Điều chúng ta cần làm là nhận biết vị thế thực sự của mình và của đối tác
Một người đàn ông trung niên thường cảm thấy đau ở ngực nên đã đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ khám và chẩn đoán đó là triệu chứng bệnh tim. Để thuận lợi cho việc theo dõi bệnh tình, bác sĩ đề nghị ông nhập viện và thường xuyên theo dõi nhịp tim của ông bằng một thiết bị gắn lên người. Ngoài ra, bệnh viện còn phân công một nữ y tá trực bên cạnh ông vào ban đêm.
Sáng hôm sau, một vị bác sĩ trẻ đến kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Khi bác sĩ đang xem xét hồ sơ bệnh án và hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân thì cô y tá thông báo rằng đêm qua, nhịp tim của bệnh nhân có nhiều lúc không bình thường và đề nghị nên chuyển bệnh nhân sang phòng chăm sóc đặc biệt.
Vị bác sĩ liền nói: “Ban nãy tôi có hỏi thì bệnh nhân cho biết sáng nay ông cảm thấy đã khỏe lên rất nhiều. Tôi không thể chỉ căn cứ vào một vài nhịp tim không bình thường mà chuyển bệnh nhân xuống phòng chăm sóc đặc biệt được”.
“Nhưng thưa bác sĩ, sẽ mất thời gian nếu…” - cô y tá phân trần.
Bác sĩ tỏ vẻ gắt gỏng: “Cô đã chăm sóc được bao nhiêu bệnh nhân có vấn đề về tim rồi? Tôi đã khám, đã chẩn đoán và quyết định phương án điều trị cho ông ấy. Còn bây giờ, nhiệm vụ của cô là làm theo những gì ghi ở đây”.
Người y tá lặng thinh. Cô cảm thấy vừa giận bản thân mình đã cung cấp những thông tin không tác dụng, vừa khó chịu trước thái độ kiêu căng và xem thường người khác của tay bác sĩ. Sau khi bác sĩ đi rồi, cô mới chợt nhớ ra là giữa đêm qua, bệnh nhân đã bị những cơn đau dữ dội ở vùng ngực, lan cả lên vùng cánh tay. Thế nhưng lần này, cô quyết định sẽ không báo lại với bác sĩ vì nghĩ rằng nói ra cũng vô ích.
Vài giờ sau, tim bệnh nhân ngừng đập. Mười phút sau đó, đội ngũ các y bác sĩ mới có mặt và đã không còn kịp làm điều tốt nhất. Bệnh nhân tuy được cứu, nhưng phải sống suốt phần đời còn lại nhờ vào máy móc.
Đâu là nguyên nhân đẩy sự việc đi đến chỗ đáng tiếc như vậy? Có thể khẳng định rằng vị thế chính là tác nhân lớn nhất gây ra những hậu quả khôn lường. Vị thế là mối tương quan về chỗ đứng của chúng ta trong một phạm trù, một lĩnh vực nhất định so với những người khác. Một khi cảm thấy vị thế của mình bị hạ thấp, chúng ta thường đối mặt với cảm giác ngượng ngùng, tức giận, từ đó có thể gây ra những hành động mất lý trí.
VỊ THẾ LÀM GIA TĂNG LÒNG KÍNH TRỌNG VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG
Hầu hết chúng ta đều mong muốn mình được nhìn nhận ở một vị trí nhất định. Chúng ta mong muốn được quan tâm, chú ý lắng nghe và mở rộng sự giao lưu. Cho dù địa vị của chúng ta được xây dựng trên nền tảng nào, học vấn, tài năng, gia thế, công việc hay chức tước ra sao, miễn là khi được người khác cũng như chính bản thân mình nhìn nhận và xem trọng địa vị ấy thì chúng ta đều thấy mãn nguyện. Một vị thế tốt khiến cho lời nói và hành động của chúng ta trở nên có trọng lượng hơn, khi đó chúng ta cũng sẽ lan tỏa một sức ảnh hưởng nhất định đến những người xung quanh.
KHÔNG NÊN CẠNH TRANH VỊ THẾ
Trên thực tế, giữa các nhà đàm phán thường xảy ra hiện tượng phân định cao thấp về địa vị, như thể địa vị là một thang bậc bổ dọc theo hướng từ trên xuống. Chúng ta thường có sự dò xét về vai trò, cấp bậc, quyền hạn của mình với đồng nghiệp.
Ý muốn cạnh tranh vị thế chính là nguyên nhân khơi nguồn cho các cảm xúc tiêu cực. Khi cuộc chiến ngã ngũ, kẻ thua người thắng đều không giành được kết quả tốt đẹp. Kẻ thua sẽ cảm thấy bực dọc và giảm nhiệt tình hợp tác. Ngược lại, người thắng cũng sẽ có tâm lý chủ quan, xem thường đối phương và làm ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo cũng như hiệu quả hợp tác.
Trong chương này, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn một cách nhìn khác về ý nghĩa của vị thế trong môi trường đầy tính cạnh tranh. Điều cần thiết là chúng ta cần phải nhìn nhận đúng vị thế của người khác để từ đó đưa ra cách ứng xử thích hợp với từng đối tượng cụ thể. Vị thế có liên quan đến khả năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn. Đôi khi người có địa vị xã hội cao chưa hẳn đã có vị thế tốt. Chúng tôi gọi dạng này là vị thế riêng và nó cho phép chúng ta vực dậy lòng tự tôn của những người xung quanh và tạo ra sự thay đổi ngay trong chính bản thân mình.
Ý NGHĨA CỦA ĐỊA VỊ XÃ HỘI
Địa vị xã hội là thước đo tầm quan trọng và danh tiếng của một người được xã hội thừa nhận. Địa vị xã hội xác định chỗ đứng của một cá nhân trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn trong một khu phố, một cơ quan, một thành phố, một quốc gia hay trên toàn thế giới.
Ở cấp toàn cầu, địa vị xã hội được sắp xếp theo một thang bậc từ trên xuống. Chiếm thứ bậc cao nhất là các thành phần vô cùng quan trọng (VIP – very important person) của xã hội: hoàng gia, tổng thống, thủ tướng chính phủ, ngôi sao màn bạc, người giàu có, người thành công hay người có danh tiếng. Bị xếp cuối cùng trong thang bậc xã hội là những người nghèo, người thất nghiệp và kẻ vô gia cư. Phần còn lại được xếp tại các thứ bậc khác nhau ở khoảng giữa.
Ở cấp tổ chức, giữa các đồng nghiệp sẽ có sự phân biệt đối xử với từng người, từng nhóm với nhau tùy thuộc vào vị trí của họ trong hệ thống cấp bậc của cơ quan, đoàn thể. Trong một công ty, thái độ của nhân viên đối với vị tổng giám đốc cũng gần như thái độ của công chúng đối với người lãnh đạo chính phủ. Trong khi đó, những người ở nấc thang cuối lại phải không ngừng đấu tranh để có được sự thừa nhận cơ bản của mọi người.
Trong các cuộc đàm phán giữa đôi bên, địa vị xã hội cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Các nhà đàm phán thường đánh giá đối tác trong tương quan về địa vị xã hội. Để có được ưu thế về địa vị, họ thường dùng một số mẹo vặt như nhắc đến danh tiếng trường đại học họ tốt nghiệp, một sự kiện quan trọng mà họ tham dự, hay thậm chí là những bước thăng tiến trong sự nghiệp.
Nhận thức rõ về địa vị xã hội
Trong quá trình đàm phán, bằng một hình thức nào đó, trực tiếp hay gián tiếp chúng ta sẽ bộc lộ cách chúng ta nhìn nhận về địa vị của bản thân và kỳ vọng ở người khác một thái độ hành xử thích đáng. Những người có địa vị xã hội cao như chủ tịch tập đoàn hay đại sứ, đều muốn người khác dành cho mình một sự kính trọng đặc biệt. Khi có sự chuẩn bị kỹ càng cùng với thái độ nghiêm túc lắng nghe, chúng ta sẽ nhận biết chính xác quan điểm của một người về địa vị của bản thân trong xã hội.
Manh mối rõ ràng nhất cho thấy đánh giá của một người về địa vị của bản thân và của người khác chính là lời nói của người đó. Bạn cần phải hiểu rõ mức độ lễ nghi trong giao tiếp để người đối thoại với mình cảm thấy được tôn trọng và thoải mái.
Trong hầu hết các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, sự nhìn nhận của chúng ta về địa vị xã hội của một người được thể hiện qua cách gọi tên và xưng hô với nhau. Ở một số nền văn hóa, việc một nhà đàm phán có cấp bậc thấp gọi một quan chức cấp cao bằng tên tục được xem là một hành động khiếm nhã. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là bạn nên bắt đầu bằng cách xưng hô theo lối trang trọng, rồi sau đó khi đã thân tình thì hãy xưng hô thân mật hơn.
Cung cách ứng xử hòa nhã, lịch thiệp
Thái độ ứng xử của chúng ta dành cho đối phương thường phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ. Nếu đối phương là một người thuộc hàng khách VIP, tự nhiên chúng ta sẽ dành cho họ một sự chăm sóc đặc biệt. Nhưng đó là một quan điểm sai lầm, nhất là khi chúng ta muốn khai thác những lợi ích từ các tình cảm tích cực trong đàm phán. Vì thế, chúng ta cần phải giữ thái độ hòa nhã trong cách ứng xử đối với mọi đối tượng đàm phán, bất kể họ có một địa vị như thế nào trong xã hội. Trên phương diện là một cá nhân trong xã hội, tất cả chúng ta đều xứng đáng với lòng tự trọng của bản thân và sự tôn trọng của người khác, thế nên địa vị của mọi người đều ngang bằng nhau.
VỊ THẾ CỦA MỖI CÁ NHÂN
Bên cạnh nhận thức của xã hội, vị thế còn được xác định dựa trên thứ bậc do bản thân hay người khác xếp hạng trong một vài lĩnh vực nhất định. Vị thế trong các lĩnh vực có liên quan đến khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hay học vấn hoàn toàn độc lập với địa vị xã hội. Chúng tôi gọi trường hợp này là vị thế riêng. Trong đó, mỗi người đều có thế mạnh, sở trường riêng vượt trên người khác trong một lĩnh vực nào đó.
Cách thức nhận biết vị thế riêng
Càng hiểu rõ về cách người khác nhìn nhận địa vị của chính họ, bạn càng có nhiều lợi thế trong việc tranh thủ các tình cảm tích cực từ phía họ. Dưới đây là bản liệt kê ngắn về các khía cạnh cấu thành vị thế riêng của mỗi người:
• Học vấn
• Kỹ năng vi tính
• Kinh nghiệm kinh doanh
• Khả năng chuyên môn
• Tầm nhìn chiến lược
• Tài nấu ăn
• Các mối quan hệ
• Uy tín và đạo đức
• Hoạt động xã hội
• Kinh nghiệm sống
• Đời sống tình cảm
• Kỹ năng trong nhiều lĩnh vực
• Ưu điểm nổi trội
• Năng khiếu thể dục thể thao
Nhìn nhận vị thế của người khác
Trong các lĩnh vực, thay vì chú tâm cạnh tranh vị thế với nhau, từng người có thể xác lập vị thế riêng của mình dựa trên khả năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn. Và từ đó, chúng ta cũng tìm ra những thế mạnh của người khác trong tương quan với bản thân mình.
Hỏi xin lời khuyên là một cách rất tốt để thừa nhận địa vị của một người trong khi vẫn không tự hạ thấp địa vị của bản thân. Về việc này, Dan cho rằng cách ông đã làm có thể hữu ích ngay cả trong những tình huống bất ngờ nhất.
Sau khi kết thúc buổi huấn luyện cho khóa đàm phán tại Pittsburgh, tôi vào một nhà hàng địa phương dùng buổi tối và dự tính sẽ tranh thủ thời gian xem lại một số vấn đề. Người phục vụ báo rằng nhà hàng đã kín chỗ, nhưng nếu muốn, tôi có thể gọi món ở quầy bar. Tôi đến quầy bar, tìm một chiếc ghế trống để ngồi xuống và lấy giấy viết ra ghi chép đôi điều.
Đột nhiên, ở góc bên trái có một tiếng gằn: “Gã này nghĩ gã là ai chứ?”.
Tôi giả lơ như không nghe thấy, mặt vẫn cắm cúi xuống bàn. Sở dĩ tôi làm vậy vì không nghĩ câu nói khiếm nhã kia lại nhằm vào tôi. Thế nhưng sự hiếu kỳ pha lẫn một chút băn khoăn, tôi ngẩng đầu nhìn về phía bên trái mình. Tôi thấy hai gã đàn ông lực lưỡng đang nhìn chằm chằm vào tôi.
Tình thế có vẻ càng lúc càng xấu đi. Một gã sấn lại gần tôi, gằn giọng đầy vẻ xấc xược: “Mày có biết là sắp gặp rắc rối lớn không?”.
Ngập ngừng trong giây lát, tôi trả lời: “Vâng, tôi biết!”.
Gã vẫn trừng mắt nhìn tôi. Tôi có linh cảm là mình sắp bị ăn đấm vào mặt. Đầu óc tôi lúc đó xoay vần với muôn vàn ý nghĩ, cố tìm cách đưa mình thoát khỏi tình thế nguy hiểm này. Nhưng tôi vẫn không biết phải làm thế nào để xoa dịu tình hình.
Đột nhiên tôi nảy ra một ý: Tôi muốn hỏi xin hắn lời khuyên. Tôi liền hỏi: “Trong tình thế này, anh khuyên tôi nên làm thế nào?”.
Sắc mặt hắn thay đổi hoàn toàn, chuyển từ giận dữ sang hãnh diện. Địa vị của hắn bây giờ đã được đẩy lên cao. Hắn đứng sững lại, chẳng nói gì. Sau một hồi thì hất mặt nhìn tôi kênh kiệu như thể hắn biết nhưng không thèm trả lời tôi, rồi quay trở về chỗ ngồi cách tôi chỉ hai chiếc ghế. Lúc này, hắn không còn đoái hoài gì đến tôi nữa mà quay sang nói chuyện với đám bạn đi cùng.
Ở ví dụ trên, mục tiêu của Dan là xoa dịu sự căng thẳng chứ không phải thúc đẩy nó theo hướng ngược lại. Dan đã tranh thủ thời gian để tự hỏi: Phải làm thế nào để vừa tỏ thái độ tôn trọng địa vị của đối phương vừa không tự hạ thấp bản thân. Bằng cách nhờ đối phương chỉ giúp làm thế nào để giải quyết rắc rối, Dan đã hướng vai trò của hắn chuyển từ kẻ gây sự sang người cố vấn có địa vị được đánh giá cao.
Giá trị của một vị thế tốt
Một lần trợ lý của Roger mang đến phòng làm việc của ông một xấp thư dày cộm đặt trên bàn. Đó là những lá thư có nội dung chỉ trích ông. Đọc xong, ông liền quay sang hỏi người trợ lý của mình:
- Thư gửi cho tôi đều là những lá thư như thế này cả ư? Có phải mọi người đều không ủng hộ việc làm của tôi?
Người trợ lý đáp:
- Không phải như vậy! Phần lớn thư gửi cho ông đều là từ người hâm mộ và luôn đánh giá cao những thành quả của ông. Tôi đã lên danh sách và lưu lại cẩn thận. Còn đây là những lá thư đề cập đến những vấn đề mà ông cần phải khắc phục.
Roger liền bảo người trợ lý của mình:
- Hãy mang đến cho tôi những lá thư của người hâm mộ. Còn những lá thư này, cô hãy đọc và nhắc nhở tôi về những gì nên làm và không nên làm.
Quả vậy, những lời tán dương bao giờ cũng có tác động khích lệ tinh thần tốt hơn những lời chỉ trích. Roger vẫn có thể dành thời giờ để đọc và trả lời tất cả những ý kiến chỉ trích mình nhưng ông đã chọn cách làm ngược lại. Lý do khiến ông chọn phương thức này một phần là để trút bỏ gánh nặng tinh thần, phần nữa để tránh những tư tưởng tiêu cực có thể chi phối công việc của ông.
Hãy trân trọng vị thế của mình, tự tin về khả năng đóng góp của bản thân vào quá trình đàm phán – từ khả năng chuyên môn cho đến các phẩm chất riêng của bản thân. Nếu cần, bạn có thể tự động viên mình bằng cách nghĩ về những người thân yêu, bạn bè xung quanh luôn tin tưởng, trân trọng và ủng hộ bạn. Những lúc hoang mang về địa vị của mình, hãy nhớ đến những lời của họ nói về những ưu điểm, khả năng, phẩm chất của bạn.
Mỗi khi hoàn tất một cuộc đàm phán khó khăn, bạn cần phải xem xét lại toàn bộ quá trình để rút ra những bài học kinh nghiệm cho những lần tới, đồng thời bạn cũng đừng quên để bản thân tận hưởng hương vị của thành công. Hãy tự hào về địa vị xã hội hiện tại và vị thế riêng của mình, nhìn nhận những thành quả do chính mình tạo dựng và cho phép bản thân được thụ hưởng những thành quả ấy.
NHẬN THỨC GIỚI HẠN CỦA VỊ THẾ
Việc xem trọng ý kiến đúng đắn của những người có địa vị cao hơn là hết sức quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, bạn cũng cần phải tỉnh táo nhận thức được mặt lợi và hại của vấn đề, tránh không để bản thân phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực khi đối phương dựa vào địa vị để thực hiện những hành vi đi quá giới hạn cho phép.
Trân trọng những ý kiến giá trị
Bạn nên thể hiện sự trân trọng của mình đối với địa vị của mọi người thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, miễn là có liên quan đến tiến trình cuộc đàm phán và chứa đựng những giá trị nhất định. Giả sử bạn đang bị đau răng. Bạn chia sẻ với người bạn thân và bạn nhận được an ủi rằng mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì. Nhưng sau đó, người hàng xóm của bạn, vốn là một bác sĩ nha khoa có tiếng khám giúp bạn và khuyên nên nhổ gấp cái răng đó đi. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, bạn nên nghe theo ý kiến của vị bác sĩ vì đây là lĩnh vực mà ông ấy đã đạt được một địa vị và uy tín nhất định trong xã hội.
Mỗi tổ chức đều được phân chia thành những cấp bậc cao thấp khác nhau với các phạm vi địa vị riêng cần được tôn trọng xứng đáng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng được các bên tham gia đàm phán thực hiện một cách tích cực. Có lúc, đối phương sẽ có những hành động hay lời nói làm tổn hại địa vị của bạn. Trong những trường hợp như vậy, bạn cần phải xác định rõ với đối phương về phạm vi địa vị của mình. Như vậy, bạn mới có thể tránh khỏi cảm giác bị lấn lướt hay lạm quyền. Nói tóm lại, bạn cần phải làm rõ vai trò bản thân.
Chúng ta thử xem xét trường hợp sau:
Một nữ luật sư trẻ được mời tham gia một cuộc họp cùng với đối tác. Cô đến phòng họp sớm một vài phút và cô thấy vị đối tác lão thành của công ty kia đã ngồi ở đó rồi. Ông ta đang ở phía đầu bàn họp, lúi húi xem xét các bản ghi chú. Trong khi vẫn cúi đầu chăm chú đọc, ông nói với cô: “Này cô gái, lấy giúp tôi một tách cà phê ở đằng kia. Tôi uống cà phê đen, không đường không kem”.
Cô luật sư thực sự bối rối, không biết phải nên làm gì trong tình huống này. “Liệu có phải ông ấy lầm mình với cô thư ký nào đó chăng? Hay mình cứ rót cà phê mang lại cho ông ấy rồi để từ từ ông ấy tự nhận ra sự lầm lẫn?”. Dù sao, cô cũng muốn tránh cho vị đối tác khỏi cảm giác lúng túng khi biết mình đã phạm sai lầm, nhưng cô cũng không muốn bản thân bị hạ thấp. Cuối cùng, cô đành lên tiếng:
Xin lỗi vì tôi đã sơ ý không tự giới thiệu sớm hơn. [Cô đã cho thấy sự độ lượng của mình khi xác định sự lầm lẫn của đối tác]. Tôi là Sarah Jones, luật sư của Smyth, Wilcox và Adams. [Cô làm rõ vai trò của mình]. Thật là trùng hợp khi cả ông và tôi đều đến sớm, vậy sao không tận dụng cơ hội này để bàn bạc trước một số các vấn đề mà chúng ta sẽ phải giải quyết trong buổi sáng hôm nay? [Cô thể hiện tác phong chuyên nghiệp của mình]. Nhưng trước tiên để tôi lấy tách cà phê cho hai chúng ta đã. Ông có muốn dùng bánh ngọt không? Bánh ở đằng kia, ông cứ tự nhiên nhé. Nếu lấy, ông vui lòng lấy giúp tôi một cái. Tôi cũng muốn ăn. [Cô xác định cho đối phương thấy rằng địa vị của họ ngang nhau trên phương diện là những cộng sự cùng hợp tác giải quyết các vấn đề].
Cô luật sư trẻ đã khéo léo xoay chuyển tình huống khó xử giữa đôi bên, vừa không để đối phương phải lúng túng khi nhận ra sự lầm lẫn, vừa khẳng định được vị thế của cá nhân cô, đồng thời tạo ra một không khí thân mật và hợp tác vui vẻ.
Khi bàn về địa vị xã hội hay vị thế riêng trong đàm phán, vấn đề cảm xúc cần được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bất luận trong hoàn cảnh nào, hành vi giẫm lên người khác để tự nâng mình không bao giờ được đánh giá là một cách làm hay. Hãy xác định rõ vai trò của bạn với đối phương và thể hiện vai trò của mình một cách chuyên nghiệp.
Lưu ý các tác động gián tiếp của vị thế
Có một thực tế thường xảy ra khi những người có địa vị cao trong xã hội hay trong một lĩnh vực nào đó đưa ra ý kiến của họ về một vấn đề không liên quan gì đến chuyên môn của họ nhưng vẫn được mọi người xem trọng. Chúng tôi gọi đó là hiện tượng tác động gián tiếp của vị thế và khuyên các bạn cần phải hết sức thận trọng trong những trường hợp này. Sự tôn trọng chỉ nên dành cho những gì thật sự xứng đáng mà thôi. Đừng để ánh hào quang của những người có địa vị cao làm lu mờ nhận định của bạn và xuôi theo họ một cách mù quáng.
Lẽ dĩ nhiên, giới nghệ sĩ, chính khách, thương nhân và những thành phần có danh tiếng trong xã hội đều có quyền hay khả năng trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực tay trái của họ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng khi tiếp nhận những ý kiến của họ. Bạn cần phải biết chọn lọc những giá trị bên trong mỗi quan điểm, nhận định của họ và không nên để uy tín của họ thuyết phục bạn. Khi một diễn viên xuất hiện trên truyền hình, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, quàng quanh cổ cái ống nghe, tay cầm một nhãn hàng dược phẩm và giới thiệu về sản phẩm đó, khi ấy anh ta chỉ đang làm tròn vai diễn mà thôi.
Hiện tượng tác động gián tiếp của vị thế là một hiểm họa ngấm ngầm trong đàm phán. Chúng ta hãy xem những khó khăn mà người phụ nữ trẻ tên Melissa phải đối mặt khi tìm mua một căn hộ. Cô tìm thấy một căn nhà ưng ý nhưng nhân viên môi giới bất động sản đã gây sức ép khi hối thúc cô đặt bút ký mua nó ngay trong ngày hôm đó, nếu không sẽ có người khác mua mất. Cô lấy làm lo lắng vì thời gian hạn hẹp khiến cô không thể đạt được thỏa thuận với một mức thế chấp hợp lý, và cô cũng sợ phải đặt bút ký một hợp đồng với các điều khoản chưa rõ ràng.
Người nhân viên nọ cam đoan với cô rằng đây là căn nhà có mức thế chấp thấp nhất từ trước đến nay. Nhưng cô lại băn khoăn không biết những lời anh ta vừa nói có thật hay không vì cô cũng thừa hiểu anh ta muốn được nhanh chóng hưởng 5% tiền hoa hồng khi bán được căn nhà. Là người môi giới bất động sản, chắc hẳn anh ta biết rất rõ vấn đề nhà đất nhưng còn vấn đề thế chấp lại là chuyện khác. Vì vậy, Melissa cần phải cẩn trọng xem xét liệu đây có phải là một trường hợp địa vị tác động gián tiếp hay không.
Để bản thân tránh khỏi những tác động gián tiếp của vị thế, bạn nên xác định rõ các lĩnh vực làm nên tên tuổi, địa vị của đối phương. Họ sẽ có khuynh hướng lắng nghe bạn nhiều hơn nếu thấy bạn thừa nhận vị thế riêng của họ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thành thật của bạn. Những lời tâng bốc dối trá không những không có tác dụng mà đôi khi còn gây nên phản ứng ngược. Melissa nên để người nhân viên nọ biết rằng cô đánh giá cao khả năng của anh ta qua việc đã giúp cô tìm được một căn nhà như ý. Nhưng cô cũng muốn tham khảo thêm ý kiến của những người khác. Đối với những vấn đề quan trọng, sẽ không ai cho rằng bạn đang xúc phạm họ khi thực hiện cách làm này, cho dù người đối thoại của bạn có là cấp trên, luật sư, bác sĩ hay thậm chí là người bạn đời của bạn. Trong trường hợp trên, Melissa có thể nói với nhân viên môi giới rằng: “Tôi muốn tham khảo thêm ý kiến khác trước khi đưa ra quyết định. Ông có thể giới thiệu giúp tôi một vài người am hiểu trong lĩnh vực này hay ngân hàng thích hợp để tôi hỏi họ về vấn đề tiền thế chấp được không?”.
VỊ THẾ CÓ THỂ ĐƯỢC NÂNG CAO VÀ CŨNG CÓ THỂ BỊ HẠ THẤP
Rất nhiều người cho rằng vị thế là một phạm trù bất biến. Nhận định này có thể xuất phát từ khái niệm của địa vị hoàng tộc: những người được sinh ra có quan hệ huyết thống với hoàng thân quốc thích sẽ được liệt vào giai cấp thống trị. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, vị thế của một người không được xác định dựa vào gia thế mà dựa trên sự cố gắng của bản thân và cơ sở các thành tựu.
Trong quá trình đàm phán, việc không ngừng trau dồi kiến thức ở những lĩnh vực liên quan sẽ giúp bạn cải thiện địa vị của mình. Ví dụ, khi gặp phải những vấn đề khuất tất ở cơ quan thì trước khi đến gặp giám đốc để trình bày quan điểm của bản thân về sự việc này, bạn nên gặp đại diện của phòng hành chính-nhân sự để tìm hiểu các chính sách cũng như chế độ đãi ngộ của công ty. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thêm các thông tin khác nhằm củng cố vị thế riêng của bạn trong quá trình thương lượng giữa đôi bên. Trong trường hợp nỗ lực cải thiện địa vị xã hội của bạn gặp phải trở ngại xuất phát từ những khiếm khuyết về hành vi ứng xử hay khả năng giao tế, bạn có thể tham khảo ý kiến của người khác để xử lý cảm xúc của mình sao cho hiệu quả hơn, quyết đoán hơn và đạt được kết quả thật mỹ mãn.
Chính chúng ta là người chủ động tạo nên địa vị cho mình. Khi còn là cậu sinh viên năm nhất khoa Luật của trường Đại học Harvard, Roger luôn xem giáo sư James Landis (lúc đó đương chức trưởng khoa Luật) là người thầy tài giỏi nhất trong trường. Chính thầy đã dạy cho các sinh viên của mình về luật khế ước nhưng sau đó, vì bất cẩn mà thầy đã không kê khai đầy đủ với giới chức liên bang về mức thu nhập của thầy trong nhiều năm. Việc làm này bị quy kết là phạm pháp. Sau đó, giáo sư James Landis đã bị các cơ quan chức năng điều tra, buộc tội, bị kết án tù và bị khai trừ khỏi nghiệp đoàn luật sư. Từ thực tế đó cho thấy khó có thể định trước địa vị của một người thay đổi ra sao, nhưng chắc chắn sự thay đổi đó có một phần do bản thân chúng ta tạo ra.
NHỮNG LỜI KHUYÊN
Bây giờ, chúng ta hãy quay trở lại với trường hợp xảy ra trong bệnh viện đã đề cập ở đầu chương. Chúng ta có thể thấy rõ nguy kịch và hậu quả mà bệnh nhân đã phải gánh chịu đến từ mâu thuẫn giữa người y tá và vị bác sĩ. Là người ngoài cuộc, chúng ta sẽ cùng đưa ra những lời khuyên dành cho y tá, bác sĩ và cả ban quản lý bệnh viện nữa cũng như để bản thân tránh những trường hợp sai lầm đáng tiếc tương tự.
Lời khuyên dành cho y tá
Cô y tá không nên bỏ qua tầm quan trọng cũng như mức độ liên quan của địa vị bản thân đối với các nhu cầu cụ thể của người bệnh. Với nhiệm vụ và vai trò của mình, khi có những thông tin quan trọng cần thông báo hoặc bổ sung, cô phải cung cấp rõ ràng và kịp thời. Không vì địa vị thấp hơn và bị bác sĩ xem nhẹ mà cô phải nhún nhường để rồi phớt lờ cả những thông tin thiết yếu.
Để hạ cơn giận đang bộc phát, cô có thể thử đặt mình vào địa vị của bác sĩ để hiểu cảm nhận của anh ta. Khi đó cô có thể hiểu được bản thân của người bác sĩ này mới vừa tốt nghiệp, hãy còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Chỉ cần nắm bắt được những điều này, cô sẽ không phải để nỗi tức giận hành hạ mình đến vậy và cũng không để những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Lời khuyên dành cho bác sĩ
Trong trường hợp này, vị bác sĩ trẻ ngoài việc bỏ ra vài phút để hỏi han bệnh tình và đọc lướt hồ sơ bệnh án, anh nên quan tâm lắng nghe báo cáo của y tá thường trực bên bệnh nhân.
Để làm tốt công việc của mình và đảm bảo có phương pháp điều trị cho bệnh nhân thích hợp, anh cần phải tham khảo ý kiến của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện. Anh phải tỏ rõ thiện chí lắng nghe ý kiến và nhìn nhận vai trò quan trọng của người trực tiếp theo dõi tình hình bệnh nhân là cô y tá. Anh cần phải tôn trọng quan điểm, nhận định của người y tá để xây dựng nên mối quan hệ hợp tác giữa đồng nghiệp với nhau, và từ đó nâng cao hiệu quả cho công việc chung.
Lời khuyên dành cho ban quản lý bệnh viện
Bệnh viện vốn là môi trường mang dấu ấn đậm nét của tập quán phân định địa vị xã hội. Do đó, bệnh viện cần phải xúc tiến và triển khai một chính sách mới bằng cách lấy bệnh nhân làm đối tượng trung tâm đối với tất cả đội ngũ nhân viên, từ ban quản lý, các y bác sĩ cũng như những nhân viên trong các bộ phận khác. Chính sách này có thể giúp mọi người nhận ra rằng họ có cùng một mối quan tâm, đó chính là sứ mệnh chăm lo cho sức khỏe con người. Nếu toàn bộ nhân viên trong bệnh viện cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau, tôn trọng địa vị của nhau, thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn rất nhiều.
TÓM TẮT
Danh hiệu, huy chương không phải là những món đồ trang sức cho tên tuổi của một nhà đàm phán giỏi hay nhân cách của một con người đáng được tôn trọng. Ở lĩnh vực này, có thể địa vị của bạn không sánh được với người khác nhưng ở lĩnh vực khác địa vị của bạn lại vượt trội hơn họ. Thế mạnh hay sở trường là thứ mà ai cũng có, chỉ có điều là chúng ta biết cách để phát huy nó thế nào cho hiệu quả mà thôi.
Do mỗi người đều chiếm giữ một vị thế riêng nên việc tranh giành địa vị lẫn nhau là hoàn toàn không cần thiết. Bạn nên tôn trọng địa vị của người khác trong những lĩnh vực thuộc chuyên môn của họ; song, bạn cũng cần thể hiện sự trân trọng đối với uy tín, địa vị bản thân trong các lĩnh vực sở trường cũng như các lĩnh vực mà bạn đã gặt hái được những thành quả nhất định. Để tranh thủ được sự đồng tình của người khác, bạn cần phải tỏ ra tự tin và hài lòng về bản thân, trân trọng những giá trị mình mang theo đến cuộc đàm phán. Nếu thật sự coi trọng và hài lòng với địa vị hiện thời, bạn sẽ không phải bận tâm về những gì người khác nghĩ về bản thân. Bên cạnh đó, khi biết nhìn nhận địa vị của người khác, bạn cũng sẽ nhận lại được điều tương tự từ mọi người.