“Bạn biết nỗi sợ sâu thẳm trong mình chứ, xét cho cùng, nỗi sợ đâu có sức mạnh gì. Khi sợ hãi tan biến đi, bạn tự do”
- Jim Morrison
H
ồi sáu tuổi, tôi đã gặp một cơn ác mộng. Cơn ác mộng lặp đi lặp lại suốt hai năm sau đấy.Khởi đầu cơn ác mộng luôn là như thế này: Tôi đang nằm dài trên giường, đột nhiên có tiếng gõ lên cửa sổ từ bên ngoài. Phòng tôi có một cái cửa sổ thẳng chính diện giường, tôi để thế là vì muốn nhìn thấy các vì sao khi màn đêm buông xuống.
Khi tiếng cộc cộc đầu tiên khẽ vang lên, tôi len lén nhìn ra cửa sổ, những ngôi sao, giờ đây thay thế bằng khuôn mặt trắng bệch của một ông già, đôi mắt ông đỏ rực, sâu hoắm. Ông ta đang nhìn chằm chằm vào tôi.
Đầu tiên, ông ta chỉ nhìn tôi với vẻ mặt nhợt nhạt, trống rỗng. Lần nào cũng vậy, tôi trốn tránh cơn ác mộng bằng cách vùi mình dưới lớp chăn. Cho đến khi sực tỉnh dậy, tôi cuống cuồng hét thật to.
Tiếng gõ cửa. Đó từng là nỗi kinh hoàng nhất của tôi. Lần đầu tiên tôi mơ thấy nó, tôi đã tin nó là thật. Nhưng thực ra, bạn biết đấy, có một hiện tượng gọi là thức giả1. Và đây chính là tình trạng tôi đang gặp phải. Cũng đúng thôi, khi chúng ta mới sáu tuổi, làm sao chúng ta đủ nhận thức để phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Khi còn là những đứa trẻ, đứa nào cũng đều sợ ma thôi. Hồi đấy, ít nhất hai lần một tháng, tôi nhìn thấy ông ta đến gõ cửa sổ phòng mình.
1 Thức giả (false awakening) là một dạng của “giấc mơ sáng suốt” (lucid dream), ở đó chúng ta cứ tưởng mình đã thức dậy và sinh hoạt trong mơ như ngoài đời thực.
Sau mỗi lần mơ, nỗi sợ trong tôi cũng cứ thế leo thang. Tiếng gõ cửa ngày một lớn hơn. Quả là khủng khiếp. Ban đầu, chỉ có khuôn mặt của ông ta, im lặng nhìn tôi chằm chằm. Sau vài tháng, người đàn ông đó như đang bắt đầu cố nói điều gì đấy. Nhưng qua một lớp cửa sổ, tôi chỉ nhìn thấy cử động mấp máy của môi ông ta.
Khi tiếng gõ cửa lại bắt đầu vào một đêm nọ, tôi nhắm mắt lại, chờ đợi nó kết thúc. Lần này, tôi đã có thể nghe thấy giọng nói ấy. Tiếng nói khô khốc, run rẩy vọng từ ngoài vào. Ông nói, “Tôi biết cậu đang sợ hãi. Hãy cho tôi vào đi. Mở cửa sổ. Cho tôi vào.”
Nghe như phiên bản tiểu thuyết dở tệ của Stephen King ấy nhỉ!
Cho tôi vào.
Tất nhiên là không rồi.
Cơn ác mộng đó có thể kéo dài vài giây, nhưng cũng có thể trôi qua hàng giờ.
Tôi kể với bố mẹ về giấc mơ kinh hoàng đó. Tôi bảo, tôi cảm thấy sợ hãi khi ngủ một mình, tôi muốn ngủ cùng với bố mẹ. Nhưng cuối cùng mẹ tôi lại nói với tôi rằng, “Con nên để ông ta vào. Hãy thử mời người đàn ông đó vào.” Cả nhà tôi gọi là “người đàn ông”, vì chúng tôi chẳng biết tên ông ta. Ông ta chẳng phải là một “con quái vật” với làn da trắng bệch, cùng đôi mắt đỏ lòm và hàm răng xấu xí sao? Tôi không thể tin lời mẹ tôi vừa nói, mẹ gợi ý tôi nên mời “con quái vật” đó vào phòng mình. Đó là ý tưởng kinh hoàng nhất mà tôi từng nghe.
Đêm đó, tôi đang ngủ. Một lần nữa, tôi thức dậy vì tiếng đập cửa. Một giấc mơ cũ kĩ, dai dẳng đeo bám tôi từ ngày này qua tháng khác. Tôi còn nhớ, tuần trước cũng thế này, tôi đã nhắm chặt mắt, hi vọng tất cả mọi thứ sẽ qua đi. Nhưng câu nói của mẹ chợt vang vọng bên tai tôi: Con thử mời người đàn ông đó vào xem.
Đứng giữa ngã rẽ, tôi có hai lựa chọn: Tiếp tục sống trong sợ hãi, hoặc làm điều gì đó để xóa tan nỗi sợ.
Tôi đứng lên. Trong giấc mơ của chính mình, tôi bật dậy, ra khỏi giường, đối mặt với “con quái vật” bên cửa sổ. Khuôn mặt trắng bệch ấy đang nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt đỏ, sâu hoắm, ánh lên đầy căm thù. Miệng ông ta bắt đầu mấp máy. Tuy không thể nghe thấy điều ông ấy đang nói, nhưng tôi có thể đọc được khẩu hình miệng, “Cho tôi vào.”
Với tay lên cửa sổ, tôi vặn mở chốt khóa cửa sổ. Cánh cửa dần hé mở. “Con quái vật” đang từng bước tiến vào thế giới của tôi. Và cơn ác mộng chấm dứt từ đấy.
Sau đêm hôm ấy, tôi không còn gặp lại nó một lần nào nữa. Không còn tiếng cộc cộc ám ảnh, cũng chẳng còn “con quái vật” khủng khiếp bên cửa sổ. Suốt một thời gian dài đằng đẵng, tôi đã gặp cơn ác mộng này nhiều đến mức ám ảnh. Nhưng giờ đây, ông già bên cửa sổ đã biến mất.
Mãi mãi.
Tôi đã chiến thắng, một trong những nỗi sợ hãi kinh hoàng nhất thời thơ ấu của mình. Tôi thắng, vì sẵn sàng đối diện với nó.
Chắc hẳn Stephen King sẽ tự hào về tôi lắm.
ĐỐI DIỆN VỚI NỖI SỢ TRONG BẠN, XUA TAN MỌI ẢO ẢNH
Nếu bạn đang phải đấu tranh không ngừng với những nỗi sợ từ cuộc sống, đã đến lúc để nỗi sợ hãi tiến vào thế giới của bạn. Xóa tan những gì từng khiến bạn sợ hãi, tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau thay đổi, thay vì nuôi dưỡng sự bất lực trong mình. Ít nhất, bạn cũng đã nắm trong tay thói quen đối diện với nỗi sợ hãi.
Trong mỗi người chúng ta đều có bản năng chạy trốn. Chúng ta chạy trốn khỏi những thứ đáng sợ, chôn vùi những cơn ác mộng, và giả vờ như chúng chưa từng tồn tại. Giống như ông kẹ xuất hiện trong giấc mơ hồi nhỏ của tôi, tôi luôn vùi mình dưới lớp chăn ấm, cầu nguyện ông ta nhanh chóng biến mất.
Khi trưởng thành, chúng ta vẫn luôn sợ bóng tối, những góc khuất. Mỗi tình huống ta gặp trong cuộc sống đời thường cũng chẳng khác một cơn ác mộng là bao: những lời nói đâm chọc vào điểm yếu của ta, những lời từ chối thẳng thừng, hay khó khăn đủ đường về tài chính, hoặc vừa trải qua một quá trình chuyển đổi đầy nặng nề, v.v.
Nếu nỗi sợ hãi đang ngăn bạn tiến về phía trước, đã đến lúc rồi, hãy bước ra khỏi vỏ bọc hàng ngày, bạn cần đối mặt với “con quỷ” đó. Khi bạn đã thu hết can đảm để đối diện, bạn sẽ nhận ra rằng nỗi sợ hãi chỉ thật sự kinh hoàng khi chúng ta không làm gì.
Đây là năm sự thật chúng ta thường bỏ qua về nỗi sợ hãi:
1. Nỗi sợ hãi không hề tệ như bạn nghĩ;
2. Nỗi sợ hãi sẽ không bỗng dưng một ngày biến mất;
3. Bạn sẽ luôn sợ hãi điều gì đó;
4. Ai ai trong chúng ta cũng đều sợ hãi điều gì đó;
5. 99% nỗi sợ hãi của bạn là ảo ảnh.
Mỗi người chúng ta đều có vô số nỗi sợ khác nhau. Bất kể nó là gì, cuốn sách này sẽ không tập trung vào một nỗi sợ hãi cụ thể nào. Tôi sẽ cung cấp cho bạn một bản kế hoạch, một tấm bản đồ thiết thực dẫn bạn đến với thế giới của tự tin đích thực. Bạn cũng có thể giống như tôi, đối diện với “con quái vật” bên cửa sổ, hít một hơi thật sâu và để nó tiến vào thế giới của mình. Bạn muốn chứ? Một thứ sức mạnh kì diệu thúc đẩy bạn tiến về phía trước!
Lảng tránh nỗi sợ là lí do số một khiến bạn mãi mắc kẹt trong những thói quen cũ, những công việc nhàm chán, những mối quan hệ không lành mạnh, hay những hành vi xấu ngày một trở nên tệ hại khi bạn già đi.
Đối mặt với điều khiến bạn sợ hãi nhất, bạn sẽ được gì? Chắc chắn bạn sẽ có thêm thật nhiều sức mạnh để vượt lên và trở nên mạnh mẽ hơn nhiều, so với những gì bạn từng tưởng tượng. Khi bạn đã thấu suốt những gì mình sẽ làm để xua tan nỗi sợ, thì sợ hãi sẽ mất đi thứ quyền lực áp đặt lên bạn ngay lập tức.
MỞ CỬA ĐÓN NỖI SỢ
Bạn đã bao giờ tưởng tượng, đến một ngày, chính mình có thể đối mặt với nỗi sợ mà không chút nghi ngờ về bản thân? Bạn sẽ làm gì khi đã có trong tay một cây gậy phép thuật thổi bay mọi nỗi sợ, mọi hoài nghi khỏi cuộc sống hiện tại? Lúc đó, nếu nỗi sợ không còn ngáng đường bạn, bạn sẽ hoàn thành nốt ước mơ còn dang dở chứ?
Điều gì sẽ xảy ra nếu có một phép màu nào đó giúp bạn có thể làm những điều mình hằng thích mà không cần phải lo lắng về kết quả cuối cùng? Bạn từng nghĩ đến một cuộc sống an nhiên chưa, ở đó bạn không còn ám ảnh về vật chất, ngoại hình, hay những thói quen dở tệ mình đang có?
Nỗi sợ hãi đang kiểm soát cuộc sống của bạn theo rất nhiều cách. Nó luôn ở trong bạn, phải không? Khi bạn đột ngột phải đưa ra một quyết định, mà không biết nó đúng hay sai? Khi bạn đang lo âu mình sẽ là người bị sa thải tiếp theo? Hay khi, một ngày nào đó, bạn chỉ còn trơ trọi một mình, không ai biết ai hay? Và cả khi bạn đã mất tất cả.
“Sợ hãi là nguồn gốc của những sai lệch, và là một thứ tàn ác. Tỉnh táo trong từng biểu hiện chính là cách để chinh phục nỗi sợ hãi”
- Bertrand Russell
Nỗi sợ hãi ở khắp mọi nơi. Nó sống ở thế giới ngoài kia, và nó cũng sống ở bên trong bạn. Nỗi sợ hãi sẽ có cách để phát triển mạnh mẽ theo thời gian, dính chặt vào suy nghĩ của bạn không rời. Một khi bạn đã không thể tự vệ trước chúng, bạn đã thua rồi, bạn sẽ liên tục ám ảnh về nó.
Nỗi sợ hãi kia sẽ ngày càng lớn hơn những gì bạn có thể tưởng tượng, và chuyện này sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Cho đến một ngày, bạn đủ khả năng đối diện với nó. Tôi biết hầu hết ai cũng dành gần như cả đời để sợ hãi. Về cơ bản, chỉ cần nghĩ đến chuyện nhìn thấy nó thôi đã là quá nhiều với họ. Họ sẵn sàng giơ cờ trắng chịu hàng.
Nếu bạn đơn giản là né tránh những tình huống khiến bạn sợ hãi, tự thôi miên rằng chúng không tồn tại, nỗi ám ảnh trong bạn sẽ chỉ ngày một lớn mạnh hơn mà thôi. Tôi viết cuốn sách này để giúp mọi người tỉnh táo nắm lấy đời mình, để những ai còn dang dở, người đó sẽ có đủ lí trí hoàn thiện những gì họ đã định.
Mục đích cuốn sách này là cung cấp cho bạn công cụ và nguồn lực để chống lại nỗi sợ hãi, quyết liệt làm những điều bạn luôn muốn, mà không còn ám ảnh hay bị kìm hãm bởi những nỗi sợ không có thực.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn cách tôi kiểm soát nỗi sợ hãi của mình, và bạn cũng có thể làm thế. Chắc chắn rồi, mọi thứ không choáng ngợp như bạn nghĩ đâu. Bất kể, bạn đang phải đối mặt với “mặt tối” nào trong mình, đừng quá hoảng loạn. Bất kì ai trên thế giới cũng sẽ phải đến giai đoạn tự mình xoay sở với những việc từng khiến họ sợ hãi. Đó chính là con đường, hành trình chúng ta phát triển.
Đối với nhiều người, những nỗi sợ thật đáng xấu hổ. Chẳng hạn, họ nghĩ rằng chứng sợ bóng tối chỉ là của con nít. Nhưng sự thật, tất cả chúng ta đều có phần nào đấy sợ bóng tối, đúng chứ? Chỉ có điều, đừng để bóng tối bao trùm lấy cuộc sống chúng ta, đừng để tất cả những “con quái vật” thành người kiểm soát đời ta. Mỗi người chúng ta, ai cũng đều xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.
Có thể bạn đã từng trải qua nỗi sợ hãi sau:
• Ngày đầu tiên đi làm một công việc mới;
• Tìm kiếm công việc/Đi phỏng vấn xin việc;
• Được tuyển vào một lĩnh vực mà bạn rất ghét, chỉ muốn bỏ việc;
• Cần đưa ra quyết định giữa nhiều lựa chọn khó khăn;
• Nghỉ hưu rồi sống cô độc một mình;
• Nuôi dạy con cái;
• Đánh mất những người bạn yêu thương nhất;
• Tự chịu trách nhiệm về tương lai tài chính;
• Choáng ngợp về căn nhà bừa bộn của mình;
• Cảm thấy bất lực trước những khó khăn của con cái;
• Lần đầu tiên trong đời trải nghiệm cảm giác cô độc;
• Muốn thoát li khỏi một mối quan hệ, nhưng vẫn không dứt được;
• Phải đến bệnh viện vì có vấn đề về sức khỏe;
• Được nhờ làm việc gì đó mà bạn không hề có chút kinh nghiệm nào;
• Diễn thuyết trước 200 người; v.v.
Sai lầm của chúng ta khi đối mặt với nỗi sợ là tìm cách phủi bỏ nó, để nó tránh xa cho khuất mắt, chẳng cần nghĩ đến nữa. Hãy thành thực nào! Có phải rất khó để bạn đối mặt với nỗi sợ trong mình, đúng chứ? Nếu được, bạn còn ước nó nhanh chóng biến đi, đừng bao giờ đến gần bạn nữa.
Trong rất nhiều năm, đó từng là cách tôi nghĩ về nỗi sợ của mình. Tôi sẽ cố rũ bỏ chúng, hoặc cố tình để bản thân phân tâm bằng những việc khác. Bởi làm thế, tôi sẽ không cần phải suy nghĩ về bất cứ điều gì. Đúng là hiệu quả bất ngờ vào lúc ấy. Nhưng về lâu về dài, những thứ bạn cố đẩy ra xa, sẽ âm ỉ ám ảnh bạn theo nhiều cách bạn không ngờ tới.
Cuốn sách Sức mạnh của nỗi sợ sẽ tập trung vào các giải pháp thiết thực, qua đó giúp bạn đạt được những kết quả lâu dài. Những chiến lược như: tìm ra sức mạnh ẩn sâu sau mỗi nỗi sợ hãi; từ đó biết tận dụng nguồn năng lượng đấy, thúc đẩy chính mình thực hiện những công việc đơn giản, giúp loại bỏ suy nghĩ ám ảnh trong bạn.
Nhiều người thậm chí còn coi nỗi sợ hãi như một phần bản tính của mình. Họ nghĩ rằng, nếu họ thừa nhận nỗi sợ hãi, họ sẽ chỉ là kẻ hèn nhát, yếu đuối. Nhưng, sự thực không phải như thế. Hãy hiểu rằng, đơn giản là bạn chưa phát triển đủ kĩ năng để đối phó với nhiều tình huống trong cuộc sống. Nỗi sợ của bạn, xét đến cùng, là những phản ứng mà bạn “học” được từ quá trình nghe, nhìn cách người khác đối phó với nỗi sợ của chính họ.
Bạn KHÔNG PHẢI là nỗi sợ của bạn. Bạn là một người bị nỗi sợ kiểm soát, một người đã quen để nỗi sợ xâm chiếm. Đúng, bạn luôn sợ hãi, nhưng đó không phải là con người bạn. Bạn hoàn toàn có đủ khả năng vượt lên trên bất kì hoàn cảnh nào, dù có bao nhiêu thứ đang ngăn trở bạn đi chăng nữa.
Trên con đường đi tới ước mơ, nỗi sợ hãi càng bị thổi phồng lên. Cho đến khi, bạn lấy lại được quyền kiểm soát đời mình. Thậm chí, đến lúc bạn sẽ không còn nghĩ đến việc mình đã từng sợ hãi ra sao. Nỗi sợ hãi dần chuyển biến, khi chúng ta kiên trì bắt tay vào hành động.
Hãy nghĩ rằng nỗi sợ là một người đồng hành, chứ không phải con quái vật dưới gầm giường mà bạn đang cố chạy trốn. Giống như “con quái vật” ám ảnh tôi khi còn nhỏ, tất cả những gì nó muốn chỉ là được bước vào thế giới của tôi.
Bạn cũng có thể làm như vậy. Hãy để nỗi sợ đi vào và đối diện với nó. Khi bạn đã chấp nhận sự tồn tại của nó, bước tiếp theo là đối diện với nó và chuyển biến nó thành sức mạnh của mình, giành lại quyền kiểm soát cuộc đời mình. Những tháng ngày mệt mỏi, kiệt quệ về cảm xúc đã chỉ còn là quá khứ, bạn trở nên tràn đầy năng lượng, tự tin và quyết đoán.
Suy nghĩ của bạn có một sức mạnh phi thường. Nó chính là chìa khóa để xua tan nỗi sợ trong bạn. Hãy học cách làm chủ suy nghĩ của chính mình – những suy nghĩ về nỗi sợ, về cuộc chiến dai dẳng đã dần đi đến hồi kết này.
Chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của bản thân là bước đầu quan trọng để làm chủ nỗi sợ. Một khi bạn có thể chấp nhận rằng nỗi sợ không tự nhiên mà đến, nó xuất phát từ trong chính bản thân bạn, dần dần bạn sẽ nhận ra đâu mới là gốc rễ của nỗi sợ (chúng ta sẽ nói thêm về điều này ở các chương sau).
Bạn hoàn toàn có thể vượt qua những giới hạn mà nỗi sợ đã kìm kẹp bạn. Tất cả chỉ là những ảo tưởng, những cái nhìn phóng đại của bạn về nỗi sợ. Bạn càng sợ hãi bao nhiêu, bạn càng nghi ngờ bản thân bấy nhiêu; lo lắng, bồn chồn, và một loạt các cảm xúc tiêu cực sẽ cứ thế đổ ập vào bạn.
Và đây là tin tốt dành cho bạn: Bạn không cần phải xông pha giải quyết luôn nỗi sợ hãi lớn nhất của mình ngay bây giờ. Và bạn cũng không cần chấp nhận tất cả chúng ngay khi tôi nói thế. Hãy chọn một trong số chúng, bất cứ thứ gì đang khiến bạn gặp khó khăn, và bắt đầu bằng từng hành động nhỏ nhất, kiên nhẫn với nó.
Chẳng hạn như, bạn có thể phải thẳng thắn chia sẻ với ai đó rằng, nỗi sợ khi đến gần người đó đã khiến cuộc sống bạn khó khăn hơn nhiều. Hay bạn có thể làm cái gì đó đơn giản hơn, như điền vào đơn đăng kí, tạo một danh sách các việc cần làm để tiến tới mục tiêu của mình. Đúng là chúng ta đều rất ngại những bước đầu đó, bởi nó là một trong những trở ngại lớn nhất. Nhưng, hãy làm lần lượt từng bước nhỏ, tích tiểu thành đại, không cần quá vội vàng.
CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO AI
Sức mạnh của nỗi sợ tập trung cung cấp cho bạn các chiến thuật, cũng như truyền cảm hứng để giúp bạn xử lí các tình huống gây sợ hãi. Bạn có đủ khả năng để giải quyết bất cứ điều gì, nến bạn khai thác hết sức mạnh của nỗi sợ, loại bỏ mọi hoài nghi, lo lắng trong mình, và cuối cùng, tiến bước hành động.
Mọi quân bài bạn nắm trong tay đều hữu dụng, quan trọng là cách bạn sử dụng nó. Cuộc đời bạn, chỉ mình bạn chịu trách nhiệm. Một khi bạn đã nhận ra điều này, thì hẳn bạn cũng biết, sẽ không ai có khả năng thay bạn giải quyết nỗi sợ trong bạn. Một khi bạn đã hiểu, bạn còn chần chừ gì nữa, đã đến lúc chúng ta tự đứng trên đôi chân của mình rồi.
Cuốn sách này hoàn toàn có thể trở thành người đồng hành cùng bạn. Cùng bạn xua tan nỗi sợ, cùng bạn chuyển hóa từ tự ti thành tự tin, từ lo âu, sợ sệt thành mạnh mẽ, trưởng thành. Rồi bạn sẽ thấy, hóa ra những nỗi sợ chỉ là một phần của quá trình trưởng thành.
Bất cứ điều gì làm bạn sợ hãi, nó chỉ đang làm nhiệm vụ trở thành bàn đạp thúc đẩy bạn tiến về phía trước. Với cuốn sách, bạn sẽ học được cách loại bỏ những tiếng nói nội tâm kìm hãm mình, có thêm can đảm, có thêm tự tin để tự mình đưa ra mọi quyết định trong đời.
HÃY KỂ TÔI NGHE VỀ CON QUÁI VẬT SỢ HÃI TRONG BẠN
Tôi đã kể cho bạn nghe câu chuyện về “con quái vật” bên cửa sổ của tôi. Bây giờ, hãy kể cho tôi nghe, con quái vật sợ hãi trong bạn là gì? Vì gì mà bạn chưa sẵn sàng đối mặt với nó? Cái gì làm bạn sợ đến mức thà sống trong những ngày tháng mệt mỏi?
Có nhiều nỗi sợ hãi phố biến, chẳng hạn như:
• Thay đổi;
• Xin việc;
• Gặp gỡ người mới và giao lưu;
• Bước ra khỏi vùng an toàn;
• Thay đổi những thói quen xấu;
• Sự từ chối;
• Viết/không viết sách;
• Nói trước đám đông/trông ngu ngốc trước một đám đông người lạ;
• Làm/không làm bài kiểm tra;
• Hỏi quản lí về một điều gì đó (chẳng hạn, như xin nghỉ);
• Bỏ việc (mặc dù bạn biết đó là công việc bạn ghét);
• Phá sản, v.v.
Bạn định sẽ làm gì nếu bạn không còn ám ảnh về những nỗi sợ hiện tại nữa? Khi tôi tự hỏi những câu hỏi đấy vào nhiều năm trước, tôi đã viết hết mọi thứ vào nhật kí. Nếu bạn chưa hình thành thói quen ghi nhật kí, ghi lại những suy nghĩ, ý tưởng của mình, tôi khuyên bạn, hãy biến nó thành thói quen hàng ngày ngay từ hôm nay. Có thế bạn mới thấu rõ đâu là sứ mệnh của bạn.
Tôi thấy rằng, chỉ bằng cách viết ra những nỗi sợ, nỗi lo lắng, tổn thương trong mình, gọi tên hết chúng ra, tôi đã có thể nhìn nhận chúng rõ ràng hơn.
LẬP “DANH SÁCH NỖI SỢ HÃI” CỦA BẠN
Dưới đây là một phương pháp đơn giản để khởi động: Lập danh sách những nỗi sợ của bạn. Hãy dành một chút thời gian cho việc này. Đừng lo lắng vì trông nó có thể thật ngớ ngẩn. Bạn không cần phải viết nó cho ai xem, ngoại trừ chính bạn. Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao tôi lại sợ điều này? Tại sao tôi lại trốn tránh điều đấy, tình huống đấy? Điều gì sẽ xảy ra nếu nỗi sợ đó trở thành hiện thực? Nếu tôi không làm gì, chuyện gì sẽ xảy ra? Còn nếu tôi sẵn sàng làm điều gì đó để đối mặt với nỗi sợ, chuyện gì sẽ xảy ra?
Hành động sẽ giúp bạn thực sự đi sâu vào sự thật đang bị lu mờ. Đây chính là một bài tập luyện hàng ngày giúp bạn tự kéo mình ra khỏi chuỗi thôi miên bất tận. Khi cuộc sống của bạn cứ mãi quẩn quanh trong nỗi sợ hãi và những điều không thoải mái, suy nghĩ của bạn sẽ cũng sẽ luôn bế tắc với nó.
Lảng tránh nỗi sợ là lí do số một khiến bạn bị những nỗi sợ lấn át. Nhưng bằng cách tự vấn chính mình, tự hướng nội, từng vấn đề, từng cảm xúc khó chịu đó sẽ từ từ được lôi lên.
Từ đó, bạn có thể quan sát, phỏng vấn, làm bất cứ điều gì bạn muốn để hiểu nó. Hầu hết mọi người đều cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với nỗi sợ, nhưng cảm giác đấy không phải là thật. Nhiều người rơi vào trạng thái quá tải, hoặc thậm chí là phản ứng thái quá trước chúng. Trong họ lúc này, chỉ có một bản năng duy nhất là chạy trốn, càng xa càng tốt, hoặc đắm mình vào những việc khác để trốn tránh. Việc tự vấn lại bản thân, hay tự hướng nội, chính là cách để chúng ta tìm lại sức mạnh thực sự trong bản thân. Khi chúng ta đã thật sự nhìn ra nguyên do tại sao, các giải pháp sẽ dần trở nên rõ ràng hơn. Từ đấy, chúng ta có thể bắt đầu hành động xử lí nỗi sợ hãi.
Một khi bạn biết “tại sao”, hãy nghĩ ra ba bước đơn giản mà bạn có thể làm để có thể đứng vững trước nỗi sợ. Khi nỗi sợ ngày một tiếng tới gần, đừng vội chạy đi, chẳng phải bạn đã thu hẹp khoảng cách với nó rồi sao. Rõ ràng đây là một thành tựu cực kì xứng đáng cho những tháng ngày chịu khó của bạn.
Có điều bạn phải luôn nhớ: Nỗi sợ trong bạn là gì? Tại sao bạn sợ nó? Rồi sau đó đừng quên tạo ra cho mình những chiến lược “nếu… thì…”
Bạn càng tự huyễn mình rằng nỗi sợ tồn tại, nó sẽ càng lớn lên. Còn nếu bạn chỉ phớt lời nó đi, bạn nên biết rằng, nỗi sợ vẫn sẽ luôn ở trong bạn. Nếu cứ tiếp tục như thế, không chỉ sợ hãi, cảm giác tội lỗi, chán nản cũng sẽ không ngừng trào dâng. Bạn chỉ trích bản thân vì không chịu hành động. Hay bạn dồn nén cảm giác oán hận vì không hiểu sao mình lại gặp chuyện này.
Những điều này chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn. Đừng đánh gục bản thân vì sợ hãi. Tất cả chúng ta đều có nỗi sợ.
Thực ra, chúng ta thật yếu đuối, và chúng ta luôn sợ hãi. Chỉ cần bạn di chuyển một chút ra khỏi vùng an toàn của mình (nghĩa là làm điều gì đó khác biệt), nỗi sợ hãi sẽ luôn ở phía trước chờ bạn.
Cũng được thôi. Hãy cứ để nó đẩy bạn lui trở lại. Nhưng đừng vì thế mà từ bỏ, bạn vẫn luôn có cơ hội đẩy lùi chúng, để đi trên một con đường mới. Sự thật là thế này, bạn sẽ chỉ đập tan được ảo ảnh sợ hãi khi bạn học được cách đứng lên, tự mở cánh cửa để xem điều gì ẩn đằng sau nó. Không ai có thể lựa chọn cách bạn sống, ngoài bạn.
Hãy nhớ rằng: Tất cả chúng ta đều có nỗi sợ.
Bạn đã sẵn sàng để nỗi sợ bước vào thế giới của mình chưa? Bạn đã sẵn sàng sống một cuộc sống thẳng lưng, ở đó bạn có thể tận dụng nỗi sợ như một nguồn năng lượng để vượt lên thử thách chưa?
Chúng ta không còn mấy thời gian để lãng phí đâu.
Đã đến lúc bạn nắm lấy cuộc đời mình và sống vì những điều quan trọng rồi.
Cuộc đời chúng ta chỉ đích đáng khi ta có thể tận hiến cho khát vọng và hạnh phúc, chứ không phải sống trong trạng thái sợ hãi, bất lực.
Nào, cùng tôi lật sang trang và bắt đầu thôi!
“Trong tất cả những kẻ dối trá trên thế giới giới này, đôi khi kẻ dối trá tồi tệ nhất lại là nỗi sợ hãi của chính ta”
- Rudyard Kipling