N
gay khi về đến nhà, không để mất thời gian, Wes và Joy khéo léo tổ chức một cuộc họp gia đình. Hai người cùng thống nhất rằng nên thay đổi cách dạy con càng sớm càng tốt. Joy nấu một bữa cơm thật ngon gồm những món ưa thích của Meg và Allie cho bữa tối hôm đó. Khi cả gia đình cùng ngồi ở phòng khách ăn món tráng miệng, Wes lên tiếng:
- Bố mẹ rất vui vì các con đã cùng đi tham quan Thế giới Đại dương và cùng với bố mẹ học bài học từ những chú cá voi. Bố mẹ cũng đã biết cuộc trò chuyện giữa các con và cô Pam. Nào, bây giờ thử nói cho bố mẹ biết, trong tất cả những gì hai đứa học được, có điểm nào đặc biệt không?
Meg trả lời thật thông minh:
- Con thích một ý là chỉ tập trung vào những điều tốt mà cá voi làm được, chứ không phải để ý đến những hành vi không đúng của chúng.
- Nếu ta tập trung vào những hành vi ta mong muốn, ta sẽ nhận được nhiều hơn nữa loại hành vi đó. - Allie tiếp lời.
- Hoàn toàn chính xác - Wes nhận xét - Các con có nghĩ mình nên áp dụng phương pháp động viên Khích lệ ở nhà mình không? Bố mẹ cũng cảm thấy có lỗi về cách mà bố mẹ đối xử với các con trước đây. Bố mẹ đã tập trung quá nhiều đến những sai phạm của các con mà chẳng để ý đến những gì các con đã làm đúng theo lời bố mẹ.
- Chúng con cũng thấy thế - Allie nghiêm trang đáp.
- Được rồi, cả bố và mẹ đều có lỗi - Joy nhìn nhận - Bố mẹ muốn làm tốt hơn, nhưng để thay đổi hoàn toàn, trước tiên, cả nhà mình cần thỏa thuận một số điều mà mỗi người cần làm. Sau này, chúng ta sẽ áp dụng phương pháp Khích lệ mỗi khi chúng ta thực hiện đúng điều đã thỏa thuận.
- Con hứa sẽ dọn phòng mình ngăn nắp - Meg lên tiếng - Con không muốn bị mắng nữa đâu.
- Con cũng vậy nữa - Allie nói thêm vào - Và con sẽ lau chùi nhà bếp sạch sẽ sau khi rủ bạn bè đến ăn uống.
- Hay lắm! - Joy vui mừng - Bố mẹ sẽ áp dụng phương pháp Khích lệ mỗi khi các con có những biểu hiện tiến bộ.
- Vậy chúng ta hãy bàn về phần thưởng đi! - Meg láu lỉnh đề nghị.
- Đúng vậy! - Joy hưởng ứng - Tại sao mình không thống nhất là người nào đã phụ nấu ăn và dọn bàn thì không phải rửa chén sau bữa ăn?
- Có phải mẹ muốn nói là Meg và con thỉnh thoảng cũng có thể nấu bữa tối cho cả nhà? - Allie hỏi lại.
- Chắc chắn rồi. Và khi đó, bố mẹ sẽ lo phần dọn rửa.
- Một điều này nữa - Joy nói - Mẹ rất ngán những buổi sáng thứ Bảy ở nhà. Nhà mình bề bộn phát khiếp sau một tuần. Trước giờ chỉ có mỗi mình mẹ phải làm hết, mẹ cần mọi người giúp một tay.
- Sao mình không làm giống như trong chuyện Nàng Bạch Tuyết nhỉ? - Meg nhanh nhẹn góp ý - Tất cả chúng ta đều dành ra một giờ mỗi sáng thứ Bảy để đóng giả những chú lùn!
So sánh hài hước của Meg làm cả nhà cười vang.
- Mình có thể huýt sáo khi dọn dẹp không? - Allie đề nghị.
- Có vẻ con thích làm chú lùn Vui Vẻ, đúng không?
Allie bật cười và nói:
- Vâng, đúng đấy mẹ ạ. Nhưng liệu có cơ hội nào để cô bé Lọ Lem hiện ra giúp mình dọn nhà không nhỉ?
- Bố nghĩ là không có đâu - Wes đáp ngay - Nhưng bố sẽ đưa cả nhà đi siêu thị hay đi chơi đâu đó vào mỗi tối Chủ nhật.
- Hoan hô bố! - Cả hai cô bé cùng reo lên.
Cuộc họp gia đình kết thúc hết sức vui vẻ. Hai cô bé ngồi vào bàn làm bài tập mà không cần bố mẹ nhắc nhở.
- Anh biết không - Joy lên tiếng trong khi dựa lưng thoải mái vào thành ghế - Em bắt đầu cảm thấy thích thú với phương pháp động viên Khích lệ rồi đấy!
- Có lẽ chúng ta cũng cần áp dụng phương pháp động viên Khích lệ cho quan hệ của vợ chồng mình - Wes gợi ý.
- Em đồng ý - Joy đáp - Sau hôm gặp Dave, em đã hiểu ra rằng mình hay dùng phương pháp tiêu cực Bắt lỗi trong cách đối xử với anh.
Wes mỉm cười:
- Anh cũng vậy mà! Có lẽ anh chưa tập trung vào những điểm tích cực của em.
- Sao anh không gọi điện cho bà Anne Marie Butler thử xem? - Joy gợi ý - Anh đã kể rất nhiều về những gì học hỏi được từ bà ấy, cho nên em rất muốn được gặp bà Anne, qua điện thoại cũng được. Có thể bà ấy sẽ giúp chúng ta cải thiện mối quan hệ của mình.
Wes đồng ý ngay. Ông gọi cho Anne và mở chế độ loa ở điện thoại để Joy có thể cùng nghe.
- Chào Wes! - Giọng nói vui tươi của Anne Marie vang lên - Ông có chuyện gì mới muốn kể cho tôi nghe phải không?
- Tôi muốn giới thiệu với bà người bạn tốt nhất của tôi - Wes hóm hỉnh trả lời - Là Joy, vợ tôi.
- Chào Joy. Rất vui được nói chuyện với bà.
- Chào bà Anne Marie - Joy vui vẻ đáp lời - Wes và tôi vừa thảo luận về những mục tiêu để có được mối quan hệ vợ chồng tích cực theo kiểu Khích lệ, và chúng tôi nghĩ bà có thể giúp thêm ý kiến. Chúng tôi phải thừa nhận rằng trong thời gian gần đây, chúng tôi đã rơi vào tình huống Bắt lỗi khá trầm trọng.
- Ồ, chuyện này có thể xảy ra trong bất cứ mối quan hệ nào - Anne Marie giải thích - Để tôi kể cho ông bà nghe về một chuyện vừa xảy ra khi vợ chồng tôi ăn tối ở một nhà hàng Pháp. Chúng tôi để ý đến hai cặp khác ngồi ở những bàn gần bên. Một cặp rõ ràng là đang yêu nhau thắm thiết. Khi một người nói thì ông bà thử nghĩ xem, người kia sẽ làm gì nào? Lắng nghe, mỉm cười, vỗ nhẹ lên tay người đang nói. Hoàn toàn tập trung vào đối tượng của mình. Chắc họ ngồi ăn ở đó đến hai tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng tôi nghĩ họ sẽ chẳng than phiền gì đâu nếu nhà hàng quên mang thức ăn lên. Còn cặp kia thì ngược lại, họ có vẻ buồn chán, bực bội và cau có. Họ chẳng thèm nhìn đến nhau. Có vẻ như họ cho rằng phải ngồi ăn cùng nhau là bởi vì không tìm được ai khác vậy. Tôi nói với chồng tôi: “Cuộc hôn nhân đó đã tàn úa rồi nhưng chẳng ai bận tâm gieo mầm mới cả”.
- Chúng tôi cũng biết vài đôi vợ chồng trong tình trạng ấy đấy - Wes đồng tình.
- Làm sao lại đến nông nỗi chẳng còn gì để nói với nhau? - Anne Marie nói, giọng thất vọng - Lẽ ra trong quan hệ hôn nhân, chúng ta phải thường xuyên chú ý đến những gì tốt đẹp mà người kia thực hiện được chứ? Ông bà có bao giờ suy nghĩ tại sao người ta nói “Khi yêu củ ấu cũng tròn” không?
- Nó ngụ ý rằng... - Wes giải thích - Khi chúng ta bắt đầu yêu thương một ai, chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những điều tích cực, tốt đẹp ở người đó mà thôi.
- Đúng như vậy đấy - Anne Marie tán đồng - Khi yêu, chúng ta chỉ thấy toàn những điểm đáng yêu mà chẳng để ý gì đến những khía cạnh tiêu cực của đối tượng. Nhưng đến khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, chúng ta mới thấy rõ những điểm mà đối tượng đã cố gắng “xấu che, tốt khoe” trong thời gian tìm hiểu. Lúc ấy, chính những điểm yếu của đối tượng lại thu hút sự quan tâm của chúng ta nhiều nhất. Ngay cả khi vợ hoặc chồng mình có cố gắng thay đổi, chúng ta cũng không để ý hay thừa nhận những tiến bộ đó. Chúng ta bắt đầu la hét cãi cọ nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Phát súng cuối cùng kết thúc một quan hệ yêu đương là khi chúng ta làm đúng nhưng vẫn bị la hét, chỉ vì chúng ta làm đúng nhưng chưa đủ! Những câu nói thường gặp là: “Em phải hỏi ý kiến anh trước chứ!” hay “Lẽ ra anh phải làm chuyện này từ hôm trước mới phải!”
- Vâng! Những tình huống như thế khá phổ biến trong đời sống - Joy nhận xét.
- Đúng thế! - Anne Marie tiếp tục - Mọi người thường hỏi tôi có làm tư vấn hôn nhân không. Tôi trả lời: “Không, nhưng tôi sẽ hỏi một câu. Đó cũng là câu hỏi mà anh chị nên tự hỏi chính mình, không chỉ về quan hệ vợ chồng, mà còn là quan hệ với con cái của mình, với cấp trên, với nhân viên, đồng nghiệp và bạn bè. Câu hỏi là: “Anh chị có muốn cải thiện mối quan hệ của mình không?” - Bà ngừng lại một lát - Còn ông bà thì sao?
- Dĩ nhiên là chúng tôi cũng muốn cố gắng thử xem sao - Wes trả lời.
- “Cố gắng thử là một cách nói khỏa lấp để rồi thường là không làm gì cả! - Anne Marie phản ứng - Nếu một trong hai người, hoặc cả hai người đều có thái độ nước đôi theo kiểu “cố gắng thử” thì không ai thật sự cố gắng cả, bởi vì cách giải quyết vẫn còn được thử mà. Chỉ khi nào có quyết tâm rõ ràng thì chúng ta mới dám đối mặt với mọi khó khăn mà không e sợ. Cả hai cần phải nỗ lực với chính quyết tâm của mình. Cho phép tôi hỏi ông bà lần nữa, Wes, ông có muốn làm cho quan hệ với Joy trở nên tốt đẹp hơn không?
- Có! - Wes trả lời dứt khoát.
- Còn bà thì sao, Joy? Bà có muốn quan hệ với Wes tốt đẹp hơn không?
Joy ngập ngừng một lát rồi mới trả lời:
- Tôi phải thừa nhận là trước lúc đi Florida, tôi không chắc thế. Nhưng sau khi nói chuyện với Dave, và giờ đây với bà, tôi đã bắt đầu hiểu ra cái vòng tiêu cực luẩn quẩn trong mối quan hệ của chúng tôi - Joy siết chặt tay Wes và nói tiếp - Đó là lý do tại sao tôi sẵn sàng trả lời “Có” cho câu hỏi của bà.
- Vậy thì còn lại là phần việc của hai người thôi nhé - Anne Marie nói - Khi ông bà đều quyết tâm như thế, cả hai đã có một nền tảng chung để thành công rồi đó. Dĩ nhiên là phải bỏ công sức ra làm cho nó tốt đẹp lên.
- Chúng tôi hiểu - Cả Joy và Wes đều đồng tình.
- Tôi hơi tò mò một chút nhé - Wes tiếp lời - Nếu vừa rồi, khi chị hỏi về lòng quyết tâm, chúng tôi đều trả lời “Không” thì sao?
- Thì tôi sẽ đề nghị ông đến phòng tư vấn hôn nhân để họ giúp ông bà chia tay mà không gây khó chịu cho nhau thêm nữa. Đấy cũng là một cách chấm dứt quan hệ theo kiểu tích cực. Chúng ta vẫn muốn nhìn mọi chuyện theo cách lạc quan mà, phải không Joy?
- Đúng vậy! Thưa bà Anne Marie, bà có ý kiến gì về cách để bắt đầu thực hiện việc này không?
- Sao hai người không ngồi lại với nhau và nghĩ đến những khó khăn đã từng gặp phải trong quan hệ của mình, rồi cùng trao đổi tìm ra những phương pháp tích cực để giải quyết?
Wes và Joy làm theo lời khuyên của Anne Marie. Tối hôm đó, họ ngồi bên nhau và chia sẻ những cảm nghĩ, những mong muốn về nhau. Joy mở đầu bằng cách thổ lộ rằng cô thích Wes có mặt ở nhà vào buổi tối khi mọi thành viên sum họp để gia đình luôn có không khí đầm ấm.
- Khi anh không ở nhà, em cảm thấy rất buồn - Joy thú nhận - Vì vậy mà em hay bực bội mỗi khi anh về quá trễ và phản ứng theo kiểu Bắt lỗi.
- Thế nếu anh chấm dứt tình trạng về nhà quá trễ thì em thấy thế nào? - Wes hỏi vợ.
Joy mở to mắt:
- Vậy chứng tỏ là gia đình có vai trò ưu tiên hàng đầu trong lòng anh và em sẽ cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Em hiểu công việc là rất quan trọng và nó đòi hỏi nhiều công sức của anh. Nhưng gia đình cần sum họp thường xuyên chứ không phải vài tuần mới có thể đông đủ một lần như trước nay. Việc anh về nhà đúng giờ để ăn tối nên trở thành một nguyên tắc, chứ không phải là ngoại lệ, được không anh?
- Anh đồng ý với em! - Wes gật đầu đồng tình - Gia đình mình cần được ưu tiên hàng đầu. Em cũng biết là đôi khi anh phải làm việc muộn, nhưng chắc chắn tuần này anh sẽ về nhà đúng giờ. Không chỉ vậy, anh sẽ không mang những bực bội ở công ty về nhà nữa đâu.
- Và em sẽ thôi không cằn nhằn về những chuyện nhỏ nhặt để anh thấy thoải mái khi trở về nhà - Joy dịu dàng nói - Chẳng có ai hoàn hảo cả. Nhưng em đã suy nghĩ kỹ và thấy rằng, anh đáng được ngợi khen và động viên vì mọi chuyện tốt đẹp anh đã làm cho em và các con.
- Nghe thật dễ chịu, cám ơn em! - Wes hôn nhẹ lên má Joy.