và chọn các hoạt động liên quan đến vai trò đó
Tất cả chúng ta đều mong muốn đảm trách một vai trò thỏa đáng với nguyện vọng của bản thân. Chúng ta không muốn đóng vai một kẻ không phải là chính mình. Trong đàm phán cũng vậy, khi một người không giữ được một vai trò thỏa đáng, người ấy sẽ không giữ được bình tĩnh, không tỏ rõ thiện chí hợp tác, lòng nhiệt thành và sự kỳ vọng cũng không còn. Điều này cũng giống như trường hợp của Ryan. Anh tỏ ra lo lắng về cuộc họp đánh giá cuối năm sắp tới nên đã nhờ đến những lời khuyên của Dan. Ryan lo lắng là vì thái độ của anh trong lần đánh giá trước không được tốt cho lắm. Anh kể lại:
Thú thực là tôi đã rất căng thẳng khi được gọi vào phòng làm việc của sếp để nghe ý kiến đánh giá về năng lực và tác phong làm việc của mình trong một năm qua. Việc tôi có được tăng lương hay không hoàn toàn dựa vào kết quả này. Hơn nữa, lòng tự trọng của tôi lại quá lớn, cho nên tôi hy vọng không phải nghe bất kỳ lời chỉ trích hay đánh giá thấp nào về mình.
- Anh ngồi xuống đi. - Sếp chỉ tay vào chiếc ghế phía trước bàn ông.
Tôi nhìn nhanh sắc mặt của sếp để mong đoán được tâm trạng của ông ra sao, hầu có thể biết được phần nào sự thể sắp tới. Ông có vẻ nghiêm nghị và kém vui, có lẽ sắp có điềm xấu xảy ra – tôi nghĩ vậy.
Ông ấy bắt đầu:
- Sở dĩ tôi gọi anh đến là muốn thông báo với anh về bản đánh giá năng lực và tác phong làm việc của anh trong suốt 12 tháng qua. Nhìn chung, những gì anh đóng góp cho công ty là đáng kể. Song vẫn còn nhiều khía cạnh anh cần phải cải thiện. Theo tôi, anh nên tiếp tục phát huy những điều sau đây…
Thế là ông liệt kê một loạt những việc tôi đã làm được; nhưng nói thật, tôi đã không mấy chú tâm lắng nghe. Tôi hồi hộp trông đợi sự đánh giá về những mặt mà ông nói “cần cải thiện”.
Cuối cùng, phút giây tôi trông đợi cũng đã đến. Tôi ngồi lại ngay ngắn và chú tâm chuẩn bị lắng nghe lời phán xét:
- Trước tiên, anh cần hoàn thành phần việc của mình cho tốt hơn. Tháng qua, anh quên không viết báo cáo về tình hình hoạt động của công ty để gửi cho khách hàng lớn nhất của chúng ta. Lần này, công ty phải may mắn lắm mới giữ chân họ được.
Tôi giải thích:
- Nhưng việc viết bản báo cáo lần đó không thuộc trách nhiệm của tôi. Còn những lần khác tôi đều hoàn thành đúng thời gian.
Ông ấy liền nói:
- Tôi không quan tâm nó thuộc trách nhiệm của ai. Tôi chỉ dựa vào những điều đã thấy qua sự việc đó mà thôi.
Tôi ngồi im. Tôi đang cố kiềm chế bản thân, tránh tranh cãi. Nhưng tôi cũng không muốn ông có những đánh giá sai lầm về tôi như vậy.
Ông tiếp tục:
- Anh cần phải sắp xếp thời gian cho công việc tốt hơn. Tôi biết anh còn phải lo nhiều việc cho gia đình nhưng anh cũng cần phải hoàn tất công việc.
Tôi không thể nhịn được nữa. Tôi phản đối:
- Tôi đã cố dành tất cả thời gian có thể cho công việc. Nhưng tôi đâu thể làm việc 24/24 được.
- Tôi hiểu! Nhưng đó là đánh giá theo những gì tôi quan sát.
Ông tiếp tục chỉ ra cho tôi thấy những sai lầm tôi đã phạm phải trong quá trình làm việc, và tôi đã rất cố gắng để không biểu lộ bất kỳ thái độ hay lời nói khiếm nhã nào khi tiếp nhận lời phê bình ấy. Nhưng phải thừa nhận rằng tôi đã không thành công. Tôi đã phản bác lại hầu hết các nhận định và phê bình của ông, nhưng cuối cùng cũng chẳng thay đổi được gì. Ba mươi phút sau, tôi thất thểu đi ra, cảm giác mệt mỏi, tức giận pha lẫn sự thất vọng về chuyện tăng lương.
Qua trường hợp trên, chúng ta có thể nhận thấy một khi vai trò không được nhìn nhận thỏa đáng thì quá trình đàm phán sẽ khó mà đi đến kết quả như mong đợi. Như chúng ta thấy, Ryan đã phải vất vả thế nào trong vai trò của một người bào chữa cho chính mình trước các phán quyết của cấp trên. Anh đã bỏ ngoài tai những ý kiến phản hồi tích cực từ cấp trên về mình và không tìm thấy động lực phấn đấu trong công việc. Chính thái độ ấy cũng đã tác động khiến cho cấp trên từ bỏ vai trò cố vấn cho nhân viên để trở thành một kẻ độc tài với đánh giá của mình. Và như thế, cuộc họp diễn ra theo một chiều hướng không mấy tốt đẹp là lẽ tất nhiên.
Ryan có thể thay đổi bầu không khí và kết quả của cuộc họp nếu anh ta biết cách định hướng vai trò của mình để bản thân và cấp trên đều cảm thấy thoải mái hơn. Còn bạn, bạn đã từng rơi vào trường hợp giống Ryan chưa? Sau khi đọc xong chương này, chúng tôi tin chắc bạn sẽ biết cách để không hành động như Ryan. Trước tiên, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu những đặc tính quan trọng của một vai trò thỏa đáng. Tiếp theo, chúng tôi xin gợi ý một số cách thức có thể giúp bạn hiểu hơn về các vai trò có tính quy ước của mình, dù bạn ở cương vị nào chăng nữa. Cuối cùng là những lời khuyên mà chúng tôi đặc biệt dành cho những bạn nào muốn gia tăng tính thỏa đáng cho các vai trò tạm thời của mình.
CÁC ĐẶC TÍNH QUAN TRỌNG CỦA MỘT VAI TRÒ THỎA ĐÁNG
Trong bất cứ tình huống nào, thời điểm nào, chúng ta cũng đều đóng một vai trò nhất định. Thế nhưng, không phải bao giờ chúng ta cũng cảm thấy thỏa mãn với những vai trò này, đôi lúc chúng ta cảm thấy nó vô nghĩa và mang tính gượng ép. Để có được một vai trò thỏa đáng, chúng ta cần hiểu rõ ba đặc trưng quan trọng sau:
• Vai trò phải thể hiện một mục tiêu rõ ràng. Bất kỳ một vai trò nào cũng cần phải có một mục tiêu rõ ràng, dù đó là vai trò lớn lao như cải tiến xã hội hay vặt vãnh như đi dạo loanh quanh để giải tỏa áp lực. Một khi đã thiết lập mục tiêu rõ ràng, chúng ta có thể hình dung được những kế hoạch, hành động cụ thể cần thực thi.
• Vai trò phải có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân. Chỉ có bạn mới biết đích xác điều gì có ý nghĩa quan trọng với chính cuộc sống của mình. Ý nghĩa đó sẽ liên quan mật thiết đến việc làm của bạn. Bạn đóng vai một người cha, người mẹ vì vai trò này giúp bạn thỏa mãn được ước nguyện chăm sóc con cái. Hay như bạn rất yêu thích động vật, thiên nhiên thì vai trò của một nhà hoạt động môi trường xem ra có phần rất thỏa đáng đối với sở nguyện của bạn. Một vai trò có ý nghĩa quan trọng sẽ tổng hòa được các kỹ năng, các mối quan tâm, các giá trị và niềm tin của bạn vào công việc sắp tới.
Ý nghĩa đó được tìm thấy không chỉ trong những việc làm của bạn mà còn trong cả cách bạn suy nghĩ nữa. Vai trò của bạn sẽ trở nên thỏa đáng một khi bạn có thể “nhận thấy ý nghĩa” của nó. Chẳng hạn, một nhà sản xuất quần áo có thể chán ghét trách nhiệm trong công việc của mình; thế nhưng, ông ta vẫn cho rằng vai trò này rất có ý nghĩa vì nó giúp ông nuôi sống bản thân và gia đình.
• Vai trò không phải là một sự giả vờ. Cách nói: “chúng ta đang đóng một vai trò…” thường tạo cảm giác như thể chúng ta là diễn viên đang giả vờ sống cuộc đời, vai trò của một người nào khác. Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất trong một vai trò không phải là việc chúng ta vào vai một người như thế nào mà là chúng ta nên thực hiện vai trò đã làm nên con người mình như thế nào.
Có ai đó từng ví cuộc đời giống như một sân khấu. Chúng ta là những diễn viên đang đứng trên sân khấu đó. Rồi chúng ta dựng lên một vai và đích thân nhập vai. Nhưng vai diễn đó không phải là một sự giả vờ, sự tồn tại của nó là có thực và tiếp diễn từ năm này đến tháng nọ. Nó là bản thân chúng ta, cuộc đời chúng ta, vai trò của chúng ta, chứ không phải của người nào khác.
Bản thân một người có thể cùng lúc đóng rất nhiều vai trò khác nhau, như là nhà giáo, người chồng, tác giả, đồng nghiệp, điền chủ, nhà đàm phán, v.v. Bên trong mỗi một vai trò, mỗi người đều là chính mình, không phải là một nhân vật trong một vở diễn. Con người luôn nỗ lực để hoàn thiện từng vai trò của mình một cách tốt nhất để được mọi người tôn trọng, nhìn nhận. Vì ai cũng muốn có sự tự hào và hài lòng về bản thân, về công việc, sự nghiệp.
LÀM CHO CÁC VAI TRÒ CÓ TÍNH QUY ƯỚC THÊM THỎA ĐÁNG
Vai trò có tính quy ước là vai trò được thừa nhận một cách phổ biến trong các tổ chức hay cộng đồng, chẳng hạn như một phó giám đốc trong một công ty hay một người mẹ trong gia đình. Bảng 8 sau đây sẽ liệt kê một số vai trò có tính quy ước thường gặp.
Nhận thức thấu đáo về các vai trò có tính quy ước
Đôi khi đối với một cá nhân, việc kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau có thể dẫn đến những xung đột lẫn nhau. Lúc đó, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn việc này bằng cách nhận thức thấu đáo về các vai trò khác nhau và đưa ra quyết định lựa chọn cho thật hợp lý. Chẳng hạn, những đòi hỏi trong vai trò của một người mẹ có con sẽ mâu thuẫn với những đòi hỏi để duy trì vai trò của một nữ trưởng phòng ở chỗ làm. Đó là sự ảnh hưởng giữa vai trò và trách nhiệm giữa gia đình với công việc.
Eileen, giám đốc một cơ sở sản xuất đang rất bận tâm về việc hoạt động của nhà máy do bà điều hành đang gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh. Bà nghĩ: “Mình là hạng người gì mà lại đi làm việc cho một tổ chức phá hoại môi trường thế này?”. Bà mang mặc cảm tội lỗi khi phục vụ cho một ngành công nghiệp đang đi ngược lại với các nguyên tắc bảo vệ môi trường của chính bà, lương tâm không cho phép bà có thể thanh thản sống mà xem nhẹ các tiêu chuẩn đạo đức của bản thân như vậy.
Nếu như không nhận thức sâu sắc được sự xung đột giữa vai trò của một nhà điều hành với vai trò của một người quan tâm bảo vệ môi trường, Eileen có thể sẽ trút sự bực tức, nóng giận của mình xuống cấp dưới, sang đồng nghiệp hoặc lên cả cấp trên.
Tuy nhiên, nếu có thể nhận thức được vấn đề của mình, Eileen sẽ thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định nên và không nên làm. Bà có thể bàn bạc với các đồng nghiệp và cấp trên của mình về việc giảm thiểu các chất thải gây hại trong quá trình sản xuất của công ty. Hay bà có thể tự thuyết phục bản thân rằng hoạt động của công ty không sai phạm gì đối với những quy định về tiêu chuẩn chất thải công nghiệp. Thậm chí, bà cũng có thể quyết định xin thôi việc nếu không thể giải quyết được xung đột giữa thực tế và niềm tin. Cho dù quyết định cuối cùng của bà ra sao, thì bà cũng cần phải làm rõ các vai trò đang xung đột của mình. Từ đó, bà có thể tiến hành các hành động nhằm làm thỏa mãn các vai trò bản thân.
Định hướng vai trò bản thân
Trên thực tế, bạn có thể định hướng cho bất kỳ vai trò nào của mình. Để làm được điều này, bạn cần phải chuyển hướng sự chú ý từ chức danh công việc sang tập hợp các hoạt động liên quan.
Mỗi vai trò đều bao gồm một chức danh công việc và một tập hợp các hoạt động có liên quan. Chức danh công việc là cách gọi ngắn gọn cho những gì bạn làm. Cũng giống như việc đặt tên để phân biệt người này với người khác, vai trò cũng được đặt tên với một mục đích tương tự. Chẳng hạn như đối với luật sư có một số tên gọi để chỉ vai trò chuyên môn mà họ đảm trách như luật sư chuyên về hình sự, luật sư chuyên về dân sự...
Tuy nhiên, nhận thức về một vai trò không chỉ đơn giản dừng lại ở chức danh công việc, mà mỗi vai trò đều tương ứng với một tập hợp các hoạt động có liên quan. Chẳng hạn, một công ty có thể đăng thông báo tuyển dụng cho vị trí giám đốc điều hành với nội dung chỉ rõ chức danh công việc và một tập hợp các hoạt động liên quan như:
CẦN TUYỂN: GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH.
[Chức danh công việc]
Nhiệm vụ: điều hành hoạt động chung của tổ chức, giám sát các phòng ban, và trực tiếp báo cáo tình hình với lãnh đạo cấp cao của công ty... [Tập hợp các hoạt động liên quan].
Không có một bản danh sách nào có thể liệt kê đầy đủ tất cả các nhiệm vụ liên quan mà một vị Giám đốc điều hành phải đảm trách. Khi xét đến các hoạt động liên quan của một chức danh công việc trong quá trình thương lượng, thì không phải bao giờ cũng có thể được giải thích rõ ràng. Thường thì không có quy định cụ thể đối với một cá nhân phải thương lượng thế nào với đồng nghiệp, cấp trên hay đối tác đến từ một tổ chức khác. Chính sự bỏ ngỏ này sẽ tạo cho bạn cơ hội để thể hiện bản thân.
Mở rộng vai trò bản thân. Cho dù bạn mang chức danh công việc gì, thì bạn vẫn có quyền lựa chọn phương thức tiến hành thích hợp để xác định nhiều hoạt động trong vai trò của mình. Bạn có thể quyết định khi nào thì cần nói hay lắng nghe, tranh luận hay hợp tác, khi nào thì tỏ thái độ khinh mạn hay nhã nhặn với người khác. Bạn hoàn toàn tự do cùng với đối phương xem xét và lựa chọn các giải pháp nhằm mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Hay bạn có thể đề xuất các phương án để giải quyết vấn đề thuộc vai trò và lĩnh vực chuyên môn của bạn. Tóm lại, mức giới hạn cho vai trò của bạn chủ yếu do chính bạn thiết lập nên.
Sau đây, chúng ta sẽ xem xét trường hợp của hai nữ nhân viên phục vụ bàn tại một nhà hàng ở thành phố Cambridge. Cả hai đều đang tập tành viết sách và xem công việc ở nhà hàng chỉ mang tính tạm thời giúp họ kiếm sống qua ngày để chờ đến khi cuốn tiểu thuyết của họ được một nhà xuất bản nào đó đồng ý phát hành.
Nữ nhân viên thứ nhất cho rằng công việc phục vụ bàn này quá vất vả, nặng nhọc và nhàm chán. Cô thường tranh thủ thời gian nghỉ giữa buổi chiều, chạy nhanh về căn phòng của mình để sáng tác. Thế nhưng cô viết không được tốt lắm, những cơn buồn ngủ thường làm cô mất tập trung. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, cô cũng tranh thủ ngồi bên máy vi tính để viết tác phẩm của mình. Thế nhưng, dù có cố gắng thế nào cô vẫn thấy nhọc nhằn khi cố thổi sức sống vào nhân vật, xây dựng những nét tính cách độc đáo, những sự kiện và hành động của nhân vật cho thực hơn.
Trong khi đó, nữ nhân viên thứ hai cũng cho rằng công việc phục vụ bàn là quá nặng nhọc, nhưng cô không nghĩ là nó nhàm chán. Đối với cô, mỗi một thực khách đến với nhà hàng đều có khả năng trở thành nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mà cô đang viết dở và có lẽ trong cả những cuốn sau đó nữa. Trong chiếc tạp dề của mình, cô luôn mang sẵn vài tờ giấy, thường để ghi thực đơn khách gọi và ghi lại những đặc điểm thú vị mà cô quan sát được ở các thực khách, từ hình dáng, trang phục cho đến cử chỉ, điệu bộ và cả những câu nói thú vị của họ nữa. Không chỉ có vậy, cô còn để trí tưởng tượng của mình theo những người đó xem họ đang nghĩ gì hay sẽ làm gì sau khi rời khỏi nhà hàng.
Đối với nữ phục vụ thứ hai, cô cảm thấy không khó để xây dựng được các tuyến nhân vật sống động bằng cách quan sát những con người thực ngoài đời hơn là thu mình ở trong phòng để tự vẽ ra những kiểu mẫu nhân vật. Cô dùng thời gian nghỉ buổi chiều để chú giải và sáng tạo thêm những gì đã ghi chép được. Mỗi buổi sáng, cô cũng có thói quen ngồi vào bàn viết trước khi đi làm. Cô thấy bản thân có thể tận dụng tốt chất liệu cuộc sống để làm nguồn cảm hứng sáng tạo cho mình. Trong thời gian đó, cô cũng được nhiều thực khách chú ý vì có thái độ phục vụ ân cần, lịch thiệp. Công việc chính của cô là nhân viên phục vụ bàn, nhưng cô thêm vào vai trò đó là sự quan sát cuộc sống xung quanh để phục vụ cho việc viết sách. Chính vì biết kết hợp các vai trò một cách thỏa đáng, cô thể hiện rất tốt cả hai phần việc của mình. Đối với vai trò một nhân viên phục vụ, cô được thực khách đánh giá cao về thái độ và cung cách phục vụ. Đối với vai trò của một người viết, cô biết sử dụng những chất liệu thực tế để đưa vào sáng tác của mình.
Trong vai trò của một nhà đàm phán cũng vậy, bạn có thể học hỏi thêm nhiều điều về con người, về kinh nghiệm đàm phán và về cả bản thân bạn để đạt được kết quả tốt nhất.
Xác định lại các hoạt động trong vai trò của bản thân. Nếu cảm thấy vai trò hiện tại của mình không thỏa đáng, bạn nên xét đến mức độ ảnh hưởng của các mối quan tâm hàng đầu khác lên vai trò của mình. Lý do khiến bạn không thỏa mãn với vai trò đó có thể vì bạn có cảm giác bị mọi người thờ ơ; xem nhẹ các ý kiến, quan điểm của bạn; hay quyền tự quyết và địa vị của bạn bị hạ thấp.
Thay vì thụ động tiếp nhận một vai trò không thỏa đáng, bạn có thể chủ động định hướng vai trò đó sao cho nó thỏa mãn các mối quan tâm hàng đầu khác. Bạn có thể thực hiện điều này theo các bước ở Bảng 9. Để minh chứng tính hiệu quả của các bước này, Dan dẫn ra một câu chuyện về sự xung đột giữa vị giám đốc và phó giám đốc của một chương trình huấn luyện địa phương có hàng triệu thanh niên tham gia.
Paul, giám đốc của chương trình, đã gọi điện đến nhờ tôi tư vấn. Qua trao đổi, tôi biết ông và bà Sarah, phó giám đốc, đang cùng quản lý và triển khai chương trình này. Trong lúc quy mô của chương trình đang được nhanh chóng mở rộng thì mối quan hệ cộng tác giữa hai người cũng đi đến hồi căng thẳng đến mức các nhà tài trợ cho chương trình đã thông báo rằng nếu cả hai không giải quyết ngay các vấn đề của mình thì họ sẽ rút vốn.
Rõ ràng, sự xung đột giữa đôi bên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình. Dù phòng làm việc của ông trưởng và bà phó nằm cạnh nhau nhưng họ hiếm khi gặp gỡ và trao đổi với nhau, có chăng họ chỉ làm chiếu lệ ở các cuộc họp bắt buộc hàng tuần vào sáng thứ sáu. Trong đội ngũ nhân viên cũng bắt đầu nảy sinh tình trạng chia rẽ. Chất lượng cùng tiến độ xây dựng và triển khai giáo trình giảng dạy ngày một chậm trễ.
Thông qua trò chuyện với từng người, tôi nhận ra được rằng sự xung đột của họ không phải xuất phát từ mô hình tổ chức chương trình mà từ vai trò không thỏa đáng giữa họ. Cả ông Paul và bà Sarah đều cho rằng đối phương “không làm đúng phần việc của mình”.
Sau khi xem xét sự tình, tôi đề xuất một phương án nhằm giúp mỗi người tạo lập các vai trò thỏa đáng cho bản thân. Tôi hẹn gặp riêng từng người, và cuộc gặp gỡ với bà Sarah đã diễn ra như sau:
Ở bước Gọi tên vai trò hiện tại của bản thân, tôi đưa cho bà một tờ giấy, yêu cầu bà ghi vào đó chức danh công việc hiện thời của bà. Sarah viết: “Phó giám đốc phụ trách phần Sáng tạo giáo dục”.
Đến bước Liệt kê các hoạt động liên quan, bà ghi tiếp một loạt những việc thuộc trách nhiệm của bà bên dưới chức danh công việc, chẳng hạn như “đưa thông tin, ý kiến vào chương trình tổng hợp, trao đổi với ít nhất ba nhà điều phối công trình, triển khai chương trình giảng dạy”.
Và cuối cùng là bước Lựa chọn ra các hoạt động có thể làm gia tăng tính thỏa đáng cho vai trò. Tôi liệt kê các mối quan tâm hàng đầu và giải thích ngắn gọn tầm quan trọng của từng điều cho bà ấy nghe. Sau đó, tôi đề nghị cả hai cùng lựa chọn một số hoạt động nhằm làm cho vai trò của bà đáp ứng được các mối quan tâm hàng đầu. Trong vòng vài phút, chúng tôi đã nảy ra nhiều ý tưởng khá hay. Theo đó, bà dự định sẽ tổ chức ba khóa đào tạo cho các cán bộ công nhân viên bậc trung. Cách làm này có thể xác định rõ địa vị của bà, đồng thời tạo điều kiện để chương trình phát triển tốt hơn. Bà có thể củng cố mối liên kết giữa ban giám đốc và nhân viên bằng cách thường xuyên liên lạc và trao đổi với một vài nhân viên bậc trung thuộc các nhóm khác nhau. Còn đối với ông Paul, cứ cách một tuần, bà lại tổ chức một cuộc gặp mặt để bàn về các hoạt động xã hội cũng như trao đổi kinh nghiệm và thắt chặt mối giao kết giữa hai người.
Về phần ông Paul, tôi cũng tiến hành các bước tương tự. Đến giai đoạn thiết lập một vai trò thỏa đáng, tôi để cho Paul và Sarah toàn quyền định liệu. Cả hai đã cùng ngồi lại bàn bạc các hoạt động liên quan theo đề xuất của mỗi người. Quá trình thảo luận giữa đôi bên diễn ra rất suôn sẻ, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, họ đã quyết định xong việc sửa đổi vai trò của mình.
Quá trình này quả thực phát huy hiệu quả tức thì khi chưa đầy năm tiếng đồng hồ, mối quan hệ giữa ông Paul và bà Sarah chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác và cùng đi đến thỏa thuận chung nhằm làm cho chương trình phát triển tốt hơn và vai trò của những người cầm trịch được thỏa đáng hơn.
Bạn cũng có thể vận dụng phương pháp này vào những trường hợp khác nhau nhằm tạo dựng một vai trò thỏa đáng trong các mối quan hệ của mình. Chẳng hạn, nếu nhận thấy bản thân có quá nhiều mối bất đồng với đồng nghiệp, cấp trên hay cấp dưới, bạn nên khởi xướng một cuộc trò chuyện để làm rõ vai trò của các bên cùng các hoạt động liên quan. Lúc đó, bạn nên đứng ở góc độ của đối phương để thực hiện qua các bước của phương pháp này và giúp đôi bên tìm thấy vai trò thỏa đáng của bản thân mỗi người. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lập danh sách các hoạt động mà bạn cho rằng đối phương muốn thực hiện. Quan trọng hơn hết là nhấn mạnh rằng các ý kiến của mình với đối phương được đặt trên quan điểm là một lời đề nghị chứ không phải một sự áp đặt.
QUYỀN LỰA CHỌN MỘT VAI TRÒ TẠM THỜI
Jake LaMotta là một võ sĩ quyền Anh danh tiếng và cực kỳ thích đóng vai của một kẻ chịu trận trên sàn đấu. Jake thường để cho đối thủ ra đòn tới tấp còn phần mình chỉ giữ thế thủ và lùi liên tục. Khi đã quá tự tin vào sức mạnh của mình và liên tục tấn công, đối thủ sẽ lơi lỏng phòng thủ. Và đó chính là thời điểm Jake đột ngột tung đòn phản công.
Với đấu pháp này, Jake hoàn toàn làm chủ được thế trận.
Trong các cuộc đàm phán, đôi khi chúng ta cũng bị rơi vào một cái bẫy tương tự. Chúng ta ngỡ mình đang thể hiện vai trò của bản thân nhưng thực chất chúng ta chỉ đang phản ứng lại vai trò đã được người khác thiết lập sẵn. Nếu người khác tỏ thái độ chống đối, thì chúng ta cũng sẽ đáp trả lại bằng thái độ như vậy. Nếu họ đánh giá thấp khả năng của chúng ta, chúng ta sẽ càng cố chứng tỏ mình hơn.
Một khi đã rơi vào những cái bẫy như thế, chúng ta thường có cảm giác bản thân bị tầm thường hóa. Các mối quan tâm hàng đầu của chúng ta đối với một vai trò thỏa đáng có thể sẽ không được đáp ứng. Và giống như các đối thủ của Jake LaMotta, chúng ta tự đẩy mình vào “thế trận” của người khác.
Nhận thức thấu đáo về các vai trò tạm thời
Từng thời điểm, chúng ta nên thay đổi vai trò tạm thời của mình sao cho thật hợp lý. Trong quá trình đàm phán, chúng ta có quyền tự do lựa chọn cho mình các vai trò tạm thời, chẳng hạn như trở thành người nghe, người tranh biện, hay người giải quyết vấn đề. Việc chọn lựa này giúp ta ý thức tốt hơn về các vai trò để đạt được kết quả đàm phán tốt nhất.
Trong một vài trường hợp, có thể chúng ta sẽ đảm nhận thường xuyên một vai trò tạm thời. Đối với đồng nghiệp, chúng ta sẽ là người lắng nghe họ giãi bày tâm sự. Đối với những người có tuổi tác hay địa vị xã hội cao hơn, chúng ta sẽ đóng vai của một trợ thủ. Còn với những người thân của mình, chúng ta thường là người cung cấp giải pháp cho các vấn đề khó khăn của họ.
Chúng ta hiếm khi chú ý đến các vai trò tạm thời này, tuy nhiên đó lại là những lựa chọn đơn giản và dễ thực hiện nhất. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một cuộc trò chuyện, người quản lý có thể đảm đương thêm vai trò của một người giải quyết vấn đề, một người nghe, một nhà tư vấn, hay là người bào chữa. Trong khi đó, vai trò có tính quy ước của người quản lý vẫn được bảo toàn. Ở bảng 10, chúng tôi sẽ cung cấp một số vai trò tạm thời mà bạn có thể đảm nhận trong một cuộc đàm phán.
Nhận diện các vai trò tạm thời có khả năng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác
Khi tham gia đàm phán, chúng ta hãy chọn cho mình một vai trò tạm thời giúp tạo cảm giác chân thật và gần gũi để tạo điều kiện thuận lợi cho sự cộng tác của các bên.
Chúng ta sẽ xem xét trường hợp của hai vợ chồng Jim và Nancy. Sau một ngày dài làm việc trở về nhà, Nancy mang theo cả nỗi bức xúc vì bị cấp trên quở trách không đón tiếp chu đáo một vị khách hàng quan trọng của công ty. Nancy đã kể cho Jim nghe về ngày làm việc tồi tệ của mình. Khi lắng nghe... Jim đã ngắt lời vợ và đưa ra một vài lời khuyên nhằm giúp cô ấy cải thiện tình hình.
Quá đỗi bực tức, Nancy như muốn hét toáng lên trước mặt chồng: “Tại sao anh không chịu yên lặng nghe em nói hết?”. Nhưng cô cố kiềm chế, chỉ vùng vằng với chồng và tiếp tục kể. Lúc này thì đến lượt Jim cảm thấy bản thân bị xúc phạm, anh hỏi: “Tóm lại, vấn đề của em là gì? Anh chỉ đang cố giúp em thôi mà!”. Tình hình trở nên căng thẳng đối với Nancy, dù biết Jim có ý tốt nhưng Nancy vẫn có cảm giác không được chồng ủng hộ. Cô giận dỗi bỏ ra khỏi phòng.
Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng đều chưa thống nhất với nhau về vai trò có tính tạm thời của Jim. Nancy muốn chồng đóng vai trò của một người nghe trong khi Jim lại cho rằng mình nên giúp vợ giải quyết vấn đề. Tuy cả hai vai trò thực chất đều không có gì sai, nhưng tự thân chúng lại mâu thuẫn với nhau.
Nếu Nancy nhận thức được điều này, cô có thể đề nghị Jim đóng một vai trò hữu ích hơn. Cô có thể nhẹ nhàng thể hiện sự cảm thông của mình:
“Em rất trân trọng những lời khuyên của anh. Nhưng lúc này em cần một người lắng nghe em. Anh có thể làm như thế trong vài phút được không, rồi em sẽ sẵn lòng nghe cách giải quyết tình huống này của anh?”
Hay nếu Jim đã nhận ra nguyên nhân khiến Nancy nổi nóng vì anh đã thể hiện vai trò của một người giải quyết vấn đề không phải lúc. Anh nên trở lại vai trò của một người nghe và điều này cũng rất phù hợp với kỳ vọng tìm thấy một nguồn động viên chia sẻ của Nancy. Như vậy, với tư cách là một người nghe, Jim có thể nói: “Nào, hãy kể tiếp cho anh nghe về ngày hôm nay của em đi. Đừng giữ những uất ức ấy trong lòng!”. Chắc hẳn là sau khi nghe những lời này, Nancy sẽ cảm thấy có được nguồn động viên đúng lúc.
Qua tình huống trên, chúng ta nên thường xuyên xem xét đến các vai trò tạm thời của mình lúc ở nhà cũng như ở chỗ làm để thúc đẩy những mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, vào bất cứ thời điểm nào.
Trân trọng các vai trò tạm thời của người khác
Không phải ai cũng thành công khi thể hiện sự trân trọng của mình dành cho các vai trò tạm thời mà người khác đảm nhận. Khi sự trân trọng không được thể hiện đúng mức sẽ gây nên tình trạng bức bối và lộn xộn. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn thông qua ví dụ sau:
Jane, cô học trò của tôi, có lần đã đến muộn trong buổi phỏng vấn xin vào một công ty tư vấn. Cô bé là một người rất cẩn thận và luôn đúng giờ nên có thể nói đây là một ngoại lệ. Vì thế, Jane tỏ ra rất lo lắng không biết sẽ phải giải thích thế nào với người trực tiếp gặp mình. Lúc đến nơi, cô được hướng dẫn vào phòng phỏng vấn.
Jane đi vào và mừng rỡ khi thấy người phỏng vấn không ai khác chính là Melissa, bạn học cùng trường của cô.
Vừa thấy Melissa, Jane đon đả cười:
- Ôi! Melissa! Cậu đấy ư? Gặp được cậu là tốt rồi! Mình xin lỗi vì đã đến muộn. Cậu biết rồi đó, thời gian này giao thông khó khăn quá!
Nhưng Melissa đáp lại sự niềm nở của Jane bằng một thái độ nghiêm nghị:
- Bây giờ chúng ta bắt đầu được chứ!
Jane thực sự sững sờ trước sự dửng dưng của cô bạn. Jane tự hỏi: “Có phải Melissa giận vì mình đã đến trễ? Lúc này, mình nên nói thế nào đây? Mình có nên lặp lại lời xin lỗi? Liệu làm như vậy có trông mình quá dựa dẫm vào bạn và thiếu quyết đoán quá không?”. Đầu óc Jane rối bời với biết bao ý nghĩ trong suốt buổi phỏng vấn khiến cô không thể tập trung được.
Và hai ngày sau, Jane không lấy làm ngạc nhiên khi nhận được e-mail thông báo cô đã không trúng tuyển từ Melissa.
Jane đã phạm một sai lầm nghiêm trọng nhất khi xem Melissa, người chịu trách nhiệm phỏng vấn như một người bạn, trong khi Melissa lại muốn được nhìn nhận trong vai trò khách quan hơn đối với công việc. Vài tuần sau buổi phỏng vấn, thông qua một người bạn, Jane mới biết rằng chính sự thiếu tôn trọng đối với vai trò tạm thời của Melissa đã khiến Jane đánh mất cơ hội tìm được công việc ưng ý.
Đáng lý ra ngay lúc gặp mặt, Jane cần phải nhận thức được vị trí và vai trò của mỗi bên. Jane có thể nói thế này:
Đầu tiên, mình rất cảm ơn vì đã có cơ hội để tham gia buổi phỏng vấn này. Mình lấy làm xin lỗi vì đã đến muộn. Chuyến bay của mình từ Boston bị muộn đến hơn một tiếng đồng hồ. Vả lại, giao thông ở đây cũng không được tốt lắm. Trong thời gian cho phép, mình sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất những gì trong khả năng.
Để khẳng định sự trân trọng của mình dành cho vai trò chính thức của Melissa, Jane có thể nói tiếp:
Mình luôn sẵn lòng làm theo hướng dẫn và yêu cầu của cậu nhằm đảm bảo tính khách quan cho buổi phỏng vấn này.
Bài học quan trọng rút ra từ câu chuyện này chính là phải biết trân trọng cách người khác nhìn nhận về vai trò của chính họ. Và điều này lại càng đặc biệt quan trọng trong trường hợp chúng ta cùng chia sẻ các vai trò tạm thời của họ. Nếu không thể hiện được sự trân trọng cần thiết đối với những vai trò đó, rất có thể chúng ta sẽ khiến cho người khác cảm thấy không hài lòng trước những lời nói, hành vi nằm ngoài sự kỳ vọng của họ.
Xây dựng một vai trò tạm thời cho người khác
Các vai trò chính thức thường không giúp chúng ta phát huy tối đa các tiềm lực của mình để đạt được kết quả như mong đợi. Bằng cách đề nghị được hợp tác trên “cơ sở không chính thức”, chúng ta đã mở ra cơ hội để các bên tham gia có thể tự do chia sẻ ý kiến và tin tưởng lẫn nhau. Đây chính là bài học rút ra được từ vòng đàm phán do Thượng nghị sĩ Caradon, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, đứng ra khởi động.
Năm 1967, Thượng nghị sĩ Caradon mở chiến dịch vận động 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ cho Nghị quyết 242. Mục đích của Nghị quyết này là nhằm giải quyết những vấn đề rắc rối lớn trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Ngài Thượng nghị sĩ dự tính rằng nếu tiến hành bỏ phiếu ngay từ thời điểm bắt đầu chiến dịch, thì sẽ có rất nhiều thành viên trong Hội đồng Bảo an ủng hộ. Nhưng để đảm bảo tính thực thi cao nhất của Nghị quyết, Ngài cần đến cái gật đầu đồng ý của một trong những thành viên không tán thành chủ chốt là Liên bang Xô Viết.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, Kuznetsov, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Xô Viết, đã có một cuộc gặp mặt riêng với Thượng nghị sĩ Caradon. Kuznetsov đề nghị Caradon hoãn lại cuộc bỏ phiếu này khoảng hai ngày. Một chút lưỡng lự lẫn với chút lo lắng, Caradon nghĩ phía Liên Xô sẽ lợi dụng thời gian này để tiến hành biện pháp phản đối.
Nhưng sau đó, Kuznetsov đã khiến cho Thượng nghị sĩ Caradon phải ngạc nhiên. Ngài Thứ trưởng khẳng định rằng lời đề nghị này không phải đến từ phía chính phủ Xô Viết mà là từ cá nhân ông. Đòi hỏi bất thường này buộc Thượng nghị sĩ Caradon phải thay đổi quyết định trước đó của mình. Ngài Thượng nghị sĩ biết khá rõ về con người của vị Thứ trưởng: ông hết mực kính trọng và tin tưởng rằng Kuznetsov sẽ không làm bất cứ điều gì tổn hại đến mối quan hệ cá nhân giữa hai người. Ông chắc rằng Kuznetsov sẽ dùng thời gian này để thuyết phục chính phủ Xô Viết thay đổi quan điểm của họ. Caradon đã nói đơn giản rằng: “Cám ơn ông! Hai ngày tới ông cứ tùy ý sử dụng”. Sau đó, Thượng nghị sĩ Caradon quay trở lại phòng hội đồng và công bố quyết định dời thời gian bỏ phiếu lại hai ngày.
Hai ngày sau, cuộc bỏ phiếu được tiến hành và Nghị quyết 242 đã được các thành viên nhất trí thông qua.
Bằng cách chuyển đổi vai trò từ “đại diện” của mỗi quốc gia thành “cộng sự” của một tổ chức, cả Caradon và Kuznetsov đã dành cho nhau những tình cảm cùng sự tin tưởng để tự do phát biểu những vấn đề còn khuất tất và cùng kề vai sát cánh bên nhau trong một nhiệm vụ chung.
Bên cạnh đó, thông qua việc chuyển đổi vai trò này, cả hai đã tận dụng được lợi thế từ niềm tin cá nhân mang lại. Trong vai trò một người bạn và cộng sự, Kuznetsov đã dùng khoảng thời gian ấy để thuyết phục chính phủ của mình, mà không hề làm nguy hại đến thanh danh của Thượng nghị sĩ Caradon hay tương lai của Nghị quyết 242. Song, việc Caradon chấp nhận lời đề nghị cá nhân của Kuznetsov cũng chứng tỏ ông đã đặt niềm tin tuyệt đối của mình vào ý định tốt đẹp của vị Thứ trưởng này. Và một loạt các động thái của hai nhà ngoại giao này đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cho tiến trình bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc thành công rực rỡ.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VAI TRÒ THỎA ĐÁNG
Chắc bạn còn nhớ đến Ryan, anh chàng đã tìm đến sự tư vấn của Dan khi anh ta gặp rắc rối trong buổi đánh giá năng lực cuối năm. Sau đây là những lời khuyên của Dan dành cho Ryan căn cứ theo những mối quan tâm hàng đầu cho một vai trò thỏa đáng:
Vai trò
Chúng ta hãy thử nghĩ xem nên khuyên Ryan thế nào để cải thiện vai trò có tính quy ước và các vai trò tạm thời của anh ta.
Vai trò có tính quy ước. Ryan cảm thấy anh không thể hiện đúng vai trò của mình trong cơ quan, không khác gì một kẻ thụ động, chỉ chờ người khác giao việc mà thôi. Tất cả những công việc hằng ngày như viết báo cáo, giao dịch với khách hàng; đôi khi nán lại công ty để hoàn tất nốt phần việc trong ngày... đều là từ sự chỉ định của cấp trên. Dù yêu thích công việc của mình, nhưng Ryan vẫn cho rằng nó không thật sự thỏa đáng. Anh muốn chủ động trong công việc và linh hoạt trong giờ giấc hơn. Anh muốn có được nhiều kinh nghiệm hơn và cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình cùng các hoạt động thể thao.
Thay vì tiếp nhận một cách thụ động vai trò có tính quy ước của mình, Ryan nên bổ sung thêm nhiều hoạt động mới trong quá trình thực hiện. Anh có thể bàn với cấp trên vạch ra phương hướng cải thiện vai trò của anh sao cho có ý nghĩa hơn đối với cá nhân cũng như tổ chức. Chẳng hạn, đối với kỳ vọng trong công việc, anh có thể nói: “Một trong những mục tiêu lâu dài của tôi là trở thành nhà quản lý cấp cao. Với tư cách là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, ông có thể khuyên tôi nên tiếp tục thế nào để có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn? Với khả năng của mình, tôi có thể hỗ trợ thêm cho ông ở những phần việc gì?”.
Đối với nguyện vọng dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, anh có thể nói: “Vợ tôi thường tan sở sớm vào các ngày thứ Ba trong tuần để chăm nom bọn trẻ. Liệu tôi có thể làm việc thêm giờ vào những ngày thứ Ba để ngày thứ Tư tôi được nghỉ sớm hơn một chút để về với bọn trẻ?”.
Còn đối với các hoạt động thể thao, anh có thể bàn với cấp trên thu xếp thời gian làm việc thật linh hoạt để nhân viên có thể tham gia vào giải đấu thể thao do ngành, địa phương tổ chức. Những hoạt động như thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty vừa tăng cường mối quan hệ cộng đồng vừa thúc đẩy tinh thần đồng đội trong đội ngũ nhân viên.
Các vai trò tạm thời. Trước khi vào phòng họp, Ryan đã chuẩn bị tinh thần để đóng vai một nạn nhân chịu sự quở trách từ cấp trên. Chính vì thế, anh hầu như không chú ý đến lời khen ngợi mà lại đợi những đánh giá phê bình để rồi sau đó lại quay sang biện hộ cho mình. Cả hai vai trò: nạn nhân và người bào chữa đều không giúp anh đạt được kết quả như mong đợi mà thậm chí còn làm cho mối quan hệ giữa anh với cấp trên thêm căng thẳng.
Để cuộc họp diễn ra thuận lợi, Ryan nên xem lại danh sách các vai trò tạm thời của mình. Đầu tiên, anh có thể đóng vai một người nghe để tiếp nhận một cách thấu đáo những gì cấp trên đã nhận định và quan sát trong suốt một năm qua. Và sau đó, anh nên chuyển sang suy nghĩ tích cực, cùng với cấp trên quyết định phương thức cải thiện chất lượng công việc và cuộc sống cá nhân.
Sự trân trọng
Khi vừa bước vào phòng, Ryan đã ngay lập tức dò xét tâm trạng cấp trên của mình tốt xấu thế nào. Hành động này đồng nghĩa với việc anh chấp nhận để cho tâm trạng của cấp trên chi phối tinh thần chung của buổi họp. Để thiết lập một bầu không khí ôn hòa, Ryan nên thể hiện sự trân trọng đối với những lời nhận xét góp ý của cấp trên. Không có vị cấp trên nào lại lên án gay gắt thuộc cấp của mình nếu người đó tỏ rõ thiện chí muốn lắng nghe.
Ryan cần bộc lộ sự trân trọng một cách chân thành. Dù Ryan có khôn khéo dùng những lời hoa mỹ để ca ngợi cấp trên thế nào thì ông ta sẽ nhận ra ngay và tình hình lúc ấy sẽ càng tồi tệ hơn. Vì vậy, trước khi tham gia buổi họp đánh giá, Ryan nên chuẩn bị trước những cách thức thể hiện sự trân trọng đúng mực. Chẳng hạn, Ryan có thể nói: “Sếp có biết lý do lớn nhất khiến tôi quyết định ở lại và cống hiến sức mình cho công ty suốt những năm qua là gì hay không? Vâng, đó chính là tinh thần làm việc tận tụy mà ban lãnh đạo công ty đã tạo nên. Chính nhờ điều này mà bản thân tôi cũng như các nhân viên khác có thể thoải mái bày tỏ những vấn đề mình quan tâm cũng như lắng nghe những lời đánh giá khách quan và xác thực về mình”.
Khi đã tỏ rõ thiện chí lắng nghe, Ryan có thể phần nào hiểu được cách nhìn nhận của cấp trên về những đóng góp của mình cho công ty. Đổi lại, một khi người quản lý cảm thấy thông điệp của mình được nhân viên chân thành đón nhận, dĩ nhiên ông cũng sẽ cởi mở đón nhận những phản hồi từ phía anh.
Sau buổi họp, Ryan có thể gửi cho sếp một bức e-mail, trong đó bộc lộ rõ những điều mình đã rút ra được từ buổi họp, rằng những đề nghị của ông hữu ích thế nào, và lời hứa nỗ lực sửa đổi tác phong trong tương lai của anh ra sao. Cuối thư, Ryan có thể gợi ý cho cấp trên tổ chức những dịp lấy ý kiến phản hồi như thế này thường xuyên hơn để nhân viên có thể cải thiện năng suất làm việc và cả mối quan hệ với cấp trên.
Mối liên kết
Trong cuộc họp ấy, dường như Ryan và cấp trên của mình đã đóng vai của những kẻ đối đầu. Ryan bước vào trong tư thế phòng thủ, anh đã dựng nên một bức tường tâm lý bảo vệ bản thân trước bất kỳ “đợt công kích” nào của cấp trên. Còn vị lãnh đạo nọ cũng vậy. Ông đã không chịu thừa nhận quan điểm của Ryan mà chỉ nhất nhất đưa ra ý kiến cá nhân. Thái độ của cả hai người chẳng khác gì những kẻ đi châm ngòi cho một cuộc chiến. Nếu tâm lý bình đẳng được thiết lập giữa hai người khi đối mặt với vấn đề chung thì đã không xảy ra những điều đáng tiếc.
Như vậy, thay vì phủ nhận bất kỳ ý kiến phê bình nào từ phía cấp trên, Ryan nên tiếp nhận và điều chỉnh chúng trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi và hướng đến một mối liên kết tốt đẹp hơn. Sau khi lắng nghe cấp trên nhận xét, Ryan có thể nói:
Quả thật tôi có đôi chút sơ suất và chậm trễ khi không viết bản báo cáo đó. Không phải là tôi không xem trọng khách hàng nhưng trong thời gian qua tôi cũng gặp chút khó khăn khi cùng một lúc phải lo thu xếp cả công việc công ty lẫn việc nhà. Nếu có thể, xin ông hãy dành cho tôi một vài phút để giúp tôi phân bố thời gian cho thật hợp lý, vừa chu toàn chuyện gia đình mà vừa đảm bảo công việc hiệu quả. Ông thấy sao? Còn về phần mình, tôi có ý kiến thế này: Tôi sẽ thường xuyên kiểm tra các tin nhắn điện thoại có liên quan đến công việc sau khi tan sở. Nếu xét thấy thực sự cần thiết và khẩn cấp, tôi sẽ nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý ngay. Vợ tôi có thể giúp tôi trông nom bọn trẻ trong trường hợp công việc ở cơ quan cần được ưu tiên giải quyết. Ông có cách nào hiệu quả hơn không?
Ngoài ra, Ryan còn có thể hỏi kinh nghiệm của cấp trên trong việc sắp xếp thời gian cho gia đình và công việc. Đây có thể là cơ hội để Ryan thiết lập một mối quan hệ cá nhân trên cơ sở chia sẻ những kinh nghiệm và vai trò mà các ông bố thường gặp. Anh có thể hỏi: “Làm cách nào mà ông vừa có thể chăm sóc chu đáo cho bọn trẻ vừa có thể đảm đương trọng trách như thế này ở công ty?”. Nhưng Ryan chỉ nên đưa ra vấn đề một khi anh thật sự muốn nghe câu trả lời. Nếu không, anh sẽ phá vỡ sự liên kết chân thành mà anh đã cất công tạo dựng.
Quyền tự quyết
Trong cuộc họp này, Ryan đã tự giới hạn đến mức không cần thiết quyền tự quyết của mình. Anh nhìn nhận những đánh giá của cấp trên như là các “sự thật” được công bố. Mỗi khi không đồng tình với điểm đánh giá nào đó, anh chỉ muốn hét to lên: “Tôi không phải là người như vậy!”.
Trong hoàn cảnh này, Ryan nên định hình quyền tự chủ bản thân ngay trong suy nghĩ của mình. Anh nên xem lời nhận định của cấp trên như những giả thuyết để nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng và thấu đáo hơn. Thay vì cố giữ thế phòng thủ trong suốt cuộc họp, Ryan có thể tích cực lắng nghe, sau đó trong một không gian thoải mái hơn anh sẽ rà soát lại trách nhiệm đối với công việc trong suốt thời gian qua.
Trong trường hợp nếu Ryan vẫn không đồng tình với đánh giá của cấp trên thì anh cần làm gì? Khi đó, Ryan hoàn toàn có quyền tự lựa chọn cho mình hình thức trao đổi trực tiếp để trình bày những suy nghĩ và cách thức giải quyết vấn đề. Nếu cấp trên đề cập đến những vấn đề thật sự có tầm ảnh hưởng đến tương lai của anh ở công ty, Ryan có thể đặt câu hỏi để biết thêm thông tin.
Vì cứ nghĩ bản thân không có bất cứ quyền hạn gì trong buổi họp với những đánh giá về năng lực và tác phong làm việc của mình nên Ryan hoàn toàn thụ động. Nhưng sự thực thì anh hoàn toàn có quyền đề xuất ý kiến của riêng mình. Vì vậy trước khi vào họp, Ryan có thể chuẩn bị trước một bản danh mục đề cập đến những khía cạnh được cũng như chưa được của bản thân. Thông qua bản ghi nhớ này, Ryan có thể thoải mái và chủ động đưa ra các câu hỏi nhằm cải thiện năng lực làm việc của mình; đồng thời cấp trên cũng cảm thấy bớt đi gánh nặng khi phải đánh giá năng lực của thuộc cấp.
Địa vị
Ryan có vẻ đã mắc sai lầm khi cho rằng địa vị của cấp trên và cấp dưới tỷ lệ nghịch với nhau. Cuộc họp bỗng biến thành một cuộc chơi quyền lực, trong đó người trên cố gắng lấn át kẻ dưới để khẳng định những nhận định, đánh giá của mình là hoàn toàn đúng. Đây là một cách suy nghĩ vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng về mặt tình cảm.
Mỗi người đều có vị thế riêng của mình đáng để người khác tôn trọng. Rõ ràng, cấp trên của Ryan có quyền đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng Ryan lại có ưu thế hơn trong việc viết các bản báo cáo và trao đổi với khách hàng sao cho hiệu quả. Vì vậy, cả hai cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau để cho công việc tiến hành suôn sẻ và công ty ngày một phát triển tốt hơn.
TÓM TẮT
Trong quá trình đàm phán, chúng ta có thể đảm nhận các vai trò khác nhau. Với hầu hết các trường hợp, chúng ta hoàn toàn có quyền quyết định chọn lựa bất kỳ vai trò nào miễn là cảm thấy thỏa đáng và thích hợp. Đối với một vai trò có tính quy ước, chúng ta thỏa sức mở rộng các hoạt động có liên quan. Và trong phần lớn các vai trò khác, ta nên tập trung chú ý đến các lĩnh vực nằm ngoài kỳ vọng của bản thân, thậm chí là những việc gây nhàm chán và cả vấn đề sử dụng thời gian sao cho thật hợp lý. Nhưng đôi khi ta cũng cần thu hẹp, giới hạn vai trò của mình trong một phạm vi hoạt động chỉ dừng lại ở mức hoàn thành nhiệm vụ hay đáp ứng sự kỳ vọng của người khác.
Để khẳng định vai trò của bản thân, chúng ta phải luôn nỗ lực hết mình, không ngừng trải nghiệm. Cùng với thời gian, chúng ta có thể chuyển đổi vai trò của mình cho phù hợp với sở thích và hoàn cảnh cụ thể.