“Tôi chưa bao giờ thực sự thích nghi với cuộc sống ở Los Angeles này. Mặc dù tôi sống ở đây đã mười một năm, nhưng đồng hồ của tôi vẫn luôn được chỉnh theo giờ New York.”
- Mel Brooks, nghệ sĩ hài người Mỹ
Một người bạn của tôi mới chuyển đến sống tại một khu dân cư khá yên tĩnh ở Seattle. Cô kể rằng, chẳng bao lâu sau khi về nhà mới, cô nghe thấy tiếng gõ cửa vào một buổi sáng. Đứng trước mặt cô là một người đàn ông lớn tuổi, ông nói rằng mình là người hàng xóm của cô, rồi chìa tay tặng cô một rổ dâu tươi ngon mới hái từ vườn nhà. Cử chỉ nồng ấm của ông khiến cô vô cùng cảm động. Từ đó, họ trở thành những người hàng xóm thân thiết và tốt bụng của nhau.
4 điều bạn nên làm để chào đón người hàng xóm mới
Việc chuyển đến sống tại một nơi khác luôn khiến chúng ta e ngại: không biết những người hàng xóm ở đó thế nào, họ có thân thiện hay không? Câu chuyện trên của cô bạn tôi cho thấy một món quà nhỏ đi kèm với sự chân thành sẽ giúp cả hai bên cởi mở hơn trong việc xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Hãy tôn trọng sự riêng tư của người láng giềng
Một số người không thích nói nhiều về mình với người lạ, dù rằng người đó sống ngay cạnh nhà mình. Nếu hàng xóm của bạn là người sống khép kín, tốt hơn hết bạn không nên đặt ra cho họ quá nhiều câu hỏi, nếu không, họ sẽ cho rằng bạn đang làm phiền họ đấy.
Phần lớn những người chuyển đến nhà mới đều đồng ý rằng nếu họ đến chào hỏi hàng xóm càng sớm thì quan hệ về sau giữa đôi bên càng thân tình. Sau đây là bốn cách bạn có thể giúp người hàng xóm mới cảm thấy được chào đón:
1. Thể hiện sự chào đón nồng nhiệt
Nhiều người mới đến thường rất ngại khi tự giới thiệu mình với hàng xóm. Điều này giải thích vì sao đôi khi nhiều tháng trôi qua nhưng cả người mới lẫn người cũ vẫn không biết gì nhiều về nhau. Đừng quên rằng, một lời chào đón nồng nhiệt sẽ khiến người hàng xóm mới của bạn cởi mở hơn, bởi lúc đó hàng rào ngăn cách ban đầu đã bị phá bỏ, mở đường cho việc thiết lập mối quan hệ mới giữa đôi bên.
Để chào đón hàng xóm mới, bạn hãy nói:
“Xin chào, tôi tên..., nhà tôi ở ngay bên đường. Tôi qua đây để chào hỏi và làm quen với các bạn.”
“Chào, tôi tên… Tôi biết anh/chị vừa chuyển đến căn hộ ở tầng trên, chúng ta là hàng xóm của nhau rồi đấy! Tôi sống ở tầng một. Anh/chị tên là gì?”
2. Đề nghị giúp đỡ
Bạn còn nhớ mình từng phải xoay xở thế nào trong lần đầu tiên chuyển sang nhà mới không? Nào là vận chuyển đồ đạc, bốc dỡ xuống xe và đưa vào nhà, sơn sửa, lau dọn nhà cửa - cả một đống công việc đang chờ đợi bạn. Cho nên, chủ động đề nghị giúp đỡ người hàng xóm mới của bạn là một cách hay để tạo ra sự thân thiết giữa đôi bên. Nhưng bạn cũng nên giữ chừng mực. Một lời đề nghị đơn giản như cho mượn dụng cụ hoặc giúp bốc dỡ đồ đạc xuống xe sẽ có tác dụng tốt. Bằng cách này, bạn đang cho họ thấy bạn là một người hàng xóm tốt bụng và dễ mến.
Bạn có thể nói:
“Nếu anh/chị cần giúp đỡ, hãy nói với tôi nhé!”
“Tôi e rằng cái lưng đau của tôi không cho phép tôi làm việc nặng, nhưng tôi sẵn sàng giúp anh/chị một vài việc vặt như...”
3. Bày tỏ thiện ý tạo mối quan hệ tốt đẹp
Bạn cần tỏ ra hòa nhã nếu muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với láng giềng, đặc biệt trong một thế giới đầy những âm thanh có thể gây khó chịu như ngày nay. Với hàng xóm, dù mới đến hay đã ở lâu, thì sự tế nhị và lối cư xử chừng mực đều rất cần thiết. Ngay từ đầu, bạn nên khéo léo nhắn nhủ với người hàng xóm của mình một vài điều trước khi có những việc diễn ra ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn:
“Sẽ có lúc các con tôi gây ồn vì chơi bóng ở sân sau. Nếu chúng làm phiền anh/chị, anh/chị hãy nhắc nhở chúng giúp tôi nhé.”
“Gia đình tôi chuẩn bị sửa sang lại gian bếp, có thể việc này sẽ hơi ồn ào một chút. Tôi sẽ cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến anh/chị nhưng nếu anh/chị không hài lòng điều gì thì hãy nói cho tôi biết nhé.”
4. Mời hàng xóm mới tham gia một bữa tiệc nhỏ cùng gia đình
Giao tiếp với người hàng xóm là cách tốt nhất để tìm hiểu lẫn nhau. Một vài gia đình vẫn giữ thói quen tổ chức những bữa tiệc nhỏ tại nhà hoặc những chuyến cắm trại ở đâu đó. Một lời mời đối với người bạn hàng xóm vào những dịp họp mặt thế này sẽ chứng tỏ sự thân thiện và hiếu khách của bạn. Bạn có thể gửi thư mời hoặc đơn giản nói như sau:
“Chúng tôi có một bữa tiệc nhỏ tại nhà vào trưa thứ Bảy này và rất muốn mời anh/chị cùng tham gia. Một vài gia đình khác mà anh/chị quen biết cũng sẽ có mặt. Anh/chị sẽ đến chung vui cùng chúng tôi nhé?”
“Anh/chị có hứng thú tham dự cuộc họp của ban quản lý tòa nhà vào lần tới không? Đây là một cơ hội tốt để anh/chị gặp gỡ và làm quen với nhiều người đấy!”
6 điều cần nhớ khi chuyển nhà đến nơi ở mới
“Ngoại ô là nơi các nhà quy hoạch đô thị đốn cây, san lấp mặt bằng và đặt tên đường theo tên của họ.”
- Bill Vaughan (1915-1977), tác giả người Mỹ
Lần nọ, ở một thị trấn ngay phía bắc New York, những chủ nhân mới của một ngôi nhà với khu vườn có rất nhiều cây to lập tức cho đốn hàng loạt cây phải đến 150 năm tuổi. Những người hàng xóm rất bất bình, bởi theo họ “không ai có quyền chặt bỏ những cây cổ thụ quý hiếm như thế, đặc biệt khi chúng đã có hàng trăm năm tuổi”. Một số người khác còn phản ứng gay gắt hơn: “Đó là hành động phá hoại môi trường!”.
Thật vậy, không dễ gì làm vừa lòng hàng xóm, nhất là khi họ đã sinh sống ở đó trước bạn từ rất lâu. Để tránh làm phật ý họ, bạn có thể tham khảo sáu lời khuyên sau đây:
1 - Nhờ người chủ cũ giới thiệu bạn với một vài người hàng xóm
Đây là một cách thức hiệu quả giúp bạn xây dựng quan hệ với hàng xóm mới. Bạn sẽ không mất nhiều thời gian trò chuyện trong lần gặp đầu tiên này, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để bạn tạo ấn tượng tốt với họ. Bạn có thể nói:
“Anh/chị vui lòng giới thiệu tôi với một vài người hàng xóm nhé?”
2 - Tự giới thiệu
Những người hàng xóm thân thiện sẽ gõ cửa nhà bạn và tự giới thiệu về mình. Tuy nhiên, nếu sau vài ngày mà bạn vẫn chưa có dịp gặp họ, khi đó bạn hãy chủ động đến nhà họ và làm quen với họ. Bạn có thể nói:
“Xin chào, tôi vừa dọn đến nhà bên cạnh. Tên tôi là...”
3 - Thích nghi với môi trường mới
Là người mới đến, bạn nên “nhập gia tùy tục” để nhanh chóng hòa hợp với những người xung quanh. Chẳng hạn, nếu thói quen của khu phố là giữ im lặng hoàn toàn sau 10 giờ tối, bạn hãy dời những việc có thể gây tiếng ồn lại sáng hôm sau. Nếu hàng xóm có những đứa con hay gây ồn ào, tốt hơn hết bạn nên “cam chịu” một thời gian, cho đến khi nào bạn trở thành “người cũ” để không rơi vào tình huống đối đầu với họ và gây khó khăn cho chính bạn trong việc thiết lập quan hệ tốt đẹp về sau.
4 - Hãy khen con cái, ngôi nhà và mảnh vườn của họ
Một số người rất tự hào về con cái, ngôi nhà hay mảnh vườn của họ. Vì thế, lời khen sẽ giúp bạn làm quen và thiết lập mối quan hệ rất nhanh và tốt đẹp với họ. Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“Khu vườn nhà ông/bà đẹp quá! Nó khiến cho khu phố sinh động hẳn lên. À nhân tiện, tôi sống ở nhà bên cạnh. Tôi tên là...”
5 - Tham gia các hoạt động cộng đồng
Dù rằng chỉ một số khu dân cư có nhiều hoạt động xã hội nhưng bạn vẫn có thể tận dụng cơ hội này để giao tiếp với mọi người. Cơ hội phổ biến nhất là những buổi họp mặt, những phong trào được phát động trong toàn khu phố. Tham gia chung vui cùng mọi người chứng tỏ bạn có thiện ý muốn kết thân và chung sống hòa hợp với họ.
Khi được mời tham dự một hoạt động nào đó, bạn đừng quên bày tỏ sự hứng khởi của mình. Hãy nói:
“Rất cảm ơn vì lời mời... Tôi sẽ có mặt đúng giờ. Thế tôi có cần mang theo gì không?”
Nếu muốn từ chối, bạn cũng nên bày tỏ sự biết ơn với lời mời này. Sau đó, hãy giải thích ngắn gọn lý do vì sao bạn không thể tham gia. Chẳng hạn:
“Tôi rất vui vì anh/chị đã nghĩ đến tôi, nhưng tôi có chuyến công tác/đã có kế hoạch khác trong quãng thời gian đó. Tôi sẽ rất vui nếu có dịp tham gia vào lần sau, anh/chị đừng quên tôi nhé!”
6 - Cố gắng làm quen với tất cả hàng xóm của bạn
Bạn sẽ có nhiều cơ hội để gặp những người đang sống cạnh nhà, tuy nhiên có khi phải mất một thời gian sau bạn mới có dịp làm quen với những người hàng xóm cách bạn xa hơn. Đừng quá lo lắng nếu sau vài tuần hoặc thậm chí vài tháng mà bạn vẫn chưa quen hết tất cả mọi người, bởi trước sau gì bạn cũng sẽ có cơ hội gặp mặt và giới thiệu về bản thân với họ. Khi đó, bạn hãy nói:
“Xin chào, tôi mới chuyển đến đây vài tháng trước. Tôi xin tự giới thiệu nhé, tôi tên là...”
9 điều làm phiền hàng xóm của bạn
Franklin P. Jones, một doanh nhân, nói rằng: “Cách tốt nhất giúp bạn thể hiện sự khoan dung trước một bữa tiệc ồn ào của nhà hàng xóm là hãy tham gia vào đó”. Tuy nhiên, bạn thật sự sẽ khiến hàng xóm của mình phiền lòng nếu phạm vào những điều sau:
1. Thường xuyên tổ chức những bữa tiệc ồn ào.
2. Để mặc cho cây trong vườn mọc lấn sang nhà bên cạnh và che khuất tầm nhìn của họ.
3. Để con cái chơi đùa ồn ào cả ngày.
4. Đi những đôi giày phát ra tiếng kêu.
5. Để mặc thú nuôi chạy rông sang vườn nhà bên cạnh.
6. Gây tiếng ồn vào ban đêm (mở nhạc to, khoan, đóng đinh, sửa chữa vật dụng, sử dụng máy móc công suất lớn…).
7. Làm ồn vào sáng sớm những ngày nghỉ cuối tuần.
8. Không trả những vật dụng đã mượn.
9. Đỗ xe trong khu vực nhà hàng xóm.
Cách nói lời phàn nàn với hàng xóm
“Sống sao cho hòa hợp với nhà Jones, hàng xóm của chúng tôi, là việc làm cả đời của bố mẹ tôi. Tôi không hề biết điều đó cho đến khi tôi còn lại một mình.”
- Quentin Crisp (1910-1999), tác giả người Anh
Phải thừa nhận rằng sự ồn ào, náo nhiệt là đặc trưng của cuộc sống đô thị. Chúng tôi từng là nạn nhân của những tiếng còi báo động ầm ĩ từ xe hơi của một người hàng xóm. Còn nhớ, lần đó tôi đã viết một vài dòng rồi kẹp nó vào cần gạt nước trên chiếc xe.
Xin chào,
Anh/chị có biết rằng tiếng còi báo động rú lên từng giờ từ chiếc xe của anh/chị đã làm phiền chúng tôi suốt cả ngày (hoặc đêm) hôm nay không? Cái âm thanh đinh tai nhức óc đó khiến chúng tôi không thể nào ngủ (hoặc làm việc) được. Xin vui lòng thay thế hoặc chỉnh sửa nó. Chúng tôi sẽ rất biết ơn anh/chị về hành động đó.
Xin cảm ơn!
Những người hàng xóm của anh/chị.
Những lời nhắn nhủ ngắn gọn kiểu này sẽ khiến người hàng xóm của bạn cảm thấy ngại ngùng và lập tức tìm cách cải thiện vấn đề. Nếu thái độ tiếp nhận của họ khiến bạn phật lòng, đầu tiên hãy cân nhắc xem liệu sự khó chịu này có cần thiết để bạn phản ứng mạnh hơn không. Nếu điều đó là cần thiết, bạn hãy làm theo bốn bước sau đây để giải quyết êm đẹp mọi chuyện.
Bước 1: Đặt vấn đề một cách đơn giản
Hàng xóm của bạn thậm chí còn không biết rằng thái độ của họ khiến bạn phiền lòng cho đến khi bạn trực tiếp nói điều đó với họ. Nếu quan hệ giữa đôi bên tốt đẹp, họ sẽ tìm cách cải thiện tình hình. Vì vậy, bạn không nên nói những lời phàn nàn mơ hồ hoặc vô căn cứ, bởi chúng chỉ khiến tình hình thêm xấu đi; cũng đừng thổi phồng mọi chuyện kiểu như “Tôi phát điên lên mất!”, hoặc “Nó khiến cuộc sống của tôi như địa ngục!”.
Bước 2: Giải thích việc đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào
Hãy giải thích rõ ràng vì sao bạn phiền lòng và đừng quên đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Việc nói cho người hàng xóm biết họ đã làm ảnh hưởng đến bạn như thế nào sẽ giúp họ hiểu và có những điều chỉnh thích hợp.
Bước 3: Đưa ra một giải pháp
Nếu chỉ đưa ra lời phàn nàn, vấn đề của bạn có thể sẽ không được cải thiện. Vì vậy, hãy tiến một bước xa hơn. Hãy nói rõ bạn muốn vấn đề được giải quyết như thế nào. Hãy cân nhắc xem liệu lời đề xuất của bạn có hợp lý và phù hợp với điều kiện của họ hay không. Liệu bạn có thể thỏa hiệp với họ không?
Bước 4: Bày tỏ sự cảm kích
Một số người rất dễ mất bình tĩnh và cư xử thô lỗ khi họ phật ý với hàng xóm. Để tránh điều này, sau khi phàn nàn, bạn đừng quên bày tỏ sự biết ơn của mình bằng những câu như: “Làm ơn,” “Xin vui lòng”, “Xin cảm ơn”, hay “Cảm ơn vì sự hợp tác của anh/chị”, “Chúng ta cùng giải quyết vấn đề nhé!”.
Ngoài bốn bước trên, cơ hội cải thiện tình hình sẽ chủ yếu dựa vào:
• Khả năng đối thoại khéo léo và tôn trọng của bạn.
• Mối quan hệ trước đây và thái độ của các bạn dành cho nhau.
• Có thiện chí duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
• Sẵn lòng chấp nhận cách giải quyết hợp tình hợp lý.
Sau đây là một ví dụ về cách áp dụng quy trình bốn bước ở trên. Chẳng hạn, hàng xóm của bạn mở nhạc quá to vào ban đêm, bạn hãy áp dụng cách giải quyết vấn đề như sau:
Bước 1: Đặt vấn đề
“Có lẽ anh/chị không nhận ra rằng các bức tường trong tòa nhà của chúng ta đều rất mỏng, vì vậy âm thanh phát ra từ chiếc máy hát của anh/chị khiến tôi có cảm giác như nó nằm ngay trong phòng ngủ của mình, và tôi thấy không thoải mái đối với điều này lắm.”
Bước 2: Nói rõ vấn đề đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào
“Đặc biệt là vài ngày qua tiếng ồn càng lúc càng lớn và tôi không thể nào chợp mắt được cho đến khi anh/chị tắt máy, lúc đó đã hơn một giờ sáng. Điều này quả thật không hay chút nào bởi tôi phải dậy từ rất sớm để đi làm.”
Bước 3: Đưa ra giải pháp
“Tôi không phản đối chuyện anh/chị nghe nhạc, nhưng sau 10 giờ tối anh/chị vui lòng vặn nhỏ âm thanh hoặc sử dụng tai nghe được không?”
Bước 4: Bày tỏ sự biết ơn
“Tôi thật cảm kích nếu anh/chị dành cho tôi ân huệ này”.
Xin lỗi hàng xóm của bạn như thế nào?
Ngay cả những người hàng xóm thân thiện đôi khi cũng trở nên khó tính. Tuy nhiên, vấn đề sẽ được cải thiện nhanh chóng nếu bạn hành động kịp thời. Hãy chủ động nhận lỗi và sửa chữa sai lầm của mình. Bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
Thẳng thắn xin lỗi, không quanh co
Việc đầu tiên bạn cần làm để sửa chữa sai lầm là xin lỗi hàng xóm của mình, không nên biện minh hay đổ lỗi cho người khác. Bạn hãy nói:
“Tôi xin lỗi vì đã...”
“Tôi thật sự xin lỗi vì sự bất tiện đã gây ra cho anh/chị.”
Đồng tình với sự khó chịu của người hàng xóm
Khi người hàng xóm nổi giận với bạn, hãy nhìn nhận lý do khiến họ có thái độ như vậy. Điều này cho thấy bạn lắng nghe và hiểu được sự khó chịu của họ. Hành động đơn giản này sẽ giúp lời xin lỗi của bạn dễ được chấp nhận hơn:
“Tôi cũng sẽ rất khó chịu nếu ai đó làm như vậy... (làm hỏng cửa sổ, mở nhạc to, đóng đinh vào tường lúc nửa đêm...).”
“Rõ ràng việc các con tôi dẫm đạp lên vườn nhà anh/chị khi chúng chơi bóng là rất đáng trách.”
Cảm ơn người hàng xóm vì họ đã chủ động đề cập vấn đề
Nếu người hàng xóm than phiền về một sự việc do bạn hoặc những người trong gia đình bạn gây ra mà bạn không hề biết, trước hết hãy cảm ơn họ vì đã cho bạn biết điều đó. Bạn có thể nói:
“Tôi rất cảm ơn vì anh/chị đã nói cho tôi biết... Tôi không ngờ việc này đã làm phiền anh/chị đến vậy.”
“Tôi thật là vô tâm! Tôi đã không nhận ra là mình đã làm hỏng... của anh/chị.”
“Ồ, tôi không biết rằng việc tôi chơi đàn đã làm anh/chị mất ngủ. Tôi thành thật xin lỗi.”
Đề nghị sửa chữa sai lầm
Sau lời xin lỗi, bạn cần xác nhận rằng thái độ của người hàng xóm trước sự việc như vậy là đúng và đừng quên cảm ơn họ vì đã thông báo cho bạn biết mọi việc. Và bây giờ là lúc bạn cần nhận trách nhiệm về mình, từ đó sửa chữa sai lầm. Nếu bạn trì hoãn không giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý thì không những bạn phá hủy mối quan hệ giữa đôi bên mà còn để lại ấn tượng xấu, và lâu dài, với hàng xóm của bạn.
Bạn hãy nói với người hàng xóm ấy rằng:
“Tôi rất tiếc vì đã để điều đó xảy ra, vì vậy hãy để tôi thay cửa sổ (sửa lại hàng rào) giúp anh/chị nhé!”.
“Tôi thật xấu hổ khi anh/chị đề cập với tôi về việc đó. Tôi hứa sẽ không để chuyện này lặp lại một lần nào nữa. Cho phép tôi gửi lại anh/chị khoản chi phí sửa chữa nhé”.
“Bà con xa không bằng láng giềng gần.”
- Ngạn ngữ
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm của bạn không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng những cố gắng ban đầu sẽ làm cuộc sống của bạn về sau thuận lợi hơn. Bạn cần có kỹ năng giao thiệp tốt, sự quyết đoán và thái độ tích cực cho mối quan hệ mới này. Nhà văn người Mỹ Eric Hoffer (1902 - 1983) từng có một câu nói rất hay về việc chung sống hòa hợp với những người hàng xóm: “Dành tình yêu thương cho nhân loại đôi khi không khó bằng sự cảm thông và hòa hợp với người hàng xóm của mình”.