“Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là hãy làm điều bạn luôn sợ hãi”
- Brian Tracy
T
rong chương này, chúng ta sẽ xem xét 8 nguyên nhân tại sao chúng ta cứ để nỗi sợ đeo bám. Đôi khi, chính những gì chúng ta không làm đã góp phần gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng và lo âu, rồi từ đó sinh ra những trạng thái sợ hãi.Nếu chúng ta tiếp tục củng cố những thói quen, suy nghĩ và hành vi tồn tại trong trung tâm tư duy dựa trên nỗi sợ hãi của chúng ta, nỗi sợ hãi sẽ kiểm soát chúng ta cả về thể chất lẫn tinh thần.
8 NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH NÊN LỐI SỐNG DỰA TRÊN NỖI SỢ
1. Thiếu kế hoạch cho tương lai
Trong nhiều năm, tôi đã từng sống một cuộc sống bất định, chẳng có bất cứ kế hoạch nào cho tương lai. Không một mục tiêu hay bất kì khát vọng nào, tôi chỉ đơn giản là tồn tại qua ngày, chấp nhận mọi thứ cuộc sống ném cho mình.
Tuy nhiên, cũng qua đó, tôi đã có thể rút ra vài bài học cho đời mình. Nhưng hãy cẩn thận, đấy chính là cách thức chúng ta mở cửa, mời gọi sự lo lắng vào cuộc sống của chúng ta. Khi bạn không tự rèn luyện khả năng lập kế hoạch cho tương lai, bạn đã trao cho nỗi sợ hãi một cơ hội để kiểm soát cuộc đời của bạn. Việc này sẽ chỉ khiến bạn không ngừng lo sợ trước sự bất định của đời sống, như thể bạn không còn quyền kiểm soát cuộc đời mình nữa.
Một trong những căn nguyên của sự lo lắng là do chúng ta đã sống mà không có bất kì kế hoạch cụ thể nào. Không có định hướng, bạn sẽ phải sống một cuộc đời làm những việc bạn không muốn cho những người bạn không thích. Bạn cứ mãi mắc kẹt trong các mối quan hệ độc hại, chấp nhận làm những công việc chẳng dẫn đến đâu.
Lập một bản kế hoạch khả thi về tương lai của bản thân có thể giúp bạn giảm bớt những nỗi sợ hãi vô định về các sự kiện trong tương lai. Đây không nhất thiết phải là một kế hoạch hoàn hảo, chi li từng thứ một, nhưng hãy bỏ chút nỗ lực vào đó. Hãy dành chút thời gian mỗi tuần để xem xét các mục tiêu bạn dự định sẽ thực hiện, tiến độ thực hiện đến đâu. Đấy cũng là một cách để bạn có thể tập trung vào nguồn sức mạnh vô tận trong chính mình.
Hãy nghĩ về những điều bạn lo lắng: công việc ổn định, kế hoạch tài chính, sức khỏe, gia đình, con cái,… Sự không chắc chắn và mơ hồ mới sinh ra cảm giác sợ hãi. Nỗi lo lắng trong bạn nên được quan tâm, giải quyết triệt để, chứ không phải chỉ đơn giản ngó lơ, đặt nó qua một bên. Những người có định hướng rõ ràng sẽ ít rơi vào trạng thái lo âu, so với những người không có kế hoạch.
Ít nhất, hãy hình dung ra con đường đời bạn định đi sẽ như thế nào. Nếu không, bạn sẽ thức dậy với nỗi sợ hãi mơ hồ mỗi ngày, cho đến khi bạn sẵn sàng đối diện với nó. Một cuộc sống không có bất kì kế hoạch nào giống như một chuyến du hành mà không biết đâu là điểm mình cần đến.
Hãy nhìn lại cuộc đời mình, đâu là thứ khiến bạn lo lắng? Đó có phải là vấn đề tài chính? Hay công việc của bạn đang có vướng mắc? Các mối quan hệ? Đừng ngó lơ chúng, đừng bỏ qua những điều mà đáng lẽ bạn hoàn toàn có thể kiểm soát. Nhưng vẫn có nhiều nỗi sợ hãi vượt quá khả năng kiểm soát của chúng ta. Bạn có thể lo sợ về một trận động đất, nhưng rồi bạn nhận ra mình hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn nó.
Còn nỗi lo sợ mất việc lại khác, đấy hoàn toàn là một tình huống bạn có đủ khả năng để kiểm soát được. Bạn có thể không ngăn được công ty sa thải bạn, nhưng nếu bạn dành thời gian để học thêm một kĩ năng mới, chuẩn bị cho một tương lai mới, thì trong bạn cũng chẳng còn chỗ cho nỗi sợ trú ngụ. Đây là một ví dụ về cách chúng ta có thể tận dụng nỗi sợ hãi của mình để lập một kế hoạch cuộc đời tốt hơn.
Hãy xác định những nỗi sợ hãi của bạn trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Hãy tự hỏi bản thân, “Tôi có thể lập kế hoạch cho việc này không?” Ví dụ, những người không có kế hoạch cho vấn đề tài chính trong tương lai, họ có thể sẽ luôn rơi vào trạng thái mơ hồ, không chắc chắn, đầy ắp những nghi ngờ và lo âu.
Bạn có thể nghĩ: “Nhưng nhiều người đã thất bại trong việc lập kế hoạch cho tương lai. Có thật là tôi sẽ không ổn nếu vẫn sống như trước kia?” Hay: “Điều gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch của tôi không thành công hoặc không hiệu quả? Chẳng phải việc lập kế hoạch chỉ lãng phí thôi sao, vì cuộc sống vốn đã không thể đoán trước.” Không có gì sai khi chúng ta chọn sống cho qua ngày. Nhưng bạn đã từng nghĩ đến điều này chưa, bạn sẽ có cơ hội tận hưởng những ngày mình sống nhiều hơn, nếu bạn loại bỏ được nỗi sợ hãi tiềm ẩn vì không có bất kì kế hoạch tương lai nào.
Tất nhiên, chúng ta đều không biết tương lai sẽ mang đến cho ta điều gì. Nhưng tôi có thể nói cho bạn biết thứ nó sẽ trao cho bạn nếu bạn không lập bất cứ kế hoạch nào: Sự sợ hãi! Bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên thị trường hay ở nơi làm việc của mình. Nhưng chỉ cần hai giờ thôi, hãy dùng nó để vạch ra một bản dự định thô sơ. Chắc chắn hành động này sẽ mang lại lợi ích hơn nhiều so với việc dành hai tiếng đồng hồ để xem ti-vi.
Ít nhất hãy tự phác ra cho tương lai của mình một bản kế hoạch sơ thảo. Hãy cẩn trọng với những lời bào chữa cho hành vi trì hoãn của bạn. Chúng sẽ chỉ ngăn bạn tiến lên phía trước.
Dưới đây là bốn bước bạn có thể thực hiện ngay bây giờ:
i. Xác định một mục tiêu chính cho năm nay;
ii. Sáng tạo một câu đơn giản thôi để tạo động lực cho bản thân cố gắng đạt được mục tiêu trong sáu tháng tới;
iii. Viết ra một điều bạn lo lắng nhất;
iv. Nghĩ ra các giải pháp (tức là các bước hành động) để chế ngự nỗi lo sợ này
2. Nghĩ rằng sẽ có ai đó khác chịu trách nhiệm hộ mình
Để người khác chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn là một rủi ro. Đúng là bạn cần sự hỗ trợ và sự quan tâm của người khác để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, phụ thuộc vào bên ngoài sẽ chỉ tạo thêm nỗi sợ hãi. Tại sao lại như vậy? Nếu có chuyện gì xảy ra với chiếc nạng nâng đỡ bạn, bạn nghĩ chuyện gì xảy ra? Đúng vậy, bạn sẽ ngã. Chịu trách nhiệm cho cuộc đời chính mình là chìa khóa để giảm tải bớt những áp lực, hay nỗi lo sợ.
Hãy cùng nói về một trong những lo ngại lớn nhất của nhiều người: Không có tiền. Nhưng nếu bạn đặt ra cho mình một mục tiêu tài chính đơn giản, bạn sẽ có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng này. Bạn cảm thấy không ổn về chuyện tiền bạc của mình? Hầu hết ai cũng cảm thấy vậy. Bởi chúng ta thường không được trang bị các giải pháp về chuyện tài chính trên trường lớp. Và trong hầu hết các gia đình, kế hoạch tài chính hiếm khi được đưa ra thảo luận. Thông thường, chúng ta sẽ chỉ biết về giải pháp khi đã mắc phải một khoản nợ. Và sau đó, chúng ta đã có một lí do chính đáng để lo buồn sầu não.
Nếu bạn chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ từ người khác để “chăm sóc” cho các nhu cầu của bản thân, thì cuối cùng, bạn sẽ không thể tự độc lập nếu có gì xảy ra với người kia. Khi bạn đặt tất cả niềm tin vào một người khác và giao cho họ trách nhiệm chăm sóc mình, chính bạn đang tự sắp đặt cho mình một mớ hỗn độn có thể xảy ra trong tương lai.
Ví dụ như một người phụ nữ tôi từng biết, cô ấy hoàn toàn phụ thuộc vào chồng mình. Anh chồng này lo từ chuyện hóa đơn, đến chuyện kí các giấy tờ, anh ta quản lí hết cuộc sống của cả hai. Cô luôn cảm thấy an tâm về người chồng của mình. Nhưng khi anh chồng qua đời vì một cơn đột quỵ, những ngày tiếp theo là những ngày cô sống trong hoảng loạn. Cô không biết mình cần phải làm gì. Cô thậm chí còn chẳng biết cuốn sổ ngân hàng của cả hai đang nằm ở đâu.
Tất nhiên chuyện các thành viên trong một gia đình chăm sóc, quan tâm nhau là điều đương nhiên. Mỗi người sẽ có một vai trò ở đó. Trong một công ty cũng vậy, bạn sẽ cần đảm nhận một số nhiệm vụ nhất định. Ngay cả khi, các nhiệm vụ đó không cố định, bạn vẫn có thể phát triển, nâng cảo bản thân bằng cách học hỏi thêm càng nhiều càng tốt.
Khi bạn gặp phải một khó khăn nào đó, nhưng lại nói, “Đó không phải vấn đề của tôi!” – có thể bây giờ câu đó đúng. Nhưng bạn đâu thể biết được ngày mai, ngày kia, hay một lúc nào đấy, nó sẽ trở thành vấn đề của bạn. Bạn đã hoàn toàn có thể giải quyết được nó bằng cách điều chỉnh, tìm hiểu thêm các phương pháp cần thiết.
3. Tin rằng bản thân không thể đối phó với nỗi sợ hãi trong mình
Đã có lúc tôi tin rằng mình chẳng thể làm gì với những chuyện xảy ra trong đời mình. Tôi từng tin mình không có năng lực đối phó với chúng. Chúng quá đáng sợ, quá mạnh mẽ, làm sao tôi có thể đánh bại chúng. Tôi ngó lơ và coi đấy là những khối đá khổng lồ, nặng trịch có khả năng kiểm soát cuộc đời tôi.
Chỉ khi nào bạn tin mình có thể kiểm soát nỗi sợ và sẵn sàng đối diện với chúng, lúc đó bạn mới thực sự làm được. Bạn có thể mãi lo sợ về những viễn cảnh tồi tệ sắp xảy ra, nhưng bạn đã dừng lại và nghĩ kĩ chưa, liệu chúng có thực sự sẽ xảy ra? Đã có ai chắc chắn 100% rằng mọi thứ mà tôi lo sợ đã thành hiện thực?
Chúng ta sợ một điều vì chúng ta chưa bao giờ thực sự hiểu thấu chúng. Điều gì xảy ra nếu bạn mất việc? Mất tiền? Gia đình gặp chuyện? Được thôi, bạn có thể dành cả ngày, cả tháng, cả năm hay thậm chí cả đời để tự nhấm chìm mình trong những thứ tiêu cực xung quanh, để rồi không ngừng thốt lên những từ “giá như”. Nhưng hãy để tôi làm rõ với bạn một điều: Nỗi sợ hãi hóa ra lại là một thứ không có thật. Bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch để xử lí những cảm giác giả dối đó. Hãy đứng lên thôi, đã đến lúc đối mặt với chúng rồi.
Liệu lo lắng có giúp tình trạng của bạn hiện giờ tốt lên? Nó đã bao giờ có ích chưa? Lo lắng chưa bao giờ là một cảm xúc bạn cần. Nó không hỗ trợ bạn trên con đường tương lai. Nó chỉ khiến sự tự tin của bạn giảm sút, và không ngừng lo sợ hơn nữa. Nếu bạn cứ mãi chìm trong nỗi sợ hãi, cuộc đời bạn sẽ thành một chuỗi ngày đầy ắp lo âu với cảm giác bất lực không biết phải làm sao. Bạn phải giải thoát bản thân khỏi guồng quay kinh hoàng đó.
Hãy tự nhủ rằng: “Tôi có thể làm chủ cuộc đời mình theo cách của tôi.”
Ví dụ, bạn hãy thử ngẫm lại xem giờ bạn đang đứng ở đâu. Có phải bạn đã từng phải trải qua biết bao khó khăn để đến được đây? Bất kì ai cũng đều phải đối mặt với nỗi sợ trong họ để có thể tiếp tục tiến lên phía trước. Nếu bạn vẫn còn có cơ hội ngồi đây, đọc cuốn sách này, chắc hẳn bạn đã “sống sót” qua một vài thách thức ở đời rồi, phải không? Chúng ta hãy cùng nghe một vài câu chuyện.
Nếu bạn đang ở trong một tình huống ngàn cân treo sợi tóc, liệu bạn có đủ mạnh mẽ để vượt qua cơn chấn thương vĩnh viễn sau một vụ va chạm xe hơi không? Liệu bạn còn có thể đứng vững khi bạn không còn tiền bạc, tài sản trong tay chứ? Hay bạn còn đứng dậy được khi những người thân yêu quanh bạn qua đời?
Bạn hiền ạ, hãy tin rằng bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ. Nỗi sợ hãi không bao giờ có thể đánh bại bạn. Bạn hoàn toàn có thể đốn gục chúng và trở thành một chiến binh mạnh mẽ hơn sau mỗi thử thách. Hãy thẳng lưng đối mặt với nỗi sợ hãi, đừng rút cạn nguồn năng lượng màu nhiệm trong bạn cho chúng. Tiếp thêm sức mạnh cho chính mình, bạn sẽ cảm nhận được những điều bạn sợ hãi chứ? Vậy đã đến lúc rồi, sao bạn còn ngồi đó, cầm thanh kiếm lên và đi thôi.
Nhớ lại những gì tôi đã trải qua vài năm về trước, có vẻ như chúng không quá tệ như tôi từng nghĩ. Tại sao lại thế? Có lẽ là do giờ đây tôi đã trưởng thành hơn trước, tôi còn rất nhiều thứ cần làm. Cuộc đời tôi từng là một chu trình nhàm chán lặp lại. Tôi nghĩ rằng có vô số những điều bất định đang chờ đợi tôi ở phía trước, nên tôi bắt đầu “kích hoạt” nút lo lắng.
Bạn có dành chút thời gian để nhìn lại tất những điều làm bạn lo lắng và sợ hãi không? Có bao nhiêu trong số những điều bạn lo lắng đã trở thành sự thật? Bạn có vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó không? Có xử lí được chúng không? Lí do số một khiến chúng ta luôn bế tắc, là vì chúng ta cho rằng bản thân không thể đối phó với những gì đời này ném vào mình.
Vậy sao bạn không nắm lấy cơ hội làm chủ đời mình ngay lúc này? Hãy lập danh sách các tình huống làm bạn lo sợ và tự hỏi bản thân, “Tôi cần phải làm gì để kiểm soát được tình hình này?” Ví dụ như:
• Nếu tôi li hôn, tôi có thể làm gì ngay bây giờ?
• Nếu tôi mất việc, tôi có thể giải quyết chuyện này như thế nào?
• Nếu tôi không còn một xu dính túi, điều tôi có thể làm là gì?
Những gì tôi biết, những gì tôi nói có thể không có gì mới mẻ, nhưng chúng ta đã bao giờ thực sự hiểu chúng, nghiền ngẫm chúng. Tôi đã từng nhìn thẳng vào nỗi đau khổ của mọi người, tôi thấy họ đang vùng vẫy, để giải thoát chính mình khỏi vũng lầy đang cố kéo họ xuống. Họ sẵn sàng đấu tranh, họ chịu khổ cho một cuộc sống tươi đẹp họ hằng mong ước.
Bạn có thể vượt qua những khó khăn ở đời, đừng quên lí tưởng của mình, biến nó thành động lực để một lần nữa bạn có thể nắm lấy hạnh phúc đời mình. Khi đối mặt với một tình huống sợ hãi, hãy hình dung cuộc sống của bạn sẽ như thế nào sau khi bạn bước qua nó. Khi bạn đã có thể chứng minh với bản thân rằng tất cả nỗi sợ hãi thực ra chỉ là ảo tưởng, cánh cửa mới sẽ mở ra. Đừng chần chừ, hãy bước tiếp nhé.
4. Trốn tránh nó chờ đến khi nó biến mất (và điều đấy không bao giờ xảy ra)
Nếu chúng ta có thể giấu kín mọi lo âu vào một góc tủ nào đó, dưới một gầm giường nào đó, hẳn mọi chuyện sẽ thật dễ dàng đúng không nào. Tôi biết, tôi cũng từng làm như vậy rất nhiều lần. Tôi nghĩ rằng mình có thể giải quyết nó sau, có thể là vài ngày sau, tuần sau, hoặc tháng sau, nhưng phải đến nhiều năm sau tôi mới thực sự giải quyết chúng.
Đó là hiện thực. Nhưng thực ra, bạn không cần phải lãng phí hàng năm trời để trốn tránh nỗi sợ hãi của mình. Sẽ luôn có điều gì đó ở đời này khiến bạn sợ hãi. Mục tiêu của chúng ta không phải là “loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi trong bạn”, bởi đấy là điều bất khả thi. Tuy nhiên, bạn có thể tự tập cho mình cách kiểm soát chúng tốt hơn.
Đừng quên: Những gì bạn cố chống lại, sẽ luôn luôn tồn tại.
Ngay lúc này bạn đang trốn tránh điều gì? Và bây giờ bạn có thể làm gì đển kiểm soát được chúng? Có phải bạn đang gặp vấn đề trong một mối quan hệ không? Hay là chuyện công việc đang khiến bạn đau đầu? Điều tiên, hãy xác định cái gì đang gây ra sự sợ hãi trong bạn. Có thể hiện giờ bạn đang có quá nhiều nỗi sợ khác nhau bủa vây, bởi vậy bạn mới cảm thấy quá tải.
Nhưng dừng lại vài phút, hãy dành cho đời mình vài giây để ngẫm lại: “Hôm nay bạn đã cố gắng trốn tránh điều gì? Và tại sao?” Khi tôi chính thức tự đặt cho mình câu hỏi này, tôi đã có thể xác định rõ ràng từng nỗi sợ của tôi. Tôi nhẩm đếm từng thứ một, và không ngừng ngạc nhiên vì chúng. Chỉ cần ngồi vào máy tính thôi, đã có một nỗi sợ hãi xuất hiện trong khoảnh khắc đó.
Nỗi sợ hãi của chúng ta giống như một tín hiệu, nó cảnh báo chúng ta rằng có gì đó không ổn đang diễn ra. Bất cứ khi nào tôi nhận ra mình đang trì hoãn việc nào đó, hầu hết đều là do tôi sợ phải hành động. Khi nhìn sâu hơn vào căn nguyên đằng sau, hóa ra tôi sợ phải làm một việc gì đó, vì rất có thể tôi sẽ thất bại hoặc trông thật ngu ngốc khi làm chúng.
Tại sao tôi lại sợ thất bại? Bởi nó sẽ chứng minh rằng tôi không đủ tốt, không đủ giỏi, và tôi sẽ đánh mất những thứ mình đang có vì đã dấn thân vào những cơ hội giời ơi đất hỡi.
Bạn thấy đấy, bạn chỉ có thể vượt lên tình trạng hiện tại khi đã tìm ra gốc rễ của vấn đề. Sợ hãi là có lí do, nếu bạn nhận ra nó, thì bạn đã nắm trong tay một quân bài quyết định để vươn đến một cuộc đời lành mạnh hơn nhiều. Vậy, lí do khiến bạn sợ hãi là gì? Chút gợi ý nhỏ nhé: Rất có thể đấy là những điều bạn luôn trốn tránh, hoặc trì hoãn chưa làm.
5. Sợ phải thừa nhận rằng mình đang sợ
Xã hội và văn hóa đã lừa dối chúng ta. Họ nói với ta rằng sợ hãi là yếu đuối. Nhưng tất cả đã nhầm. Trong quá trình tôi lớn lên, tôi đã định nghĩa thất bại là một điều tồi tệ. Rốt cuộc thì chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn trượt một bài kiểm tra? Bạn nhận được một tờ giấy chi chít vết mực đỏ cùng cái nhìn đầy thất vọng từ giáo viên và các bạn cùng lớp. Bạn đã thất bại. Điểm 0 đã nói lên tất cả.
Nhưng sự thực không phải vậy. Nếu bạn cũng như tôi, sau lần kiểm tra đó, bạn cố gắng hơn nữa. Bạn cảm thấy như mình được tiếp thêm năng lượng để vượt qua con số không kia, để đạt được điểm 5, 6, rồi đạt mốc 7, 8 trong bài kiểm tra sau nữa. Mong muốn thành công đã trở thành động lực cho bạn. Có thể bạn không biết, nhưng bạn có rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn. Bạn có thể chọn ngồi im trong sợ hãi, hoặc chấp nhận nó và biến nó thành động lực để tiến bước.
Bạn có hai lựa chọn, đối phó với những thứ làm bạn sợ hãi hoặc bỏ chạy, tránh chúng càng xa càng tốt. Dù bạn chọn cách nào để đối phó với nó, nỗi sợ hãi vẫn sẽ không biến mất. Bạn có thể chôn vùi chúng bằng cách lao đầu vào một lịch trình siêu bận rộn, nhưng nó không thể nào tự tiêu tan. Chúng ta cần tận dụng chúng.
Khi bạn bắt đầu thừa nhận nỗi sợ hãi, nó sẽ hiện nguyên hình. Hãy tập trung, bạn không thể lãng phí thêm năng lượng để lo lắng về nó nữa, bởi giờ đây bạn đã có thể can đảm đối mặt với nó và sẵn sàng làm điều gì đó để làm chủ đời mình.
Bạn thấy đấy, sợ hãi không phải là một cảm giác vô thưởng vô phạt, nó đang cố gắng giao tiếp với bạn. Hãy lắng nghe thật kĩ, bạn có nghe thấy nó nói chứ, “Này, có gì đó không ổn!” Thách thức của chúng ta là ta không biết chính xác điều nỗi sợ hãi đang muốn nói là gì. Bạn đang trì hoãn việc gì không? Bạn có đang trốn tránh một nhiệm vụ quan trọng không? Bạn có cần lên kế hoạch cho việc gì đó không?
Một nửa quan trọng của giai đoạn đối phó với nỗi sợ hãi là nhận ra rằng nó tồn tại. Bỏ qua nó, nó sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, giống như cơn ác mộng tôi đã kể.
6. Không muốn thất bại, vì vậy tất cả đều làm những việc dễ dàng và quen thuộc
Sợ hãi thất bại là một trong những nỗi sợ tàn khốc nhất. Nó ảnh hưởng đến mọi thứ chúng ta làm. Và vì nó đã ăn sâu vào chúng ta từ quá khứ, nên chúng ta đã tự điều chỉnh đời mình để tránh trải nghiệm nó nhiều lần.
Nỗi sợ bị từ chối khá là phổ biến, chúng ta gần như không bao giờ muốn nghe thấy những lời từ chối đó. Bạn có nhớ lần đầu tiên mình bị từ chối là như thế nào không? Nó đau phải không? Để giải quyết nỗi sợ hãi này, chúng ta giới hạn bản thân trong những gì chúng ta biết và có đủ khả năng để làm.
Bạn có thấy mình bị mắc kẹt trong vùng an toàn đầy quen thuộc và ít rủi ro đấy không? Bạn có đang trong một mối quan hệ tồi tệ nhưng vẫn luôn bám víu lấy nó bởi vì nó dễ dàng hơn việc bước ra ngoài và nhận vài lời từ chối?
Làm những điều quen thuộc, bạn cũng ít phải nhận lấy những hậu quá đáng tiếc. Nhưng, khi chúng ta chọn đi theo một con đường dễ dàng ở hiện tại, chúng ta đã tự đẩy mình vào một hành trình khó khăn hơn trong tương lai. Đó là lí do tại sao, lúc bạn sợ hãi, bạn luôn quyết định lựa chọn làm những điều khiến mình mắc kẹt.
7. Được nhồi nhét quan niệm rằng nỗi sợ là xấu xa
Chúng tôi đã quan sát mọi người từ rất lâu, các bạn đồng trang lứa, cha mẹ và những người quen xung quanh, hầu hết họ đều đối phó với nỗi sợ hãi theo thói quen. Đấy là khi ngồi im trong lo sợ, họ đột nhiên ăn nhiều ơn, ngấu nghiến những món đồ ăn vặt để giải quyết cảm giác căng thẳng.
Nghiện hoặc ám ảnh là những dấu hiệu cho thấy nỗi sợ hãi đang phát tác trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng thay vì đối mặt với nó, giải quyết tận gốc những thách thức đang ngăn cản ta đến với những điều ta mơ ước, ta lại chọn đi theo hướng khác: chúng ta bỏ chạy. Vì chúng ta tin rằng sợ hãi là điều gì đó tệ hại. Điều này làm tôi nhớ đến một cách diễn giải của từ sợ hãi (F.E.A.R) là “Quên đi mọi thứ và bỏ chạy!” (Forget Everything and Run!) Tôi nghĩ chúng ta đã chạy đủ rồi.
8. Ngủ quên trên những vấn đề đang còn dang dở
Giấc ngủ có lợi ích vô cùng lớn. Ngủ không chỉ cung cấp thêm cho bạn năng lượng để bắt đầu một ngày mới. Bạn đi ngủ là có lí do. Một trong những tác dụng cốt lõi của việc ngủ là rà soát lại những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn. Đây là lí do tại sao khi chúng ta đi ngủ, cơ thể và tâm trí của bạn chuyển sang chế độ trẻ hóa. Chúng tự sửa chữa và nhanh chóng xử lí các thông tin hiện có. Có thể nói rằng, chúng hoạt động như một chiếc máy tính cần “thời gian chết” để sao lưu tất cả dữ liệu. Trong thời gian ngủ, bạn tạm thời chuyển sang chế độ ngoại tuyến.
Nếu tâm trí bạn xác nhận một việc gì đó là còn dang dở, bạn có thể sẽ thức dậy với sự nghi ngờ hoặc lo lắng đó, rồi từ đấy dần dần hình thành nỗi sợ hãi.
Thay vì nhìn thẳng vào hiện thực, bạn viện cớ, hoặc đơn thuần chấp nhận chúng rằng do hôm nay tôi thế, rồi đợi nó biến mất. Có thể bạn quên nó thật, những nó vẫn luôn ở đấy, ở sâu thẳm trong tâm trí bạn.
NƠI NỖI SỢ BẮT ĐẦU, VÀ NƠI CHÚNG KẾT THÚC
Sự sợ hãi của chúng ta là một thứ qua quá trình thâu nhận trong cuộc sống mà hình thành nên. Một số người đầy ắp nỗi sợ đã phát tác hoặc giải quyết chúng thông qua bạo lực, tổn thương. Những người khác thì trở nên chán nản, bất lực và sống lay lắt bằng những lựa chọn đầy áp lực và dang dở.
Tất cả chúng ta đều có cách đối phó của riêng mình, bởi vì không ai thực sự chỉ đường dẫn lối cho chúng ta cách xử lí các tình huống khiến bản thân sợ hãi. Giống như hầu hết mọi người, chúng ta đã được dạy rằng sợ hãi là một điều tồi tệ mà ai cũng nên tránh. Nếu cảm thấy sợ hãi, bạn CHẠY! Thực sự đấy, chúng ta đã chạy đủ rồi.
Thay vì thế, hãy tập trung vào những chỗ bạn còn yếu kém. Hãy trao thêm cho nó sức mạnh để nó có thể vươn mình dậy. Xác định cách đối phó với nó là bước đầu tiên để vượt qua nó. Hãy tự hỏi, bạn có đang trì hoãn hay bỏ dở những công việc bạn nên làm không? Nếu có, tại sao bạn bỏ qua chúng?
Bằng cách chia nhỏ nỗi sợ hãi của bạn thành từng bước, từng giai đoạn nhỏ, sức ảnh hưởng của nó đối với bạn sẽ giảm đi. Bạn sẽ làm gì nếu bạn có thể biến nỗi sợ hãi trong mình thành động lực để hành động, hoặc thành năng lượng có thể gây ra ảnh hưởng tích cực đến mọi người.
Bạn sẽ làm gì nếu ngay hôm nay cuộc sống của bạn không còn bị cản trở nữa?
Chúng ta nuôi dưỡng sự sợ hãi của mình bằng cách tư duy dựa trên nỗi sợ hãi. Lo lắng, áp lực, sợ sệt, trống rỗng đều là những cảm giác góp phần làm cho bạn thêm đau khổ. Tuy nhiên, bạn có thể xử lí mọi thứ theo cách của bạn. Tin rằng nỗi sợ hãi chỉ là thứ nhất thời là một chiến thuật tuyệt vời. Và đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra?
Nó chỉ là nhất thời.
Như Đức Phật đã từng nói:
Mọi thứ đều sẽ qua