Spiritual Solution to Every Problem (Giải pháp tinh thần cho mọi vấn đề), Wayne Dyer kể về chuyến bay sang Hy Lạp tham dự cuộc thi điền kinh của mình. Chuyến bay bị hoãn tám tiếng đồng hồ ở New York. Trong suốt thời gian đó, hầu hết những người cùng chuyến bay với anh đi lang thang, cằn nhằn và phàn nàn hãng hàng không, ngoại trừ một bà lão người Hy Lạp nhỏ bé, khoảng tám mươi tuổi. Bà ngồi một chỗ suốt thời gian chờ chuyến bay cất cánh. Bà ngồi đó “một cách bình thản… không chút gì lo lắng”.
Khi họ lên máy bay, bà lão ngồi cùng hàng ghế với Wayne. “Bà ấy cười với tôi, và tin hay không thì tùy bạn, nhưng trong suốt mười ba giờ sau đó bà không di chuyển một lần nào. Bà ấy không ăn, không uống, không đứng dậy, không xem phim, không phàn nàn, không đi tới đi lui - không làm bất cứ điều gì, chỉ ngồi yên một chỗ với vẻ hài lòng như lúc ở dưới sân bay”. Cuối cùng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay ở Hy Lạp, suốt hai mươi hai giờ từ khi họ bắt đầu cuộc hành trình, bà lão vẫn “tươi tỉnh, đầy sinh lực, với một tâm trạng hưng phấn” bước ra ôm hôn những người thân đi đón bà ở sân bay.
Bà lão trong bộ đồ đen đó đã hiểu được điều mà nhiều người trong chúng ta có lẽ đã quên: trong cuộc sống có rất nhiều tình huống buộc ta phải chờ đợi và ta có quyền lựa chọn giữa việc thực hiện chờ đợi một cách hạnh phúc hay đau khổ. Đó là một bài học mà phải khó khăn lắm tôi mới học được!
Chồng tôi có lần hỏi tôi tại sao phải khó chịu khi đối diện với cảnh chờ đợi xếp hàng. Tôi đã không thể trả lời anh cho tới khi đọc được cuốn sách của David Baily Harned có tên Patience: How We Wait Upon the World? (Kiên nhẫn - Làm cách nào chúng ta có thể chờ đợi trên thế gian này?) Và câu trả lời là một lời khuyên mà tôi cho là khá xác đáng khi ta ở lứa tuổi thiếu kiên nhẫn: “Chờ đợi không phải là vấn đề của cuộc sống, nó chỉ bất chợt xảy ra một cách ngẫu nhiên mà thôi. Vì vậy, chúng ta không cần phải chờ đợi làm gì. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vẫn được xem là sự giải phóng con người khỏi sự chờ đợi tốt nhất. Chính khoa học kỹ thuật đã giúp chúng ta tự do, thoát khỏi các hình thức phụ thuộc vào môi trường tự nhiên”. Tôi nghĩ điều đó rất chính xác. Xã hội nên xây dựng đủ loại công việc, dịch vụ để giúp chúng ta không cần phải chờ đợi bất cứ lúc nào và ở đâu.
Harned nói: “Không chỉ tôi mà hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng việc chờ đợi là thể hiện của một lỗi nào đó trong hệ thống, chứ không cho rằng đó là một điều kiện tự nhiên trong cuộc sống. Nhưng có những lúc chúng ta bắt buộc phải chờ: chúng ta chờ thời tiết tốt để gieo trồng mùa vụ, chờ đợi cho bệnh dịch kết thúc, chờ đợi những người thân bị mất tích trên biển trở về từ năm này qua năm khác mà chẳng thể chắc chắn họ còn sống hay đã chết,… Điều duy nhất khác biệt là chúng ta chờ điều gì chứ không phải bản thân hành vi phải chờ”.
Những nghiên cứu cho thấy bình quân mỗi năm ta mất mười một ngày để xếp hàng chờ đợi - không tính tới thời gian ở trên xe, trên máy bay, hay chờ đợi nghe hết những hướng dẫn tự động trên điện thoại để gặp được người thực sự cần gặp. Kỹ thuật không làm giảm bớt thời gian chờ đợi - nó chỉ thay đổi điều chúng ta chờ đợi.
Giáo sư Harned giúp tôi nhận ra rằng, các hệ thống có thể được cải tiến, nhưng chúng ta cũng không bao giờ có thể loại trừ hoàn toàn việc chờ đợi ra khỏi cuộc sống. Và nếu chúng ta dễ chấp nhận sự thật này, giống như bà lão người Hy Lạp cùng chuyến bay với Wayne Dyer đã kiên nhẫn, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.
Trên một phương diện nào đó, sống là chờ đợi!
TÌM CÁCH GIẢI QUYẾT THÌ TỐT HƠN LÀ TRÁNH NÉ
Tôi suy nghĩ và suy nghĩ hàng tháng trời, hàng năm trời, chín mươi chín lần, kết cục cuối cùng vẫn sai.
Lần thứ một trăm tôi đã đúng.
- Albert Einstein
Một ngày nọ, một người bạn tặng cho Don và tôi một cái máy tính để bàn mà anh ấy không dùng nữa. Chiếc máy tính này có thể dùng đường truyền ADSL, giúp cho việc kết nối nhanh chóng hơn và có thể gọi điện thoại miễn phí. “Thật tuyệt!”, chúng tôi nói. Anh bạn ấy bảo chúng tôi rằng nó rất dễ cài đặt.
Thật không may - như mọi điều vẫn thường xảy ra trong cuộc sống - nó có thể là đơn giản, nhưng chắc chắn là không dễ dàng. Don mày mò, tốn thời gian gọi điện thoại cho nhà cung cấp thư điện tử, và sau cùng anh ấy giơ tay đầu hàng. “Anh không thể tìm ra cách giải quyết, - anh ấy rên rỉ, - tốt nhất là chúng mình mua một cái máy tính mới.”
Điều này đi ngược lại những quan niệm của một người tằn tiện như tôi, bao gồm cả quan niệm về sự kiên nhẫn nữa. Tại sao lại phải vứt đi một cái máy tính còn tốt như vậy chỉ vì bạn không sẵn lòng bỏ thời gian để tìm hiểu xem nó vận hành như thế nào? “Gọi cho Damian”, tôi đề nghị Don gọi cho cậu con rất giỏi về máy tính của chúng tôi. “Hãy thử lại đi anh. Em chưa muốn đầu hàng đâu.” (Tất nhiên nói như vậy thật là dễ đối với tôi, vì tôi đâu phải là người đã bỏ ra ba tiếng đồng hồ để mày mò trên máy!)
Khi Don trở lại với công việc, tôi bắt đầu suy ngẫm. Có vẻ như phản ứng của anh phản ánh cách ứng xử rất đặc trưng của người Mỹ. Văn hóa Mỹ thiên về cách suy nghĩ này: Nếu có cái gì đó không thể làm việc thì hãy vứt nó đi và mua một cái mới. Không phải suy nghĩ gì về vấn đề kiên nhẫn, chỉ cần ra ngoài mua là bạn có ngay cách giải quyết. Mua một cái máy nước nóng mới tất nhiên dễ hơn sửa lại cái cũ. Trả tiền cấp dưỡng cho người chồng/vợ cũ thì dễ hơn là tìm hiểu những khó khăn mà anh ấy/cô ấy đang đối mặt,…
Hàng ngày, các mục quảng cáo tràn lan quyến rũ chúng ta bằng những thông điệp như là cuộc sống sẽ không có những điều phiền muộn, khó khăn hay rắc rối nếu chúng ta mua sản phẩm của họ. Hãy sử dụng sản phẩm thay vì kiên nhẫn làm một cái gì đó; mua một ổ cứng mới thay vì bỏ công ra sửa nó;…
Do vậy, theo tạp chí Money, đại đa số người Mỹ luôn mang trên vai những món nợ tiêu dùng, vì nếu kiếm được 1 đô-la, họ lại tiêu đến 1,22 đô-la.
Nhưng đó chỉ là bề mặt của vấn đề. Phân tích ở góc độ sâu hơn, việc mua sắm của chúng ta là dựa trên sự tin tưởng vào những lời quảng cáo của các phương tiện truyền thông. Chính chúng là nguyên nhân khiến chúng ta sớm đầu hàng, bỏ lỡ cơ hội cảm nhận cảm giác hài lòng và sự tự tin khi tự mình giải quyết một việc gì đó. Tìm cách giải quyết vấn đề thì tốt hơn là giơ tay đầu hàng trong tuyệt vọng; như Einstein trong câu nói trên, hãy cố gắng một lần nữa để giải quyết một tình huống khó khăn. Nếu kiên trì giải quyết, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều cơ hội tự khám phá bản thân. Chúng ta sẽ nhận ra rằng mình tháo vát, thành thạo, rằng chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi ở bản thân mỗi khi đối diện với những thử thách của cuộc đời. Và khi thành công, chúng ta sẽ được trải nghiệm cảm giác tự hào - cảm giác mà ta sẽ không thể có nếu đi mua giải pháp.
Đó là điều đã xảy ra với Don. Hai giờ sau khi tuyên bố đầu hàng, anh đã tìm ra cách xử lý. Không tốn một đồng xu nào, và vũ điệu kiêu hãnh mà anh nhảy xung quanh phòng ngủ quả thật là niềm hạnh phúc vô giá!
BẠN VỘI VÃ ĐỂ LÀM GÌ?
Có một vấn đề ở cuộc đua chuột là dù cho bạn có thắng, bạn vẫn chỉ là một con chuột.
- Lily Tomlin
Denise là một trong những người nhanh nhẹn và có óc tổ chức tốt nhất mà tôi biết. Cô ấy không bao giờ để phí một giây phút nào. Vì vậy cô đạt được rất nhiều thành tích trong suốt ba mươi lăm năm qua, trong đó có việc tạo dựng thành công hai công ty. Nhưng đến một ngày, cô ấy chợt dừng lại.
“Có lần, chồng tôi và tôi dự định cùng nhau làm một vài việc lặt vặt trong nhà. Theo cách mà tôi cho là rất có hiệu quả, tôi chia những công việc đó làm hai danh sách, một cho tôi và một cho anh ấy. Suy nghĩ của tôi đơn giản là mỗi chúng tôi tự làm phần việc của mình càng nhanh càng tốt. Khi tôi đưa cho anh ấy bản danh sách công việc, vẻ mặt anh trông rất thất vọng: 'Ô, anh tưởng là chúng mình sẽ cùng nhau làm chứ!'. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi, nhưng lúc đó tôi vẫn chưa kịp nhận ra đó là gì. Tôi quá bận rộn và tiếp tục bị cuốn theo công việc. Cuối cùng là anh ấy đã rời bỏ tôi. Sau đó tôi có nhiều thời gian để suy nghĩ hơn. Và tôi nhận ra rằng cuộc hành trình cũng quan trọng không kém gì đích đến.” – Denise tâm sự.
Chúng ta vội vã để làm gì? Denise muốn chia sẻ thời gian với chồng cô hay chỉ muốn công việc được hoàn tất? Rất nhiều người trong chúng ta cứ chạy loanh quanh, vội vã đến nỗi không xác định là mình đang cố chạy đi đâu hay quan tâm đến những gì chúng ta làm có thực sự quan trọng hay không.
Chuyên gia tâm lý Iyanla Vanzant từng đặt vấn đề: “Sau bữa ăn, bạn có phải là người đầu tiên đứng dậy, dọn gọn gàng và lau sạch bàn không?”. “Ban đầu, chúng ta được những lời khen và phần thưởng nho nhỏ cho những việc như vậy, nhưng bạn có biết không, dần dần sự bận rộn sẽ bắt đầu! Chúng ta được khuyến khích để làm nhiều việc hơn, hay nói chính xác là bạn được khuyến khích để luôn bận rộn!”. Tôi muốn nhấn mạnh là ở lứa tuổi trưởng thành, khi bạn bắt đầu tự lập bằng cách tìm việc làm, lao động chính đáng và tìm đường tiến thân, việc này sẽ dễ dàng ngấm vào máu và trở thành thói quen. Theo từ ngữ của Iyanla, chúng ta sẽ trở thành “người làm nhiều hơn - làm tốt hơn - làm nhanh hơn”. Nhưng chúng ta có dịp tận hưởng cuộc sống không? “Không, - cô ấy khẳng định. - Tin tôi đi, những 'người làm nhiều hơn - làm tốt hơn - làm nhanh hơn' không hề thích thú làm việc, chỉ đơn giản là vì họ không biết làm thế nào để dừng lại mà thôi!”
Vậy có giải pháp nào tốt hơn vội vã không? Tất nhiên là có! “Bạn không cần lúc nào cũng phải cần mẫn làm việc, hãy bắt đầu công việc với nhịp độ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất… Nên biết rằng mọi việc sẽ hoàn hảo nếu được thực hiện trong thời gian lý tưởng và theo trình tự lý tưởng.” – Iyanla kết luận.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình đang đối mặt với thử thách tương tự, hãy tự nhủ ngay với bản thân: Hãy dừng lại để tịnh tâm suy nghĩ. Tình cảnh của bạn cũng giống như người đang ở dưới hố, quy tắc đầu tiên và cấp thiết nhất là bạn phải ngưng đào ngay lập tức; cũng như bất cứ lúc nào thấy mình đang kiệt sức, hãy dừng lại! Ngưng đào bới, ngừng chạy đua với thời gian và tự hỏi bản thân mình: “Tôi đang vội vã đi đâu vậy? Đó có thật sự là đích đến mà tôi quan tâm hay không?”.
CHÁN NẢN SINH RA TỪ SUY NGHĨ CỦA CHÍNH CHÚNG TA
Khi người ta buồn chán, trước hết là do họ tự chán bản thân mình.
- Eric Hoffer
Buồn chán là lời than vãn mà ngày nay bạn có thể dễ dàng nghe thấy ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Dường như trong cuộc sống này không có tội lỗi nào lớn hơn nỗi buồn chán. Chờ nấu đồ ăn: nản - vứt vào lò vi sóng cho rồi! Chờ đợi trình chiếu một bộ phim cũng nản - coi đĩa cho nhanh! Đọc một quyển sách từ đầu đến cuối cũng chán - siêu văn bản trên internet vừa hay vừa tiện dụng hơn nhiều! Chúng ta thích trò chạy nhanh trong game Nintendo (một trò chơi trên máy tính), thích những cái bóng lướt qua trong các video ca nhạc, thích những chương trình truyền hình đẩy nhanh tốc độ đối thoại (ngày nay các cuộc đối thoại trên truyền hình nhanh hơn tốc độ thực sự của người nói). Chúng ta muốn, chúng ta cần những tình huống hào hứng xảy ra liên tục, những chuỗi hành động hấp dẫn liên miên, nếu không chúng ta sẽ cảm thấy buồn chán!
Tốc độ quả thật dễ làm chúng ta cảm thấy hưng phấn và vui vẻ. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Thử nghĩ nếu tất cả đều ưa chuộng tốc độ như vậy, thì những khả năng cố gắng, để cân nhắc kỹ càng, để hiểu được sự việc trong một tình huống, để làm việc một cách chăm chỉ hôm nay cho những kết quả trong nhiều ngày sau,… của chúng ta sẽ đi về đâu?
Buồn chán là một hiện tượng tâm lý tương đối mới trong cảm xúc của con người thời hiện đại. Khái niệm buồn chán - một cảm giác trống rỗng và thiếu trầm trọng nguồn động viên khích lệ - thậm chí đến thế kỷ 19 vẫn chưa được đề cập đến. Nếu trước đó khái niệm này chỉ được nhắc đến trong những tình huống mô tả một người nói quá dài hay nói lan man ra khỏi đề tài chính: “Chà, nghe cô ấy nói mới chán làm sao!” thì ngày nay nó trở nên nặng nề hơn, thậm chí người ta còn dùng tình trạng tệ hơn cả cái chết để mô tả!
Nhiều nhà tâm lý giải thích rằng vấn đề là ở chỗ chúng ta thường nghĩ nguyên nhân làm ta buồn chán nằm ở “bên ngoài, khách quan”, không liên quan gì đến bản thân con người - nó có thể nằm ở quyển sách, bộ phim, công việc hay những mối quan hệ mà chúng ta thấy chán… Nhưng không! Nguyên nhân thực chất là ở chính bản thân chúng ta!
Khi ta tuyên bố rằng điều gì đó thật chán, thì thực ra là ta đang thiếu kiên nhẫn đối với vấn đề đó. Tốt nhất ta nên tìm hiểu nguyên nhân vấn đề, và tôi chắc với các bạn rằng nó chẳng ở đâu xa xôi, mà hiện diện ngay trong suy nghĩ của chính chúng ta.
Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà ta có thể xem xét để lý giải về nguyên nhân gây ra buồn chán. Sự căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái, trong các mối quan hệ, trong công việc, thậm chí ngay cả tình trạng “không có gì” xảy ra, … đều có thể là nguyên nhân khiến ta buồn chán. Chúng ta có thể xem xét những khoảnh khắc buồn chán đó và tìm kiếm giải pháp làm giảm nó bằng bất kỳ thú tiêu khiển sẵn có nào. Hãy xem đó là cơ hội sử dụng lòng kiên nhẫn của mình và xem xét mọi việc kỹ càng hơn.
Hãy tự mình cố gắng! Bạn hãy bắt đầu bằng việc thử một tuần không để ý gì đến những chuyện làm mình buồn phiền xem. Khi tâm trí bạn bắt đầu cảm thấy không vui (vì những tình huống giao thông chẳng hạn) thì hãy thử thách mình bằng cách thử tìm ra những điều thú vị ngay trong tình huống đó, cả ở bản thân bạn lẫn thế giới xung quanh. Hãy tìm hiểu xem điều đó thay đổi cảm giác của bạn như thế nào?
Chỉ cần một chút chú ý, bạn sẽ thấy không có cảm giác nhàm chán nào xuất hiện nữa, ngay cả khi bạn thực hiện những công việc thông thường nhất. Nếu bạn để ý đến từng cảm nhận dù là nhỏ nhất trong mỗi sự việc, như cảm giác ấm áp của nước xà phòng khi bạn rửa nồi niêu xoong chảo, bạn sẽ thấy điều đó thay đổi suy nghĩ và làm tâm trí bạn thanh thản thế nào! Hay khi bạn quét vườn, cảm giác của việc cúi khom người dưới ánh nắng mặt trời sẽ khác đi như thế nào với việc bạn chỉ để ý tìm hiểu xem con chim màu xám có cái mào trên đầu vừa xuất hiện kia tên là gì… Bạn sẽ nhận ra sự nặng nề hay thanh thản của các trải nghiệm cuộc sống phụ thuộc vào mức độ cảm nhận những điều kỳ diệu ẩn chứa trong mỗi sự việc thực tế của thế giới tươi đẹp này!
GHI NHỚ QUY TẮC SỐ 6
Đừng làm điều gì nhân danh cá nhân.
- Don Miguel Ruiz
Sau đây là một câu chuyện trong tác phẩm The Art of Possibility – một câu chuyện đã gây cho tôi ấn tượng mạnh:
Hai vị lãnh đạo đang gặp mặt thì đột nhiên, một nhân viên của vị lãnh đạo thứ nhất xô cửa bước vào, huyên thuyên về vấn đề gì đó của anh ta. Vị lãnh đạo thứ nhất nghiêm mặt nói: “Hãy vui lòng nhớ lại quy tắc số 6” và thế là người đàn ông ngay lập tức tự trấn tĩnh, xin lỗi và đi ra. Việc này còn lặp lại hai lần nữa với hai nhân viên khác. Cuối cùng, vị lãnh đạo thứ hai không thể kìm được nữa, ông ta hỏi: “Quy tắc số 6 là gì?”. “Đừng để mình trở nên quá tồi tệ.” - Vị thứ nhất trả lời. “Quả là một quy tắc tuyệt vời!” - Vị thứ hai nhận xét, rồi hỏi tiếp: “Còn gì nữa không?”. “Có vậy thôi!” - Vị thứ nhất mỉm cười.
Ngẫm nghĩ câu chuyện này, tôi nghiệm ra được rất nhiều điều về lòng kiên nhẫn.
Bạn có để ý không, dường như một người càng thiếu kiên nhẫn càng hay có những biểu hiện tự đề cao mình? Họ thường phân bua rằng, việc này lẽ ra không nên sắp đặt cho tôi, và tôi xứng với những việc khác hay hơn. Mọi người phải chờ tôi vì tôi là nhân vật rất quan trọng. Vũ trụ quay quanh tôi - hoặc ít ra là nên như vậy… “Anh có biết tôi là ai không?” Đó là câu mà cha của người bạn tôi - một người rất thiếu kiên nhẫn - thường dùng để quát nạt những người phục vụ, những nhân viên hay bất cứ ai ông cho rằng đã cản trở ông.
Có một câu chuyện khác trong quyển The Art of Possibility cũng đề cập tới mối liên hệ giữa tính tự cao và thiếu kiên nhẫn. Đó là câu chuyện về người chỉ huy trưởng dàn nhạc rất nổi tiếng - Herbert von Karajan - đã có lần nhảy vào một chiếc taxi và giục người tài xế phải nhanh lên. “Đi đâu?” - Người tài xế hỏi. “Không quan trọng, - von Karajan trả lời. - Ở đâu người ta cũng cần tôi!”
Một trong những lý do khiến ta thiếu kiên nhẫn là, trong sâu thẳm trái tim mình, chúng ta tin rằng cuộc sống nên diễn ra theo cách chúng ta muốn, và sẽ thật sai lầm nếu nó không diễn ra như vậy. Niềm tin đó xuất phát từ một phần rất thơ trẻ trong chúng ta – những trải nghiệm từ khi ta còn bé: Cha mẹ luôn xuất hiện và thỏa mãn yêu cầu mà ta đưa ra. Quả thật, lúc đó vũ trụ đang quay xung quanh chúng ta và ta là cái rốn của nó!
Càng lớn chúng ta càng phải thừa nhận rằng cho dù tài giỏi đến đâu chúng ta cũng không phải là trung tâm của vũ trụ. Tuy vậy ở góc độ sâu kín nào đó, chúng ta vẫn nuối tiếc cảm giác được làm trung tâm của những ngày thơ bé kia!
Vì vậy, để giữ cho mình tính kiên nhẫn, chúng ta phải hiểu rằng những việc ngoài ý muốn không chỉ xảy ra với riêng ta, không chỉ nhằm vào ta. Cuộc sống vận hành một cách vô tư và công bằng theo cách riêng của nó, và nếu chúng ta có thể hòa nhịp với sự vận hành đó, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn trong cuộc sống. Khi nhớ tới quy tắc số 6, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chính mình trở nên tươi đẹp hơn.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIẤC NGỦ
Thà thức dậy trễ nhưng tỉnh táo, còn hơn dậy sớm mà buồn ngủ suốt ngày.
- Khuyết danh
Tôi từng làm việc với một nhân viên rất chăm chỉ, chăm chỉ đến mức khó tin. Cô ấy rất tự hào vì mình có thể làm việc liên tục và lâu hơn người khác mà không cần nghỉ ngơi. Nhưng cứ mỗi lần để ý thấy cô có những dấu hiệu như bắt đầu mất kiên nhẫn với khách hàng hay với đồng nghiệp…, thì tôi buộc cô phải đi nghỉ.
Ta có thể dễ dàng nhận ra tình trạng khó chịu, cáu kỉnh ở những đứa trẻ bị bắt làm việc quá sức, nhưng lại khó nhận ra điều đó ở những người trưởng thành. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm: Hầu hết sự thiếu kiên nhẫn ở chúng ta đều do ta đã không để cho cơ thể và trí óc mình nghỉ ngơi đúng mức. Quả thật, giữa thời đại của các phương tiện liên lạc hiện đại như máy tính, thư điện tử, máy nhắn tin, điện thoại di động,… chúng ta khó có thể tận hưởng một kỳ nghỉ theo đúng nghĩa của nó. Ngay cả ngày nghỉ cuối tuần cũng gần như mất hết ý nghĩa vì chúng ta chẳng bao giờ để thời gian “chết”!
Không chỉ có vậy, chúng ta luôn bị chi phối bởi nguồn thông tin tràn ngập từ internet, báo chí, ti-vi, radio, sách,… Chúng ta thường tự hỏi tại sao có nhiều người bị chứng mau quên đến vậy, hoặc tại sao, theo quan điểm của Rick Wagonheim thuộc tổ chức R/Greenberg: “Tất cả chúng ta đều bị rối loạn, mất tập trung”. Thật ra, đầu óc mệt mỏi của chúng ta đang gào lên: “LÀM ƠN ĐỪNG NHỒI NHÉT THÊM NỮA!”.
Tất cả những tác động bên ngoài này đều dẫn đến cùng một hậu quả là làm cho mọi thứ đối với chúng ta trở nên mờ nhạt và tạo ra cảm giác không được ngơi nghỉ – nguyên nhân khiến ta dễ dàng mất kiên nhẫn. David Shenk viết về điều này trong tác phẩm The End of Patience như sau: “Khi thông tin di chuyển nhanh hơn thì tai, mắt và tế bào vỏ não của chúng ta phải làm việc nhiều hơn để có thể bắt kịp những thông tin đó. Chúng ta thực hiện việc theo đuổi thông tin, nhưng để làm được như vậy chúng ta đã tập cho mình thói quen ít tập trung hơn… và thói vui buồn thất thường của sự “đa trách nhiệm” thường dẫn chúng ta đến những suy nghĩ và hành động thiếu chín chắn. Chúng ta đang đánh mất những khoảnh khắc yên lặng, những khoảnh khắc đáng để suy ngẫm!”.
Chúng ta không chỉ cần thời gian để suy ngẫm mà còn cần ngủ đủ nữa. Theo số liệu thống kê gần đây nhất trên các mẫu khảo sát về giấc ngủ ở nước Mỹ cho thấy cứ bảy người Mỹ thì có một người phải chịu sự hành hạ của chứng mất ngủ, và cứ mười người thì có một người gặp các vấn đề về khó ngủ kinh niên. Một tổ chức chính phủ nghiên cứu về giấc ngủ quả quyết rằng, hiện nay bình quân người Mỹ ngủ ít hơn 20% so với cách đây một thế kỷ, hay nói cách khác là ngủ ít hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mỗi đêm.
Một tiếng rưỡi có vẻ không có gì quan trọng. Nhưng cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, trong đó có tăng huyết áp và lượng đường trong máu, cũng như tác động đến sự tập trung của đầu óc con người, gây nên nên các thảm họa như vụ rò rỉ chất phóng xạ ở Three-Mile Island, vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, vụ tràn dầu của tàu Exxon Valdez và vụ nổ tàu (vũ trụ) con thoi Challenger,… Ngoài ra, còn rất nhiều người bị chứng mộng du - một tình trạng nguy hiểm không kém tình trạng say xỉn.
Tất cả chúng ta đều cần phải ngủ đủ. Trong thời gian ngủ, chúng ta phải thật sự được thư giãn để chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng, thanh thản. Nếu không chúng ta sẽ không có đủ năng lượng dự trữ cả về tinh thần lẫn thể chất để đáp ứng cho các hoạt động sống. Mỗi chúng ta cần xây dựng cho mình một thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tôi thường làm việc cật lực từ sáu đến tám tiếng đồng hồ và sau đó từ chối mọi thứ liên quan đến công việc, hạn chế làm việc vào cuối tuần. Kết quả từ những “nguyên tắc” tự đặt ra cho bản thân này là tôi thấy mình kiên nhẫn hơn. Ngược lại, khi vi phạm những nguyên tắc đó trong một thời gian dài, mọi người và mọi thứ xung quanh đều có thể khiến tôi dễ dàng phát điên lên.
Huyền thoại bóng rổ Satchel Paige đã chia sẻ bí quyết của anh như sau: “Nếu bạn thấy bao tử của bạn đang đau quặn, cách tốt nhất là bạn hãy nằm xuống và vỗ về nó bằng những ý nghĩ bình tĩnh”. Thật vậy, bạn hãy quan tâm đến giấc ngủ, và hãy quan sát sự thăng hoa của lòng kiên nhẫn!
NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ TRONG TỔNG THỂ
Hãy bình tĩnh: một trăm năm nữa mọi thứ sẽ trở thành khối thống nhất.
- Ralph Waldo Emerson
Nhân dịp Quốc khánh nước Mỹ ngày 4 tháng 7, chúng tôi được nghỉ và Ann cứ bám chặt lấy tôi suốt bốn ngày liền. Bé cứ lẳng nhẳng hết chuyện này đến chuyện khác: “Mẹ ơi, mình có thể đi bơi bây giờ được không?… Mẹ, mẹ ơi, con uống nước quả được không?… Mẹ ơi, mẹ, umm, umm, mẹ, mình có thể đi bơi bây giờ được không? Mẹ, con xem phim The Wiggles được không? Mẹ ơi, mẹ, mẹ ơi…”. Tôi đếm được 1.372 lần bé kêu “mẹ ơi” thì không đếm nổi nữa. Cuối cùng, vào tối chủ nhật, tôi bảo rằng bé có thể vui lòng đi chỗ khác chơi và không hỏi tôi trong mười phút được không, vì tôi cần nghỉ ngơi. Bạn biết phản ứng của bé là sao không? Bé hỏi tôi: “Tại sao ạ?”. (Bạn biết không, những phản ứng dễ thương kiểu này của bé thường làm tôi bật cười, và đó là cách giúp tôi giữ bình tĩnh hay nhất!)
Kinh nghiệm của tôi khi trải qua những tình huống như trên mà không mất bình tĩnh là đặt những phản ứng của bé vào một hoàn cảnh nào đó trong bức tranh toàn diện của cuộc sống. Khi trả lời câu hỏi: “Hỏi Không Ngừng trong Bốn ngày thì có vấn đề gì?”, tôi nhận ra rằng mình thật may mắn vì bé rất muốn có sự quan tâm của tôi. Từ tuổi ấu thơ của mình, tôi biết rằng khoảng thời gian người mẹ còn là trung tâm trong vũ trụ của đứa con rồi sẽ qua đi trong chớp mắt, vậy thì tôi phải cố tận hưởng những khoảnh khắc quý báu này khi còn có thể.
Khi muốn học một điều gì đó, tôi đọc các quyển sách liên quan và chú tâm quan sát những người có những đức tính mà tôi mong muốn mình có được. Tôi theo dõi các hoạt động của họ và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Sách cung cấp cho tôi lý thuyết nhưng tiếc là thiếu thực hành. Trong việc rèn luyện tính kiên nhẫn, tôi thấy có rất nhiều lý giải vì sao cần phải kiên nhẫn, nhưng lại có rất ít cách hướng dẫn thực hiện điều đó như thế nào. Vì vậy tôi phải dựa vào những người mình biết, những điều mình đã trải qua để học hỏi về phạm trù tương đối trừu tượng này.
Và tôi đã khám phá ra một điều vô cùng thú vị là bằng cách này hay cách khác, sự kiên nhẫn sẽ được hình thành từ việc ta đặt người, nơi chốn hay sự việc làm mình khó chịu vào một hoàn cảnh tích cực nào đó - như cách mà tôi đã làm với Ann. Hay như trong e-mail gửi cho tôi ngày hôm qua, sau khi kể tất cả những việc tồi tệ xảy đến với mình trước đó, Dawna - bạn tôi, người đã đấu tranh với căn bệnh ung thư hơn ba mươi năm trời - đã kết luận: “Đúng là có cả trăm việc tồi tệ trong ngày hôm nay, nhưng dù sao chúng vẫn còn tốt hơn căn bệnh ung thư rất nhiều!”.
Mỗi khi đặt những việc đang xảy ra vào trong một bối cảnh rộng lớn hơn, ta sẽ tự nhiên có được sự kiên nhẫn. Đó là vì ta đã chuyển sự chú ý của mình ra khỏi những điểm khó chịu của tình huống - ví dụ như tình huống Don lại quên không đổ rác - và đặt chúng vào những bối cảnh lớn hơn và có ý nghĩa toàn diện hơn đối với cuộc đời chúng ta.
Trên bối cảnh toàn diện, chúng ta có thể cân nhắc các vấn đề này như sau: Việc này có thực sự quan trọng không? Điều gì quan trọng ở đây? Don là người cha tốt và là người bạn đời lý tưởng. Vậy thì vấn đề cỏn con là quên đổ rác có liên quan gì đến việc này không? Ta thực sự mong muốn điều gì trong mối quan hệ giữa Don và ta? Yêu thương và thông cảm với nhau quan trọng hơn hay là nhà sạch quan trọng hơn?…
Kiên nhẫn được hình thành khi ta hướng tầm nhìn của mình tới bức tranh toàn cảnh và đừng quá bận tâm đến những điều vặt vãnh của cuộc sống thường ngày. Điều đó cũng giống như dùng máy chụp ảnh có ống kính góc nhìn rộng như ống kính zoom vậy. Khi zoom gần lại, thậm chí một đụn đất nhỏ cũng có vẻ như có thể chôn vùi chúng ta; nhưng nếu điều chỉnh khoảng cách hợp lý, chúng ta có thể thấy một sự thật hiển nhiên: đụn đất không phải là một ngọn núi. Có một điều may mắn là: bạn là người cầm máy và bạn có thể điều chỉnh ống kính bất cứ khi nào bạn muốn!
MỖI CON NGƯỜI LÀ MỘT THẾ GIỚI
Muốn điều khiển, phải biết người. Muốn biết người, phải hiểu mình trước đã.
- A. Detoeup
Trước khi gặp chồng tôi, tôi đã sống mười bốn năm với một người đàn ông tên là Will. Trong suốt sáu năm cuối sống chung, anh làm một công việc đòi hỏi nhiều sức lực và thời gian ở một nơi cách chỗ chúng tôi ở khoảng một giờ rưỡi lái xe. Tôi chẳng bao giờ biết được chính xác khi nào anh về nhà. Lúc đó chưa có điện thoại di động, vì vậy tôi đưa ra một yêu cầu đơn giản là, mỗi ngày vào khoảng năm giờ chiều, Will hãy gọi điện thoại báo cho tôi biết khi nào thì anh rời văn phòng. Theo đó, tôi có thể sắp xếp chuẩn bị bữa tối chẳng hạn.
Thật là đơn giản đúng không? Nhưng anh lại không thể thực hiện được, hay ít ra là đã không thực hiện đều đặn. Anh gọi được vài ngày và sau đó quên luôn... Anh bận họp, trễ chuyến bay, hay có việc gấp… Và dù có nói gì đi nữa, tôi cũng không thể buộc Will thực hiện việc đó được. Anh càng quên, tôi càng tức giận. Rút cuộc là sự kiên nhẫn của tôi hoàn toàn biến mất. Mỗi một sai sót của anh lại nhắc tôi nhớ tới những lần anh quên. Anh bắt đầu tránh tôi vì tất cả những gì tôi làm chỉ là phàn nàn mà thôi!
Tôi ước gì trước khi bước vào tuổi bốn mươi, tôi có thể học được bài học rằng mình không thể kiểm soát hành vi của người khác. Đúng là chúng ta không thể làm được điều này. Nỗ lực của chúng ta có thể thu được kết quả ở một số người mà họ hiểu những gì chúng ta muốn và tại sao ta lại làm thế, nhưng rút cuộc sự thay đổi của một người hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân sự cố gắng, tự ý thức của người ấy mà thôi. Chúng ta có thể trợ giúp, nhưng chúng ta không thể buộc người khác khiêu vũ theo giai điệu của mình được!
Trong tác phẩm The Inner Game of Work (Trò chơi ẩn trong công việc), Tim Gallwey đưa ra một danh sách những điều chúng ta có thể và không thể kiểm soát trong mối quan hệ với những người xung quanh - những “điểm mù” mà hầu như ai cũng mắc phải. Bạn không thể kiểm soát được quan điểm và sự cảm thụ của người khác; khả năng chịu lắng nghe, động cơ hay sự ưu tiên của họ; những giá trị mà họ quan tâm cũng như việc người ta có thích bạn hay không; mức độ đồng cảm của họ với quan điểm của bạn; việc người ta hiểu những gì bạn nói như thế nào; việc họ có chấp nhận quan điểm của bạn hay không,… Đó là những vấn đề ngoài vòng kiểm soát của bạn.
Bạn có thể kiểm soát được quan điểm của mình đối với một ai đó, như quan điểm về việc học; mức độ lắng nghe; mức độ chấp nhận quan điểm của người khác; sự tôn trọng thời gian của người khác; biểu lộ sự quan tâm của bạn đối với ý kiến của họ; thời gian bạn lắng nghe và trao đổi cùng họ; ý kiến của bạn về bản thân;…
Lưu ý sự khác biệt của hai danh sách, bạn sẽ thấy mình không thể kiểm soát bất cứ điều gì đối với người khác, nhưng lại hoàn toàn có thể kiểm soát được việc bạn liên hệ với họ như thế nào. Và dĩ nhiên, điều đó sẽ tác động mạnh mẽ tới thái độ sẵn lòng của họ trong việc chấp nhận quan điểm của bạn.
Càng hiểu rằng mình hoàn toàn không thể kiểm soát được người khác, chúng ta sẽ càng kiên nhẫn. Thay vì tự va đầu vào bức tường sừng sững của những quan điểm khác biệt, chúng ta sẽ biết hướng sự kiên nhẫn của mình về phía đúng đắn hơn – phía bản thân chúng ta – và bắt đầu khởi động với những gì mà ta muốn họ thay đổi.
CHỜ ĐỢI LÀM TĂNG HẠNH PHÚC
Chờ đợi làm tăng niềm khao khát. Chờ đợi giúp ta nhận ra ước mơ thực sự của mình nằm ở đâu. Nó tách những mong ước đã qua ra khỏi niềm khao khát thực sự.
- David Runcorn
Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài báo trên tờ The New York Times về sự kiện J. K. Rowling gặp khó khăn trong việc hoàn tất tập năm của truyện Harry Potter và những độc giả trẻ tuổi của bà đang mất dần kiên nhẫn. Thậm chí có một ý kiến giận dỗi rằng: “Nếu bà ấy không hoàn thành sớm, thì chúng tôi sẽ chuyển sang đọc tác giả khác”.
Ý kiến này thực sự đã khiến tôi lo lắng. Không phải vì tôi biết chắc chắn tập truyện mới nhất về Harry Potter đáng để chờ đợi mà bởi vì ẩn giấu dưới những lời bình luận đó là quan điểm xuất phát từ sự thiếu kiên nhẫn – thiếu kiên nhẫn đến mức ra điều kiện với người khác: anh phải thỏa mãn yêu cầu của tôi ngay lập tức, nếu không tôi sẽ không tiếp tục quan tâm tới anh nữa. Nếu đó chỉ là một bình luận cá biệt, nó sẽ không gây ấn tượng mạnh với tôi như vậy. Nhưng vì tôi tin rằng nó phản ánh một xu hướng phát triển không tốt trong xã hội: không đủ kiên nhẫn để chờ đợi một điều mà ta vẫn nói là mình muốn có!
Những người có quan điểm vội vàng như trên rồi sẽ hiểu bằng chính sự trải nghiệm của mình rằng: khi đạt được mọi thứ mình muốn, trớ trêu là họ cũng chỉ thấy cảm giác mệt mỏi và không hài lòng mà thôi! Đó cũng là trạng thái phiền muộn của những người được sinh ra trong điều kiện giàu có tột cùng. Tâm lý con người thường muốn hướng nhanh, hướng gấp đến những gì mình đang khao khát để sớm đạt được cảm giác thỏa mãn. Nhưng được thỏa mãn nhanh chóng lại khiến ta cảm thấy buồn chán. Phải có thời gian chờ đợi thì chúng ta mới có cảm giác hạnh phúc khi đạt được những gì mình ao ước. Hãy nghĩ tới vị thơm ngon của ổ bánh mì mới nướng sau khi bạn chờ đợi quá trình bánh ủ men. Sự chờ đợi sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng của bạn!
Tôi đã trải qua kinh nghiệm thực tế về vấn đề này. Cách đây vài năm, tôi buộc phải thu hẹp công việc làm ăn của mình theo tình hình suy giảm của nền kinh tế. Tôi phải dời từ một căn nhà được thiết kế tuyệt đẹp với sàn bằng gỗ cứng tới một nơi nhỏ hơn nhiều với những tấm thảm thô trải sàn đầy những vết bẩn do một đứa bé và hai con mèo gây ra. Tôi đã muốn bỏ tấm thảm đó ngay từ những ngày đầu nhìn thấy. Vì vậy tôi đã tiết kiệm từng xu một và mãi đến bốn năm sau, ước mơ này mới trở thành hiện thực. Tôi có đủ tiền để làm lại sàn gỗ toàn bộ căn nhà. Mỗi khi nhìn thấy bề mặt sáng bóng của sàn gỗ sồi màu nâu là tim tôi lại đập rộn rã. Và có một điều rất ngộ nghĩnh là cảm giác sung sướng mà sàn gỗ đó đem lại cho tôi còn nhiều hơn khi tôi ở ngôi nhà trước. Có lẽ vì lần này tôi đã phải chờ đợi và lao động cật lực để có được nó!
Khi nhận ra chờ đợi thực sự có thể mang lại cảm giác sung sướng nhiều hơn sự thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức, chúng ta có thể thực hành rèn tính kiên nhẫn dễ dàng hơn. Nếu tôi hiểu được điều này, ngay khi bắt đầu ghét tấm thảm trải sàn cũ kỹ, tôi có thể tưởng tượng được mình sẽ cảm thấy sung sướng đến nhường nào khi cuối cùng cũng có được sàn gỗ như ao ước.
Việc buộc phải chờ đợi còn có một lợi ích khác. Nó giúp chúng ta có thời gian nhận ra được điều mình mong muốn là gì và điều gì mới thực sự quan trọng. Ngày đầu tiên tôi muốn có sàn gỗ đó, 1.460 ngày sau tôi vẫn muốn có nó. Đó thật sự không phải là một ước mơ thoáng qua.
Sự kiên nhẫn sẽ giúp ta thấy rõ điều gì thực sự đáng để chờ đợi, và ta sẽ có cơ hội tận hưởng cảm giác tự hào, thỏa mãn khi đạt được điều đó!
TIN TƯỞNG VÀO TƯƠNG LAI
Tương lai thuộc về những ai biết tin vào cái đẹp trong những giấc mơ của chính mình.
- Eleanor Roosevelt
Sara bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình khi cô chỉ mới hơn hai mươi tuổi và nền kinh tế đang có nhiều biến động. Cô tâm sự với tôi: “Tôi thường cáu kỉnh, gắt gỏng với chồng và các nhân viên. Có lúc, họ phải mất cả nửa ngày để khuyên tôi nghỉ ngơi. Tính thiếu kiên nhẫn của tôi chẳng những không giúp tình hình kinh doanh sáng sủa hơn mà thậm chí còn làm nó thêm bế tắc… Biết vậy nhưng dường như tôi không bỏ được thói xấu này!”.
Sara quả thật là người hiểu rất rõ về bản thân. Khi tôi hỏi tại sao cô ấy lại nghĩ rằng mình là người hết sức thiếu kiên nhẫn, với mọi người và ngay cả với chính bản thân, cô đã im lặng suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Ồ, tôi nhận ra đó là gì. Đó là do tôi luôn lo sợ về tương lai. Tôi quá lo lắng về khả năng thất bại, nên tôi đã cố gắng làm đủ mọi cách để tương lai đen tối do mình tưởng tượng ra không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, khi làm như vậy, tính thiếu kiên nhẫn của tôi lại phát sinh và càng làm tăng nguy cơ thất bại”.
Như người phụ nữ trẻ này đã nghiệm ra, một trong những yếu tố có khả năng tăng cường lòng kiên nhẫn của chúng ta là hãy tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp. Khi có lòng tin vững chắc vào tương lai hạnh phúc, chúng ta có thể chờ đợi một cách bình tĩnh hơn. Chúng ta phải đặt niềm tin vào chính bản thân, vào đối tác, vào lòng nhân ái của con người - vì chúng ta không có bất cứ sự đảm bảo nào cho kết quả cuối cùng cả. Chúng ta phải ý thức là tương lai sẽ xảy ra mà không biết chính xác nó sẽ kết thúc như thế nào. Dĩ nhiên, làm được điều này thật không dễ dàng.
Có một điều thú vị là, mặc dù không có bất cứ đảm bảo nào nhưng sự thanh thản do niềm tin mang lại dường như luôn dẫn chúng ta đến những kết thúc tốt đẹp. Khi lo lắng và mất kiên nhẫn, chúng ta sẽ mất cân bằng, sẽ không thể nghe thấy những lời mách bảo khôn ngoan từ nội tâm - những lời mách bảo có khả năng dẫn dắt chúng ta vượt qua mọi thử thách. Nếu giữ vững lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể tận dụng mọi nguồn lực, cả bên trong lẫn bên ngoài để hoàn thành sứ mệnh của mình!
Luôn tin tưởng vào một kết thúc tốt đẹp không có nghĩa lúc nào chúng ta cũng quá lạc quan, lúc nào cũng ở trên mây mà quên hết những khó khăn đang tồn tại trong thực tế. Chúng ta nên thận trọng và hãy tìm kiếm những lời khuyên khôn ngoan cũng như sự hỗ trợ hữu ích khi cần thiết. Chúng ta phải can đảm đối mặt với sự thật của tình huống mà ta đang gặp phải, cho dù đó là một sự thật không như mong muốn. Và sau đó, với sự dẫn dắt của sự thật và niềm tin, chúng ta sẽ có khả năng ra những quyết định đúng đắn hơn.
Có lần, một khách hàng đến gặp tôi và hỏi: “Tôi chỉ còn đủ tiền để công ty của tôi hoạt động trong hai tuần nữa. Tôi rất tin tưởng vào sản phẩm cũng như bản thân mình. Bà nghĩ là tôi nên làm gì bây giờ?”. Hai chúng tôi nói chuyện cả một tiếng đồng hồ và tất cả những gì chúng tôi trao đổi đều nhằm mục đích củng cố lòng tin của cô, giúp cô tin rằng những khó khăn cô đang phải đối mặt rồi sẽ qua đi. Sáu tháng trôi qua, tôi không nhận được tin tức gì của cô. Đến khi gần như hết hy vọng thì tôi bất ngờ nhận được điện thoại của cô, thông báo rằng cô đã tìm được nhà phân phối và đang tiếp tục công việc một cách trôi chảy. Thật là tuyệt vời!
Tin tưởng vào một kết thúc tốt đẹp không đảm bảo với ta rằng cuộc đời sẽ tiến triển chính xác như những gì ta trông đợi. Công việc kinh doanh và những mối quan hệ vẫn có thể bị thất bại, thị trường chứng khoán vẫn lên xuống với tốc độ chóng mặt,… Dù vậy, niềm tin sẽ giúp chúng ta có dũng khí tiếp tục và nhờ đó, ta có cơ hội phát huy những nguồn lực mà ta chưa khám phá hết, hay thiết lập những tình bạn mà bình thường sẽ chẳng bao giờ ta có được hoặc có điều kiện học hỏi những kỹ năng hữu dụng…
Đó là những gì mà Sara đã nhận thấy - công việc kinh doanh có thể thất bại nhưng bản thân cô thì không. Ngược lại, cô đã học tập được rất nhiều từ những trải nghiệm, đặc biệt khi cô xem đó là cơ hội để rèn luyện tính kiên nhẫn, sự khôn ngoan, và quan trọng nhất là niềm tin. Chỉ bấy nhiêu cũng đã là một kết thúc tốt đẹp rồi!
HIỂU ĐƯỢC SỨC MẠNH CỦA THỜI GIAN
Thời gian là vị chánh án công minh nhất, còn sự kiên nhẫn là người thầy tốt nhất.
- G. Matveep
Cách đây vài tháng, chồng tôi mất việc khi công ty anh làm việc bị phá sản. Trong lúc tìm kiếm thông tin việc làm, anh tình cờ thấy một cơ hội mới thật hoàn hảo: nơi làm việc gần nhà, thời gian linh hoạt phù hợp với việc đưa đón con gái, điều kiện bảo hiểm y tế tốt và quan trọng đây là một lĩnh vực anh rất yêu thích. Người phụ nữ mà anh ấy gặp khẳng định rằng bà đang cần người giúp đỡ.
Hai người có vẻ rất ăn ý với nhau dù bà ấy chẳng hứa hẹn điều gì. Cơ cấu tổ chức trong cơ quan lớn đòi hỏi phải qua nhiều khâu xét duyệt. Bà ấy bảo có thể phải mất một tháng trước khi biết kết quả chắc chắn.
Một tháng trôi qua, chồng tôi tiếp tục tìm hiểu và vẫn chưa được giao việc. Người phụ nữ đó có gọi lại một lần và cho biết quy trình vẫn đang được thực hiện. Sau hai tháng, chồng tôi phân vân không biết có nên gửi cho bà ấy một tối hậu thư hay không, nhưng vì nghĩ rằng đây là công việc mà mình thực sự mong muốn nên anh quyết định kiên nhẫn chờ đợi. Ba tháng trôi qua, anh nhận một công việc tạm thời. Rất nhiều lần anh sốt ruột muốn bỏ cuộc, nhưng thông qua trao đổi, họ quyết định vẫn tiếp tục lạc quan. Cuối cùng, ngày hôm qua, tất cả sự kiên nhẫn đều được đền đáp, bốn tháng kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên, chồng tôi đã được nhận!
Tôi tin rằng có được công việc đó là nhờ chồng tôi đã nhớ một bài học căn bản: mọi việc đều có thời gian của nó. Hoặc như các nhà tâm lý học đã nói: “Bạn không thể đẩy dòng sông!”. Hay người bà tám mươi ba tuổi của một người bạn tôi đã dạy tôi điều khôn ngoan thế này: “Khi bị cảm lạnh, cháu có thể cuộn người trong chăn, ở yên trên giường, ăn canh gà, và bệnh sẽ khỏi trong bảy ngày. Hoặc cháu chẳng cần làm gì hết và bệnh cũng sẽ khỏi trong bảy ngày”.
Có thể bạn chưa trải qua cảm giác khó chịu khi bị cảm lạnh hay phải chờ đợi khi tìm việc, nhưng cuộc sống có đầy những tình huống mà bạn chỉ có sự lựa chọn duy nhất là phải chờ, cho dù bạn không muốn: chờ để gặp được đúng người cần gặp; chờ kết quả kiểm tra, chờ kiếm thêm tiền, chờ để biết con bạn có đạt học bổng ở trường hay không,… Có vẻ như, tất cả chúng ta đều bị buộc phải chờ đợi quá giới hạn của mình (hay bởi vì ta cho rằng nó vượt quá giới hạn!).
Khi hiểu rằng thời gian khiến ta giận dữ cũng bằng thời gian để giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ dễ dàng kiên nhẫn hơn. Chúng ta chấp nhận đầu hàng thời gian và kiên nhẫn chờ đợi với niềm tin là điều xảy đến trong tương lai sẽ tốt hơn so với việc khăng khăng làm cho nó phải diễn ra ngay lúc này. Một đứa bé phải nằm đủ chín tháng trong bụng mẹ thì mới có thể cứng cáp và đủ sức đề kháng khi chào đời. Chúng ta đâu muốn nó bị sinh non, phải không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta cứ nhìn mọi vật dưới quan điểm cố hữu rằng tất cả mọi việc phải nhanh hơn?
Càng hòa hợp bản thân với sự thật hiển nhiên là cuộc sống đang vận hành với nhịp điệu riêng của nó, chúng ta càng trở nên kiên nhẫn. Kiên nhẫn chờ đợi đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận cuộc sống diễn ra theo cách của nó và chúng ta có thể như cây liễu trong gió, bị vùi dập, bị ngả nghiêng nhưng vẫn vững vàng tồn tại và phát triển!
CÓ NHIỀU CON ĐƯỜNG ĐÚNG ĐẮN
Kiên nhẫn nghĩa là bạn có thể ca tụng cả những người phía sau bạn, không chỉ những người ở trước.
- Bill Mcglashen
Don lái xe đưa tôi đi làm. Đến gần đèn vàng, thay vì chạy nhanh lên, theo cách mọi người vẫn cố làm, thì anh dừng lại. Tôi thở dài, tiếng thở dài của những cặp vợ chồng đã chung sống với nhau lâu năm. “Tôi biết anh đang thử thách lòng kiên nhẫn của tôi, nhưng tôi sẽ không tranh cãi với anh làm gì!” – Nó có nghĩa vậy đấy bạn ạ. Đèn chuyển sang xanh, anh chạy tiếp, nhưng vẫn chậm hơn tôi lái rất nhiều. Tôi lại thở dài! Đến khi tìm chỗ đậu xe, tôi chỉ vào chỗ trống đầu tiên xuất hiện, nhưng anh lái tiếp và đến chỗ trống gần điểm đến của chúng tôi hơn. Tôi thở dài một lần nữa!
Đến chỗ làm, tôi nghĩ về những tiếng thở dài đó và hàng ngàn những tiếng thở dài khác của tôi trong suốt mười năm chúng tôi chung sống. Chẳng có gì thú vị khi cứ phải khó chịu với người mình yêu! Vậy thì vì sao điều đó lại xảy ra thường xuyên với tôi?
Thì ra bên trong tôi có một con người tên là Biết-tất-cả, hầu hết thời gian Biết-tất-cả dùng để phán xét những người thân thuộc với tôi. Và không chỉ chú ý đến những việc đáng để xem xét, như những gì thuộc về đạo lý, những nguyên tắc ứng xử trong xã hội; mà nó còn xem xét cả những việc cỏn con, như việc Don không chạy xe nhanh lên khi gặp đèn vàng! (Trong thâm tâm, tôi vẫn cho rằng đó là lúc nên chạy luôn cho kịp!) Trong khi đó, phần dịu hiền trong tôi lại muốn biện hộ cho hành động đó, nó nói: “Làm ơn cho anh ấy nghỉ ngơi một lúc”. Nhưng lúc Don dừng lại ở đèn vàng là lúc Biết-tất- cả đang chi phối tôi rất lớn, và Biết-tất-cả là một quý cô thiếu kiên nhẫn, thích mọi việc phải được thực hiện theo ý muốn của cô, theo sự sắp xếp của cô, nếu không cô sẽ bực mình!
Tôi nghĩ quý cô Biết-tất-cả có rất nhiều đồng minh. Đa phần sự không khoan nhượng và những cơn giận dữ của chúng ta đều xuất phát từ việc chúng ta bướng bỉnh tin rằng chỉ có một cách làm của ta là đúng, và phần còn lại của thế giới đã sai khi làm khác ta.
Thật ra, những người xung quanh luôn có nhiều khác biệt so với chúng ta, vậy nên dĩ nhiên họ có cách làm khác với chúng ta. Bạn nên nhớ, họ khác, chứ không tốt hơn hay xấu hơn. Càng ít phán xét hành vi của người khác, chúng ta sẽ càng hạnh phúc. Thay vì phán xét, chúng ta hãy tin tưởng vào họ, để cho họ tự giải quyết vấn đề theo cách riêng của họ. Hãy chứng tỏ cho họ thấy, chúng ta biết họ là người có khả năng, và chúng ta đánh giá cao năng lực của họ. Ngược lại, phán xét người khác chẳng những không giúp ích gì cho bạn mà còn khiến tâm hồn bạn tổn thương. Chỉ khi bạn truyền cảm xúc cho người khác để họ tự phán xét bản thân thì lúc đó mọi việc mới thực sự tốt đẹp.
Những lúc định phán xét người khác bằng con mắt chủ quan của mình, tôi luôn tự nhắc nhở rằng mình cũng không phải là người hoàn hảo. Và khi ghi nhớ như vậy, tôi có thể khiêu vũ duyên dáng hơn với chồng tôi trong nhịp điệu cho- và-nhận của một mối quan hệ yêu thương thực sự!
XEM NGHỊCH CẢNH NHƯ MỘT NGƯỜI THẦY
Bạn sẽ khám phá ra chính mình ở một bậc cao hơn sau mỗi lần vượt qua nghịch cảnh.
- Thomas Edison
Kate, bạn thân tôi, có một người chị rất khó chịu. Chị Ruth lớn hơn Kate chín tuổi nhưng từ ngày Kate sinh ra, họ chẳng bao giờ hòa thuận với nhau. Có lần, hai chúng tôi nói chuyện về những người chị em của mình. Khi Kate kể về chị Ruth, tôi chợt nhận ra nhiều điều.
“Ruth ghét và ghen tị với mình chỉ vì một lý do rất vớ vẩn và không thể tin được. Chị ấy cho rằng mình đã lấy mất tuổi thơ của chị ấy, - Kate giải thích, - và thậm chí mười lăm năm sau tình hình vẫn còn căng thẳng. Mình có thể than vãn hay phàn nàn rằng tại sao mình không có được mối quan hệ thân thiện với chị mình như những chị em may mắn khác, nhưng suy cho cùng, mình phải cảm ơn chị ấy vì đã là một giáo viên vĩ đại của mình. Bất cứ sự kiên nhẫn nào mình có được đều xuất phát từ việc mình cư xử với chị ấy. Đối với mình, việc cải thiện được mối quan hệ với chị ấy rất quan trọng nên mình đã học cách kiên nhẫn chịu đựng sự lãnh đạm của chị ấy và cho đi mà không mong đợi bất cứ một sự đáp trả ân cần nào.”
Tôi nghĩ quả thật Kate có một cách suy nghĩ và hành xử lạ thường nhưng rất đáng nể phục! Phải mở lòng đón nhận những người thử thách chúng ta, vì họ sẽ dạy ta lòng kiên nhẫn!
Tôi nhớ lại lần trò chuyện cùng Kate như thế khi đang tiếp một khách hàng và nói với anh rằng tôi đang viết một cuốn sách về lòng kiên nhẫn. “Ồ, thật vậy sao! – Anh ấy tỏ ra rất hào hứng. – Tôi có một cô con gái đang độ tuổi thiếu niên. Cháu tên là Tina. Thật không may là Tina có chút vấn đề trong việc tiếp thu những bài học ở trường. Chị biết không, tôi đã luôn cầu nguyện để có thể trở nên kiên nhẫn hơn. Và Chúa đã đáp lại nguyện vọng của tôi, Ngài gửi Tina cho tôi! Vậy thì phải bắt đầu thôi, tôi phải học và rèn tính kiên nhẫn!”.
Rõ ràng là, khi xem những người đang gây khó khăn cho chúng ta như những người thầy chứ không phải là những gánh nặng, thì ngay lập tức, chúng ta sẽ thấy tính kiên nhẫn của mình tiến triển rõ rệt. Nhưng không phải chỉ biết cắn răng chịu đựng, chúng ta nên nhận biết rằng mình đang học được những bài học đáng giá từ tình huống đó. Chúng ta học cách yêu thương và mở lòng với mọi người, học cách xóa bỏ dần những giới hạn. Viễn cảnh tốt đẹp đó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và thanh thản hơn rất nhiều. Làm như vậy dù sao cũng tốt hơn việc cố kháng cự lại những gì đang xảy ra với mình. Chúng ta sử dụng nghịch cảnh như công cụ để trở nên hiểu biết hơn, nhân ái hơn, thay vì bị nghịch cảnh biến thành những con người cay đắng, bần tiện.
Có một câu chuyện ngụ ngôn của Tây Tạng như sau: Một vị tăng thiền định trong một cái hang trên núi cao. Ngày nọ, có một người chăn gia súc đi qua ngạc nhiên hỏi vị tăng: “Ông làm gì một mình ở đây vậy?”. “Thiền định trong kiên nhẫn.” - Vị tăng trả lời. Nghe vậy, người chăn gia súc bỏ đi nhưng không quên la lớn một câu: “Ông chỉ có thể tới địa ngục mà thôi!”. “Ồ vậy hả, - vị tăng tức giận đáp lại. - Ông xuống địa ngục thì có!” Người chăn gia súc đã cười ngặt nghẽo suốt quãng đường xuống núi.
Câu chuyện chứng tỏ việc trau dồi kiên nhẫn sẽ chẳng có ý nghĩa gì trừ khi chúng ta biết sử dụng nó khi cần. Người chăn gia súc quả thật là một người thầy vĩ đại. Ông đã chỉ cho vị tăng thấy những hiểu biết của vị tăng chỉ là lý thuyết mà thôi. Nếu vị tăng có thể sáng suốt nhận ra người chăn gia súc là thầy thì ông rất có thể tìm thấy con đường dẫn tới sự khai sáng.
Bằng việc mở rộng tấm lòng với những người, những sự việc dường như đang cố tình thử thách, trêu ngươi, chúng ta sẽ trở nên mềm mỏng và hiểu được giá trị của những nghịch cảnh. Khi đó, nghịch cảnh trở thành những cơ hội thú vị để chúng ta phát triển bản thân mình. Nếu nhận thức được như vậy thì từ đây, chúng ta thật sự có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống cho dù có xảy ra điều gì đi nữa.
BIẾT KHI NÀO CẦN CHỜ ĐỢI VÀ KHI NÀO HÀNH ĐỘNG
Nếu có một tính cách để xác định rõ ràng ranh giới giữa một người đàn ông và một cậu nhóc, thì đó chỉ có thể là tính kiên nhẫn.
- Lance Armstrong
Lance Armstrong là một vận động viên đua xe đạp vĩ đại - điều này không có gì phải bàn cãi. Thể chất của anh hoàn toàn phù hợp cho việc chơi thể thao: anh có một trái tim lớn và khỏe hơn bình thường, cho phép máu anh bơm nhiều oxy và bơm nhanh hơn đối thủ. Anh có sức bền, có lòng quyết tâm và khả năng chịu đựng bền bỉ những thiếu thốn vật chất. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, như anh có đề cập đến trong quyển tự truyện It’s Not About the Bike (Không phải chuyện đua xe), rằng anh đã không thể chiến thắng cuộc đua xe đạp quan trọng nhất thế giới - cuộc đua Tour de France kéo dài trong ba tuần - nếu anh không học được cách chờ đợi!
“Nếu bạn tham dự cuộc đua Vòng quanh nước Pháp với tâm trạng như một tay đua cự ly ngắn: xuất phát tốt và chiến thắng trong căng thẳng, nóng nảy hạ gục từng đối thủ một…, bạn sẽ bỏ cuộc sau hai ngày. Những cuộc đua dài ngày đòi hỏi phải có cái nhìn xa hơn. Nó là sự tập trung cao độ để phát huy những nguồn lực thích hợp vào những lúc cần thiết, kiên nhẫn nuôi dưỡng sức mạnh để sử dụng vào những khi thật sự quan trọng, và không phí một tí sức lực vào bất cứ một cử động thừa nào.”
Lance đua ở những cuộc đua khốc liệt của châu Âu được gần năm năm trước khi anh bắt đầu học cách kiên nhẫn chờ đợi. Tuy huấn luyện viên nhắc đi nhắc lại rằng anh phải biết chậm lại để dưỡng sức, nhưng như anh thú nhận: “Tôi chỉ đua một cách khôn ngoan giữ sức như vậy được một lúc rồi cũng trở lại cách đua cũ. Tôi không thể nào nhét vào đầu mình cái ý tưởng là để chiến thắng thì mình phải chạy chậm hơn vào lúc bắt đầu. Phải cần thời gian để tôi quen với khái niệm: Kiên nhẫn khác với việc yếu thế”.
Sau đó, anh biết tin mình bị ung thư tinh hoàn và gần như không còn cơ hội sống. Và trong lúc chiến đấu với căn bệnh - cũng hăng hái một cách phi thường như khi đua xe - kinh nghiệm đã hoàn thiện con người anh hơn. Anh đã học được giá trị của sự chờ đợi. Và sau đó, anh không những chiến thắng được bệnh tật, mà còn xuất sắc tiếp tục chiến thắng thêm bốn lần nữa ở giải đua Vòng quanh nước Pháp!
Giống như Lance Armstrong lúc trẻ, một điều luôn làm tôi lo lắng đó là kiên nhẫn có bị xem là trạng thái thụ động không. Khi nào nên chờ đợi để đạt được kết quả mong muốn và khi nào thì không nên? Khi nào tôi đang kiên nhẫn hợp lý và khi nào tôi bị người nào đó vượt qua mình?
Những người mà tôi khâm phục tính kiên nhẫn dường như đều nắm rất rõ thời điểm thích hợp. Họ biết khi nào cần chờ đợi và khi nào hành động, và họ tin vào quyết định của bản thân mình. Mỗi chúng ta đều có khuynh hướng tự nhiên là hối hả hoặc chờ đợi, trừ những việc buộc ta phải lưu ý thời điểm chính xác. Khuynh hướng của Lance khi còn trẻ là cố đạp thật nhanh, và sau đó là thiếu sức cho những chặng đường dài. Tuy nhiên, bạn cũng đừng là người chờ đợi quá lâu để rồi bỏ mất cơ hội tới đích!
Không có một vị thần vĩ đại nào từ trên trời cao có thể nói cho chúng ta biết chính xác khoảng thời gian thích hợp để chờ đợi một ai đó hoặc một điều gì đó. Nhưng nếu chúng ta nhớ rằng mình luôn có thời gian để chờ đợi và có thời gian để tăng tốc, thì chắc chắn suy nghĩ sáng suốt đó sẽ hình thành cho ta một điểm dừng, nơi mà tất cả sự thông minh, trực giác cũng như sự hợp lý của chúng ta đều có thể góp vào tiếng nói quyết định.
Kiên nhẫn chính là xây dựng niềm tin vào cảm giác của chúng ta về thời điểm chính xác để hành động. Barry Boyce viết trong tác phẩm Shambhala Sun như sau: “Kiên nhẫn và thời điểm có sự kết hợp chặt chẽ với nhau. Những hành động kiên nhẫn, mà đôi khi chúng ta vẫn xem như một sự khổ cực mà mình phải gánh chịu, lại thường đem đến những kết quả không ngờ. Khi chúng ta ngừng quan sát ấm nước một cách sốt ruột, chúng ta lại thấy nó sôi rất đúng lúc!”.
NHẬN THỨC ĐƯỢC GIỚI HẠN
Con người khác nhau về nhiều thứ. Một số có thể chịu đựng những điều người khác không thể.
- Ann Petry
Trong vòng hai năm qua, tôi đã có một thử thách thực sự cho lòng kiên nhẫn. Tôi quyết định bán nhà xuất bản của mình. Lúc đó xuất hiện một khách hàng tiềm năng rất quan tâm đến việc này. Nếu ông ấy mua, tôi sẽ sung túc suốt phần đời còn lại của mình và ngược lại, chắc tôi sẽ phải tuyên bố phá sản!
Mặc dù công việc vẫn tiến triển nhưng ông ấy xem xét mọi việc kỹ lưỡng đến nỗi làm tôi sốt ruột. Thỉnh thoảng tôi gọi điện cho ông và hỏi xem tôi có thể giúp gì để công việc nhanh hơn không, và ông ấy bảo đảm với tôi là ông vẫn đang cố gắng hết sức. Vào thời điểm đó tôi không có người mua nào khác; những khách hàng khác đã dần thoái lui khi chúng tôi chấp nhận lời đề nghị của người này. Tất cả những gì tôi có thể làm trong chín tháng đằng đẵng đó là chờ đợi cho tới khi ông hoàn tất quy trình kiểm tra và quyết định.
Tôi thường bị thức giấc lúc nửa đêm và không thể ngủ lại được. Tôi nằm trằn trọc suy nghĩ, một là tôi phá sản, hai là tôi sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng về tiền bạc nữa. Nếu bạn đang bị giằng xé giữa hai khả năng: một tai họa và một cơ hội vĩ đại, thì dường như sự lựa chọn tốt nhất vẫn là chờ đợi.
Tôi lo ngại rằng phản xạ chờ đợi của tôi không còn hoạt động chính xác. Có những việc tôi có thể chờ đợi năm này qua năm khác, nhưng có những việc tôi không thể chờ, dù chỉ vài giây. Tuy nhiên, như lời nhận xét của Ann Petry ở trên, tôi không thể nói cho bạn biết điều gì là cần thiết cho bạn vì tôi không phải là bạn. Chỉ có bạn mới có thể quyết định thời khắc đó.
Thỉnh thoảng, tôi cũng đặt ra cho mình một giới hạn cuối cùng như: tôi sẽ làm việc này trong sáu tháng và sau đó sẽ đánh giá lại tình hình. (Tôi có một người bạn liên kết làm ăn, cô có một quy tắc gọi là quy tắc “ba lần họp”: Nếu không có gì tiến triển trong vòng ba lần thảo luận, cô ấy sẽ từ bỏ việc đó). Những lần khác, tôi sử dụng tín hiệu dự báo. Nếu tôi bắt đầu thấy phẫn nộ với một điều gì đó, có lẽ đó là lúc để tôi nói “không tiếp tục nữa”.
Nhưng có rất nhiều tình huống đòi hỏi kiên nhẫn chỉ có thể dựa trên những gì chúng ta cảm nhận mà không có một sự bảo đảm chính xác và thời gian cụ thể nào cả. Đây là phạm vi đòi hỏi sự tinh tế. Có thể chúng ta chỉ phải chờ đợi thêm một ngày, một tuần, hay đơn giản là thử làm thêm một điều gì đó nữa thôi. Chẳng phải trong sách (như quyển này chẳng hạn!) luôn chứa đựng những câu chuyện về những người gặp nghịch cảnh, xử sự hợp lý và cuối cùng đã thành công đó sao!
Tôi có đọc một mẩu chuyện vui như sau: Một cặp vợ chồng lớn tuổi đang thu xếp để ly dị. Vị quan tòa nhìn họ và nói: “Ý ông bà là ông bà chấp nhận thua cuộc sau sáu mươi lăm năm chung sống ư?” Người vợ trả lời: “Thưa ngài, vừa đủ để biết là đủ rồi!”.
Còn kết cục câu chuyện chờ đợi của tôi là gì? Người đàn ông đó đã không mua lại việc kinh doanh của tôi! Thật đáng tiếc phải không. Nhưng rốt cuộc cũng có một người mua khác và tôi không phá sản cũng không giàu. Nhưng tôi đã học được bài học lớn về lòng kiên nhẫn. Giờ đây tôi hoàn toàn tự tin mình được trang bị tốt hơn để có thể sử dụng lòng kiên nhẫn bất cứ khi nào mình cần.
NHẬN THỨC RÕ RÀNG VỀ HIỆN TẠI
Hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai. Chỉ có hôm nay là hiện tại, là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta.
- Khuyết danh
Tôi muốn giới thiệu với các bạn cuộc đời của Eckhart Tolle, người được xem như một người thầy về tâm linh. Ông đã từng sống một thời gian dài trong tâm trạng cực kỳ lo âu, chán nản và trầm uất, đến nỗi nhiều lần ông đã nghĩ đến việc tự tử. Thế rồi vào sinh nhật lần thứ hai mươi chín, một câu chuyện xảy ra “với sự hiện diện của an lạc tuyệt vời” đã làm thay đổi cả cuộc đời Eckhart Tolle, và ảnh hưởng sâu rộng của nó vẫn tiếp tục duy trì đến ngày hôm nay. Ông đã viết lại tất cả trong cuốn tự truyện nổi tiếng The Power of Now(*) của ông.
(*) First News đã xuất bản với tựa Sức mạnh của hiện tại
“Từ trong sâu thẳm, thật sự khoảnh khắc hiện tại là tất cả những gì mà bạn từng có.” - Ông viết. Bất cứ nỗi đau khổ hay mâu thuẫn nào mà chúng ta cảm thấy cũng “luôn luôn là dạng nào đó của việc không chấp nhận, hay chống cự lại điều gì đó… Bạn không muốn cái bạn đang có, nhưng lại muốn cái bạn không có”. Khi bạn tiếp nhận khoảnh khắc hiện tại như chính bản thân nó thì sẽ chẳng có vấn đề gì: “Khi phải đối diện với những tình huống khó khăn thì bạn, hoặc là xử lý ngay, hoặc bỏ qua và chấp nhận nó như là một phần của 'thực tại' cho đến khi nó thay đổi, hay ít nhất là cho tới khi ta có đủ khả năng và tự tin để xử lý”.
Từng từ của Tolle đều có tác động sâu sắc đối với những người đi tìm sự kiên nhẫn. Hãy nghĩ về lần gần nhất mà bạn mất kiên nhẫn. Có phải vì một điều gì đó lại xảy ra, chẳng hạn: Một lần nữa anh ấy lại bỏ ra khỏi phòng giữa lúc bạn đang nói? Hay cô ấy lại quên thanh toán các hóa đơn? Hay bạn lại là người phải dọn dẹp đống bừa bộn trong nhà?…
Ở một khía cạnh khác, có thể việc thiếu kiên nhẫn của bạn bắt nguồn từ sự lo lắng và không tin tưởng vào tương lai - có lẽ bạn sẽ không hoàn thành công việc đúng thời hạn hay những giấc mơ của bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực… Có thể nói, cho dù thế nào thì sự mất kiên nhẫn của bạn cũng là biểu hiện của việc bạn đã bước ra khỏi hiện tại và để tâm trí buồn phiền cho quá khứ hay lo lắng về tương lai.
Đó là lý do tại sao một trong những thái độ thích hợp nhất để có được sự kiên nhẫn là phải có nhận thức rõ ràng về hiện tại: Đây, tôi đang ở tại khoảnh khắc này - khoảnh khắc này chưa bao giờ xảy ra và cũng sẽ không bao giờ trở lại! Sự thiếu kiên nhẫn xảy ra luôn luôn vì những điều trong quá khứ (“Việc này trước đây đã xảy ra không biết bao nhiêu lần!”), hoặc vì những điều trong tương lai (“Khi nào thì điều tôi mong đợi sẽ đến?”). Khi bạn ở hiện tại nghĩa là bạn đang đối diện với những vấn đề của thực tại, nơi mà sự việc tất yếu sẽ xảy ra như nó vốn thế.
Khi thật sự ý thức được mình đang sống trong khoảnh khắc hiện tại, chúng ta sẽ không cảm thấy lo lắng nữa. Không có gì để phải căng thẳng, chờ đợi hay chạy trốn. Chỉ đơn giản là chúng ta đang sống với thực tại của mình (đang nhích giữa dòng xe cộ trong một ngày chủ nhật đầy mưa, lắng nghe tiếng ồn của máy bay ở trên đầu, ngồi trước máy tính đọc e-mail, nấu bữa tối,…).
Kiên nhẫn là bằng lòng với hiện tại chính xác như những gì mà nó đang diễn ra. Cho dù có lúc chúng ta ước ao, hy vọng hay thậm chí cầu nguyện rằng một ngày nào đó nó sẽ thay đổi thì lòng kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc và mãn nguyện trong hiện tại như nó có thể.
Sẽ rất dễ dàng để bằng lòng với hiện tại nếu cuộc sống diễn ra một cách tốt đẹp. Nhưng nếu chúng ta đang phải sống trong nghịch cảnh thì việc có bằng lòng hay không là điều ta không thể chắc chắn được. Nhà thần học Dietrich Bonhoeffer hiểu rất rõ điều này. Trong tác phẩm viết vào quãng thời gian bị bọn Phát xít Đức cầm tù, Letters and Papers from Prison, ông khẳng định: “Việc chấp nhận hiện tại là dấu hiệu trưởng thành của một người đàn ông so với một cậu bé, chứng tỏ anh ta đã tìm thấy mục đích của mình ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào anh ta tình cờ hiện diện”.
Mỗi người chúng ta đều có cách riêng để đối diện với khoảnh khắc này. Trong quyển tiểu thuyết Island của Aldous Huxley, những con vẹt sặc sỡ đã được dạy để luôn miệng kêu: “Chú ý! Ở đây và ngay bây giờ. Chú ý! Ở đây và ngay bây giờ” để nhắc nhở những người dân đảo ghi nhớ tầm quan trọng của thực tại.
Không cần một con vẹt như thế, bạn có thể thử một phương pháp đơn giản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như sau: Khi thở, bạn hãy tự nhủ: “Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra”. Khi làm được như vậy bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên về cảm giác an lạc và kiên nhẫn mà bạn cảm thấy được trong những giây phút tĩnh lặng đó. Từ những ý nghĩ an lành này, chúng ta sẽ chuẩn bị được một tinh thần lạc quan, điềm tĩnh để luôn sẵn sàng chào đón cuộc đời như nó đang xảy ra, từng phút từng phút một.