“Có một từ có thể cất đi mọi gánh nặng và đau khổ trong cuộc đời ta: Tình Yêu.”
- Sophocles
Hẹn hò có thể rất thú vị, lãng mạn, đầy ấn tượng hoặc cũng có thể buồn chán, tẻ nhạt – nhất là khi bạn không có nhiều kinh nghiệm. Vậy, làm thế nào để bạn luôn tự tin khi hẹn hò, đặc biệt ở lần hẹn đầu tiên với “người ấy”? Quan trọng hơn nữa, làm thế nào bạn xác định được người phù hợp cho một mối quan hệ nghiêm túc và lâu dài?
Bạn có thể tìm “người ấy” ở đâu?
Có nhiều cách để bạn tìm ra “nửa kia” của mình. Người thân hoặc bạn bè của bạn có thể giới thiệu: “Tôi biết người này có vẻ hợp với bạn đấy! Hai người thử gặp và tìm hiểu nhau xem?”. Những cuộc hẹn như thế thường khiến đôi bên lúng túng bởi cả hai chưa từng biết mặt nhau, tuy nhiên đôi khi nó cũng đưa đến những điều thú vị. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
• Hẹn hò với người bạn vừa gặp gỡ
Thuận lợi của hình thức này là bạn và người mới gặp đã nói chuyện vì vậy biết được đôi chút về nhau và có ấn tượng ban đầu khá tốt.
• Hẹn hò với người bạn từng gặp nhưng chưa bao giờ tìm hiểu nhau chính thức.
Hình thức này có hai thuận lợi: một là bạn đã biết những sở thích chung giữa hai người, hai là bạn và người ấy đã có sẵn mối quan hệ để chuẩn bị cho một mối quan hệ lâu dài hơn.
• Hẹn hò qua mục tìm bạn bốn phương trên các tờ báo, đài, hoặc tại các trung tâm môi giới tình yêu hôn nhân gia đình.
Những người này đang có nhu cầu kết bạn. Hơn nữa, bạn có thể căn cứ vào những thông tin họ cung cấp về tuổi tác, tôn giáo hoặc sở thích để lựa chọn người phù hợp với mình.
• Hẹn hò với người bạn tình cờ gặp trong các hoạt động hay sự kiện cộng đồng.
Nhiều tổ chức xã hội hay tôn giáo thường đứng ra tài trợ các sự kiện cộng đồng nhằm tạo sân chơi cho các thành viên trong hội đoàn, từ đó giúp mọi người hào hứng hơn khi bắt đầu một quan hệ lâu dài với người có cùng mục tiêu hoạt động.
5 cách thu hút người khác phái
Nhiều năm trước đây, tôi cùng Susan Rabin (tác giả quyển 101 Bí quyết Tán tỉnh - 101 Ways to Flirt) tổ chức một buổi nói chuyện chuyên đề với tên gọi “10 cách thu hút người khác phái”. Trong buổi trò chuyện, tôi và Susan đã đặt câu hỏi: “Điều gì khiến một người trở nên thu hút và quyến rũ?”. Thật ngạc nhiên khi câu trả lời chúng tôi nhận được nhiều nhất không phải là sự giàu có, vẻ đẹp hay vóc dáng bên ngoài. Không thể phủ nhận rằng những yếu tố này đóng một vai trò quan trọng, tuy nhiên mọi người vẫn mong chờ nhiều hơn từ “người ấy”. Sau đây là những yếu tố quan trọng mà các thành viên tham gia vào buổi nói chuyện của chúng tôi đã cân nhắc và đề xuất. Để trở thành một người thu hút và quyến rũ, bạn cần:
1. Có thái độ thân thiện, gần gũi và hòa đồng
Bạn hãy chủ động và tự tin tiếp cận với “người ấy”, chào hỏi và giới thiệu về mình. Đừng quên nở nụ cười và bắt tay họ nhé.
2. Dí dỏm, hài hước
Hãy cười hưởng ứng một cách tự nhiên trước những câu chuyện dí dỏm của họ và chia sẻ với họ một trải nghiệm vui của bạn.
3. Là người dễ bắt chuyện và có thiện ý đối thoại
Hãy để mọi người thấy rằng bạn là người gần gũi, thân thiện và có thiện ý nói chuyện với họ. Không nên tỏ ra khách sáo hoặc mất tự nhiên. Hãy đề cập và trao đổi những chủ đề vui nhộn và tránh các thông tin mang tính tiêu cực.
4. Tự tin, đáng tin cậy và là người sống có mục đích
Hãy tự hào về những thành tích mà bạn đã đạt được và chia sẻ những mục tiêu bạn đang theo đuổi. Thể hiện cho “người ấy” biết đâu là động lực khiến bạn có sự quyết tâm này. Chẳng hạn, đề cập đến những dự án bạn vừa hoàn thành, quá trình học, những mục tiêu trong công việc hoặc một môn thể thao nào đó. Tuy nhiên, bạn không nên phóng đại các thành tích hoặc nói quá nhiều về bản thân mình.
5. Chấp nhận con người thật của họ – Đừng phán xét
Hãy chấp nhận con người thật của “người ấy” và không phán xét, ít nhất là trong lúc cả hai đang trò chuyện.
Bí quyết hẹn hò lần đầu tiên
Buổi hẹn đầu tiên có thể diễn ra đơn giản, nhanh chóng bằng một cuộc trò chuyện thân mật trong lúc uống cà phê hoặc trang trọng và kéo dài hơn khi bạn cùng “người ấy” đi ăn tối, xem ca nhạc hoặc đến tham dự một buổi tiệc. Dù cuộc hẹn kéo dài trong bao lâu thì đây cũng là dịp để cả hai khẳng định lại cảm xúc của mình và quyết định xem những cảm xúc đó có đủ để hai bên tiếp tục gặp nhau hay không. Buổi hẹn đầu tiên thành công sẽ tạo tiền đề cho buổi hẹn thứ hai diễn ra trong thời gian lâu hơn.
Lựa chọn 1: Một buổi hẹn diễn ra trong thời gian ngắn
Nhiều người thích cuộc hẹn đầu tiên diễn ra nhanh chóng và đơn giản với người họ đã gặp hoặc được giới thiệu sơ qua. Địa điểm họ chọn thường là những nơi công cộng như quán cà phê hoặc một công viên đông người qua lại. Trong suốt buổi hẹn, đôi bên sẽ tìm hiểu và quyết định liệu cả hai có gặp nhau nữa hay không. Điểm thuận lợi của những cuộc hẹn hò nhanh chóng chính là cả hai đều cảm thấy an toàn và có sự đầu tư chừng mực về tiền bạc cũng như thời gian vào cuộc hẹn.
Nếu bạn hứng thú với lựa chọn này, bạn hãy mời “người ấy” cùng đi uống nước, uống cà phê hoặc dùng một bữa ăn nhẹ và đi dạo với nhau sau đó.
“Chúng ta đi uống cà phê sau giờ làm việc nhé?”
“Anh biết một nơi ăn trưa vừa nhanh chóng vừa tiện lợi, anh mời em cùng ăn trưa ngày mai nhé?”
Lựa chọn 2: Một buổi hẹn trang trọng
Một buổi xem kịch, nghe hòa nhạc hoặc tham quan bảo tàng là một dịp tốt để hai bên tìm hiểu nhau. Muốn có một buổi hẹn như thế, bạn hãy cân nhắc xem địa điểm nào khiến cả hai đều hứng thú và có điều kiện trò chuyện nhiều với nhau. Đừng ngần ngại và hãy nói như sau:
“Anh biết em rất thích nhạc jazz. Có một buổi trình diễn tại câu lạc bộ yêu thích của anh vào tối thứ Sáu này, chúng ta cùng đi nhé?”
“Em có hai vé xem kịch vào trưa thứ Bảy. Anh có muốn đi cùng em không?”
Hẹn hò qua điện thoại
Nếu bạn không có cơ hội (hoặc e ngại) hẹn hò trực tiếp với “người ấy”, bạn hãy sử dụng điện thoại. Đừng quên giới thiệu bản thân hoặc nói rõ bạn biết họ trong hoàn cảnh nào. Trước khi chính thức ngỏ lời hẹn hò, bạn hãy hỏi: “Tôi có làm phiền... không?”. Nếu lúc ấy họ không tiện trò chuyện, câu nói này sẽ giúp hai bạn có một buổi gặp nhau sau đó. Bạn cũng cần chuẩn bị một số đề tài trong trường hợp họ đang sẵn sàng. Chẳng hạn:
“Chào Diane, tôi là Jack Woods. Chúng ta đã gặp nhau tại cuộc họp của Phòng Thương mại vào tuần trước. Cô không bận gì chứ? Nghe nói cô rất thích môn bóng rổ, thế cô có muốn đi xem trận đấu giữa hai đội… vào cuối tuần với tôi không? Tôi đã có vé rồi đây.”
“Chào Sam, tôi là Gina ở tầng dưới. Tôi vừa đọc báo và nghe tin tối mai rạp… sẽ chiếu lại bộ phim mà anh yêu thích. Anh có muốn đi cùng tôi không?”
Nói thế nào để dời cuộc hẹn
Nếu bạn thấy hứng thú với cuộc hẹn nhưng lại không sắp xếp được thời gian, bạn có thể nói:
“Em rất thích đi cùng anh, nhưng tối nay em có việc bận. Chúng ta dời lại vào hôm khác nhé?”
Cách nói lời từ chối
Nếu người ấy hẹn gặp bạn nhưng bạn không muốn, hãy thành thật từ chối một cách lịch sự và mềm mỏng, chẳng hạn:
“Em không đi được. Rất cảm ơn vì lời mời của anh.”
“Cảm ơn nhưng hiện tại tôi chưa muốn hẹn hò.”
“Cảm ơn vì lời mời nhưng tôi có hẹn với người khác rồi.”
Cách ứng xử khi bị từ chối lời mời
“Em khiến con tim tôi rung động, tôi phải lòng em mất rồi!”
- Lời một bản nhạc đồng quê của Mason Williams
Rất nhiều người khi được mời sẽ nói lời từ chối, tuy nhiên đây chưa phải là dấu hiệu kết thúc một mối quan hệ, và bạn cũng đừng vì thế mà từ bỏ hành trình đi tìm “nửa kia” đích thực của mình. Khi nhận được lời từ chối, bạn hãy nói: “Không sao, chúng ta sẽ hẹn nhau vào lần khác nhé?”.
Nếu câu gợi ý này của bạn tiếp tục nhận được lời đáp hững hờ, hãy xem đây như một sự xác định khoảng cách giữa bạn và “người ấy”. Tuy nhiên, nếu họ tỏ ra hứng thú với lời đề nghị của bạn, hãy gợi ý một cuộc hẹn khác. Kinh nghiệm cho thấy: khi họ từ chối bạn ba lần, điều đó có nghĩa bạn không phải là người phù hợp với họ.
Suy nghĩ tích cực để tránh căng thẳng trong lần hẹn đầu tiên
Những cuộc hẹn hò đầu tiên có thể khiến bạn rất căng thẳng, vì vậy hãy tự trấn an bản thân để có thể bình tĩnh và tự nhiên hơn. Hãy tự nhủ rằng:
“Mình sẽ rất vui với cuộc hẹn này”.
“Cuộc hẹn này sẽ giúp quan hệ giữa mình và người ấy tiến xa hơn.”
“Có lẽ anh ấy/cô ấy chính là tình yêu đích thực của mình, nhưng mình sẽ không thể chắc chắn điều đó cho đến khi cả hai hiểu nhau hơn.”
Trên đây là những điều bạn cần lưu ý trong buổi hẹn đầu tiên. Vậy, làm thế nào để cuộc hẹn đầu tiên này mở đầu cho nhiều cuộc hẹn tiếp theo?
12 điều phá hủy cuộc hẹn đầu tiên
Bạn còn nhớ lần hẹn hò thất bại gần đây nhất của mình không? Bạn có nhận ra bạn hoặc “người ấy” đã phạm phải những điều khiến mối quan hệ của đôi bên không thể tiến triển? Rất có thể bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong những điều sau đây:
1. Thể hiện ham muốn quan hệ tình dục ngay lần đầu tiên gặp gỡ.
2. Tiết lộ những chuyện riêng tư - về những người yêu cũ, về tình trạng sức khỏe hay sự thiếu hụt về tài chính.
3. Phàn nàn về tính cách không tốt của người yêu cũ.
4. Hấp tấp hoặc tỏ ra dồn dập, săn đón.
5. Nói quá to hoặc quá nhỏ.
6. Tranh luận xem ai sẽ là người thanh toán hóa đơn.
7. Có thái độ xa cách hoặc tỏ vẻ bí ẩn.
8. Phán xét thái độ của người đối diện hoặc phê bình quan điểm của họ.
9. Trang điểm quá mức hoặc đeo quá nhiều nữ trang.
10. Ăn hoặc uống quá nhiều.
11. Nói không ngừng về bản thân và sở thích của mình.
12. Có thái độ thô lỗ với người phục vụ, thu ngân, người gác cổng...
4 “mách nước” dành cho bạn trong buổi hẹn đầu tiên
Khi nam diễn viên Ted Danson kể về những cuộc hẹn hò đầu tiên của chính anh trong quyển Những cuộc hẹn hò tồi tệ (Bad Dates), anh đã đề cập đến hai chuyện: Một là, anh nói rằng do anh khá cao nên thời đi học, anh luôn có ý hẹn hò với những cô gái có chiều cao tương tự trong trường. Hai là, anh và nhóm bạn đã tinh nghịch lập ra một cuộc thi tìm “Người có buổi hẹn hò tồi tệ nhất” – mỗi chàng trai bỏ ra một ít tiền làm phần thưởng và người nào có buổi hẹn hò tồi tệ nhất sẽ là người chiến thắng.
Cuối tuần, Ted và nhóm bạn cùng hẹn hò với các nữ sinh của một trường trung học nọ. Cô bạn “của Ted” là một nữ sinh cao đến hơn một mét tám. Cô ấy là vận động viên môn quần vợt, tuy nhiên, giữa họ không có một điểm chung nào cả.
Suốt bữa tối, Ted nhìn sang các bàn xung quanh để thăm dò nhóm bạn của mình, hơn nữa vì cô bạn của Ted rất cao nên anh đinh ninh rằng mình sẽ là người chiến thắng. Khi các cô gái chuẩn bị lên xe buýt trở về trường, Ted cảm thấy có lỗi vì anh đã không thể thân thiện hơn với cô bạn mới quen. Anh nói: “Tôi rất tiếc vì cuộc hẹn của chúng ta không như mong đợi”. Cô gái cười đáp: “À, không sao. Cảm ơn anh vì đã giúp tôi chiến thắng trong cuộc thi ‘Cuộc hẹn hò tồi tệ nhất’ của nhóm chúng tôi!”.
Không có gì đảm bảo rằng cuộc hẹn đầu tiên của bạn sẽ thành công. Tất nhiên, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác bồn chồn, lo lắng. Hàng loạt câu hỏi sẽ xuất hiện trong đầu bạn, nào là liệu cuộc hẹn này có diễn ra như mong đợi không, bạn có làm gì khiến đối phương thất vọng không, cảm giác của bạn với người ấy như thế nào, hai bạn sẽ phải lòng nhau và sống hạnh phúc đến suốt đời hay cuộc hẹn này chỉ để lại những ấn tượng không tốt về nhau?
Chúng ta không thể nói trước được điều gì, cũng không thể có một kịch bản hoàn hảo cho những buổi hẹn đầu tiên. Nhưng những gì xảy ra trong lần hẹn này và liệu hai bạn sẽ có những lần hẹn sau nữa hay không phần lớn phụ thuộc vào cảm xúc và sự tìm hiểu của cả hai trong lần gặp nhau đầu tiên. Sau đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
1. Không xem chuyện lên giường cùng nhau là mục tiêu hàng đầu
Nếu quan hệ tình dục là mục tiêu của bạn trong cuộc hẹn đầu tiên thì bạn là người không nghiêm túc trong chuyện tình cảm. Tuy nhiên đừng xem đây là tiêu chuẩn cho một cuộc hẹn hò thành công.
2. Hãy là chính mình và cho “người ấy” biết những điều tốt nhất ở bạn
Một vài người cho rằng họ cần tạo ấn tượng thật tốt trong lần hẹn đầu tiên. Do vậy, họ có xu hướng tâng bốc thành tích của bản thân, tiêu xài hoang phí, hoặc cư xử không đúng với bản chất con người mình. Đây là một trong những cách nghĩ sai lầm.
Hãy cư xử thật lịch thiệp, đừng giả tạo, đừng nói dối về sở thích cũng như thành tích chỉ để gây ấn tượng với “người ấy”. Thường thì chính con người thật của bạn mới khiến họ yêu mến bạn, và là lý do đưa đến cuộc hẹn thứ hai, thứ ba, thậm chí tiến đến một mối quan hệ lâu dài hơn.
3. Dành thời gian để tìm hiểu nhau
Mục tiêu cơ bản của lần hẹn đầu tiên là xác định xem liệu bạn và “người ấy” thật sự có cảm tình với nhau và muốn có nhiều thời gian bên nhau hay không. Trong lần hẹn này, bạn nên chia sẻ thông tin về bản thân cũng như về gia đình mình, chẳng hạn như:
• Quê quán
• Công việc
• Bạn học ở đâu
• Tôn giáo, tín ngưỡng
• Thông tin về gia đình
“Anh/chị làm nghề gì?”
Không nên mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi “Anh/chị làm nghề gì?”, bởi nhiều người cho rằng hỏi như thế là vội vàng. Họ e rằng người đối diện dựa vào đó để phán xét và ước lượng mức thu nhập của họ. Vì thế, trong lần hẹn đầu tiên, bạn không nên hỏi những câu quá riêng tư. Bạn có thể hỏi về chuyện học hành, sở thích trước khi đề cập đến công việc của họ.
Hỏi về công việc của “người ấy” không hẳn là cách để phát triển quan hệ giữa hai bạn, tuy nhiên bạn hãy chuẩn bị trước một câu trả lời ngắn gọn, trực tiếp và không nên quá xem trọng vấn đề này. Đồng thời, hãy nhớ rằng nếu bạn lảng tránh câu trả lời quá lâu, họ có thể cho rằng bạn đang cố tình che giấu hoặc nghĩ rằng bạn không thích hay bạn cảm thấy xấu hổ về công việc của mình đến nỗi không muốn đề cập đến chúng.
4. Đánh giá bằng những xúc cảm giới tính
Sau một khoảng thời gian trò chuyện, bạn có thể cảm nhận xem liệu giữa bạn và “người ấy” có cảm xúc đặc biệt với nhau không. Hai bạn ngồi gần nhau đến mức nào? Hai bạn có những phút giây nhìn nhau trìu mến hoặc tặng nhau những nụ cười ấm áp hay không? Bạn có cảm xúc đặc biệt nào dành cho “người ấy” không? Hai bạn có nắm tay nhau, choàng vai nhau hay hôn nhau không? Nếu cả hai thật sự cảm thấy thu hút nhau, không có gì phải e ngại cả, hãy để cho cảm xúc làm chủ và tự tin trong những lần hẹn tới.
Cuộc hẹn đầu tiên của bạn diễn ra tốt đẹp, và sắp đến lúc hai bạn nói lời chào tạm biệt. Vậy bạn nên làm gì để kết thúc buổi hẹn hò một cách khéo léo vào thời điểm thích hợp nhất?
Kết thúc cuộc hẹn
Đây là lúc nói lời chào tạm biệt với “người ấy”. Bạn băn khoăn không biết nên chào tạm biệt bằng cách bắt tay, hôn nhẹ lên má, một cái ôm thân mật hay mời “người ấy” về nhà để uống chút gì đó? Câu trả lời phụ thuộc vào cảm xúc của bạn dành cho họ. Liệu họ có thu hút bạn đến mức bạn muốn cả hai sẽ nhanh chóng có một cuộc hẹn tiếp theo không? Hay bạn nghĩ chỉ một cuộc hẹn như hôm nay là đủ? Bạn có thể từ chối lời mời cho lần hẹn sau nếu cảm thấy cả hai nên dừng lại tại đây.
Cách nói lời từ chối với cuộc hẹn lần sau
Không phải cuộc hẹn hò đầu tiên nào cũng dẫn đến cuộc hẹn thứ hai. Khi bạn và “người ấy” đều có suy nghĩ như thế, hãy bắt tay nhau và kết thúc cuộc hẹn. Tuy nhiên, nếu họ đề nghị một lần hẹn khác nhưng bạn lại không muốn, hãy tham khảo những cách xử trí dưới đây:
• Thẳng thắn nhưng tế nhị.
Không nên nói: “Bạn không phải là người phù hợp với tôi”.
Hãy nói: “Tiếc là chúng ta không hợp nhau lắm!”.
• Tránh những lời nhận xét mang tính cá nhân.
Không nên nói: “Chúng ta chẳng có chút cảm xúc gì dành cho nhau cả”.
Hãy nói: “Quan hệ của chúng ta không thể đi xa hơn được”.
• Không nên nói dối về chuyện tình cảm của bản thân.
Không nên nói: “Tôi đang quen một người khác”.
Hãy nói: “Tôi không muốn quan hệ của chúng ta đi xa hơn”.
• Nhấn mạnh sự khác nhau về sở thích.
Không nên nói: “Bạn thật tẻ nhạt”.
Hãy nói: “Chúng ta không có điểm chung”.
• Nhấn mạnh sự khác nhau trong suy nghĩ.
Không nên nói: “Bạn là người quá lý trí”.
Hãy nói: “Chúng ta có quá nhiều điểm khác nhau”.
• Nhấn mạnh sự khác nhau về mục tiêu.
Không nên nói: “Tất cả những gì anh/em muốn chỉ là ngủ với tôi thôi”.
Hãy nói: “Tôi đang mong chờ một mối quan hệ khác”.
• Không nên cố gắng giải thích nếu bạn không muốn chấp nhận lời mời cho cuộc hẹn lần sau.
Không nên nói: “Tôi bận lắm, lúc nào tôi cũng bận”.
Hãy nói: “Cảm ơn vì lời mời, nhưng có lẽ tôi không tham dự được”.
Chuẩn bị gì cho lần hẹn thứ hai?
Nếu đó chính là “nửa kia” của bạn, bạn sẽ nhận ra ngay tín hiệu đó trong lần hẹn đầu tiên. Cả hai đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi trò chuyện và cùng khám phá những sở thích chung, đặc biệt bạn và “người ấy” đều cảm thấy tự tin để chuẩn bị cho một mối quan hệ lâu dài.
Nếu bạn hài lòng với cuộc hẹn đầu tiên, đừng giữ suy nghĩ ấy cho riêng mình. Có thể đối phương cũng có cảm giác tương tự nhưng đang chờ đợi tín hiệu từ bạn. Sau đây là một vài cách nói để tỏ ý với “người ấy” rằng bạn rất có cảm tình và mong muốn được gặp lại họ:
“Tối nay tôi thật sự rất vui. Còn bạn thế nào?”
“Tôi rất mến bạn. Tôi có thể gọi điện cho bạn chứ?”
“Bạn là một người rất thú vị. Hy vọng chúng ta sẽ sớm gặp lại vào một ngày gần nhất.”
Những cuộc hẹn đầu tiên mở đầu bằng việc bạn ngỏ lời mời với người mà bạn cảm thấy yêu mến và có điểm chung. Bạn sẽ dần tạo ấn tượng tốt với họ khi bắt đầu câu chuyện, nụ cười của bạn làm đối phương cảm thấy ấm áp, thoải mái và gần gũi. Hãy tìm hiểu nhau và cân nhắc trước khi quyết định gặp nhau một lần nữa. Nếu hai bạn cảm thấy hợp nhau, hãy tiếp tục trải qua các cuộc hẹn tiếp theo và dần phát triển quan hệ của cả hai theo hướng tích cực. Còn gì tuyệt vời hơn thế?