“Đừng ngại nói với mọi người những khó khăn của bạn.
Dù một nửa trong số họ không quan tâm, vẫn có một nửa còn lại hiểu và sẵn sàng chia sẻ với bạn.”
- Josh Billings (1818-1885), nhà văn người Mỹ
Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào một số người có thể tự tin bước vào một buổi tiệc, trò chuyện thân mật với toàn những người lạ và nhanh chóng kết thân với họ? Một bí quyết quan trọng giúp bạn thành công trong giao tiếp xã hội chính là khả năng làm quen và đối thoại với người lạ. Trò chuyện với một người lạ cũng giống như bạn đang khiêu vũ với một người bạn nhảy mới. Cả hai cần vài phút ban đầu để làm quen với phong cách của nhau, nhưng sẽ không quá lâu trước khi hai người có thể trò chuyện thân mật và gần gũi. Kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn có thể trò chuyện với tất cả mọi người trong nhiều tình huống khác nhau.
5 bước làm quen hiệu quả
“Điểm nổi bật nhất của những người tự cao tự đại là họ không bao giờ nói về người khác.”
- Lucille S. Harper
Trò chuyện là một hình thức truyền tải thông tin, ý tưởng và cảm xúc mà thông qua đó, bạn có thể xây dựng quan hệ với những người bạn gặp gỡ. Trò chuyện cho phép những người lạ nhanh chóng tìm đến và bắt chuyện với nhau để mở đầu một mối quan hệ. Có năm bước bạn cần thực hiện nếu muốn làm quen với mọi người. Bạn có thể áp dụng các bước này ở bất kỳ đâu: trong một buổi tiệc, lúc đi dạo với người hàng xóm, hay khi đi nhà sách.
Bước 1: Tiến về phía đối phương và chào hỏi
Hãy tự tin bước đến và chào hỏi những người bạn đang có ý định làm quen. Nhưng làm thế nào bạn biết được họ có sẵn sàng cho cuộc trò chuyện hay không? Bạn sẽ dễ dàng nhận biết điều này nhờ những dấu hiệu ngôn ngữ cử chỉ được liệt kê dưới đây. Những người có ngôn ngữ cử chỉ theo hướng cởi mở, chào mời sẽ là đối tượng phù hợp để bạn bắt chuyện; ngược lại, sự khép kín trong ngôn ngữ cử chỉ cho thấy họ không hứng thú với việc tán gẫu cùng bạn.
Ngôn ngữ cử chỉ: Cách xác định thái độ của người đối diện
Cởi mở
• Mỉm cười.
• Thể hiện ánh mắt giao tiếp.
• Bàn tay và cánh tay thả lỏng tự nhiên, thoải mái.
• Di chuyển vòng quanh.
Khép kín
• Nhíu mày, tỏ thái độ chán nản
• Nhìn tránh sang chỗ khác.
• Khoanh tay trước ngực.
• Đứng/ngồi yên một chỗ và giữ khoảng cách với mọi người.
Bước 2: Thăm dò để chọn nội dung trò chuyện bằng cách đặt ra những câu hỏi đóng
Sau khi chào hỏi người bạn mới, bạn cần thăm dò đối phương để chọn một đề tài trò chuyện phù hợp. Giống như ngư dân phải thả lưới nhiều lần mới hy vọng bắt được cá, bạn cần đặt ra những câu hỏi đóng (câu hỏi có câu trả lời ngắn gọn) và quan sát phản ứng của họ.
Đề tài ưa thích của bạn là gì?
Đề tài ưa thích là những vấn đề được người đối diện cảm thấy có hứng thú khi đề cập đến như: xe cộ, bóng đá, các đĩa nhạc quý, dạo phố bằng xe đạp, nuôi chim, chơi cờ, vẽ tranh… Xác định được đề tài ưa thích của đối phương cũng có nghĩa là bạn đã thành công bước đầu trong cuộc đối thoại.
Bạn cũng có thể đoán biết sở thích của người đối diện bằng cách quan sát cách ăn mặc, đồ trang sức, quyển sách họ đang đọc, nhạc cụ hay dụng cụ thể thao họ đang cầm trên tay… Từ đó, bạn có thể đặt ra những câu hỏi thăm dò, chẳng hạn:
Đối với người đang dắt chó đi dạo, bạn hãy nói: “Chú chó này thật dễ thương. Nó thuộc giống nào nhỉ?”.
Đối với người đang đọc một quyển sách về máy tính, bạn hãy nói: “Tôi thấy anh/chị đang đọc sách về máy tính. Anh/chị đang học ngành công nghệ thông tin phải không?”.
Đối với người mang theo một cây đàn guitar, bạn hãy nói: “Anh/chị có chơi cho ban nhạc nào không?”, hoặc: “Anh/chị thường chơi thể loại nhạc nào?”.
Nếu họ phản ứng tích cực với những câu hỏi của bạn, hãy tiếp tục đặt ra những câu hỏi mở đồng thời nêu đánh giá và chia sẻ ý kiến của bạn về đề tài đó.
Bước 3: Tiết lộ đề tài mà bạn quan tâm
Để tiếp tục cuộc đối thoại, bạn cũng cần đề cập đến những chủ đề mà bạn yêu thích. Nếu không, người đối diện có thể sẽ không hỏi vì e ngại. Điều quan trọng là bạn cần cân bằng lượng thông tin khai thác từ họ và lượng thông tin bạn chia sẻ với họ để khi kết thúc cuộc trò chuyện, cả hai bạn đều biết thêm nhiều điều về nhau.
Một vài cách giúp bạn đề cập đến đề tài yêu thích của mình:
“Tôi từng là thành viên của tổ chức này trong nhiều năm.”
“Tôi đã chuyển nhà từ… đến đây bởi vì khu vực này gần núi, và tôi rất thích môn trượt tuyết.”
“Thật trùng hợp! Tôi cũng học… tại trường đó.”
Lưu ý: Bạn không nên kể quá chi tiết về mình.
Bước 4: Lắng nghe và chia sẻ những mối quan tâm chung
Cuộc đối thoại giữa bạn và người đối diện sẽ diễn ra rất thú vị nếu bạn chủ động đề cập và chia sẻ những mối quan tâm chung của hai người. Người nghe sẽ chọn và nêu lên những từ khóa quan trọng – về con người, nơi chốn, các hoạt động hay vật dụng – để đẩy nhanh mạch đối thoại. Sau đó, họ sẽ đặt ra các câu hỏi và nêu lên suy nghĩ của mình dựa vào những điều họ được người đối diện chia sẻ.
Khi một người đề cập đến chủ đề yêu thích của bạn, hãy bày tỏ những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang rất hứng thú. Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“Thật là tuyệt khi gặp được người có cùng sở thích về…”
Bước 5: Thay đổi đề tài
Trong các cuộc trò chuyện, đến một lúc nào đó bạn cần phải thay đổi đề tài. Tùy theo mức độ yêu thích của bạn đối với nội dung đang thảo luận, bạn có thể thay đổi đề tài sau khoảng năm phút đến nửa giờ kể từ lúc bắt đầu trò chuyện. Vậy làm thế nào để biết được đâu là thời điểm thích hợp? Câu trả lời là: nếu thấy một trong hai người im lặng khoảng ba mươi giây thì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần chủ động chuyển đề tài. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dựa vào một số dấu hiệu khác như sự bất đồng ý kiến, phản ứng quá khích hoặc những câu trả lời mang tính chống đối. Việc chuyển đổi đề tài sẽ dễ dàng hơn nếu bạn thực hiện theo các bước sau:
• Khi chuẩn bị đổi đề tài, hãy chú ý lắng nghe những ngôn từ, chủ đề mà bạn có thể dựa vào đó để tìm một đề tài khác thích hợp hơn.
• Khi chuyển đề tài, bạn chỉ cần đề cập đến những từ khóa hay chủ đề bạn cảm thấy có hứng thú.
Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi như: “Vừa rồi, anh/chị có nói là…” hoặc: “Chúng ta thay đổi đề tài một chút nhé. Có một điều mà tôi định hỏi anh/chị…”.
Bạn cũng có thể thay đổi đề tài bằng cách ngẫu nhiên nêu lên một từ khóa hay một sự việc nào đó, chẳng hạn với từ “đi săn”, bạn hãy nói thế này: “Săn bắn à? Tôi chợt nhớ một câu chuyện rất vui…”.
Thay đổi đề tài chính là cách giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn, đồng thời nó còn là cách giúp bạn tránh trả lời những câu hỏi ngoài ý muốn.
Bí quyết tránh những câu hỏi ngoài ý muốn
Nếu người đối diện hỏi bạn một câu hỏi mang tính riêng tư và bạn không muốn trả lời, bạn sẽ xử lý như thế nào để không mang tiếng là thô lỗ?
Trong trường hợp này, bạn nên tránh trả lời. Những câu hỏi mang tính cá nhân có nhiều dạng khác nhau. Hầu hết mọi người thường e ngại và không muốn đề cập đến các vấn đề như: thu nhập, bệnh tật, giới tính hoặc các vấn đề cá nhân khác, nhất là khi nó được đặt ra từ một người bạn mới quen. Sau đây là một số dạng câu hỏi mang tính riêng tư và bí quyết giúp bạn xử lý một cách thông minh.
Câu hỏi liên quan đến tiền bạc
“Thu nhập của anh/chị là bao nhiêu?”
Trả lời: “Nhiều hơn (hoặc ít hơn) công sức mà tôi đã bỏ ra”.
“Cái này giá bao nhiêu?”
Trả lời: “Ít hơn (nhiều hơn) giá trị của nó”.
“Anh/chị được tăng lương bao nhiêu?”
Trả lời: “Ồ, xin lỗi. Tôi không muốn đề cập đến chuyện này”.
Câu hỏi liên quan đến cuộc sống riêng tư
“Tại sao anh/chị lại ly hôn?”
Trả lời: “Tôi thật sự không muốn nhắc đến chuyện này”.
“Sao tôi chưa bao giờ thấy anh/chị đi cùng bà xã/ông xã?”
Trả lời: “Cô ấy/anh ấy thích đến những nơi khác hơn chỗ này”.
“Gần đây anh/chị có mắc bệnh gì không?”
Trả lời: “Hiện tại, tôi không muốn nói đến chuyện này”.
“Tại sao anh/chị chưa có con?”
Trả lời: “Này, tôi không thể tin là anh/chị lại có thể hỏi tôi câu này đấy!”.
Nếu bạn điềm tĩnh đưa ra những câu trả lời ngắn gọn và lịch sự thì phần lớn mọi người sẽ thông cảm và hiểu rằng bạn không muốn đề cập đến những vấn đề tế nhị đó. Tuy nhiên, nếu họ vẫn khăng khăng đưa bạn vào tình thế khó xử, hãy kiên quyết nói: “Tôi không muốn đề cập đến chuyện này”. Trong nhiều trường hợp, chính bạn là người sẽ phải thay đổi một đề tài khác thú vị hơn. Bạn có thể nói: “Bây giờ hãy để tôi hỏi anh/chị một vài điều nhé”.
Sau khi bạn đã tuân theo năm bước làm quen và trò chuyện với người lạ, giờ là lúc bạn cần rèn luyện kỹ năng lắng nghe của mình.
Kỹ năng lắng nghe hiệu quả
“Người biết lắng nghe không phải là người luôn im lặng mà là người biết nói khi cần thiết.”
- Katherine Whitehorn, nhà báo người Anh
Trong lúc Tổng thống Richard Nixon bắt tay chào đón một đoàn khách đến thăm Nhà Trắng thì một cô bé trong đoàn cất tiếng hỏi: “Gấu Smokey thế nào rồi ạ?”. Cô bé muốn nói đến chú gấu vừa được đưa về vườn bách thú Washington. Tuy nhiên, vị Tổng thống không nghe kịp nên ông quay sang hỏi người trợ lý. Vị này thì thầm vào tai Tổng thống: “Gấu Smokey, Vườn thú Washington”. Một vài phút sau, Nixon tiến đến chỗ cô bé, bắt tay cô và nói: “Chào cháu! Cháu khỏe chứ, Cô Gấu?”(*).
Không quá khó nếu bạn muốn trở thành một người biết lắng nghe. Sau đây là những việc nên và không nên bạn cần lưu ý để rèn luyện kỹ năng lắng nghe của mình:
Nên:
• Lắng nghe và ghi nhớ ý chính và các chi tiết quan trọng.
• Lắng nghe và hiểu ngụ ý của người nói.
• Khuyến khích người đối diện bày tỏ hết suy nghĩ của họ.
• Tập trung vào những đề tài cả hai đều thích thú.
• Chia sẻ suy nghĩ của bạn về những điều họ đưa ra.
• Giải thích những ý chính mà bạn muốn nói.
• Hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của người đối diện.
• Hỏi để làm rõ những vấn đề chưa sáng tỏ.
Không nên:
• Ngắt lời hoặc cắt ngang lời người đối diện.
• Nhìn sang chỗ khác khi họ đang nói.
• Nhìn đồng hồ và tỏ ra sốt ruột.
• Đổi đề tài khi họ chưa chia sẻ hết suy nghĩ và quan điểm của họ.
• Đặt ra nhiều câu hỏi đóng trong cùng một lúc.
• Bắt bẻ từng lời nói của họ.
• Lắc đầu khi họ chưa nói hết câu.
• Cho rằng một cái gật đầu là dấu hiệu chứng tỏ sự thấu hiểu và đồng thuận.
Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn có được những cuộc đối thoại thú vị. Không những thế, đây còn là bí quyết giúp bạn ứng biến trong trường hợp rơi vào một tình huống khó xử và không biết phải nói gì.
Làm thế nào khi bạn bị “khớp”?
Có bao giờ, trong lúc trò chuyện, bạn đang hứng thú định đề cập đến một vấn đề gì đó nhưng rồi đầu óc bạn đột nhiên trống rỗng và bạn không biết phải nói gì cả?
Thực tế cho thấy, đây là một tình huống dở khóc dở cười có thể gặp ở bất cứ ai, kể cả những người có khiếu nói chuyện rất giỏi.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể do bạn đã quá căng thẳng hoặc đang cố để tạo vẻ thông minh hay chín chắn. Một vài nguyên nhân phổ biến sau đây đi kèm với cách xử trí sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại được dòng suy nghĩ bị cắt đứt:
• Nguyên nhân: Bạn mải suy nghĩ về điều mình sắp nói và không lắng nghe người đối diện.
Xử trí: Tập trung trở lại và nói với họ rằng:
“Xin lỗi, tôi không nghe rõ điều anh/chị vừa nói. Anh/chị vui lòng nhắc lại giúp tôi nhé?”
• Nguyên nhân: Bạn căng thẳng và lo rằng mình sẽ nói điều gì đó thật ngớ ngẩn hay không phù hợp. Lưỡi bạn trở nên tê cứng.
Xử trí: Khuyến khích người đối diện đối thoại bằng cách đặt ra những câu hỏi mở. Hãy để trí tò mò làm chủ và nói với họ rằng:
“Điều gì đã khiến anh/chị quyết định…?”
• Nguyên nhân: Bạn tự đánh giá thấp bản thân và vì thế, bạn ngại trò chuyện với người đối diện.
Xử trí: Bạn hãy nói với mình như sau:
“Đừng tự đánh giá thấp bản thân như thế chứ!”
“Hãy tập trung vào những gì họ đang nói”
“Hãy lắng nghe và trả lời họ đi nào!”
• Nguyên nhân: Bạn đang tự hỏi người đối diện có cảm thấy hứng thú khi trò chuyện với bạn hay không.
Xử trí: Bạn hãy bày tỏ sự hứng thú của bạn đối với họ.
“Tôi vui vì chúng ta có dịp trò chuyện với nhau.”
• Nguyên nhân: Bạn cho rằng mình nói chuyện quá tẻ nhạt.
Xử trí: Hãy chia sẻ những sở thích, đam mê của bạn và quan sát phản ứng của họ.
“Tuần trước tôi đã làm một việc rất thú vị.”
“Tôi chỉ mới tập và trở nên yêu thích môn…”
Bạn sẽ phản ứng thế nào khi nhận được những câu hỏi không mấy thiện chí từ đối phương? Đừng lo. Hãy hít thở sâu, không nên tỏ ra giận dữ. Hãy nở một nụ cười, sau đó hãy đề cập đến một điều gì đó có vẻ ngoài lề, chẳng hạn như:
“Xin lỗi. Tôi đang mơ mộng một chút”.
Giờ thì bạn đã biết mình cần phản ứng thế nào nếu bỗng dưng bị “khớp”. Mục tiêu tiếp theo chính là làm thế nào để tham gia vào những cuộc trò chuyện của mọi người. Thật đơn giản, bạn chỉ cần nhìn xung quanh và xác định xem những ai đang hăng say trò chuyện mà thôi.
5 bước giúp bạn tham gia vào các cuộc đối thoại một cách dễ dàng
Bạn có thể sử dụng các kỹ năng giao tiếp của mình để tham gia vào những cuộc trò chuyện đang diễn ra xung quanh. Việc này không khó như mọi người thường nghĩ. Tuy nhiên, không phải lúc nào những người đang say sưa trò chuyện với nhau cũng đều là bạn thân của nhau bởi vì rất có thể họ chỉ vừa làm quen vài phút trước đây mà thôi. Sau đây là năm bước giúp bạn nhanh chóng hòa nhập vào một cuộc đàm thoại mới:
Bước 1: Hãy tìm một nhóm người có vẻ thân thiện, cởi mở và trong nhóm có vài người bạn muốn làm quen.
Bước 2: Bước đến nhưng vẫn giữ một khoảng cách vừa đủ để lắng nghe xem liệu chủ đề mà họ đang thảo luận có khiến bạn hứng thú hay không.
Bước 3: Chứng tỏ bạn đang lắng nghe bằng cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bằng mắt với các thành viên trong nhóm.
Bước 4: Phản ứng trước những điều bạn nghe bằng những cử chỉ như cười, gật đầu…
Bước 5: Khi xuất hiện một khoảng lặng giữa họ, hãy đặt ra một câu hỏi dễ trả lời, hoặc một đề nghị dựa vào những điều bạn đã nghe. Chẳng hạn: “Anh/chị không phiền nếu tôi cùng tham gia chứ?”.
Khả năng giao tiếp sẽ quyết định thành công về mặt ứng xử xã hội của bạn, trong đó quan trọng nhất là bạn cần tự tin và cởi mở với mọi người. Hãy sử dụng khiếu ăn nói và sự hóm hỉnh trong các cuộc đối thoại của bạn, chắc chắn bạn sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đối diện.
Những điều không nên đề cập trong khi giao tiếp:
Trò chuyện là một trong những cách giao tiếp hiệu quả để xây dựng quan hệ với mọi người, trong đó điều quan trọng là bạn không được phạm những sai lầm dưới đây:
• Phê bình những người mà bạn không thích với người khác.
• Tranh cãi về các vấn đề giới tính, chính trị và tôn giáo.
• Đề cập quá nhiều đến chuyện cá nhân.
• Tiết lộ tình hình sức khỏe và những cuộc phẫu thuật của bạn.
• Cố ý chọc tức hay phàn nàn.
• Bắt bẻ, câu nệ từng câu, chữ trong lúc trò chuyện.
• Đặt những câu hỏi riêng tư hay có ý tìm hiểu bí mật về gia đình người đối diện.
• Tỏ ra là người biết tất cả.
• Kể những câu chuyện cười thô tục.
• Nói xấu sau lưng người khác.
“Nghệ thuật giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói đúng những điều cần nói trong từng hoàn cảnh cụ thể mà còn cần tránh đề cập đến những chuyện tế nhị nơi đông người.”
- Dorothy Nevill, nữ tiếp viên hàng không người Anh
Việc tiếp cận, làm quen và trò chuyện với mọi người sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn chuẩn bị trước một vài đề tài ưa thích. Khi lắng nghe, bạn đừng quên tạo cho đối phương cảm giác được quý mến và tôn trọng, đồng thời hãy suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Nếu một lúc nào đó bạn bị “khớp”, đừng quá lo lắng – hãy hít thở sâu, nở một nụ cười và quay lại mạch đối thoại. Tham gia vào cuộc trò chuyện của những người xung quanh cũng không quá khó – chỉ cần bạn đề nghị: “Tôi có thể tham gia cùng mọi người được không?”.