“Tâm trí, khi bị kéo căng bởi một ý tưởng mới, sẽ không bao giờ quay trở về được trạng thái ban đầu”
- Ralph Waldo Emerson
Đ
ây là một chương quan trọng giúp bạn từ bất lực trở nên mạnh mẽ hơn. Sẽ có nhiều niềm vui khi trải nghiệm từng bước trong quá trình này, bởi vì nó sẽ yêu cầu bạn làm điều gì đó mỗi ngày để chuyển từ cảm giác tự thỏa mãn sang trạng thái hài lòng vui vẻ. Nó gọi là “đại chiến lược co giãn” (hay “chiến lược dây chun”).Bạn có biết cách một chiếc dây chun co giãn không? Kéo chúng vài lần, chúng sẽ có lực cản. Tiếp tục duy trì việc kéo này, chiếc vòng chun sẽ giãn rộng hơn.
Tất cả đều tồn tại mức độ chịu đựng nhất định. Chúng ta gọi là “vòng an toàn”. Đó là nơi mà sự tầm thường thúc đẩy nỗi sợ hãi và khuyến khích chúng ta sống dưới mức tiềm năng của mình và gò mình trong những giới hạn nhất định.
Nếu bạn sống trong vùng an toàn của mình và không chịu cố gắng phá bỏ nó để khám phá những điều mới, các kĩ năng của bạn sẽ trở nên lỗi thời, suy nghĩ trì trệ và liên tục lặp lại những suy nghĩ cũ đó. Nó sẽ tái dựng lại quá khứ của bạn, và theo như câu nói, “Làm những việc bạn vẫn hằng làm, và bạn sẽ đạt được những thứ bạn đã từng đạt.”
Bạn có đủ mọi thứ ngay lúc này để bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Hãy bắt đầu làm gì đó không thoải mái và tận hưởng nó. Chấp nhận rủi ro. Khi tôi nói đến rủi ro, tôi muốn ám chỉ những việc mà bình thường bạn sẽ nói KHÔNG.
Một người bạn của tôi chưa từng rời khỏi bang cô ấy sống trước đây. Thực tế, việc phải ra sân bay là nỗi sợ chính. Một ngày, cô ấy nhận ra nỗi sợ làm cô bị mắc kẹt tại một nơi và không bao giờ được thấy bất cứ thứ gì khác, đến mức cô quyết định mua chiếc vé tới châu Âu cùng kì nghỉ 2 tuần. Cô ấy có thể chỉ cần bay đến một thành phố khác, nhưng không, cô quyết định bay thẳng đến nửa kia của địa cầu.
Có rất nhiều nỗi sợ dẫn tới hành động đó: Cô sợ phải làm hộ chiếu, nhưng cô ấy đã có nó. Cô sợ phải tới các bên lữ hành và đặt chuyến bay, nhưng cô đã làm điều đấy.
Cô ấy đã nhiều lần suýt dừng lại.
Cô ấy cảm thấy bồn chồn lo lắng khi tới sân bay và phải đi qua khu kiểm soát an ninh. Nhưng cô phải làm điều đó. Và mọi thứ thay đổi. Cô ấy nói với tôi, “Khi đến sân bay, mọi thứ đều ở phía sau tôi, tôi nhận ra… phần khó khăn nhất đã qua. Giờ, phần tươi đẹp nhất của chuyến đi đang ở ngay trước mắt tôi!”
Sẽ không có bất cứ thứ gì thành hiện thực nếu cô ấy chỉ ở nhà và nghĩ về nó.
Tất cả những trải nghiệm đầu tiên là một phần của việc kéo giãn chiếc dây chun và nới rộng khoảng sợ hãi của cô ấy.
Tôi cũng từng có vài trải nghiệm tương tự. Nhưng việc làm những lần-đầu-tiên và trải nghiệm cảm giác không thoải mái luôn là một phần của quá trình và của cuộc hành trình.
Làm những điều mà bạn thường không làm, và chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ làm những điều mà bạn từng nghĩ không thể làm được.
Đừng đợi thời điểm hoàn hảo. Không có gì là hoàn hảo. Thời điểm thích hợp nhất để làm mọi thứ chính là ngay- bây-giờ.
Bạn càng làm nhiều, bạn càng xử lí được mọi việc nhiều. Thế giới sẽ ngập tràn những cơ hội cho những người hành động. Khi bạn nới rộng khoảng sợ hãi của mình và đặt mình ra ngoài nỗi sợ, bạn đang chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng đón nhận những cơ hội tới.
Không chỉ có hành động mà cả suy nghĩ cũng giúp mở rộng được khoảng sợ hãi của chính bạn. Thực tế, bạn nên tập trung vào suy nghĩ của bản thân. Suy nghĩ của bạn kiểm soát hành động và lời nói. Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy nghĩ về nó. Nếu bạn thay đổi các suy nghĩ, bạn sẽ làm mọi thứ hoạt động trơn tru.
Tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ bị mắc kẹt trong một vòng lặp cũ và niềm tin đã cũ, chúng không hỗ trợ các giá trị hoặc mục tiêu của chúng ta. Điều chỉnh suy nghĩ sẽ thay đổi hướng các dự định của chúng ta.
BƯỚC TỪNG BƯỚC NHỎ TRONG CHUỖI CÁC BƯỚC TIẾN NHẸ NHÀNG
Bạn không nhất định phải tạo bước nhảy vọt để nới rộng khoảng sợ hãi. Mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ những bước đơn giản, bước những bước nhỏ sẽ đơn giản hơn bước nhảy vọt. Rất nhiều thứ bạn có thể làm ngay hôm nay để bắt đầu thói quen mới này – nới rộng vùng an toàn hay khoảng sợ hãi của bản thân.
Bắt đầu với: Điều gì bạn muốn làm nhưng đang trì hoãn bởi bạn không thật sự chắc chắn nên bắt đầu từ đâu? Hãy viết những suy nghĩ đó ra ngay lúc này. Dưới đây là một vài ví dụ:
☐ Đăng kí một khóa học
☐ Tạo một website hay blog
☐ Gặp gỡ ai đó “trên cơ bạn”
☐ Bắt đầu một chương trình thể thao hay tham gia chạy marathon
☐ Bỏ việc và tự làm việc tại nhà, v.v.
Một khi bạn lập được danh sách những điều bản thân lo sợ, hãy ghi nhớ những hành động bạn có thể làm để đạt được mục tiêu. Tất cả những hành động nhỏ đó sẽ góp phần mở rộng vùng an toàn của chính bạn.
Nếu bạn không cảm thấy lo lắng, có thể bởi bạn vẫn đang ở trong vùng an toàn. Nếu cảm thấy lo lắng, hãy thúc đẩy bản thân nhiều hơn. Thực hiện một việc trong chính cái danh sách làm bạn có suy nghĩ “Khoan đã, có phải mình đang bị điên không?”
Tôi đã trải qua nhiều khoảnh khắc như vậy. Những ý tưởng mà ban đầu tưởng chừng điên rồ, sau lại thành công vang dội, thậm chí ngay cả khi nó thất bại.
Tôi luôn muốn chơi piano. Tôi có một chiếc piano ở nhà khá lâu nhưng chưa một lần chạm vào nó. Tôi cảm giác bị choáng ngợp khi ngồi trước nó, không biết các phím đàn này là gì, cũng không thể đọc bản nhạc.
Một ngày, tôi nhờ đứa cháu gái 7 tuổi của mình chỉ cách đọc nốt nhạc. Tôi hứa mỗi ngày học 1 nốt. Ngày tiếp theo, tôi tăng lên 2 nốt. Trong tháng đó, tôi có thể chơi được những bản nhạc đơn giản, dù tôi vẫn chưa thể tự tin đánh piano. Chỉ một tháng trước thôi, tôi còn chưa biết gì về nốt nhạc hay bản nhạc. Hiện tại, tôi đã biết chút gì đó. Tôi tiếp tục mở rộng một chút mỗi ngày.
Sự lo lắng của tôi xung quanh vấn đề này cũng đã biến mất cùng với sự hiểu biết tăng lên của bản thân.
HÀNH ĐỘNG
Hãy lập kế hoạch rủi ro của bạn một ngày/tuần tại một thời điểm.
Bắt đầu mỗi tuần, tôi dành 1 tiếng lên kế hoạch cho cả tuần. Tôi tạo kế hoạch triển khai từng ngày cùng những thứ cần xử lí, bao gồm cả những rủi ro tôi phải đối mặt. Nếu nó không làm tôi sợ, tôi có thể xử lí nó cho tới lúc tôi cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi là một phần của niềm vui. Đấy là khi bạn biết rằng mình đang lên kế hoạch mở rộng nỗi sợ và đưa nó đến một tầm cao mới của sự đáng kinh ngạc.
Có mục đích và tạo lập được danh sách các hành động sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đặt ra. Trước khi bạn nhận ra, mục tiêu mà bạn tin là không thể nay đã trở thành hiện thực. Bạn đang mở rộng vùng an toàn của mình thành một vùng mới, hội tụ:
Sự tự do. Năng lực cá nhân. Sự tự tin. Quyền lực.
Ngay bây giờ, bạn đang thực hiện hành động nào trong tuần này để mở rộng khoảng sợ hãi của bản thân?