“Bạn không kết hôn với một người mà là ba người: một người trong suy nghĩ của bạn, một người là con người thật của chính họ và một người mà họ sẽ trở thành sau khi kết hôn cùng bạn.”
- Richard Needham (1912-1996), nhà bình luận châm biếm người Canada
4 kiểu giao tiếp dành cho các cặp vợ chồng mới cưới
Hai người đàn ông ngồi chia sẻ với nhau về cách ứng xử giữa vợ chồng với nhau trong gia đình và việc ai là người đưa ra các quyết định quan trọng. Người thứ nhất nói:
- Trong gia đình, tôi là người ra quyết định và mọi người phải làm theo. Còn gia đình anh thì sao?
Người đàn ông thứ hai trả lời:
- Tôi và vợ đã thỏa thuận vấn đề này trong tuần trăng mật và chúng tôi đã có sự phân công rõ ràng. Tôi là người quyết định những việc quan trọng còn vợ tôi sẽ quyết định những việc ít quan trọng hơn.
- Vậy kết quả ra sao? - Người thứ nhất hỏi.
- Tình hình là dạo gần đây nhà tôi không có việc nào là quan trọng cả!
Bạn và chồng/vợ có cùng một kiểu giao tiếp không? Làm thế nào các cặp vợ chồng mới cưới có thể dung hòa cách ứng xử của họ trong đời sống hôn nhân?
Để có câu trả lời, trước hết bạn cần xác định được kiểu giao tiếp của bạn và bạn đời. Sau đây là bốn kiểu giao tiếp phổ biến đi kèm một số gợi ý có thể giúp hai bạn trở nên hòa hợp hơn.
1 - Kiểu giao tiếp thẳng thắn, bộc trực
Những người có kiểu giao tiếp này thường nói chuyện rất thẳng thắn và khá thích thú với việc tranh luận. Họ có các đặc điểm sau:
Ưu điểm:
• Nhanh chóng nắm bắt vấn đề.
• Nói chuyện hoạt bát về những vấn đề họ yêu thích.
• Có chính kiến rõ ràng.
Nhược điểm:
• Không phải là người biết lắng nghe, thường xuyên ngắt lời đối phương.
• Không tế nhị, thường đưa ra những quyết định bốc đồng.
• Thích áp đặt và tranh luận.
Cách hòa hợp
Nếu vợ/chồng của bạn thuộc mẫu người này, bạn hãy tham khảo những cách ứng xử sau đây:
• Mở đầu cuộc đối thoại bằng cách đề cập những đề tài mà họ yêu thích.
• Tránh khiêu khích hoặc quy trách nhiệm cho đối phương.
• Chú ý lắng nghe và xác nhận sự đồng tình (nếu có).
• Lái câu chuyện sang vấn đề bạn muốn đề cập. Đừng thụ động chờ đợi chồng/vợ bạn đặt câu hỏi về điều bạn muốn thảo luận.
• Đi thẳng vào vấn đề, sau đó bổ sung một vài ý kiến hỗ trợ. Không nên nói vòng vo.
• Nếu đối phương không tán đồng, bạn không nên tỏ ra chống đối. Có thể họ đang thử bạn hoặc cố đưa bạn vào cuộc tranh cãi. Thay vào đó, hãy nêu một vài ý kiến nhằm làm rõ quan điểm của bạn. Nếu vợ/chồng bạn có ý muốn tranh luận, bạn hãy nói: “Anh/em không muốn tranh cãi. Anh/em chỉ muốn cho em/anh thấy những suy nghĩ của anh/em mà thôi”.
2 - Kiểu giao tiếp linh hoạt
Những người có kiểu giao tiếp này thường thích trò chuyện sôi nổi. Họ có những đặc điểm sau:
Ưu điểm:
• Nói chuyện hoạt bát về nhiều đề tài.
• Quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của nhau.
• Chọn cách đối thoại nhẹ nhàng, không xung đột.
Nhược điểm:
• Hay huyên thuyên và hay ngắt lời.
• Thường đưa ra những quyết định bốc đồng.
• Đôi khi quá phấn khích.
Cách hòa hợp
Nếu vợ/chồng của bạn thuộc mẫu người này, hãy áp dụng cách giao tiếp sau:
• Thảo luận những vấn đề được cả hai yêu thích.
• Không nên để chồng/vợ bạn làm chủ hoàn toàn cuộc đối thoại.
• Bình luận hoặc đặt câu hỏi về những gì chồng/vợ bạn đang nói.
• Xác nhận sự tán đồng (nếu có).
• Chủ động đề cập đến vấn đề bạn muốn thảo luận nếu chồng/vợ bạn không hỏi bạn về điều đó.
• Đi thẳng vào vấn đề chính sau đó mới nói chi tiết.
• Nếu chồng/vợ bạn ngắt lời bạn, hãy nói: “Làm ơn để em/anh nói hết đã”.
3 - Kiểu giao tiếp dè dặt
Những người thuộc dạng này thường im lặng và khá nhạy cảm. Họ luôn tránh sự đối kháng và thường suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định. Họ có những đặc điểm sau:
Ưu điểm:
• Hiểu được những cảm xúc đằng sau lời nói.
• Quan tâm đến quan điểm và cảm xúc của vợ/chồng họ.
• Đối thoại thân thiện, hòa hợp hướng đến giải quyết vấn đề.
Nhược điểm:
• Khá kiệm lời.
• Bị động và e dè trước những người đang làm chủ cuộc đối thoại.
• Thiếu chính kiến và thường tránh đưa ra quyết định.
Cách hòa hợp
Nếu vợ/chồng của bạn thuộc mẫu người này, hãy dùng kiểu giao tiếp sau:
• Tránh ngắt lời hoặc có ý điều khiển cuộc đối thoại.
• Nhẹ nhàng đưa ra ý kiến hoặc câu hỏi.
• Thăm dò những chủ đề khiến vợ/chồng bạn yêu thích trước khi đề cập đến chủ đề mà bạn yêu thích.
• Xác nhận sự đồng thuận (nếu có).
• Tránh lớn tiếng hoặc sử dụng ngôn ngữ hình thể quá khích.
• Đi thẳng vào vấn đề chính, sau đó nói vào chi tiết.
• Tham khảo ý kiến của họ bằng cách đặt câu hỏi: “Hãy cho anh/em biết suy nghĩ của em/anh về...”.
4 - Kiểu giao tiếp lý trí
Những người có kiểu giao tiếp này thường suy nghĩ một cách lô-gíc, trầm tĩnh và luôn nghiêm túc. Họ có những đặc điểm sau:
Ưu điểm:
• Có tầm hiểu biết sâu rộng về các vấn đề phức tạp.
• Trò chuyện nghiêm túc, chi tiết.
• Có lối diễn đạt rõ ràng, chính xác.
Nhược điểm:
• Xem trọng lý trí hơn cảm xúc khi đưa ra quyết định.
• Thích kiểm soát và điều khiển mọi người.
• Không linh hoạt trong suy nghĩ.
Cách hòa hợp
Nếu vợ/chồng của bạn thuộc mẫu người này, bạn hãy áp dụng cách giao tiếp sau:
• Thẳng thắn đề cập vấn đề của bạn đồng thời đưa ra lập luận.
• Cân bằng giữa nghe và nói bằng cách đưa ra những nhận định và câu hỏi khi cần thiết.
• Quyết đoán nhưng cần tránh xung đột.
• Tránh những lời chỉ trích, phê bình nặng về cảm tính.
• Xác nhận sự tán đồng (nếu có).
• Chủ động đề cập vấn đề bạn muốn thảo luận nếu vợ/ chồng bạn không hỏi.
• Nếu chồng/vợ bạn phủ nhận ý kiến của bạn một cách vô lý, hãy nói: “Có thể anh/em nói đúng, nhưng chúng ta không nên chỉ dựa vào lý trí mà ra quyết định”.
Đừng quên rằng bạn và người bạn đời cần dung hòa hai kiểu giao tiếp riêng thành một kiểu giao tiếp chung, phù hợp cho cả hai. Nếu một bên nói điều gì gây khó hiểu hoặc có thể hiểu nhầm, bạn hãy yêu cầu chồng/vợ bạn giải thích rõ. Hãy nói:
“Có phải anh/em muốn nói rằng...?”
“Em/anh không chắc có hiểu đúng ý của em/anh hay không. Anh/em giải thích cụ thể hơn được không?”
“Anh/em không có ý nói như vậy, nhưng em/anh lại hiểu thế này... Có đúng thế không?”
Trên đây là những bí quyết giúp bạn và người bạn đời hòa hợp hơn trong giao tiếp từ đó có được một cuộc hôn nhân vững bền. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ bạn sẽ cần đến những cách giao tiếp, ứng xử này khi bạn muốn đề cập đến các chủ đề nhạy cảm trong cuộc sống vợ chồng.
Cách thảo luận những vấn đề liên quan đến cuộc sống vợ chồng
Robert Mitchum (1917-1997) là một trong số ít những diễn viên Hollywood có cuộc sống gia đình hạnh phúc, bền vững. Cuộc hôn nhân của ông với vợ là bà Dorothy kéo dài hơn năm mươi năm. Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, Robert nói: “Độ lượng với nhau. Mỗi chúng tôi luôn tin rằng người bạn đời của mình sẽ hoàn thiện hơn vào ngày hôm sau”.
Lạc quan là thái độ cần thiết và quan trọng trong cuộc sống gia đình, bên cạnh đó bạn cần biết quan tâm và trò chuyện với người bạn đời nhiều hơn về những vấn đề mang tính định hướng cho cuộc hôn nhân. Biết cách nhìn nhận và thảo luận vấn đề với chồng/vợ trước khi sự việc xảy ra sẽ giúp cả hai tránh được những mâu thuẫn hoặc bất đồng quan điểm về sau. Sau đây là một vài lời khuyên giúp bạn gợi mở câu chuyện về những vấn đề nhạy cảm trong hôn nhân.
Vấn đề con cái
“Khi nào chúng ta nên có con?”
“Chúng ta sẽ làm gì để nuôi dạy con thật tốt?”
“Chúng ta nên đặt ra cho con cái những trách nhiệm gì?”
“Chúng ta nên dành thời gian cho con như thế nào?”
Vấn đề sức khỏe
“Bác sĩ nói về tình hình sức khỏe của anh/em thế nào?”
“Hiện tại anh/em cảm thấy như thế nào?”
“Vấn đề này gây ảnh hưởng đến anh/em ra sao?”
Vấn đề tài chính
“Mỗi tháng chúng ta sẽ chi tiêu khoảng bao nhiêu?”
“Chúng ta sẽ thanh toán các hóa đơn như thế nào?”
“Anh/em nghĩ thế nào nếu chúng ta mua hàng trả góp?”
“Chúng ta có thể xoay xở như thế nào để trang trải chi phí trong gia đình?”
“Mỗi tháng chúng ta nên tiết kiệm bao nhiêu?”
“Anh/em nghĩ chúng ta nên mua một chiếc xe mới hay một chiếc đã qua sử dụng?”
Vấn đề lập di chúc
“Chúng ta nên viết di chúc như thế nào? Ai sẽ là người giám sát việc thực hiện di chúc của chúng ta?”
“Sau này, anh/em muốn đám tang của mình diễn ra như thế nào?”
“Anh/em thực sự muốn lập di chúc chứ?”
Khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, bạn sẽ có cơ hội cân nhắc và trao đổi ý kiến, quan điểm của bạn với bạn đời. Nếu vấn đề bạn đưa ra gây tranh cãi, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, không nên tranh luận to tiếng. Thay vì vậy, hãy lắng nghe và tìm kiếm sự đồng thuận. Hãy cởi mở lòng mình và có thiện ý thỏa hiệp với bạn đời.
Trò chuyện về những việc làm và cảm xúc của bạn, chẳng hạn đề cập đến một ngày làm việc của bạn, về bọn trẻ hoặc thậm chí là những chủ đề nhạy cảm chính là cách tốt nhất giúp bạn chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm giác đối với người bạn đời. Nhưng làm thế nào để giải quyết những tình huống mà bạn và bạn đời không tìm được tiếng nói chung?
9 quy tắc nền tảng để giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân
“Hôn nhân chỉ là một khái niệm, nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân mới là một hành trình dài lâu.”
- Quentin Crisp (1908-1999), tác giả người Anh
Bạn và người bạn đời thường xuyên tranh cãi về những vấn đề tưởng chừng quá cũ? Cả bạn và người ấy đều ra sức tranh luận để rồi cuối cùng rơi vào sự im lặng đến nghẹt thở và một trong hai người phải lên tiếng rằng sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân? Nếu đây là những vấn đề bạn đang gặp phải thì rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với sự đổ vỡ.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có cơ hội cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Để làm được điều đó, cả hai cần thẳng thắn trò chuyện và có thiện ý cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Bạn có thể nói:
“Anh/em sợ rằng nếu sự việc này cứ tiếp diễn thì cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ đổ vỡ. Anh/em tin mọi thứ vẫn còn có thể cứu vãn. Nếu em/anh đồng ý, chúng ta hãy cùng ngồi lại trò chuyện và tìm cách giải quyết. Em/anh sẵn lòng trò chuyện chứ?”
Nếu người bạn đời đồng ý, hãy thống nhất với nhau về các quy tắc sau:
Quy tắc 1: Không lớn tiếng khi trò chuyện
Trò chuyện một cách điềm tĩnh cho phép bạn và bạn đời có cơ hội lắng nghe nhau. Ngoài ra, cách đối thoại từ tốn, mạch lạc sẽ giúp bạn kiểm soát bản thân và không gây tổn thương cho vợ/chồng của bạn.
Nếu bạn phát hiện giọng nói của mình ngày càng tăng cường độ, hãy dừng lại một lát. Hãy tưởng tượng bạn đang điều chỉnh âm lượng giọng nói bằng một nút điều khiển. Bạn thậm chí có thể nói như sau:
“Anh/em đang xúc động. Anh/em cần thời gian để bình tĩnh lại.”
Nếu chồng/vợ lớn tiếng với bạn, bạn hãy nhắc nhở:
“Chúng ta đã đồng ý là sẽ không lớn tiếng trong lúc trò chuyện mà.”
Quy tắc 2: Không xưng hô thiếu tôn trọng với người bạn đời
Hãy xưng tên khi hai bạn đang trò chuyện. Không dùng kiểu xưng hô thiếu tôn trọng như “ông/cô - tôi”, “mày-tao” hay sỉ vả nhau là “đồ ngốc”, “đồ vô trách nhiệm”, “đồ ích kỷ”... với bạn đời. Để tránh điều này, bạn có thể nói:
“Chúng ta sẽ không xưng hô bằng những từ ngữ khó nghe khi đang trò chuyện cùng nhau, được chứ?”
Tuy nhiên, nếu bạn vô tình vi phạm, hãy nhanh chóng nói lời xin lỗi:
“Xin lỗi vì anh/em đã xưng hô với em/anh như vậy.”
Nếu người bạn đời không giữ đúng lời hứa, bạn hãy nói:
“Chúng ta đã nhất trí là không xúc phạm nhau như thế mà.”
Quy tắc 3: Mỗi lần trò chuyện chỉ tập trung vào một vấn đề nhất định
Nếu cùng lúc, bạn đề cập đến quá nhiều vấn đề, sẽ khiến cả hai thêm rối trí và khó đi đến cách giải quyết thống nhất. Vì vậy, hãy xác định rõ ràng rằng mỗi lần chỉ nên tập trung vào một vấn đề mà thôi. Cả hai cùng thảo luận, và nếu có thể, hãy cùng đi đến một sự thỏa hiệp. Bạn có thể nói:
“Chúng ta có nhiều bất đồng, nhưng chúng ta sẽ không thể giải quyết tất cả chỉ trong một lần. Vậy chúng ta hãy chia nhỏ và tuần tự giải quyết từng vấn đề nhé. Anh/em có thể chọn trước nếu muốn.”
Nếu người bạn đời từ chối, bạn có thể nói:
“Anh/em muốn chúng ta cùng xem xét việc...”
Nếu người bạn đời làm trái quy tắc, bạn hãy nhắc nhở:
“Chúng ta đã thỏa thuận sẽ giải quyết từng vấn đề một rồi mà.”
Quy tắc 4: Không ngắt lời nhau
Hãy tập trung lắng nghe và không nên ngắt lời bạn đời của mình, nhất là khi họ đang quy trách nhiệm cho bạn về một vấn đề nào đó, thậm chí dù bạn biết rằng anh ấy/cô ấy nói sai hoặc đang hành xử một cách lỗ mãng. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và lắng nghe vì điều này cho thấy bạn đang suy nghĩ nghiêm túc về những điều họ nói. Bạn có thể đề nghị:
“Chúng ta thỏa thuận là sẽ không ngắt lời nhau nhé?”
Nếu bạn vi phạm, hãy xin lỗi ngay:
“Anh/em xin lỗi vì đã ngắt lời em/anh. Em/anh cứ tiếp tục đi.”
Nếu người bạn đời vi phạm, bạn hãy nói:
“Chúng ta đã thỏa thuận sẽ không ngắt lời nhau mà.”
Quy tắc 5: Không vùng vằng bỏ đi
Những lời chỉ trích, phê bình rất dễ khiến người nghe mất bình tĩnh, nhất là khi cảm xúc đang dâng trào, không thể kiểm soát. Vì vậy, bạn hãy đề nghị:
“Chúng ta hãy thỏa thuận là sẽ tuyệt đối lắng nghe nhau và không bỏ đi dù mất bình tĩnh nhé?”
Nếu bạn cảm thấy mất bình tĩnh, hãy đứng lên và đi loanh quanh nhưng vẫn chú ý lắng nghe người bạn đời nói. Sau khi họ dứt lời, nếu bạn muốn có một khoảng lặng để bình tĩnh lại hoặc để suy nghĩ về câu trả lời, hãy yêu cầu ngưng cuộc nói chuyện. Chẳng hạn:
“Anh/em đã nói xong suy nghĩ của mình, giờ thì em/anh cần thời gian để suy nghĩ về những điều anh/em vừa nói.”
Lời nói nhẹ nhàng sẽ giúp làm giảm bớt những sự chỉ trích, phê bình và khuyến khích bạn đời lắng nghe. Tuy nhiên, nếu đối phương đứng dậy bỏ đi, bạn hãy nói:
“Chúng ta đã thỏa thuận sẽ không bỏ đi trong lúc người kia đang nói. Hãy để anh/em nói hết đã. Sau đó chúng ta sẽ ngưng nói chuyện và nghỉ ngơi.”
Quy tắc 6: Không nhắc lại những cuộc tranh luận trong quá khứ
Trong lúc nói chuyện, người ta rất dễ khơi lại những cuộc tranh cãi từng xảy ra trước đó. Điều này khiến cả hai thêm bực bội và kết quả là, hai người rất khó tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, hãy thỏa thuận:
“Chúng ta sẽ không khơi lại những chuyện quá khứ mà chỉ tập trung vào vấn đề hiện tại thôi nhé?”
Nếu người bạn đời vi phạm, bạn có thể nói:
“Chúng ta đã thỏa thuận sẽ không nhắc đến những chuyện quá khứ cơ mà.”
Quy tắc 7: Không đổ lỗi
Các cặp vợ chồng thường có thói quen quy trách nhiệm lẫn nhau về các vấn đề trong hôn nhân của họ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có quyền nêu ra những lời phàn nàn chính đáng, những vấn đề cần đến sự chung tay giải quyết của cả hai. Hãy thỏa thuận:
“Chúng ta sẽ không đổ lỗi lẫn nhau mà chỉ tập trung tìm cách cải thiện tình trạng hôn nhân của chúng ta thôi nhé?”
Nếu người bạn đời vi phạm, bạn có thể nói:
“Chúng ta đã hứa là sẽ không đổ lỗi lẫn nhau, vậy chúng ta hãy tập trung vào những điều cần thảo luận.”
Quy tắc 8: Thành thật với nhau
Nếu cuộc hôn nhân của bạn đang gặp khó khăn, những lời nói dối dù vô hại cũng sẽ làm cho người bạn đời mất lòng tin ở bạn. Tốt hơn hết bạn nên thành thật và tìm cách giải quyết vấn đề. Hãy thỏa thuận:
“Chúng ta thỏa thuận sẽ trò chuyện một cách thành thật nhé?”
Nếu bạn từng nói dối thì đừng phạm phải sai lầm này một lần nữa. Bạn hãy nói:
“Anh/em đã không thành thật với em/anh về…”
Nếu người bạn đời không thành thật, bạn hãy nói:
“Chúng ta đã hứa sẽ không nói dối nhau mà.”
Quy tắc 9: Hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia tư vấn hôn nhân, nếu cần
Sau rất nhiều nỗ lực, nếu bạn và bạn đời vẫn không tìm được tiếng nói chung, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn. Bạn có thể đề nghị:
“Chúng ta sẽ nhờ đến chuyên viên tư vấn nếu không thể tìm ra cách giải quyết vấn đề nhé?”
Thiết lập những quy tắc nền tảng cho cuộc đối thoại giữa bạn và bạn đời về các vấn đề quan trọng trong hôn nhân sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn cho mối quan hệ của hai người. Cuộc sống hôn nhân không đơn giản, nó cần đến sự nỗ lực và thiện ý hợp tác của cả hai. Thể hiện sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau là một trong những cách giúp cuộc hôn nhân của bạn thêm bền vững.
8 cách thể hiện sự biết ơn đối với người bạn đời
“Giai đoạn quan trọng nhất trong đời sống vợ chồng là thời gian cả hai ngồi ăn sáng với nhau.”
- A.P. Herbert (1890-1971), chính trị gia, tác giả người Anh
Hầu như cặp vợ chồng nào cũng có những hiểu lầm nhỏ nhưng thường thì họ sớm tìm được cách giải quyết. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến xung đột giữa các cặp vợ chồng chính là vì họ không biết cách thể hiện sự trân trọng đối với nhau. Sai lầm này nếu không được sửa chữa ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hôn nhân.
Ai cũng muốn được người khác trân trọng và đánh giá cao, người bạn đời của bạn cũng vậy. Sau đây là một số cách ứng xử thể hiện sự cảm kích của bạn dành cho bạn đời khi họ làm một điều gì đó vì bạn:
1. Làm một việc mà vợ/chồng yêu cầu bạn nhiều lần, chẳng hạn: rửa chén, xếp đồ (đối với chồng), hoặc đậy nắp tuýp kem đánh răng hay cắt cỏ trong vườn (đối với vợ).
2. Dành một bữa tối thật đặc biệt cho người bạn đời. Không nhất thiết phải đến những nơi sang trọng, chỉ cần một bữa tối thật lãng mạn và một bộ phim thú vị cũng có thể khiến người ấy thực sự hạnh phúc.
3. Tặng vợ một món quà (chẳng hạn: sô-cô-la hoặc một chiếc bánh kem nho nhỏ) với lời chúc: “Đây là món quà dành cho tình yêu của anh”.
4. Hầu hết phụ nữ đều thích tặng hoa. Hãy khiến họ ngạc nhiên và phải thốt lên: “Ôi, những bông hoa này là thế nào đây?”.
Khi đó, bạn hãy nói: “Anh chỉ muốn em biết rằng anh yêu em và mong em luôn rạng rỡ như những đóa hoa này!”.
5. Dành ra một ngày đặc biệt nào đó cho bạn đời mà không trùng với ngày sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày cưới. Hãy gửi các con cho người giữ trẻ và lên kế hoạch một buổi tối thật lãng mạn tại nhà hoặc bên ngoài. Khi đó, bạn hãy nói: “Chúng ta hãy cùng làm một điều gì đó thật đặc biệt nhé”.
6. Mời chồng/vợ đi ăn trưa. Hãy thể hiện sự trân trọng và yêu thương của bạn đối với cô ấy/anh ấy. Hãy dành những cử chỉ âu yếm để thể hiện rằng: “Anh/em thực sự trân trọng tất cả những điều em/anh đã làm”.
7. Làm bạn đời ngạc nhiên bằng cách gửi cho họ một tấm thiệp với nội dung: “Mỗi ngày anh đều thấy em thật đáng yêu!”.
8. Hãy chia sẻ niềm vui, niềm tự hào về những thành quả bạn đạt được. Hãy thể hiện sự biết ơn và trân trọng đối với người bạn đời vì những nỗ lực của họ đã giúp bạn thành công.
Hãy nói: “Cảm ơn sự giúp đỡ của anh/em. Không có anh/em, em/anh đã không có được thành công như ngày hôm nay”.
Trong cuộc sống hằng ngày, cả bạn và bạn đời đều muốn nhận được sự tôn trọng. Khi cả hai bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ sẽ ngày càng bền vững.
Những cuộc hôn nhân hạnh phúc không tự nhiên mà có, nó được xây dựng trên nền tảng niềm tin, sự gắn bó và sự hòa hợp trong giao tiếp. Hãy sẵn sàng trò chuyện với người bạn đời các vấn đề quan trọng trong cuộc sống vợ chồng như chuyện con cái, công việc, tiền bạc và những định hướng tương lai. Trên cơ sở đó, cả hai cần tìm ra tiếng nói chung để dung hòa mọi sự khác biệt. Hãy nhớ, đừng bao giờ đánh giá thấp những lời khen ngợi, sự quan tâm và thái độ tôn trọng mà vợ chồng dành cho nhau bởi lẽ chúng chính là chất keo thắt chặt mối quan hệ của hai người đến trọn đời.