“Thời gian của bạn là hữu hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt bởi những điều độc đoán. Chắc hẳn bạn cũng không muốn cuộc đời mình là kết quả của suy nghĩ từ người khác, đúng chứ? Đừng để tiếng ồn của ý kiến nơi người khác át đi tiếng nói bên trong bạn. Và điều quan trọng nhất, hãy can đảm, thực sự mạnh mẽ để làm theo trái tim và trực giác của mình”
- Steve Jobs
B
ạn có thể thay đổi cuộc sống của mình ngay lập tức, nếu bạn có những lựa chọn hướng tới những mục tiêu đáng giá. Hãy tưởng tượng bạn sẽ ở đâu nếu bạn quyết KHÔNG để nỗi sợ cản trở thành công của mình. Bạn sẽ ở đâu nếu bạn quyết định rằng ngay ngày hôm nay, bạn sẽ thực hiện bước đầu tiên để đạt được ước mơ của mình?Bây giờ, bạn cần làm những gì để can đảm hơn? Chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện về những người can đảm; những người leo lên bảy ngọn núi hay người liều mạng vì những người khác. Chúng ta có thể thấy lòng dũng cảm trong những bộ phim và xem những người xung quanh chúng ta làm những điều chúng ta ước là mình có thể làm.
Điều này sẽ trở thành mồi lửa châm ngòi cho một cuộc chiến còn hỗn loạn hơn nữa, đó là so sánh mọi thứ với con người sợ hãi trong bạn. Khi bạn so sánh chính mình, một con người đầy rẫy sợ hãi và luôn trì hoãn, với những người đang thành công rực rỡ trong mắt bạn, nỗi sợ trong bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh để làm công việc của nó: Ngáng chân bạn. Trong đầu bạn sẽ văng vẳng tiếng nói tại sao bạn không bao giờ có thể làm những điều bạn mong ước:
• Tôi không được sinh ra để làm được những việc đó;
• Tôi nào có giỏi đến thế;
• Tôi đã thất bại toàn tập, tất cả những điều tôi thử, đâu có cái nào thành công.
Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình để nhồi nhét những lời bào chữa giống như vậy vào tiềm thức của mình. Tôi luôn muốn can đảm hơn vì nỗi sợ hãi trong tôi, nó đang bành trướng hơn mỗi ngày. Khi bạn chọn tin vào những gì nỗi sợ đang nói với bạn, chính bạn đã từ bỏ một cuộc đời vững mạnh.
Khi tôi cố gắng chống trả lại hoặc khi cảm thấy quá tải, đó chưa bao giờ là lúc tôi can đảm thực sự. Đấy chỉ là quãng thời gian tôi chạy trốn. Như một bản năng tự nhiên, động vật chạy trốn khi chúng sợ hãi, mọi người ai cũng vậy đấy. Nhưng chúng ta có toàn quyền kiểm soát bản năng của mình. Chúng ta có quyền lựa chọn và có thể sử dụng điều đó làm lợi thế của mình.
Bằng cách chọn trở thành một người can đảm, bạn đã trở thành một người can đảm. Bạn thoát khỏi chế độ sợ hãi, trái tim bạn cũng cảm thấy nhẹ bẫng. Bạn mang dáng vẻ của một người quyết tâm, năng lượng trong bạn cũng đổi thay.
Sợ hãi là một dòng chảy cảm xúc mạnh mẽ. Bạn có thể sử dụng nó làm lợi thế của mình hoặc để nó điều khiển cuộc đời bạn. Bạn có thể thu mình trong thế giới tràn ngập nỗi sợ và để nó xô đẩy bạn đến với những cảm giác tự ti, thất vọng. Hoặc bạn có thể lựa chọn phương án thứ hai: Chấp nhận nó như nó là, và tận dụng nó để đối mặt với việc bạn sợ nhất. Bạn có thể cảm nhận bản năng đầu tiên của mình là gì và chống lại những cám dỗ.
Hãy chuyển mình từ vị thế con người tổn thương sang con người làm chủ. Bạn có đang lắng nghe những gì tâm trí đang nói với mình không? Đừng lơ đi những giọng nói vang vọng đang khiến bạn ám ánh kia. Đừng để nó tự do quyết định cuộc đời bạn đi về đâu.
Bạn có thể nghĩ rằng bản thân không phải là người can đảm, nhưng một lần thôi, hãy thử nhìn sâu vào niềm tin đó. Bạn vẫn đang nhìn nó chứ? Rất có thể trong cuộc đời, bạn đã trải qua vô vàn những thử thách khó nhằn. Có thể bạn đã phải chịu bao nhiêu khổ đau lẫn những mất mát.
Tất cả chúng ta đều đang cố gắng vượt qua những ngưỡng cửa đó để đặt chân lên những bậc thang cao hơn. Cuộc sống luôn có ánh sáng soi rọi. Nhưng đối với nhiều người thì không... Nếu bạn đang sống trong sợ hãi, đúng là thật khó để can đảm bước ra khỏi vùng tăm tối đó. Tất cả những gì bạn muốn là chỉ là ẩn đi, tránh xa mọi thứ.
Nhưng để sống một cuộc đời trọn vẹn, chúng ta luôn cần rất nhiều dũng khí. Có dũng khí, chúng ta mới đủ can đảm để đối mặt với vô vàn khó khăn ập đến. Nếu bạn còn không tin vào chính bản thân, vậy làm sao bạn chấp nhận được những khó khăn đấy và vượt qua chúng?
TẠI SAO NỖI SỢ LẠI LÀ LÍ DO KHIẾN BẠN MẮC KẸT?
Tôi biết một người phụ nữ từng gặp rắc rối trong một mối quan hệ tồi tệ. Cô chỉ có một cách duy nhất, đó là giải thoát chính mình khỏi cuộc hôn nhân đó, nhưng cô vẫn chưa thể hoàn toàn vượt qua nó. Mỗi lần nghĩ về nó, cô đều rơi vào trạng thái tê liệt. Cô không thể tưởng tượng ra cái viễn cảnh sống tự lập một mình, nhưng cô cũng không thể nào đáp ứng với những yêu cầu cao ngất ngưởng của người chồng, dù đã cố gắng hết sức. Cô gái ấy đã suy sụp hoàn toàn, trong đầu cô giờ đây tràn ngập nỗi sợ hãi. “Làm thế nào tôi có thể sống sót? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không thể tự lập và phải cúi đầu trước anh ta lần nữa? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu…?”
Cô ấy để mình chìm đắm trong trò chơi “nếu… thì…” Tất cả mọi con đường đều dẫn đến viễn cảnh u ám, đầy tăm tối.
Chúng ta có hai con đường. Nếu chọn tiếp tục sống trong sợ hãi, thường ta sẽ rơi vào kết cục: Một cuộc sống khốn khổ, đau đớn hơn. Tất cả những gì ta nhận được chỉ toàn là những lo lắng, căng thẳng, áp lực. Chúng ta đang mắc kẹt. Nhưng ta không bị mắc kẹt bởi hoàn cảnh, chúng ta mắc kẹt bởi chính tâm trí ta.
Không có thứ gì ở bên ngoài có thể ngáng chân bạn, khiến bạn vấp ngã. Tất cả đều xuất phát từ bên trong, tác nhân bên ngoài chỉ khiến cái bên trong bộc lộ ra. Đầu tiên, hãy đối phó từ bên trong.
Tôi đã ngồi lại cùng người phụ nữ đó và yêu cầu cô ấy viết ra tất cả các bước định làm để thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Cô ấy đã làm, và có khoảng 60 mục trong danh sách. Sau đó tôi đã yêu cầu cô ấy khoanh tròn các bước hành động mà cô cảm thấy thử thách nhất. Rồi tiếp theo, tôi bảo cô ấy chỉ ra đâu là mục dễ nhất đối với cô. Tất cả chỉ đơn giản như thực hiện một cuộc gọi điện thoại.
Cô ấy đã cố gắng không ngừng, làm từng bước một cho đến khi cô vượt qua một nửa số mục trong danh sách. Vào lúc này, cô như được tiếp thêm động lực để tiếp tục làm những gì đang làm. Cô dần tự tin hơn. Chỉ trong vòng hai tuần, cô chuyển từ tình trạng tê liệt sang trở nên có sức sống hơn, tất cả là nhờ bản kế hoạch cuộc đời do chính tay cô viết nên.
Nếu chưa gì cô ấy đã dấn thân vào làm những điều khó nhất trước, cô sẽ mãi mãi mắc kẹt tại điểm xuất phát. Chúng ta cần bắt đầu từ từ từng bước nhỏ để có động lực phát triển. Hãy làm những thứ dễ dàng trước. Bạn không cần bắt tay vào làm tất cả mọi thứ ngay lập tức. Trong vòng 3 tháng, người phụ nữ này đã tự mua cho bản thân một căn hộ, cô ấy quyết định làm thủ tục li hôn, và lần đầu tiên trong đời, cô ấy có quyền kiểm soát số phận của mình.
Cô ấy đã làm thế nào?
Trước nhất, cô ấy đã xác định được nỗi sợ của mình là gì: nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ cô đơn, sợ không thể tự mình vượt qua. Cuối cùng, tất cả những nỗi sợ này đã được đem ra ánh sáng, để cô đối diện với chúng một lần nữa. Chúng trông như có vẻ thật mơ hồ, vì từ trước tới nay cô đều nghiễm nhiên chấp nhận chúng. Nhưng có một điều bạn phải nhớ, cho đến khi bạn thực sự mở mắt ra, nhìn thẳng vào thứ khiến bạn sợ hãi, chúng mới thực sự lộ diện. Trong nhiều trường hợp, tất cả là do suy nghĩ của bạn tràn ngập sự sợ hãi, thế nên chúng mới có thể lan tỏa những cảm xúc tiêu cực trong từng hành động của bạn.
Khi bạn tưởng tượng mình lấy đã lấy hết can đảm để đối mặt với tình huống lần đầu gặp gỡ, sự phản kháng sẽ xuất hiện ngay lập tức. Bạn sẽ dần thôi miên chính mình rằng bản thân nên trì hoãn cho đến khi có thời điểm thích hợp hoặc một cơ hội hoàn hảo nào đó. Nhưng trong cuộc đời mỗi chúng ta, liệu có thực sự xuất hiện thứ gọi là một “khoảnh khắc hoàn hảo”? Chúng ta chờ đợi dũng khí một ngày nào đó sẽ tự nhiên xuất hiện, nhưng ta đâu biết là ngày đấy sẽ chẳng bao giờ đến nếu bản thân không tự đứng dậy.
Lòng dũng cảm, sự tự tin chính là những điều kì diệu kết tinh từ việc bạn đã vượt qua nỗi sợ hãi. Khi bạn quyết định lấy lại quyền kiểm soát cuộc đời, khi bạn chọn phải làm một điều gì đó với nỗi sợ hãi, lúc này nút “dũng cảm” đã được nhấn xuống. Nói cách khác, bạn đang đứng lên và chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Bằng cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi, bạn có biết rằng mình đang đi trên con đường hướng tới sự can đảm thực sự.
Còn bạn, bạn sẽ định làm gì? Bạn có còn muốn để nỗi sợ tiếp quản, điều hướng cuộc đời bạn không? Có bao nhiêu nỗi sợ, những lo lắng của bạn thành hiện thực? Bạn có thể cảm thấy nó rất thật, nhưng thật lòng mà nói, đâu có thứ gì ngoài kia đủ khả năng làm bạn sợ hãi. Trong bạn bây giờ có đang tràn ngập những suy nghĩ thôi thúc cảm giác lo lắng, sợ sệt không? Người khác có đánh giá bạn là con người yếu đuối, hay lo sợ không, hay chỉ có mình bạn cho là vậy?
CÓ TINH THẦN CHỊU TRÁCH NHIỆM
Tôi thừa nhận rằng, đôi khi tôi có thể là một kẻ đạo đức giả. Là một người cha, tôi luôn cố gắng dạy các con mình tầm quan trọng của trách nhiệm. Tôi dạy chúng rằng các con hãy làm bài tập về nhà, làm việc nhà trước khi chơi game hoặc xem ti-vi. Khi chúng đã hoàn thành những việc quan trọng trước, chúng có thể tận hưởng khoảng thời gian vui chơi của mình nhiều hơn. Mặt khác, tôi lại có một khuynh hướng, đấy là phớt lờ những gánh nặng, áp lực từ nỗi sợ, và ngừng làm những việc quan trọng để tạm thời giải tỏa nỗi sợ hãi của chính mình.
Thay vì can đảm, đã có nhiều lần tôi phải bỏ chạy và “bỏ lại mớ hỗn độn của mình” cho người khác. Điều này đã để lại cho tôi một mớ cảm xúc hổ lốn, nào là mặc cảm, tội lỗi, đau khổ. Tất cả mọi chuyện không nhất thiết phải đi theo con đường như vậy. Lí do tại sao tôi lại dạy các con không làm những điều này là để hi vọng chúng có thể bớt đau khổ khi lớn lên.
Dũng cảm là chịu trách nhiệm về những lộn xộn vượt quá giới hạn bạn đặt ra. Sẽ chẳng ai khác thay bạn giải quyết các vấn đề đó, trừ khi bạn đã trả một cái giá xứng đáng.
Nỗi sợ luôn là của bạn nếu bạn cứ mãi ôm khư khư nó.
Những cảm xúc tiêu cực có thể xâm nhiễm từ người này sang người khác, đó là câu chuyện xảy ra mỗi ngày. Bạn có thể bị xâm nhiễm thông qua các phương tiện truyền thông, hoặc từ bạn bè của bạn. Nhưng rốt cuộc, đối diện hay từ chối nó đều là tùy thuộc vào bạn. Bạn luôn có quyền lựa chọn trong tay.
Bạn có thể đứng lên và chịu trách nhiệm với những gì đang xảy ra trong cuộc đời mình; hoặc bạn cũng có thể từ bỏ và chọn một cách dễ dàng hơn, “tránh né” và “bỏ chạy”. Bạn có thể chọn làm bất cứ thứ gì bạn muốn vào bất kì thời điểm nào. Một khi bạn biết và chấp nhận điều này, bạn sẽ can đảm để hành động.
Dưới đây là hai chiến lược bạn có thể làm để có thêm can đảm cho bản thân:
1. Ngừng đổ lỗi cho người khác
Cách nhanh nhất đánh mất quyền kiểm soát cuộc đời mình chính là đổ lỗi cho người khác về những chuyện bạn hoàn toàn có thể làm chủ được. Đây là cách dễ dàng nhất để trốn tránh trách nhiệm. Mặc dù, nghe có vẻ đúng đắn và hợp lí, nhưng việc chỉ trỏ lỗi do ai chỉ có thể làm bạn thui chột khả năng xử lí các khía cạnh trong cuộc sống. Như một câu nói cũ tôi đã từng được dạy, “Khi bạn chỉ một ngón tay vào ai đó, sẽ có ba ngón tay chỉ lại bạn.”
Tôi đã từng gặp những người không bao giờ nhận trách nhiệm cho những sai lầm của mình. Họ đổ lỗi cho người đầu tiên họ có thể tìm thấy, và sau đó tìm cách chứng minh rằng đấy thực sự là lỗi của người kia. Họ sẵn sàng bác bỏ mọi bằng chứng chống đối lại họ.
Nhưng cũng chính những người này, họ luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Hàng ngày, không lúc nào họ ngừng cạnh tranh. Họ tự tạo cho mình một vòng tròn an toàn, đầy thoải mái. Nhưng nếu phải bước ra thì sao? Chắc chắn rồi họ sẽ hoảng sợ không thôi, dù mới chỉ bước ra khỏi vòng an toàn có vài phân.
Bạn có thể tránh được một cuộc đời bất hạnh như thế nếu chịu bước lên và đối mặt với những sai lầm của mình. Hãy tìm kiếm những cơ hội mà bạn có thể giúp người khác giải quyết những sai lầm của họ. Có người tưởng rằng họ có thể thoát một đời đau khổ chỉ với một ngón tay trỏ nơi người khác, nhưng nào ngờ đấy lại là một ảo tưởng họ tự tạo nên.
Hãy là một con người trung thực và giống như tôi dạy các con tôi, chỉ cần bạn luôn trung thực, bạn đã trở thành một con người dũng cảm rồi.
2. Làm chủ dòng chảy cảm xúc trong bạn
Khi chúng ta buộc phải đối mặt với nỗi sợ hãi trong mình, cảm xúc lúc này đóng vai trò vô cùng mạnh mẽ. Đó là một cuộc đấu tranh với những lo lắng, căng thẳng, sợ hãi tồn tại trong mỗi chúng ta. Chắc hẳn cũng không ai muốn coi đây là một niềm vui đâu nhỉ. Và cũng phải nói rằng, chẳng có gì ngạc nghiên khi hầu hết chúng ta đều muốn chạy trốn, thay vì chiến đấu.
Khi chúng ta trong trạng thái tê liệt, không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ nữa, cảm xúc sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ của nó, tràn ngập khắp mọi ngóc nghách của tâm trí. Đến lúc này, đầu óc chúng ta sẽ không thể nào hoạt động bình thường được nữa.
Tôi xử lí chuyện này bằng cách đi từng bước một. Cảm xúc của chúng ta có thể được điều hòa khi chúng ta bắt đầu đặt cho chúng những câu hỏi về sự hợp lí và giới hạn. Nếu bạn đang lo lắng về điều gì đó, và điều này đang ngày một xâm lấn cuộc đời bạn, có thể đó là bởi vì bạn đã để những suy nghĩ tràn ngập, chiếm lĩnh lấy tâm trí. Đôi khi bạn cảm giác như mình đang phải gồng gánh những ngoại lực khó ưa từ bên ngoài phải không? Một khi những suy nghĩ tiêu cực tạo ra những nỗi lo lắng trong một người, gần như chúng ta sẽ cho rằng đây chính là số phận đời mình.
Tin tốt là bạn luôn có thể làm chủ những cảm xúc trong mình. Bạn có thể nghĩ mình không làm được, nhưng bạn hoàn toàn có đủ khả năng. Chẳng phải nếu bạn đã lựa chọn cho bản thân một trục suy nghĩ nhất quán, thì điều này cũng có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể loại bỏ những lo lắng theo ý muốn hay sao. Khi tôi có một ngày tồi tệ, tôi cảm tưởng thế giới này là một đám mây đen kịt đang trôi lững lờ trên bầu trời, và đó đúng là đám mây đen của tôi. Tôi sở hữu mọi cảm giác tôi có.
Đau khổ hay hạnh phúc đều là một tay chúng ta tạo nên. Đáng buồn thay, nhiều người lại chờ đợi người khác sẽ mang lại ánh sáng hạnh phúc cho họ, hoặc mong rằng có ai đấy sẽ dọn đi những đau khổ trong đời họ. Rồi cuối cùng, chúng ta chỉ còn có thể đòi hòi chính bản thân mình, “Giá như ngươi thay đổi, thì giờ ta đã hạnh phúc hơn.”
Dựa dẫm vào người khác để giúp mình trở nên tốt hơn chính là ta đang tạo áp lực, gánh nặng cho bản thân lẫn người kia. Điều đấy hoàn toàn không thực tế. Bởi rất có thể, nhiều người, hay thậm chí là chính bản thân bạn, cũng chỉ đang nghĩ về hạnh phúc của chính mình mà không bận tâm đến người khác. Bạn muốn một cuộc sống bình yên hơn? Bạn có thể tự kiểm soát những cảm xúc làm để đưa tâm trí bạn về trạng thái bình yên.
Bạn đừng quên là bạn luôn có quyền lựa chọn. Lựa chọn đúng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng thay vì chọn ở lại một nơi khiến bạn khổ đau, thì việc lựa chọn đứng lên chính là đòn bẩy để bạn ngày một mạnh mẽ hơn. Con người thường không hài lòng khi họ chọn không làm điều gì đó.
Bạn muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, vì cuộc sống hiện tại của bạn đầy bất ổn? Vậy hãy chọn cách sống khác. Bạn luôn có quyền lựa chọn, dù trong mọi tình huống khó khăn nhất.
Lúc nào thì chúng ta cảm thấy thất bại, đấy là lúc chúng ta không hành động. Bằng cách lựa chọn, chúng ta có thể vượt qua cảm giác bất lực và tự ti về bản thân