“Một trong những khám phá vĩ đại nhất của con người, một trong những điều bất ngờ nhất của chúng ta, là thấy chính mình có thể làm được những gì bản thân sợ rằng không thể làm được”
- Henry Ford
T
rong chương này, tôi sẽ chỉ cho bạn hai loại tư duy mô tả:1. Cách chúng ta sống trong trạng thái sợ hãi; và
2. Cách chúng ta nắm lấy sức mạnh của trạng thái tích cực
Hai tư duy này lần lượt là: tư duy dựa trên nỗi sợ và tư duy tập trung vào nguồn sức mạnh.
TƯ DUY DỰA TRÊN NỖI SỢ
Trước khi bắt đầu, tôi muốn chia sẻ qua cách nghĩ của tôi về bộ não của chúng ta, “trung tâm tư duy” – bộ não được chia đôi làm hai phần. Một nửa là nơi chúng ta tạo ra nỗi sợ hãi. Đây là nơi bộ não bạn ngay lập tức sa vào những thử thách mới bất ngờ đến. Ví dụ như, bạn phải nói trước rất nhiều người, điều đó làm bạn cảm thấy hoảng loạn, hoặc bạn vừa bị từ chối sau cuộc phỏng vấn xin việc lần thứ năm.
Khi chúng ta sợ hãi và có đầy ắp những cảm xúc tiêu cực lởn vởn xung quanh, chẳng hạn như nghi ngờ, hồi hộp, bất lực hoặc chán nản, lúc này tâm trí chúng ta đang mắc kẹt trong trung tâm sợ hãi. Những ai thường xuyên tiêu hao năng lượng tinh thần của mình vào trạng thái này sẽ dễ mắc các bệnh về thể chất và tinh thần như trầm cảm, u ất kéo dài, rối loạn.
Ở trạng này, dẫu có đang làm gì, trong bạn vẫn sẽ luôn tồn tại cảm giác bối rối, sợ hãi, thậm chí là tức giận với bản thân vì đã không biết cách đối phó với các vấn đề trong cuộc sống, dù chỉ là ở mức độ đơn giản nhất. Bạn không thể làm mọi việc một cách bình thường, tê liệt trước tình trạng của mình và cũng chẳng thể tìm ra giải pháp cho vấn đề gặp phải.
Nếu chúng ta cố gắng lơ nó đi và tiếp tục sống, chắc bạn cũng cảm nhận được rồi đấy, hãy cẩn thận, bạn đã bước một bước tiến đến một nơi đau khổ đến tận cùng. Chúng ta lo sợ về tương lai. Chúng ta bám dính lấy niềm tin rằng những thử thách của đời được tạo ra để đánh gục chúng ta.
Mỗi người có thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng để cố gắng trốn tránh những tình huống đáng lo ngại: một mối quan hệ có thể gây tổn thương cho bản thân, những thay đổi mà ta chần chừ mãi không thực hiện dù điều đó sẽ giúp chúng ta tốt lên. Bất kể nỗi sợ trong bạn là gì, nó đều xuất phát từ điểm này: Tư duy dựa trên nỗi sợ.
ĐẶC ĐIỂM NHẬN DẠNG CỦA TRUNG TÂM DỰA TRÊN NỖI SỢ
• Do dự, ám ảnh quá mức về những kết cục thất bại;
• Thích cảm giác thoải mái khi không cần hành động, ngay cả khi hành vi đó gây ra đau đớn về mặt tinh thần;
• Có những khoảnh khắc bất lực và lo lắng khi đối mặt với những biến động trong cuộc sống;
• Đầy hoài nghi về chính bản thân;
• Sợ thất bại và luôn hi vọng nó không xảy ra trong hầu hết các tình huống;
• Ám ảnh về những thất bại và sai lầm trong quá khứ, lo sợ tương lai vì sợ sẽ có nhiều sự kiện đau thương đang chờ ở phía trước;
• Thường tưởng tượng ra những kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra;
• Đưa ra lựa chọn khi chưa xem xét, phân tích kĩ vấn đề;
• Do hoàn cảnh áp lực bên ngoài nên không còn quá nhiều niềm tin;
• Tự thôi miên bản thân tập trung vào việc khác để ngó lơ các vấn đề, thách thức ở hiện tại;
• Làm bạn với những con người “sợ hãi”;
• Thường xuyên trải qua cảm giác bất lực;
• Sử dụng các loại chất ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần để làm tê liệt những nỗi đau tinh thần;
• Có quá nhiều căng thẳng do lo lắng về các sự kiện trong tương lai;
• Tin rằng quá khứ là tương lai;
• Cố gắng né tránh làm những việc có khả năng sẽ bị từ chối;
Nếu được trao quyền, trung tâm dựa trên nỗi sợ hãi của bạn sẽ phát phình. Từ đó những suy nghĩ, thói quen, niềm tin sẽ dần dần được định hình và hun đúc để đáp lại bản năng sợ hãi của bạn. Mô hình sợ hãi thể hiện suy nghĩ của một người đang sống trong trạng thái sợ hãi.
Như bạn có thể thấy, sự lựa chọn của chúng ta bị hạn chế do ta luôn sống theo thói quen, ngay cả khi đó là một thói quen không lành mạnh. Tiếng nói của sự sợ hãi khiến ta bị mắc kẹt mãi trong địa ngục của chính mình. Chúng ta luôn hoài nghi và cũng chẳng còn tự tin vào chính mình. Dưới đây là một số ví dụ:
• Bạn mắc kẹt mãi trong một công việc, dù ghét nó nhưng bạn quá ngại thay đổi;
• Bạn đang trong một mối quan hệ tốt lành nhưng vẫn chọn rời đi vì lo sợ mình sẽ phải đau khổ vì nó;
• Bạn sợ những lời từ chối và chọn ngồi im mãi một chỗ chịu trận, chứ không quyết tâm đứng lên làm điều gì đó để đổi khác;
• Do sợ các biểu mẫu, thủ tục, quy tắc nên văn phòng của bạn lúc nào trông cũng như một đống hổ lốn;
• Bạn luôn chần chừ khi cho đi vì bạn sợ mất đi những gì mình đã cho; v.v.
Tôi hiểu cảm giác của bạn. Nỗi sợ hãi chính là thứ đã giới hạn cuộc sống của chúng ta thành một thứ thật tầm thường. Tôi đã sợ hãi gần như mọi thứ trong đời. Tôi biết mình có rất nhiều tiềm năng để làm bất cứ gì mình muốn, nhưng trong tôi, cảm giác bất lực cứ không ngừng bành trướng vì những lo sợ. Quả thực làm gì còn điều nào tồi tệ hơn thế nữa! Rõ ràng, chúng ta đã nắm trong tay chiếc chìa khóa vào vương quốc phép màu, nhưng lại không thể mở được đúng cánh cửa để đến đó.
TƯ DUY TẬP TRUNG VÀO NGUỒN SỨC MẠNH
Trong trung tâm tập trung vào nguồn sức mạnh, chúng ta có thể tìm thấy ở đó sự tự tin, lòng tự trọng và những suy nghĩ tích cực. Nếu bạn đang cảm thấy lạc quan, muốn “rời đi và cống hiến điều gì đó”, đấy là lúc trung tâm tràn đầy năng lượng tích cực kia đang hoạt động.
Nếu bạn có thể liên tục duy trì trạng thái này, tinh thần bạn sẽ thoải mái hơn, có nhiều năng lượng hơn để tận hưởng cuộc sống quanh mình, bởi bạn đã biết con đường mình cần đi làm gì. Trên hành trình bạn đi, dù có thử thách, nhưng bạn vẫn có thể quyết đoán đưa ra những lựa chọn và kết giao với những người phù hợp để nâng cao các tương tác xã hội của mình. Tương lai không còn là một nỗi bận tâm nữa, bởi bạn đang bận rộn để tạo ra nó rồi.
Một cuộc đời đích đáng là một cuộc đời có ý nghĩa và lí tưởng cao đẹp. Ở đó, bạn sống với sự tự tin, tự trọng và luôn hướng đến lí tưởng của bản thân, chấp nhận mọi rủi ro sẽ đến, chịu trách nhiệm cho hành động và cuộc đời của chính mình. Một cuộc đời lí tưởng, tất cả chúng ta ai hẳn cũng đều muốn sống với nó, vượt thoát khỏi vùng an toàn như một nhà tù tinh thần, và sống một đời trọn vẹn nhất.
Nhưng tại sao chẳng mấy ai trong chúng ta có thể chạm tới lí tưởng đó và nắm giữ nguồn sức mạnh vô biên, không còn sợ hãi nữa?
Bởi, bất cứ khi nào chúng ta gặp phải một thách thức, hay muốn thử một điều gì đó mới, ta đều sẽ cảm thấy sợ hãi. Đó là dấu hiệu tốt đấy. Sợ hãi một điều gì đó chính là bước đầu tiên để đối phó với nó.
Bạn có hay sợ một việc mà bạn đã làm nó hàng trăm lần? Nhưng khi bắt đầu thử thách chính mình, bước ra vùng đất mới, các động lực đằng sau cũng cần thay đổi theo để thúc đẩy bạn tiến lên phía trước. Bạn sẽ phải tự vấn chính mình. Ban đầu điều này sẽ tạo ra những cơn hoảng loạn, “Chuyện gì xảy ra vậy? Sáng nay mình còn rất tự tin cơ mà, sao giờ đôi chân này không ngừng run rẩy.”
Để có thể kiểm soát tốt hơn các lựa chọn về lối sống của chính bản thân, chúng ta phải đối mặt với những thứ đang ẩn nấp bên dưới bề mặt cuộc sống của ta. Tất cả những năng lượng tiêu cực đang sinh sôi nảy nở trong trung tâm dựa trên nỗi sợ. Chính ở đó, nơi mà chúng ta trải nghiệm sự sợ hãi.
Khi chúng ta có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của những nỗi sợ, và thực sự tiến bước hướng tới những ngồn sức mạnh thanh sạch, suy nghĩ chúng ta lúc đó sẽ thấu suốt hơn bao giờ hết. Ta tìm thấy một khoảng bình yên trong chính ta. Lo lắng, áp lực, từng thứ lần lượt bay biến đi.
Mục tiêu cơ bản của bất kì ai sẽ không bao đổi khác: Phát triển tư duy tập trung và nguồn sức mạnh, kiến tạo nên cuộc đời mình. Bạn cần biết đâu là điểm đích cần đến và xây dựng cho mình một sự tự tin đích thực. Một người khi đã có thể tập trung vào trung tâm này, bản thân họ sẽ luôn có thể mạnh mẽ vượt qua các thử thách. Họ có thể sống cuộc đời lành mạnh, thanh sạch hơn, tích cực hơn.
Bên cạnh đó, trung tâm dựa trên nỗi sợ đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi người. Nó giống như một hồi chuông cảnh báo chúng ta mỗi khi thảm họa đến gần. Nếu bạn đang sợ hãi và lựa chọn bỏ qua chúng, bạn tưởng nó đã biến mất, không còn tồn tại trong tâm trí mình nữa. Nhưng kì thực, nó vẫn luôn ở trong bạn, hoạt động trong tiềm thức, dưới đáy của trung tâm tư duy dựa trên nỗi sợ.
ĐẶC ĐIỂM NHẬN DẠNG TRUNG TÂM TẬP TRUNG VÀO NGUỒN SỨC MẠNH
• Nắm lấy nguồn sức mạnh trong nỗi sợ bằng cách tỉnh táo quan sát và hành động;
• Không vì sợ thất bại mà đánh mất động lực làm bất cứ điều gì, thay vào đó tận dụng nỗi sợ để hành động;
• Cho đi không hi vọng mình sẽ nhận lại được gì;
• Đồng hành cùng những chiến binh dũng cảm khác;
• Không ngừng vượt lên những ý nghĩ tầm thường;
• Vượt qua những ý định trì hoãn, ngay lập tức bắt tay vào hành động để tránh bị phân tâm;
• Xác định mục tiêu rõ ràng, thiết lập từng mục tiêu nhỏ để tiến tới mục tiêu to hơn;
• Sống với thực tại, mỗi quyết định đưa ra là một lựa chọn góp phần xây dựng cho cuộc đời lí trí hơn;
• Tập trung xây dựng sự tự tin cho bản thân;
• Tin tưởng vào thành công, ngay cả khi đã thất bại, hay đang gặp khó khăn (những chiến binh mạnh mẽ đừng quên điều này!)
Cuốn sách này sẽ tập trung vào hai mục tiêu chính:
1. Tạo động lực để giúp bạn bước tiếp, vượt qua vũng lầy sợ hãi – đó là trung tâm dựa trên nỗi sợ hãi trong bạn. Khi chúng ta vận hành theo kiểu tư duy này, chúng ta sẽ luôn rơi vào những trạng thái như lo lắng, sợ hãi, căng thẳng quá mức;
2. Không ngừng mạnh mẽ hơn, lí trí hơn khi sử dụng tư duy tập trung vào nguồn sức mạnh trong bạn, đó là nơi bạn xây đựng được sự tự tin, lòng tự trọng. Tôi sẽ tập trung vào việc làm thế nào để một cá nhân có thể tận dụng nguồn năng lượng dồi dào trong chính mình, tự tạo cho bản thân một sức mạnh tinh thần.
Khi bạn sống với trung tâm dựa trên nỗi sợ hãi, bạn đang tự ghìm chân chính mình. Một cuộc đời tắc nghẽn, xám xịt. Nhưng ở trung tâm dựa trên sức mạnh thì khác, đó là nơi giúp bạn tự tin, tỉnh táo, lí trí hơn bao giờ hết. Bạn vẫn có thể phải đương đầu với các nỗi sợ, nhưng nó không thể nào kiểm soát bạn được nữa. Tại sao chúng ta lại đứng im mãi một chỗ trên hành trình cuộc đời? Đấy là vì chúng ta tự giới hạn tương lai của bản thân.
Nếu bạn cảm thấy mình đang mắc kẹt bởi sự tự ti, hãy thay đổi điều đó. Bạn hoàn toàn có thể làm được. Nếu bạn không khuất phục trước những thách thức, dù thế nào, bạn vẫn luôn đủ khả năng để học được cách xử lí tình huống một cách khôn ngoan nhất.
Bạn có thể chọn sống tiếp với sợ hãi, liên tục suy nghĩ vào những hành động, kết cục đáng sợ. Nhưng chắc chắn, không ai muốn cuộc đời đau khổ đó cả. Bạn có thể sống cả đời như thế, trì hoãn mọi hành động. Và từ đó, mọi thứ trong đời bạn thật tầm thường, không phải vì bạn tầm thường, mà bởi bạn lấy nỗi sợ làm thước đo mức độ vui vẻ, hài lòng và thành công của chính mình.
Những người thành công cũng có nỗi sợ hãi như bất kì ai. Sự khác biệt duy nhất ở họ là họ sẵn sàng bước lên phía trước và phá vỡ mọi bức tường ngăn họ đổi thay. Họ xác định cuộc sống của mình bằng những hành động bất chấp mọi hiểm nguy. Họ tự thử thách bản thân để vươn lên ngọn núi cao hơn. Bất kể thứ đang cản đường họ là gì, họ luôn biết mình cần làm gì để đến được nơi mong muốn.
Bạn muốn vượt lên những giới hạn của bản thân? Vậy hãy cứ bắt tay vào làm thôi. Có thể điều kiện, hoàn cảnh sống của bạn không tốt, có thể bạn gặp khó khăn về tài chính, nhưng bạn không cần lựa chọn chấp nhận chúng như một phần của bản thân. Quả là một sai lầm lớn khi tin rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi được những gì cuộc sống mang lại cho bạn.
Mỗi người đều có một xuất phát điểm khác nhau. Có người sinh ra trong cảnh nghèo khó, có người từ nhỏ đã sống trong những dinh thự dát vàng, nhưng liệu bạn có sẵn sàng để những thứ bề mặt đó dán nhãn rằng bạn là ai ở đời này không? Xét cho cùng, chính cách bạn làm, đối xử với những điều bạn nhận được sẽ quyết định số phận bạn đi về đâu.
Có những người có sẵn tố chất, họ có thể đi nhanh hơn người khác, nhưng điều quan trọng không phải ai hơn ai, mà là quãng đường bạn đã dám đi và những nỗ lực bạn đã bỏ ra. Nếu bạn từ bỏ, bạn sẽ không bao giờ biết mình đã tiến gần đến những điều tốt đẹp hơn tới mức nào.
Khoảng thời gian từ năm 1942 - 1945, Viktor Frankl đã từng phải sống trong những điều kiện tồi tệ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Là một người sống sót sau vụ tàn sát Holocaust2 và trong suốt quá trình hành nghề bác sĩ tâm thần, ông đã phải trải qua ba năm bị vây khốn bởi cái chết, sát hại, tự sát và những hành động tàn bạo mà ít ai có thể hiểu được.
2 Holocaust là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.
Trong thời gian bị giam cầm, Viktor đã chứng kiến hàng nghìn người bỏ mạng. Nhiều người đã chết vì họ không còn hi vọng nào. Nhiều người đã từ bỏ vì họ không thấy động lực nào để sống. Viktor nhận ra rằng không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát được hoàn cảnh ập đến đời mình, nhưng bạn có thể quyết định thái độ của mình đối với nó. Đó là điều duy nhất bạn có thể thay đổi.
Trong trại tập trung, Viktor Frankl quan sát thấy:
“Thay vì coi những khó khăn khi sống ở đó là một bài kiểm tra sức mạnh bên trong bản thân, họ đã không coi trọng cuộc sống của mình, và dễ dàng buông xuôi nó. Họ thích nhắm mắt và sống trong những khoảnh khắc quá khứ. Đối với những người như vậy, chính cuộc đời họ đã dần trở nên vô nghĩa.”
Viktor Frankl là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực chuyển suy nghĩ của mình từ trung tâm dựa trên nỗi sợ sang trung tâm tập trung vào nguồn sức mạnh. Ông đã cố gắng để đưa ra một quyết định minh mẫn và tỉnh táo. Tại sao ông ấy có khả năng này? Đó chính là vì sự sống còn, khao khát sống đã giúp ông luôn vững mạnh vượt lên, sống sót cho đến khi chiến tranh kết thúc. Cho dù những người bạn đồng hành của ông trở thành nạn nhân của sự bất lực và mệt mỏi, bất kể quanh ông có bao nhiêu người đã bỏ cuộc, ông vẫn không từ bỏ hi vọng để tiếp tục sống.
Bạn cũng thế, trong bạn cũng tồn tại những khao khát, những sức mạnh này. Sống một đời không ngừng bị hoàn cảnh bên ngoài xô đẩy, hay đứng lên ngay bây giờ và làm những gì cần làm để không hoài phí đời mình, đấy là lựa chọn của bạn.
Quá khứ tuy là của bạn, nhưng cũng có thể nói là không phải của bạn. Bạn không bao giờ có thể thay đổi quá khứ: những thất bại, mất mát, những điều không may. Nhưng, quá khứ không phải là tương lai. Trừ khi bạn chọn tiếp tục sống trong những guồng quay độc hại, nhấn chìm bản thân trong sự chán nản, và không ngừng hối tiếc với những câu nói “giá như…”, thì sớm thôi, tương lai của bạn sẽ trở thành quá khứ.
Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ tập trung vào hai loại tư duy trên, và chúng ta sẽ cùng nhau khám phá các chiến lược khôn ngoan để chuyển hóa từ tư duy này sang tư duy kia. Bạn sẽ cần chăm chỉ hơn, quyết tâm hơn, tỉnh táo hơn để luôn nhận ra đâu là những suy nghĩ dựa trên nỗi sợ.
Đây sẽ là một hành trình đầy gian nan và thách thức, nhưng nó xứng đáng.