William Shakespeare từng nói rằng: “Tình yêu đích thực luôn phải trải qua nhiều chông gai thử thách trước khi đến được bến bờ hạnh phúc”. Tìm được tình yêu và giữ được tình yêu ấy là cả một vấn đề. Tuy nhiên, có rất nhiều cách giúp bạn vượt qua trở ngại để tìm đúng “nửa kia” của mình để có hạnh phúc bền lâu.
Chuyển tình bạn, tình đồng nghiệp thành tình yêu
Nếu vẫn chưa tìm được một nửa đích thực của mình, biết đâu là do bạn đã bỏ qua những đối tượng phù hợp xung quanh, như bạn bè, đồng nghiệp hoặc những đối tác trong kinh doanh. Phát triển mối quan hệ lâu dài với những đối tượng này luôn đi kèm một sự đánh đổi, nhưng biết đâu, bạn sẽ tìm được tình yêu chân thành từ một người trong số họ. Trước khi bắt đầu chuyện tình cảm với một người bạn hoặc đồng nghiệp nào đó, bạn cần bày tỏ tình cảm với người ấy, hoặc cố tạo ấn tượng tốt với người ấy. Hãy cân nhắc những điều sau:
• Nếu cả hai là bạn bè, bạn có sẵn sàng đánh đổi tình bạn này không?
• Nếu cả hai là đồng nghiệp, bạn có sẵn sàng đánh đổi công việc khi mọi chuyện không như ý không?
• Nếu cả hai là bạn làm ăn, bạn có sẵn sàng đánh đổi mối quan hệ làm ăn ấy không?
Tất cả các mối quan hệ đều đi kèm với sự đánh đổi. Thực tế, một số công ty không tán thành, thậm chí là cấm chuyện yêu đương nơi công sở. Ngoài ra, đối với một số ngành nghề nhất định, nếu nhân viên và khách hàng nảy sinh tình cảm sẽ bị xem như một việc vi phạm đạo đức chuyên môn. Tuy nhiên, bạn là người có quyền quyết định rằng mình có đủ tự tin đánh đổi giữa tình yêu và công việc hay không.
Khi bị mũi tên của thần tình yêu bắn phải, như mọi người, bạn sẽ nghĩ đến chuyện kết hôn, tuy nhiên không nên quá vội vã. Hãy dành thời gian tìm hiểu và vun đắp mối quan hệ của hai bên. Sau đó, hãy suy nghĩ một cách chín chắn xem liệu bạn và người ấy đã thật sự sẵn sàng cho sự gắn kết bền chặt suốt đời chưa.
7 cách thắt chặt mối quan hệ trong tình yêu
“Bạn biết tôi đã làm gì trước khi lập gia đình không? Tôi làm tất cả mọi thứ tôi muốn.”
- Henny Youngman (1906-1998), nghệ sĩ hài người Mỹ
Hẹn hò với một người bạn thân, bạn nghĩ sao?
Chuyển tình bạn thành tình yêu chẳng có gì đáng chê trách cả. Tuy nhiên không phải ai cũng tán đồng vấn đề nhạy cảm này. Trong bốn lựa chọn sau, hãy chọn một điều khiến bạn tâm đắc nhất, sau đó đối chiếu lựa chọn ấy với kết quả khảo sát bên dưới:
a) Không, điều đó quá liều lĩnh và bất tiện.
b) Có thể, nhưng tôi e rằng điều đó sẽ phá hỏng tình bạn của cả hai.
c) Đồng ý, tôi cho đây là nền tảng vững chắc của tình yêu.
d) Hoàn toàn đồng ý. Hai vợ chồng tôi từng là bạn thân trước khi chúng tôi kết hôn.
Sau đây là kết quả của cuộc khảo sát gồm 1.300 người trên trang web about.com được thực hiện vào tháng 7 năm 2001:
• 2% không tán thành.
• 31% cho rằng “có thể”.
• 48% đồng ý và cho rằng đây là ý tưởng tuyệt vời.
• 19% nói rằng họ đã kết hôn cùng người bạn thân nhất của mình.
Khi giữa bạn và đối phương cùng nảy sinh tình cảm, điều đó thật tuyệt vời. Càng tìm hiểu và dành thời gian bên nhau, mối quan hệ giữa hai bạn ngày càng khăng khít. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch lâu dài cho tương lai của cả hai. Sau đây là một số cách giúp bạn thắt chặt tình cảm với người ấy:
• Trò chuyện về những dự định, mục tiêu và những vấn đề quan trọng đối với cả hai.
• Chia sẻ những chuyện riêng tư với nhau, đặc biệt là những vấn đề về gia đình và các mối quan hệ của bạn. (Tuy nhiên, bạn không nên đề cập quá nhiều đến những chuyện tình trong quá khứ).
• Chia sẻ nguyện vọng và mong muốn của đôi bên trong mối quan hệ này.
• Bạn có thể nói với cô ấy/anh ấy bạn cảm nhận thế nào về họ và về mối quan hệ giữa hai người. (Đừng mong chờ họ hiểu hết những suy nghĩ và cảm giác của bạn nếu bạn không bày tỏ chúng).
• Thẳng thắn trao đổi về những điểm khác biệt giữa hai bạn và đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng trong mối quan hệ hiện tại cũng như tương lai.
• Bạn có thể tiết lộ một bí mật có thể tác động đến mối quan hệ này. (Chẳng hạn: về tình hình sức khỏe, vấn đề tài chính hoặc vấn đề gia đình chưa giải quyết được).
• Cùng trò chuyện về tương lai và bày tỏ những suy nghĩ cũng như định hướng của bạn.
Tình yêu của bạn đang tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp và hơn bao giờ hết, bạn đang được đón nhận vị ngọt ngào của tình yêu. Tuy nhiên, bạn vẫn còn phải vượt qua một rào cản quan trọng, đó chính là bố mẹ của người ấy.
Những việc nên và không nên khi ra mắt bố mẹ người yêu
Thái độ và biểu hiện của bạn trong lúc ra mắt các vị nhạc gia “tương lai” ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ giữa bạn và người ấy. Hãy lưu ý rằng rất có thể bạn và bố mẹ người ấy có những sở thích hoàn toàn khác nhau, vì vậy hãy cố gắng hiểu họ hơn.
Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn tạo ấn tượng tốt với bố mẹ người ấy:
Nên:
• Thân thiện và nói năng khéo léo.
• Tìm hiểu trước sở thích của bố mẹ anh ấy/cô ấy để chuẩn bị những món quà thật phù hợp.
• Làm vui lòng bố mẹ người yêu bằng cách khen về ngôi nhà, về những món ăn, về khu vườn hoặc những vật dụng mà họ yêu mến.
• Thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của bạn.
• Chuẩn bị vài chủ đề mà bạn biết bố mẹ người yêu sẽ hứng thú (nhờ người yêu tư vấn cho bạn vấn đề này).
• Chuẩn bị tinh thần trước những câu hỏi về gia cảnh hoặc chuyện cá nhân từ bố mẹ người yêu.
• Hỏi ý kiến người yêu xem bạn nên tránh đề cập đến những vấn đề gì khi gặp bố mẹ họ.
Không nên:
• Ra mắt bố mẹ người yêu khi đi nghỉ mát, trong tiệc sinh nhật, tiệc cưới hoặc các sự kiện trang trọng khác.
• Chỉ trích hay tranh cãi với bố mẹ người yêu.
• Kể về những chuyện tình cảm, hôn nhân, các mối quan hệ hôn nhân trong quá khứ.
• Bàn về vấn đề chính trị nếu bạn không chắc chắn bố mẹ người yêu có cùng quan điểm hay không.
• Khoe khoang hoặc tận dụng mọi cách để gây ấn tượng.
• Quá thân mật với người yêu khi đang ở nhà bố mẹ nàng (hoặc chàng).
• Nói quá nhiều về bản thân hoặc về công việc.
• Cho rằng bố mẹ người yêu sẽ ấn tượng với sự hài hước, dí dỏm của bạn.
• Chờ đợi mà không chủ động giúp đỡ.
• Tiết lộ những bí mật của gia đình.
Cách xác định mức độ hòa hợp giữa bạn và người yêu
Trước khi nghĩ đến chuyện hôn nhân, bạn cần cân nhắc liệu mối quan hệ giữa bạn và người yêu có vững bền hay không. Khi yêu người ta thường bỏ qua điều đó, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn biết dùng lý trí để phân định mọi điều đúng sai. Trước khi ngỏ lời cầu hôn hoặc chấp nhận lời cầu hôn, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau để xác định mức độ hòa hợp giữa bạn và người vợ/chồng sắp cưới:
1. Hai bạn có thực sự yêu nhau không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
2. Hai bạn có hòa hợp trong sinh hoạt tình dục với nhau hay không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
3. Hai bạn có cảm thấy thoải mái khi nói về những chuyện thầm kín không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
4. Hai bạn có cảm thấy ham muốn nhau về mặt giới tính không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
5. Hai bạn có cùng mục tiêu trong cuộc sống hôn nhân hay không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
6. Hai bạn có nhiều sở thích chung hay không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
7. Hai bạn có cùng một niềm tin tôn giáo hay không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
8. Hai bạn có cùng quan điểm chính trị hay không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
9. Những tiết lộ của bạn về sức khỏe (những căn bệnh trong quá khứ, hiện tại, nghiện hút...) có ảnh hưởng đến tình cảm của người kia dành cho bạn không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
10. Hai bạn có muốn sinh con sau khi kết hôn không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
11. Hai bạn có cùng quan điểm về vấn đề vay mượn tiền và trả nợ không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
12. Hai bạn có thích ở cạnh nhau những khi rảnh rỗi không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
13. Hai bạn có cách chi tiêu giống nhau hay không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
14. Bạn có cảm thấy đây chính là “nửa kia” đích thực của mình không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
15. Hai bạn có dành thời gian cho nhau đủ lâu, cả những lúc vui lẫn lúc buồn, chuẩn bị cho một mối quan hệ lâu dài và nghiêm túc không?
a) Có
b) Không
c) Không chắc
Cách tính điểm
Không = 0 điểm
Không chắc = 1 điểm
Có = 2 điểm
Điểm của bạn
Có:_______
Không:_______
Không chắc:_______
Tổng số điểm:_______
Đánh giá
Từ 25-30 điểm: Xin chúc mừng bạn! Bạn đã tìm được “nửa kia” của mình rồi đấy.
Cuộc sống có rất nhiều bất ngờ. Kết quả khảo sát này cho thấy bạn và người ấy có nhiều quan điểm chung về những vấn đề như giới tính, tiền bạc, tôn giáo và chính trị. Sự hòa hợp này sẽ giúp hai bạn vững tin về một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tình yêu và hôn nhân không thể có một kịch bản hoàn hảo, tuy nhiên với kết quả này hai bạn hoàn toàn có thể tự tin tiến đến xây dựng hạnh phúc gia đình.
Từ 15-24 điểm: Hai bạn cần tìm hiểu thêm trước khi quyết định.
Hai bạn cảm mến và thu hút nhau, nhưng nếu cả hai không trao đổi và đối chiếu những suy nghĩ về vấn đề con cái, tiền bạc, chính trị hay nhiều vấn đề khác thì một khi nhận ra sự khác biệt, có thể cả hai sẽ cảm thấy hụt hẫng và không tránh khỏi tranh cãi. Hãy dành thời gian cùng nhau trò chuyện để hiểu nhau hơn. Sau đó, cả hai cùng làm lại bài trắc nghiệm này và nhìn nhận sự thay đổi từ chính mình.
Từ 0-14 điểm: Bạn cần suy nghĩ lại trước quyết định quan trọng này.
Có lẽ bạn say mê người ấy, tuy nhiên bạn không thể đặt cược một mối quan hệ lâu dài chỉ dựa vào một cảm xúc như thế. Kết quả này cho thấy bạn và đối phương không có nhiều điểm chung trong suy nghĩ cũng như các mục tiêu trong cuộc sống, vì vậy cuộc hôn nhân của hai người khó có thể hòa hợp. Không nên áp đặt bản thân, cũng đừng nghĩ rằng bạn có thể thay đổi người kia. Trong trường hợp này, tốt hơn hết bạn nên tìm một người khác phù hợp hơn với mình.
Nếu bạn và người ấy thật sự không hợp nhau, bạn cần làm gì? Bạn sẽ hành xử như thế nào nếu nhận ra rằng mình không thể tiếp tục mối quan hệ này?
Cách nói lời chia tay
“Tình yêu giống như một cuộc chiến tranh – dễ bắt đầu nhưng rất khó kết thúc.”
- H. L. Mencken (1880-1956), nhà phê bình, biên tập viên người Mỹ
Zsa Zsa Gabor nổi tiếng là một phụ nữ đầy kinh nghiệm trong việc chấm dứt các mối quan hệ tình ái. Bà đã kết hôn chín lần và từng thực hiện một chương trình truyền hình nói về các vấn đề hôn nhân. Khi vị khách nữ đầu tiên của chương trình đã thổ lộ ngay với Zsa Zsa như sau: “Tôi muốn hủy hôn với một người đàn ông giàu có, anh ấy vừa tặng tôi một chiếc áo lông thú quý hiếm, nhẫn kim cương, lò sưởi và một chiếc xe hơi Rolls-Royce. Cô Gabor này, bây giờ tôi phải làm thế nào đây?”.
“Hãy trả lại lò sưởi.” - Zsa Zsa trả lời.
Đó chỉ là một giai thoại về Zsa Zsa Gabor. Còn bạn thì sao?
Dù tốt hay xấu thì không phải tình yêu hay những cuộc đính ước nào cũng sẽ dẫn đến hôn nhân. Bạn sẽ làm gì hoặc sẽ nói gì để chấm dứt mối quan hệ này? Làm thế nào để bạn có thể nói lên hết những suy nghĩ của mình mà không khiến đối phương bị tổn thương? Bạn nên gặp đối phương để nói chuyện trực tiếp, hay viết thư hoặc nói chuyện qua điện thoại? Sau đây là một vài lời khuyên dành cho bạn.
1 - Thẳng thắn, bình tĩnh và chuẩn bị kỹ những điều bạn sẽ nói
Việc lớn tiếng đổ lỗi cho đối phương trước sự đỗ vỡ (ngay cả khi anh ta/cô ta có lỗi) chỉ khiến cả hai thêm khó xử mà thôi. Vì vậy, thay vì đổ lỗi, bạn hãy trình bày ngắn gọn lý do trên tinh thần không gây tổn thương cho nhau. Chẳng hạn, nếu muốn chia tay với người ấy, bạn có thể nói:
“Anh/em đã suy nghĩ rất nhiều và anh/em quyết định sẽ tốt hơn cho cả hai nếu chúng ta chia tay.”
“Anh/em muốn chúng ta chia tay. Thời gian qua đủ giúp anh/em nhận ra rằng chúng ta có quá nhiều điểm khác biệt.”
Nếu muốn hủy hôn ước, bạn có thể nói:
“Một số chuyện xảy ra khiến anh/em phải suy nghĩ lại về quyết định kết hôn của chúng ta.”
“Theo anh/em, nếu chúng ta kết hôn, đó sẽ là một sai lầm.”
“Anh/em xin lỗi, anh/em đã thay đổi quyết định, anh/em rất tiếc vì đã cầu hôn/đồng ý lấy anh/em.”
“Anh/em muốn chúng ta hủy bỏ hôn ước này.”
2 - Lựa chọn thời điểm thích hợp để nói lời chia tay
Tránh nói lời chia tay vào những dịp như khi đang đi nghỉ mát hay tiệc sinh nhật, trong lúc người kia đang đau ốm hay đang gặp rắc rối trong công việc. Chẳng có thời điểm nào là thuận lợi để nói lời chia tay, tuy nhiên bạn hãy chọn thời điểm có ít những chuyện tiêu cực nhất. Hãy nói:
“Em biết anh sẽ không vui và có thể rất thất vọng nhưng em muốn chấm dứt mối quan hệ của chúng ta.”
3 - Nói lời chia tay trong không gian riêng tư của hai người
Nhiều người thường đắn đo không biết nên chọn không gian nào để nói lời chia tay. Một số cho rằng gặp nhau ở những nơi công cộng và trò chuyện trực diện sẽ thể hiện sự tôn trọng nhất. Một số người lại cho rằng, tốt nhất nên nói lời chia tay trong một không gian riêng tư giữa hai người. Một vài người khác lại chọn cách viết thư hoặc nói qua điện thoại.
Những nơi công cộng như quán cà phê, công viên được cho là địa điểm tốt nếu bạn sợ người kia không kìm được cảm xúc hoặc bạn không muốn chỉ có hai người khi nói ra những lời chắc chắn gây tổn thương này. Tuy nhiên, cũng không có gì bảo đảm rằng đối phương sẽ kìm nén được cảm xúc của họ, vì vậy bạn cần chuẩn bị tinh thần cho tình huống đó.
Với địa điểm nói lời chia tay là tại nhà của người kia, bạn có thể mạnh dạn rời khỏi sau khi đã bày tỏ hết mọi suy nghĩ trong lòng và để họ có khoảnh khắc riêng tư và tự giải tỏa cảm xúc của mình.
Hình thức gọi điện thoại, nếu hai người ở xa nhau, hoặc viết thư cho phép bạn bày tỏ một chuyện riêng tư mà không khiến đối phương phải rơi vào tình huống khó xử hay ngượng ngập.
Phản ứng như thế nào trước một mối quan hệ bị đổ vỡ?
Dù bạn có phải là người nói lời chia tay hay không thì việc chấm dứt một mối quan hệ đều để lại những tổn thương sâu sắc đối với cả hai người. Có thể bạn biết rằng chia tay là cách tốt nhất, nhưng bạn vẫn cảm thấy mất mát, hụt hẫng và cô đơn. Sau đây là những ý nghĩ bạn cần trấn an để nhanh chóng lấy lại sự cân bằng và tiếp tục con đường phía trước:
Hãy tự nhủ: “Mình có thể vượt qua tất cả”.
Hành động tích cực và suy nghĩ lạc quan sẽ giúp bạn lấy lại sự tự tin cần thiết để vượt qua những lúc khó khăn như thế này. Hãy tự nhủ rằng:
“Không sao, chắc chắn mình sẽ vượt qua cú sốc này.”
“Rồi mình sẽ tìm được một người phù hợp.”
“Mình biết đây là cách tốt nhất cho cả hai.”
“Đây là thời điểm thích hợp nhất để nói lời chia tay.”
“Có thể mình sẽ cảm thấy cô đơn, nhưng như thế vẫn tốt hơn so với việc phải cam chịu một mối quan hệ không hạnh phúc.”
Những điều cần tránh khi nói lời chia tay
• Nói rằng bạn đã quay lại với người yêu cũ.
• Nói rằng bạn tìm được một người khác thích hợp với bạn hơn.
• Cắt đứt quan hệ một cách đột ngột.
• Tỏ thái độ im lặng, cáu gắt, ích kỷ, lừa dối hoặc tán tỉnh người khác cho đến khi “đối phương” mệt mỏi và tự rút lui.
• Nói lời chia tay rồi hàn gắn nhiều lần cho đến khi người kia chán nản và quyết định chia tay chính thức.
• Gửi e-mail hoặc gửi fax thông báo việc chia tay.
“Hãy yêu nhau dù có thể chia tay, còn hơn không được yêu lần nào.”
- Lord Tennyson (1809-1892), nhà thơ người Anh
Không thể nói trước điều gì, dù rằng bạn và người ấy có yêu và tin tưởng nhau đến mức nào chăng nữa. Tuy nhiên, nếu cả hai hòa hợp với nhau và được sự ủng hộ của hai bên gia đình thì mối quan hệ giữa hai bạn sẽ ngày càng bền chặt. Hãy luôn nhớ rằng: Tình bạn – chất xúc tác cho tất cả các mối quan hệ – là nền tảng đầu tiên cho mọi sự hòa hợp và gắn kết.