“Sợ hãi không bao giờ là căn nguyên của sự trì hoãn hành động, nó chỉ là một cái cớ”
- Norman Vincent Peale
Đ
ối mặt với nỗi sợ hãi trong chính mình luôn là một việc khó khăn. Mỗi chúng ta đều có rất nhiều tổn thương đang được che đậy dưới vẻ ngoài “tôi ổn” kia. Nhưng khi bạn tách rời bản thân khỏi những thói quen hàng ngày, khỏi mớ bòng bong của đời, bạn sẽ nhận ra rằng từ bao lâu nay mình vẫn đang tồn tại với tư duy dựa trên nỗi sợ.Nếu bạn phản kháng hoặc bất lực trước chúng, thì trung tâm dựa trên nỗi sợ của bạn đang hoạt động rất mạnh mẽ. Nếu bạn giải phóng bản thân để vượt lên trên nỗi sợ hãi, bạn đang dần chuyển mình qua trung tâm tập trung vào sức mạnh.Một người bạn của tôi (tôi gọi cô ấy là Wendy) xem ti-vi 3-4 tiếng mỗi đêm. Cô ấy xem bất cứ thứ gì xuất hiện trên màn hình. Đối với cô điều đó không thành vấn đề, miễn sao nó giúp cô tạm quên đi những vấn đề hiện có, cùng những nỗi sợ hãi của cô. Cô ấy đang phải gánh trên vai mình vô vàn những khoản nợ mà cô không thể nào chi trả nổi. Khó khăn cô đang vấp phải là về vấn đề tài chính.
Wendy không bao giờ giỏi kiếm soát tiền bạc của mình, cha cô là một người nghiện cờ bạc, ngay từ khi cô còn nhỏ, ông đã vung hết tiền của gia đình vào cờ bạc. Bây giờ Wendy cũng đang phải đối mặt với tình huống tương tự năm xưa. Đang có một chủ nợ ngày ngày gọi cô để đòi tiền.
Mỗi ngày thức dậy, cô phải không ngừng vật lộn với chính mình để bước chân ra khỏi giường. Tất cả những gì cô muốn làm bây giờ là kéo chăn trùm kín người, đi vào một giấc ngủ thật sâu để có thể quên đi mọi thứ. Tuy khó khăn là thế, nhưng cách giải quyết vấn đề của Wendy hoàn toàn sai lệch, nó đã xô đẩy cô tới một hoàn cảnh hiện tại còn đáng chán hơn. Cô luôn giải tỏa bằng cách mua sắm trực tuyến – một yếu tố gây xao nhãng khiến cô ngày càng đi chệch đường ray.
Dù chúng ta có phản kháng lại những nỗi sợ, thì đấy cũng chỉ là những hành động đầy yếu ớt. Nhưng nếu tiếp tục trốn tránh những rắc rối, chúng ta sẽ chỉ thêm căng thẳng và lo âu. Đây là lí do tại sao chúng ta cần một bước chuyển hợp lí để đi từ trung tâm dựa trên nỗi sợ sang trung tâm tích cực, nơi chúng ta có thể thực sự giải phóng chính mình.
Một trong những nguyên do lớn nhất gây nên cảm giác căng thẳng là bạn để các vấn đề rắc rối mãi dở dang. Có thể bạn đang gặp khó khăn về các hóa đơn hoặc một mối quan hệ nào đó.
Khi bạn mù quáng xông lên để giải quyết tình trạng hiện thời (rất có thể việc này cũng làm gia tăng cảm giác sợ hãi trong bạn), bạn vẫn sẽ bị mắc kẹt với tư duy dựa trên nỗi sợ hãi.
Một khi chuyện này đã xảy ra, việc cố gắng tìm lối thoát sẽ càng trở nên khó khăn hơn, bởi vì dù bạn có lựa chọn gì đi chăng nữa, bạn cũng càng thêm sợ hãi.
Để bản thân bị mắc kẹt trong vòng quay của sợ hãi, tất cả những cánh cửa mà bạn thấy đều sẽ gây ra nhiều lo âu hơn. Điều bạn cần làm là tìm cho ra một lối đi giải thoát khỏi chuyện này.
Nỗi sợ hãi của chúng ta bắt nguồn từ những tình huống ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Thay đổi là một trong những thứ mà hầu hết ai ai cũng sợ ngay từ đầu, cho đến khi ta thực sự bắt tay vào làm việc cần làm.
Chúng ta sợ chuyển sang làm một công việc mới, rời khỏi một mối quan hệ thân quen, chúng ta cực kì sợ hãi cho đến khi bản thân quyết tâm làm điều đó. Nỗi sợ thất bại thật đáng sợ, nhưng nếu ta vấp phải vô vàn thất bại, hoặc một sai lầm vô cùng khủng khiếp, thì ta mới nhận ra những điều ta sợ trước đây cũng không đáng sợ đến thế.
PHẢI LÀM SAO VỚI SỰ KHÁNG CỰ VÀ TRỐN TRÁNH?
Bạn thường có xu hướng kháng cự lại những hoàn cảnh, tình huống có thể gây ra đau đớn về mặt cảm xúc. Những cảm xúc này có thể xuất sinh trong những tình cảnh ngặt nghèo ở nơi làm việc, hay khi bạn muốn li hôn, gặp khó khăn về tài chính hoặc về sức khỏe.
Khi bạn cố gắng tìm ra một giải pháp và hành động cốt để giải tỏa cảm giác sợ hãi, các giải pháp đó sẽ chỉ đẩy những căng thẳng lên đỉnh điểm.
Ví dụ trong trường hợp của Wendy ở trên, thay vì ngồi xuống và thảo luận với ngân hàng về cách tốt nhất để xử lí các khoản nợ, hay lập các kế hoạch thanh toán (tức là giải pháp tập trung vào các nguồn lực sẵn có để giải quyết vấn đề hiện tại), cô ấy lại buông bỏ bằng cách xem ti-vi, hoặc giải tỏa tâm lí khi tham gia các hoạt động không có ích gì cho tình trạng hiện thời. Wendy có thể tạm thời rời xa hiện thực, nhưng thực tế là các khoản nợ của cô vẫn còn đó. Các vấn đề vẫn sẽ tiếp tục bủa vây quanh cô, cho đến khi cô thực sự xử lí tận gốc chúng.
Nỗ lực chống lại cảm giác sợ hãi của chúng ta hoàn toàn là điều tự nhiên, nó gần như luôn là bước đầu tiên khi ta đối mặt với những gì mình sợ hãi. Sang bước tiếp theo nó mang tính hành động hơn, đó là tìm ra giải pháp xử lí tình huống. Khi đấy, chúng ta sẽ bắt đầu phải lựa chọn.
Bạn sẽ vùi đầu dưới hố cát để trốn tránh vô vọng các vấn đề, hay sẽ bắt đầu bước từng bước (nhỏ) để đối phó với nó? Một đằng bạn sẽ được xoa dịu trong chốc lát, rồi sẽ phải nhận những áp lực còn kinh khủng hơn trên con đường sắp tới. Một đằng sẽ giải phóng bạn để bạn có thể phát triển các kĩ năng xử lí vấn đề tốt hơn.
Khi nói đến thay đổi, hầu hết chúng ta đều ngần ngại ở một mức độ nào đó. Với nhiều người, họ sợ hãi khi phải đối mặt với thực tế. Họ đắm mình trong vòng tròn an toàn quen thuộc, họ xây dựng những thói quen nho nhỏ và sống với chúng hàng ngày.
Quen thuộc luôn đem lại cảm giác thoải mái, an tâm. Điều duy nhất đe dọa vùng an toàn của chúng ta là những vấn đề, hoàn cảnh mới ập đến, đòi hỏi ta phải thay đổi những thói quen xưa cũ. Đấy là một sự thay đổi đột ngột và ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Khi trung tâm dựa trên nỗi sợ của bạn gặp phải một tình huống mà nó chưa biết phải xử lí ra sao, thân thể bạn sẽ ngay lập tức có phản ứng đáp lại, chẳng hạn như tức ngực. Đó là biểu hiện của sự lo lắng. Bạn còn có thể cảm thấy bất lực hoặc suy nghĩ tê liệt hoàn toàn.
Tôi có một người bạn, khi anh ấy trải qua một khoảng thời gian đau thương, thân thể anh ấy tê liệt đến mức anh không thể đi lại bình thường. Nói thẳng ra là anh ấy sẽ phải nằm trên giường trong suốt mấy ngày.
Trong tâm trí của anh bạn tôi, anh ấy đang phải vật lộn để đối phó với những cảm xúc hỗn loạn mới có. Đó chính là mối liên hệ mật thiết giữa thân thể và tâm trí. Anh ấy đã kháng cự lại mọi hành động, dù rất muốn thay đổi. Cho đến khi anh ấy thật sự vượt qua, chuyển mình từ trạng thái “sợ hãi” sang “không sợ hãi”, anh ấy mới giật mình nhận ra cuộc đời này đang mở ra rất nhiều cơ hội để anh tiến lên phía trước.
Làm thế nào mà anh ấy có thể vượt qua ngưỡng cửa sợ hãi đang chặn trước mặt?
Hai chúng tôi đã cùng chia sẻ với nhau những suy nghĩ về chuyện đó và đều đồng ý rằng anh bạn sẽ không thể nào sống mãi trong lặng im. Một ngày nào đó, anh ấy vẫn phải rời khỏi chiếc giường êm ái, bước chân ra cánh cửa, đón nhận ánh ban mai tỏa sáng. Dù chỉ là một bước chuyển nhỏ bé, có thể anh sẽ vấp ngã như đứa trẻ sơ sinh mới tập đi, nhưng rốt cuộc anh ấy vẫn đã đổi khác.
Chúng tôi đã chia nhỏ những điều anh cần làm để thúc đẩy mình tiến về phía trước. Bạn phải hiểu rằng anh bạn tôi đã từng bị tê liệt về cả tinh thần lẫn thể xác bởi nỗi sợ hãi “điều gì sẽ xảy ra với tôi”. Anh ấy đã từng tin rằng đối với bất cứ chuyện gì xảy ra tiếp sau, anh đều sẽ không thể đối phó được.
Cuối cùng, anh ấy đã làm được những gì cần làm. Vấn đề được xử lí tận gốc. Sau bao đêm thao thức, canh cánh trong lòng vì nỗi lo sợ không biết chuyện gì sắp xảy ra, anh ấy vẫn sống sót. Hầu hết chúng ta đều liên tưởng những thách thức lớn của đời mình với ngưỡng cửa sinh tồn. Đôi khi chúng ta sẽ phải đối mặt với những câu chuyện như thế, nhưng hầu hết thì là không.
Khi chúng ta đối mặt với một tình huống, sợ hãi là phản ứng tự nhiên đầu tiên để chống lại những gì ta lo sợ. Bạn hãy thử nghĩ về một trải nghiệm vô cùng kinh hãi gần đây nhất xem. Ban đầu bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn có cố gắng né tránh chúng không? Giờ bạn còn né tránh chúng chứ? Bạn đã từng chạy trốn chưa? Hay bạn trì hoãn mọi việc cần làm? Bạn định “chuốc say” chính mình để quên mọi thứ?
Sự phản kháng là bức tường ta xây nên để chống lại nỗi sợ và để làm lá chắn khi ta không muốn làm việc cần làm. Bạn vẫn cảm thấy cuộc sống hiện tại là ổn đúng không? Tại sao chúng ta phải phá dỡ nó chứ? Phản kháng cũng có thể là một phản ứng tự phát khi ta không biết đâu là điều mình cần làm. Chúng ta không rõ mình phải làm thế nào để đối phó với nỗi sợ đấy, bởi ta chưa bao giờ gặp chuyện như thế trước đây. Dù cho có ai đó bảo bạn làm một việc, nhưng giờ với hiện trạng này, bạn cũng thực sự không biết bắt đầu từ đâu.
Tôi đã từng đối mặt với những tình huống đòi hỏi bản thân phải can đảm để bước lên và tiếp nhận chúng. Với mọi thách thức mới, ban nên tự nhắc nhở chính mình rằng, nỗi sợ này không dành cho riêng cho bạn. Hẳn mọi người ngoài kia đã từng phải trải qua điều tương tự, và họ cũng cần cố gắng rất nhiều để sống sót. Nỗi sợ ta có không phải là duy nhất, đời là vậy đấy.
7 BỨC TƯỜNG PHÒNG THỦ ĐỂ TRỐN TRÁNH NỖI SỢ HÃI
Mỗi người sẽ một cách xử lí nỗi sợ của họ. Hầu hết chúng ta, dù nhận ra hay không, đều sẽ cố gắng tránh những tình huống đáng sợ. Bạn có thể gặp một thử thách mới đầy khả năng thất bại, hoặc gặp một tình huống chẳng mấy thoải mái, đến mức mà bạn không muốn đối mặt. Từ đấy bạn cứ trì hoãn hành động và không làm gì trong suốt một thời gian dài.
Khi sợ hãi, chúng ta sẽ có một cảm giác kháng cự trước hoàn cảnh, nó ghìm chân ta bước tiếp. Chúng ta càng sợ hãi bao nhiều, sự phản kháng trong ta càng lớn mạnh bấy nhiêu.
Dưới đây là 7 lí do khiến chúng ta không thể thẳng thắn đối mặt với nỗi sợ trong chính mình:
1. Chúng ta nghĩ chỉ duy nhất mình mới sợ thứ mình đang sợ
Có người đã từng nói với tôi rằng, những vấn đề của tôi không phải gì mới lạ hay đáng kinh ngạc. Nói rằng hầu hết nỗi sợ của bạn là duy nhất, mới mẻ và khác lạ, thì có đúng không? Hay bằng một cách nào đó, bạn là người duy nhất từng trải qua điều bạn đang sợ?
Đúng là nỗi sợ bạn đang có là của riêng bạn, nhưng có một tin tốt là, chắc chắn có nhiều người khác cũng từng trải qua điều tương tự như bạn đang gặp phải. Đây đúng là một tin tốt rồi, vì nó có nghĩa là: Luôn có một giải pháp, hoặc những nghiên cứu điển hình đang tồn tại trong thế giới rộng lớn ngoài kia, có thể giúp bạn vượt qua mọi thứ.
2. Chúng ta nghĩ rằng nỗi sợ hãi lớn mạnh hơn bản thân
Cảm giác này thường xuất hiện trong giai đoạn chúng ta cho rằng bản thân không thể tự giải quyết vấn đề mình đang gặp phải. Chúng ta tin rằng nỗi sợ hãi thật kinh khủng, ta không thể nào vượt qua nổi, rồi chúng ta chán nản và tìm cách đánh lạc hướng bản thân.
Như tất cả đều thấy, sự phân tâm rất tiện lợi, hiểu theo một cách khác, nó trực tiếp khiến tâm trí ta luôn bận rộn với những thứ khác. Nhưng đã là tạm thời thì sẽ đến lúc ta phải ngừng tự thôi miên chính mình. Bởi dù chúng ta có ngó lơ, những vấn đề cũng chẳng bao giờ biến mất. Cho đến lúc đấy, cảm giác tội lỗi, dằn vặt vẫn luôn tồn tại trong chính chúng ta.
Sợ hãi là một cảm xúc thường trực, chúng ta không thể so sánh nỗi sợ của mình to hơn hay nhỏ hơn người khác. Hai người có thể cùng gặp một tình huống khó khăn tương tự, nhưng mỗi người sẽ có cách xử lí khác nhau. Khi chúng ta có đủ sức mạnh để đối mặt với những điều này, đấy là lúc ta đã trưởng thành.
3. Chúng ta vẫn chưa thể chấp nhận những điều có thể đến
Tôi sẽ đi vào chi tiết hơn về vấn đề này sau, nhưng tôi phải khẳng định rằng: Lo sợ về những điều sắp xảy ra là một trở ngại lớn trên con đường chúng ta đi. “Nếu tôi thất bại thì sao? Nếu nó không thành công thì sao?” Ở đời này, chúng ta đã trải qua đủ mọi tình huống khiến ta càng thêm nghi ngờ về chính bản thân mình. Sau đó, khi chưa thể đưa ra một giải pháp thực sự, chúng ta sẽ quay đi, chạy trốn khỏi thực tại đáng chán đó. Đây chính là chu trình cuộc đời của những ai đang mắc kẹt trong tư duy dựa trên nỗi sợ. Mọi cánh cửa họ mở ra đều chỉ là những biện pháp tạm bợ mà họ có thể nghĩ ra khi đang rối loạn.
Để khắc phục, chúng ta phải cho mình thời gian ngừng lại. Ngay cả khi chúng ta sa đà vào một con đường ta cho là ổn định nhất, cũng đừng vội chạy một mạch theo nó. Hãy cho bản thân một chút thời gian để suy ngẫm, nếu không mô hình trên sẽ trở thành một thói quen mặc định của chúng ta trong suốt cuộc đời.
Con đường an toàn nhất tưởng chừng là dễ dàng thật, nhưng hóa ra đấy lại là nơi ta mang vác trên mình đầy thứ phiền nhiễu. Những trạng thái lộn xộn, không có kỉ luật, rốt cuộc cảm giác an toàn không thể cho chúng ta bất kì một giải pháp giá trị nào. Trong đấy chỉ có những cám dỗ bởi những lợi ích nhất thời nó mang lại: Một cách dễ dàng để xử lí nỗ sợ của ta. Nói là dễ dàng vì nó cung cấp cho ta mọi nguồn cứu nhanh chóng, nhưng ta đâu biết rằng hậu quả ta phải gánh chịu về sau lại tàn khốc hơn nhiều.
4. Chúng ta phủ nhận rằng mình đang sợ hãi
Đã bao nhiêu lần chúng ta phủ nhận trong bất lực rằng “Tôi không sợ.”Nhưng liệu điều ta nói ra có là thực? Chúng ta hiếm khi thừa nhận rằng mình đang sợ hãi một cái gì đó. Tôi luôn ghét các bài kiểm tra. Khi nói đến các bài kiểm tra, trong lòng tôi luôn dâng lên một cảm giác chán ghét nhất định. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng khi thừa nhận mình sợ các bài kiểm tra, tôi cũng tự tin hơn một chút. Tôi biết mình không muốn trải qua cảm giác khi bị kiểm tra, những lúc như thế tôi muốn bỏ quách mọi thứ đi và chạy đến một nơi khác. Vậy tại sao tôi lại cảm thấy thế? Liệu đó có phải là điều tôi nên làm không?
Trong hầu hết trường hợp, nói đơn giản ra là tôi cứ thế từ bỏ thôi, điều đó dễ làm mà. Bỏ qua các bài kiểm tra. Rời khỏi căn phòng phỏng vấn trước khi được gọi vào. Từ bỏ sẽ đảm bảo cho tôi một cảm giác an toàn, tôi cũng chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Nhưng rốt cùng, nó không giúp tôi loại bỏ được nỗi sợ đó. Nó chỉ củng cố thêm trong tôi một tính cách, một thói quen xấu. Tâm trí tôi giờ đã có thêm một lối mòn: Khó quá thì bỏ thôi.
Khi chúng ta phủ nhận mọi nỗi sợ trong mình, chính là ta đang “cổ vũ” cho nỗi sợ không ngừng lớn mạnh hơn. Bằng cách tự thừa nhận những gì bản thân mình sợ, chúng ta có thể rõng rạc nói rằng: “Tôi không thích điều này, nhưng dù sao tôi vẫn sẽ làm nó. Nếu tôi có thể vượt qua, tôi sẽ có thể…” Và sau đó đừng quên lập cho mình một danh sách tất cả những điều tốt đẹp sau khi bạn đã quyết tâm với những gì mình chọn.
5. Chúng ta làm những hành động sai lệch
Một chiến thuật phòng thủ khác mà ta có thể sử dụng để chống lại nỗi sợ là thực hiện những hành động sai lệch. Điều này tương tự như khi chúng ta cho phép sự phân tâm xảy ra. Thay vì chỉ làm bất cứ điều gì cần thiết, ta lại chọn thực hiện một hành động sai lệch, rồi sau đó tự thuyết phục bản thân rằng đó là cách làm đúng, mặc dù mọi chuyện đâu phải vậy.
Thay vì làm những việc ta nên làm hoặc có thể làm, chúng ta chọn một thứ vô ích khác. Bởi xét cho cùng, đấy lại chính là điều dễ dàng nhất mà ta có thể nghĩ ra.
Vậy, đây là việc bạn cần làm ngay lúc này để quay đầu kịp thời: Viết ra những việc bạn chán ngán nhất bây giờ.
Điều gì sẽ đổi khác khi bạn coi những việc trên là ưu tiên số một của mình?
Bây giờ, hãy đặt nó thành việc ưu tiên của bạn và viết ra danh sách ba hành động nhỏ mà bạn có thể thực hiện ngay lúc này.
Điều đầu tiên sẽ là gì đây?
Hãy bắt tay vào làm ngay thôi bạn tôi ơi!
6. Chúng ta cho rằng nỗi sợ là một thứ gì đó mình không thể chạm tới
Bạn có thể xử lí nỗi sợ, hãy nhớ điều đó. Chỉ là bạn đang tin rằng mình không thể xử lí chúng. Sau khi bạn đã có giải pháp để giải quyết tình trạng hiện tại, nó sẽ không thể ngăn cản bạn bước tiếp nữa. Đây là một bí mật về tất cả những cơn ác mộng của chúng ta – chúng chỉ lớn mạnh hơn khi chúng ta quyết định nhìn nhận nó là như thế.
Làm thế nào mà một số người có thể biến những điều kì diệu thành hiện thực, bất chấp hoàn cảnh họ đang có?
Nếu bạn đang cầm trên tay cuốn sách này, thì tôi phải nói rằng hãy quan tâm đến cuộc đời của bạn một chút.
Tôi viết cuốn sách này là vì tôi cũng quan tâm đến cuộc đời lành mạnh và sự hạnh phúc của bạn. Và bạn cũng có thể làm được điều đấy. Không có gì là không thể chạm tới, không có chướng ngại vật nào lại bất di bất dịch. Quan trọng là bạn có tìm ra được những đòn bẩy phù hợp để di chuyển những tảng đá ngáng chân hay không.
Sẽ có lúc bạn phải kinh ngạc rằng, đôi khi để vượt qua nỗi sợ nhất, ta chỉ cần bỏ ra chút nỗ lực thôi.
7. Chúng ta nghĩ rằng nỗi sợ hãi sẽ đơn giản “biến mất” nếu chúng ta né tránh nó và làm điều gì đó khác
Bạn có thể chôn vùi nỗi sợ hãi của mình, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục ở đó, không biến đi đâu cả. Cuộc đời chúng ta chỉ trở nên đích đáng khi ta sẵn sàng đón nhận những thử thách, đấy mới là phép màu ta có. Khi bạn cố ngăn bản thân mình mở rộng cánh cửa để thử thách đến, bạn đã tự đặt mình vào trạng thái dễ tổn thương. Bạn có từng nghĩ nếu bạn đang làm thế, sẽ có thất bại lớn hơn đang chờ sẵn bạn ở phía trước khi có sóng gió lớn ập đến không?
Những đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc của gia đình, ít phải chịu va đập với cuộc đời sẽ rất dễ phát triển thói quen chạy trốn khi lớn lên. Bởi ngay từ nhỏ, chúng chưa hề được gia đình dạy cho cách nhìn nhận vấn đề, cũng như cách giải quyết chúng. Nếu không may, những thói quen đối phó với các nỗi đau tinh thần của chúng có thể biến tướng đi, chẳng hạn như quen với những hành động lén lút, không thể ngay thẳng đối diện với thực tại, quen nói dối hoặc nghiện một cái gì đó để quên đi thực tế.
Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhịp sống gấp gáp, ta luôn có việc để làm, bận rộng suốt 24/7. Một số người lấp đầy thời gian của họ bằng việc xem ti-vi quá nhiều. Một số khác sa đà vào chuyện cá cược hoặc mua sắm trực tuyến. Chúng ta chìm đắm vào nhiều thứ khác nhau để né tránh nỗi đau của mình. Bởi ta đã quá đau đớn, tổn thương bởi chúng rồi, có mấy ai còn đủ sức để gắng gượng dậy nữa, quay lưng lại với nỗi sợ hãi là lựa chọn hợp lí nhất mà ta có thể nghĩ ra lúc này. Bạn nghĩ thế phải không?
Khi ta tắt đèn trong phòng, dù ta không nhìn thấy trong không gian tăm tối đó, nhưng các đồ vật vốn đã ở trong phòng vẫn sẽ ở nguyên đấy. Đối với nhiều người, cách họ xử lí nỗi sợ cũng giống như việc phủ một tấm chăn lên thực tế và nói, “Ta biết ngươi tồn tại, nhưng ta không muốn nhìn thấy ngươi đâu.”
Để thoát khỏi tư duy dựa trên nỗi sợ hãi, bạn phải luôn sẵn sàng rằng, nỗi sợ sẽ có thể hiện diện bất cứ lúc nào. Nếu bạn kìm nén những gì mình sợ hãi lại, bạn đã tự tay mở cửa cho hàng loạt cảm xúc đau khổ ùa vào: áp lực, lo lắng, kích động, v.v. Khi bạn sống mãi trong tình cảnh này, cuối cùng sẽ đến lúc bạn cảm thấy phát ốm với cuộc sống này.
NHẬN RA: CHẠY TRỐN KHỎI NỖI SỢ HÃI LÀ MỘT PHẢN ỨNG CÓ ĐIỀU KIỆN
Hãy thành thật trong giây lát! Mọi người thường tự nói gì với mình vào mỗi buổi sáng? Bạn có nói, “Hôm nay, tôi sẽ giải quyết nỗi sợ hãi của mình và làm những điều tôi khát khao, ngay cả khi điều đó không dễ dàng chút nào!”
Nhưng dù có gì xảy ra, chúng ta vẫn hay chọn suy nghĩ, hành xử theo cách ngược lại. Chúng ta nghĩ, “Hôm nay, tôi sẽ làm những thứ thật an toàn, làm tốt công việc của mình, những thứ vốn đã đem lại cho tôi sự thoải mái. Và hi vọng rằng không có quá nhiều thử thách đến.”
Hầu hết mọi người sẽ làm bất cứ điều gì để tránh gặp phải những tình huống không thoải mái. Giá như chúng ta có thể suy nghĩ, hành động và chống lại tư tưởng “dễ dàng”, ta đã có thể nâng cao năng lực bản thân lên một tầm cao mới.
Khi bạn đi theo một con đường dễ dàng, bạn có thể đi cả một con đường dài. Bạn có thể nghĩ rằng mình đã đánh đổi rất nhiều thứ để đi trên hành trình đấy, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Những thứ bạn bỏ lại không có gì ngoài một sự thật: Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy cảm giác tự do nếu mãi đi theo các quy tắc an toàn. Chỉ bằng cách vượt qua, bạn mới có thể khám phá ra nó.
Tôi không đề nghị bạn phải chấp nhận những rủi ro khủng khiếp nào đó, nhưng bạn nên tự hỏi mình rằng:
Bản thân sẽ cần gì để sống cuộc sống theo ý mình mà không cò sợ hãi nữa? Hãy tưởng tượng bạn đang đương đầu với những trở ngại mà bạn đang lo sợ, bạn nghĩ bạn có thể dẹp tan chúng chứ?
Tại sao hầu hết mọi người đều thất bại? Họ bỏ cuộc khi có cản trở, khi con đường họ đi đang dần khó khăn thêm không? Và rồi sau đó họ chọn bỏ chạy chứ?
Chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi là một phản ứng có điều kiện. Chúng ta coi nó nhưng là một phản ứng nghiễm nhiên khi có điều gì đó không ổn xảy ra với bản thân.
Vì vậy, chúng ta đã làm thế nào để không cần phải đối mặt với nỗi sợ hãi nữa?
Chúng ta phân tâm vào nhiều việc khác.
Trốn tránh nỗi sợ hãi luôn có một chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta muốn tránh nó, chúng ta không muốn phải chịu trách nhiệm, và không cần phải đối mặt với những nỗi đau trong mình thì càng tốt. Đối mặt với những điều khiến chúng ta sợ hãi có nghĩa là đặt cái tôi và sự tự tin của chúng ta lên ngọn lửa.
Trong xã hội bận rộn ngày nay, việc để bị phân tâm chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Chúng ta có phương tiện truyền thông kĩ thuật số, ti-vi với nhiều chương trình tuyền hình hấp dẫn, cùng vô vàn các loại ẩm thực khác nhau để xoa dịu cơn đói khát chúng ta.
Ví dụ, có một thứ luôn khiến tôi phân tâm là mua sắm trên Internet. Là một người nghiện Amazon và eBay, tôi dành hàng giờ chỉ để lướt qua các cửa hàng trực tuyến lớn nhất thế giới. Khi tôi lo lắng, hoặc khi muốn trốn tránh điều gì đó, tôi sẽ lập tức chệch hướng đi theo một lối mòn dễ dàng hơn.
Cái gì đang làm bạn lạc hướng? Tại sao bạn để chúng lôi kéo mình ra xa khỏi hiện thực?
Ở thời đại này, trốn tránh những nỗi sợ hãi đã là một điều quá đỗi hiển nhiên. Đúng là cũng không có gì sai khi bạn mong muốn nó ẩn đi. Khi bạn nhượng bộ, để bản thân bị phân tâm, bạn sẽ có thể phần nào bớt đi nỗi lo lắng trong mình. Tuy nhiên, tất cả chỉ diễn ra trong vài khắc ngắn ngủi mà thôi.
Nó giúp tâm trí bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi, nó đưa bạn đến một vùng đất an toàn, nơi bạn chẳng còn cần bận tâm đến bất cứ thứ gì kinh khủng nữa. Đây là vùng an toàn của bạn, nhưng nó không có thật. Đó chỉ là một giải pháp nhất thời, đầy tạm bợ, nó không hề tuyệt diệu như bạn nghĩ. Nó tồn tại để giúp bạn giải tỏa các cảm xúc trong một lúc, nhưng khi bạn ngừng các hoạt động đang làm lại, sự lo lắng, sợ hãi sẽ quay lại.
Hầu hết chúng ta sẽ lao đầu vào làm một thứ gì đó, khiến bản thân trở nên bận rộn hơn, bởi ta tin rằng đấy chính là cách để giải quyết một vấn đề mà ta không muốn làm. Bởi vì khi bận rộn, ta luôn có thể vin vào cái cớ rằng, “Ồ, tôi đang bận việc này, vì vậy tôi không thể…”
Để có thể hành động một cách đúng đắn, nhận thức của bạn buộc phải phát triển ở một mức độ nhất định. Bạn có thể làm điều này thông qua ba kĩ thuật đơn giản.
NHIỆM VỤ HÀNH ĐỘNG
Đưa ra quyết định tỉnh táo để nhận thức được những hoạt động phiền nhiễu mà bạn dùng hòng thoát khỏi nỗi đau tinh thần. Huấn luyện tâm trí của bạn để nhanh chóng xác định các hoạt động gây phân tâm. Chẳng hạn như, nghiện làm một việc hay một loại thuốc nào đó? Có phải bạn nghiện ti-vi không? Tất cả chúng ta đều có những phương pháp trốn tránh khác nhau. Hãy tự nhìn nhận lại để tra ra chúng ở đâu.
Kiểm tra khả năng chịu đựng: Lần tới khi bạn gặp phải một thử thách khó khăn nào đó, hãy ghi chép lại cách bạn phản ứng. Bạn có cố gắng tìm ra giải pháp không? Bạn có hào hứng khi được thử thách không? Xét cho cùng, dù một thách thức có khó khăn đến đâu, nó cũng đều là bước đệm thúc đẩy chúng ta phát triển.
Tất cả chúng ta đều có khả năng chịu đựng nỗi sợ hãi. Đó là bản chất, là món quà ta được ban tặng. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đang đối mặt với nỗi sợ đó. Bạn sẽ làm gì để dẹp tan chúng?
Lối thoát yêu thích của bạn là gì? Hãy lập danh sách các “lối thoát hiểm” bạn hay sử dụng để chạy trốn. Khi đã biết cái gì là lối thoát tạm thời ta hay dùng, nó sẽ trở thành động lực để ta có thể sớm xác định giải pháp giải quyết chúng. Đầu óc bạn cũng sẽ tỉnh táo hơn mỗi khi có ý định sử dụng lại chúng lần nữa. Trong nhiều năm, tôi đã sử dụng trò chơi điện tử như một cách để giải thoát. Tôi lấy cớ rằng chúng giúp tôi thư giãn.
Nhưng sự thật là, nó làm tê liệt các giác quan của tôi. Bất cứ khi nào tôi không muốn giải quyết một khó khăn nào đấy, tôi sẽ giết thời gian bằng cách chơi trò chơi điện tử hoặc xem ti-vi. Nhưng một khi tôi đã biết đây là các biện pháp tạm thời để trốn tránh hiện thực, tôi đã lập tức ném chúng sang một bên. Tôi sẽ chỉ động đến chúng nếu tôi đã thực sự đối mặt và vượt qua. Ở trong tường hợp này, chơi trò chơi điện tử hay xem ti-vi sẽ trở thành phần thưởng cho hành động của tôi.
Hãy tránh để bản thân bị phân tâm, bởi nó chỉ khiến chúng ta mắc kẹt mãi một điểm. Những tác nhân gây mất tập trung là vô tận, chúng có thể là bất cứ thứ gì quanh chúng ta: ti-vi, trò chơi điện tử, chất gây nghiện,… Nếu bạn là người hay trì hoãn, bạn có thể thử làm những hoạt động trên, hoặc hãy tạo cho mình một bức tường để tâm trí không còn bị đánh lạc hướng nữa. Hãy xác định “chiến thuật tránh né” của bạn là gì và cố gắng loại bỏ chúng, đừng biến chúng thành một thói quen xấu khó bỏ.
Sự phản kháng và trốn tránh là điều hiển nhiên. Chúng ta luôn cố gắng chiến đấu để chống lại những tình huống khiến bản thân sợ hãi. Nhưng đừng biến chúng thành phản ứng có điều kiện. Chúng ta có thể phá vỡ sự kháng cự của mình bằng cách đi từng bước nhỏ để giải quyết vấn đề.
“Hãy khoan sợ thất bại đến mức từ chối mọi điều mới. Bản tóm tắt buồn nhất của một cuộc đời là ba từ: có thể có, có khả năng có, và nên có”
- Louis E. Boone