V
ào một buổi sáng, khi Wes đang hướng dẫn một nhân viên kinh doanh giải quyết các vấn đề trong công việc thì Jim Barnes - sếp trực tiếp của ông đến và yêu cầu gặp ông trong chốc lát.
- Tôi đoán anh cũng đã rõ là thời gian vừa qua, doanh thu ở bộ phận anh phụ trách đã sụt giảm khá nhiều. Anh có thể trình bày cho tôi rõ nguyên nhân được không?
Wes hơi chựng lại, nhưng ông biết rõ chuyện này.
- Đó là do số khách hàng ở Minnesota - Wes trả lời - Trước đây, họ đặt hàng rất nhiều, nhưng đã giảm bớt từ ba tháng nay. Nhưng tôi nghĩ họ sẽ đặt nhiều trở lại. Và tôi cũng đã chuyển đổi nhân sự phụ trách. Tôi đang huấn luyện vài nhân viên mới, và cần thêm thời gian để họ nắm bắt được yêu cầu mới của công việc.
- Tôi không cần biết anh đã làm những gì - Jim gạt phăng đi - Nhưng kết quả đang rành rành ra đấy, anh không đạt được chỉ tiêu về doanh thu. Anh phải hối thúc nhân viên tăng năng suất đi chứ? Tôi nghĩ vấn đề ở đây là anh đang trở nên quá nhu nhược.
- Nhu nhược? - Wes ngạc nhiên hỏi lại.
Jim đưa tay vào túi và rút ra một mô hình cá voi nhỏ mà Wes đã tặng cho nhân viên - biểu tượng của phương pháp Khích lệ.
- Ví dụ cái này... - Barnes nói với vẻ miệt thị - Anh còn cho nhân viên của mình chơi đồ chơi nữa đấy!
- Đó là biểu tượng của sự động viên. Đây là phương pháp...
- Tôi cũng có nghe qua về kiểu quản lý mà anh đang sử dụng! - Jim cắt ngang thô bạo - Nào là Khích lệ, Chuyển hướng gì gì đó... Anh bày ra những điều đó để làm gì?
“Bực mình thật!”, Wes thầm nghĩ, nhưng ông vẫn giữ vẻ bình thản trả lời:
- Đừng lo, anh Jim. Đó là một cách quản lý mới. Nó đã được nghiên cứu kỹ rồi, và nó sẽ mang lại hiệu quả tốt thôi.
Jim đột ngột đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng tỏ vẻ bực bội:
- “Đã được nghiên cứu”? Nó được dùng để huấn luyện cá voi kia mà!
- Đúng vậy. Phương pháp này đơn giản nhưng rất thú vị, bởi nó có liên quan đến việc phản hồi tích cực thay vì tiêu cực đối với hiệu suất và thái độ làm việc của con người. Tôi cũng đã từng nhảy dựng lên khi bắt gặp nhân viên phạm lỗi và xem như chuyện bình thường khi họ làm tốt việc của họ. Nhưng giờ thì ngược lại, tôi cảm thấy gần gũi hơn với nhân viên của mình.
- Tôi thì lại nghe toàn chuyện buồn cười - Jim càu nhàu.
- Buồn cười là thế nào? Đừng để tôi phải đoán mò, Jim. Có ai đến nói gì với anh phải không?
- Tôi sẽ không nêu đích danh ai cả - Jim lắc đầu vẻ bực bội - Nhưng trong tuần rồi, có tới hai nhân viên nói rằng anh đang đánh mất vị thế lãnh đạo của mình.
- Thật là lố bịch, Jim. Chỉ vì tôi cố gắng loại bỏ dần áp lực công việc cho họ thôi.
- Vấn đề nằm ở chỗ đó - Jim phản công - Giờ không phải là lúc loại bỏ áp lực. Chính là lúc phải đưa áp lực trở lại. Nghe này Wes, tôi không quan tâm anh làm như thế nào, nhưng anh phải nâng doanh thu lên. Sáng nay, Bill Jaspers cũng đã rầy rà tôi về kết quả kinh doanh của cả bộ phận chúng ta. Ông ấy muốn thấy kết quả tốt hơn. Vì thế, anh làm gì thì làm, miễn sao tăng được doanh số. Vậy thôi.
- Được rồi, tôi hiểu.
- Còn điều này nữa, anh phải nhớ mình là người làm quản lý. Công việc của anh là tách những nhân viên xuất sắc ra khỏi những người trung bình, và tách người trung bình ra khỏi người kém để chúng ta có bộ máy làm việc tốt nhất!
Khi Wes rời khỏi văn phòng của Barnes và đi dọc hành lang, ông thấy Harvey Meehan và Gus Sulermo đang lách vào phòng Gus. Giờ thì ông đã khá chắc ai là “hai người” đã đến ton hót với sếp lớn sau lưng ông.
Cuối buổi chiều hôm đó, khi biết Harvey và Gus đang ngồi trong phòng giải lao, Wes đến gặp họ.
- Hai anh có rảnh không? Tôi không biết các anh có thể giúp được tôi không? Tôi xem hai anh như người có ảnh hưởng rất lớn với nhóm của chúng ta. Doanh số đang giảm sút, và chúng ta có thể phục hồi doanh số nếu không có những mối bất hòa với nhau.
- Bắt lỗi nhé! - Harvey kêu lên một cách mỉa mai.
Bỏ qua câu nói khiêu khích, Wes tiếp tục:
- Tôi muốn đưa ra một giao kèo. Trong vòng sáu tháng tới, tôi cần hai anh hợp tác trong công việc và đừng tìm cách phá hoại phương pháp quản lý mới của tôi. Nếu kết quả công việc và quan hệ của chúng ta không khả quan hơn sau thời gian đó, tôi đồng ý từ bỏ cương vị quản lý của mình. Các anh nghĩ sao?
Harvey nhìn sang bạn mình với ánh mắt ngờ vực, rồi miễn cưỡng gật đầu đồng ý. Có cảm giác là hai người họ đang bắt đầu đồng cảm với ông về những trục trặc trong công việc kinh doanh chung, vì thế Wes hồ hởi nói tiếp:
- Cám ơn các anh. Tôi biết các anh chẳng thích thú gì khi nói “đồng ý” với tôi. Nhưng các anh đã tán thành vì công việc chung. Điều đó khiến tôi rất quý các anh.
Wes bước đi, biết là hai gã tòng phạm mưu mô đó đang cứng cả người. Nhưng khi về đến văn phòng, ông lại băn khoăn: Liệu phương pháp mà Dave Yardley dùng cho các chú cá voi sát thủ có thật sự hiệu quả trong môi trường kinh doanh không?
Tối hôm đó, Joy kể cho Wes nghe về những tiến bộ mà mấy mẹ con đã đạt được ở nhà. Bà rất mừng vì tìm thấy nhiều cơ hội để khen ngợi sự tiến bộ của các cô con gái trong việc thực hiện mục tiêu gia đình đề ra.
- Anh có nghĩ phương pháp động viên tích cực Khích lệ đang trở nên quen thuộc, dễ dàng hơn không? - Joy hỏi chồng.
- Anh chắc chắn là nó dễ dàng hơn... - Nhưng rồi ông nói thêm - Mà chỉ dễ hơn với em thôi.
- Sao vậy anh? Anh gặp khó khăn gì sao?
Wes thở dài:
- Anh đồng ý là phương pháp này hiệu quả ở gia đình mình, nhưng ở công ty thì không giống vậy. Sáng nay, anh có cuộc nói chuyện thật khó chịu với Jim Barnes. Ông ấy cho rằng nhóm anh phụ trách đang giảm sút doanh số chỉ vì đầu óc anh đang bị những chú cá voi ám ảnh. Ông ấy cho là anh quá nhu nhược và muốn anh phải tạo áp lực trở lại cho nhân viên của mình.
- Thật thế hả anh?
- Anh chưa chứng minh được phương pháp mình áp dụng có hiệu quả hay không. Chuyện này làm cho mọi người lo sợ bị mất việc. Thật tình, cái cách mà Jim nhìn anh sáng nay đã làm anh nghĩ rằng có lẽ mình sẽ là người đầu tiên phải ra đi.
Sáng hôm sau, Wes gọi cho Anne Marie Butler. Khi Anne hỏi mọi chuyện ra sao, ông nói với giọng buồn bã:
- Bà muốn nghe điều gì trước, tin tốt hay tin xấu?
- Ông biết tôi mà, hãy nghe tin tốt lành trước đã.
- Được rồi, bắt đầu từ sự cải thiện đáng kể trong mối quan hệ của vợ chồng tôi. Tôi rất mừng là dường như phát hiện việc tốt của người khác đã trở thành thói quen của chúng tôi. Nó luôn là những sự ngạc nhiên nho nhỏ - đặc biệt là khi một trong chúng tôi cất lời khen ngợi người kia trước mặt bọn trẻ.
- Cụ thể như thế nào?
- Vào một bữa tối nọ, Joy bảo với tôi rằng: “Anh yêu, cám ơn anh đã gọi điện báo cho em biết anh về trễ một chút. Em đã chuẩn bị bữa tối chậm hơn để mọi người có thể chờ anh và cả nhà ăn tối cùng nhau. Em thích như vậy hơn”. Allie liền chen vào: “Mẹ ơi, mẹ chưa bao giờ khen ngợi bố như vậy cả”. Joy đáp: “Con đúng đấy. Nhưng con có nghĩ mẹ khen bố bởi vì bố trở nên tốt hơn không nào?”. Bà biết Allie trả lời thế nào không? Con bé nói với mẹ nó: “Không phải đâu. Bố tốt hơn chỉ vì mẹ biết khích lệ bố thôi”.
- Có vẻ như hai vợ chồng ông đã trở thành một đôi ăn ý trong việc áp dụng phương pháp động viên tích cực - Anne Marie nhận xét - Và còn gì nữa nào?
- Tôi cũng ngạc nhiên vì quan hệ giữa tôi với con bé Allie cũng có cải thiện. Con bé có vẻ càng ngày càng muốn gần gũi tôi nhiều hơn.
- Dĩ nhiên rồi - Anne Marie trả lời - Ông có nghĩ tại sao con bé đã thay đổi không?
- Bởi vì Joy và tôi đã áp dụng phương pháp động viên tích cực kiểu Khích lệ cho con bé trong thời gian gần đây. Và cả hai con gái của tôi đều xứng đáng được thế!
- Tôi nghĩ là còn có một lý do quan trọng hơn để Allie thay đổi thái độ. - Anne Marie đáp lại.
- Lý do gì vậy? - Wes thắc mắc.
- Đó là việc ông đã trở thành một người cha đáng yêu trong mắt các con. Wes ạ, theo những gì ông kể thì tôi thấy ông đã khác hẳn lần tôi gặp trước đây.
- Thôi, cám ơn nhé, tôi không muốn mũi mình nở quá to đâu đấy!
- Nếu ông luôn chú tâm vào những điều tích cực của người khác thì một lời tự khen nho nhỏ có hại gì đâu - Anne Marie nói tiếp - Tôi đã gặp nhiều người quản lý rất nghiêm khắc với người khác bởi vì họ cũng nghiêm khắc với chính bản thân họ. Những người này luôn cho rằng họ cần phải hoàn thiện bản thân bởi trong thâm tâm họ biết mình vẫn chưa tốt như mong muốn. Nếu chúng ta cũng biết phát hiện ra những việc tốt mình làm được, mọi chuyện trong cuộc sống chúng ta cũng sẽ được cải thiện - đặc biệt là những mối quan hệ giữa con người với nhau. Bởi vì chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy vui khi được ở bên cạnh một người biết quý trọng mối quan hệ.
- Có phải đó là bí quyết của bà không? - Wes hỏi lại.
- Có lẽ thế. Như cha tôi từng dạy tôi rằng...
Tại sao chúng ta không cười lên để cuộc sống luôn vui vẻ?
- Bây giờ là tin xấu đây, Anne Marie.
Nói rồi, Wes kể cho Anne Marie nghe về cuộc trò chuyện với sếp của ông vào ngày hôm trước, kể cả lời cảnh cáo của Barnes về hiệu suất công việc và việc cần thiết phải đánh giá nhân viên của ông theo biểu đồ doanh số. Wes cũng kể về chuyện chạm trán với Harvey và Gus.
- Hãy nói về hai anh chàng mưu mẹo đó trước đã - Anne Marie nói - Lời khuyên của tôi là ông hãy cứ giữ vững quan điểm của mình! Tôi đã rút ra được một điều rằng những kẻ bảo thủ, chống đối và không thích thay đổi chẳng qua là vì họ e dè trong giai đoạn đầu. Nhưng một khi họ chấp nhận, thì họ sẽ ủng hộ ông thôi. Hãy tin vào những cộng sự xung quanh. Phương pháp động viên tích cực Khích lệ chắc chắn sẽ thành công thôi.
- Cám ơn bà, tôi cũng hy vọng như vậy.
- Giờ thì chúng ta hãy nói về hệ thống đánh giá hiệu quả làm việc ở công ty của ông đi. Khá rắc rối đấy. Bởi vì nó buộc nhân viên quản lý như ông phải phân loại nhân viên thành nhóm giỏi, trung bình và yếu kém. Tình huống khó khăn nhất là khi mọi nhân viên đều xuất sắc. Giờ thì phải xếp ai vào nhóm trung bình hay yếu kém? Chính cái kiểu đánh giá này làm cho mọi người đấu đá với nhau và quên đi tinh thần hợp tác của nhóm. Tôi đã hỏi một vài nhà quản lý cao cấp rằng: “Ai trong số các vị, trong thời điểm đánh giá, dám nói rằng, hãy tuyển dụng một vài ứng viên yếu kém bên ngoài để điền vào khung đánh giá nhân viên yếu kém?”. Họ đều cười mà không biết trả lời ra sao. Ông biết đấy, chúng ta chỉ tuyển dụng những người có năng lực hoặc có tiềm năng - những người sẽ làm việc tốt nếu được đào tạo thêm và được động viên, khuyến khích. Nói cách khác đi là...
Nếu chúng ta chỉ tuyển người có năng lực thì tại sao lại đánh giá họ thấp sau khi họ đã làm việc với ta
- Theo bà thì tôi nên làm gì bây giờ?
- Sếp của ông đang gây áp lực để tăng doanh số. Sao ông không chia sẻ điều này với nhân viên của mình, rằng ông sẽ không áp dụng hệ thống đánh giá cũ. Hãy nói cho họ biết rằng phương pháp động viên tích cực Khích lệ sẽ tạo cho mọi người có cơ hội chiến thắng như nhau. Điều này sẽ động viên mọi người cạnh tranh, thi đua với chính bản thân họ - cải thiện năng lực của bản thân để hoàn thành mục tiêu của từng người - chứ không phải đấu đá lẫn nhau. Hãy cho họ thấy rằng cơ hội chiến thắng của người này không hề đồng nghĩa với chuyện thua thiệt của người khác.
- Làm cách nào mà tôi hứa hẹn như thế được chứ? - Wes lo lắng - Barnes và các sếp cấp trên sẽ không cho phép tôi làm thế!
- Tôi hiểu ông sẽ bị cô lập, nhưng nếu ông có niềm tin vào bản thân và thực sự mong muốn điều đó, doanh số của nhóm ông chắc chắn sẽ tăng, và điều đó sẽ nói lên tất cả. Đó cũng là những gì Barnes và các vị lãnh đạo thật sự quan tâm. Rồi khi đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên mình, ông sẽ không thấy người nào yếu kém đâu. Trừ phi ông xếp việc không phù hợp với năng lực của họ. Thật ra thì nếu có ai đó không thể làm việc theo đúng yêu cầu, cho dù họ đã được đào tạo và khuyến khích thì cũng không nhất thiết phải bị kỷ luật. Họ cần được chuyển sang một vị trí nào đó phù hợp hơn để phát huy khả năng của mình.
- Được rồi, tôi sẽ làm như vậy. Cám ơn bà. Cuộc sống thật sự đã trở thành một cuộc phiêu lưu kể từ lúc tôi gặp được Dave, Shamu và bà.
Wes gác điện thoại rồi ngồi yên lặng suy ngẫm về những điều Anne nói. Cho dù ông rất biết ơn sự giúp đỡ và cả nguồn động viên lớn lao từ người bạn này, ông vẫn cảm thấy mình lạc lõng quá. Trong đầu ông cứ vang lên hàng loạt câu hỏi. Không biết mình có nên tiếp tục áp dụng phương pháp động viên tích cực trong nhóm không? Liệu nó có nguy hiểm cho tương lai sự nghiệp của mình không? Liệu mình có thể thuyết phục được sếp thay đổi hệ thống đánh giá không, ngay cả khi tất cả nhân viên của mình đều làm việc tốt?
Đêm đó Wes không thể ngủ được. Ông cảm nhận rất rõ rằng, dường như tinh thần ông đang bị một tấm màn nặng nề che phủ mà ông chưa có cách nào thoát ra được. Rạng sáng, ông đã thay quần áo và lái xe đến công ty. Đi ngang qua phòng họp, Wes dừng lại một lát. Tại đây, ông đã giới thiệu cho nhóm của mình về phương pháp động viên Khích lệ và giải thích về cách ông dự định áp dụng nó như thế nào. Ông lắc đầu tự hỏi: “Có phải chuyện này ngay từ ban đầu đã là một sai lầm hay không?”.
Vừa lúc đó, ông nghe có tiếng chìa khóa mở cửa ngoài. Ai đó cũng đến làm việc sớm. Đó là Merideth, và khi nhìn thấy ông, cô nói:
- Chào sếp, chúc ông một buổi sáng tốt lành! - Rồi dường như nhận ra nét mặt thảm hại của Wes, cô hỏi - Có chuyện gì đang xảy ra với ông sao?
- Mọi chuyện đều tốt cả - Wes đáp hờ hững. Làm sao ông có thể nói cho cô biết rằng ông đến sớm chỉ vì không thể ngủ được và vì ông không biết phải bắt đầu ngày làm việc mới như thế nào đây, tiếp tục dấn bước theo phương pháp mới hay là suy nghĩ về lá đơn xin từ chức?
- Tôi nghĩ, - Merideth nói - Chuyện gì cũng có những khó khăn riêng của nó, nhưng điều đó không có nghĩa là không có cách giải quyết. Nếu ông đang định bỏ dở việc áp dụng phương pháp động viên tích cực thì không được đâu đấy nhé. Những lời khích lệ và động viên của ông là những điểm sáng duy nhất ở văn phòng này. Tôi biết mình ăn nói không được hay lắm, nhưng tôi thật sự muốn thế.
Nói rồi, cô quay lưng bước dọc hành lang với dáng vẻ nhanh nhẹn để bắt đầu một ngày làm việc.
Bỗng nhiên, Wes như được tiếp thêm sức mạnh. Sự động viên của Anne Marie cộng thêm lời khen của Merideth đã làm ông tự tin hơn, và một lần nữa, ông thấy rằng phương pháp động viên tích cực phải được tiếp tục. Chấm dứt ý định buông xuôi, ông tự nhủ mình phải giữ vững quyết tâm ban đầu.
- Nào, chúng ta bắt đầu nhé! - Wes mở đầu buổi họp hàng tháng về kinh doanh. Ông đưa tay chỉ vào một thanh niên trẻ ngồi phía bên phải mình, ông giới thiệu - Tôi muốn mọi người làm quen với cậu Howard LaRosse, người sẽ chịu trách nhiệm về mạng lưới bán hàng qua điện thoại. Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của Howard. Anh chưa bao giờ tham dự những buổi họp định hướng của chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên để Howard tham dự buổi họp ngày hôm nay.
Khi tiếng vỗ tay ngưng lại, nét mặt cảm động của Howard cho thấy cậu ta không ngờ mình lại được mọi người chào đón nồng nhiệt như vậy. Wes nói tiếp:
- Như thường lệ, chúng ta bắt đầu cuộc họp bằng việc báo cáo việc thực hiện kế hoạch tháng qua. Ai muốn phát biểu trước nào?
- Tôi xin có ý kiến - Marsha, một thanh niên cao ráo, tóc hung lên tiếng - Doanh số tháng này của tôi là 20 triệu đô la. Tôi đã đạt được 92% chỉ tiêu.
Những tiếng vỗ tay chân thành chúc mừng thành tích của Marsha. Tiếp theo là Lyle, anh này khá hơn, đã vượt 10% chỉ tiêu của mình. Roberto thì đạt được 72%. Sau khi từng người thông báo kết quả, từng tràng vỗ tay lại vang lên chúc mừng.
Tiếp theo, Wes hỏi có ai còn câu hỏi hay ý kiến gì nữa không.
Anh chàng Howard giơ tay:
- Tôi chỉ là một nhân viên mới thôi, nhưng tôi thấy cần hiểu rõ về cách thức họp ở đây. Ở những công ty khác tôi từng làm việc, người ta chỉ chúc mừng những người đã đạt hay vượt chỉ tiêu thôi. Còn các anh chị có vẻ như muốn chúc mừng mọi mức doanh số đạt được. Tôi cho rằng nếu mọi người đều bày tỏ sự hài lòng như vậy thì e là tinh thần cầu tiến của từng cá nhân sẽ không có cơ hội được phát huy.
Wes lên tiếng:
- Ai muốn giải đáp cho thắc mắc của Howard nào?
Một vài cánh tay đưa lên, và Wes gật đầu nhìn Pete, một trong những nhân viên kinh doanh kỳ cựu.
- Trước đây, tình hình ở văn phòng này cũng giống những gì cậu mô tả - Pete trình bày - Cho đến thời gian gần đây thôi, chúng tôi áp dụng phương pháp động viên tích cực Khích lệ. Phương pháp này giúp mọi chuyện đi đúng hướng. Bởi vì chúng tôi tập trung vào những khía cạnh tích cực mà không bỏ quên một ai, thậm chí cả những khó khăn mà họ đang gặp phải. Rồi cậu sẽ thấy, ở phần kế tiếp của buổi họp, chúng ta sẽ cùng suy nghĩ tìm ý tưởng để giúp từng người tiến bộ. Mỗi người đều có thể đóng góp ý kiến cho cả nhóm.
- Tôi hiểu rồi! - Howard hào hứng trả lời - Theo cách này, chúng ta sẽ có được một môi trường làm việc lành mạnh, không có cảnh đấu đá, cạnh tranh nhau giữa các nhóm!
- Đúng vậy - Pete mỉm cười hài lòng - Phương pháp động viên tích cực Khích lệ giúp mỗi người chúng ta cạnh tranh với chính bản thân mình, chứ không phải tìm cách loại trừ người khác.
Trong những tháng tiếp theo, phương pháp quản lý mới của Wes đã bắt đầu lan tỏa ra các phòng ban khác trong công ty, và Wes đôi khi phải đóng vai trò tư vấn về cách áp dụng. Merideth và vài nhân viên khác đã chuẩn bị cả tài liệu hướng dẫn dựa trên những mẩu chuyện thành công của phương pháp động viên tích cực Khích lệ để phục vụ nhu cầu bất kỳ người nào muốn học hỏi. Dần dần, những thay đổi tích cực trong ứng xử đã tạo ra bước ngoặt về kinh doanh ở đây: Doanh số của mọi người đều bắt đầu gia tăng. Đối với Wes, dấu hiệu thật sự của thay đổi này là cái ngày mà Harvey và Gus tìm đến văn phòng ông khi ông đang chuẩn bị cho buổi họp với Jim Barnes. Ông đang xem xét, đánh giá các số liệu và vui mừng nhận thấy doanh thu đang tăng lên rõ rệt thì có tiếng gõ cửa. Wes ngẩng đầu nhìn lên thấy Harvey và Gus đang chờ ở cửa.
- Chúng tôi có thể gặp anh vài phút được chứ? - Harvey hỏi.
- Dĩ nhiên rồi. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện với các anh mà - Wes gật đầu mời hai nhân viên của mình vào phòng.
Harvey mở lời:
- Chúng tôi biết là anh đã cố gắng rất nhiều trong thời gian qua để xoay chuyển tình thế, ra sức hỗ trợ mọi người, còn chúng tôi lại đi cản đường. Chúng tôi chỉ đến để nói là chúng tôi sẽ không chống lại anh nữa.
- Thật là một tin vui với tôi - Wes mỉm cười cởi mở - Tôi cũng có tin vui khác để chia sẻ với hai anh. Doanh số của chúng ta đang gia tăng. Rất nhiều người, trong đó có cả hai anh, đã làm việc rất xuất sắc. Tôi sắp đi họp với Jim Barnes đây, để cho ông ấy xem các báo cáo của chúng ta. Và tôi cũng sẽ kể cho ông ta nghe về tầm quan trọng của việc tập trung vào những khía cạnh tích cực đã ảnh hưởng đến bộ phận của chúng ta ra sao. Không có ai thua cuộc ở đây cả, và tôi vẫn kiên trì, nhất quyết phản đối việc áp dụng cái hệ thống phân loại giỏi, trung bình và yếu kém đó cho nhân viên.
- Vâng. Vì thế mà chúng tôi cũng muốn giúp anh - Gus thêm vào.
Phản ứng nhiệt tình của Harvey và Gus đã gợi nên một ý tưởng mới cho Wes:
- Sao chúng ta không cùng đi gặp Jim nhỉ? Chắc chắn Jim Barnes sẽ bị thuyết phục vì kết quả công việc và thái độ hợp tác của chúng ta!
Và đúng như vậy. Barnes không thể chối cãi được hiệu suất làm việc ở bộ phận của Wes, cũng như sự ủng hộ của Harvey và Gus. Buổi họp chấm dứt với lời hứa của Barnes là sẽ trình cho cấp trên ý kiến về phương pháp đánh giá hiệu suất công việc đang được Wes sử dụng. Wes nhớ mãi nụ cười trên gương mặt sếp mình khi Barnes nói với ông: “Giỏi lắm, Wes! Anh thật đáng khen!”.
Nhiều tháng qua đi và phương pháp động viên tích cực Khích lệ càng trở nên quen thuộc ở gia đình Kingsley. Ngoài việc cải thiện được quan hệ trong gia đình, Wes và Joy bắt đầu nhận thấy nhiều lợi ích khác mà phương pháp này mang lại. Bạn bè của Meg và Allie đến nhà chơi thường xuyên hơn và các cô, cậu bé ấy cũng bị thu hút bởi không khí, cách thức đối xử trong gia đình Wes. Vào dịp cuối tuần, Joy được bọn trẻ yêu cầu đệm đàn cho chúng hát. Chị vốn là một người yêu nhạc và chơi piano khá tốt. Đôi lúc, nhà cửa cũng bề bộn sau những lần Allie và Meg tụ họp bạn bè, nhưng sau đó, bọn trẻ đã tự giác chia nhau dọn dẹp ngăn nắp đâu vào đấy.
Wes và Joy cũng mừng là nhờ đó, họ đã có thể hiểu rõ việc kết bạn của con cái mình cũng như có mối quan hệ tốt đẹp với các bậc phụ huynh của lũ trẻ hàng xóm. Bạn của Allie đều nhận thấy Wes và Joy luôn lắng nghe chúng. Một vài đứa còn thổ lộ tâm sự với vợ chồng Wes và xin lời khuyên về những việc mà chúng không kể với cha mẹ chúng. Ngôi nhà của Wes thật sự là một nơi tiếp đón bạn bè của họ cũng như bạn bè của hai cô con gái.
Mỗi khi Joy và Wes nói chuyện với nhau về những chuyển biến tích cực trong cuộc sống, họ thường đùa:
- Không biết người khác sẽ nghĩ gì nếu biết rằng mọi chuyện tốt đẹp như thế này đều là nhờ vào những chú cá voi?