“Những người không có khả năng thúc đẩy bản thân lên phía trước sẽ buộc phải bằng lòng với sự tầm thường, bất kể họ có tài năng ấn tượng đến đâu ”
- Dale Carnegie, tác giả cuốn sách bán chạy How to Win Friends and Influence People (tạm dịch: Làm thế nào có được bạn bè và tạo sức ảnh hưởng đến mọi người)
CHÚNG TA MẮC KẸT TRONG VÙNG AN TOÀN CỦA CHÍNH MÌNH
Tất cả chúng ta đều sống trong vùng an toàn của riêng mình, trong một nơi trú ẩn “bảo kê” cho mọi hành vi và thói quen của chúng ta. Trong khu vực này, chúng ta xây dựng nên những bức tường thành cao ngất ngưởng và tiện lợi. Điều này có thể làm chúng ta dần trở nên thờ ơ, cuối cùng hình thành nên những thói quen độc hại - thứ có thể đánh gục bất kì ai. Có một điều là, hiếm có ai tìm cách thay đổi bản thân khi còn đang cảm thấy mình an toàn trong giới hạn này. Thay vào đó, chúng ta chấp nhận cuộc sống của mình như một điều đương nhiên. Bằng cách chấp nhận, bạn sẵn sàng nhận bất cứ thứ gì được trao cho mà không thắc mắc.
Trong hai phần đầu của cuốn sách này, tôi đã giới thiệu hai tư duy: tư duy dựa trên nỗi sợ và tư duy tập trung vào nguồn sức mạnh. Sự tầm thường là xuất phát từ trung tâm dựa trên nỗi sợ hãi của chúng ta, từ sự đoan chắc sai lầm của chúng ta về bản thân.
Sự tầm thường sẽ giết chết ước mơ và khiến chúng ta mắc kẹt. Chúng ta có thể cố gắng át đi nỗi đau của mình bằng những hoạt động vô nghĩa và một cuộc sống vật vờ trôi dạt.
Tất cả những chuyện này chính là cơ sở hình thành nên một lối sống sợ hãi. Chủ đề sống trong sự tầm thường vốn đã vượt ra ngoài phạm vi của cuốn sách này. Nhưng ít nhất, trong phần sau đây, tôi muốn góp chút công sức để giúp bạn nâng cao nhận thức về sức mạnh lẫn những ảo tưởng mà nó đang cố thể hiện.
Tầm thường không phải là một cuộc sống chúng ta mong muốn, bạn cũng thế đúng chứ? Bạn có muốn một cuộc sống sáng dậy đến nơi làm việc, chiều về nhà rồi cuối tháng nhận một khoản tiền lương? Sự tầm thường vẫn đang được coi là điều đương nhiêu, bởi ai ai cũng đang làm điều đó.
Henry David Thoreau, một nhà thơ - nhà triết học người Mĩ, đã từng nói rằng: “Hầu hết con người đều đang sống một cuộc đời tuyệt vọng, nhưng họ chỉ biết lặng im và đi xuống mồ cùng bài hát vẫn còn mãi ngân vang trong lòng.”
Tất cả chúng ta đều mong bản thân có thể cất lên bài ca của riêng mình, sống theo ước mơ, hoài bão bấy lâu nay và vượt lên những giới hạn với tiềm năng vô hạn bên trong. Đáng buồn thay, nhiều người lại không thể làm như vậy. Thay vào đó, họ chọn một cuộc sống gọi là ổn định, nhưng thật ra là không phải thế.
Chúng ta tin rằng sự tồn tại của bản thân là có một ý nghĩa nào đấy, nhưng mặt khác chúng ta cũng không hề tin vào giá trị của chính mình, để rồi quay đầu đi mà chưa thực sự nỗ lực vì nó. Vì vậy, làm sao chúng ta có thể sống một cuộc đời đích đáng được, nếu cứ mãi vươn tay nắm lấy cái trước mắt, thay vì đi theo những gì ta mong muốn. Cuối cùng, chúng ta cũng tin luôn cả nỗi sợ của mình và để mặc nó sinh sôi nảy nở thành những thói quen độc hại, hủy hoại cuộc đời mình.
Nói cách khác, bị dồn nén bởi nỗi sợ phải sống, nên chúng ta đã chọn sống một cuộc đời tầm thường thay vì cố nắm lấy một cuộc đời mình đủ khả năng vươn tới. Rốt cuộc đây cũng đâu phải là sống, nói chính xác ra là tồn tại. Rồi chúng ta héo dần héo mòn đi từng ngày mà chưa bao giờ cất lên tiếng hát của bài hát trong chính mình.
Khi bạn cho rằng đời mình chỉ đến thế thôi, mọi hành động, suy nghĩ, cảm xúc của bạn đều sẽ gắn liền với suy nghĩ đó. Một người sống dưới khả năng của bản thân không phải vì họ không có đủ khả năng, mà vì họ đã không còn niềm tin, hoặc cũng chẳng còn tin tưởng chính mình có thể sống một cuộc đời tuyệt vời hơn.
Khi bạn sắp xếp hợp lí các hành động của mình, và tìm ra sức mạnh của nỗi sợ, thay vì kìm hãm, chúng ta có thể cùng nỗi sợ hãi tiến bước, để ngày một tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta được sinh ra để khám phá và thách thức những khó khăn mà cuộc sống ném vào bản thân.
Một cuộc sống không có trở ngại cũng đâu còn gọi là sống nữa. Thực ra, thứ khiến chúng ta chậm chạp nào phải bản thân những thử thách đó. Mỗi người chỉ đứng im tại chỗ khi nghĩ rằng cả vũ trụ đang âm mưu chống lại mình, khi ta cho rằng đáng lẽ những trở ngại kia đừng có xuất hiện.
Cái cản trở ta không thể tiến lên phía trước không nằm ở nỗi sợ hãi trong chúng. Nó nằm ở những điều kiện cũ, lối sống, thói quen và cách bản thân xử lí nỗi sợ. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mắc kẹt trong những lời biện hộ cho rằng mình là nạn nhân của cuộc sống này, để rồi ngừng đấu tranh, ngừng cố gắng.
Bạn có thể luôn cảm thấy mệt mỏi, một công việc áp lực, một mối quan hệ ngột ngạt, những kì vọng nặng nề… Bạn mong mình sẽ làm được điều gì đó để giải thoát chính mình, nhưng bạn không hiểu sao mình vẫn mãi đứng im tại nơi đây.
Bạn muốn đứng vững, nhưng thay vào đó, bạn nhận ra mình đã gục ngã ở đâu đó. Bạn muốn tìm ra một lối thoát, nhưng tất cả những gì bạn nhìn thấy là một căn phòng với những cánh cửa đã khóa chặt, và chẳng còn lối thoát nào. Bạn muốn trở thành ai đó, nhưng rồi “ai đó” đã chỉ vào bạn và nói bạn không là ai cả, cuộc sống hiện tại là nơi bạn thuộc về.
Trung tâm dựa trên nỗi sợ của chúng ta sẽ tự phản ứng tùy thuộc và những thay đổi trong thói quen hoặc suy nghĩ. Sự tầm thường không phải tự nhiên sinh ra từ khi ta còn bé, chúng ta đã “nuôi dưỡng” nó từ những điều xung quanh ta. Khi chúng ta bị cho là tầm thường, ta cũng nghiễm nhiên mắc kẹt với tư duy tầm thường đó.
Chúng ta vô thức quyết định rằng mình tầm thường như thế, và bắt đầu xây dựng một cuộc sống chứng minh điều đó là đúng trên mọi phương diện. Chúng ta mô phỏng lại những gì bản thân đã nhìn thấy, nghe thấy, và nếu ta cố gắng trở nên khác biệt, ta sẽ bị hạ gục ngay lập tức.
Tầm thường không phải là bạn. Nó là một kết quả tất yếu được xây dựng nên từ một quá trình giáo dục yếu kém. Chúng ta sống mãi với ý nghĩ mình chẳng là ai cả, bởi mọi người xung quanh dạy ta như thế, những người đấy cũng bị cuốn vào cùng một hệ thống như ta. Đó không phải là lỗi của riêng ai cả. Chúng ta không thể đổ lỗi cho cha mẹ, giáo viên hay những người dẫn dắt mình. Bởi chính họ cũng từng phải gánh chịu những áp lực khi cuộc đấu tranh về sự tầm thường bùng nổ bên trong.
Một cố vấn của tôi đã gói gọi nó trong một cụm từ không thể chính xác hơn, ông ấy gọi nó là “khoa học về sự tầm thường”. Trong khoa học, chúng ta hiếm khi đặt câu hỏi thật giả về các công thức (hay thứ mà các nhà khoa học gọi là “định luật”). Ví dụ, một công thức, một phương trình khi đã được chứng minh thì không bao giờ sai, không có cái gì có thể thay đổi trạng thái của nó.
Khi nghĩ về những tiềm năng trong cuộc đời mình, liệu bạn có thể thẳng lưng nói rằng bản thân đã sống hết mình không? Bạn đã chạm tay tới những ước mơ trong đời chưa? Bạn có mong muốn làm một điều gì đó tuyệt vời trong suốt quãng thời gian thanh xuân hay không? Bạn đã bắt tay vào làm những việc để hiện thực hóa ước mơ đó không? Bạn có lắng nghe tiếng nói của lí trí? Và liệu bạn có thực tin vào những gì nó đang cố nói với bạn không?
Tôi đã nghe, chịu đựng những kẻ phản diện lắm lời, dài dòng suốt cuộc đời mình, chúng đầy rẫy những lời dối trá. Những giọng nói này có thể là từ quá khứ, hoặc chúng cũng có thể đến từ cái tôi tràn ngập sợ hãi nào đó. Nhưng, dù là đến từ đâu, bạn vẫn có thể làm chủ những điều mình nghe thấy. Cuối cùng, nghe hay không nghe cũng đều là do bạn quyết định. Bạn sẽ làm gì với những điều bạn tin tưởng? Bạn sẽ hành động để hiện thực hóa những gì mình đang nghĩ, và tin rằng nó xứng đáng chứ?
CHÚNG TA MẶC NHIÊN CHẤP NHẬN KHÔNG HỀ THẮC MẮC
Hãy chú ý đến ngôn ngữ bạn sử dụng khi đang giao tiếp với suy nghĩ của mình. Suy nghĩ tầm thường là một thói quen thường xuyên và củng cố cách sống “tàm tạm” của chúng ta. Khi bạn chấp nhận với cái bình bình đó, ý tôi là những hành động, suy nghĩ dưới mức khả năng mà bạn có (bởi vì bạn cho rằng mình chỉ có đến thế thôi), thì người khác cũng sẽ chẳng mong đợi gì ở bạn.
Tôi nhận ra, từ rất lâu rồi, tôi vẫn luôn nuôi dưỡng những suy nghĩ tầm thường. Tôi giao tiếp, sử dụng chúng, chấp nhận như một phần của mình. Nhưng đến khi tôi bắt đầu tin rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế, và lúc đó đúng là tôi làm được nhiều hơn thật. Tôi rất hài lòng với những gì mình có thể đạt được.
Khi bạn quyết định đẩy bản thân tiến lên, bước ra khỏi vòng tròn an toàn, trong bạn sẽ tự động kích hoạt một phản ứng cảm xúc được gọi là “động lực”. Xuôi theo dòng chảy của hiệu ứng quả cầu tuyết3, bạn bắt đầu đi nhanh hơn và làm được nhiều việc hơn sau mỗi lần tự thử thách. Cuối cùng, trước khi bạn kịp nhận ra, bạn đã bắt tay vào làm điều mình hằng mong ước.
3 Hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball effect): Khi một khối quyết lăn tròn từ trên cao xuống, tuyết sẽ bám theo, càng lăn nó càng to ra và lăn nhanh hơn. Hiệu ứng này cho thấy từ một hành động nào đó có thể gây ra những kết quả/ hậu quả khó lường, ngày càng lớn theo thời gian.
Cảm giác thỏa mãn trong sự tầm thường, hay cảm giác an dật, thường xuất hiện từ thời thơ ấu khi bạn lần đầu tiên học được cách sợ hãi từng thứ, từng thứ một. Bạn nghe những lời người khác bảo bạn “Hãy cẩn thận” hoặc “Đừng làm như vậy, con sẽ bị bỏng đó.”
Một cuộc sống, một suy nghĩ an dật không phải là thứ từ khi sinh ra bạn đã có. Sẽ phải mất một khoảng thời gian khá dài, trong nhiều năm, các thông điệp giới hạn từ người khác mới đủ khả năng thuấn nhuần vào tâm trí bạn. Từ đó, trong bạn hình thành nên những giới hạn, bạn biết đâu là thứ bạn sợ, và tự huyễn rằng con đường phát triển đã chạm ngưỡng ở một mức độ nào đó. Chúng ta đã dần đánh mất động lực thúc đẩy bản thân tiến lên.
Merriam-Webster nói rằng tầm thường là: “Chất lượng của một thứ không tốt lắm: chất lượng hoặc trạng thái tầm thường. Một người không có khả năng đặc biệt để làm tốt điều gì đó.”
Tóm lại, họ là những con người không quá đặc biệt, không nổi trội, không tài năng, năng lực bình thường, và được đánh giá là kém.
Bạn có định nghĩa bản thân theo cách này không? Nếu bạn trả lời “có”, điều đó thật là tốt. Đó chính là bước đầu tiên để bạn thay đổi bản thân.
Nếu bạn đánh giá thành công của mình dựa trên thước đo của các thạc sĩ, nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh, các biểu tượng nhạc rock, chính trị gia hay những người có tầm ảnh hưởng rộng lớn, thì phải nói rằng, 97% dân số thế giới là những con người tầm thường. Nếu đây là thật, vậy con số này đang cố nói với chúng ta điều gì? Bản chất chúng ta có phải là một loài tầm thường hay không?
Từ bao nhiêu thế hệ nay, chúng ta được nuôi dưỡng trong một cuộc sống tầm thường. Và bởi chính cái tầm thường đó, chúng ta đã tin rằng nếu bản thân không thể thể hiện bất kì khả năng màu nhiệm nào, nếu chúng ta không thực sự cống hiến cho điều gì, hay nếu chúng ta không phải là một phần của gia đình quyền thế, thì cuộc đời ta sẽ mãi luôn nghèo nàn và buồn tẻ. Đó là một hệ thống niềm tin, một ấn tượng đã được ghim sâu trong mỗi chúng ta bởi một hệ thống giáo dục được sinh ra để áp mỗi người vào khuôn khổ một công việc nào đó mà người ta không muốn.
Sự tầm thường đã có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, niềm tin sâu sắc của bạn. Qua nhiều năm, niềm tin này đã tạo điều kiện cho thói quen của bạn thích nghi với lối sống tầm thường, an dật. Cách một người hành động sẽ phản ánh cách người đó nhìn nhận như thế nào về bản thân. Đến cuối cùng, mức độ hạnh phúc, hài lòng và thành công của bạn trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào chuyện bạn tin vào ai, cái gì, và tại sao bạn trở thành con người hiện tại.
Bạn đã bao giờ tự hỏi chính mình xem tại sao bản thân lại làm một điều mà bản thân không thực sự muốn làm. Bạn thấy mình bị mắc kẹt mãi ở giữa chuyện thích hay không thích, và chỉ biết mơ hồ tự hỏi tại sao mình lại gặp phải chuyện này. Nếu bạn đủ tỉnh táo để truy lại khuôn mẫu của bản thân, bạn có thể nhận ra rằng bạn đang tuân theo một hệ thống niềm tin vốn đã được thiết lập trong tâm trí bạn từ nhiều năm về trước.
Bây giờ, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn:
• Nộp đơn xin vào công ty làm một công việc mà bạn luôn coi là không phù hợp với khả năng của mình?
• Yêu cầu ai đó làm một điều mà bạn chưa từng nhờ trước đây, vì bạn không nghĩ mình xứng đáng với sự hỗ trợ đó?
• Lần đầu tiên đi ăn ở một nhà hàng đắt tiền và không sợ người khác thắc mắc bạn đang làm gì ở đó?
• Vay tiền trả trước cho ngôi nhà bạn hằng mơ ước?
• Sống cuộc sống như một doanh nhân đi đây đi đó?
• Nói KHÔNG vào lần tiếp theo khi bạn được yêu cầu làm một điều gì đó mà bạn tin rằng nó thực sự không tốt đẹp?
• Quyết định rằng, 5 năm kể từ bây giờ, bạn đã có thu nhập gấp 7 lần?
Tầm thường là một dạng của nỗi sợ hãi và đây là dạng khó đánh giá nhất, vì không ai khác có thể quyết định thay bạn nếu bạn bị mắc kẹt trong một lối sống tầm thường. Chỉ có bạn mới có thể làm được điều đó. Chỉ có bạn mới đánh thức được “con rồng” bên trong mình, để đảm nhận vai trò người quyết định, tiến ra ngoài và tạo nên những điều diệu kì.
Suy nghĩ tầm thường, thích an dật mà bạn có chính là nền tảng duy trì mức độ sợ hãi trong bạn. Bởi thế nỗi sợ không bao giờ bị đánh bật ra khỏi tâm trí bạn. Khi bạn chống lại những niềm tin và thực sự bắt đầu đặt câu hỏi tại sao, bạn có biết rằng mình đang đi một nước quyết định không? Chắc chắn thời gian đầu bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là đau khổ, cứ như việc bạn đang làm là xấu xa và thật kinh khủng nếu bị người khác bắt gặp. Đó là bởi trung tâm dựa trên nỗi sợ của bạn đang phản ứng với những động lực thúc đẩy bạn tiến lên phía trước.
Khi bạn đã biết về những thứ đang bẫy mình, bạn sẽ dần nhận thức được một loạt phản ứng đang ghìm chân mình. Đây hoàn toàn là một chuyện tốt. Bởi đó chính là cách để bạn tỉnh táo bước vào trung tâm tập trung vào nguồn sức mạnh của mình, nơi bạn có thể giành lại quyền kiểm soát đời mình.
Một đêm nọ, tôi đã lên danh sách tất cả những cách mình có thể thách thức với hệ thống sự tầm thường
Và đây là danh sách tôi đã làm:
• Đặt mục tiêu lớn hơn bất cứ điều gì mình từng mơ là có thể làm được… và sau đó, lập một kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đó;
• Làm chủ, thành thạo một kĩ năng nào đó mà không ai khác có;
• Trở thành người không còn bị dằn vặt, đau khổ bởi những thất bại trong quá khứ;
• Không chấp nhận những thứ còn dang dở – thực tế là không để chuyện như vậy xảy ra;
• Có một kế hoạch sáng tạo, không còn đi theo lối mòn tư duy nữa;
• Ôm lấy nỗi sợ thất bại, và thất bại nhiều lần nhất có thể;
• Tự vấn về niềm tin của chính mình, và xem liệu chúng có đang nói sự thật về con người của bạn hay không;
• Đừng chơi trò chơi an toàn chỉ vì người khác thoải mái với nó;
• Thúc đẩy bản thân tiến xa hơn một chút mỗi ngày, tiếp tục vững bước đi về phía trước;
• Không ngừng học hỏi, rèn luyện chính mình; v.v.
Tôi mong các bạn sẽ tự thêm những ý kiến của bản thân vào bản danh sách này. Hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay để xóa bỏ ảo tưởng rằng bạn chỉ một con người bình thường không có gì đáng để hi vọng.
Tôi cho rằng chúng ta đều đáng trân trọng. Nhưng buồn thay, tất cả chúng ta đều đang bị mắc kẹt với suy nghĩ rằng mình thật thấp kém.
Sự tầm thường cũng có cái giới hạn của nó. Nhưng trí tưởng tượng thì không. Hãy thách thức những giới hạn đó, bởi nó cũng là một phần trong bạn. Bạn vốn không phải là con người tầm thường, nhưng từ hành động, suy nghĩ, cảm xúc của bạn ngay bây giờ lại chứng minh điều ngược lại.
Hãy đẩy lùi mọi suy nghĩ tầm thường đang mãi ghìm chân bạn ở những nấc thang đầu tiên.
Mỗi chúng ta đều có rất nhiều tiềm năng. Đừng chấp nhận bản thân chỉ ở mức đó. Hãy tin rằng bản thân hoàn toàn có thể chạm tay tới nhiều điều kì diệu hơn thế nữa.