“Bạn khi hoạn nạn mới là bạn thân.”
- Ngạn ngữ
Mỗi năm vào mùa xuân, tôi và các bạn thời học phổ thông thường họp mặt hội hè hay cắm trại với nhau suốt ba ngày liền. Chúng tôi đặt tên cho hội của mình là Những chàng trai Bờ Đông. Hội chúng tôi nổi tiếng với những bữa tiệc náo nhiệt, những trò chơi tập thể vui nhộn và những cuộc trò chuyện tri kỷ. Đến tận hôm nay, sau hơn bốn mươi năm, mỗi khi gặp nhau chúng tôi đều tận hưởng một bầu không khí như thế.
Có được mối thâm tình này là vì chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với nhau. Khi tôi kể về nhóm bạn của mình, hầu hết mọi người đều ngạc nhiên. Họ nói với tôi rằng họ đã ít nhiều mất liên lạc với những người bạn cũ, họ tỏ ra ngưỡng mộ vì tôi có nhiều bạn tốt và vẫn còn giữ liên lạc đến tận hôm nay. Ngay các thành viên trong hội chúng tôi cũng nhận ra rằng: tình bạn của chúng tôi thật kỳ diệu.
4 bước xây đắp tình bạn
“Nếu muốn kết bạn ở Washington, bạn hãy mang theo một chú chó cưng.”
- Harry Truman (1884-1972), Tổng thống thứ 33 của Mỹ
Trong cuộc sống, bạn bè đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc gặp gỡ, kết bạn có thể diễn ra bất cứ nơi đâu, với bất kỳ ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào miễn là cả hai sẵn lòng dành thời gian để tìm hiểu nhau. Hầu hết mọi người đều xây dựng tình bạn trên nền tảng những điểm tương đồng về tính cách, sở thích, gu hài hước và những trải nghiệm trong cuộc sống. Bốn bước đơn giản dưới đây có thể giúp bạn kết bạn một cách dễ dàng hơn.
Bước 1: Tìm điểm tương đồng
Những điểm chung trong tính cách và sở thích chính là hạt giống ươm mầm tình bạn. Qua giao tiếp, bạn sẽ dần dần nhận ra đâu là những người có cùng sở thích và quan điểm với mình. Kết thân với những đối tượng này là bước đầu hình thành và phát triển một tình bạn mới.
Bước 2: Dành thời gian tìm hiểu nhau
Sau khi trò chuyện và tìm ra những người hợp với mình, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu họ. Những lần đầu gặp nhau, bạn cần giữ bầu không khí thân mật và không nên kéo dài thời gian nói chuyện. Sau đây là một số gợi ý về không gian, địa điểm để những người bạn mới có thể tham khảo:
• Đi ăn tối hoặc uống cà phê với nhau.
• Cùng đi xem phim, ca nhạc hay kịch.
• Cùng đi dạo, chạy bộ hoặc đạp xe.
• Cùng tham quan bảo tàng hoặc tham dự một buổi giới thiệu sách.
• Cùng đi dự tiệc hoặc tham gia các sự kiện cộng đồng.
Khi tìm hiểu một người bạn mới, bạn nên tạo không khí vui vẻ để cả hai cởi mở trao đổi thông tin về nhau. Bằng cách trao đổi các thông tin này, các bạn sẽ dần hiểu nhau và quan hệ sẽ từng bước được hình thành. Các thông tin nên bao gồm:
• Quê quán
• Nơi ở hiện tại
• Nghề nghiệp
• Tình trạng hôn nhân
• Thời gian cư ngụ
• Một vài sở thích đặc biệt
• Một vài thông tin về gia đình
Không nên để một bên nào “độc thoại” trong cuộc trò chuyện, đồng thời bạn cũng không nên để lộ đời sống riêng tư hay những điều thầm kín khi chuyện trò với người bạn mới. Bạn chỉ nói về những điều này khi cả hai đã trở nên thân thiết. Một số chủ đề cần tránh khi trò chuyện với người bạn mới:
• Các vấn đề riêng tư như tình trạng sức khỏe, thói quen chi tiêu hay việc sử dụng các chất gây nghiện... (nếu chủ đề các bạn đang thảo luận không liên quan đến các vấn đề này).
• Chính trị.
• Tôn giáo, tín ngưỡng.
• Thông tin về các mối quan hệ cá nhân trong quá khứ.
Trong khi trò chuyện, bạn cần chú ý lắng nghe, ghi nhớ và bày tỏ sự hứng thú của bạn. Đó chính là những yếu tố vun đắp cho tình bạn của đôi bên. Cùng với thời gian cả hai sẽ chia sẻ với nhau nhiều chuyện riêng tư hơn. Bên cạnh đó, việc đề cập đến những điều quan trọng đối với người bạn mới chính là nền tảng giúp tình bạn hai bên ngày càng sâu đậm.
Bạn có thể hỏi:
“Anh/chị có thể kể tôi nghe về quê quán của anh/chị không?”
“Điều gì khiến anh/chị quyết định chuyển đến sống tại đây?”
“Anh/chị đã quyết định lập nghiệp ở đây như thế nào?”
“Anh/chị đã tìm thấy niềm vui như thế nào trong...?”
Một số thông tin bạn có thể chia sẻ:
“Tôi lớn lên ở... và chuyển đến đây vào năm....”
“Tôi tốt nghiệp với tấm bằng... nhưng tôi muốn thử sức mình trong nhiều lĩnh vực trước khi chọn cho mình một công việc phù hợp.”
“Tôi làm... để trang trải tiền thuê nhà nhưng ước mơ thật sự của tôi là...”
Bước 3: Dành thời gian cho nhau nhiều hơn nữa để vun đắp tình bạn
Khi tình bạn đã trở nên thân thiết, bạn sẽ muốn cả hai có nhiều thời gian bên nhau hơn. Vì thế, hãy sắp xếp thời gian để cùng nhau đi ăn tối hoặc tổ chức những buổi dã ngoại trong ngày hay vào những dịp cuối tuần. Lúc này, mục tiêu bạn cần đạt đến vẫn là tạo không khí vui vẻ và thoải mái để đôi bên tiếp tục trò chuyện. Quãng thời gian này sẽ giúp hai bạn được là chính mình và cũng là nền tảng xây dựng niềm tin cho một mối quan hệ lâu dài. Một vài gợi ý để bạn và người bạn mới có thêm cơ hội tìm hiểu nhau:
• Cùng tham gia một sự kiện diễn ra trong ngày như các buổi hội thảo, lễ hội âm nhạc, dã ngoại.
• Cùng đi mua sắm hoặc khám phá một địa điểm thú vị.
• Tham gia hội thảo diễn ra tại các địa điểm lân cận, thư giãn tại các khu nghỉ mát.
• Đi cắm trại hoặc du lịch vào dịp cuối tuần.
Bạn có ý định đi nghỉ mát cùng một người bạn?
Khi cả hai dự định sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhau, bạn nên dựa vào những xúc cảm tự nhiên và đừng vội đưa ra quyết định. Hãy chắc rằng cả hai đã trải qua khoảng thời gian đủ để có những ấn tượng tốt về nhau trước khi chấp nhận sẽ cùng trải qua một chuyến du lịch dài ngày. Hãy thảo luận và thống nhất ý kiến trước khi quyết định. Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“Tôi từng ước rằng mình sẽ có dịp được nghỉ ngơi và thư giãn tại một khách sạn hạng sang, nhưng mọi thứ thật đắt đỏ. Vì vậy, tôi thường chọn một căn phòng giá trung bình nhưng sạch sẽ và ở những vị trí thuận tiện nhất. Còn anh/chị thì sao? Anh/chị thích loại phòng nào khi đi du lịch?”
“Mỗi lần đi du lịch, tôi thích thức dậy thật sớm để khám phá thế giới xung quanh. Còn anh/chị thì sao?”
“Khi đi du lịch, tôi thích dành thời gian đủ lâu để tận hưởng phong cảnh của những vùng đất mới hơn là chạy ngược chạy xuôi để đi được nhiều điểm khác nhau. Còn anh/chị thì như thế nào?”
Bước 4: Thắt chặt mối thâm tình bằng cách chia sẻ những chuyện riêng tư và những trải nghiệm ý nghĩa
Tình bạn thật sự cho phép mọi người cùng chia sẻ và thấu hiểu nhau, mọi sự sẻ chia đều dựa vào niềm tin và sự cảm thông chân thành. Một khi cả hai đã tin tưởng nhau thì việc trao đổi những vấn đề riêng tư không còn là điều phải đắn đo suy nghĩ nữa. Cùng với thời gian, tình bạn sẽ được vun đắp bằng những xúc cảm và sự cảm thông chân thành. Khi lắng nghe những lời tâm sự từ người bạn của mình, bạn không nên đưa ra những nhận xét mang tính chỉ trích hay phê bình.
Tuy nhiên, bạn đừng đặt nặng những vấn đề của mình vào họ và đòi hỏi ở họ sự cảm thông hay giúp đỡ. Những người tìm và kết bạn theo cách này thường không giữ được tình bạn lâu dài.
15 cách phá vỡ tình bạn
Dù tình bạn của bạn phát triển một cách nhanh chóng hay được vun đắp dần theo thời gian thì bạn cũng đừng bao giờ ỷ lại vào người bạn của mình, nếu không họ sẽ mệt mỏi và ra đi. Sau đây là 15 cách nhanh nhất để phá vỡ một tình bạn:
1. Thất tín.
2. Chỉ biết bản thân mình.
3. Bàn tán và nói xấu sau lưng bạn.
4. Tiết lộ bí mật của bạn.
5. Chê bai cân nặng, vẻ bề ngoài và các mối quan hệ khác của bạn.
6. Luôn đòi hỏi sự giúp đỡ, nhưng không bao giờ giúp lại bạn.
7. Không có mặt bên cạnh người bạn ấy khi cần thiết.
8. Gán ghép bạn mình với những người khác.
9. Không xin lỗi khi có lỗi với bạn.
10. Làm kẻ thứ ba trong chuyện yêu đương hay những cuộc hẹn hò của bạn.
11. Tính khí thất thường.
12. Không tôn trọng ý kiến của bạn.
13. Thô lỗ và đưa ra những lời nhận xét ác ý.
14. Thường xuyên trễ hẹn.
15. Vắng mặt trong những buổi hẹn mà không báo trước, và cả sau đó.
Sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn gặp và làm quen với những người bạn mới, điều quan trọng là mối quan hệ này cần dựa trên những nét tương đồng về sở thích, những trải nghiệm trong cuộc sống và sự tôn trọng lẫn nhau.
Nối liên lạc với những người bạn cũ
“Chỉ có những người bạn thực sự bạn mới dám gọi điện cho họ vào lúc 4 giờ sáng.”
- Marlene Dietrich (1901 - 1992), nữ ca sĩ, diễn viên người Đức
Khi tiếng nhạc du dương của Glen Miller và ban nhạc Count Basie cất lên tại buổi họp mặt cựu sinh viên Trường Trung học Washington, cả sàn nhảy bỗng náo nhiệt hẳn bởi sự tham gia nhiệt tình của mọi người. Một người đàn ông cùng vợ - cả hai bây giờ đều đã đứng tuổi và chậm chạp hơn - góp vui bằng điệu nhảy gợi nhớ đôi vũ công nổi tiếng Ginger Rodgers và Fred Astaire trong vũ khúc “Waltz in Swing Time”.
Ngắm đôi vợ chồng dìu nhau thướt tha trong điệu nhảy say nồng, một phụ nữ ngồi ở hàng ghế đầu thì thầm với bạn mình: “Jack, nếu tôi biết trước ông ấy là một vũ công điêu luyện thế này thì hồi học trung học tôi đã không từ chối khi ông ấy mời tôi đến tham dự buổi khiêu vũ của trường rồi”.
Cố gắng tham gia các buổi họp mặt bạn bè cũ
Dù bạn đã tốt nghiệp 10, 15, thậm chí là 50 năm thì những buổi họp mặt bạn học cũ luôn là một dịp tốt để giữ liên lạc với bạn bè và để làm quen thêm nhiều bạn mới. Một số trường học có tổ chức những cuộc họp mặt, những bữa tiệc hoặc các chuyến du lịch hàng năm cho cựu sinh viên của trường. Có rất nhiều lý do để bạn gặp lại bạn bè hơn là chỉ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về một thời đã qua. Chẳng hạn, bạn muốn:
• Liên lạc với một người bạn cũ thân thiết trước đây.
• Gặp lại và trò chuyện với một người bạn đã lâu không gặp.
• Liên lạc với những người bạn đã mất liên lạc.
• Thân thiện với những người bạn chưa biết rõ.
• Tìm gặp những người bạn cũ sống gần nhà.
• Thiết lập các mối quan hệ cá nhân hay công việc mới.
• Tìm gặp những giáo viên cũ và bày tỏ lòng kính trọng với họ.
• Tìm thông tin về họ trên internet, trong thành phố hay tại nơi bạn đã lớn lên và gặp họ.
• Đến thăm những người hàng xóm cũ. Biết đâu bạn sẽ ngạc nhiên vì nhận ra rằng nhiều người bạn cũ vẫn đang sống gần đó.
• Trò chuyện với những người bạn khác để tìm hiểu thông tin về những người bạn đã mất liên lạc.
Nói gì trước những câu hỏi liên quan đến tình trạng hôn nhân và bệnh tật?
Trong các buổi họp mặt, bạn sẽ thường xuyên nhận được những câu hỏi liên quan đến chồng/vợ mình. Do vậy, những thông tin sai lệch về tình trạng hôn nhân của người đối diện có thể khiến cả hai rơi vào tình trạng khó xử.
Nếu bạn đã ly hôn, mọi người thường có xu hướng khai thác thông tin cá nhân từ bạn quanh vấn đề này, tuy nhiên bạn không nên trả lời tất cả, ít nhất là trong thời điểm đó. Thay vì vậy, hãy chuẩn bị những câu trả lời trực tiếp, ngắn gọn nhưng thú vị. Không nên trả lời những câu hỏi soi mói của họ. Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“Chúng tôi ly hôn vào năm ngoái và cảm thấy điều đó tốt hơn cho cả hai.”
“Lisa và tôi đã quyết định sống riêng. Bọn trẻ ở với tôi sáu tháng, sáu tháng còn lại ở với mẹ chúng.”
Khi ai đó nói với bạn rằng họ đã ly hôn, bạn không nên chúc mừng hoặc tra hỏi thông tin về chuyện này. Tốt nhất, bạn hãy chuyển sang một đề tài khác thú vị hơn. Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“À mà con gái cậu đang làm gì? Cô bé vẫn tinh nghịch như hồi nhỏ chứ?”
“Tôi hiểu rồi. Cậu còn gặp phải vấn đề gì nữa không?”
Nếu bạn bè nói rằng một thành viên trong gia đình họ đã qua đời, tốt nhất bạn hãy nói: “Tôi rất tiếc khi nghe tin này”. Nếu bạn biết người quá cố, hãy nói vài điều tốt đẹp về họ và tránh những câu hỏi mang tính tìm hiểu chi tiết về cái chết.
Nối lại sợi dây tình bạn
Những người bạn tốt đôi khi cũng bất đồng ý kiến dẫn đến sự rạn nứt trong tình bạn. Nếu điều đó xảy ra, bạn cần thời gian để đôi bên cùng bình tâm trở lại. Tuy nhiên, nếu tìm cách giảng hòa sớm, bạn sẽ có nhiều cơ hội nối lại sợi dây tình bạn hơn. Hãy thẳng thắn nói với người bạn của mình rằng bạn xem trọng tình bạn của cả hai và mong muốn mọi việc sớm trở lại như cũ.
Bạn có thể viết thư, gửi e-mail hoặc gọi điện thoại. Hãy nhớ rằng bạn cần phải biết nói lời xin lỗi nếu bạn là người gây ra mối bất hòa. Thậm chí nếu bạn cho rằng người ấy nợ bạn một lời xin lỗi thì bạn cũng nên là người hạ mình và giảng hòa trước. Sau đây là một vài gợi ý:
“Mình thật sự rất tiếc vì cuộc cãi vã của chúng ta hôm qua. Cậu biết là đôi khi mình khá nóng tính. Những điều mình nói khiến cậu bị tổn thương và mình thật sự xin lỗi vì điều đó. Mình đã mất kiểm soát, và mình biết mình đã sai khi có thái độ như thế với cậu. Mình muốn cậu hiểu rằng mình rất trân trọng tình bạn của chúng ta và mình hy vọng cậu sẽ tha thứ cho mình.”
“Mình biết giữa chúng ta có những sự khác biệt, nhưng hãy để những khác biệt đó lại phía sau và tiếp tục nuôi dưỡng tình bạn giữa chúng ta. Mình chắc cả hai đều cảm thấy hối hận vì những điều đã nói, nhưng mình rất sẵn lòng cho qua mọi chuyện, mong cậu cũng có ý định như thế.”
Không giống như việc gửi thư hay e-mail, hình thức liên lạc qua điện thoại diễn ra khá nhanh chóng, do vậy bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trò chuyện khi người bạn cũ nhấc máy. Đừng quên tự giới thiệu bản thân với người ở đầu dây bên kia. Chẳng hạn:
“Xin chào, tôi tên... Tôi đang tìm một người bạn học cũ/người bạn cùng phòng/bạn trong quân đội... Anh/chị có phải là…(tên của người bạn muốn tìm)?”
Nếu người đó trả lời “phải”, hãy nói tiếp:
“Hay quá! Chúng ta có thể nói chuyện vài phút được không? Nếu không, tôi sẽ gọi lại vào lúc khác nhé?”
Bạn cũng cần nhắc để người bạn cũ của mình nhớ lại bạn là ai bởi những ký ức đã qua có thể khá mờ nhạt, và cũng khó để họ hình dung gương mặt bạn chỉ qua một cái tên. Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“Tôi là anh chàng có dáng khá gầy ngồi cạnh bạn trong lớp Anh Văn trước đây và vẫn thường hay trêu chọc bạn đấy mà. Dù sao tôi cũng muốn xin lỗi về chuyện đó.”
“Chúng ta đã cùng chơi cho đội bóng của trường, tôi là người bắt bóng.”
“Chúng ta ngồi kế nhau trong ban nhạc. Tôi chơi kèn saxophone – và đến giờ vẫn vậy. Cậu vẫn còn chơi kèn clarinet chứ?”
Bạn cần tập trung vào những câu chuyện tích cực hơn là đề cập đến những vấn đề tế nhị như sức khỏe hoặc những chuyện riêng tư của đối phương. Đừng mong rằng cuộc trò chuyện đầu tiên sau bao nhiêu năm đứt liên lạc này sẽ kéo dài. Nếu hai bạn cảm thấy hứng thú, hãy trao đổi số điện thoại và địa chỉ e-mail.
Nối lại quan hệ bạn bè với những người bạn cũ cũng giống như bạn xem đi xem lại một bộ phim ưa thích mà không bao giờ chán - mọi thứ đều khiến bạn hiếu kỳ, muốn đón nhận nhiều điều mới thú vị hơn. Tuy nhiên, nếu đây là một tình bạn mới thì bạn cần biết cách giao tiếp để trở thành một người bạn tinh tế và thú vị.
8 tình huống bạn cần có cách cư xử khéo léo
“Một người bạn tốt luôn tha thứ cho những lỗi lầm nhỏ của bạn mình.”
- David Storey, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia người Anh
Khi một người không xem trọng tình bạn giữa đôi bên hoặc có những lời nói, thái độ khinh suất đối với chúng ta, chúng ta thường đáp trả bằng một thái độ cứng rắn. Cách này có thể giúp chúng ta cảm thấy không bị thua thiệt. Tuy nhiên, nó rất dễ dẫn đến một cuộc tranh cãi giữa hai bên.
Trong trường hợp này, tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh và cẩn trọng xem xét mọi việc thay vì ăn miếng trả miếng với họ và đặt tình bạn của cả hai vào nguy cơ rạn nứt.
• Đối với người bạn đang phàn nàn, hãy nói:
“Cậu có thể làm gì để thay đổi chuyện này?”
“Cậu định thế nào?”
“Tôi có thể giúp gì cho cậu không?”
• Đối với một người bạn hay đến trễ, hãy nói:
“Hãy cố gắng đi sớm, và thế là cậu đúng giờ.”
“Nếu cậu đến trễ, hãy báo cho tôi nhé. Đây là số điện thoại của tôi, hãy lưu vào nếu cậu vẫn chưa có.”
• Đối với người chỉ thích phán xét người khác, hãy nói:
“Có lẽ nó không thật sự hoàn hảo, nhưng dù sao tôi vẫn thích nó như thế”.
• Đối với người hay nói xấu, hãy nói:
“Tôi nghĩ cậu có lý do để nói như vậy, nhưng tôi thật sự không muốn nghe những điều đó.”
• Đối với người làm bạn tổn thương, hãy nói:
“Tôi ước gì cậu chưa từng nói như thế.”
• Đối với người không trả lời điện thoại của bạn nhanh chóng, hãy nói một cách hài hước như sau:
“Tôi sẽ rất cảm kích nếu cậu gọi lại cho tôi đấy!”
Đôi lúc, bạn cần tạo cảm hứng để đối phương nhanh chóng hồi âm cuộc điện thoại cho bạn. Chẳng hạn:
“Này, cậu gọi lại cho tôi sớm nhé. Tôi vừa có hai vé đi xem hòa nhạc miễn phí…”
• Đối với người hay nhờ vả, hãy cảm thông nhưng cần cứng rắn với họ. Hãy nói:
“Xin lỗi, nhưng tôi không thể nào giúp cậu hơn được nữa.”
• Đối với người thích “dạy đời” người khác, bạn hãy nói:
“Cảm ơn. Tôi sẽ suy nghĩ thêm về chuyện này.”
“Tôi biết cậu muốn giúp đỡ, nhưng hãy để tôi tự giải quyết việc này.”
7 nguyên tắc vàng trong tình bạn
Đôi lúc, nuôi dưỡng tình bạn không phải là một việc dễ dàng, nó đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn và biết cách cư xử sao cho thật tinh tế, khéo léo. Tuy nhiên, nếu thành công, một tình bạn bền vững sẽ mang lại cho bạn nhiều hồi ức đẹp và thú vị. Sau đây là 7 nguyên tắc vàng giúp bạn kết thân và lưu giữ tình bạn đến trọn đời:
Nguyên tắc 1: Những người bạn đúng nghĩa luôn có mặt khi chúng ta cần.
Nguyên tắc 2: Những người bạn đúng nghĩa chấp nhận con người thật của nhau.
Nguyên tắc 3: Những người bạn đúng nghĩa quan tâm đặc biệt đến cuộc sống của bạn mình.
Nguyên tắc 4: Những người bạn đúng nghĩa không bao giờ toan tính thiệt hơn.
Nguyên tắc 5: Những người bạn đúng nghĩa luôn trung thành.
Nguyên tắc 6: Những người bạn đúng nghĩa không từ bỏ bạn mình để chạy theo người khác.
Nguyên tắc 7: Những người bạn đúng nghĩa biết rằng: “Để có một người bạn đúng nghĩa, trước hết họ phải là một người bạn đúng nghĩa”.
Gìn giữ một tình bạn đẹp trong suốt cuộc đời là điều hoàn toàn có thể nếu bạn biết nỗ lực nuôi dưỡng và vun đắp cho mối quan hệ ấy. Hãy dành thời gian và tận dụng cơ hội để có thêm những người bạn mới, nhưng cũng đừng quên tìm lại và thắt chặt tình bạn với những người bạn cũ. Một thái độ ích kỷ, thù hằn, toan tính hoặc phán xét có thể khiến bạn đánh mất một tình bạn đẹp. Sẽ có lúc, sự có mặt của bạn thực sự cần thiết cho một ai đó. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ rơi bạn bè và khiến họ phải thất vọng trong những lúc họ cần đến bạn nhất.