“Nhiều lúc tôi tự hỏi sao không ai chịu đứng lên hành động, và rồi tôi nhận ra mình chính là ‘ai’ đó.”
- Khuyết danh
Tôi xem lướt qua xấp thư, trong đầu đang nhủ thầm tất cả đều là thư quảng cáo thì chợt thấy tên và địa chỉ của mình được viết tay trên một phong bì. Lá thư được gửi từ một trại giam ở Ohio. Tại sao tôi lại nhận được thư từ trại giam?
Hóa ra đó là thư của một tù nhân hai mươi mốt tuổi tên Mike, người vừa đọc được câu chuyện của tôi trong quyển A 6th Bowl of Chicken Soup for the Soul kể về những lá thư cảm ơn mà anh em tôi đã viết cho mẹ. Tôi từng nhận không ít lá thư độc giả gửi về sau khi đọc những câu chuyện tôi viết, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận được thư của một tù nhân.
Tôi luôn xem thư của độc giả là phần thưởng đích thực của đời mình và là lợi ích thật sự của công việc viết lách. Nhưng sẽ là nói dối nếu tôi nói mình không có chút “thót tim” trước khi đọc thư của Mike.
Đầu thư, Mike chia sẻ chuyện năm cậu lên ba tuổi, mẹ ruột của cậu đã vĩnh viễn rời bỏ thị trấn và bỏ cậu lại cho người bạn trai cũ. Chỉ vài ngày sau, người này nhận thấy việc nuôi dạy một đứa trẻ quá tẻ nhạt so với lối sống của anh ta nên đã giao lại đứa bé cho mẹ ruột của anh.
Với tất cả những rối ren thời thơ ấu và cảm giác chênh vênh vì thiếu cha mẹ ruột, Mike ngày càng yêu thương người phụ nữ đã tận tụy chăm sóc mình và trân trọng sự ủng hộ mà chỉ có bà mới có thể mang lại cho cậu. Dù đã vất vả nuôi nấng năm người con trưởng thành, bà vẫn không ngại nhận nuôi thêm Mike và đối xử với cậu như con ruột. Bà dịu dàng an ủi khi cậu bị mối tình đầu bỏ rơi, khi cậu làm hỏng chiếc xe đầu tiên trong đời và bất kỳ khi nào cậu cần bà nâng đỡ.
Bà vẫn tiếp tục quan tâm và yêu thương cậu trong những năm tháng cậu ngồi tù. Bà viết thư cho cậu mỗi ngày, bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào cậu và tin chắc cậu đủ mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tôi cảm thấy buồn sau khi đọc thư của Mike, vì cậu cho rằng cậu không thể bày tỏ tình cảm lớn lao của mình dành cho mẹ. Kết thư, cậu nói mình không biết làm thế nào để bày tỏ tấm lòng với người mẹ đáng kính. Song cậu vẫn muốn tâm sự điều này với ai đó, và cậu đã chọn tôi.
Vừa gấp lá thư lại, tôi biết mình cần viết ngay thư hồi âm để khuyên cậu suy nghĩ lại. Tôi nói mẹ cậu xứng đáng được nghe những lời tôi đã đọc trong thư. Dù có chút lo lắng khi thư từ qua lại với một tù nhân nhưng khi nghĩ tới việc lời nói của mình có thể giúp ai đó, tôi lại cảm thấy rất vui. Có lẽ tôi có thể giúp Mike viết lời kết mới cho lá thư đó.
Chuyện đã xảy ra cách đây nhiều năm và tiếc là từ đó đến nay, tôi không còn nghe tin gì từ cậu nữa. Vài tuần trước, tôi dọn dẹp phòng ngủ và tình cờ bắt gặp lá thư. Tôi tự hỏi không biết Mike đã làm theo lời khuyên của tôi hay chưa.
Sau đó tôi nảy ra một ý tưởng. Tôi lên mạng và thử tìm thông tin liên lạc của người mẹ này, chắc bây giờ bà cũng tầm tám mươi tuổi. Vì cậu có tiết lộ họ tên của bà nên chắc tôi sẽ có cơ hội tìm ra. Biết đâu cậu cũng muốn tôi tìm kiếm và gửi những lời này đến bà. Chỉ mất vài phút là tôi đã tìm ra thông tin của người mẹ, nhấc điện thoại gọi ngay cho bà.
Sau khi bà xác nhận mình có người con trai tên Mike đang ở tù, tôi kể cho bà nghe về lá thư. Bà nói, “Tính thằng bé không hay bày tỏ cảm xúc, nhưng tôi biết con có quan tâm”. Tôi hỏi bà có muốn nghe những gì con mình viết trong trại giam lúc năm giờ rưỡi sáng không, và bà đồng ý. Mỗi lần ngắt nghỉ giữa các đoạn, tôi có thể nghe thấy tiếng bà thở phào đầy hạnh phúc. Có lúc bà còn lẩm nhẩm, “Như vậy chẳng phải rất tốt sao”.
Trước khi cúp máy, tôi hỏi, “Bà có muốn tôi gửi cho bà lá thư của con trai, kèm theo câu chuyện của tôi mà cậu ấy đã đọc trong tù không?”.
Bà đồng ý, vậy nên vài ngày sau tôi gửi thư đi. Lòng tôi ngập tràn cảm xúc và rất vui vì mình đã dám làm theo điều trái tim mách bảo để giúp Mike - người không thể tự kết thúc câu chuyện của mình.