“Gia đình không chỉ là một mái nhà trong đó có trẻ con, đàn ông, phụ nữ, chó mèo và những cơn cảm cúm thông thường.”
- Ogden Nash (1902-1971), nhà văn người Mỹ
Trong buổi ăn tối mừng lễ Tạ ơn với các thành viên trong gia đình, ông bố thường ngày rất kiên nhẫn nhưng cuối cùng không thể giữ được bình tĩnh khi mọi người liên tục tranh cãi nhau.
- Ai cũng cho mình là đúng, vậy còn ta thì sao? Khi nào mới đến lượt ta đưa ra ý kiến đây?
Cô con gái nhỏ đang ngồi bên cạnh khẽ níu tay áo ông và thì thầm:
- Dễ thôi mà bố! Chỉ cần bố khóc ré lên là được!
Để con cái biết nghe lời
“Hãy cư xử tốt với bọn trẻ để chúng không bỏ bạn mà đi.”
- Steven Wright, nghệ sĩ hài người Mỹ
Art Linkletter - người dẫn chương trình truyền hình Kids Say the Darndest Things (Trẻ con nói điều hay) của thập niên 1950, nói rằng ông khám phá ra bí quyết giúp ông luôn được trẻ con yêu mến, đó là ông luôn lắng nghe lời chúng nói; ông làm chúng mỉm cười và cảm thấy mình là người quan trọng.
Bạn cũng sẽ có được sự yêu mến của trẻ con nếu biết cách ứng xử khéo léo với chúng. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn:
1. Mỉm cười và tỏ thái độ hứng thú với những gì bọn trẻ nói hoặc làm. Hãy hỏi:
“Các cháu đang làm gì thế (xây, vẽ, chơi...)?”
2. Tìm hiểu những suy nghĩ, cảm giác của chúng về những việc chúng quan tâm. Bọn trẻ sẽ rất thích thú nếu được bày tỏ những ý nghĩ của mình. Hãy hỏi:
“Con nghĩ thế nào về quyển Harry Potter mới ra (hoặc bộ phim, trò chơi video...). Con thích (hay không thích) nào?”
“Con thích nhất điều gì...?”
“Con thích làm gì nhất sau khi đi học về và làm xong bài tập?”
3. Thường xuyên khen ngợi những việc làm tốt của trẻ, chẳng hạn:
“Con thật giỏi khi...”
“Con thật sự là một tài năng về...”
4. Cũng giống như người lớn, trẻ con luôn vui vẻ làm theo những gì bạn nói nếu chúng cảm thấy được bạn tôn trọng và đối xử tốt. Hãy nói:
“Con giúp bố/mẹ... nhé” và “Bố/mẹ cảm ơn con nhiều vì...”
“Con rất giỏi vì đã giúp bố/mẹ. Cảm ơn con nhiều nhé!”
5. Đặt ra những quy định hợp lý và khuyến khích bọn trẻ thực hiện.
Đôi khi, bọn trẻ sẽ không đồng tình với những quy định của người lớn. Bởi vậy, người lớn nên đặt ra cho trẻ những giới hạn và quy định vừa phải, hợp lý. Hãy nói:
“Con đã hiểu rõ quy định rồi. Vậy hãy làm theo nhé!”
“Chúng ta thỏa thuận là con sẽ chỉ... sau khi...”
6. Thừa nhận sai lầm và xin lỗi nếu bạn phạm lỗi với con trẻ.
Đừng tưởng rằng trẻ nhỏ không nhận ra lỗi lầm của người lớn. Vì vậy, hãy chứng tỏ rằng bạn là người biết chấp nhận và sửa chữa sai lầm nếu bạn mắc lỗi, đặc biệt khi lỗi đó có liên quan đến bọn trẻ. Chúng sẽ tôn trọng bạn hơn và lấy bạn làm gương để noi theo. Hãy nói:
“Bố/mẹ không nên rầy la con về... Bố/mẹ đã sai, bố/mẹ xin lỗi con!”
“Bố/mẹ xin lỗi vì đã giận dữ với con.”
“Bố/mẹ đã sai khi bắt lỗi con về...”
7. Trò chuyện với bọn trẻ khi cần thiết để cân nhắc những ý kiến cũng như suy nghĩ của chúng. Hãy đặt ra những câu hỏi như:
“Vậy con dự định sẽ giải quyết chuyện này như thế nào?”
“Nếu con là giáo viên, con sẽ nói gì đối với một học sinh...?”
“Con có quyền lựa chọn, bố/mẹ sẽ ủng hộ nếu thấy điều đó là hợp lý. Con đã cân nhắc những thuận lợi và khó khăn có thể gặp phải trước lựa chọn ấy hay chưa?”
Sự tôn trọng của bạn sẽ tạo nên lòng tự trọng nơi con trẻ
Cách giao tiếp của bạn đối với con trẻ sẽ góp phần củng cố hoặc làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Nếu bạn tôn trọng trẻ, chúng cũng sẽ tôn trọng bạn. Việc thể hiện sự tôn trọng đối với những ý kiến của con trẻ, ngay cả khi những ý kiến đó khác với suy nghĩ của bạn sẽ khiến chúng lưu tâm, cân nhắc những điều bạn nói. Tránh rầy la hoặc đưa ra những nhận xét khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương hoặc sụp đổ lòng tin.
• Không nên nói: “Con không nên cảm thấy như thế!”.
Hãy nói: “Bố/mẹ cũng từng có cảm giác như vậy”.
• Không nên nói: “Thật lố bịch!”.
Hãy nói: “Sao con lại có cảm giác như vậy?”.
• Không nên nói: “Đây là điều ngu ngốc nhất mà bố/mẹ từng nghe”.
Hãy nói: “Nghe thật sáng tạo (mới lạ, khác biệt) đấy”.
• Không nên nói: “Con nên tìm bạn khác tốt hơn đi”.
Hãy nói: “Không nên để bạn bè quyết định giúp con như vậy”.
• Không nên nói: “Sao con ngu ngốc thế?”.
Hãy nói: “Ai cũng mắc sai lầm. Con hãy rút kinh nghiệm cho lần sau nhé”.
• Không nên nói: “Điều gì khiến con nghĩ con sẽ thành công trong việc...?”.
Hãy nói: “Một số người không được ai nghĩ là họ sẽ giỏi trong việc... nhưng cuối cùng họ lại rất thành công trong lĩnh vực ấy đấy!”.
• Không nên nói: “Con không hề giỏi giang trong việc...”.
Hãy nói: “Hãy cố gắng và xem kết quả thế nào, sau đó con hãy quyết định có tiếp tục hay không”.
• Không nên nói: “Con không biết con đang nói gì đâu”.
Hãy nói: “Con có thể bảo vệ chính kiến của mình không, hay con chỉ đang muốn bày tỏ ý kiến chủ quan của mình?”.
• Không nên nói: “Con là kẻ thất bại”.
Hãy nói: “Nếu muốn thành công, con cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Đừng từ bỏ, hãy tiếp tục cố gắng và con sẽ thấy con có thể làm được”.
Những lời nói của bạn luôn có sức ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Nếu biết trò chuyện với chúng như những người lớn với nhau, bạn sẽ tạo dựng được sự tôn trọng và niềm tin vững bền trong mối quan hệ bố mẹ - con cái.
Lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh bảo thủ
Bố mẹ hoặc họ hàng bên phía chồng/vợ có thể là nguyên nhân đưa đến những chuyện cười ra nước mắt khi họ luôn cố tạo áp lực để vợ chồng bạn làm theo ý muốn của họ. Vấn đề nằm ở chỗ nếu bạn phản đối, họ sẽ cho rằng bạn là kẻ vô ơn, nhưng nếu bạn nhẫn nhịn làm theo mọi đề xuất của họ, họ sẽ cố gắng kiểm soát cuộc sống của bạn nhiều hơn nữa, từ chuyện nhà cửa đến việc nuôi dạy con, thậm chí ngay cả đến những loại thực phẩm gia đình bạn đang sử dụng. Vậy làm thế nào bạn có thể dung hòa tính cố chấp của bố mẹ ?
Tốt nhất, bạn không nên gây ra bất kỳ sự xung đột nào trong gia đình. Hãy hành xử tế nhị và biết khi nào thì nên lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình. Ba bí quyết sau sẽ giúp bạn chiến thắng những bậc phụ huynh hay những người họ hàng khó tính, bảo thủ.
Bí quyết 1: Chọn lựa chiến thuật phù hợp
Nếu không biết đưa ra chính kiến rõ ràng, rất có thể bố mẹ hoặc những người họ hàng bên phía nhà chồng/nhà vợ của bạn sẽ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc sống riêng tư của bạn. Cách tốt nhất là bạn không nên tranh cãi về tất cả những gì họ muốn bạn làm theo vì dù bạn có giành phần thắng chăng nữa thì vấn đề cũng chẳng mấy sáng sủa hơn. (Đừng nghĩ rằng hôn nhân của bạn sẽ vẫn tốt đẹp nếu bạn không có mối quan hệ tốt với bố mẹ và những người họ hàng). Vì vậy, bạn nên nhẹ nhàng tiếp thu ý kiến của họ, dành cho họ sự tin tưởng và tôn trọng mà họ mong muốn, sau đó hãy xem xét và sắp xếp lại mọi việc theo cách của bạn.
Bí quyết 2: Không tranh cãi, hãy lắng nghe
Hầu hết cha mẹ nào cũng muốn khẳng định rằng mình là người đi trước và dĩ nhiên có kinh nghiệm hơn con cái. Họ cảm thấy mình có giá trị khi giúp con cái làm được những điều chúng mong muốn (hoặc những điều họ cho rằng con cái mong muốn). Bởi vậy, nếu bạn phản ứng gay gắt với cha mẹ, chẳng hạn nói rằng “Cha mẹ hãy tự lo chuyện của mình đi!”, họ sẽ tức giận và bị tổn thương ghê gớm.
Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bạn hãy ngừng lại giây lát sau khi lắng nghe lời chỉ dạy của họ. Hãy hít thở thật sâu, sau đó nhìn thẳng vào mắt họ và nói:
“Con đang nghe đây, bố/mẹ cứ nói tiếp đi.”
“Ý tưởng thú vị thật! Bố/mẹ dự định sẽ triển khai như thế nào?”
“Bố/mẹ sẽ làm gì tiếp theo để giải quyết tình huống này?”
“Vậy bước tiếp theo là gì?”
“Điều đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch... của chúng ta?”
Nếu bạn thật sự muốn ghi điểm trước mặt bố mẹ hoặc những người họ hàng phía nhà vợ/nhà chồng, hãy nói:
“Con có thể hỏi xin ý kiến của bố/mẹ không?”
Với những câu nói trên, bạn sẽ thấy nụ cười lập tức xuất hiện trên gương mặt của bố mẹ và mọi khoảng cách đều được xóa bỏ. Lắng nghe cũng là cách giúp bạn nhìn lại và quyết định xem lời đề nghị ấy có thiết thực hay không. Xét cho cùng, bố mẹ luôn là người muốn đưa lại cho bạn những lời khuyên bổ ích và giúp bạn giải quyết vấn đề. Vì vậy, sẽ không hay chút nào nếu bạn bỏ ngoài tai mọi điều họ nói. Hãy trân trọng những lời khuyên của bố mẹ, bởi điều đó khiến họ cảm thấy vui và được tôn trọng. Chỉ cần bạn không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ và không nên để bố mẹ kiểm soát cuộc sống của bạn là được rồi.
Bí quyết 3: Xem xét vấn đề và tự mình đưa ra quyết định
Để vượt qua các bậc nhạc gia muốn làm chủ cuộc sống của bạn, bạn và chồng/vợ cần thẳng thắn đưa ra quyết định cho riêng mình và sẵn sàng chấp nhận mọi hệ quả từ những quyết định đó. Không nên e ngại khi phải bày tỏ những điều bạn nghĩ, nhưng hãy cư xử một cách khéo léo và tế nhị. Bạn có thể nói với họ rằng bạn trân trọng những lời khuyên và sự giúp đỡ của họ như sau:
“Con cảm ơn vì bố mẹ đã chia sẻ suy nghĩ cùng chúng con. Khi nào chúng con quyết định, chúng con sẽ thông báo cho bố mẹ biết.”
“Cuộc trò chuyện với bố mẹ đã giúp ích cho chúng con rất nhiều, con rất cảm ơn vì điều này. Tạm thời chúng con vẫn chưa quyết định, nhưng chúng con sẽ sớm cho bố mẹ biết.”
“Chúng con rất tâm đắc ý kiến của bố mẹ về... nhưng chúng con không chắc... sẽ phù hợp với kế hoạch này. Chúng con sẽ suy nghĩ thêm về những điều gia đình ta đã bàn luận.”
Bạn cần chuẩn bị tinh thần đón nhận thêm nhiều áp lực từ phía bố mẹ và họ hàng một khi bạn trì hoãn đưa ra quyết định, tuy nhiên bạn không nên nghe theo mọi lời khuyên của họ hoặc chọn lựa một quyết định khiến họ phật ý. Bạn có thể nói:
“Chúng con rất trân trọng những lời khuyên của bố mẹ, nhưng dù sao, chúng con cũng sẽ làm những điều mà chúng con nghĩ là tốt nhất.”
Ngôn từ hàn gắn
Những rạn nứt tình cảm trong gia đình sẽ khiến các thành viên cảm thấy không thoải mái, đó là chưa kể chúng là nguyên nhân gây ra nhiều tổn thương cho nhau. Mọi người cần nhẫn nhịn, nhún nhường để chấp nhận lỗi lầm của mình và lên tiếng xin lỗi. Cũng như thế, chấp nhận lời xin lỗi của các thành viên trong gia đình cho thấy bạn là người biết khoan dung và tha thứ. Bạn hoàn toàn có thể là người giúp gia đình có lại bầu không khí ấm áp, vui vẻ như xưa. Hãy nói rằng:
“Tôi không nghĩ gia đình ta lại bất hòa chỉ vì chúng ta bất đồng quan điểm, phải không?”
“Tôi sẽ cho qua mọi chuyện, và tôi hy vọng anh cũng như thế.”
“Tôi thừa nhận tôi đã sai. Tôi thành thật xin lỗi.”
“Hãy quyết định mọi chuyện đúng - sai và chấm dứt ở đây.”
“Tôi hy vọng chúng ta sẽ để mọi thứ lại phía sau.”
Cư xử đối với các bậc cao tuổi
Trò chuyện với các bậc cao tuổi sẽ thử thách khả năng thuyết phục và lòng kiên nhẫn của bạn. Dưới đây là những điều bạn nên lưu ý khi giao tiếp với họ.
Nên:
• Dành thời gian bên cạnh cha mẹ già để hiểu tâm lý & cuộc sống của họ.
• Trò chuyện với một người bạn của cha mẹ, một người họ hàng hoặc bác sĩ để tìm hiểu tình hình sức khỏe, nếp sinh hoạt của cha mẹ.
• Bày tỏ những lo lắng của bạn với cha mẹ trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
• Kiên nhẫn và dành thời gian để cha mẹ cân nhắc những đề xuất của bạn trước khi họ ra quyết định.
• Bình tĩnh và giữ giọng ôn hòa khi trò chuyện, đừng bao giờ tỏ ra chiếu cố với họ.
• Giải thích với các thành viên trong gia đình rằng mọi người cần phải điều chỉnh sinh hoạt cá nhân đôi chút vì nếp sống của bố mẹ đã thay đổi.
Không nên:
• Phản ứng tiêu cực khi họ không đồng thuận với đề xuất của bạn.
• Lên giọng hoặc ngắt lời cha mẹ.
• Nghĩ rằng cha mẹ sẽ ghi nhớ tất cả những gì bạn nói.
• Sử dụng những ngôn từ thô lỗ hoặc thiếu tôn trọng.
• Đe dọa sử dụng những biện pháp cứng rắn để ép buộc cha mẹ làm những điều trái với mong muốn của họ.
• Mong cha mẹ bạn sẽ thay đổi thói quen.
Những điều không nên nói trong các buổi họp mặt gia đình
“Anh thấy chiếc đồng hồ này chứ? Nó là một chiếc đồng hồ bằng vàng có kiểu dáng rất thanh nhã, ông tôi đã bán nó cho tôi ngay trước lúc ông qua đời đấy!”
- Woody Allen, nghệ sĩ hài người Mỹ
Tại bàn tiếp tân của một đám cưới, cha của cô dâu đang bắt tay và nói lời cảm ơn những vị khách và họ hàng vì đã đến chia vui cùng con gái ông. Đột nhiên, ông nhận ra rằng mình đang trò chuyện cùng mẹ của chú rể và đây là lần thứ hai. Mẹ chú rể cười nói:
- Nhưng anh đã chúc ngủ ngon với tôi rồi mà!
- Vâng, tôi đã nói rồi, nhưng tôi luôn thấy vui mỗi khi nói lời chào tạm biệt chị. – Cha cô dâu trả lời.
Những dịp họp mặt gia đình như tiệc sinh nhật, tiệc cưới, bữa ăn cuối tuần hay lễ tang là những dịp bạn cần cân nhắc lời nói của mình. Sau đây là những điều bạn không nên đề cập đến trong một số tình huống cụ thể:
Tại tiệc sinh nhật:
“Chị đẹp quá! Chị vừa giải phẫu thẩm mỹ à?”
“Giờ thì chị đã có tuổi rồi đấy, chị có cảm thấy mình gặp khó khăn với việc...?”
“Chị lên cân phải không?”
“Thực sự là năm nay chị bao nhiêu tuổi nhỉ?”
Tại bữa ăn gia đình:
“Em yêu, em có nhiều tài năng, ngoại trừ chuyện nấu nướng.”
“Xin lỗi, chúng tôi phải về sớm. Chúng tôi muốn ghé thăm vài người bạn.”
“Tôi đã ăn món này ở đâu đó.”
“Tôi nghĩ anh biết tôi dị ứng với món...”
“Lại thịt nữa à?”
“Tôi từng có vấn đề khi ăn món... nhưng tôi nghĩ lần này có lẽ không sao.”
Tại tiệc cưới:
“Tôi hy vọng cuộc hôn nhân này sẽ kéo dài lâu hơn cuộc hôn nhân trước đó của anh/chị.”
“Cảm ơn vì đã tặng cho đôi trẻ chiếc hộp bằng bạc thật đẹp. Tiếc là hai đứa đã có đến ba chiếc hộp như vậy rồi. Anh sẽ không phiền nếu chúng tôi gửi lại anh chứ?”
“Chồng/vợ cũ của anh ấy/cô ấy trông đẹp hơn và cũng giàu có hơn nhiều.”
“Tôi tự hỏi liệu cô ấy/anh ấy có biết rằng...”
Tại lễ tang:
“Đây là thời điểm tốt nhất để ông ấy/bà ấy ra đi.”
“Rồi anh sẽ lại kết hôn (và có con,…).”
“Bệnh của chồng/vợ tôi còn nặng hơn thế này.”
“Anh nghĩ chiếc quan tài này giá bao nhiêu?”
“Tôi hy vọng ông ấy để lại cho anh một gia tài lớn.”
“Lễ tang luôn là dịp để mọi người lãng phí thời gian và những bông hoa đẹp.”
Những điều bạn nói trong các buổi họp mặt gia đình có thể gây cười, tuy nhiên nếu không cẩn thận, chúng sẽ gây xung đột, thậm chí làm rạn nứt tình cảm gia đình. Vào những dịp này, bạn cần giữ thái độ cư xử đúng mực, biết lắng nghe và biết khi nào cần nói và nói điều gì. Bằng cách chọn lọc và sử dụng những ngôn từ phù hợp, việc giao tiếp của bạn và mọi người trong gia đình sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn.
“Số phận quyết định ai sẽ là họ hàng của bạn, nhưng bạn là người có quyền chọn lựa bạn bè cho mình.”
- Jacques Delille (1738-1813), nhà thơ người Pháp
Giao tiếp với những người bạn yêu thương cũng là cả một thử thách. Với con cái, bạn hãy là tấm gương sáng để bọn trẻ noi theo. Với cha mẹ hoặc họ hàng, việc lắng nghe những đề xuất của họ sẽ giúp bạn tiếp thu những điều hay, và hạn chế khả năng kiểm soát, áp đặt của họ lên cuộc sống riêng của bạn. Với những bậc cha mẹ đã luống tuổi, bạn cần dành cho họ sự chăm sóc, kiên nhẫn và thương yêu. Sau cùng, hãy nhớ rằng thái độ quyết định tất cả!
Trên đây là những phương pháp và cách thức sử dụng ngôn từ thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể. Chỉ cần một chút nỗ lực và kiên trì, bạn sẽ rèn luyện được khả năng sử dụng từ ngữ uyển chuyển và sự tự tin hơn khi trò chuyện cùng mọi người. Đừng quên rằng, bất cứ người đối diện nào cũng sẽ phản ứng tích cực nếu họ nhận được sự hứng thú và thái độ tôn trọng ở bạn trước điều họ nói. Cuối cùng, bạn hãy luôn là chính mình và hãy phát huy khiếu ăn nói của bạn trong giao tiếp với mọi người.